ÐÁNH TRONG THÀNH PHỐ

Trần Hoài Thư

Giao thừa 1968. Giao thừa xa nhà đầu tiên của một tên lính thú. Em xa nhà. Tôi xa quê. Phải. Em xa nhà và tôi thì xa quê. Em đang làm gì ở dưới đấy. Có chuẩn bị gì cho một năm mới của đời em. Có chút gì bâng khuâng khi nhớ lại khu vườn xưa một thời mộng mị, chiêm bao, vàng thắm bông vạn thọ bông cúc bông cải nụ. Có chút gì xao xuyến khi trang lòng mở cửa để có một hình bóng len vào cho ngày năm mới. Trời ơi, đêm nay là đêm giao thừa. Cũng muốn quên, muốn xem mọi chuyện là phù vân, xem mẹ thà như hạt bụi em thà xem như hơi rượu cay... Tại sao lại có đêm giao thừa, là ngưỡng cửa một năm, là những sửa soạn đón chào cho hy vọng tương lai cho gia đình đoàn tụ cho những kẻ yêu nhau được gần nhau cho mối tình câm được mở thành lời thành tiếng. Bây giờ em làm gì ở đó. Có nhớ Huế như anh đang nhớ. Có thèm một bếp lửa trong đêm trừ tịch như anh đang thèm. Tại sao hai kẻ có cùng một nỗi niềm lại không được gần nhau. Tại sao trong cõi người chúng ta lại không nương tựa nhau trên giòng sông lênh đênh của tuổi trẻ. Tại sao, tại sao? 

Ðêm giao thừa. Lênh ngưng bắn đã được đọc trên radio và qua lệnh lạc. Cám ơn Giao Thừa cho miền Nam này một đêm bình an. Cũng như cám ơn đêm Giáng Sinh trước đây. Thì ra các phe vẫn còn động lòng cho một dân tộc quá đau khổ vì chiến tranh. Có điều, chỉ một đêm. Một đêm ngắn ngủi. Rồi sau đó, tất cả khúc phim cũ lại tiếp tục diễn. Tàn bạo hơn. Ðiên cuồng hơn. Thù hận hơn. 

Dù sao đêm nay ta cũng mừng vì khỏi dẫn lính đi nằm tiền đồn. Buổi chiều lính rủ đánh bài cào. Ban đầu ăn, nhưng sau đó thua sạch túi. Trung sĩ nhất Mới, hạ sĩ quan quân số và là chủ câu lạc bộ đã mua vịt quay, heo quay, hoa quả để cúng giao thừa. Hắn mời tôi chia vui giao thừa với vợ chồng hắn. Trong cõi tối mờ mịt của một đêm cuối năm, những người lính không thân nhân gần gũi quay quần trong câu lạc bộ, đánh domino, chơi bài, hay uống rượu. Tôi vào phòng. Căn phòng đã thấy tôi suốt 4 tháng trời. Trên vách ván treo tấm hình cô gái trong tạp chí Playboy. Ðôi vú tròn căng, hai tay che phần dưới. Mái tóc tung toé. Sau lưng là biển xanh ngát. Một chiếc tủ được đóng bằng thùng đạn pháo binh, trên để những tạp chí. Ðó cũng là bàn viết. Ðó là gia tài của một cây bút trẻ. Làm sao những người độc giả của tôi hiểu được, để đổi lấy những trang giấy đầy bom đạn, sôi sục căm hờn, lờn vờn cõi tử, nóng hổi tiếng gào rú, tiếng nổ, là tác giả của chúng đã phải đổi lại bằng chính sinh mạng của mình... 

Tôi đang ngồi trước bàn viết. Nhắm mắt lại. Giờ này quỳnh đang làm gì ở dưới ấy. Chắc em cũng đang trải qua cùng những cơn bão nhớ nhung đầu tiên rớt xuống đời một người con gái xa nhà.

