đổ giàn

" Trai An Thái gái An Vinh"

Trần võ sư giật mình thức dậy thì trời đã hừng sáng. Ông bước ra sau nhà rửa mặt, ngậm mấy hớp nước, sục sục trong miệng một lúc nhổ toẹt xuống đất rồi bước nhanh vào nhà. Ông đi đến bàn thờ thắp mấy cây hương, kính cẩn bái từng bàn thờ một, nhẹ nhàng cắm vào bát hương, xong, ông đi lại bộ phản gõ, chập hai bàn chân lại xoa xoa phủi bụi rồi ngồi xếp bằng ngay ngắn, sửa soạn cho điếu thuốc lào đầu ngày.

Trần võ sư thường nói với mọi người là ông thích cái tiếng nước reo trong bình thuốc lào, mới nghe thì đục nhưng lắng tai một chút lại thật thanh, Cái âm thanh làm hưng phấn cho con nhà võ.

Ông ngã người ra sau một chút, tựa vào cái gối xếp, nhả cụm khói dày đặc như sương mù rồi hớp một ngụm trà đậm đặc. Ðám khói cuồn cuộn bung ra chiếm hết khoảng không gian của cái phản, phủ mờ hình bóng của Trần võ sư, rồi theo những tia sáng xuyên qua mấy tấm cửa hàng ba chon von bay ra ngoài.

Cả đêm qua Trần võ sư trằn trọc cho đến mõ làng điểm canh năm mới thiếp đi. Ngày đổ giàn cận kề càng làm ông nôn nao lo lắng. Hai kỳ liên tiếp phái võ An Vinh, mà ông là người đại diện, đã thất bại cay đắng, để mất con heo tế - phần thưởng thật danh dự - cho kẻ thắng, vào tay phía An Thái. Hai đệ tử rường cột của ông mất đi theo hai lần thảm bại ấy. Lần thứ nhất cách nay tám năm, khi ông mới vừa thay thế sư phụ đảm đương phái võ, đám đệ tử của ông liền bị đánh bại liểng xiểng, riêng đại đệ tử của ông bị một chiêu Lão Hổ Kích Ðiểu thổ huyết tại chỗ rồi hai muơi mốt ngày sau ngã quay ra chết, mặc dù cả đến sư phụ của ông dốc lòng cứu chữa. Lần thứ hai cách đây ba năm. Sau khi nghiên cứu chiêu thức Lão Hổ Kích Ðiểu kỹ càng, Trần võ sư thấy rằng địch thủ đã đi bộ thật thấp, trong tư thế của con hổ duỗi người ra, đầu ngước lên vồ chụp một con chim đang bay là đà thật vừa tầm. Quả là phái An Thái cũng đã nghiên cứu cái ngón Uyên Ương Song Cước của phái An Vinh kỹ lưỡng.

Muốn thi triển Uyên Ương Song Cước thì phải tung người bay lên, chính sự sơ hở đó đã nâng chiêu Lão Hổ Kích Ðiểu một bậc, phát huy hết công năng, trở nên vô cùng lợi hại. Trần võ sư đã bỏ ra một tháng trời để tìm cách hóa giải, nhờ bẩm chất thiên phú, ông nhân thế tạo thế. Giảm lực song cước để xoay người vừa tránh cú đánh sấm sét, vừa lấy đà đá liên tiếp vào những chỗ hở của địch thủ. Uyên Ương Song cước bây giờ biến thành Uyên Ương Liên Hoàn Cước. Ông ra sức tập luyện cho người đệ tử thứ hai, khi lâm trận người đệ tử xử dụng chậm đi một thoáng. Một thoáng nhưng là một thoáng sinh tử! Thua trận anh ta tự tử. Dân An Thái mang con heo về, đem thẳng ra đình, mời quý cụ Tiên chỉ, Ngũ Hương tề tựu, còn dân làng không cần đánh mõ tập trung cũng chạy tới, làm lễ tế Thần Hoàng bổn xứ rồi chia nhau mỗi người một chút thịt chiến thắng. Một miếng thịt làng hơn một sàng thịt chợ. Dân An Thái ăn tiệc trong hiu hiu tự đắc, còn dân An Vinh tiếp tục ôm lấy nỗi buồn thua trận.

