THẰNG RUỘNG
Không ai biết hay đúng hơn không ai cần biết thằng Ruộng quê quán, gốc tích ở đâu, như thế nào. Chỉ biết hắn xuất hiện ở cái chợ nhỏ bé này ban đầu là một gả ăn xin. Tuổi độ hai mươi, thân hình tuy gầy gò nhưng trông có vẻ chắc chắn nên hắn khó có thể nhận được của bố thí ngay cả những người có nhiều từ tâm. Ban ngày hắn đứng thập thò trước mấy quán ăn chờ thực khách ra vào xin tiền lẻ, có lúc đói quá hắn bước càn vô tiệm bưng vội tô phở thừa, bát bún cặn húp lấy húp để. Ðiều này khó có thể chấp nhận được đối với người dân trong thị trấn. Họ phần đông chẳng giàu có gì, họ có thể chấp nhận việc đi ăn xin, nhưng nhất định việc thằng Ruộng giật vội những thức ăn thừa là không. Và họ cùng bảo nhau không cho thằng Ruộng bất cứ một thứ gì. Thế là thằng Ruộng đói chí tử.
Ban đêm hắn ngủ trong một góc lều chợ, đói quá hắn bèn mò mẫm đến đống rác, bới nhặt tìm tòi, chẳng có gì ra hồn, hắn đành nhai mấy nắm vỏ đu đủ đắng nghét, thè lưỡi liếm mấy lá chuối của người ta gói mắm. Hắn cố lê đến một vũng nước mà hằng ngày người buôn bán ở chợ đổ ra, vục mặt xuống uống ừng ực. Uống xong hắn bắt đầu nôn ọe, người hắn gập lại, oằn oại theo từng cơn mửa thốc mửa tháo. Hắn ngã vật lên một chiếc sạp gần đó thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn cơn đói khát.
Thằng Ruộng thức dậy bởi một cái đá đau điếng vào mông.
- Ai cho mầy ngủ trên sạp của tao? Làm biếng nhẫy thây, giờ này mà còn ngủ, không xéo đi cho tao bán hàng.
Bà Tư Bún vừa quát tháo thằng Ruộng vừa bắt đầu lui cui lấy đồ nghề bán bún trong gánh hàng ra bày biện. Thằng Ruộng cố nhoài mình tránh chỗ cho bà Tư Bún, nhưng người hắn như tê dại không còn chút sức lực nào cả. Hắn thều thào:
- Tội quá bà Tư ơi tui dậỵ không nổi.
- Cái thằng nầy! sao vậy? Bịnh à?
- Tui đói quá, ba ngày rồi không có gì vô bụng chịu không thấu.
- Ðáng đời mầy. Cái thân cọp ăn ba ngày không hết mà lại đi ăn mày. Ðã chớ lại còn đi ăn giựt đồ canh thừa cá cặn.
- Bà Tư cho tui ăn đi, gì cũng được, tui làm đầy tớ cho bà.
Cái giọng yếu ớt van lơn của thằng Ruộng như làm bà Tư Bún mủi lòng. Bà giở cái rổ đựng trầu lấy ra một gói lá chuối đưa cho Ruộng:
- Nè, giộng mấy cái củ khoai vô họng đi rồi xéo cho bà bán hàng.
Mấy củ khoai lang ấm trong bàn tay lạnh giá của Ruộng, hắn đưa lên mũi khoan khoái hít lấy mùi thơm của khoai rồi nhai ngấu nhai nghiến. Bột khoai bùi nghẹn họng, hắn đưa tay đập đập lên ngực mấy cái cho khoai xuống bụng.
Ăn xong mấy củ khoai tuy chưa no dạ nhưng Ruộng thấy khỏe người ra. Hắn ngồi nhìn bà Tư đang sắp xếp đồ đạc. Dụng cụ bán bún của bà Tư thật lỉnh kỉnh. Từ cái nồi to để nấu nước ăn bún, hai chồng tô lớn, cái lò đất, cái ấm đất, bó củi, bao than rồi đến mấy cái đòn ngồi cho khách ăn, bó đũa cho đến ống tăm xỉa răng, cả đến cái chậu rửa chén bằng đất, tất cả đều được bà ta khéo léo sắp xếp trọn vẹn trong cái gánh của mình. Dưới ánh sáng mù mờ, vàng chạch của ngọn đèn hột vịt bà lần lượt mang từng món sắp theo thứ tự, một cái thứ tự rất cần thiết cho việc xoay trở sao cho thật lẹ làng để kịp phục vụ năm ba khách hàng cùng một lượt. Lúc bà Tư Bún bày biện xong cũng là lúc ông Tư gánh hai thùng nước đến cho bà xử dụng, ông Tư xếp hai thùng nước cạnh vào nhau rồi vác đòn gánh quay về nhà chuẩn bị đi làm thợ mộc. Thấy Ruộng ngồi xớ rớ ông hét:
- Mầy làm cái gì ở đây?
