QUI NHƠN
THÀNH PHỐ CHƯA KỊP HỒI SINH
Nguyễn Phạm Thái
Cuối năm 1954, trên một sân khấu lộ thiên được thiết lập vội vàng tại bãi biển Qui nhơn, trước một khối lượng khán giả đông đảo từ các làng xã xa xôi đổ về để tiễn đưa người thân tập kết ra Bắc, đoàn văn công Liên Khu 5 đã trình diễn vở Hát Bộ "Hai Bà Trưng Khởi Nghĩa". Trước đó, một cuộc mít tinh hào hứng và phấn khởi với lời từ giã cảm động và lời hứa hẹn hùng hồn sẽ trở về sau hai năm tạm biệt của những người ra đi đã được long trọng tổ chức. Vinh quang hay đau xót, hạnh phúc hay thảm họa cho dân tộc và cho thành phố Qui nhơn khốn khổ, lời hứa đêm ấy đã trở thành sự thực - ngoài ý muốn - hai mươi năm sau.
Bình định - Qui nhơn, trong suốt 9 năm kháng chiến 1945-1954 là vùng đất "giải phóng", được "hưởng trọn" những chủ trương, chính sách "triệt để cách mạng và tiến bộ". Bao nhiêu đình miễu, chùa chiền đã bị đập phá; bao nhiêu con người đã bị vùi dập, đọa đày. Ðại địa chủ Bùi Ngang và hàng ngàn người vô tội khác đã gục ngã giữa những đêm đấu tố thô bạo và man rợ. Tòa án nhân dân đã xử tử hình bằng luật của đám đông bị kích động và lừa mị những con người muốn làm người như Nguyễn Hữu Lộc, Ðoàn Ðức Thoan, Võ Minh Vinh. Khắp nơi, giai cấp "bị áp bức và bóc lột" đã đứng lên làm người chủ mới của xã hội bằng bạo lực thời trung cổ.
Cuộc chiến kéo dài, nhiều nơi áp dụng biện pháp vườn không nhà trống và thành phố Qui nhơn được lệnh hủy diệt theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến để triệt đường cư ngụ, trú đóng của giặc Pháp. Trên nguyên tắc, biện pháp được áp dụng có thể cần thiết và hợp lý; tuy nhiên việc tiêu thổ thành phố Qui nhơn được ghi nhận như một bằng chứng đáng hổ thẹn về cái gọi là độc lập khi toàn thành phố còn lại chưa đến 100 căn nhà mà tất cả số nhà này lại thuộc quyền làm chủ của các "Hoa kiều kính mến". Lệnh tiêu thổ miễn trừ cho thành phần này vì tôn trọng " tình hữu nghị Hoa Việt đời đời bền vững."
Thành phố Qui nhơn năm 1954, khi người cán binh Cộng sản cuối cùng xuống tàu ra Bắc là một vùng đất chết với những động cát, bãi xương rồng và nỗi xác xơ của nhịp sống, của con người. Qui nhơn đã nỗ lực tự đứng dậy , tự hồi sinh từ nỗi khốn khó của thân phận mình.
Có một nhân chứng thầm lặng và u buồn chứng kiến, chia xẻ tất cả những thăng trầm của Qui nhơn: Tháp Chàm Khu Năm. Tháp được người Pháp gọi là Tour Khmer. Người Mỹ, cụ thể hơn, đã sử dụng địa danh nơi tháp tọa lạc để đặt tên là The Hưng Thạnh Tower; tuy nhiên, đối với người dân Bình định, căn cứ vào sự cận kề, gắn bó của hai toà tháp cổ, nó được gọi nôm na là Tháp Ðôi.
Tháp Ðôi đã có mặt từ lâu lắm, và cùng với mười một ngôi tháp khác rải rác khắp Bình định, nó như một dấu tích cuối cùng, u uẩn và trầm mặc còn lại của kinh đô Chapa vang bóng một thời.