Tội nghiệp cho em. Và cũng tội nghiệp cho chúng ta. Em xa nhà và tôi xa quê. Hoàn cảnh đã đẩy đưa những đứa con bỏ thành phố cũ mà ra đi. Nhớ lắm, Quỳnh ơi, sáng sớm đầu năm, anh đợi chờ em sau cửa sổ. Bởi vì anh biết thế nào em cũng theo mẹ qua nhà anh để đi lễ chùa. Nhớ lắm, nắng xuân vàng nhảy múa cả niềm vui. Cả con đường đầy những áo mới, những lời thăm hỏi và chúc mừng xôn xao. Nhớ lắm em mang chiếc áo vàng, vàng như màu hoa cúc, và mái tóc em như chảy cả bờ vai mềm. Làm sao em hiểu được là con tim anh đang khiêu vũ, nhảy múa. Làm sao em biết anh muốn chết trân khi đứng bên cửa sổ và dấu mặt nhìn ra. Phải. Mỗi lần Tết đến, là mỗi lần lại thấy em, càng lớn hơn, càng xinh đẹp hơn, càng yêu dấu hơn. Niềm hy vọng trong anh lại thêm một lần ca hát. Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn...

Ðêm nay đêm giao thừa. Bây giờ chúng ta thì xa Huế nhưng chúng ta lại có một Bình Ðịnh để còn có cơ duyên. Thế nào ngày mai anh cũng phải về Qui Nhơn, tìm đến ngôi trường bên bờ biển, và nói những lời chúc mừng như ngày xưa anh đã chúc em. Thế nào anh cũng đến để kể về một khu vườn xưa, mà em và anh đã từng có mặt. Trái ổi nào vẫn còn xanh thẩm trong hồn anh. Cây sung trên bến sông sau nhà vẫn còn là một bóng mát trong cuộc đời gian khổ của anh. Những chùm bông dâm bụt vẫn còn đỏ rực trong tim anh.

Bây giờ là giao thừa. Những tràng súng nổ như vỡ bùng lòng đêm, và những tia đạn lửa cắt xé ngang dọc. Trời đen như mực xạ. Trong câu lạc bộ, trung sĩ nhất Mới đã cúng giao thừa. Tiếng nhạc mừng xuân rộn ràng. Lòng bỗng nhiên xôn xao bồi hồi vô kể. Dưới kia, em có còn thức. Chắc là em sẽ phải khóc. Con gái vẫn thế. Yếu mềm. Bắt chước người xưa khai bút đầu năm, đêm nay anh viết cả trăm tên Quỳnh vào tâm hồn anh. Mong làm sao cho em luôn luôn gặp thấy những giấc mơ trọn vẹn, đêm nay.

Ðúng như nhiệm vụ của đại đội là trừ bị cho Sư Ðoàn. Cấp trên có thể trưng dụng chúng tôi bất cứ lúc nào. Ba giờ sáng ngày mồng Một năm Mậu Thân, chuông điện thoại reo lên trong văn phòng đại đội. Tin cho biết địch đã tràn ngập Qui Nhơn, và nhiệm vụ đại đội là phải xuống đồi về thành phố. 

Chúng tôi phải vất vả lắm mới tom góp được khoảng sáu chục người lính. Trong đêm giao thừa, chiếc xe dodge xuống đồi lục lạo khắp trại gia binh. Lính tráng có kẻ còn vướng rượu. Có kẻ chưa kịp từ giã vợ con. Có kẻ chưa kịp cúng giao thừa. Có kẻ vẫn còn ngái ngủ. Cả doanh trại gia binh như choàng thức giấc. 

Bốn chiếc xe mười bánh mở đèn pha lên đồi. Trong một đêm về sáng, lính tráng tập họp điểm danh. Trung đội tôi chỉ có 15 người. Trời ơi, một trung đội chỉ có 15 người làm sao mà đi đánh giặc. Ông đại đội trưởng đã lái xe xuống đồi để nhận lệnh hành quân. Trên sân những bóng người ẩn hiện dưới ánh điện vàng. Và bóng tháp phía cổng trại thấy mập mờ. Tự nhiên, có cái gì bắt tôi phải đến dưới chân tháp, và cầu nguyện. Tôi không thể giải thích tại sao. Trong tâm linh của tôi, tháp không phải là biểu tượng của một sự thăng trầm. Trái lại, tháp là nơi thần linh ngự trị, có thể hiểu tôi, thương tôi và che chở cho tôi và các đứa con của tôi.

