Những Ðứa Con Vắng Mặt

Nguyễn Mạnh An Dân

Ông Khả từ trên phố về hối hả bước vào khoang chái chật của ngôi chùa cổ, nơi vợ con đang nằm ngồi lổn ngổn giữa đống đồ đạc bề bộn vừa thở vừa nói, giọng chán chường, mệt mỏi:

- Vẫn chưa thông đường, cầu Suối Cạn sập rồi và trận đánh nghe nói mỗi lúc một khốc liệt hơn. Ðoàn xe đi sáng nay đã dội lại hết, nhiều người bị lạc đạn lắm. Ðường bộ kể như hết cách.

Mọi người nhỏm dậy lắng nghe và tự động ép sát vào nhau nhường chỗ cho ông Khả ngồi xuống. Hạnh rót cho cha một ly nước rồi rụt rè nói:

- Con nghe nói đánh nhau dài dài ở Rừng Lá, ở Long Khánh. Người ta đồn chính phủ đã ra lệnh dội bom chận đoàn di tản, sợ Việt Cộng trà trộn vào Sài Gòn. Mình chắc kẹt cứng ở đây chứ không đi được đâu.

Ông Khả uống một ngụm nước nhỏ rồi đưa mắt buồn bã nhìn vợ con, nhìn đám cháu và nói nho nhỏ:

- Muốn ở đây sợ cũng không được, trên phố hỗn loạn lắm, mới hôm qua đến giờ chứ có lâu la gì mà đã khác hẳn, không còn kỷ cương luật lệ gì nữa, cao bồi du đãng đập phá cướp giật đầy đường mà không ai can thiệp hết; mọi người nhốn nháo chạy tứ tung, dân ngoài Ninh Hòa ùa vào, trên Thành túa xuống như kiến, hình như bên kia đã tràn đến Khánh Dương, Diên Khánh rồi, sợ ở đây rồi ngày một ngày hai cũng mất không như ở Qui Nhơn mình thôi.

Bà Khả mếu máo nhìn chồng, cố kềm giữ nhưng giọng nói vẫn nghèn ngẹn như ngập trong nước mắt:

- Ông coi lại thử xem, chắc lần này không giống như hồi 72 đâu, loạn lạc đầy trời biết đường đâu mà tránh, tôi nghĩ nếu đi không được thì mình trở về, ai sao mình vậy phó thác cho Trời Phật chứ ngủ đường ngủ chợ ở đây làm gì, còn mồ mả ông bà, còn cái từ đường, còn thằng con...

Ông Khả im lặng nhìn vợ, ông không bằng lòng lối lý luận của vợ nhưng cũng không nỡ nặng lời với bà. Ai sao mình vậy sao được, thời trước 54 ông còn lạ gì: Ruộng đất nhà cửa là tội, dòng dõi chữ nghĩa là tội. Chuyện đấu tố thời cải cách ruộng đất còn sờ sờ ra đó chứ có lâu la gì. Ðời sống có khác gì như bị nhốt trong lồng lúc nào cũng có thể bị bắt ra hài tội ai mà không kinh hãi, ghê sợ. Người ta chạy đầy đường, chạy bán sống bán chết bằng mọi cách đó không thấy sao. Ai có xe đi xe, có thuyền dùng thuyền, không có gì thì đi bộ, bỏ nhà bỏ cửa gồng gánh, bồng bế nhau mà chạy. Còn nước còn tát, cố gắng phấn đấu đến cùng chớ cớ sao chưa gì đã bàn lui.

Ông Khả suy nghĩ rất nhiều, ông hiểu và thấy thương vợ vô cùng. Hồi 72 bà đâu có nôn nóng đòi về như vậy, cứ nhất định bắt chạy cho được tới Sài Gòn chỉ vì ở đó bà có cảm tưởng được ở gần một người con đang chiến đấu ở Tây Ninh. Hồi đó chiến sự lan dần đến gần thành phố, thị xã Qui Nhơn như một cái túi tứ đầu thọ địch, ông Khả quyết định di tản và bà Khả là người hăng hái nhất, nhiệt tình ủng hộ ý kiến của ông. Bà gọi người con dâu và ba đứa cháu nội con người con cả quá cố, gọi vợ chồng người con thứ ba giáo viên cùng hai đứa cháu nội khác, gọi vợ chồng con gái, con rể và chín đứa cháu ngoại cộng với vợ chồng bà, cô con gái thứ bảy - Hạnh - và hai đứa con trai út thứ chín và thứ mười, sinh viên đang nghỉ hè. Tất cả gia đình hai mươi bốn người cùng lên xe chạy giặc.

Nhà có một xe hơi nhỏ và một xe chở hàng chật cứng. Bà Khả chỉ huy con cháu thảy hết món đồ này đến vật dụng khác, bất kể đắt tiến, quí giá thế nào để đủ chỗ cho cả gia đình. Trời sinh voi sinh cỏ, còn người còn của... Bà Khả lý luận như vậy và không hề lo âu buồn bã gì khi đã gôm được đầy đủ con cháu bên cạnh.

Mối bận tâm duy nhất của bà Khả là sự vắng mặt của đứa con trai thứ tám đang đi lính trong Nam. Bà nôn nao, bức rức và luôn miệng hối thúc chồng:

- Nhanh lên để con nó lo, vào được trong đó có bề gì còn đủ mẹ đủ con, lỡ kẹt ngoài này con nó sống với ai?

Ông Khả đang bận lo âu, toan tính nhiều chuyện nhưng cũng phì cười khi nghe phát biểu của vợ, ông nhìn bà chia xẻ và chậm rãi trả lời:

- Làm gì mà bà cuống lên vậy, con nó lớn rồi, nó chỉ huy hàng trăm người, ra lệnh một tiếng có người răm rắp chấp hành chứ có còn nhỏ nhoi gì mà bà lo. Cả triệu người lính kẻ đông người tây, tứ tán tha phương cả chứ có phải riêng con mình xa nhà đâu mà sợ. Còn anh em, đồng đội nó thiếu gì.

Bà Khả lầu bầu trong miệng gì đó và liếc xéo chồng tỏ ý không bằng lòng. Bạn bè anh em sao bằng cha mẹ được; thằng con bà, bà còn lạ gì, lớn gì nó, to đầu vậy chứ còn dại lắm, nó không thể sống xa bà... Bà Khả nghĩ như thế và hăm hở muốn đến ngay với con, làm như bà có thể ra mặt trận, có thể ở gần mãi bên con...

Bà Khả không phải là người thụ động, bao giờ bà cũng hết lòng chia xẻ những khó khăn chung của gia đình nhưng lần này thì không vậy. Hoàn cảnh khó khăn hơn trước, chiến sự cũng ác liệt hơn nhưng bà Khả cứ chần chừ, lần lữa không chịu lên đường. Gia đình mấy người con lớn, con rể đã tề tựu đông đủ không thiếu ai nhưng còn hai đứa con út, hai sinh viên đã từng có mặt trong đoàn di tản gia đình năm 1972 bây giờ đã bị động viên, đã trở thành các chuẩn úy trẻ, một ở Tiểu Khu, một ở Sư Ðoàn và bà Khả chờ...