Do sự ngẫu nhiên của hình thể địa lý, Tháp Ðôi trấn giữ ngay cửa ngõ độc nhất ra vào thành phố Qui nhơn, như một người lính già nhẫn nại và thân thiết của nhiều thế hệ, nhiều con người Qui nhơn.
Thành phố Qui nhơn như một doi đất thừa chòi sâu ra biển. Thời trước, vì nhu cầu phát triển thành phố và tận dụng lợi thế của hải cảng, người Pháp đã thiết lập nhà ga Qui nhơn với một thiết lộ dài 9 cây số từ Diêu trì tách rời con đường Bắc Nam rẽ xuống và quốc lộ 1 cũng được uốn cong từ cầu Bà Gi, An nhơn vòng qua Chợ Huyện, Phủ Cũ, Phủ Mới xuống Qui nhơn rồi bẻ ngược trở lên ngả ba Phú tài. Sau này khi hãng RMK trùng tu quốc lộ 1, các kiến trúc sư quyết định phóng một con đường thẳng nối liền cầu Bà Gi và Phú tài kéo dài về phía đèo Cù mông, con đường cũ vòng xuống Qui nhơn chỉ còn là một nhánh rẽ về thành phố cách đường lộ chính 10 cây số, xe cộ từ Nam ra Bắc và ngược lại không còn đi qua Qui nhơn nữa.
Qui nhơn được bao bọc bởi nước và núi đá, phía đông là biển, phía bắc là đầm Thị nại, phía nam là núi Vũng Chua và núi Bà Hỏa cùng tạo thành một vòng ôm ngược lại. Núi và đầm nước gặp nhau ở rẻo đất nhỏ chỗ sông Hà thanh đổ ra cửa Thị nại; nơi đó, quốc lộ và thiết lộ ép sát vào nhau cùng chạy vào thành phố qua hai chiếc cầu song song gọi là Cầu Ðôi. Cách đó một đoạn ngắn, bên trái đường là Tháp Ðôi. Ðây là cửa ngõ độc nhất ra vào thành phố Qui nhơn từ lâu đời nay. Sau này, vào những năm 1966-1967, vì nhu cầu quốc phòng, người Mỹ làm một con đường mới từ Cầu sông Ngang cách thị xã năm cây số chạy vòng theo chân núi về khu sáu Qui nhơn nhưng con đường này chỉ được sử dụng phần lớn để chuyển vận xăng dầu từ kho 321 dã chiến nhiên liệu hoặc đạn dược từ kho 631 được thiết lập âm sâu trong lòng núi Bà Hỏa đi cao nguyên. Việc giao thông chính vào thành phố vẫn chỉ là con đường cũ qua Cầu Ðôi.
Cầu và Tháp Ðôi là hai người bạn gần gũi và thân thiết của mỗi người Bình định và cũng là hình ảnh đầu tiên tạo ấn tượng khó quên cho những ai đến thăm thành phố biển Qui nhơn. Những gắn bó ngẫu nhiên của những vật vô tri đã tạo cảm xúc để những tâm hồn thơ mượn cảnh sinh tình:
Tháp kia còn đứng đủ đôi
Cầu kia đủ cặp
Huống chi tôi với nường
Tháp ngạo nắng sương
Cầu nương sắt đá
Dù lời thiên hạ
Nói ngả nói nghiêng
Cao thâm đã chứng lòng nguyền
Còn cầu còn tháp
Còn duyên hai đứa mình
Cầu Ðôi nằm trên con đường lớn cách phố chính Gia Long hai cây số và con đường này kéo dài đến tận bến tàu như chiếc xương sống xuyên suốt thị xã Qui nhơn. Mùa hè, nước sông Hà thanh cạn, trong vắt, từ trên cầu nhìn xuống có thể thấy từng đàn cá kềm đông đặc, nhởn nhơ dưới dòng nước mát. Mùa đông, nước bạc từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, đục ngàu, hối hả tuôn vào đầm Thị nại và vũng đầm thênh thang liền với biển này như một bể chứa bao dung, ôm hết vào lòng nguồn nước dữ để tránh lũ lụt cho cả một vùng hạ bạn Bình định.
