TIA NẮNG MÙA ÐÔNG
Trương Văn Dân
Phải chi khóc được thì lòng tôi sẽ vơi đi và thanh thản biết bao!
Nhưng nước mắt lại không thể đổ ra, còn lòng thì nóng như lửa đốt. Nỗi đau nhồi lên, tụt xuống theo nhịp đập của con tim rã rời. Mệt mỏi. Tôi như hụt hẫng, chơi vơi. Cái cảm nhận về một cuộc chia ly mất mát đã xô đẩy tâm hồn tôi vào một cõi ý thức lạ lùng : Nó xốn xang như một niềm hoài cảm, ray rức như một niềm hối tiếc và đớn đau như một vết thương vỡ ra. Toé máu. Rồi trong nỗi đau, những hình ảnh mà tôi tưởng đã không còn nữa, bỡi từ rất lâu, chúng đã lùi dần trong trí nhớ rồi hoàn toàn chìm khuất sau lớp bụi mỗi lúc một dày của thời gian, đột ngột hiện về.
Trước mắt tôi hiện lên một thằng bé chừng 7-8 tuổi, đầu cắt hói cua lẻo đẽo chạy theo người anh để đến nơi tụ họp về đêm. Ðó là bàn ping pong, nơi giải trí duy nhấtở một làng quê hẻo lánh. Nó luôn luôn hiện diện ở đó để cổ võ cho anh, cây vợt đầy triển vọng của làng. Trong lúc người anh đang say sưa trong trận đấu, nó gào la đến khản cổ hoặc lăng xăng chạy đi lấy banh cho đến khi mệt nhoài, nhưng không chịu về nhà, vì muốn đợi cho đến khi tàn cuộc. Nhưng đến một lúc nào đó thì mắt nó híp đi, và cuối cùng lăn đùng dưới bàn bóng, cong mình như con tôm, ngủ vùi, bất chấp những tiếng reo hay tiếng banh đập như trời giáng lên nền gỗ.
Nó thường ngủ ngon lành dưới bàn bóng, nhưng khi tỉnh giấc thì lại thấy mình nằm ở nhà, trong một căn phòng ấm cúng. Sau cuộc chơi, người anh trai đã nhẹ nhàng cõng em về, khẽ khàng đặt nó lên giường, chú ý không làm em tỉnh giấc...
Một hình ảnh khác lại nối đuôi theo.Khi anh trai vừa dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà, thằng bé đã kín đáo chuẩn bị từ lâu, vội vàng nhảy lên porte bagage để đòi theo cho bằng được.Với sự khác biệt gần muời tuổi, dĩ nhiên là người anh không muốn đèo thêm cái của nợ theo sau. Anh muốn được tự do tung tăng trên những con đường quê, len lỏi trong những khu vuờn cây xanh trái ngọt, vui đùa bên giòng sông, bờ suối, nhặt những chiếc lá ép vào vở học hay chọn những viên cuội nhỏ nhiều màu để đặt trên bàn viết... Nhưng thằng em khóc lóc, nhất quyết đòi theo. Cuối cùng, người anh cũng đành nhượng bộ. Thằng bé đắc chí vì thắng thế, mỗi lần anh đi đâu nó cứ được đi theo. Nó kiêu hãnh vì đã "buộc" được anh phải thương yêu và chìu chuộng nó.
Nhưng kể từ một hôm, thằng bé đã không còn đòi theo anh nữa.
Hôm đó, trên con đường đi vào Hầm Hô, dưới bóng mát một cây cổ thụ bên vệ đường, người anh trai đã dừng xe nghỉ mệt. Trong khi các bạn mình đang tha hồ phá phách và đi tìm hái những trái ổi thơm ngon, anh nó chỉ quanh quẩn bên gốc cây giông. Mãi lâu anh nó mới ngồi xuống và kéo nó ngồi theo. Ðôi mắt anh nhìn ra xa, lắng nghe tiếng đại bác từ xa vọng về rồi đột nhiên nghiêm mặt nói:
"Chắc em không biết là anh thương em lắm. Nhưng những lần đi chơi anh không dẫn em theo, em có biết tại sao không?" "Tại anh chẳng thương em. Anh ích kỷ, chỉ muốn đi chơi một mình", Ðứa bé nhanh nhẩu trả lời. Nét mặt người anh hơi cau lại, nhưng liền đó anh đã lấy lại bình tĩnh: "Không phải vậy đâu em. Chúng ta sống trong chiến tranh. Mỗi lần đi xa là mỗi lần nguy hiểm. Gia đình ta chỉ có hai người con trai - Lúc đó, đứa em trai út chưa sinh ra đời - chúng ta nên đi riêng, nếu xảy ra biến cố, ít ra cũng còn lại một người để lo cho gia đình. Ði chung, lỡ có chuyện gì cho hai đứa, ba má còn biết trông cậy vào ai?"
Thằng bé yên lặng, không biết đối đáp ra sao.
Ðó là lần đầu tiên mà người anh đã làm nó phải suy nghĩ và đặt nó trước tinh thần trách nhiệm.
Rồi những kỷ niệm đó qua đi, không ai còn nhớ và chẳng còn ai nhắc lại chuyện cũ. Những câu chuyện xưa tưởng đã thành cổ tích... Nhưng không biết những hình ảnh ấy đến từ ngăn nào trong ký ức... mà lúc nầy đang chờn vờn trước mắt tôi làm dĩ vãng xa vời đột nhiên sống dậy.
Tôi hồi tưởng lại quảng đời đã qua và như thấy lại anh tôi thời còn là một thanh niên vừa mới lớn. Vậy mà hơn ba mươi năm đã trôi qua! Thời gian thì dường như khoảnh khắc mà tang thương dâu bể đã chồng chất biết bao là nỗi niềm. Giờ, tôi biết viết những gì trước tin buồn vừa mang theo mộtnỗi đau quá lớn? Liệu những con chữ nghèo nàn của tôi có thể xoa dịu được những xốn xang buốt nhức? Nhưng các ý tưởng mù mờ cũng vẫn được dàn trải lên trang giấy như để thay thế một lời tạ từ, trong đó gói ghém những điều tôi muốn nói với anh và ba tôi mà lâu nay tôi chưa làm được.
Mười ba năm trước, ba tôi đã đột ngột ra đi. Ông đã vĩnh viễn mang theo trí tuệ và sự minh triết đi về bên kia thế giới. Rồi với sự ra đi của ông, chất keo gắn liền mọi thành viên trong gia tộc cũng mất theo, và những rạn nứt do lòng tham của vài thành phần...đã dẫn đến những mâu thuẩn không sao hàn gắn nổi. Bây giờ, cũng cùng với căn bệnh ngặt nghèo, anh cũng sẽ ra đi, mang theo lòng nhân ái và bao dungđi vào lòng đất.
Tất cả là một sự an bài của định mệnh chăng? Nhưng chúng tôi đã làm gì để định mệnh phải dành cho một sự sắp đặt tàn nhẫn đến mức này?
Tôi sẽ không thể nào nối kết và lý giải được mối liên hệ kỳ lạ giữa các tin buồn chưa báo và sự biết trước của người sắp sửa nhận tin. Thường, trên thực tế nó chỉ là những tín hiệu vô hình, nhưng người nhận lạicó cảm giác như một nguồn tin chính xác. Ðó là linh cảm huyền nhiệm của tình máu mủ? và những tín hiệu đớn đau thường được truyền đạt qua những đợt sóng mà không có dụng cụ nào bắt được nếu không phải là người trong gia đình? Tôi đặt nghi vấn đó là bỡi lúc báo tin cho các em bên Australia để xác nhận bệnh trạng của anh, đứa em gái đã nói ngay: gần tuần nay mắt trái em cứ giật liên hồi và người cứ nóng nảy. Em thấy lo lo nhưng cứ tự trấn an. Rồi khi anh gọi điện, em cảm thấy bàng hoàng và đất trời như sụp xuống. Giọng Xuân vẫn tiếp tục mà tai tôi như ù đi: "Tội nghiệp anh ba quá. Anh hy sinh để các em mình yên lòng đi xa để lo cho tương lai... còn anh, anh ở lại với chữ hiếu, chữ tình. Nhiều khi em nghĩ đến những hy sinh cao cả của anh, kết quả thật lớn lao nhưng vì nó trừu tượng, vô hình nên rất dễ lãng quên hay không nhận thấy. Dĩ nhiên là anh ba không bao giờ cần những tượng đài để phô trương hay minh chứng những việc mình làm,nhưng làm sao em quên được những giá trị thanh cao mà anh đã thực hiện cho gia đình. Ðã nhiều lần em muốn nói với anh những lời cảm ơn, tận đáy lòng, nhưng đến giờ phút này, cơ hội sắp hết mà em vẫn chưa nói được. Sao lòng em buồn quá,anh ơi!"
Hôm đó tôi lặng người đi trước máy điện thoại. Liệu chúng tôi có còn thời gian để nói lên tâm trạng đó với anh nữa hay không?