Hai làng cách nhau bằng dòng sông Côn lặng lờ chảy, mùa nước cạn có thể lội bộ qua lại. Nỗi buồn thua cuộc năm năm về trước chưa hết nguôi ngoai bây giờ lại càng đậm nét hơn nữa. Dân An Vinh có việc phải qua An Thái như mua bán, giỗ chạp đều lặng lẽ cúi đầu khi đối diện với dân bên đó. Không khí thiểu não bao quanh cả làng, mọi trách nhiệm đều trút lên đầu Trần võ sư. Tuy chẳng ra mặt nhưng các chức sắc trong làng đều cho rằng ông là kẻ bất tài, đám dân đen thì nghĩ rằng ông thiếu âm đức. Trần võ sư lòng đau như cắt, ở hẳn trong nhà không giao du tiếp xúc. Ðám môn đệ không ai dám đến gõ cửa phòng, chỉ cùng nhau luyện tập tại võ đường ở sát rào nhà ông.

Một tối khi mọi người đang luyện tập ông bỗng xuất hiện, đi thật chậm rãi đến trước tấm biển Trần Võ Ðường, ngắm nó một chút rồi đưa tay từ từ gỡ xuống, co gối lên. Ðám nam nữ môn đệ ông chợt hiểu ra, cùng thét thất thanh:

- Sư Phụ!

Hai Tân, người đệ tử tài ba duy nhất còn sót lại, nhảy vút đến bên ông hai tay đỡ lấy tấm biển nói như khóc:
- Xin thầy nghĩ lại.

Trần võ sư đưa mắt nhìn về phía đám môn đệ, tất cả đều quì mọp xuống đưa mắt van lơn nhìn ông. Lòng ông chùn lại, thả tấm biển vào tay Hai Tân,nói thật nhẹ nhàng:

- Thôi các con đứng dậy. Nói xong ông quay người rảo bước về nhà.

Hôm sau khi các đệ tử tập trung, ông tiến vào võ đường, làm như chẳng có việc gì đã xảy ra, ông bắt đầu bái tổ rồi dạy tiếp bài Thái cực quyền dang dở.

Gần ba năm trời ông cố công dạy đám môn đệ, tất cả đều tiến triển rõ rệt. Riêng Hai Tân, ông hết sức truyền ngọn Uyên Ương Liên Hoàn Cước để làm người cầm đầu lần tranh giàn sắp tới. Ông nghĩ trong năm năm thì nhất định Hai Tân sẽ thật nhuần nhuyễn. Không ngờ làng Kiên Mỹ nhờ làm ăn khấm khá trong mấy năm qua nên đã tổ chức đổ giàn sớm hơn hai năm ông dự liệu.

Tài nghệ Hai Tân chỉ phát huy được bảy phần của Uyên Ương liên Hoàn Cước, hơn nữa đại đệ tử của Diệp võ sư bên An Thái, theo sự dò xét của ông, anh ta đã luyện được môn Bích Hổ Dụ Tượng. Việc này càng cho ông mất ăn mất ngủ. Võ nghệ đã thật tinh thông giờ thêm môn Bích Hổ Dụ Tượng, hẳn lẽ lên đài nhanh như chớp, Hai Tân làm sao đương cự nổi! Trần võ sư thở dài thậm thượt rồi đánh tiếp một hơi thuốc lào, xong với lấy cái khăn lông quấn cổ, xỏ đôi guốc bước ra thềm nhà.

Mặt trời đã lên khoảng một sào, chiếu những tia nắng nhiều màu sắc lên khoảng sân trồng hoa nhà ông. Hình như những giọt sương đêm qua chưa kịp tan hết nên lấp lánh trên hàng bông vạn thọ đang kỳ nở rộ. Bất giác ông ngân nga: Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Ông im tiếng khi thấy bóng cô con gái mở cổng bước vào rồi đi vòng qua bức bình phong tiến thẳng về phía ông.