Thành phố đã vắng thưa dần, người ta đồn đãi, chuyền miệng cho nhau những tin tức thất lợi từng giờ, từng phút và tất cả đều hốt hoảng bỏ chạy.

Bà Khả thúc dục người con lớn, con rể và cả Hạnh đi tìm hỏi tin tức hai người em trai. Bồng Sơn đã mất, Hoài Ân, Phù Mỹ đã mất. Toàn bộ các quận phía bắc Bình Ðịnh đã lọt vào tay đối phương. Sư Ðoàn 22 đang chận đường tiến của Bắc quân từ cao nguyên tràn xuống theo hướng quốc lộ 19 ở đèo Mang Giang. Thúc, người con thứ chín đang có mặt trong toán quân này và Thanh, người con út đang cùng đơn vị bảo vệ phi trường Phù Cát.

Nhiều người bà con quen biết ghé nhà thăm và rủ ông bà Khả cùng đi. Có tin địch quân đang tập trung một lực lượng lớn ở các xã đảo Phước Minh, Phước Lý chuẩn bị tấn công thành phố bằng đường biển. Ðã có giao tranh lớn quanh thị trấn Phú Tài. Dường như đối phương đang có kế hoạch cắt đứt đèo Cù Mông chận đường giao thông về phía Nam. Thành phố Qui Nhơn bị ép từ hai hướng biển và núi. Tình hình hết sức nguy ngập.

Ông Khả không còn bình tĩnh được nữa, mấy hôm nay, mặc dù cố gắng không để lộ ra ngoài nhưng trong thâm tâm ông Khả cũng lo lắng cho hai người con không thua gì vợ và ông cũng chần chờ cố đợi nhưng hoàn cảnh không còn cho phép trù trừ được nữa, hai mươi mấy con người cần phải được vượt thoát trước khi quá trễ. Ông Khả ra lệnh cho con cháu thu xếp đồ đạc lên xe và nhẹ nhàng nói với vợ:

- Phải đi bà ạ! Còn mấy đứa con và bầy cháu phải lo. Chiến tranh mà, làm sao toàn vẹn như ý được. Các con còn có đơn vị, chắc cấp chỉ huy người ta cũng tính toán, tiến thoái kịp lúc chứ không đến nỗi nào đâu, từ từ rồi mình liên lạc, không thể bó rọ hết ở đây được.

Bà Khả khóc ngất nhưng không nói gì, chính bà cũng thấy khổ tâm khi nhìn đám con cháu còn lại. Ðứa ở xa lo đã đành, nhưng con cháu đứa nào cũng từ núm ruột mà ra phải chia đều tình thương và mối quan tâm cho tất cả. Bà Khả nén buồn chú tâm sắp xếp công việc, bà nhắc nhở con cháu lấy thêm vật này, bỏ bớt món kia làm sao đủ chỗ cho cả nhà mà không thiếu thốn những vật dụng cần thiết tối thiểu cho gia đình tạm sinh sống. Bà thẫn thờ đi lại, cứ mong thời gian kéo dài mãi ra và thỉnh thoảng chạy ra cửa nhìn ngược nhìn xuôi, hy vọng nhìn thấy những đứa con thân yêu xuất hiện trong dòng người đông đặc hối hả qua lại trên đường nhưng lần nào bà cũng thở dài, thất vọng.

Cả nhà lên đường lúc xế trưa, bà Khả đi một vòng từ sau ra trước ngôi nhà trống trơn, nhìn từng căn phòng cửa khóa im lìm, bịn rịn không muốn rời xa. Lâu lắm bà mới lên xe ngồi ngay sát chiếc cửa nhỏ nghiêng đầu ra ngoài để nhìn. Dòng xe chen cứng di chuyển chậm chạp, bà Khả luôn miệng hỏi lớn khi thấy những người lính đi ngang gần xe những câu hỏi lập đi lập lại giống nhau:

- Chú lính gì vậy? Ở đâu về vậy? Biết chuẩn úy Thúc ở Sư Ðoàn không? Biết chuẩn úy Thanh ở Tiểu Khu không?

Ðoàn xe bị kẹt lại gần ngả ba Phú Tài, đủ thứ xe cộ từ Qui Nhơn lên; từ Ðập Ðá, An Nhơn đổ vào dồn cứng ở ngả ba con đường đi về phía Nam. Nhiều xe nhà binh chở đầy người, súng ống tua tủa hối hả chạy ngược về hướng thành phố. Nhiều toán binh sĩ đi bộ trên đường, có nhóm còn giữ đội hình, còn máy móc chỉ huy; có nhóm tản loạn xơ xác. Bà Khả mở cửa xe bước xuống đường, quay mặt về phía con đường từ ngoài dẫn vào để nhìn. Tất cả những người trên xe đều dõi mắt về phía những người lính để tìm người quen.

Phía trước đoàn xe đã nhích lên được một chút, người con lớn rời chỗ ngồi bước lại gần ôm lấy vai mẹ, dịu dàng:

- Thôi mẹ, mình đi cho trống đường xe sau họ lên, hai em chắc còn đi với đơn vị.

Bà Khả không nói gì, chỉ chăm chăm nhìn về phía hai người lính ngồi trên Honda đứng cách đó một đoạn. Người con lớn nhìn theo hướng mắt mẹ, anh quan sát một chút rồi vừa chạy về phía trước vừa hớn hở la lớn:

- Thanh, em Thanh, cha mẹ đây nè.

Thanh nghe tiếng gọi, anh ngoái cổ nhìn rồi hét lớn khi nhận ra gia đình và nhảy vội xuồng khỏi xe chạy về phía mẹ. Thanh mặc áo giáp, vai lè kè sợi dây ba chạc có cây súng nhỏ và bình nước, tay xách thêm một khẩu M 16. Bà Khả ôm chầm lấy con khóc nức nở. Thanh vỗ nhẹ nhẹ lên lưng mẹ âu yếm, dỗ dành:

- Ðừng khóc mẹ, con vừa vào đến đây, con biết nhà mình sẽ đi nên đang phân vân không biết nên chạy thẳng về Qui Nhơn hay đứng đợi ở đây. May quá, mấy anh chị, mấy cháu đủ hết không mẹ?

Bà Khả chưa kịp trả lời thì ông Khả và mấy người anh, người chị đã bu kín quanh Thanh. Ðám trẻ trên xe nhảy dựng lên reo hò, đứa kêu chú Út, đứa kêu cậu Út loạn xạ.