Mùa đông Qui nhơn dai dẳng, mây xám, thấp; trời đục, lạnh; không khí lãng đãng, buồn buồn và cái thú nhìn nước nguồn Cầu Ðôi trong cái vần vũ của mưa gió cũng mang lại nhiều cảm xúc lâng lâng, khó tả cho nhiều lớp tuổi Qui nhơn.
Nước trên nguồn đổ tuôn ra biển
Cảm thương người một kiểng hai quê
Cầu Ðôi liền lối đi về
Mịt mù mây phủ An khê, Phú tài
Một phần máu thit của Qui nhơn là đầm Thị nại, vùng nước lớn bằng phẳng, trải dài và bao bọc cả mặt bắc của thành phố. Từ đường Bạch đằng nằm ven thị xã nhìn ra là cả một gương nước lớn, không một gợn sóng, thấp thoáng những cánh buồm nhỏ êm ả và thơ mộng. Xa mút tầm mắt phía bờ bên kia là bãi cát vàng óng trải dài, uốn lượn qua nhiều xóm làng của các xã Phước quang, Phước lý. Ðầm nước phẳng lặng và hiền hòa này có thời đã lừng danh trong lịch sử và đã chứng kiến biết bao biến cố trọng đại với những đối đầu đau xót trong những uẩn khúc chính trị qua nhiều thời đại của dân tộc.
Mùa xuân Nhâm tí 1792, quân Gia định do các tướng Nguyễn văn Tường, Nguyễn văn Thành đem chiến thuyền ồ ạt tiến vào Thị nại. Bảy năm sau, Nguyễn vương lại đánh vào Thị nại lần thứ hai và làm chủ tình hình Qui nhơn, đổi tên thành Bình định. (Thành Qui nhơn này không phải là thị xã Qui nhơn bây giờ; nó ở về hướng bắc, cách thị xã Qui nhơn 26 cây số, nằm giữa thị trấn Ðập Ðá và làng Bá canh, thuộc các xã Nhơn hậu, Nhơn thành, quận An nhơn, di tích còn lại là tháp Cánh Tiên, lăng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu).
Năm 1800, các đại tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu, Võ văn Dũng phản công từ Thị nại và vây hãm thành Bình định cho đến khi Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tuẫn tiết. Thị nại đã hãnh diện chứng kiến những chiến công hiển hách và cũng đau lòng nhìn thấy những cảnh tương tàn chua xót. Dũng tuớng và trung thần, cả hai bên đều đầy dẫy những gương hào kiệt, anh hùng nhưng tiếc thay sức mạnh của dân tộc đã không được quy về một mối, hận thù không hướng đúng mục tiêu, đã làm dở dang nhiều sự nghiệp lớn và khởi đầu cho những bất hạnh dai dẳng của dân tộc.
Ðầm Thị nại không chỉ chứng kiến chừng ấy sự kiện. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, đầm nước mênh mông nối liền với hải cảng thông ra biển Ðông này đã nhiều lần phải cau mặt nhìn tàu chiến Pháp, hạm đội Nhật nghênh ngang ra vào phần đất chiến lược trọng yếu thông với cả một vùng cao nguyên rộng lớn; và trong suốt hai mươi năm đối đầu Quốc Cộng, Thị nại như môt ranh giới phân chia, một trọng tài đau khổ đứng giữa hai phần đất thù nghịch. Năm 1965, nước đầm Thị nại đã có lần đỏ ngầu, hoà máu của hàng trăm người dân vô tội, mê muội lầm lạc hay bị ép buộc, thúc bách từ các làng xã bên kia bờ chèo ghe về thành phố biểu tình, đã gục ngã trước mũi súng không tránh được của lực lượng phòng thủ Qui nhơn; và cũng biết bao lần, những bóng đen hung hiểm từ bên kia bờ nước mang tai họa, tang tóc đến cho vùng đất đau khổ bên này. Giòng nước luôn hiền hòa, vô tư nhưng lòng người nhiều sóng gió, bão táp.