- Nó đói nhăn răng mấy ngày rày rồi đó ông. Bà Tư trả lời giùm nó.
- Ðồ làm biếng sao không chịu kiếm cái gì làm. Già như tao mà vẫn suốt ngày gõ lốc cốc mới có cái ăn. Còn mầy, hừ , cái thằng!
Ông Tư bỏ đi được mấy bước, quay lại kêu bà Tư:
- Bà coi có cái gì cho nó ăn nghen bà.
Thằng Ruộng định tiếp bà Tư nhóm bếp lửa nhưng bà Tư gạt đi:
- Mầy nghỉ đi. Từ rày kiếm việc làm đừng ăn xin nữa, nhục nhã lắm mầy ơi. À, tao bày mầy đi ra sông gánh nước cho mấy người buôn bán chợ hay những người nhà không có giếng, kiếm gạo mà nuôi thân.
- Tại tui không phải dân ở đây nên không biết việc này, nhưng bà Tư ơi tui không có thùng làm sao gánh được.
- Dễ ợt, mầy gánh nước cho ai thì lấy thùng của người ấy mà gánh.
Bếp lửa cháy bùng lên, bà Tư xoay người sang thùng nước vớt tấm lá chuối mà ông Tư bỏ vào để nước khỏi bị sánh ra ngoài khi gánh đi, định nghiêng thùng nước đổ vào nồi. Ruộng nhanh nhẹn đỡ tay cho bà rồi bưng nồi nước đặt lên bếp.
- Nè Ruộng, nếu mầy muốn làm thiệt thì trước hết mầy giúp ông Tư mỗi bữa sáng gánh nước cho tao. Tội nghiệp, ổng già ngày nào cũng cầm dùi đục vậy mà còn thức sớm còng lưng gánh nước cho tao. Mầy thế ổng,tao trả cho mầy một đồng một đôi.
Thằng Ruộng bắt tay vào việc ngay hôm sau. Bà Tư dần dần giới thiệu hắn với những người cần giúp nên Ruộng càng ngày có nhiều việc làm hơn. Hắn dành dụm mua được đôi thùng, nguyên là thùng chứa dầu lửa, đôi móc sắt và cái đòn gánh bằng tre thật dẻo. Bây giờ hắn chỉ cần quảy đôi thùng không, đi lòng vòng trong chợ thế nào cũng có người kêu hắn đổ cho một đôi nước. Thế là hắn đi thẳng ra bến sông Côn, lội ra xa một chút cho có nước sạch, để nguyên cái gánh trên vai, khom lưng một chút, hai tay đè hai cái thùng xuống nước, nước đầy thùng hắn gánh về cho thân chủ. Gặp mùa nắng hạn, nhiều giếng nước bị khô cạn, thằng Ruộng càng có nhiều nhà thuê mướn, nhất là mấy tiệm ăn mà trước kia hắn thập thò xin ăn. Ðược dịp hắn làm nư để trả thù các chủ tiệm ăn từng xua đuổi hắn, bằng cách ừ hử nhưng rồi không cung cấp nước. Hắn thấy sướng trong bụng vô cùng khi nghe giọng nói nửa thiết tha nửa trách móc sao không gánh nước cho họ. Thì ra thằng Ruộng hèn hạ này vẫn có người cần đến , hắn khoái chí nghĩ như vậy. Khi sông Côn được bắc cầu nối liền hai thị trấn nhỏ bé, đem lại rất nhiều lợi ích cho dân chúng, thằng Ruộng cũng gặp được nhiều điều may. Hắn khỏi tốn công lội ra giữa dòng để tìm nước thật sạch, chỉ cần đứng trên cầu thả gàu xuống là xong. Khi tiết trời nóng nực, hắn ra cầu, nằm đâu đó trên bờ tràng, nghe bọn thanh niên thiếu nữ đứng hóng mát nói chuyện vui đùa, đôi khi hắn học lóm những câu chuyện thật thích thú. Trời thanh gió mát, không phải nóng nực muỗi mòng như ở xó chợ, hắn ngủ thật ngon lành.