Bàn tay nắm chặt ống nghe,tôi muốn nói vài lời an ủi với Xuân nhưng chẳng biết nói gi bây giờ. An ủi nó hay an ủi mình... vì tất cả chúng tôi đều cùng gánh một nỗi đau! Cái định mệnh oan nghiệt thình lình phủ chụp lấy gia đình tôi... và chỉ trong một tuần lễ mà tất cả các hung tin, dự tính, lo nghĩ, hy vọng đều tan tành: đến nước nầy chúng tôi không còn biết phải làm gì, ngoại trừ việc chấp nhận những đớn đau và mất mát sắp tới như sự phũ phàng.
Tự dưng tôi nghĩ, giá mà thời gian đã ngừng lai cách đây vài tháng thì cuộc đời sẽ êm đẹp và hạnh phúc biết bao! Phải chi thời gian ngưng chảy để đừng bao giờ dẫn đến sự chờ đợi trong vô vọng như thế này! Trước những đổi thay vì công việc, tôi những tưởng là sau gần ba mươi năm sống ở Ý tôi sẽ về VIệt Nam làm việc và được sống gần anh. Tôi đã tin là sẽ thu xếp được nhiều điều, hầu có thể trút bỏ phần nào gánh nặng mà anh đã từng gánh chịu cho gia đình. Tôi cứ ngỡ là ở những năm tháng cuối đời mình sẽ tạo được điều kiện để anh được nghỉ ngơi và an dưỡng trong những ngày sắp tới...
Nhưng bây giờ tất cả đều vô nghĩa.
Tuy cố trấn an mình và mọi người hầu có thể bình tĩnh để đối phó với nghịch cảnh, nhưng khi nghĩ đến một ngày thật gần sẽ vĩnh viễn mất anh tôi vẫn thấy mình chòng chành như kẻ đang bước đi trên sợi dây căng ngang bờ vực thẳm.
Kỷ niệm ngày xưa, cùng với sự ý thức về một sự chia lìa vĩnh viễn sắp tới,vụt tràn đến như những nhát dao băm vằm lên tâm hồn tôi. Nó trở về giữa ban ngày, hiển hiện giữa ban đêm,làm tôi nhớ và thương anh tha thiết. Rồi nỗi đau cứ bám theo tôi như một ám ảnh không rời.
Ôi kỷ niệm! Lúc đó tôi chợt hiểu nó là thứ tài sản quý báu nhưng cũng khủng khiếp nhất của con người. Rồi có cái gì đó rất đắng đang trào lên, trào lên trong tôi,,, và cuối cùng oà vỡ và tan thành nước mắt.
Khi tôi về VN trong chuyến công tác thứ hai thì anh vẫn sinh hoạt bình thường. Những ngày trước đó chị đã cho anh ăn chay, và bắt đầu cho anh dùng curcumin, một loại bột vàng được ly trích từ nghệ, có tác dụng chống oxy hoá, chận đứng mọi tác động nguy hại của các gốc tự do và trong vài trường hợpcó khả năng làm thoái hoá u gan. Ðây là một khám phá vừa được công bố của viện Khoa học các hoá chất thiên nhiên và lần về VIệt Nam trước tôi đã tiếp xúc với tiến sĩ Trần Ðình Tỵ, tác giả phương pháp ly trích, để hỏi thông tin và xin được cung cấp thuốc.
Sở dĩ tôi bám vào hy vọng cuối cùng này vì trên thực tế không còn cách nào khác. Với tình trạng bệnh lý của anh, ý kiến của hầu hết các bác sĩ chuyên khoa là y học hiện đại đành phải bó tay. Các phương pháp hoá học trị liệu, giải phẫu hay thay gan... đều không thể thực hành và thậm chí còn làm nguy ngập thêm tình trạng. Thôi đành phó thác vào phương pháp này, dầu sao cũng có một cái gì đó để anh bám vào, đặt vào đó niềm tin và hy vọng, hầu tăng thêm ý chí để phấn đấu. Tôi đã không đắn đo thuyết phục anh dùng thuốc vì tin rằng nghệ là một thực phẩm đã được biết và xử dụng từ hàng ngàn năm qua, nên chắc chắn là không có tính độc hại hay phát sinh ra các phản ứng phụ, thường thấy ở các loại tân dược.
Nghe chị tôi kể lại thì anh đã bắt đầu"chịu" thuốc. Thời gian, kể từ lúc xét nghiệm CT scan xác nhận bệnh trạng, hơn một tháng trôi qua, anh vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường. Lòng chúng tôi khấp khởi mừng thầm. Biết đâu phép lạ đã và đang xảy ra,và anh sẽ tiếp tục ở lại bên chúng tôi rất nhiều thời gian nữa.
Có lẽ chuyến về ấy là một trong những lần ít õi mà anh em tôi đã nói được với nhau nhiều điều. Một buổi chiều, gió bên ngoài đang ù ù thổi và anh em chúng tôi nằm bên nhau tâm sự. Gọi là nói, nhưng thực ra anh chỉ lắng nghe, thỉnh thoảng mới gục gặt đầu hay xen vào một vài lời bình phẩm. Còn tôi thì nói với anh thật nhiều, như thể sau đó sẽ không còn cơ hội nào khác. Tôi nói với anh về những tồn tại trong cuộc sống, các cháu đã lớn anh không còn gì để bận tâm. Tôi khuyên anh hãy dành thời gian để nghỉ ngơi và tìm nơi tĩnh dưỡng. Chúng tôi bàn với nhau về "câu chuyện dòng sông" của Herman Hess để nói lên mỗi người có một định mệnh, và phải tự mình đi tìm chân lý, vì không ai có thể lo được cho ai. Chúng tôi bàn về lẽ sắc không của kinh bát nhã, về những thay đổi thành trụ hoại không để chấp nhận mọi kết quả mà cuộc đời đưa đến và không ai tránh khỏi. Chúng tôi nói về những ẩn ức nội tâm cần được giải toả, và tôi đã khuyên anh viết.
Ý nghĩ của tôi lúc đó là khéo léo dời những ý nghĩ và lo lắng về bệnh tật của anh vào những suy nghĩ khác, viết về những kỷ niệm xưa,thì anh sẽ quên đi tình trạng tật bệnh của mình. Anh sẽ sống bằng những cuộc đời khác nhau của các nhân vật được tạo ra từ óc tưởng tượng và làm giàu thêm vốn sống. Ngoài những trao đổi đó tôi còn lôi kéo anh vào những dự tính làm ăn của tôi trong tương lai ở VN, nhờ anh cố vấn trong chuyện kinh doanh, mua đất, xây nhà... Tôi mong rằng những lời lẽ ấy sẽ gián tiếp giúp anh cảm thấy là bệnh tình chưa có gì nguy ngập và anh vẫn còn có ích. Tôi mong là những hy vọng sắp tắt của anh sẽ được thắp sáng trở lại và anh sẽ "vịn" vào đó mà đứng lên, chống chọi lại định mệnh. Cuối cùng tôi khuyên anh kiên trì uống thuốc, để giúp cho lá gan của anh giải độc. Phải, tôi chỉ nhắc đến sự nhiễm độc của gan và hoàn toàn không nhắc gì đến ung thư, bởi tôi biết hai tiếng ấy sẽ gieo vào lòng người nghe một niềm tuyệt vọng, điều tối nguy cho người bệnh vì nó làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Tôi đã cương quyết dấu anh, cũng như mấy tháng qua đã cố tình dấu mẹ. Nói thật để làm gì? Ít ra cũng tiết kiệm được cho anh và cho mẹ những tháng ngày lo lắng và tuyệt vọng...
Bằng những lời lẽ thật hùng hồn, vì đã chuẩn bị cẩn thận từ trước, tôi cố gắng thuyết phục anh. Thấy anh yên lặng và mỉm cười tôi đã thấy an lòng. Nhưng những ngày sau đó, khi nghe chị tôi kể lại, tôi mới vỡ lẽ ra là anh đã ý thức rất rõ bệnh trạng của mình. Và thật tội nghiệp cho anh, cho đến cuối cuộc đời , anh đã giả vờ như không biết để tránh cho chúng tôi những bận tâm về anh.
Có lẽ điều an ủi cho tôi là tuy anh không cầm bút để viết những suy nghĩ của mình, nhưng anh đã đọc ngấu nghiến những quyển sách mà tôi từ Ý mang về, từ câu chuyện dòng sông và luận giảng về Bát Nhã ba la mật. Nhưng hai tập đặc san của cựu học sinh Cường Ðễ và Nữ Trung Học Qui Nhơn, số Xuân, ấn hành ở Mỹ, mới là niềm say mê của anh. Nghe chị tôi kể lại, thì từ khi tôi mang về, suốt ngày anh chỉ nằm và đọc đi đọc lại hai đặc san ấy.Chắc chắn những kỷ niệm của bạn bè xưa cũ, giờ mỗi người mỗi chân trời khác biệt, đã mang lai trong lòng anh những xúc cảm bồi hồi khi nhớ về quãng đời niên thiếu xa xưa.