Thanh mỉm cười đưa tay vẩy vẩy đám cháu và cầm tay từng anh chị lắc lắc. Anh dáo dác nhìn rồi đưa tay ngoắc người lính đang ngồi trên chiếc Honda đến gần, nồng nhiệt giới thiệu với cha mẹ:

- Chú Bình, nhân viên truyền tin của con, con ở chốt xa rút về, đơn vị đã rút ra sau và di tản tứ tán hết, Bình lấy xe chở con về đây, nhà chú ấy ở Ðập Ðá.

Bà Khả chồm tới ôm lấy Bình rối rít cảm ơn. Bình mỉm cười thoái thác:

- Bác đừng bận tâm, bọn con sống với nhau như anh em mà bác, phục vụ ông thầy lần chót cho phải đạo.

Thanh nghiêm nghị nói với Bình:

- Thôi, mình cảm ơn, chia tay đi, cậu về gấp coi gia đình tính thế nào, chúc may mắn.

Bình nhìn Thanh một thoáng rồi nói nhỏ, giọng xúc động:

- Chúc ông may mắn.

Thanh nhìn bạn cười cười, Bình cúi đầu chào mọi người rồi quay đầu xe, đạp máy. Thanh bước lại gần Bình, anh rút xấp tiền trong túi quần dúi hết vào túi Bình và nói vội:

- Mình gặp được ông bà cụ hết lo rồi, cậu giữ cái này coi có cần gì không, mình thật lòng, đừng từ chối.

Thanh vừa nói vừa đẩy nhẹ vào lưng Bình khiến chiếc xe lao tới không để bạn kịp nói gì. Thanh vui vẻ nói chuyện huyên thiên, anh giục cha mẹ lên đường và bày tỏ ý định muốn ở lại chờ đơn vị nhưng cuối cùng cũng phải miễn cưỡng lên xe vì không thể cưỡng lại ý muốn của mẹ, cũng không biết phải chờ đơn vị ở đâu và chờ đến bao giờ.

Bà Khả vui mừng hớn hở, bà luôn miệng niệm Phật tạ ơn trời đất và suốt dọc đường cứ tíu tít hỏi Thanh đủ chuyện. Nỗi lo âu của bà đã giảm được một nửa và sức lực của bà như được tăng lên gấp đôi.

Xe dừng lại nghỉ đêm ở Nha Trang, người di tản từ khắp nơi túa về đông nghịt đã thuê mướn hết các khách sạn, nhà trọ. Gia đình ông Khả theo dòng người đưa đẩy vào sâu đến một ngôi chùa cổ nằm ven thành phố. Ông bà Khả và đám trẻ vào được trong một khoang chái chật cùng nhiều gia đình khác. Các thanh nhiên ngủ lại trên xe để giữ đồ và mờ sáng hôm sau tất cả lại lục tục kéo nhau lên xe đi tiếp.

Dòng người hướng về phía Nam đông vô kể: xe du lịch, xe nhà binh, xe hàng, xe gắn máy chen chúc nhau nhích từng đoạn ngắn. Tin tức chiến sự thất lợi dồn dập được chuyền miệng cho nhau từ người này sang người khác làm ai cũng muốn cố gắng lao nhanh về phía trước để tránh những hiểm họa đang ồ ạt đuổi theo sau lưng và Sài Gòn như một đích tới ước mơ dù tin tức đã phong phanh về những bấp bênh của một thủ đô đã bắt đầu hỗn loạn.

Ðến trưa đoàn xe ngừng hẳn lại, tin tức từ phía trước chuyền ngược lại cho biết đang có giao tranh trên đường. Một chiếc cầu nhỏ gần Phan Rang bị đánh sập và địch quân đã đóng chốt cắt đứt quốc lộ. Mọi người nhớn nhác lo âu, người ta chận hỏi những chiếc xe lác đác ngược chiều và điều nhận được lúc này lúc khác càng làm tăng nỗi hoang mang, hoảng loạn... Có tin quân đội quốc gia đang điều động một đơn vị lớn giải tỏa quốc lộ; cũng có tin chính quyền ra lệnh lập phòng tuyến ngăn chận đoàn di tản. Người dân như đang đứng giữa hai lằn đạn lạnh lùng, giữa sự sống và cái chết chỉ còn là một khoảng cách mong manh. Nhiều người bàn nên bỏ xe cộ, tài sản len rừng đi bọc qua khỏi chỗ giao tranh; người khác lại tính chuyện thuê ghe thoát thân bằng đường thủy. Tuy nhiên, người ta chỉ bàn tán mà không ai có thể có một quyết định dứt khoát nào trước một tình thế quá mới mẻ và nghiêm trọng. Ða số kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng sẽ có thể tiếp tục cuộc hành trình. Một số khác quyết định trở lại Nha Trang, dù sao thành phố này cũng có Bộ Tư Lệnh tiền phương của Quân đoàn, có một hệ thống căn cứ và quân trường dầy đặc bảo vệ, hy vọng sẽ an toàn hơn so với nơi khác.

Xe từ phía sau ùn tới, xe từ đằng trước lùi lại, kẹt cứng. Cả một quãng đường mấy mười cây số đầy đặc xe cộ và người, nhốn nháo, chạo rạo.

Ông Khả quyết định lui lại Nha Trang, cả gia đình đông đảo với những đứa cháu nhỏ không quen nắng gió và đã có đứa bắt đầu sổ mũi, nóng sốt không thể nằm chờ lâu dài giữa đường. Bà Khả luôn miệng niệm Phật và lúc nào cũng nhắc đến hai người con vắng mặt. Gia đình bị kẹt giữa đường, thằng con thứ chín còn rớt lại ngoài Trung và thằng thứ Tám trôi giạt tận trong Nam không biết sống chết thế nào, làm sao người mẹ có thể an lòng được!

Những ngày kế tiếp ông Khả để gia đình tại chỗ và bung người đi theo dõi tình hình đường sá. Nhiều lúc nóng ruột, đích thân ông cũng lên phố chờ chực, nghe ngóng. Ngày nào cũng có người ùn ùn kéo đi và mệt mỏi quay về. Tình hình càng lúc càng nguy ngập, thành phố bị pháo kích liên tục và giao tranh đã diễn ra sát nách thị xã.