- Thưa cha, hôm nay cha dậy muộn. Cha không được khỏe?
- Cha không sao. Con đi chợ về rồi đấy à? Chợt thấy bóng người thấp thoáng ngoài hàng rào dâm bụt, ông cất tiếng hỏi:
- Ai đó?
- Dạ thưa thầy, chúng con...

Thì ra bốn cô đồ đệ của ông. Trần võ sư hơi ngạc nhiên không hiểu có việc gì mà họ đến sớm, nhưng các cô chỉ ấp úng rồi nhìn về phía Lý, con gái của ông.

- Thưa cha... chúng con có việc muốn trình lên cha.
- Việc gì vậy?Tức thì năm cô gái đồng một lúc quì xuống, Lý lên tiếng:
- Thưa sư phụ, chúng con muốn thay mặt làng An Vinh để đi giật giàn kỳ nầy, xin sư phụ thuận cho.

Trần võ sư nhìn chăm chăm vào năm nữ đệ tử một lúc rồi bỗng ngửa mặt lên tròi cười khan mấy tiếng:
- Các con thị vào cái gì mà đòi đi đánh lần nầy. Nhưng thôi đứng dậy đi, chúng ta vào võ đường nói chuyện.

Các cô gái lục tục theo ông vào võ đường, ông ngồi trên cái sạp gụ, giọng thật nhẹ nhàng nhưng đầy uy lực:
- Nào, các con chỉ cho ta thấy các con có những gì?

Lý tiến đến trước mặt chắp tay thưa:
- Trình sư phụ, vâng lời thầy con cố gắng luyện tập Uyên Ương Liên Hoàn Cước đã thành, ngoài ra năm chị em chúng con bấy lâu lén thầy, dấu cả các đồng môn, ra công luyện tập Ngũ Phương Trận, quyết tâm rửa hận chuyến nầy. Xin sư phụ mở lượng thứ dung cho tội lén lấy sách của sư phụ mà học tập.

Trần võ sư ngẩn người. Hừ, con nhỏ này cả gan, dám lấy trộm sách quý của ta.

Lý mồ côi mẹ từ bé, ông trở thành gà trống nuôi con, bao nhiêu tình thương ông dành hết cho nàng, ông cũng cố công truyền thụ võ nghệ cho cô con gái rượu. Ông rất tự hào cái sắc đẹp và nhất là võ học của con gái ông, nhưng chưa bao giờ ông có ý nghĩ Lý sẽ là người đi đánh trận. Còn bốn cô đệ tử kia, trên dưới đôi mươi, xấp xỉ với tuổi con gái của ông, tài nghệ đều khá tinh thông, nhưng làm sao mà chúng đương đầu nổi ngay với phái Thuận Truyền kia chứ chưa nói tới đám An Thái võ học kinh người.

Ông chợt nhớ cách đây ba năm, trong kỳ đổ giàn lần trước, Lý đứng hầu bên ông trên khán đài, khi thấy phe mình bị gục ngã, tròn xoe đôi mắt, nói với cha trong tiếng rít:
- Lần tới con sẽ trả thù.

Diệp võ sư ngồi bên cạnh nghe thấy cất tiếng cười ha hả:
- Con của Trần võ sư có khác, ta sẽ chờ con đấy.

Lý ngửng mặt nhìn thẳng vào Diệp võ sư chững chạp đáp lời, từng tiếng một:
- Thưa võ sư, chắc chắn con sẽ dự tranh.

Lần lựa ông quên đi câu chuyện đó, hôm nay ông nhớ ra, nhớ thật rõ, như trước mắt, cái nhìn sáng quắc cương cương của đứa con gái mười sáu tuổi. Nó nói là nó làm, con nhỏ này cứng cỏi thật,ông nghĩ bụng. Chúng nó luyện Ngũ Phương Trận là có ý bảo vệ con heo khi đã giành được, vì Ngũ Phương Trận chia bốn người bốn phương che chở cho người ở giữa và ngược lại người ở giữa luôn luôn là thế dốc cho bốn người kia, do đó chỉ năm người cũng có thể chặn đứng được đám đông.