Nhưng hắn thật sự khoái hơn bao giờ cả trong cái hôm hắn được đoàn hát bội Nhạn Trắng thuê đi " rao bảng". Chiều đến, hắn mặc bộ đồ Ka Ki vàng, đội mũ có vành sơn màu xanh đỏ, mang trước bụng hắn cái trống có dán giấy giới thiệu tuồng hát đêm nay sẽ diễn. Hắn hai tay cầm hai dùi trống, gõ cắc tùng cắc tùng, đi khắp nơi trong thị trấn. Tụi nhỏ hiếu kỳ đi theo thành đoàn vỗ tay theo tiếng cắc tùng của hắn. Mỗi lần có ai đó kêu hắn đứng lại để đọc cho ra tên tuồng hát, tên diễn viên, hắn càng thích chí, mặt vểnh lên trời, hai tay hắn khua trên mặt trống càng dòn dã hơn, càng to hơn. Cũng nhờ thế hắn lại được coi hát không tốn tiền nên hắn đâm mê hát bội và thuộc nhiều tuồng tích. Hắn mê mẩn cô đào Mộng Cầm trong vai Lữ Bố, thuộc gần hết tuồng Tam Anh Chiến Lữ Bố. Nhiều lúc trong giấc ngủ lơ mơ, thằng Ruộng đưa tay đập muỗi mà tưởng mình là Lữ Bố đang quần thảo với ba anh em Lưu, Quan, Trương. Lữ Bố là thần tượng của hắn.
Sinh hoạt của thị trấn nhỏ bé chưa có điện, ngoại trừ trong quận đường và chi cảnh sát, nên mọi thứ công việc hầu như dựa trên sức người. Thằng Ruộng càng làm việc càng mạnh mẽ hơn lên và được nhiều người tin tưởng nên thuê hắn gánh cả hàng hóa ra chợ vào sáng sớm và mang về nhà vào xế trưa. Cuộc sống thằng Ruộng càng ngày càng thăng hoa lên. Trong túi rủng rỉnh tiền và hắn lại có quyền nữa.
Bà Hai Y là người thu thuế chợ bị thất thu. Những người nông dân bán khoai, đậu... không đem vô chợ vì sợ phải đóng thuế nên ngồi trên con đường dẫn vào chợ. Hễ thấy bóng dáng bà Hai Y thì lánh mặt hoặc tìm cách dấu đi. Bà ta tức tối vô cùng nhưng không thể nào kiểm soát cho nổi. Bà thấy thằng Ruộng dạo này mập mạp cao lớn hẳn ra trông tướng hắn cô hồn lắm. Bà Hai Y bèn mướn thằng Ruộng lui tới canh chừng bọn bán lậu thuế. Thằng Ruộng buổi sáng chẳng cần phải đi gánh nước nữa. Hắn thọc tay vô túi, đi lui đi tới, hằm hằm hè hè, nhìn sát từng mặt mọi người. Ai chưa đóng thuế hay trốn thuế nhất định khổ với hắn. Một lần nó ôm cả rổ đậu phộng quăng xuống vũng sình vì bà bán đậu bán đến hai rổ mà chỉ đóng thuế có một. Nó trở thành cánh tay mặt đắc lực cho bà Hai Y, càng ngày hắn càng vênh vênh váo váo . Hắn trở thành một ông ngáo ộp, hò hét, chửi mắng những người dân quê bán lậu thuế. Hắn phân chỗ ngồi cho đám mua thúng bán bưng nên hễ ai biết điều dúi cho hắn tí đỉnh thì sẽ có được chỗ ngồi tốt.
Vào xế trưa, chợ tan hết chỉ còn mấy người ế hàng ráng ngồi lại, trong đó có hàng bán bánh chả và rượu. Thằng Ruộng chễm chệ ngồi dựa cột chợ kêu bà hàng một xị rượu đế, mấy lụi thịt nướng. Hắn bắt đầu nhậu cho đến tối mịt, mặc kệ bà hàng dọn gánh ra về tự lúc nào. Và hắn bắt đầu hát bội, thường thì hắn chỉ ngồi yên một chỗ ngâm nga câu Nam câu Khách, nhưng có lúc hứng chí hắn ra điệu bộ múa may. Lấy cây chổi chà quét chợ làm ngựa Xích Thố cây đòn gánh thành cây Phương Thiên Họa Kích, hắn nhập vai Lữ Bố mà mê mẩn cô Ðiêu Thuyền đẹp "nghiêng thùng đổ nước".