Những ngày kế tiếp anh vẫn sinh hoạt bình thường nhưng sau đó thì bệnh tình bắt đầu chuyển theo chiều hướng xấu. Nhiều đêm anh không ngủ được vì cơn đau ở đùi trái bắt đầu hành hạ. Thời gian này mặc dù tôi còn ởSài Gòn nhưng buổi chiều ít khi tôi về nhà. Tôi chỉ căn dặn chị, là bất cứ giá nào cũng tránh cho anh những cơn đau đớn, cho anh uống thuốc giảm đau, nhưng tôi rất ít khi về. Thật ra không phải tôi bận đến nỗi không về được, nhưng vì lòng tôi đau đớn quá, tôi không muốn nhìn thấy anh đang vật vã mà chẳng biết phải làm gì, sự có mặt bên cạnh anh lúc đó chỉ làm tăng thêm cảm giác bất lực trong lòng tôi mà thôi. Và sự vắng mặt này, về sau đã mang đến trong lòng tôi rất nhiều ray rứt.
Sự tránh né ấy đã làm tôi vô cùng áy náy khi nhìn thấy tất cả bà con nội ngoại, những người thân quen, đã túc trực ngày đêm để săn sóc cho anh trong những ngày bệnh tật. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả, nhất là gia đình cô ba, các em Năm, Hương, Sương, Lợi, Nhung, Ðịnh... bằng chuyên môn y học cộng với lòng quý mến đã hết lòng giúp đỡ anh trong những lúc khó khăn. Tình cảm cao quý ấy ít khi tôi thấy được suốt nhiều năm sinh sống ở nước ngoài. Tôi và gia đình sẽ ghi nhớ mãi.
Một ngày chúa nhật tôi trở về nhà để thăm anh. Tôi không làm sao quên được buổi trưa hôm đó. Ăn vội vã vài chén cơm lưng, anh than mệt rồi đi nghỉ. Lúc đầu tôi để yên cho anh nghỉ ngơi, nhưng sau đó tôi vào phòng anh, lúc nầy chị tôi đã có mặt ở đó. Tôi yên lặng nhìn dáng anh gầy guộc, co đôi chân khẳng khiu, thu hình nằm nghiêng, tựa mình lên vai phải. Tập đặc san Cường Ðể Qui Nhơn hình như vừa mới buông ra khỏi bàn tay trái; Anh đang thiêm thiếp trong giấc ngủ nặng nề. Tôi khẽ khàng ngồi xuống bên một góc giường rồi chăm chú nhìn anh, nhìn chị.
Có lẽ suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên được cái nhìn của chị dâu tôi: đó là cái nhìn đầy âu yếm và ưu tư, rồi tôi thấy chị kín đáo đưa tay lau khô những giọt nước mắt đang lặng lẽ rơi. Tôi âm thầm quan sát rồi tự hỏi những ý nghĩ nào vừa thoáng qua trong đầu chị. Phải chăng đó là sự ý thức rằng một ngày nào đó cái hình hài nằm co quắp và nhỏ bé của anh... một ngày nào đó sẽ không còn nữa? Cái đường viền ranh giới của thể xác và không gian xung quanh sẽ mờ dần, mờ dần, loãng đi trong bóng đêm, trộn lẫn vào nhau rồi vĩnh viễn biến mất. Và trên cõi đời cô độc này chị sẽ lẻ loi còn lại một mình.
Có lúc tôi bất chợt nhìn thấy đôi mắt của chị tuy vẫn nhìn anh, nhưng lại mất hút trong một khoảng không xa thẳm, tôi thầm hỏi những hình ảnh nào đang hiện lên trong trí chị. Những lần hẹn hò trên bờ biển Qui Nhơn, những chuyến đi chơi trên tu viện Nguyên Thiều? Hay những buổi tung tăng trên đồi thông Ðà Lạt trong tuần trăng mật của ba mươi năm trước? Hay đơn giản chỉ là hình ảnh hai vợ chồng ngồi bên nhau, nhìn đứa con đầu lòng trong ngày lễ thôi nôi ở Phú Phong? Hoặc lần bồng đứa bé thứ hai lên thăm bà con ở Pleiku, chuyến đi cuối cùng trước khi miền cao nguyên đang bắt đầu những rạn vỡ cho cuộc đổi đời trên đất nước? Hình ảnh nào đã trôi qua, hình ảnh nào đang ngưng lại, rõ nét, trước khi nhường chỗ cho những hình ảnh khác tiếp nối theo sau? Có thể tất cả những hình ảnh, âm thanh, hương vị... có cả không gian và thời gian trong suốt cuộc tình mà hai ngừơi đã âu yếm và chung sống bên nhau sẽ không theo một trật tự nào, cái nọ chồng chất cái kia. Và chị sẽ vô cùng xót xa khi ý thức được rằng tất cả những thứ ấy, những hình ảnh ấy... một ngày kia, một ngày kia ... đối với chị sẽ chỉ là kỷ niệm. Một thứ kỷ niệm được ấp ủ và đóng kín trong trái tim khô héo và rách nát của mình ...
Tôi yên lặng nhìn chị. Những ngày qua, tôi không dám nói gì , cố tránh đề cập đến tình trạng và diễn biến bệnh lý của anh với những người thân, nhưng làm sao tôi không nhận thấy cái bụng của anh cứ lớn dần lên. Nó lớn theo nỗi đau của tất cả chúng tôi trong khi niềm hy vọng thì mỗi lúc một thêm bé lại. Và vơi đi. Tôi nhìn chị đang hất mái tóc dài ra trước mặt để che dấu những giọt lệ bắt đầu ứa ra từ đôi mắt đỏ hoe và tôi cố cắn răng để nổi đau trong tôi khỏi phải bật ra thành tiếng. Tôi phải cố trấn tĩnh vì nếu tôi quỵ ngã trong lúc này chắc gia đình sẽ chẳng còn biết nương dựa vào ai. Nhưng toàn thân tôi sao cứ rung lên. Bần bật.
Tôi đứng lên, bước sát đến bên anh, tôi đặt nhẹ một bàn tay lên vai anh và nhìn anh đang thiêm thiếp trong giấc ngủ trưa. Tôi lẳng lặng quan sát anh và lần đầu tiên trong đời tôi, tôi nhận thấy trên khuôn mặt anh có nét cam chịu đến kỳ lạ. Khuôn mặt đó tôi chưa từng thấy ở bất kỳ một người nào. Hình như đó là những nét đặc biệt của tấm lòng hy sinh, và tôi có cảm tưởng như những tinh thể cao quý nhất đã tích tụ và kết tủa trên đó. Không hiểu sao trước đây những đường nét ấy lại không hiện lên rõ nét? Có lẽ nó chỉ mong manh như một làn sương mỏng phảng phất trên đầu núi hoặc một thứ cầu vồng bảy sắc mà người ta chỉ có thể bắt gặp trong một phút giây đặc biệt nào đó mà thôi...
Tôi nhìn anh và những ý nghĩ về anh vụt hiện lên trong trí tôi. Ðôi khi tôi cảm thấy mình có lỗi với anh, người mà tôi thương mến nhất trong gia đình, dù tính tính giữa hai anh em có nhiều khác biệt nên ít khi anh em có thể nói được những tình cảm trong lòng. Tánh tôi hời hợt và nóng nảy, đôi khi nông cạn, còn anh, chậm rãi nhưng thâm trầm, ít nói và mọi tình cảm chỉ thu lắng vào trong...
Tội nghiệp anh quá. Suốt cuộc đời hình như anh chỉ có một thời gian nhỏ an lành, còn lại chỉ là những khó khăn, chịu đựng: Anh sinh lúc gia đình còn nghèo túng vì mới tản cư về. Ðể cho anh có điều kiện ăn học, ba má tôi phải gửi anh lên ở trọ và phụ việc ở nhà một người bà con ở khá xa.... Hoàn cảnh của anh khác xa với tôi, vì lúc tôi sinh ra gia đình đã bắt đầu sung túc. Có lẽ vì thế mà chúng tôi có tâm lý khác nhau. Anh dè sẻn chắt chiu, còn tôi thì luôn luôn hoang phí, ít khi nghĩ đến ngày mai...
Khi anh học những năm cuối cùng ở bậc trung học, ba má tôi có ý định cho anh qua Paris du học thì chiến tranh đã giữ chân anh lại. Ði lính,và sau ba năm cải tạo trở về, tính anh càng thêm khép kín, anh ít nói hơn xưa, dù trướcđó anh cũng chỉ cười và thay lời bằng một nụ cười nhân ái.Tuy ít nói nhưng chính sự yên lặng đã nói thay cho anh. Suốt đời anh chỉ hy sinh và quan tâm cho người khác nên ít khi nghĩ đến bản thân mình. Hai muơi năm trước anh đã trụ lại để các em yên lòng ra đi vì không ai có thể chia lìa quê hương khi cha mẹ đã quyết lòng ở lại, không muốn bỏ thân nơi đất khách quê người. Anh đã không hề ngần ngại, đắn đo, sẵn sàng đứng lại, hạ xuống, như một đối trọng, cho các em ra đi, để bay lên.