- Các con dàn trận đi, ta phá trận.

Năm cô con gái hơi ngỡ ngàng, nhìn nhau một thoáng rồi cùng xá Trần võ sư ba xá và lập tức dàn trận. Trần võ sư múa quyền xông tới, Lý đứng giữa lập tức tiếp ứng cho mũi bị tấn công, nhưng đòn đánh của Trần võ sư vừa rồi chỉ là hư, ông chuyển người tung chân đá ngay vào cô gái giữ hướng bên trái. Lý nhanh nhẩu không kém, thoắt một cái cô vừa đến kịp tay phải chặt mạnh lên cú đá, tay trái đâm thẳng vào hông địch thủ, đồng thời cô gái bị tấn công cũng xuất tay ra đòn. Trần võ sư vừa đỡ đòn vừa quát lên:

- Khá lắm.

Ðấu nhau gần nửa khắc thế trận vẫn chưa bị phá, Trần võ sư bỗng chuyển cách đánh. Ông không tấn công nữa mà chỉ ra toàn hư chiêu và chạy thật nhanh chung quanh các cô gái, năm cô bung rộng thế trận ra. Thế là xong, bung rộng tức là tiềm lực phải yếu đi, sức tiếp ứng không còn hữu hiệu, ông hét lên một tiếng vượt ngay chỗ hở, bàn tay của ông bỏ thõng xuống khi vừa chạm vào sau gáy của Lý. Ông ra dấu cho các đệ tử nghỉ mệt rồi bắt đầu giảng giải cho các cô tại sao thế trận bị phá. Ông căn dặn năm cô, dù bất kỳ ở trong tình huống nào cũng không thể nới rộng vòng đai của Ngũ phương trận ra được, ngược lại địch thủ càng đông thì càng sát vòng trận lại. Ông bảo Lý thi triển ngọn Uyên Ương Liên Hoàn Cước cho ông xem. Lý làm cho ông vô cùng phấn khởi, so với Hai Tân nàng hơn một bực. Ông bước lại cây cột chính của võ đường, cây cột to gần một ôm, đứng trên viên đá phẳng. Trần võ sư đưa hai tay ôm lấy cây cột lắc qua một bên khoảng một gang tay rồi đưa nó về vị trí cũ. Ông thi triển thật nhanh đến nỗi mái nhà cũng như mấy cây kèo dính với trụ cột không hề rung động. Ông bảo con:

- Hãy làm như ta xem.

Lý cố gắng thi triển, nhưng cây cột còn cách vị trí cũ một lóng tay, cây trên mái nhà khẽ kêu lên. Tuy không hoàn hảo nhưng Lý đã làm ông kinh ngạc trong sung sướng. Với trình độ như vậy Lý sẽ đánh bại được tên đại đệ tử phe An Thái, cho dù hắn ta sử dụng Bích Hổ Dụ Tượng để chiếm tiên phong lên đài, hơn nữa phe ta còn có Hai Tân. Ông chợt nảy ra một phương kế, phen này mình thắng lớn.

- Lý, con đi gọi Hai Tân cho ta, còn các con hãy về nghỉ.

Các cô phân vân rộn ràng, nhưng Trần võ sư bước ra khỏi võ đường đi thẳng về nhà.

Cụ Chánh bái Chu đưa tay vuốt mấy nếp nhăn trên chiếc áo thụng xanh, chỉnh cái khăn đóng cho thật ngay ngắn rồi vói lấy cây gậy mây, chống bước đi ra đình. Cụ Chu năm nay thấy mình đã yếu hẳn, cũng đã định trong lòng người thay thế chức chánh bái, nhưng cụ lần lựa, để qua lễ tế lần này đã. Không phải cụ tham cái đầu heo dành cho chức chánh bái, nhà cụ thuộc hạng dư ăn dư để. Cũng không phải muốn được nể vì, mười mấy năm trước, khi cụ chưa làm chánh bái thì mọi người khi gặp cụ đều chắp tay bẩm thưa, trọng vọng. Ðiều làm cụ nấn ná chính là lúc được quì trước bàn thờ Ba Ngài, nghiêm trang thành kính đọc thầm bài văn tế Ba Vua. Lúc này là lúc cụ cảm thấy gần gũi với ba vị anh hùng của đất Tây Sơn nhất.