Tin Qui Nhơn, Tuy Hòa thất thủ làm bà Khả như đứt từng khúc ruột, bà bỏ ăn và suốt ngày ủ rũ lo cho số phận của Thúc. Bà nóng nảy hối thúc Hạnh thuê xe chạy ngược về phía Cầu Xóm Bóng, chận đường từ ngoài vào tìm người quen hỏi thăm tình trạng em trai. Không có tin tức gì rõ rệt, Hạnh chỉ biết mơ hồ một số sự việc chung chung: Sư đoàn 22 đã rút về Qui Nhơn và di tản bằng tàu hải quân. Tình hình không mấy sáng sủa: một trung đoàn còn kẹt lại bên kia cầu Bà Gi, số về được tới thành phố thì chạm địch dữ dội ở nhiều nơi và pháo kích mù trời cày nát bờ biển. Lính và dân chết vô số bỏ nằm la liệt khắp rừng dương, bãi cát. Hạnh không dám nói cho mẹ nghe hết mọi điều, chỉ vắn tắt thuật lại những chi tiết có phần thuận lợi để mẹ an lòng:

- Sư đoàn rút hết về Qui Nhơn, có pháo ngoài chiến hạm yểm trợ và xe thiết giáp lội nước chở hết ra tàu, hy vọng em Thúc về Sài Gòn trước mình, mẹ đừng lo.

Bà Khả an lòng được một chút rồi không biết nghĩ sao lại ngập ngừng hỏi Hạnh:

- Con có hỏi kỹ không? Lính tráng có xuống tàu hết được không? Thằng Thúc ốm yếu lại hay nhường nhịn chắc gì nó đã chen được với người ta.Hạnh phân vân chưa biết trả lời thế nào bà Khả đã thở dài, nói tiếp:

- Còn thằng Mạnh nữa, mẹ nghe nói ở Hố Bò, Củ Chi gì đó ghê lắm, bình thường đã khó khăn rồi, bùng lớn thế này không biết em nó ra sao, có đứa nào bị gì chắc mẹ chết...

Bà Khả vừa nói vừa khóc, Hạnh luống cuống ôm lấy mẹ. Ông Khả cũng đến gần vợ an ủi, dỗ dành:

- Con cháu đầy đàn ở đây bà phải vui cho bọn nó vui. Con như vậy ai mà không lo nhưng cũng vừa phải thôi. Tai trời ách nước mình có lo lắm cũng không được gì mà lỡ ra bệnh hoạn lại khổ thân và khổ các con. Bà bình tĩnh đi rồi tôi tính.

Ông Khả chỉ nói được có vậy rồi vội vã bỏ đi, ông cũng nóng lòng lo cho hai đứa con ở xa và không đành lòng nhìn cảnh vợ khóc lóc, than thở. Ông Khả suy nghĩ rất nhiều: mấy hôm nay không còn ai vào bằng đường bộ nữa, vậy nếu Thúc thoát được, nó chỉ có thể đi bằng đường biển vào Vũng Tàu và gia đình chỉ có thể gặp mặt, biết tin về Thúc và cả Mạnh nữa nếu vào được đến Sài Gòn. Ông Khả nóng ruột hộc tốc lên phố dò hỏi tình hình, ông dự định nếu đường có thể đi được, dù có phải băng qua vùng giao tranh, nguy hiểm ông cũng sẽ liều lĩnh lên đường nhưng tin tức về chiếc cầu sập và trận địa chiến với một lực lượng lớn của cả hai bên quần thảo nhau suốt một tuyến đường dài làm ông hoàn toàn thất vọng. Ðề nghị trở về của vợ làm ông thấy khó xử: Nếu tình hình đã hoàn toàn tuyệt vọng, không còn xoay chuyển gì được nữa, việc trở về quê hương bổn kiểng là hợp lý; nhưng nếu vẫn còn một chút hy vọng, vẫn còn một phần đất nào đó có thể dung thân được, trở về là tự đưa đầu vào rọ, tự giết chết cả nhà.

Bà Khả nhìn chồng đăm đăm như chờ nghe ý kiến của ông. Gần suốt một đời, bao nhiêu biến cố đã xảy ra, ông Khả lúc nào cũng là một cột trụ vững chãi, sáng suốt chống đỡ và dẫn giắc cả gia đình. Con cái, dâu rể và cả bà Khả đều trông cậy, phó thác vào ông mọi chuyện và sẵn sàng tùng phục trong mọi trường hợp. Trách nhiệm tinh thần đè nặng lên vai ông Khả, ông phân vân, do dự trước một tình thế quá gay go, hệ trọng. Giọng ông ngập ngừng, xa vắng, không có vẻ tự tin, cả quyết như thường ngày:

- Ðừng nghĩ quẩn, chưa đến nỗi nào xấu lắm đâu, từ từ để tôi coi lại đã, mình có thể chờ thêm vài ngày xem đường sá thế nào, cũng có thể ráng xoay xở kiếm một cái ghe; cùng lắm là phải xé nhỏ ra: Tôi với bà và đám nhỏ có thể lùi lại nhưng mấy thằng con thì không được. Bình tĩnh đừng làm tôi rối trí.

Bà Khả bồn chồn đi ra đi vào mong ngóng các con trở về. Ông Khả cũng trầm ngâm hút thuốc liên tục và thỉnh thoảng đứng lên ngồi xuống lộ vẻ nóng ruột. 

Suốt đêm qua ông bà Khả và các con đã nói chuyện rất nhiều với nhau, tựu trung là ước tính tình hình và cố tìm một giải pháp ổn thỏa cho gia đình. Từ chiều hôm trước, nhiều sĩ quan và binh lính làm việc ở Tiểu Khu, ở Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận và cả ở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn đã phong phanh bàn tán về sự vắng mặt của viên Tư Lệnh và về tin tức thành phố sẽ bị bỏ ngõ trong một thời gian ngắn. Ông Khả buồn bã nói với mọi người:

- Hỏng rồi, kiểu không đánh mà bỏ chạy sẽ thành một cái dịch, một con sóng lớp trước cuốn lớp sau. Lui binh khó bằng vạn tiến công. Hỗn quân hỗn quan tràn đến đâu là sụp đổ đến đó, không còn ai kiểm soát, chỉ huy gì được nữa. Nguy đến nơi rồi!

Bà Khả cuống cuồng, nước mắt chảy ròng ròng và nói nghẹn ngào:

- Loạn lạc kiểu này không biết hai thằng con ở đâu, làm sao tìm được bọn nó hả trời!

Ông Khả trừng mắt nhìn vợ, lần đầu tiên từ nhiều ngày nay ông sẵng giọng với bà:

- Bà bình tĩnh giùm một chút có được không? Ðừng quá bận tâm về những điều mình không giải quyết gì được, nhắc đến chỉ thêm rối ren, bận trí. Hãy thực tế tính toán công việc. Tôi muốn biết bây giờ mình nên tính sao?