Tôi còn nhớ mãi mùa hè năm 1981, khi tôi về thăm nhà lần đầu tiên sau muời năm sinh sống ở Ý. Lúc đó các em tôi vừa mới vuợt biển ra đi. Những lần đi chơi với anh, bạn bè hay người quen của anh thường hỏi: Ủa, mầy mà còn ở lại sao? nhưng anh chỉ cười cười, không đáp.Thú thật lúc đầu tôi cũng giống nhiều ngườiquen khác, cứ nghĩ sở dĩ anh nhút nhát, sợ những hiểm nguy trên đường vượt biển nên đã cam lòng ở lại. Nhưng tôi đã lầm. Tôi đã vô tình nên đã không nhìn thấy những đau xót của anh khi mọi người đều tưởng anh đã "đi" từ lâu rồi.
Ðiều đó cũng dễ hiểu, vì mặc dù có những mất mát to lớn về tài sản, nhưng lúc ấy nhiều người vẫn biết là gia đình tôi cũng không đến nỗi không trang trải nổi "lộ phí" cho anh. Tôi không biết anh có đọc được những ý nghĩ trong đầu tôi không, mà những ngày sau anh dẫn tôi đến tiếp xúc với khá nhiều chỗ tổ chức ra đi, hỏi giá cả... Lúc ấy tôi mới dám hỏi tại sao anh không đi và anh đã đáp một cách tỉnh bơ, không màu mè: "Nếu tất cả đều đi hết thì ai sẽ lo cho ba má lúc về già". Nước mắt tôi ứa ra vì cảm động. Và xấu hổ.
Suốt đời anh, anh luôn chấp nhận mọi thua thiệt, nên người ta dễ tưởng anh là một người yếu đuối, thụ động. Mãi đến lúc đó tôi mới hiểu đó mới chính là sức mạnh. Sức mạnh của sự hy sinh, quên mình, xả thân cho người khác mà không hề đắn đo, suy tính, dù vẫn biết cái giá mà mình phải trả. Ðó là lòng can đảm. Không có một sức mạnh nội tâm, không thể nào làm nổi. Cứ thế, tất cả những tình cảm trang trọng anh đã trao cho tất cả chúng tôi và gia đình, hiến dâng cho đến cạn kiệt mọi sinh lực, cho đến khi tử thần đến gõ cửa anh vẫn bình thản đi theo với đôi bàn tay trắng mà không chút so đo. Tôi nghĩ đến anh và có đôi lần tôi có ý nghĩ là hình như anh đã phải gánh chịu những hẩm hiu, rủi ro thay cho tất cả chúng tôi. Và những lúc đứng trước giường bệnh của anh, tôi thấy tất cả anh em chúng tôi đều có lỗi.
Cái lỗi nặng nhất của chúng tôi có lẽ là đã để anh đối phó một mình với những tồn tại trong gia đình: Lúc còn sinh tiền ba tôi đã giao cho một người trong gia tộc tạm giữ căn nhà của gia đình với lời cam kết là khi anh em chúng tôi cần thì sẽ trả lại. Lợi dụng sự qua đời của ba tôi và người thừa kế là một kẻ hiền lành như anh nên "người bà con" đã lật lọng, phản bội cam kết để chiếm hữu căn nhà. Tồn tại ấy chắc chắn đã làm anh mệt óc và khó xử.
Nhưng chúng tôi ở quá xa, kẻ ở Ý, người ở Úc, nào biết phải làm gì hơn. Mỗi quyết định của chúng tôi sẽ làm mất đi thời gian tính. Còn những người thân khác, kẻ thì cúi mặt cầu an, tự xem đó là một thái độ khôn ngoan, người thì làm rối thêm rồi buông xuôi một cách hoàn toàn vô trách nhiệm. Và nỗi đau lớn nhất trong tôi là những tráo trở, gian tham của vài thành phần trong gia tộc. Họ đã lợi dụng lòng nhân ái của anh để thủ lợi, trong đó kẻ dẫn đầu là một người rất được tôi thương mến, kính yêu như một thần tượng suốt thời thơ ấu. Trong ngon lửa bốc cao của đám cháy nhà có những con chuột bất thần lao ra ánh sáng và những lớp sơn son thếp vàng của tượng thần bỗng ào ào đổ xuống. Tôi ngỡ ngàng nhận ra đó chỉ là một khúc gỗ mốc meo!
Nhưng cuối cùng thì trong cuộc tranh chấp ấy anh đã thắng. Bởi chính nghĩa trước hoặc sau cũng hát khúc khải hoàn. Và một người "thân", không biết làm gì hơn đã hét vào mặt anh là "thằng nguỵ" chỉ vì anh đã lớn lên và trưởng thành ở phần đất phía bên này!
Có lẽ nỗi đau này đã dày xéo tâm hồn trong sáng của anh. Nó làm héo hắt con tim của anh trước sự đổi thay của nhân tình thế thái. Tôi nghĩ anh đã gánh chịu thay cho tất cả chúng tôi một nỗi xót xa quá lớn bằng tấm thân gầy còm và nhỏ bé của anh.
Cũng như Xuân, tôi muốn nói lên lời cảm ơn anh. Lời cảm ơn thốt ra tận đáy lòng.Nhưng nhìn anh thiêm thiếp, tôi chỉ biết cúi mặt, quay đi rồi lặng lẽ bước ra khỏi phòng.Có lẽ niềm an ủi duy nhất của anh là Thái, đứa con trưởng của anh đang du học tại Ý vừa tốt nghiệp bác sĩ và đã về kịp để thăm anh. Những ngày trước đó vợ chồng tôi chỉ nói sơ là ba của cháu đang bệnh nhưng hoàn toàn không đề cập gì đến tình trạng của anh để cháu khỏi bị phân tâm và khuyên cháu nên tập trung tinh thần để hoàn thành luận án.
Ngày gặp lại cháu, giờ này đã là một bác sĩ trẻ, anh rất vui và mãn nguyện. Hai tuần sau cháu Thái, tôicũng vềViệt nam trong chuyến công tác thứ ba. Những ngày này sức khoẻ anh vẫn bình thường và cơn đau ở đùi trái cũng đã giảm bớt cường độ. Trông thấy anh vui vẻ vì gia đình đoàn tụ, lòng tôi cũng thấy vui lây. Rồi cơn đau trong xuơng đột ngột biến mất, như chưa bao giờ xảy ra. Như những cành cây đột nhiên không còn rung nữa vì gió đã ngừng. Chúng tôi thật vô cùng mừng rỡ.Nhưng có ai ngờ rằng đó chỉ là sự yên lặng trước cơn bão tố. Hai ngày sau, đang sinh hoạt bình thường, bỗng nhiên anh ú ớ rồi đột ngột chìm vào hôn mê.
Mặc dù không ai báo tin, vì những ngày trước đó anh chưa có triệu chứng gì bất thường, nhưng có lẽ do linh tính mà Xuân từ Sidney đã mua vé may bay về kịp ngay chiều hôm ấy. Lúc Xuân về thì anh đã tỉnh lại, anh đã nhận ra Xuân và tôi. Tôi cố gượng nói vài câu pha trò để làm giảm không khí căng thẳng và lo âu đang vây phủ căn nhà. Anh cũng bật cười khi nghe nói là hôm ấy tổng thống Clinton nghe anh bệnh nên cũng từ Hà Nội bay vào Sài Gòn để thăm anh.
Sau khi nằm nghỉ được một lát, anh tỉnh lại và mở mắt nhìn khắp luợt trong gian phòng. Ánh mắt anh nhìn lũ chúng tôi đang rớm lệ quây quanh giừơng bệnh. Anh im lặng, xa vời, hình nhưcố lục tìm trong trí nhớ những kỷ niệm nào đó đã xa mờ. Lúc đó tôi thầm hỏi là anh đã nghĩ gì trong đôi mắt gần như lạc thần đó? Dường như có tiếng nói thầm lặng mà tôi tưởng đã nghe rất rõ: "Các em ơi, chắc một lúc nào đó anh sẽ từ giã cõi đời, nhưng lòng anh vẫn yêu các em thắm thiết. Dù sẽ đi về một thế giới khác nhưng anh sẽ mãi chở che và bảo bọc các em và tất cả những người thân. Anh sẽ mãi mãi nhìn thấy các em như lúc này đây, nhưng sẽ chẳng còn ai nhìn thấy anh đâu!"