Lệnh của triều Nguyễn Gia Miêu cả trăm năm qua vẫn còn gay gắt, hễ biết ai còn dính dấp hay ca tụng triều Tây Sơn là bị chém bêu đầu. Nhưng dù có cấm đoán như thế nào triều đình cũng không làm cho lòng dân vùng Tây Sơn nguôi đi sự cảm phục đối với ba vị anh hùng của họ. Dân làng Kiên Mỹ đã dựng lên ngôi đình trên nền nhà, nơi ba anh em Tây Sơn sinh ra, nói thác đi là nơi thờ thần. Ngôi đình mái tranh vách đất, ngăn đôi ra, phía sau thờ những bậc tiên hiền của làng. Phía trước là bàn thờ Ba Vua, không bài vị, chỉ có bộ ngũ tiện bằng gỗ cẩm lai với bát hương màu trứng sáo.

Không ai biết được việc này ngoài một người, đó là cụ chánh bái của đình. Bài văn tế thuộc lòng, chỉ do vị chánh bái trước truyền miệng lại cho vị chánh bái kế tiếp. Người được truyền là một trong hai vị bồi tế và phải thề độc không được tiết lộ cho bất cứ ai. Nhờ thế mà qua nhiều đời điều bí mật vẫn hoàn toàn bí mật.

Trước đình thờ, dưới cây me cổ thụ, dân trong làng đang đứng chen chúc nhưng yên lặng hướng vào cửa chính điện được mở toang ra, khói hương nghi ngút. Sau ba hồi chiêng trống vang lừng, cụ Chánh bái Chu quì ngay trước bàn thờ, đàng sau và hai bên là hai cụ Bồi Tế, xa hơn một chút là mấy anh thanh niên học trò gia lễ mặc áo thụng xanh, thắt lưng đỏ, đầu đội mũ quan văn. Tất cả đều im lặng trong khi cụ Chu lâm râm khấn vái. Cụ Chu đưa ba nén hương cho người học trò gia lễ tiếp, cắm lên lư hương rồi kính cẩn lạy theo tiếng hô: Nhất bái... Tiếp theo là tiếng kèn, tiếng đờn cò trổi lên" Xự hò xự xang hò cống xự, xự hò xự xang hò cống xê..." Ðiệu nhạc tuy có hơi dồn dập nhưng mang mang sắc thái buồn thiên cổ.

Buổi tế lễ chỉ có thế, đơn giản mộc mạc, cụ Chu tuy đã làm Chánh bái những mười lăm năm rồi mà không thể nào cầm lòng, tủi cho vong linh ba vị anh hùng cái thế. Năm nào cũng vậy, cụ không ở lại tham dự bữa tiệc mà đi thẳng về nhà đốt mấy nén hương cắm trước bàn thiên, hướng về phía đình bái mấy bái. Cụ đưa tay vuốt vuốt chòm râu, thở dài u uẩn. Trên đôi mắt lờ đờ già nua nhìn sâu vào dĩ vãng ấy thoáng mấy hạt nước mắt, thứ nước mắt đã trở thành kim cương bất hoại.