Láng giềng của thằng Ruộng là con mụ Ân dở điên dở khùng, chiếm lĩnh góc lều cách hắn một gian. Năm 65 vùng nông thôn bị Việt Cộng chiếm, hàng đoàn dân quê dắt nhau chạy về thị trấn, mụ Ân ở trong đám người chạy loạn ấy. Nhưng mụ Ân xấu số hơn những người khác, chồng và đứa con mới mấy tháng của mụ đã chết vì bom rơi đạn lạc. Mụ Ân hóa cuồng từ đấy. Mụ Ân lang thang đầu đường xó chợ, quần áo rách tả tơi, ai cho gì ăn nấy, tối về lều chợ ngủ. Lúc nào trên đầu chót mũi của mụ Ân cũng dán một miếng giấy. Một viên đạn oan nghiệt đã trúng vào ngay mũi của đứa bé, nó chết tức tưởi trên tay mụ. Việc này ám ảnh mụ hoài, mụ dán mảnh giấy trắng lên mũi như một lá bùa cho đạn nó sợ, khỏi trúng vào mình. Nhiều đêm nhớ con, mụ kêu gào thảm thiết, thằng Ruộng mất ngủ, kêu vói hăm he, mụ không nín, tức mình nó đi đến chỗ mụ co giò đạp cho mấy cái mụ mới chịu im. Từ ngày ấy mụ Ân sợ thằng Ruộng một phép không dám chạm mặt hắn, dù có hôm thấy thằng Ruộng hát bội múa may trông thật đã nhưng mụ cũng chỉ dám nấp đàng sau cột chợ coi lén. Dần dần mụ Ân cũng bớt khùng đi, chỉ giữ lại cái miếng giấy trên mũi, hai ba bộ quần áo tả tơi mặc cùng một lúc và mấy cái bị hôi hám lúc nào cũng kè kè bên người. Mụ trở thành kẻ ăn xin chuyên nghiệp.
Một buổi tối thằng Ruộng uống hết cả lít rượu đế rồi mà vẫn tỉnh như sáo. Hắn vớ cái chai không đi đến quán rượu gõ cửa ầm ầm nhưng chủ quán không mở, giận quá hắn trật quần tè ngay ngạch cửa, nước chảy lai láng, thích chí hắn cười hô hố rồi ngất ngưởng quay về. Vừa đi hắn vừa hát rống lên đoạn Thoại Ba Công Chúa tiễn Ðịch Thanh Nguyên Soái.
Thằng Ruộng đêm nay không say có lẽ vì cái đoạn tuồng thật bi ai chết tiệt ấy. Hắn thấy thương cho hoàn cảnh của cô công chúa vừa đẹp vừa giỏi võ còn biết hóa phép, thắng cả tướng tài Ðịch Thanh nữa. Vậy mà nàng ta không thể nào cầm chân được chàng Nguyên Soái yêu thương của mình, đành phải gạt lệ mà ca: "Song lụy sái san san. Thốn tâm hoài cảnh cảnh. Hồn ly biệt dường mê dường tỉnh..." Ðồng thời hắn cũng thấy giận cái ông Ðịch Thanh quá đỗi. Người ta thương mê thương mệt, hầu hạ mình quá chừng, vậy mà không chịu ở cứ chực chờ có cơ hội là quất ngựa truy phong. Càng nghĩ thằng Ruộng càng thấy tức, càng tức hắn càng uống và cứ hát đi hát lại cái đoạn tuồng thống thiết bi ai ấy. Hắn nghĩ nếu như hắn là Ðịch Thanh thì nhất định hắn không bỏ đi đâu. Hắn sẽ ở lì bên Thoại Ba Công Chúa suốt ngày suốt đêm không rời nửa bước. Trời ơi, cái gì chứ cái khoản bồ đào mỹ tửu, cầm chén rượu mới đưa lên mà mùi thơm đã ngát cả mũi như thế kia thì trên đời còn chi sánh bằng. Thằng cha Ðịch Thanh nầy ngu hết chỗ. Hắn, một tay cầm cán chổi đưa tới, một tay nắm đuôi chổi kéo lại, hai chân giậm thình thịch lui tới, ra bộ Thoại Ba và Ðịch Thanh đang dùng dằng kẻ ở người đi. Thằng Ruộng hát khúc chia tay này với nỗi lòng thống thiết. Bất chợt có tiếng động làm hắn giật mình. Hắn hét lớn hỏi, thì ra con mẹ Ân đang nấp khuất trong bóng tối.
- Mầy làm cái gì đó bộ muốn ăn cắp đồ của tao hả?
Mụ Ân lúng ta lúng túng, mấy cái bị vải lắc lư theo bước chân rụt rè của mụ:
- Không không, tui chỉ coi hát.
- Con mẹ mầy, đi chỗ khác. Hát hò gì, ai hát cho mầy coi?
- Anh hát hay quá. Mụ Ân vừa nói vừa hối hả bỏ đi.