Hình như lúc ấy tôi chỉ nghe văng vẳng trong không gian lời tự tình tha thiết đó chứ không hề cảm nhận một sự bi quan nào. Bỡi ánh mắt mà anh nhìn chúng tôi chỉ có sự thiết tha nhưng bình thản trước thử thách tột cùng của đời người. Tất nhiên tôi không hề nghĩ là anh đã vượt qua được nỗi bi thương của chuyện tử sinh, tan hợp. Nhưng quả thật tôi không thấy trong cái nhìn đó một nét kinh hoàng nào của người đang run lên vì hãi sợ. Suốt đời anh, anh chỉ sợ sống mà đánh mất phẩm giá hay làm phiền người khác. Anh thường nói là ngôn ngữ có thể đánh lừa được mọi người, và có lẽ vì thế mà suốt đời anh chỉ thích chứng minh bằng hành động.
Những ngày sau anh cứ nửa tỉnh nửa mê. Ðiều an ủi duy nhất cho tôi là anh không phải vật vã vì những cơn đau dù anh đang đi giữa lằn ranh rất mơ hồ giữa sự sống và cái chết. Một sáng chúa nhật tôighé về nhà thăm thì anh đang chìm trong cơn mê. Thân nhiệt anh đột ngột lên cao và hơi thở trở nên vô cùng nhọc mệt. Tôi ngồi bên giường, cầm tay anh mà lòng đau như cắt. Ngồi bất động trên giườngnhưng tôi cứ thấy mình hụt hẫng, chơi vơi. Cái cảm nhận về một cuộc chia lìa vĩnh viễn đã xô đẩy tâm hồn tôi vào một sự tuyệt vọng. Tôi thấy thân thể mình rã rời, toàn thân như một vết thương vừa vỡ ra. Toé máu.
Trong sự yên lặng ngột ngạt ấy, ngoài âm thanh duy nhất là hơi thở dồn dập của anh, đầu óc tôi mông lung với nhiều ý nghĩ, rồi không hiểu sao tôi lại nhớ buổi đối thoại với Thạnh, từ London gọi về để thăm anh sáng hôm ấy. Giọng Thạnh nghẹn ngào trong nước mắt:
"Nếu có một điều ước bây giờ thì em chỉ mong muốn ngồi bên cạnh giường của anh ba, để chăm sóc cùng với anh em trong nhà, để nói cho anh ba biết rằng em thương anh ba nhiều lắm. Giờ đây ngồi nghĩ lại, em cảm thấy mình có nhiều thiếu sót với anh ba lắm. Lúc khoẻ mạnh gặp nhau tay bắt mặt mừng, trò chuyện với nhau, không bao giờ nghĩ đến chuyện có thể xảy ra bất ngờ như ngày hôm nay, để tâm sự, nói cho nhau nghe được tình thương yêu của anh chị em để rồi lúc có ra đi cũng mãn nguyện với tình cảm của tất cả những người chung quanh mang lại. Mấy ngày nay, cái tâm trạng rối loạn của em bây giờ cũng giống như lúc ba em bị bệnh, mặc dù anh ba chỉ là một người anh họ. Nhưng cái tình cảm gắn bó giữa hai gia đình, cái bản tính hiền hậu của anh ba, cái tình cảm của anh ba với mọi người đã nhiều lần làm em vô cùng xúc động. Thương anh ba nhiều lắm vì anh ba còn quá trẻ để bị chứng bệnh ngặt nghèo nầy. Mấy ngày nay, em đứng ngồi không yên.Mọi câu chuyện của vợ chồng em lúc nào cũng hướng về anh ba, ngay chính khi đi làm em cũng không thể tập trung được. Có lúc em mơ thấy mình về Việt Nam để chăm sóc cho anh ba, chợp mắt dậy, vội gọi điện về nhà để hỏi thăm sức khoẻ của anh ba thế nào. Có ngày em gọi điện đến hai lần. Chính ngay lúc này đây, em vẫn không tin những ngày nầy là những ngày cuối của cuộc đời anh ba. Bây giờ biết nói gì đây, vợ chồng em xin cùng được chia xẻ nỗi đau của gia đình anh bên đó, mặc dù biết rằng mọi người đang chuẩn bị tinh thần để chờ anh ba ra đi, nhưng không ai không xúc động, bùi ngùi, đau xót khi sự thật xảy ra. Em hiểu tâm trạng đó vì cái chết của ba em trước đây vài tháng cũng không khác gì. Một điều em cầu nguyện rằng, một phút nào đó anh ba tỉnh dậy, biết rằng tất cả anh chị em, bà con thân thuộc lúc nào cũng bên cạnh anh ba, tình cảm thật là đầm ấm để rồi lúc anh ba ra đi cũng thanh thản tâm hồn.
Tôi không biết nói gì với Thạnh, và đã buông rơi điện thoại. Rồi những giòng nước mắt bao lâu kiềm chế bỗng ào ào tuôn xuống. Trưa đó tất cả những người thân, kẻ đứng người ngồi đều yên lặng vây quanh giường bệnh của anh. Tôi lẳng lặng nhìn tất cả mọi người. Tuy không ai dám nói nhưng tất cả đều ngầm hiểu là chỉ sau một thời gian ngắn nữa anh sẽ vĩnh viễn từ giã chúng tôi. Biết, nhưng không khỏi ngậm ngùi và đau xót.
Cuộc sống thật kỳ lạ, cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Mấy tháng truớc anh em tôi còn vui vẻ bên nhau, còn bây giờ thì anh đang chuẩn bị cho một cuộc hành trình vô định. Không ai có thể biết anh sẽ đi về đâu, đến một chốn nào. Lòng tôi thật buồn, nhưng cũng có lúc nỗi đau tạm lắng, thì tôi chợt hiểu là trong cuộc sinh ký tử quy, thì cuộc hành trình đó là mộtchuyến đồng hành với tất cả mọi sinh vật trên thế gian; Tất cả đều được an bài theo một quy luật đã từ lâu phát hiện trong vòng thành trụ hoại không của nhà Phật. Nhưng nhìn thấy sự tuyệt vọng của mẹ, lòng tôi lại rất đỗi xót xa. Ðó là sự tuyệt vọng không hề nhuốm một giọt nước mắt, được khoả lấp bằng một sự bình tĩnh đến kỳ lạ, bắt nguồn từ một niềm tin vào chư Phật. Niềm tin của mẹ quá lớn, đến nỗi nó có thể lấn át và che dấu tất cả những đớn đau. Có lúc tôi nghĩ nếu mẹ khóc được thì có lẽ tôi đỡ lo sợ hơn về sự gục ngã của bà, nhưngsau đó tôi lại tin rằng, chính nhờ ở niềm tin tuyệt đối này mà bà có được thái độ cứng rắn và điều nầy lâu nay đã kéo dài tuổi thọ cho bà.
Mấy ngày qua mẹ đã lôi cuốn tất cả, bác sĩ, bà con, chạy lên chùa để cầu nguyện hoặc mời thầy về nhà để cầu an... Những lúc anh hôn mê, mẹ dặn chúng tôi: "niệm Phật đi" rồi mẹ kề sát bên tai anh để tụng kinh hay niệm Phật. Tôi không biết anh tôi có nghe được không, nhưng nếu thể xác không nghe thì chắc linh hồn anh cũng cảm nhận được lời nguyện cầu thiết tha của mẹ để bình thản ra đi mà không hề hối tiếc. Tôi nhìn mẹ ngồi bẹp xuống như quỳ gối để áp sáp miệng vào tai anh, và tiếng niệm kinh của bà vang lên trong căn phòng vắng lặng như một lời thì thầm... và có lẽ đây là hình ảnh bi thương nhất mà đời tôi phải chứng kiến. Một người mẹ ý thức rằng sự sống của con mình đang tắt dần nhưng hoàn toàn bất lực và không thể làm gì hơn... tôi biết người đàn bà này nếu có thể sẽ không ngừng lại trước bất kỳ một trở ngại nào để giành lấy sự sống cho con mình trước bàn tay ma quái của định mệnh.
Sự hy sinh vô bờ bến của bà cho tất cả các con đã chứng tỏ trong suốt cuộc đời... trong một thoáng tôi nghĩ cuộc đời sao mà oái ăm.., bỡi chính mẹ, với tất cả tình yêu mà bà đã dành cho anh,trong một chừng mực nào đó, sau cái chết đột ngột của ba tôi, bà đã hụt hẫng như một kẻ mất thăng bằng và không còn chỗ dựa, đã tạo cho anh và gia đình khá nhiều vấn đề. Ðã có lúc tôi nghĩ rằng anh tôi chính là nạn nhân của một tình yêu mênh mông và sau đó bị đăt vào những trách nhiệm quá to tát. Những trách nhiệm ấy, anh đã phải gánh lấy dù chỉ muốn tách ra bên lề...
Tôi lẳng lặng nhìn mẹ tôi. Lúc ấy bà cũng đang nhìn anh thoi thóp thở trong nhọc mệt, khuôn mặt bắt đầu héo tàn như chiếc lá đang vần vũ rung động trên cao, chờ cơn gió mạnh sẽ rời cành để bay về một nơi chốn nào đó xa xôi. Cạnh đấy, chị tôi đưa tay vuốt mắt, quay ra nhìn những chiếc lá cuối cùng của mùa thu đang bay tơi tả qua khung kính của chiếc cửa sổ khép hờ...