Phía cực nam của thành phố, núi Vũng Chua và núi Bà Hỏa trải dài theo hướng đông tây, bao bọc suốt khu sáu Qui nhơn vòng ra đến sát quốc lộ. Chỗ mỏm núi tiếp giáp với biển Ðông là một triền dốc xanh tươi, bốn mùa rì rào sóng vỗ; nơi đó, cách bờ cát mịn của bãi biển Gành Ráng một đoạn ngắn, giữa lưng chưng dốc núi vi vu gió thổi là nơi an nghỉ ngàn thu của một thi sĩ tài hoa, đa truân và vắn số: Hàn Mạc Tử.
Mộ Hàn Mạc Tử không lớn, khiêm tốn với cây thánh giá nhỏ và một bia kỷ niệm do thi sĩ Quách Tấn phụng lập với tư cách bằng hữu năm 1958 nhưng vị trí của nó hết sức hữu tình và nhiều ý nghĩa. Phía sau ghềnh núi, cách dốc đèo Son một đoạn ngắn, quanh co là làng cùi Qui hòa thơ mộng, nơi người thi sĩ bạc số của chúng ta có thời đã sống, đã chia xẻ khổ đau và chiêm nghiệm những hữu hạn đắng cay của kiếp người để viết lên những dòng thơ bất tử trong những ngày cuối cùng của đời mình. Cạnh đó, gần nơi an nghỉ ngàn thu của Hàn Mạc Tử, xưa kia là lầu Ông Hoàng, ghi dấu một thời huy hoàng của một triều đại đã tàn lụn và xóa mờ; bây giờ nơi đó chỉ còn một vũng nước mát trong lành chảy ra từ khe núi nối liền với ngọn suối Tiên quanh năm róc rách.
Núi Vũng Chua, trong những năm chiến tranh ác liệt đã trở thành một vị trí chiến lược quan trọng với một đài radar và một đài tiếp vận truyền tin chót vót trên chóp đỉnh. Ðêm đêm, những ngọn đèn bật sáng, mờ ảo trên đỉnh cao được nhìn thấy từ mọi nơi trong thành phố như dấu hiệu của một sự ổn cố, yên bình. Những ngọn đèn đó không còn cháy nữa sau năm 1975 và cả thành phố cũng đen tối như bóng đen âm u trên đỉnh núi Vũng Chua.
Những năm sau này, nghe đâu mộ Hàn Mạc Tử được trùng tu, được "nâng cấp", được ồn ào giới thiệu như một di tích lịch sử, được sự quan tâm chăm sóc của "chính quyền cách mạng". Ngôi mộ có thể được xây to đẹp hơn, bia kỷ niệm có thể được ghi những hàng chữ trang trọng, chải chuốt hơn nhưng đàng sau tất cả cái bề ngoài kệch cỡm đó, phải chăng là một thực tâm tiếc nhớ và ngưỡng mộ một thiên tài hay chỉ là lớp sơn giả, như muôn ngàn lớp sơn giả tạo khác, tô vẽ vụng về cho một chế độ rất cần son phấn.
Bãi biển Qui nhơn như một vòng bán nguyệt lộn ngược, trải dài từ bến tàu khu một, qua bãi tắm, xóm chài khu hai vào tận Gành Ráng khu sáu. Cách phía xa về hướng đông là hòn Cù lao Xanh mờ mờ cuối tầm mắt và gần hơn một chút là mỏm núi Phước minh từ bên kia đầm Thị Nại trải ra làm thành một vách chắn kiên cố biến hải cảng Qui nhơn thành một vùng trú ẩn an toàn cho các tàu thuyền trong mùa dông bão. Trên đỉnh núi Phước minh là ngọn hải đăng bốn mùa chớp nháy để hướng dẫn thuỷ trình cho các tàu bè ra vào hải cảng Qui nhơn. Ban đêm từ bờ nhìn ra khơi, biển là một vùng hoa đăng sinh động, sáng loè đèn đóm của những ghe thuyền đi lưới đêm.