Rồi ông đại đội trưởng trở lại đồi. Lần này không cần bản đồ, không cần đặc lệnh hành quân, ông cho biết thêm VC đã tràn ngập thành phố Qui Nhơn mang quần áo QLVNCH. Nhiệm vụ mình là về giải toả.

Như vậy, sau gần bốn tháng ở đơn vị, lần đầu tiên tôi mới tham dự vào một trận đánh giải vây, nhưng là trận đánh giải vây thành phố. 

Ðánh trong thành phố. Chúng tôi chưa bao giờ được huấn luyện lối tác chiến lạ lùng này. Có lẽ những nhà lãnh đạo quân sự của ta không bao giờ nghĩ là Bắc quân một ngày sẽ có mặt trong thành thị như hôm nay. Dù vậy, khi cần, thì cấp trên cứ bốc. Bởi vì nhiệm vụ của chúng tôi là vậy. Trong đêm về sáng, đoàn xe chở một đại đội thiếu hụt quân số, thiếu hụt sĩ quan, xuống đồi. Qua trại gia binh, thấp thoáng những người vợ lính đứng ở bên đường đưa tiễn. Xe qua cầu Bà Di, qua Núi Ðá, về hướng Qui Nhơn. Không có dấu hiệu gì của một cuộc tổng công kích. Vào lúc 7 giờ sáng đoàn xe thả chúng tôi xuống một địa điểm cách Qui Nhơn khoảng hai cây số. Ðây là Diêu Trì, với những khu vườn mía ở hai bên đường. Ðơn vị bắt đầu di chuyển bộ. Trên đường, người dân chạy loạn đổ về phía chúng tôi càng lúc càng đông. Xe lam, xe nhà, và người chạy bộ. Có Quỳnh trong số người chạy loạn đấy không. Quỳnh ơi, anh đang về. Thành phố ơi, ta đang về. Phải chiếm lại. Phải lấy lại. Nơi có một đám bạn bè, nơi có ngôi nhà ở chợ Qui Nhơn có Châu, có Ðồng, có Sáu, nơi có căn phòng thuê ở khu Sáu có Nhàn... và những quán cà phê, quán ăn khách sạn... Phải chiếm lại. Hăm hở như một tên lính tự nguyện lao vào cõi dữ.

Trời đã sáng rõ. Không một bóng xe quân sự, hay trực thăng, hay phản lực, chiến xa hộ tống. Trung đội tôi đi đầu. Khinh binh, tiền sát mang súng trường, binh nhất Võ hồng Nga mang trung liên Bar, tiểu đội trưởng mang M1, và trung đội trưởng mang M2. Chúng tôi hàng dọc tiến vào như tiến vào một mê đồ trận. Ðánh giặc ở làng mạc thì quá dễ. Ðồng trống, hay vườn tược, hay kênh rạch... Khi khám phá ra địch thì gọi máy bay hay trực thăng pháo binh yểm trợ làm dập mục tiêu. Nhưng ở đây, chỉ có lệnh giản dị. Giải tỏa địch. Nhưng đâu là nơi địch đóng chốt. Ðâu là địch bám trụ. Trong những ngôi lầu hai bên đường dẫn vào thành phố, ngôi lầu nào có khẩu cộng đồng? Không thể gọi máy bay thả bom xuống phố. Rõ ràng chúng tôi được đưa vào, để nhử địch, để khám phá địch. Nếu địch yếu thì tấn công. Nếu địch mạnh thì có đơn vị khác đến yểm trợ. Chúng tôi như những kẻ đi tìm ma qủy. Ði là đi. Ðến đó, súng nổ tức là có địch. Người bị trúng đạn tức là có địch. 

Ðại đội đã tiến vào cửa ngỏ thành phố, bên cạnh núi Hỏa, gần khu Hoả xa. Bên trái phía xa là Ðầm Thị Nại. Bên kia đường là Cây Xăng Ông Tề. Lúc ấy vào khoảng 8 giờ sáng. Phố vắng ngắt. Ðịch bắt đầu nổ súng chào mừng. Ðịch đã ở lợi thế, khi họ ẩn núp trên lầu. Những tràng nổ cạch cạch dòn dả của đạn đại liên. May mắn không có ai trúng đạn. Rõ ràng vũ khí họ tối tân hơn chúng tôi. Mùi thuốc nổ còn như vướng theo mùi thuốc pháo. Ðơn vị tìm chỗ trú ẩn trong những ngôi nhà dưới chân núi Hỏa. Súng vẫn nổ dữ dội. Tiếng rít cắt nghe rõ mồn một. Ðịch đã biết trước sau có một đơn vị từ ngoài về giải tỏa và địch đã dọn sẵn thế trận.