Không ai nói gì trước câu hỏi của ông Khả, tất cả im lặng, không khí nặng nề, khó thở. Ông Khả chờ một chút rồi nhìn vợ con, nói nhẹ, mắt hướng về phía người con lớn và con rể:

- Ba má định về lại Qui Nhơn với mẹ con mấy đám nhỏ và con Hạnh. Thằng Thanh phải tìm mọi cách vào Sài Gòn rồi tùy tình hình mà tính. Hai anh em con phải tạm ở lại đây, ba má về trước xem sao rồi sẽ nhắn tin vào. Gia đình mình phải chia làm ba, trước mắt phải tránh cho được những hậu quả tai hại do tình hình hỗn loạn lúc giao thời tạo ra. Luật lệ lúc đầu có thể sẽ rất tùy tiện và nhiều điều tệ hại, đáng tiếc chắc chắn sẽ xảy ra. Ba má già và đám nhỏ hy vọng không sao đâu. Hai con tuy không phải là lính tráng quan quyền gì nhưng cũng là thanh niên có chữ nghĩa, có làm việc, phải cẩn thận lánh mặt một thời gian cho qua lúc khó khăn rồi hãy về. Riêng thằng Thanh thì nhất định không về được. Ba quyết định như vậy.

Mấy người con nhìn nhau trao đổi và chưa ai kịp có ý kiến gì thì bà Khả đã vội vàng lên tiếng:

- Không được đâu ông ơi! Thuận tiện thì đi hết, nếu không thì tất cả về. Ông bà con cháu sướng khổ có nhau chứ chia cắt mỗi đứa một nơi biết bao giờ gặp lại nhau được? Bình thường thì không nói gì chứ đang lúc dầu sôi lửa bỏng thế này mà chia năm xẻ bảy, tứ tán hết ai mà chịu được.

- Ai mà không biết vậy, đầy đủ được cả nhà thì còn gì bằng nhưng bà thử nghĩ coi, đi hết thì chắc khó được rồi, còn việc trở về là hạ sách cuối cùng, không hay ho tốt đẹp gì đâu vì vậy đứa nào cần tránh được lúc nào cứ cố gắng đến cùng. Lúc này không thể để tình cảm lẫn lộn vào công việc được, lỡ ra có gì thì sẽ ân hận suốt đời. Bà hiểu cho tôi.

Ông Khả nói một hơi dài rồi ngừng lại nhìn vợ. Bà Khả nhìn các con như mong nhận được những sự đồng tình. Người con lớn nhìn cha mẹ rồi nhìn em rể, em trai trước khi lên tiếng, rõ ràng, rành mạch:

- Con đồng ý với quyết định về em Thanh. Về phần dượng Năm các cháu không biết sao nhưng riêng con, con sẽ về nếu cha mẹ về. Anh cả không còn, con lớn nhất trong nhà nên không thể có lựa chọn nào khác cho dù có thế nào.Người con rể cũng nói nhanh, làm như anh đã suy nghĩ và quyết định từ trước:

- Vợ chồng con cũng về với cha má.

Anh ngừng lại một chút rồi nói tiếp, giọng có vẻ lạc quan, hy vọng:

- Nhưng con nghĩ mình cũng phải cố gắng hết sức cái đã. Cha má cứ nghỉ đi, ngày mai mấy anh em con sẽ ráng tìm cách. Tình hình thay đổi từng giờ mà, mai biết đâu lại giải tỏa được đường. Với lại mình cũng chưa nỗ lực hết sức trong việc thuê mua tàu ghe, ngày mai mình sẽ chú tâm đặc biệt đến việc này, về chỉ là chuyện thậm bất đắc dĩ.

Ông bà Khả vốn thương mến và tin cây vào khả năng xoay xở khéo léo của con rể nên rất quan tâm đến ý kiến của anh mặc dù thực sự nó không có gì mới mẻ để có thể hy vọng. Mọi người trằn trọc suốt đêm và hừng sáng cả bốn anh em đều trở dậy để chạy lo công việc. Mấy anh em chia làm hai nhóm: Hạnh và người anh lớn ra bến xe thăm dò đường bộ; người anh rể với Thanh lên xóm chài với quyết tâm tìm cách đưa gia đình vào Nam.

Ông bà Khả đứng ngồi không yên, hai vợ chồng đều bức rức, lo âu nhưng không biết nói gì với nhau. Ông Khả dặn vợ vun xén đồ đạc phòng khi tình hình có thuận lợi thì có thể lên đường ngay nhưng bà Khả lớ ngớ chưa kịp làm gì thì cả bốn anh em lần lượt trở về với những tin tức xấu: Thành phố đã hoàn toàn mất kiểm soát, lực lượng đối phương đã xuất hiện ở một số nơi. Ngư dân lo sợ bị đánh cướp tàu bè nên đã lùi hết ghe cộ ra neo ngoài xa. Nhiều người có lẽ sợ bị liên lụy và sẽ gặp khó khăn với phía bên kia nên tránh không dám nói chuyện đi Nam, chỉ có một số ít chủ ghe có thể vì thiện tâm hay vì ham lợi nên nhận đưa người đi nhưng giá cả rất đắt và khách phải tự bơi từng người ra ghe ở cách bờ một quãng xa.

Ông Khả im lặng ngồi nghe các con thông báo tình hình, ông trầm ngâm hút thuốc một lúc khá lâu rồi ngẩng lên nhìn thẳng về phía vợ con nói nghiêm nghị, dứt khoát như ban những mệnh lệnh:

- Thôi, tình hình đã đến nước này không còn bàn cãi tính toán gì nữa. Thằng Thanh chuẩn bị ra xóm chài tìm cách đi Sài Gòn ngay. Mấy đứa còn lại chuẩn bị đồ lên xe, mình đi về.

Bà Khả choáng váng mặt mày, điều nghe được không phải bất ngờ nhưng lại vượt quá sức chịu đựng của bà. Hai thằng con lớn đã không biết trôi giạt ở đâu, sống chết thế nào, giờ lại phải xa thêm đứa con út làm sao chịu nổi. Bà Khả len lét nhìn chồng, hy vọng ông sẽ nghĩ lại và thay đổi ý kiến nhưng ông Khả vẫn lạnh lùng, lặng lẽ. Bình nhật ông rất mềm mỏng, tế nhị và hay chìu ý vợ con nhưng khi hữu sự ông lại rất cứng rắn và khi đã quyết định điều gì thì khó ai lay chuyển, can ngăn được. Bà Khả luống cuống lắp bắp:

- Ông...

Ông Khả quay lại nhìn vợ, mặt vẫn nghiêm trang nhưng giọng nói nhỏ nhẹ, ôn tồn và những âm thanh phát ra run run chứng tỏ người nói đang phải cố gắng kềm giữ những xúc động lớn.

- Ðừng nói bà, tôi hiểu, tôi cũng thương con và cũng đâu muốn xa, muốn mất đứa nào nhưng hoàn cảnh không còn cách nào khác, đừng can tôi.

Ông Khả nói nhanh và đứng dậy định bước ra ngoài nhưng đi được vài bước ông ngập ngừng có vẻ suy nghĩ rồi quay lại nói nhỏ với Hạnh:

- Con coi có gì cần thiết sắp xếp cho em một xách nhỏ cho nó mang đi.