Bãi tắm Qui nhơn không lớn nhưng hiền hòa, sạch đẹp với những hàng dừa cao vút và bãi dương liễu rợp bóng, văng vẳng tiếng nhạc trầm bổng từ các câu lạc bộ thể thao, các quán giải khát mang nhiều sắc thái địa phương. Thấp thoáng đó đây là những tà áo dài trắng thướt tha mềm mại và tiếng cười trong trẻo, yêu đời của đám nữ sinh trường nữ bên kia đường.
Xóm chài khu hai là hiện thân rõ nét của sự cần lao và tình đoàn kết. Người dân vùng biển ra khơi từ tinh mơ, vật lộn với thiên nhiên để sinh tồn và để góp phần tạo dựng phồn vinh cho tổ quốc. Suốt ngày, xóm chài là một hoạt cảnh sinh động của những người quây quần vá lưới, hì hục sửa ghe, xôn xao chờ đón đoàn tàu ra khơi trở về. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên cùng những hiểm họa cận kề đã khiến cho con người gần nhau hơn, cùng chia xẻ, cùng chiến đấu chống lại mọi khó khăn, bất trắc. Một chiếc ghe rủi ro gặp nạn, một ngư dân không may chết đuối, cả xóm chài sẽ tự coi như cùng có trách nhiệm và đều đồng loạt ngưng mọi công việc để chú tâm vào việc tìm kiếm và cứu nạn. Tai biến của mỗi cá nhân là nỗi đau khổ chung cho toàn thể và mọi người sẵn sàng chia xẻ bằng tất cả sự quan tâm chân tình nhất.
Biển Qui nhơn dồi dào tôm cá hiếm quí, tươi ngon; tuy nhiên, biển quê ta nơi nào mà không nhiều hải sản quí giá loại này hay loại khác, điều đặc biệt là Qui nhơn có nhiều hải sản rất rẻ tiền, rất bình dị nhưng lại rất thân, rất gần gũi trong đời sống của mọi người dân lao động nghèo, gợi nhớ hương vị và cả nhịp sống bình dị của quê hương, tiêu biểu là ruốc và cá ngừ.
Mắm ruốc là món ăn chính của mọi gia đình dù giàu hay nghèo. Vào mùa giáp Tết, vụ lúa gieo đã thu hoạch xong, gió nồm rộ, ruốc nổi. Hàng ngày từng đàn, từng lũ người từ các xã, huyện đổ dồn về xóm chài khu hai muối ruốc làm mắm. Xong được khạp mắm là an tâm, vững bụng cả năm. Mắm được làm một lần, đựng vào các lu, khạp để dành ăn từ từ. Càng giang nắng mắm càng thơm, lên màu nâu tươi, dịu ngọt.
Mắm có thể nấu canh với lá giang, lá bác bờ rào, kho với dưa hồng, cà núi; gặp phiên chợ có tiền thì thêm tí mỡ xào với sả trong vườn; khá hơn chút nữa thì xào với thịt ba rọi, chưng với trứng vịt, nấm mèo; không có gì hết thì ăn mắm nguyên kèm với ớt xanh vừa hái, cay, dòn. Người Qui nhơn có đi đâu, được hưởng cao lương mỹ vị như thế nào cũng có lúc nhớ nhớ, thèm thèm mắm ruốc.