Rồi anh đi. Ra đi trong vòng tay của tất cả những người thân. Những đứa em từ khắp nơi trước đó đã đổ xô về và đang quẩn quanh bên giường bệnh. Anh đã vĩnh viễn trút hơi thở cuối cùng khi lồng ngực gầy nhom không còn thoi thóp, đột ngột dừng lại dưới cái nhìn buồn thảm và tuyệt vọng trong tròng mắt quầng sâu của hai người đàn bà bất hạnh,mẹ và chị dâu tôi.
Chú ơi! Tôi đứng bật dậy từ phòng bên khi nghe tiếng gọi thất thanh của Thịnh, con trai anh. Nga, đứa em gái của tôi cũng vội chạy lại, nhưng trước khi đến chỗ anh nằm thì nó quỵ xuống.Nga bấu vào vai tôi cho khỏi ngã rồi khóc lên nức nở. Mấy năm trước giữa tôi và Nga có một vài mâu thuẫn và tôi hãy còn buồn nó nhưng lúc ấy, tôi thấy mọi việc như không còn nghĩa gì và sự bực tức cũ, trong một thoáng đã bay đi. Tôi đỡ Nga đứng dậy, rồi nổi đau của tất cả chúng tôi, đột ngột, như hoà chung trong tiếng cầu kinh đều đều của mẹ.
Thẫn thờ nhìn mọi người đang tất bật chuẩn bị tang lễ, bỗng nhiên tôi muốn được quỳ xuống bên giường, nắm lấy tay anh lần cuối và được gào lên:
Anh ba ơi? Bây giờ anh ở đâu? Anh đã từ chối vựơt biên để lo cho các em đi, vì cha; Anh đã từ chối đi sang Mỹ theo diện H.O vì mẹ; Nhưng bây giờ thì anh đã ra đi. Anh đã thật sự ra đi rồi. Những giác quan của anh đã vĩnh viễn khép lại với thế giới hữu hình. Ngày mai, ngày mai chúng em sẽ phải làm gì? Ngày mai, những đàn chim kia sẽ hót líu lo nhưng anh sẽ không còn nghe nữa, Những cánh bướm sẽ nhởn nhơ bay luợn trên bầu trời, khoe đôi cánh muôn màu rực rỡ, luợn đi luợn lại trên những đóa hoa vạn sắc, nhưng anh sẽ không còn thấy nữa, anh cũng sẽ không còn thưởng thức được những mùi hương thoang thoảng bay trong gió... Ngày mai... Giòng sông Côn của thời thơ ấu sẽ vẫn chảy dưới chân cầu Ðá Hàng, đàn cá Hầm Hô sẽ vuợt vũ môn để hoá rồng, hay nhởn nhơ bơi lội...nhưng anh sẽ về một nơi chốn nào đó xa xôi. Tiếng gió trên cao nguyên bạt ngàn Pleiku vẫn thổi vi vu trên những đồi thông mà anh đã từng tung tăng suối thời thơ ấu, bãi biển Qui Nhơn những trưa hè vẫn còn lộng gió, thổi cát bụi mịt mù,nhưng sẽ không còn dấu chân anh vì những đợt sóng đã vĩnh viễn xóa tan trên cát... Trên trời cao, mặt trời ngày mai vẫn chiếu sáng, rồi đêm về với những tinh tú lấp lánh trên không. Rồi tất cả bạn bè anh, những người quen vẫn tiếp tục cuộc hành trình vô định của kiếp nhân sinh, mỗi người theo một cách vui buồn của riêng tư... tất cả đều tiếp tục sinh sống, tất cả đều băn khoăn, lo nghĩ, tất cả đều có mặt trên thế gian này. Trừ anh.
Ngày mai... Ngày mai... tiếng cầu kinh của mẹ lúc nửa khuya anh sẽ không còn nghe nữa, bóng dáng chị tựa tay trên thành cửa sổ nhìn về phía xa mờ anh đâu còn thấy nữa. Thái Elena sẽ chờ anh ở Ý, Nguyệt, Xuân Minh sẽ chờ anh ở Sidney, Thạnh Mỹ ở London, thầy Quảng Bình ở Ðan Mạch và còn bao nhiêu bè bạn khác, Anh Sơn, Nhơn...sẽ còn đợi anh ở California, ở Toronto... tất cả sẽ đón chờ anh trong chuyến viếng thăm sắp tới... nhưng anh sẽ không bao giờ đến nữa. Hoặc là anh đã đến rồi? Anh đã ra đi theo chiều không gian thứ tư mà người trần không sao biết được? Anh đã về cõi vĩnh hằng. Bây giờ thì anh đã ra đi, giã từ bến trần gian trước các em, trước cả mẹ. Anh đã đi vào cõi hư vô. Hoà mình vào vũ trụ. Và anh ơi , chắc nơi đó anh sẽ được gặp lại ba... Vậy em xin anh nhắn với ba là, sau những thăng trầm dâu bể, đại gia đình đoàn kết của chúng ta vì những lý do ngoài ý muốn phải phân ly mỗi người mỗi ngã, nhưng sớm muộn gì thì một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ gặp lại nhau. Anh nhớ cho em gửi lời hỏi thăm ba, nói với người là từ ngày ba khuất mặt, tâm hồn em hụt hẫng và lạc lõng vô cùng. Niềm tin tuyệt đốitrên đời này em không còn biết đặt vào ai. Em như chiếc lá, rơi, rơi mãi xuống lòng vực sâu và mãi đến giờ vẫn chưa chạm đáy. Những tâm sự thầm kín em không còn biết tỏ cùng ai, những bức thư dài hằng mấy chục trang... em không còn biết viết cho ai nữa. Em dồn nén nó trongtrái tim mình, không sao thoát ra ngoài được. Anh cho em gửi lời thăm và ôm lấy ba mà hôn, cho em, anh nhé...
Thôi giờ anh hãy đi đi. Hãy đến một nơi mà chưa ai biết đó đểđợi các em, giờ, em chỉ xin anh nán lại một phút nữa thôi, để tất cả chúng em cùng quỳ gối trước anh và ít ra cũng một lần được cảm ơn anh: Bỡi suốt nhửng tháng năm qua, dù luôn luôn ý thức nhưng vì những lý do khó hiểu, chưa bao giờcác em có thể nói lên điều đó. Giờ, tất cả chúng em đang quỳ trước linh cửu của anh, hình hài anh vẫn còn đây mà linh hồn anh đâu đi đâu mất hút. Ngày mai, Anh sẽ về đâu, không ai biết được, nhưng em tin chắc là nơi đó sẽ không còn những thị phi, tranh chấp, mưu đồ hay toan tính nhỏ nhen... hoàn toàn trái ngược và không phù hợp với tấm lòng nhân ái của anh.Vậy thì anh hãy đi đi. Tất cả mọi người đang tất bật lo toan, bối rối. Còn anh, anh chẳng phải làm gì nữa cả. Anh sẽ ngủ một giấc dài. Ðể chấm dứt mọi lận đận. Kết thúc mọi nghiệp chướng tiền oan. Anh sẽ không còn phải băn khoăn, nhọc lòng quyết định một việc gì. Anh sẽ mãi mãi không còn tự ép mình, thôi thúc mình, buộc phải làm những điều mình không muốn như đã phải từng làm trong suốt sự hiện hữuđầy khổ đau và nhẫn nhục của anh. Anh sẽ không còn phải sống những bi kịch bi đát của nội tâm vò xé, suy gẫm về những mâu thuẩn của bổn phận và nhiệm vụ, giữa mẹ và vợ, về những hy sinh cho mọi người và luôn chấp nhận phần thua thiệt. Vâng em biết, anh không hề tham lam hay đua đòi nên chắc chắn là anh không khổ tâm vì vật chất. Nỗi khổ của anh là tinh thần. Nó không cụ thể và dễ thấy, khác với nỗi đau thể xác. Nhưng tuy vô hình, vô ảnh mà sức tàn phá của nó thật vô biên. Thôi, hãy bỏ lại tất cả những phù phiếm đó, cho tất cả tan vào hư không, anh nhé!
Hoàn toàn mù tịt về nghi lễ, tôi chỉ lăng xăng chạy đi chạy lại để giúp các việc lặt vặt. Rồi lúc đứng nhìn bức hình đặt trên linh cửu của anh khắp người tôi bỗng nổi đầy gai ốc. Ðằng sau khung kính
có khuôn mặt tươi trẻ của anh, hình ảnh có thần và sinh động đến nỗi làm tôi có cảm giác là anh đang còn sống. Nhưng điều làm tôi kinh hãi là bất cứ khi nhìn anh từ bất kỳ một góc cạnh nào cũng thấy ánh mắt của anh quay theo hướng đó:
Khi tôi bước sang bên trái, tia nhìn của anh hướng về bên trái, bước qua bên phải, tia mắt ấy cũng quay theo, lúc
đến gần tia mắt dường như cúi xuống và khi bước ra xa, ánh mắt ấy như đang ngẩng lên, dõi theo. Và miệng mỉm cười.Trống ngực tôi đập thình thình. Ðó là ánh mắt mà tôi chỉ thấy qua một lần trong đời khi được chiêm ngưỡng bức chân dung Monalisa - La Gioconda - của nhà danh hoạ
Ý Leonardo da Vinci. Nhưng, nếu bức danh hoạ Monalisa chỉ là một tranh vẽ thì đây là một bức hình, nên tính truyền thần của nó cao hơn , sự sống động còn rõ hơn
nhiều. Bức hình đó, sau nghe chị tôi kể lại, đã được chụp trước mấy tháng khi nghe tin anh bị bệnh.