Sau buổi tế lễ ở đình thì đến phiên các sư bắt đầu tụng kinh cúng trời phật trên đàn tràng cất xéo trước mặt đình cũng là chợ của làng. Ðàn tràng dựng lên bằng tre cao trên ba thước, sàn làm bằng những tấm phản mượn trong dân chúng, sau ba ngọ tụng kinh thì đây cũng là cái giàn bày biện phẩm vật và con heo để cho võ sĩ các nơi tranh tài cướp lấy. Trước đàn tràng chôn một cây tre thật cao rong hết cành gai chỉ còn lại dúm lá trên đọt, người ta treo một tấm vải, gọi là phướng, bề ngang khoảng bốn tấc, dài từ ngọn tre đến gần mặt đất. Cách cây phướng một khoảng đất khá rộng là sân khấu lộ thiên dành cho các đoàn hát bội diễn liên tiếp trong ba ngày đêm. Thường thì diễn buổi đầu là tuồng Cổ Thành, tức Quan Công phò nhị tẩu, sau đó là những tuồng tích hát phải nhiều lớp như Vạn Huê Lầu, Mạnh Lệ Quân vân vân... Qua ba năm trúng mùa liên tiếp, làng Kiên Mỹ tổ chức đổ giàn lần này thật lớn có mời quan huyện đến dự. Dân trong làng thi nhau hiến phẩm vật, nghèo hiến theo nghèo, giàu hiến theo giàu. Ðặc biệt con heo, cái đích của cuộc đổ giàn do ông Cửu Nang cúng nặng đến cả trăm cân, còn hai cỗ diêm mễ của ông Bang Tá Trí thì quá to, quá đẹp. Ðể làm được hai cỗ nầy ông Bang Tá Trí phải mời hai ông thợ may khéo tay về nhà may đến mười ngày. Họ may từng túi nhỏ nhuộm màu xanh đỏ, theo dạng những nét chữ Nho rồi đổ muối hay gạo vào, xong đem kết thành chữ gắn thành cái tháp cao bảy tầng trông rất đẹp mắt.

Mặt trời đã đứng bóng, các vị sư dẹp chuông mõ, cuốn tranh phật, chậm chạp leo cầu thang xuống đài, nhường chỗ cho các pháp sư cúng phần ngã tạp. Các võ sĩ bắt đầu xuất hiện trước đài, họ mặc võ phục tay không có võ khí vì luật lệ không cho phép. Phái Thuận Truyền khoảng trên mươi người, áo màu nâu, trên cổ đều khoác khăn lông thả chùng đến ngực, đứng chiếm lấy cầu thang bên phải. Phái An Thái đông hơn khoảng hai mươi người, áo màu đen đứng thành hai lớp, một lớp hướng về phía Thuận Truyền, một lớp bao quanh cầu thang bên trái. Riêng phái An Vinh thật là đặc biệt, ngoài mười hai nam võ sĩ còn có năm cô con gái tóc thắt bím, mặc võ phục màu xanh bó sát người lộ làn da trắng mịn, gương mặt tươi cười rạng rỡ.

Dân chúng xôn xao bàn tán, đàn bà con gái vùng đất Tây Sơn học võ khá đông, cũng có người võ nghệ rất cao cường, nhưng chưa bao giờ dự tranh đổ giàn, quả là một điều lạ. Trên khán đài dành cho các vị võ sư ngồi xem môn đệ mình đánh trận, Diệp võ sư hơi nhướng mày nhìn xuống mấy cô võ sĩ An Vinh, nhận ra Lý, ông ta cất tiếng cười, nói với Trần võ sư:

- Hổ phụ sinh hổ tử, Trần tiểu thư là người trọng chữ tín, đệ vô cùng thán phục, nhưng còn đại đệ tử... Diệp võ sư bỏ lửng câu nói. Trần võ sư nhìn thẳng vào Diệp võ sư, đáp:

- Xin đa tạ Diệp võ sư đã quá khen. Tệ nữ võ học chưa thấm vào đâu, nhưng cũng cố thay mặt An Vinh giỡn chơi với quý phái một trận.
- Khẩu khí thật là khẩu khí!

Hồ võ sư của phái Thuận Truyền vừa nói vừa cười cành cạch.