Qua máy truyền tin ông đại đội trưởng ra lệnh trung đội tôi bằng mọi giá phải chiếm ngôi lầu Ông Tề ở bên kia đường, sau trạm xăng. Tôi bò đến ông Tướng truyền lại lệnh. Tôi sẽ dẫn một tiểu đội chiếm cây xăng. Ông Tướng sẽ dẫn tiểu đội còn lại , sẵn sàng xung phong vào ngôi lầu sau khi tiểu đội tôi chiếm mục tiêu để làm bàn đạp yểm trợ. Tôi bảo trung sĩ Lợi chuẩn bị sẵn sàng. Hắn truyền lại lệnh xuống các đứa con. Rồi tôi hét: Chạy. Cả bọn cùng ào qua lộ. Ðạn đuổi theo, sủi bọt trên đường nhựa. Vô sự. Chúng tôi đã băng qua đường vô sự. Tôi chạy đến phía dưới trụ xăng, ngồi núp đằng sau trụ. Thằng lính truyền tin chạy theo tôi ngồi bên cạnh. Những người lính của tôi cũng tìm chỗ núp chung quanh. Chỉ còn khoảng 15 thước là đến ngôi lầu. Ðịch lại bắn rát. Ðạn địch sủi bọt trên đường, lổ chổ vào vỉa hè xi măng quanh mình. Ðạn xuyên qua cây xăng, lửa toé lên. Chưa kịp ra lệnh gì thêm cho những người lính xung quanh thì bỗng nhiên đầu óc xây xẩm. 

Một viên đạn nào đó dịu dàng quá đỗi, hôn lên da thịt tôi, như một cơn gió thoảng, như một nụ hôn của định mệnh, của tuổi trẻ, của chiến tranh, của ngăn chia, của con ngựa chứng... nó hôn lên tim tôi, hay là móng vuốt của định mệnh đã bấu, cứa làm lồng ngực ôm lấy con tim tôi bị mất đi một mảnh, để máu từ trong lồng ngực tuôn trào. Tôi vẫn chưa bắn được một viên đạn nào. Tôi chỉ nhìn lên thấy ngôi lầu vôi trắng, mái ngói đỏ, có giàn hoa giấy. Tôi chỉ nhìn thấy khung cửa sổ sơn màu đà. Tôi chỉ nhìn thấy màu xanh của mây trời vào ngày mồng Một Tết, rất xanh vì có lẽ là ngày đầu năm. Tôi chỉ thấy bên cạnh tôi, là Ðông đang lom khom báo cáo. Sau đó tất cả đảo lộn, quay cuồng. Tôi cố gượng, nhưng rõ ràng, tự nhiên một cơn buốt nhức như xé cả da thịt. Tôi chỉ biết kêu Ðông: Ðông... Người lính truyền tin quay lại rồi la lên: Ông thầy bị thương rồi. Rồi nó hốt hoảng báo cáo về Ban Chỉ huy. Sau đó nó vừa mang máy, vừa dìu tôi trở lại bên kia đường. Ðạn địch lại nhắm vào chúng tôi đuổi theo, tua tủa trên mặt lộ.

Chỉ khoảng chừng 15 phút sau là một chiếc trực thăng đã có mặt, phóng rocket xuống ngôi lầu. Chốt địch đầu tiên đã bị diệt. Nhưng để đổi lại, máu của một người lính thám kích đã thấm áo và tuôn xuống đường. Và người lính ấy là tôi, một chuẩn úy mới ra trường. Một kẻ duy nhất của đơn vị bị thương trong trận đánh năm Mậu Thân.