Rồi ông đến bên Thanh, đặt cả hai tay lên vai thằng con út nói vắn tắt một câu ngắn trước khi bước hẳn ra ngoài, mắt tránh không nhìn người đối diện:

- Con là thanh niên, can đảm lên, phải tự tập xoay xở cho quen, cứ làm cái gì con thấy cần và đúng. Ba tin và hy vọng ở con.

Bà Khả biết không còn thay đổi gì được nữa, bà quắn quýt chạy tới chạy lui sắp xếp, chuẩn bị hành trang cho con. Bà lục tiền và vàng gói làm hai bọc nhỏ. Bà cuốn sâm, thuốc cảm cúm, thuốc tiêu chảy trong nhiều lớp nylon, cột chặt. Bà dúi cho Thanh chai dầu Nhị Thiên Ðường, bắt anh cất kỹ quyển Bạch Y Thần Chú trên ngực áo và nhắc anh cẩn thận tự lo cho mình. Thanh lí nhí từ biệt mẹ. Bà Khả đứng chết trân một lúc lâu rồi òa khóc ôm chặt lấy con. Mấy người chị và đám cháu cũng bu quanh khóc lóc. Thanh và mấy người anh đều bùi ngùi, mắt đỏ ngầu, chỉ có ông Khả là ngồi im như một pho tượng ở cách một quãng xa. Lúc Thanh đi được một đoạn bà Khả như chợt nhớ ra hấp tấp chạy theo tháo đưa cho con chiếc vòng ngọc thạch gia bảo lên nước xanh biếc, tương truyền có thể ngăn ngừa gió máy và mang lại may lành; bà dặn Thanh nhớ bắt ấn tay và niệm danh hiệu Quan Âm cứu khổ cứu nạn khi gặp khó khăn. Thanh đã đi xa mà bà Khả vẫn đứng thẫn thờ như người mất hồn cho đến lúc người con lớn lại gần nhắc cho bà biết cả nhà đang chờ và dìu mẹ ngồi vào xe.

Dọc đường về xe đi hết sức chậm chạp, quang cảnh không có thay đổi gì lớn nhưng tất cả đều mang vẻ xơ xác, ngột ngạt và u ám. Mọi người tới lui trên đường với dáng điệu ngơ ngác, hốt hoảng, Từng đoàn xe nhà binh, xe chở pháo, xe thiết giáp lấm lem bùn đất và ngụy trang đầy cây lá ùn ùn hướng về phía Nam. Ngược chiều lại là những xe chở người hồi hương mệt mỏi và thận trọng. Ông Khả cho dừng xe từng đoạn ngắn để hỏi han tình hình. Mọi người hỏi thăm lẫn nhau, trấn an và khích lệ nhau nhưng không ai thực sự có thể biết chắc một điều gì.

Lúc xe ngừng lại để uống nước ở Sông Cầu, ông Khả làm quen và dò ý một người đàn ông đứng tuổi, có vẻ có vai vế và học thức cảm tưởng về không khí và sinh hoạt của đời sống mới. Người đàn ông cười buồn và nói e dè, lơ lửng:

- Còn mới mẻ quá ông, giống như người ta đang ngậm một vật có vị ngọt, thời gian mới có thể biết là đang ăn đường hay chỉ là chút ngọt ngào ít ỏi bao quanh một khối thuốc đắng.

Xe dừng lại ở đỉnh đèo Cù Mông, ranh giới giữa hai tỉnh Bình Ðịnh và Phú Yên để kiểm soát. Một tấm bảng nhỏ cắm sát lề đường ghi hàng chữ phấn vụng về xiên xẹo "Trạm kiểm soát quân đội giải phóng" và một cành cây tươi bỏ ngang giữa đường. Mấy người lính đội nón cối, mang giép râu và bận những bộ quần áo lùng thùng đủ màu từ bên trong túa ra bu kín quanh xe. Một người có vẻ chỉ huy lớn giọng:

- Xe đi đâu thế này, có giấy tờ gì không?

Ông Khả thò đầu ra khỏi xe, nhỏ nhẹ:

- Chúng tôi người Qui Nhơn, hòa bình rồi nên trở về nhà.

- Ði đâu mà về, chạy theo ngụy đấy à? Sao giải phóng lâu rồi nay mới về? Có súng ống, tài liệu phản động gì không thành khẩn khai báo đi.

Ông Khả cười, nói giả lả:

- Chúng tôi sợ chạy trốn bom đạn thôi chứ có theo ai đâu, dân mà ông giải phóng. Xe chỉ có đàn bà con nít và mớ đồ đạc lặt vặt trong nhà, không có đồ quốc cấm đâu, xin mấy ông cứ coi lại.

Mấy người lính leo lên xe lục lọi, tìm kiếm và người chỉ huy dài giọng hạch hỏi ông Khả đủ điều.

Bà Khả ngồi im lặng không nói gì, suốt dọc đường đi cho đến khi dừng lại tâm trí của bà dồn hết vào mấy đứa con thất lạc không chú ý gì đến mọi chuyện chung quanh nhưng thái độ và lời nói của gã cán bộ làm bà Khả thấy nhói nhói trong lòng. Bà đâu còn lạ gì thói chi li bắt bẻ và hồ đồ qui chụp này. Quen quá mà, hoàn cảnh oái ăm, những con người cũ gặp lại ngoài ý muốn. Thời chín năm như một vết chém để đời trong lòng mỗi con người đã biết qua nó.

Bà Khả thầm cảm ơn Trời Phật, thầm công nhận ông Khả đã quyết định sáng suốt khi muốn tránh cho các con khỏi phải đối diện với những con người này. Bà Khả thấy an lòng nhưng rồi bà lại thở dài: tránh đến bao giờ, có được an toàn và có còn một nơi nào để tránh không? Bà Khả rối beng trong lòng và thẫn thờ không chú ý là xe đã bắt đầu xổ đèo đưa mọi người về nơi chốn cũ.

Bà Khả ngồi lặng lẽ một mình trên chiếc băng đá lạnh lẽo, dưới hàng dương liễu mờ tối, buồn bã đưa mắt nhìn ra biển. Bãi biển vắng hoe. Thành phố rối mù vì những kế hoạch phức tạp được dồn dập phổ biến và liên tục thay đổi của chính quyền mới làm mọi người chạy đuổi, đối phó không hở tay khiến không ai còn chút thì giờ hay tâm trí nào để nhàn tản dạo mát, ngắm biển. Ban ngày mọi người phải đổ xô vào những công tác rối răm đủ loại và ban đêm, tất cả phải tham dự những buồi họp hành, kiểm điểm dai dẳng và nhàm chán. Ðời sống mới, xã hội mới với hàng trăm thứ thay đổi dâu bể và ràng buộc khắc nghiệt đã khiến con người phải thu mình lại, e dè và thận trọng, cố gắng nhỏ nhoi, cố gắng hòa nhập vào đám đông để yên ổn qua ngày.