Thằng Ruộng bỗng thấy có một cái gì vui vui, nhẹ nhàng trong bụng. Hình như từ thật lâu lắm, từ ngày nó có mặt ở cái thị trấn nhỏ bé này nó chưa bao giờ nghe ai gọi nó bằng anh. Tất cả mọi người đều gọi nó là thằng, ngay cả đám trẻ nít cũng gọi nó là Thằng Ruộng. Tiếng" anh" từ miệng của mụ Ân sao nó nghe ngồ ngộ, âm ấm trong lòng. Hắn gọi mụ Ân, giọng nhẹ ra:
- Nè... mụ Ân... lại đây.
Mụ Ân dừng bước quay lại nhìn thằng Ruộng một chút rồi từ từ đi tới, ngồi bệt xuống đất tựa lưng vô gốc cột. Thằng Ruộng quẹt thùng quẹt châm cái đèn hột vịt không có bóng. Ánh sáng vàng vọt hắt ra một vùng heo hắt. Hắn lấy ra mấy miếng kẹo đậu phộng của bà bán kẹo vừa lòn tay cho hắn khi sáng, đưa cho mụ Ân:
- Nè, ăn đi.
Mụ Ân sẽ lén đưa bàn tay bẩn thỉu nhón lấy, chậm chạp đưa lên miệng, sau khi len lén nhìn thằng Ruộng. Vị ngọt của đường đen, chất béo của đậu phộng kích thích tuyến nước bọt của mụ Ân ghê gớm. Mụ nhai lấy nhai để, nuốt vô ực ực. thoáng chốc mấy miếng kẹo đã chui tọt vào bụng mụ. Mụ hỏi xin nước, uống ừng ực mấy bát nước lạnh. Thằng Ruộng ngồi yên nhìn mụ Ân ăn kẹo. Tiếng "anh" của mụ Ân đã làm nó cảm thấy trong nó có nhiều điều hơn hắn nghĩ, mặc dù hắn không thấy rõ ràng những điều đó là thứ gì. Qua ánh sáng tù mù hắn bỗng thấy mụ Ân sáng sủa ra, ngồ ngộ, hay hay hơn mọi ngày. Chợt Ruộng hắng giọng lấy hơi hát một câu Nam: " Lao xao sóng bủa cội tùng, Giang san là nợ anh hùng phải vay". Ðúng rồi, những điều mà hắn lờ mờ cảm thấy, làm cho hắn vui vui ấy chính là cái anh hùng trong hắn. Hắn cũng anh hùng như ai.
Mụ Ân bỗng thấy đau bụng nhưng mụ ráng kềm vì sợ thằng Ruộng và cũng để coi nó hát. Nhưng cơn đau bụng càng lâu càng dữ dội lên, mụ chịu hết nổi, ôm bụng rên hừ hự. Thằng Ruộng lật đật tìm ve dầu Nhị Thiên Ðường đưa cho mụ Ân:
- Thoa đi, chắc do ăn kẹo đậu phộng đấy.
Nhưng mụ Ân không cầm nổi ve dầu, cơn đau làm mụ oằn oại cả người. Mụ nằm lăn xuống đất, hai tay bóp chặt bụng mà gào thét. Thằng Ruộng gỡ hai tay mụ ra vén mấy lần áo rách tua tủa rồi dốc ngược ve dầu đổ xuống lỗ rốn của mụ. Cái con mẹ Ân đen như cột nhà cháy kia vậy mà sao cái làn da bụng trắng kỳ dị. Bàn tay của hắn như nóng lên khi chạm vào cái vùng trắng phếu ấy. Hắn run run thoa bóp chung quanh cái rốn của mụ Ân. Mụ Ân có cái rốn thật tròn trịa và sâu. Người giàu mới có cái rốn như thế này, theo lời lão thầy mù thường ngồi giữa chợ coi bói. Hắn định ngày mai sẽ hỏi lại lão. Xoa bóp một lát mụ Ân chừng như đã lắng cơn đau, nằm gối đầu trên đùi thằng Ruộng,nhắm mắt yên lặng. Ruộng thấy trong người hắn nóng ran lên, nước miếng tự nhiên trào đầy ra cổ, hắn nuốt ừng ực từng hồi mà không hết. Hắn nghe như có tiếng trống chầu hát bội đập trong tim, hơi thở mạnh đến nỗi làm cái đám râu mép mất trật tự của hắn rung rinh liên hồi. Hắn cúi xuống đưa cái mũi hít thật mạnh trên má mụ Ân, rồi cứ thế hắn ủi lên khắp người mụ. Cái mùi hôi hám của mụ Ân mà hằng ngày hắn gớm ghiếc bây giờ trở thành một mùi lâng lâng quyến rũ. Mụ Ân run lên bần bật, đưa tay ôm choàng qua lưng thằng Ruộng, miệng rên nho nhỏ. Thân thể hai người như không còn tí xương, biến thành hai con bạch tuộc xoắn chặc lấy nhau, cơ hồ đất trời như đang tan loãng.