Trên đàn tràng các pháp sư bắt đầu xuống đài, hình hai ông Tiêu, Diện, bình hoa được dẹp sang một bên. Ông Lý trưởng đứng trên đài hướng về quan Huyện xá một cái, cất tiếng cảm ơn sự có mặt của quan Huyện, cảm ơn những nhà hảo tâm hiến lễ vật, tiền bạc cho cuộc đổ giàn, rồi kêu gọi các võ sĩ phải đấu nhau trong tinh thần thượng võ. Khi ông Lý trưởng vừa trở lại chỗ ngồi với đám chức sắc trong làng thì hai người tráng đinh cũng vừa khiêng cái trống chầu đặt trước mặt quan Huyện. Quan Huyện mặc áo the đen, phía trong là bộ bà ba bằng lụa trắng mềm mại, chiếc thẻ bài ngà hơi nặng kéo chùng phần vải trên ngực, nước da đỏ hồng bóng lưỡng trên gương mặt bành bạnh, rõ là một bậc phụ mẫu chi dân. Ông bảo hai người lính đứng hầu hai bên đem cái lọng đang che ông ra chỗ khác rồi cầm lấy dùi thong thả đánh. Hồi trống vừa dứt, quan Huyện cất tiếng thật dõng dạc:

- Ðổ giàn.

Lập tức mấy tên tráng đinh xô nhào mấy cỗ bánh và hai cỗ diêm mễ xuống đài, dân chúng nhảy xô tới giành phần. Họ vật lộn, chà đạp lên nhau, chửi rủa rần trời, lũ trẻ con hò hét, có đứa khóc thét lên vì bị trúng đòn đau đớn. Bánh thuẫn, bánh ít bể nát văng tứ phía, những lọn vải chứa muối hay gạo cũng bị dẫm lên đổ tung ra. Một số người vồ được một món gì đó là lật đật chạy biến đi, những người chưa giành được thì lom khom mót lấy từng chút bánh nát, chút muối, gạo rơi rớt. Còn cái lá phướng thì được thanh toán nhanh hơn, mỗi người giành giật nhau được một mảnh nhỏ. Ai cũng tin rằng hễ giành được bất kỳ thứ gì trong cuộc đổ giàn đều là quí cả. Gạo, muối đem về cất cẩn thận trên kèo nhà, nếu có người bịnh nấu chén cháo, ăn vô thấy khỏe ngay. Tấm vải phướng có những chữ nho chằng chịt ấy dùng may áo cho con nít mặc, trị được chứng giật mình khóc nhè ban đêm.

Dân chúng tranh nhau giành giật nhưng các đám võ sĩ chỉ đứng yên hầm hè nhìn nhau, đo lường thực lực. Rồi cái phần quan trọng nhất trong cuộc đổ giàn đến. Dân chúng bắt đầu tản dần ra xa, có kẻ yếu bóng vía chạy vào mấy lều chợ trống, thập thò nhìn ra. Quan Huyện cũng gióng lên hồi trống lịnh, nhưng lần này ông đứng lên, xuống lịnh đổ giàn. Tức thì các võ sĩ ào ra động thủ để giành cầu thang lên giàn.

Trận đấu chỉ diễn ra trong nháy mắt thì khựng lại vì đại đệ tử phái An Thái đã vượt gần đến chân cầu thang rồi hét lên một tiếng thật lớn thi triển công phu Bích Hổ Dụ Tượng, hai chân bước thoăn thoắt trên cây cột tre dựng đứng. Ðại đệ tử của phái Thuận Truyền cũng rảnh được tay, đu mình thoăn thoắt lên cầu thang. Riêng các võ sĩ phái An Vinh thoắt một cái đứng vô thành hàng. Người cuối cùng thì ngồi trong thế tấn và trên vai người trước nhất có một người khác đứng lên. Cô Lý phóng chân chạy lướt trên đầu của hàng người đó, vừa đến vai người cuối cùng cô chạm mũi giày lấy đà búng cong người lao vút lên đài. Vừa chạm chân xuống sàn Lý lạng người một cái đến chỗ con heo đưa tay định chộp lấy. Nhưng một tiếng quát to lên:

- Ðể con heo ở đó.