Bà Khả không cần biết đến những điều đó, ông Khả và mấy người con phải vắng mặt từ sáng sớm đến nửa khuya để gánh vác phần việc cho cả nhà. Phần bà, bà bất kể mọi sự, bà không muốn và cũng không còn đủ bình tâm để làm bất cứ việc gì khi tin tức về ba đứa con trai vẫn hoàn toàn mù tăm, biệt tích.

Hôm đầu tiên từ Nha Trang trở về, bà Khả một mình đi xuống biển. Tin tức nghe được cho biết lực lượng cuối cùng của sư đoàn đã rút được về đến bờ biển, một số đã lên tàu, một số dội lại và số khác, rất đông, tử thương bỏ nằm cùng khắp. Bà Khả lang thang cả buổi nhưng không tìm thấy gì. Bãi biển đã được dọn dẹp từ mấy ngày trước, đó đây chỉ còn vung vãi vài chiếc bình nước, đôi chiếc nón sắt móp méo, lủng nát. Bà Khả lặng lẽ khóc. Thúc không có ở nhà vậy thì chỉ có hai trường hợp xảy ra cho anh: hoặc đã xuống tàu, hoặc đã bỏ thân ở một nơi nào đó trong thành phố. Bà Khả liên tưởng đến hình ảnh những thi thể bể nát, chương sình của những người lính trẻ vô danh tội nghiệp mà thấy tim mình đau nhói. Bà nghĩ đến những đứa con vắng mặt và thẫn thờ đưa tay lên bụm mặt, rên khẽ "Con ơi! Con ơi!". Bà Khả tin vào phước đức của tổ tiên, ông bà; tin vào lòng ngay thẳng và nhân đức của vợ chồng bà và không nghĩ là điều xấu nhất sẽ có thể xảy ra cho các con mình. Nhưng có gì bảo đảm được cho điều đó, bom đạn vô tình và việc gì lại không thể xảy ra. Bà Khả luôn miệng niệm Phật, rồi lại kêu Trời giữa tiếng sóng rì rào, mệt mỏi và buồn bã của biển.

Những ngày kế tiếp bà Khả thúc dục chồng con lợi dụng bất cứ khoảnh khắc rảnh rỗi nào để đi tìm hiểu, hỏi thăm về tình trạng của Thúc. Tin tức nhận được hết sức rời rạc, mơ hồ: Có người nói đã từng chiến đấu với Thúc ở tuyến phòng thủ cuối cùng tại Ðồng Phó, gần mộ Mai Xuân Thưởng; có người gặp Thúc ở ngả ba Cầu Bà Gi; có người thấy Thúc đi bộ qua khỏi cầu Sông Ngang, gần bến xe mới sát nách thành phố. Nhưng giữa rừng người di tản, mạnh ai nấy lo thoát thân, không ai xác nhận chính xác được một điều gì.

Bà Khả thuê xe vào Gành Ráng, đi dọc theo triền núi để tìm rẻo đất được đồn đãi là đã chôn hàng ngàn người lính tử trận trong thành phố. Hàng trăm nấm đất lớn nhỏ đủ cỡ được vùi lấp vội vã chen chúc bên nhau. Nghe nói có mộ chôn một người, có mộ vùi tập thể tùy vào quyết định của đám cán bộ hướng dẫn công tác dọn dẹp vệ sinh. Bà Khả đi từng ngôi mộ đốt hương. Nước mắt và những tiếng nất làm cho những lời thì thầm van vái của bà đứt quãng, trùng lấp và buồn thảm hơn. Bà Khả cầu nguyện cho các chiến sĩ vô danh như một người mẹ nhưng cũng vẫn hy vọng những lời khấn vái chân thành của bà không phải dành cho các con bà.

Khi cả nước sụp đổ và đường sá thông thương trở lại, bà Khả đã nhân cảnh xô bồ xuôi ngược của hàng vạn con người giữa lúc giao thời hỗn loạn để sai Hạnh đi Sài Gòn tìm kiếm tông tích của ba người em trai. Bà Khả đưa Hạnh ra cửa, đi với con gái một đoạn đường và khẩn thiết dặn dò:

- Con tới nhà chú Phô, dì Thừa, dượng Bính, cô Út xem có đứa nào ở đó không. Gặp em thì đánh điện liền cho mẹ biết, nghe nói bưu điện người ta cũng làm việc bình thường. Tìm được đứa nào thì dẫn hết về đây cho mẹ. Không sao đâu, người ta chỉ nhốt chứ không bắn giết gì, tù ở đâu mẹ cũng đi thăm nuôi được. Con thương mẹ, thương em ráng tìm mấy đứa nó cho nó biết tin nhà và đưa tiền bạc cho bọn nó tiêu chớ tội.Hạnh đi Sài Gòn cả tuần, bà Khả nôn nao chờ đợi, suốt ngày đi ra đi vào không ăn ngủ gì được, ngày nào cũng lóng ngóng ở cửa để chờ điện tín. Buổi chiều khi Hạnh trở về bà Khả đang ăn cơm. Ðứa cháu nhỏ thầy Hạnh mừng rỡ la lớn: "Nội ơi, cô Bảy về." Bà Khả bỏ đũa chạy vội ra cửa, luống cuống quên cả xỏ giép. Bà sững sờ run rẩy khi thấy Hạnh xuống xích lô một mình:

- Em đâu?

Hạnh nhảy xuống xe chạy nhanh lại ôm lấy vai mẹ trấn an:

- Bình tĩnh me... đừng khóc... đừng khóc, có nhiều tin tức tốt lắm.Bà Khả hấp tấp hỏi:

- Tin gì, có gặp mấy em không? Thằng Mạnh có về Sài Gòn không? Thằng Thúc, thắng Thanh có vào tới trong đó không?

Hạnh nhẹ nhàng dìu mẹ vào nhà, cả gia đình bỏ dở bữa ăn túa hết lên phòng khách. Ông Khả nhìn con gái cố giấu cơn xúc động hỏi gọn:

- Sao con?
Hạnh nhìn cha mẹ, nhìn cả nhà, bối rối như tự cảm thấy chính mình đang có lỗi vì đã làm mọi người thất vọng:

- Mấy em không đứa nào về Sài Gòn cả nhưng tin tức có nhiều hy vọng lắm. Con có lên Gò Dầu, chỗ con với mẹ lên thăm em Mạnh năm ngoái, người ta đồn có nhiều tiểu đoàn rút vào mật khu Ba Thu, đánh nhau lớn lắm nhưng chỉ có một số ít hy sinh, một ít bị bắt còn đa số rút được sang Miên, hy vọng em Mạnh thoát được rồi.

- Sang Miên làm gì? Bên đó cọng sản trước mình mà, có khác gì đâu, sống sao được.