Lần cuối, sau khi được các bác sĩ xác nhận là bệnh tình của anh đã đến thời kỳ kịch liệt, chỉ còn chờ ngày ra đi... Chị đã muốn buông xuôi tất cả nhưng lúc trấn tĩnh lại, chị thấy cần phải có một tấm ảnh của anh, để sau đặt lên trang thờ...Nhưng thuyết phục anh bằng cách nào đây? Tánh anh không thích chụp hình, bổng dưng gợi ý, chắc anh sẽ sinh nghi. Ðã một lần chị chởanh đi dạo, rồi rủ vào tiệm nhưng anh đã gạt đi, chị biết phải chờ một cơ hội khác. Một hôm thấy anh hơi vui và trong người tương đối khoẻ chị rủ anh đi chơi. Chị chở anh trên xe Honda, mới đầu xuống phố và đi chơi thật xa, rồi sau trên đường về chị chạy chầm chậm ở một khu phố quen thuộc rồi làm như tình cờ, chị rủ anh đi chụp chung một tấm hình. Ðang vui nên anh đã không từ chối, hai người ghé vào một tiệm chụp hình quen biết mà mấy ngày trước đó chị đã chuẩn bị và gửi sẵn ở đó bộ đồ vest, cà vạt và áo chemise.
Ðứng nhìn trân trân vào khung ảnh của anh, tôi còn ngạc nhiên hơn vì chợt nhận ra những đặc tính khác: Cái nhìn của anh mang nhiều ý nghĩa theo từng khoảnh khắc khác nhau. Mới đầu, tôi chỉ thấy trong mắt của anh chỉ có cái nhìn nhẫn nhục và chịu đựng, rồi chợt nhớ là suốt đời chưa bao giờ tôi nghe anh than thở. Anh chỉ quen nuốt hết những đau khổ vào trong. Giờ thì chắc sẽ chẳng có ai hiểu được những gì anh đã mang theo, những gì anh đã từng gánh chịu. Ý nghĩ ấy làm mắt tôi cay xè và cái nhìn ấy đột nhiên thay đổi. Qua lăng kính nước mắt tôi cảm nhận có một lời khiển trách vì những ngày cuối cùng của anh, tôi đã không thường về thăm để nghe anh căn dặn. Chị tôi bảo là những ngày ấy anh đã có ý chờ tôi trong bữa cơm chiều. Anh chỉ mong có thế. Nhưng tôi đã không về. Thực ra không phải tôi bận, nhưng nếu lúc đầu tôi tưởng là bệnh tình của anh chưa đến nỗi nghiêm trọng và nghĩ rằng sẽ còn rất nhiều thời gian để trò chuyện với anh, thì lúc sau có lúc về chỉ để nhìn anh nằm bất động, tôi đã tránh né vì không muốn mang trong lòng cái cảm giác bất lực là không biết làm gì để giúp anh. Lòng tôi đau xót xiết bao khi nghĩ đến chuyện anh sẽ rời bỏ chúng tôi, nhưng lúc anh chìm trong hôn mê và thân nhiệt lên cao, nhìn những ống oxy và bình nước biển, trong đầu tôi lại vang lên câu hỏi đầy mâu thuẩn: tất cả có nghĩa lý gì không nếu những thứ ấy chỉ có một mục đích duy nhất là mang đến đời sống thực vật hay kéo dài nỗi đau thể xác cho anh?
Những ray rức đó làm tôi cúi mặt. Lòng tôi vô cùng áy náy và tôi đã không đủ can đảm nhìn vào mắt anh, nhưng khi tôi ngẩng lên thì, kỳ lạ thay, ánh mắt và nụ cười cố hữu kia đang thể hiện một cái nhìn tha thứ và, chớp nhoáng, cái gánh nặng trong lòng tôi đột nhiên biến mất. Bỡi nghĩ cho cùng, dù có gặp, anh cũng chẳng nói gì. Suốt cuộc đời,chỉ có sự yên lặng và đôi mắt đã nói hộ cho anh. Ðó là một ánh mắt thay lời. và ánh mắt ấy sẽ không bao giờ tắt. Nó luôn luôn nói thay anh. Và, ngay lúc ấy tôi đã hiểu tất cả những gì anh muốn căn dặn, trối trăn. Lòng tôi trở nên thanh thản vì biết sẽ cần phải làm gì trong những ngày sắp tới. Cho anh, và gia đình.
Trên khung ảnh của anh còn có một chiếc khăn tang. Chiếc khăn ấy của mẹ tôi đã quàng lên để anh làm tròn chữ hiếu. Ðó là một hình ảnh bi thương của người đã chết để tang trước cho một người còn sống, của khóm măng non ngã gục trước gốc tre già. Tia nhìn trên bức hình của anh lúc nầy nhưcó mang theo một niềm nuối tiếc khôn nguôi. Trọn cuộc đời, anh đã hy sinh đời sống riêng tư để phụng dưỡng mẹ cha - và có phải chăng đó là một sự an bài tiền định mà từ lúc mới sinh anh đã được đặt tên là Hiếu, theo tinh thần trung với nước, hiếu với dân? - Nhưng định mệnh oái ăm kia đã không chờ đợi. Nó tàn nhẫn đến nỗi không cho phép anh để tang cho mẹ, một mai bà từ giã cõi trần. Ánh nến lung linh của hai cây nến đỏ đặt trên chiếc bàn thờ tạm đang từ từ lăn xuống, trông như hai hàng nước mắt anh đang khóc cho phần số của mình; giọt nước mắt xót xa vì đã không viết tròn chữ hiếu.
Trên con đường dẫn đến nghĩa trang, lòng tôi còn đau đớn hơn cho anh khi linh cửu anh cúi đầu trước mộ ba tôi ba lần. Tôi lặng lẽ nhìn mẹ già đang khập khểnh bước từng bước đi sau để cầu nguyện cho anh. Vẫn không một giọt nước mắt. Mẹ còn bảo em gái tôi đang nức nở: "Ðừng khóc. Hãy cầu nguyện cho anh con, để linh hồn anh sớm vãn sanh cực lạc". Lạy Phật, xin Phật hãy vì anh, hãy vì niềm tin tuyệt đối và vô cùng tinh khiết của mẹ mà dẫn dắt linh hồn anh về một nơi chốn thanh cao.
Tôi cầm một nắm đất ném xuống huyệt. Những hạt đất tung ra, vươn vãi rớt trên nắp quan tài, phủ lên những cánh hoa mà mẹ vừa bỏ xuống. "Thôi anh đi, có lẽ giờ này trong một góc nào đó ở bên kia thế giới linh hồn ba đang vẫy gọi và đón chờ anh." Lời gửi gắm của tôi chưa kịp gửi đi, bỗng như khựng lại vì những âm thanh chát chúa của tiếng xẻng va vào sỏi đá lẫn trong đất cát. Nhìn những xẻng đất đang dần dần phủ lấp chiếc quan tài, và chỉ lúc đó tôi mới hiểu ý nghĩa của một danh từ tưởng đã sáo mòn: thiên cổ. Từ lúc này đây, anh sẽ trở thành người của ngàn xưa, trở về với cát bụi, đi vào cõi hư vô... và vĩnh viễn tôi sẽ không bao giờ còn thấy anh được nữa. Anh sẽ trở về với hư vô. Nhưng anh sẽ không bao giờ chết vì tôi tin là anh sẽ sống mãi trong lòng nhiều người. Xưa nay tôi vẫn nghĩ rằng cái chết vĩnh viễn không phải là hình hài trở về cát bụi của mà là sự quên lãng một cách mau chóng trong lòng những người quen... Những ngày qua, vô số những bức thư, điện... từ trong và ngoài nước nườm nượp gửi về. Tất cả đều mang một nội dung là yêu thương và quý trọng anh.Vậy thì anh sẽ sống mãi.... Ý nghĩ chủ quan đó đến với tôi như một niềm an ủi, nhưng dù sao cũng không thể xoa dịu được nỗi đau quá lớn trong tâm hồn. Mẹ tôi chắc sẽ khó khăn lắm mới có thể chấp nhận hay chịu đựng nổi những diễn biến kinh khủng, làm đổi ngược mọi trật tự thiên nhiên, lá xanh rụng trước lá vàng... nhưng định mệnh tàn nhẫn đã an bài thế, chúng tôi còn biết làm gì hơn!