Sau hôm đó mụ Ân dọn qua ở chung với thằng Ruộng, mụ bớt dơ dáy đi. Cái đầu tóc bù xù rối ren như ổ rơm được chải gỡ, xức dầu dừa láng mướt, mụ không mặc ba bộ quần áo cùng một lúc nữa. Mụ Ân thành người nội trợ hẳn hòi cho thằng Ruộng. Cái xó lều chợ của thằng Ruộng được vây lại kín đáo hơn bằng những thùng giấy và tấm nhựa lượm từ đống rác chợ. Vật dụng trong tổ ấm cũng nhiều hơn lên. Thằng Ruộng hả hê trong cái hạnh phúc đầu đời của nó. Nhưng chỉ được khoảng hai năm, cái hạnh phúc đó không còn nữa: một buổi tối đạn pháo kích rơi đúng ngay cái tổ ấm của hai người, thân thể mụ Ân vãi tung khắp chợ. Thằng Ruộng tối đó say khướt ngủ quên ngoài cầu sông Côn nên thoát chết. Mọi người xúm nhau nhặt nhạnh từng chút xương thịt của mụ Ân đem đi chôn. Thằng Ruộng không khóc, chỉ ngồi im ỉm trong cái hố do viên đạn giết vợ hắn đào ra, suốt mấy ngày liền. Hôm người ta sửa chữa lại chợ, lấp cái hố thì thằng Ruộng một mực không cho, người ta phải cột tay chân hắn khiêng đi chỗ khác. Chừng đó thằng Ruộng mới bật lên khóc, tiếng khóc òa vỡ của hắn khiến mấy người lân cận ứa nước mắt.
Thằng Ruộng vừa nguôi được trong lòng hình ảnh của mụ Ân, trở lại công việc bình thường được mấy tháng thì miền Nam thua trận. Trong mấy ngày liền chợ không nhóm, và rồi sau đó việc thu thuế chợ do mấy người mang băng đỏ, đội nón tai bèo kiểm soát. Thằng Ruộng mất việc, trở lại nghề gánh nước. Vào một buổi tối, có người mặc đồ bộ đội đến gặp nó trong lều. Sau một hồi hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn của nó một cách thật thân thiện tử tế, ông ta vào đề chính:
- Anh Ruộng, sau khi điều nghiên kỹ lưỡng về anh, chúng tôi nhận thấy anh quả thuộc giai cấp vô sản chân chính bị bọn tư bản bóc lột đến xương tủy nên đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm đến anh, muốn giúp đỡ anh chẳng hạn như...đưa anh vào làm việc nhà nước và ...
Gã đàn ông ngừng lại một chút gợi sự ham muốn hơn lên trong lòng thằng Ruộng, rồi chậm rãi nói tiếp:
- Và cho anh một căn hộ để anh có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng. Nhưng trước khi anh có được những điều ấy chúng tôi cần anh tiếp sức với chúng tôi trong công tác sắp tới đây. Nếu anh hoàn thành tốt nhất định anh sẽ được quyền
lợi.
Thằng Ruộng nôn nóng hỏi làm việc gì, ông ta chỉ cười ngắn một tiếng rồi bảo Ruộng theo ông ta về đồn để giao việc.
Sau khi hớp một ngụm trà đậm đặc, rít dài một hơi thuốc, ông ta nhìn thẳng vào mắt thằng Ruộng rồi thong thả nói:
- Anh biết thằng ác ôn Nguyễn Phù Mỹ chứ? Nó đã gieo vô số tội ác cho nhân dân huyện mình. Tra tấn đánh đập dã man những người theo cách mạng, đã thế nó còn dùng quyền chức cán bộ Phượng Hoàng do Mỹ lập ra mà ăn hối lộ thật nhiều. Anh thấy chưa cái nhà lầu của nó cao nghều nghệu, nằm gần bờ sông đẹp đẽ kia là chính do tiền bạc hối lộ trên xương máu nhân dân đấy. Anh nghĩ xem chúng ta có cần lấy lại hay không? Có quá đi chứ phải không? Vậy thì, ông ta chợt cao giọng, nhiệm vụ của anh là tối mai trong phiên tòa nhân dân anh sẽ là người đứng lên tố giác những tội lỗi tày trời của tên Nguyễn Phù Mỹ. Tòa án sẽ căn cứ vào những lời tố giác của anh tức là của nhân dân, của giai cấp vô sản mà xử tội hắn. Anh đừng lo ngại bất cứ chuyện gì cả, mọi việc nói năng đi đứng như thế nào sẽ có các đồng chí khác chỉ bảo tập luyện cho anh. Chúng tôi chỉ cần anh cố gắng phấn đấu để hoàn thành thật tốt công việc mà đảng và nhân dân giao cho anh. Và ngay từ bây giờ anh không được ra khỏi đồn cho đến khi xong công tác và tuyệt đối giữ bí mật cho dù công tác đã hoàn thành. Anh nghe rõ chứ? Ông nhấn mạnh câu cuối cùng làm thằng Ruộng khẩn trương thấy rõ.