Ðại đệ tử An Thái cũng vừa đến nơi, anh ta vừa quát vừa vung tay tấn công. Lý rút tay về, nhảy qua một bên đưa bàn tay chém vào lưng địch thủ. Hai người quần thảo ở phía bên trái của đài thì phía bên mặt, võ sĩ Thuận Truyền cũng vừa lên đến nơi, lợi dụng thời cơ anh ta lao nhanh tới con heo đưa tay chộp lấy. Mọi người reo hò vang lên tưởng phen này Thuận Truyền hưởng thế ngư ông đắc lợi, nhưng khi anh ta ôm được con heo thì cặp đang đánh nhau bỗng như tia xẹt rời ra và cùng tung đòn về phía anh. Không kịp phản ứng người võ sĩ Thuận Truyền bị một lúc cú đấm cực mạnh của Ðại đệ tử An Thái cùng cú đá hiểm hóc của Lý. Anh ta chỉ kịp kêu hự lên một tiếng rồi văng ra rớt bịch xuống đài, nằm thẳng cẳng. Hạ địch thủ xong cả hai lập tức xáp lại nhau ra đòn tới tấp. Bên tám lạng bên nửa cân quần thảo nhau thật đẹp mắt, mọi người hồi hộp theo dõi trận đấu. Tất cả thật im lặng ngoại trừ tiếng chân tay của hai đấu thủ chạm vào nhau hoặc dậm xuống đài. Ðột nhiên cả hai lùi lại, đi xây vòng, mắt trừng trừng nhìn nhau không chớp, trận chiến sắp đến hồi trống mái rồi đây, mọi người như muốn nín thở. Ðệ tử An Thái đang chờ Lý xuất chiêu Uyên Ương Song Cước để có cơ hội xử dụng Lão Hổ Kích Ðiểu, cú đánh then chốt từng đem lại thành công cho An Thái. Diệp võ sư trong tư thái ung dung cầm ly rượu nốc cạn cho đắc thắng, Trần võ sư tuy biết rằng phen này phe An Thái lầm to, họ chưa nhận ra sự khác biệt giữa Uyên Ương Song Cước và Uyên Ương Liên Hoàn Cước, nhưng ông cũng cảm thấy bồn chồn trong bụng.

Ðột nhiên Lý lùi nhanh lại ba bước rồi tung người lên cao hai chân đá vút vào ngực địch thủ, chỉ chờ có thế võ sĩ An Thái nhảy dựng lên theo xuất chiêu Lão Hổ Kích Ðiểu. Ðôi chân của Lý như có mắt, mũi giày của nàng xoay nửa vòng rồi chân trái trước chân phải sau liên tiếp tung vào sườn và ngực địch thủ. Chỉ nghe đệ tử An Thái rống lên, máu trong miệng vọt ào ra, anh ta gập người xuống rồi lăn quay trên sàn đài. Lý ôm lấy con heo quăng ngay xuống phía Hai Tân đang chờ sẵn, bắt lấy, rồi Lý nhẹ nhàng nhảy xuống theo. Cả hai phái Thuận Truyền và An thái đều nhất tề xông tới tấn công phe An Vinh để giành lại con heo. Trận chiến trở nên hỗn độn, tiếng la ó vang rền cả xóm làng. Nhưng những nam võ sĩ của An vinh ra đòn thật nhanh, đánh tới trước mở đường cho trận Ngũ Phương của các nữ võ sĩ hoạt động bảo vệ Hai Tân vác heo, Lý thì thoạt đông thoạt tây tiếp ứng. Cứ thế đoàn võ sĩ An Vinh vượt qua khỏi đám võ sĩ của hai làng, hướng về phía Bàu Sen đi thẳng.

Dân chúng ào lên vỗ tay hoan hô An Vinh vang dội.

Trên khán đài ba vị võ sư đều im lặng. Khi tiếng reo hò vừa lắng xuống, Diệp võ sư, Hồ võ sư cùng đứng lên hướng về phía Trần Võ sư, bái một bái, nói:

- Xin chúc mừng Trần võ sư.

Trần võ sư bái trả, nói lời khiêm nhượng. Ba vị võ sư cắp ô đi về ba ngả mang ba tâm trạng khác nhau. Trời cũng đã xế chiều.

ÐẶNG PHÚ PHONG