Sau tang lễ, những phức tạp trong gia đình vừa tạm lắng xuống vì những bận bịu nghi lễ, giờ lại trồi lên. Vừa đến nhà chị tôi ngất đi trong cơn đau, ói mửa vì cơn khủng hoảng cao huyết áp. Những ngày trước đó thỉnh thoảng chị cũng bị như thế nhưng sau khi anh mất, chị đã gượng đứng lên. Rồi mẹ cũng già đi nhiều hơn. Tóc bạc trắng cả đầu, mắt mẹ sâu hoắm lại và bây giờ cái gánh nặng khổ đau lại nặng nề thêm. Tôi run lên, sợ mẹ sẽ quỵ ngã thình lình. Và điều làm tôi lo lắng nhất là mẹ không hề khóc.Mẹ nuốt hết đau khổ vào lòng. Suốt đời mẹ, mẹ gánh hết mọi gian truân và niềm đau trong gần một thế kỷ hiện hữu. Tôi nghĩ giá mà mẹ khóc được... thì quý hoá biết bao! Những dồn nén ấy một ngày nào, một khoảnh khắc mất thăng bằng nào đó..sẽ nổ tung như một quả bóng...
Những lo âu ấy làm tôi chết lặng và khi ngước lên thì bắt gặp tia mắt của Xuân cũng đang nhìn lại mình. Hai anh em chúng tôi như có cùng chung cảm nghĩ, nên tìm nhau, để an ủi và chia xẻ cho nhau. Khi bước đến gần, tôi còn được nghe lời thì thầm cầu nguyện của Xuân trước bàn thờ anh vừa mới dựng:"Anh ba ơi, suốt đời anh hy sinh mà không đòi hỏi gì ... Chúng em chưa được cảm ơn anh, thế mà lúc anh vừa mất em lại quá đáng vì còn xin thêm anh một điều: Hãy bảo bọc lấy gia đình!" Tôi nhìn mẹ rồi nhìn chị dâu tôi. Ðó là hai người đàn bà có tính tình và uớc mơ rất đỗi khác nhau. Họ chỉ có chung một điểm là cùng yêu thương anh. Giờ đây hai người đàn bà ấy còn có chung một niềm bất hạnh. Nỗi bất hạnh đó, nếu phải sống chung mà không còn sự hiện diện của anh tôi, có thể sinh ra những bất hạnh và phiền toái khác.
Về sau, tôi hay là Xuân đã phát nguyện ăn chay một tháng. Rồi những ngày giông tố cũng qua, cuộc đời đã lật sang trang khác nhưng lòng tôi vẫn chưa thể quên anh. Hình ảnh của anh luôn luôn phảng phất trong lòng tôi, dù sau đám tang tôi đã trở lại Ý và hoà mình vào cuộc sống ở một nơi hoàn toàn khác lạ mà anh chưa bao giờ đặt chân tới.
Một hôm tôi có việc phải qua Genève.
Sau khi vượt qua biên giới Ý - Thuỵ Sĩ ở Valico Brogeda thì cảnh vật hòan toàn đổi khác. Hai bên đường lúc nầy là những hàng cây trụi lá và trên con đường vắng tanh có rất nhiều lá mục. Một đợt gió thoảng qua và những chiếc lá cuối cùng quay tít trong gió. Tôi bỗng nhớ là anh đã ra đi vào một ngày cuối Thu, mùa của những sắc màu rực rỡ nhưng tan biến và trôi qua rất nhanh.
Ðất trời Âu châu lúc này đang chuyển sang đông. Khi tạm dừng chân ở trạm nghỉ Valdrerio dọc theo xa lộ, tôi ngước nhìn bầu trời ảm đạm của một ngày đầu đông và không hiểu sao tự dưng lắng nghe một cảm xúc lạ lùng. Cảnh vật nơi đây hoàn toàn khác với cảnh vật trên quê hương nhưng hình như có một điều gì đó rất quen thuộc mà tôi không hiểu rõ là điều gì. Nó đột ngột xâm nhập vào lòng tôi rồi hiện hữu dù trước đó vài giây cảm giác ấy chưa hề có. Trong trạng thái tâm hồn đó tôi mơ hồ nghe văng vẳng trong không gian những tiếng nổ ,hình như tiếng đại bác và sau đó là âm thanh của tiếng nói vọng lại giữa rừng cây: "Chúng ta sống trong chiến tranh. Mỗi lần đi xa là mỗi lần nguy hiểm. Nên đi riêng, vì lỡ có chuyện gì cho hai đứa thì ba má còn biết trông cậy vào ai?"
Ðột nhiên, tôi nhớ lại thứ hương thơm buổi sáng giữa đồng, trên bãi đất hoang, mùi ổi thơm ngọt ngào, rồi ký ức xoay quanh những kỷ niệm xa xưa của một thời thơ ấu. Tất cả cuộc đời của thế hệ chúng tôi hỗn tạp một cách kỳ lạ đến nỗi phải gánh lấy những trách nhiệm và ưu tư quá lớn trước khi đến tuổi trưởng thành. Rồi tôi chợt nghĩ đến những biến cố đau buồn xảy đến cho anh, cùng những thứ tai ương mà số phận đã trút xuống đầu gia đình. Tôi nghĩ đến những gì gia đình tôi xây dựng rồi tan vỡ, và lòng thầm nuối tiếc... Rồi bỗng nhiên tôi muốn khóc, muốn để mặc cho những giọt nước mắt chảy dài, để có thể nức nở rồi chìm sâu vào cơn sóng tuyệt vọng rồi quỵ ngã trong nỗi đau cùng cực.
Tôi muốn được tự do gào thét, nằm duổi người hai chân vùng vẫy, đạp liên hồi trên thảm cỏ như một đứa bé thảm sầu trong cơn cuồng nộ...nhưng hình như từ giữa những hàng cây xơ xác lá một hình bóng nào đó đang phảng phất hiện ra, lúc đầu chỉ lờ mờ, nhưng dần dần rõ nét. Một ông lão mặc chiếc áo tràng màu xám, râu tóc bạc phơ và có khuôn mặt rất hiền từ. Ðến khi nhìn kỹ thì tôi nhận ra đó là người mà tôi hằng kính mến và tôi đã lao đến ôm chầm lấy ông, gọi lên tiếng kêu thần dịu: Ba ơi! Tiếng gọi ấy tôi thèm được gọi và cảm thấy thiếu vắng biết bao từ mười mấy năm nay. Nhưng ba tôi chỉ đáp lại những xót xa và cay đắng trong lòng tôi bằng cái nhìn bao dung, rồi hình ảnh của ông vụt tan vào không gian, chỉ còn lời nói như chìm trong gió và tôi chỉ còn nghe được hai tiếng vô thường.
Bừng tỉnh. Tôi như chợt hiểu ra sự mong manh của mọi việc nơi trần thế, nhưng nước mắt tôi ứa ra lúc nào không hay. Tôi lấy khăn tay chặm nước mắt và tiếp tục cuộc hành trình.
Xa lộ lúc này chạy qua một thung lũng, hai bên là hai dãy núichạy song song theo chiều Nam Bắc. Con đường dài hun hút và cảnh vật như bị tù túng vì bị bao vây bỡi những dãy núi chập chùng bao quanh. Mặt trời lúc ấy đã lên cao nhưng tôi vẫn chạy trong bóng râm, ánh sáng chỉ thấy lung linh ở trên cao vì vầng thái dương bị che khuất bỡi dãy nuí bên phải chắn ngang. Tôi lái xe vuợt qua con đê chắn ngang hồ Lugano và khi xe qua khỏi đường hầm Collina d'Oro thì không gian như đột nhiên mở rộng. Thung lũng như rộng lớn hơn. Dãy núi phía đông, bên tay phải, trở nên thoai thoải và thấp dần. Trước mặt tôi là dãy núi Monte Lena chắn ngang, tuyết phủ lên trắng xoá. Những tia nắng phản chiếu lớp tuyết phủ trênđỉnh núi vụt chiếu lên rực rỡ. Mặt trời lúc này vẫn còn bị che khuất nhưng ánh nắng vẫn chói chang trên cao và trước mặt. Tuyết trắng phản chiếu ánh mặt trời, nổi bật lên nền xanh xam xám phía dưới những chân đồi. Mặt trời che khuất mà nắng vẫn chói chang, hình ảnh đó làm tôi liên tưởng đến anh. Bỡi vì , dù hình hài anh đã khuất, chôn sâu dưới lòng đất lạnh, anh đã trở về với cõi hư vô, đã thành người thiên cổ và mãi mãi chúng tôi không bao giờ thấy anh được nữa, nhưng dường như linh hồn anh vẫn còn hiện diện... và luôn luôn soi sáng tất cả chúng tôi bằng tấm lòng nhân hậu và trong sáng của anh.
TRƯƠNG VĂN DÂN
Milano, cuối thu 2000
(Kính dâng lên hương hồn anh đoản văn này để thay lời tạ từ)