Sang Thái Lan chứ mẹ, qua Miên rồi sang Thái Lan, họ là đồng minh có gởi cả sư đoàn qua giúp mình mà, họ sẽ giúp tiếp.

- Ði Thái Lan sao được, biết đường sá đâu mà đi, em nó có sang Miên, sang Thái bao giờ đâu. Ốm yếu như nó đi xa sao được, không khéo lạc đường đói khát trong rừng ai nuôi. Con có gặp mấy người bị bắt không? Cầu trời cho em nó bị bắt cho rồi, có bị nhốt phương nào mẹ cũng đi thăm được, gặp em được. Biệt vô âm tín kiểu này mẹ sống sao nổi.

Bà Khả nói một hơi dài rồi khóc; Ông Khả buồn bã nhìn vợ, ông lấy tay khỏa khỏa ngầm ý bảo im lặng rồi nhẫn nại hỏi Hạnh:

- Còn thằng Thúc, thằng Thanh, con có nghe tin tức gì của hai em không? Không đứa nào đến nhà mấy dì, mấy chú à?

- Không ba, nhưng nghe nói ghe tàu ngoài Trung mình vào ra Phú Quốc hết, có hạm đội đón, hạm đội rải dày đặc rước không sót ai, hy vọng mấy em đi được hết rồi.

Bà Khả khóc nhưng cũng chăm chú theo dõi câu chuyện rồi vừa khóc lớn hơn vừa nói như hét khi Hạnh dứt lời:

- Ði đâu, tàu đón thì chỉ có nước đi Mỹ, đi Tây chớ có phải về quê cha đất tổ gì của mình đâu mà mừng. Kiểu này chỉ có nước rục xương biệt xứ chớ hy vọng gì nữa... con ơi.

Bà Khả lửng lơ buồn bã như người mất hồn, không ai khuyên giải, dỗ dành gì được. Bà lục ra hàng trăm tấm hình chụp ba anh em Mạnh, Thúc, Thanh hết nhìn đứa này đến nhìn đứa khác. Bà kể chi li từng thời điểm, từng sự việc có liên quan đến mấy anh em từ lúc còn nằm ngửa đến khi đã trưởng thành, đi lính. Có người khuyên bà Khả đốt bỏ những tấm hình lính của mấy người con vì giữ lại sẽ có nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng bà Khả nhất định không chịu. Bà bảo con bà có làm điều gì xấu xa, đáng hổ thẹn đâu mà phải dấu, phải đốt hình. Hình con bà, bà giữ, đứa nào muốn làm gì thì làm, bà không sợ, không cần. Con bà không còn, bà không vui vẻ, sung sướng gì nữa.

Bà Khả ngồi hàng giờ ngoài bãi biển nhìn ngôi trường mẫu giáo xinh xắn giữa hàng keo già. Ba anh em Mạnh đã từng bập bẹ đọc viết những chữ đầu tiên ở đó. Bà nhìn sân chơi với những chiếc đu sơn phết xanh đỏ và nhớ đám con đã từng say mê đùa nghịch bên những chiếc đu này. Bà nhớ như in hình ảnh của từng đứa con: Thanh ưa đứng cả hai chân lên bàn đu cười toe toét mỗi khi nhìn thấy mẹ; Thúc nhát gan thường nhắm nghiền hai mắt khi đu cao và Mạnh nghịch ngợm vừa đu vừa thả cả hai tay làm bộ như sắp té và thường chạy lại ôm mẹ khi thấy bà lo sợ đưa tay ôm ngực.

Bà Khả nhìn tới nhìn lui, xa xa bên phải là xóm chài khu Hai ghe thuyền chen chúc, bên trái là khu quân sự và hải cảng, chính giữa là bãi tắm. Bà Khả nhớ lại những ngày thành phố mới được tiếp thu bởi chính quyền Quốc Gia mấy chục năm trước, ngày đó các con bà đều còn nhỏ và chúng đã từng chơi đùa, nghịch phá, bơi lặn trên khoảng biển này. Hồi đó Ty Thanh Niên đã thực hiện vô số những phao nổi ghép bằng thùng phuy neo ở nhiều khoảng cách khác nhau xa bờ giúp người tập bơi có chỗ nghỉ sức trước khi bơi đến một khoảng xa hơn. Bà Khả luôn có mặt bên các con, kiên nhẫn và mềm mỏng khuyến khích bọn nhỏ cố gắng tập luyện; vui sướng khi thấy chúng tiến bộ và hãnh diện khi thấy lần lượt cả ba anh em đều bơi đến các phao nổi cuối cùng.

Có lần Thanh hớn hở khoe với mẹ đã bơi đến gần núi hải đăng. Bà Khả vừa mừng vừa sợ. Thành tích này không phải ai cũng đạt được, nhưng không biết có điều gì không hay xảy ra cho con bà không? Bà Khả lo âu nhắc đến cá dữ, nhắc đến những bất thường có thể xảy ra cho cơ thể con người khi vận động quá sức và bắt Thanh hứa không bao giờ bơi ra hải đăng nữa. Thanh nhìn mẹ cười, bà Khả biết nó không tin có cá dữ và cũng rất tự tin vào sức lực và khả năng bơi lặn của mình và không nghĩ là có gì nguy hiểm nhưng nó cũng hứa cho mẹ an lòng và bà Khả biết Thanh sẽ giữ lời. Các con bà không bao giờ làm điều gì để mẹ buồn.

Bà Khả nghĩ đến Thanh, không biết hôm ấy các người chủ neo ghe cách bờ bao xa. Bà Khả tự trách mình ngày chia tay ở Nha Trang đã không đưa con ra tận xóm chài, không chính mắt nhìn thấy Thanh lên ghe an toàn.

Bà Khả nghĩ đến Thúc, nó bơi cũng đâu thua gì thằng em, nhưng tàu hải quân to lớn chắc không vào được gần bờ, không biết hồi di tản tàu đậu chỗ nào và Thúc có bơi ra được đến nơi không? Mà không biết nó có về được tới thành phố, ra được đến bờ biển hay không. Nghe nói đánh nhau khắp nơi, rồi còn pháo kích của địch, còn hải pháo của quân bạn nữa. Bạn thù lẫn lộn, ngoài biển bắn vào thì biết đường đâu mà tránh. 

Bà Khả ôm lấy đầu. Còn thằng anh của hai đứa nữa. Tôi nghiệp, nó đi lính lâu năm nhất, xa nhà, xa cha mẹ anh em nhất. Không biết tin các tiểu đoàn rút đi có đúng không? Nó có chạy được sang Miên, qua được đến Thái không?

Bà Khả nghĩ đến những đứa con vắng mặt và lặng lẽ khóc một mình. Không biết lần thứ mấy nước mắt người mẹ đã chảy sau chiến tranh.

Nguyễn Mạnh An Dân