Máu tôi đã thấm chiếc áo trận. Không ai ngờ một viên đạn đã xuyên từ ống tay áo bên phải, qua chiếc túi áo phải, qua túi áo trái, rồi cắt xẻo đầu vú ngay trên con tim một mảnh rồi lại xuyên qua ống tay áo bên trái. Chiếc áo mầu nhiệm, và bốn lỗ đạn mầu nhiệm. Chỉ nhích qua một ly mong manh, là đạn sẽ đâm vào tim và tôi không còn ngồi lại đây để mà viết những hàng chữ này. Càng hiểu rằng mình đã được những ân phước, những may mắn chở che. Ôi chiếc áo và 4 lỗ đạn. Chắc tại thân thể tôi gầy quá, hai cánh tay tôi cũng ốm quá, ngực tôi cũng lép quá, để viên đạn đồng không công phá thêm da thịt mình. Chiếc áo đã cũ vì những tháng đầu tiên trong đời lính trận, tôi vẫn hằng mang trong những cuộc làm ăn đêm. Bây giờ nó thêm một lần cũ hơn, rách hơn, tang thương hơn, nhưng nó là cả một chứng tích cho sự kỳ diệu. Bởi vì, nó đã thấy, đã chứng nhân cái quí giá nhất, mà Thượng Ðế đã dành cho loài người. Ðó là sự sống. Ðó là hơi thở của tôi. 

Tôi được dìu vào một ngôi nhà bên đường. Trong phòng khách, dưới gầm bàn, thấy một đám người đang trú ẩn. Người y tá đại đội đã băng vết thương tôi. Hắn thốt lên: Ông thật là may mắn lắm đó. Chỉ một ly là trúng tim. Tôi biết. Tôi đã nhìn vào lồng ngực. Núm vú tôi đâu rồi. Chỉ còn lại là một đường rãnh đỏ tươi in khắc. Nhưng tôi không cảm thấy đau. Có lẽ vì viên đạn xẹt quá nhanh, hay cũng vì quá bất ngờ nên tôi không quên tất cả. Nhưng bây giờ, khi người y tá đã dùng bông gòn tẩm cồn chùi rửa vết thương thì tôi phải rên rỉ. Nhức buốt vô cùng tận.

Ngoài đường đã nghe tiếng trực thăng đang nả rocket. Tôi nói với y tá là tôi khát. Hắn hỏi những người trong nhà xin ly nước. Một người con gái đã bò ra khỏi gầm bàn. Nàng đã rót một ly và run rẩy mang đến. Ðừng sợ em nhé. Thế nào chúng tôi cũng chiếm lại và trả lại thành phố này cho em.

Chợt ở ngoài cửa sau nhà, nhìn ra đường rầy xe lửa, thấy địch chạy như bầy vịt về hướng đầm Thị Nại. Như vậy là ta đã thắng rồi. Và ít ra vết thương này cũng không đến nỗi vô ích.


Quỳnh yêu dấu.

Hôm nay ngày đầu năm, anh nhận được quà mừng tuổi. Quá không phải từ một tấm lòng. Nhưng quà đến từ phía kẻ thù. Cái quà đến từ một viên đạn đồng, sau một lần nheo mắt, và hả hê khi bóp lảy cò. Quà tặng thật kỳ diệu. Bởi nó là kỷ vật, một vết sẹo mãi mãi in trên da thịt thân thể như một vết chàm không thể tẩy xóa. Bởi nó là dấu ấn của cuộc chơi buồn bã, mà anh là kẻ bị bỏ cuộc ngay giờ phút đầu tiên. Nó lại nằm sát con tim, mở ra lòng thịt đỏ, như một cửa ngõ từ con tim của một người lính, một người viết văn trẻ, một tên thanh niên sinh vào tuổi Ngựa, với lòng đất nước cưu mang.

Thế là, anh đã sống sót. Sống sót bằng một nỗi kỳ diệu. Anh vẫn còn thở. Tim vẫn còn đập. Vẫn còn nhìn bên kia khung cửa quân y viện những hàng dương liễu và xa hơn nữa là mặt biển xanh lơ. Anh vẫn còn nghe tiếng sóng dội về, có lúc ầm ầm, có lúc thì xa vắng. Và nhất là vẫn còn được nghĩ đến Quỳnh. Anh sẽ không hận thù kẻ đã bắn anh. Nó cũng như anh. Nó không còn lối thoát nào trừ tuân phục. Không ai có thể bứt ra khỏi guồng máy. Và dĩ nhiên nhiệm vụ nó và anh là thi hành lệnh. Chỉ oán hận là oán hận bọn đồ tể trói gà không chặt chỉ biết ngồi trong tháp ngà mà xúi bọn trẻ chết thay. Chỉ oán hận là oán hận một lũ không bao giờ muốn thấy đồng bào mình được hưởng, dù chỉ một giờ một phút thiêng liêng nhất như giờ phút giao thừa.