Thế là thằng Ruộng được cho tắm rửa ăn uống no nê. Hắn được huấn luyện từng chút một cách tố cáo tên ác ôn Nguyễn Phù Mỹ sao cho thật rành mạch đánh động lòng căm thù của nhân dân lên cao độ.
Tòa án nhân dân được thiết lập trong sân trường tiểu học của quận. Hai cái bàn kê sát nhau trước một phòng học, hai bên là hai cái bàn kê xéo góc để lên trên là hai cái đèn măng xông. Cờ xí treo dài từ cổng trường vào đến chỗ xử. Trên tấm vải căng làm phông treo lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng to tướng. Trên cùng là câu khẩu hiệu: "Cương quyết tố cáo những tên ác ôn tay sai Mỹ Ngụy". Ngồi trên bàn chủ tọa vừa đàn ông đàn bà cả thảy năm người, hai bên là thơ ký, Mặt Trận, Phụ Nữ,Thanh Niên, Nông Hội... Bị cáo gồm bốn người, còng hai tay ở đàng sau, ngồi riêng một góc. Dân chúng mỗi người trên tay bưng chiếc đèn hột vịt, cũng có người lấy vỏ xe đạp đốt làm đèn, mùi cao su bốc lên khét lẹt. Sau khi đọc một mớ lệnh lạc sặc mùi đấu tố, phiên tòa bắt đầu xử tội phạm thứ nhất. Tên Nguyễn Phù Mỹ đứng đầu sổ. Lập tức hai gã Công An kẹp kè một người cao lớn ra ngay trước bàn chủ tọa, mở còng rồi ấn vai anh ta xuống bắt quỳ. Trên bàn chủ tọa một người trung niên mặc bộ quân phục màu xanh đen đứng lên rút tờ giấy ra ê a đọc. Nhưng rồi hình như ông ta thấy cái cách đọc của mình thiếu cái hùng hồn cần thiết nên quăng đại tờ giấy xuống bàn, đằng hắng mấy cái để lấy giọng thật oai:
- Ðó, đồng bào thấy cái tội ác mà lấy lá trên rừng ghi chép cũng không hết của tên Nguyễn Phù Mỹ kia chưa. Ðồng bào hãy cương quyết đứng lên tố cáo, vạch rõ tội lỗi của hắn. Tại sao hắn giàu có trong khi nhân dân ta lại nghèo khó cơ cực? Ðả đảo tên tay sai Nguyễn Phù Mỹ.
Tức thì trong đám đông có vài tên giơ tay thật cao hô đả đảo thật lớn và rồi mọi người như cái máy cùng hô đả đảo vang động cả cái trường học rộng lớn. Trong không khí như có mùi máu chan hòa. Một mụ đàn bà lùn xủn, tóc tết thành bím thòng xuống hai bên má, mặc chiếc áo bộ đội, ngồi bên phía Hội Phụ Nữ, đứng lên chỉ vào mặt Nguyễn Phù Mỹ bắt đầu hài tội:
- Thằng Mỹ kia mầy còn nhớ tao không? làm sao mà mầy quên được. Chính mầy là thằng bắt tao, tra tấn tao, đổ xà bông vô miệng tao để bắt tao khai tung tích chồng tao. Nhưng mầy đã thua vì làm sao tao có thể chỉ chỗ chồng tao, cùng các đồng chí đang hăng say diệt bọn phản động chúng bay. Tên của mầy là Mỹ đã là một cái tội rồi, vậy mà còn lót thêm chữ Phù có nghĩa là mầy quyết lòng phò tá bọn Mỹ xâm lược tàn ác. Hôm nay cách mạng thành công mầy xứng đáng đem ra bắn bỏ. Gia tài đồ sộ của mầy là xương máu của nhân dân, mầy phải trả. Yêu cầu tòa án nhân dân xử tử hình tên Mỹ. Ðả đảo thằng tay sai Nguyễn Phù Mỹ, đả đảo!
Lại những tiếng đả đảo lạnh tóc gáy vang lên. Ðã tới phiên thằng Ruộng làm việc. Thằng Ruộng xô xẹt đám đông, nhơn nhơn bước ra. Mọi người kinh ngạc thầm thì, ủa thằng Ruộng kia nè, nó cũng làm cách mạng sao. Thằng Ruộng xúng xính trong bộ đồ bộ đội, chân mang dép râu, đầu đội mũ tai bèo, hắn đưa mắt nhìn ngang dọc đầy vẻ kiêu căng:
- Ðồng bào nghe cho rõ đây. Tui là người của Cách mạng, tui trà trộn trong chợ để thi hành công tác. Tui giả làm kẻ ăn xin đứng trước tiệm ăn thằng Mỹ lấy tin tức, nó nghĩ tui ăn xin thiệt nên có lần nó đã đánh chửi tui thậm tệ khi tui bưng bát phở thừa làm bộ húp. Nếu tui không giác ngộ cách mạng cao thì tui đã đá cho nó mấy cái hộc máu ra. Cũng nhờ vậy nên tui biết tiệm ăn của nó lấy thịt chó chết nấu phở cho nhân dân ăn. Ðến thời giặc Mỹ qua tiệm nó chỉ biết lo cho bọn lính Mỹ và Ðại Hàn còn dân mình thì khinh khi không tiếp. Chính mắt tui thấy nó chở hàng xe đồ Quân Tiếp Vụ về nhà bán. Ðồ vật đó là của nhân dân nay chúng ta bắt nó phải trả lại. Ðồng bào có đồng ý không.
- Ðồng ý, đồng ý...
Thằng Ruộng say sưa nói hết những gì mà hai đồng chí thay phiên huấn luyện hắn suốt đêm hôm qua và cả ngày nay. Kể ra hắn cũng sáng dạ học thuộc bài lắm. Hắn muốn thêm thắt nhiều điều nữa cho ông đồng chí lớn kia vui lòng và sẽ mau chóng cấp cho nó "một căn hộ" cái mà hắn suốt đời không dám nghĩ đến. Chợt thằng Ruộng nhớ đến câu chuyện nó nghe lóm của mấy anh thanh niên nói chuyện với nhau về một cuốn sách tên gì đó mà hắn quên mất. Hắn chỉ nhớ họ kể về một hình phạt của lính Thổ, khi bắt được kẻ thù thì đem ra đóng cọc phơi trên cầu cho đến chết. Cái dã man hơn nữa là bọn họ thi tài nhau coi ai có kỹ thuật đóng cọc tù binh từ dưới hậu môn xuyên lên sau ót, làm sao để tội nhân lâu chết, kéo dài cái đau đớn càng lâu càng tốt. Thằng Ruộng sợ nổi da gà khi nghe chuyện đó, nên bây giờ nó gán lên mình Nguyễn Phù Mỹ. Nó cất giọng khàn khàn lên tiếp tục:
- Ðồng bào biết không, tên Mỹ này tàn ác không lường nổi. Có lần chính nó khoe với tui là nó vừa giết một người Cách Mạng bằng cách lấy cây cọc nhọn đóng từ hậu môn lên tới đầu.
Mọi người ồ lên kinh hãi, thằng Ruộng khoái chí vì thấy mình đánh động được dân chúng và nhất là thấy ông đồng chí lớn kia gục gặt cái đầu ra vẻ hài lòng hắn lắm. Hăng tiết hắn giơ cả hai tay nhảy lên hô to:
- Tử hình thằng Mỹ, lấy nhà của hắn cho Cách Mạng. Ðả đảo thằng Mỹ. Cách Mạng muôn năm.
Cuối cùng bản án Nguyễn Phù Mỹ được đọc lên. Theo nguyện vọng của nhân dân lẽ ra Nguyễn Phù Mỹ phải bị xử tử, nhưng nhờ sự khoan hồng của đảng và nhà nước nên tha tội chết chỉ cho đi cải tạo dài hạn và nhà cửa của Mỹ giao cho cách mạng xử lý.
Ðấu tố cho hết bốn người thì đêm đã quá khuya, thằng Ruộng có ý chờ đồng chí lớn kêu về đồn ngủ. Nhưng đồng chí lớn khi đi về, ngang qua hắn mà ông ta chẳng ngó ngàng gì, coi bộ ông ta đã quên hắn. Thằng Ruộng thấy sợ không dám bước theo ông ta. Hắn về chợ ngủ mà lòng cứ thấp thỏm suy nghĩ. Không lẽ đồng chí lớn quên hắn thiệt rồi chăng. Còn "căn hộ"?.
ÐẶNG PHÚ PHONG
3-1-99