Bây giờ em làm gì bên ấy. Em có lo về Huế của chúng ta hay không. Không biết Huế thế nào. Nghe tin tức khắp nơi tràn ngập phe Bắc quân. Sao mà lại quá dễ dàng như vậy. Tình báo ở đâu. Gián điệp ở đâu. Phòng Nhì ở đâu. Chỉ biết ăn chơi và tham nhũng thôi sao. Chỉ biết biểu tình tranh đấu thôi sao. Hay là không biết gì về địch hết.

Bây giờ, là một giờ sáng. Tiếng súng nổ vẫn còn nghe. Người ta nói là ở ngay đài phát thanh và tiểu khu. Không biết đại đội đã giải tỏa xong cửa ngõ thành phố chưa. Có điều là đến lúc này, vẫn chưa thấy một người lính nào thuộc đại đội được tải về. Cũng mừng.

Bây giờ vết thương lại hành hạ. Trời ơi, anh cần một giấc ngủ. Có ai đó không. Em ở bên kia có nghe anh gọi không. Có thần giao cách cảm không. Chắc là không. Thượng Ðế ơi, ngài đã cho con được sống sót bằng cả một sự mầu nhiệm, thì xin ngài hãy từ tâm cho con được thêm một giọt lệ. Chỉ một giọt lệ trào xuống, lăn trên má và hoà vào một giọt lệ khác. Hai hạt nước mắt của hai kẻ nam nữ trong một thời hỗn mang nhất của lịch sử.


Ngày mồng Năm Tết, lệnh từ Quân Y Viện bắt buộc các thương bệnh binh ai nấy phải có mặt tại giường. Có phái đoàn đến từng giường để ủy lạo. Lại có Sư đoàn đến tưởng thưởng huy chương. Mười giờ sáng thì thấp thoáng bóng những chiếc áo dài ở phòng ngoại thương. Cám ơn họ. Cám ơn một hậu phương đã mang tấm lòng đến những kẻ đã bỏ cuộc sớm như ta. Rồi phái đoàn vào phòng, đông lắm. Rồi mắt ta như hoa, tim ta như oà vỡ, miệng ta muốn reo lên vui mừng quá độ. Quỳnh. Rõ ràng là Quỳnh. Quỳnh có mặt trong đám con gái. Nàng sững sờ. Nàng há hốc mồm, thốt nho nhỏ: Anh Tân. Tôi nhìn lên đôi mắt người mà tôi yêu, tôi giận tôi hờn. Chỉ nói một tiếng: Quỳnh.

Một người con gái lấy bọc cam, hộp sữa và cả một gói thuốc lá để trên bàn. Nàng nói chúng em đến đây để tỏ lòng biết ơn các anh. Một người con gái khác thì cắt những múi cam. Chỉ có Quỳnh thì đứng yên. Trời ơi, nói gì để cho em hiểu tấm lòng của anh. Em đã thấy con người thất của anh chưa. Em đã thấy vết thương sinh tử kỳ dị lạ lùng của anh chưa. Có phải cuộc đời là những tình cờ hay chỉ là định mệnh đã sắp sẵn an bài? Không phải tình cờ đâu. Mà là định mệnh. Rõ ràng là định mệnh. Nó cứ cợt đùa, trêu chọc. Nó bắt em cứ gặp một người mà em muốn tránh. Và anh thì cứ gặp một người mà anh muốn quên. Cám ơn, cám ơn những người con gái của trường Sư Phạm Qui Nhơn đã đến với tôi, nhưng lúc này, tôi chỉ muốn nằm một mình, để mà khóc cho một khu vườn xưa nay trở thành mộ chí

TRẦN HOÀI THƯ
(Trích Tự Truyện Ðánh Giặc ở Bình Ðịnh)