Món ăn đặc biệt thứ hai là cá ngừ hấp. Cá làm kiểu này là loại cá nhỏ, dài độ gang tay, mình mập tròn bằng bắp chân, được hấp hay luộc theo một kỹ thuật đặc biệt làm thân cá có những đường nứt dọc dài, bày ra những sớ thịt dai thơm. Mùa phát mía, gió Nam dịu dịu, ngồi quây quần bên chòi che giữa đồng, cuốn cá ngừ với bánh tráng rau sống, hay chan nước cá nấu ngót với bún tươi gạo lức, trộn chút xoài xanh xắt ghém ăn quên mệt và nhớ đời.
Xóm chài khu hai một thời nổi tiếng là khu trọ học đầy tình nghĩa của nhiều ngàn học sinh nghèo từ các quận xa xôi về Qui nhơn học tập. Việc chứa học sinh không hẳn là một nghề kiếm sống mà là một niềm vui, một sự hãnh diện của các gia đình xóm chài. Dường như mặc cảm ít học là một nỗi đau nhẹ nhàng, bàng bạc trong lòng mỗi người dân xóm chài; vì vậy, việc được gần gũi, tiếp cận với chữ nghĩa thông qua những người học trò trú ngụ trong nhà mình đã gần như trở thành một nhu cầu tâm lý và chính điều này đã giúp các học sinh xa nhà tìm được không khí gia đình, mộc mạc và ấm áp trong mỗi nhà trọ và đã giúp cho biết bao người, từ đó, nên người.
Người dân biển tuyệt đối tin tưởng vào những quyền năng huyền nhiệm, vô hình. Xóm chài Qui nhơn có một đền thờ thủy thần nằm sát mặt đường Nguyễn Huệ quanh năm nghi ngút khói hương và vào mùa tế lễ, nơi đây trở thành chốn hội hè, hát xướng vui chơi cho cả xóm chài và mang niềm vui chung đến cho toàn thành phố suốt nhiều ngày đêm.
1954-1975, hai mươi mốt năm, thời gian không lâu lắm và điều kiện để phát triển, thật ra cũng không dễ dàng gì; tuy nhiên, bằng vào sự nhẫn nại bền bỉ, bằng vào ý chí tiến thủ không ngừng, thành phố Qui nhơn đã mang đôi hia bảy dặm hiên ngang tiến về phía trước.
Ðộng cát và bãi xương rồng hoang dại đã teo lại, nhỏ dần, thay vào đó là nhà cửa, phố xá, cơ xưởng với những con người được trang bị kiến thức hoàn chỉnh về nhiều lãnh vực và một tấm lòng quyết tâm, lạc quan trước vận nước khắc nghiệt, vừa chiến đấu vừa xây dựng. Sáu khu phố đã được hình thành với sự phối trí riêng biệt: Khu một là hải cảng sầm uất; khu hai là xóm chài trù phú; khu ba, khu bốn là trung tâm thương mại, hành chánh; khu năm là cửa ngõ; khu sáu là hậu phương. Tất cả họp chung lại tạo thành một nhịp sống hỗ tương, trọn vẹn cho cả thành phố.
Bảy trường trung học phổ thông: Cường Ðể, Nữ Trung học, Bồ Ðề, La san, Trinh Vương, Nhân thảo, Tây Sơn đã lần lượt được mở cửa. Trường Kỹ Thuật ( lớn thứ nhì trong toàn quốc sau trường kỹ thuật Cao Thắng ở Sài gòn) và trường Sư Phạm (độc nhất ở miền Trung) đào tạo các giáo viên có ngạch trật cao nhất của bậc tiểu học đã được khánh thành vào thập niên 60. Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập viết nhạc; Lê văn Ngân, Thái Ngọc San làm thơ; Mang Viên Long, Mường Mán viết văn là những người xuất thân từ ngôi trường sư phạm này.
Qui nhơn đã vươn vai đứng lên cùng một lúc xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa: Thư viện thành phố đã được cải tổ với hàng chục ngàn đầu sách đủ loại; nhà văn hóa được mở cửa với sự trợ giúp của chính phủ Ðại Hàn, thông qua sư đoàn Mãnh Hổ đại diện; nhiều cuộc triển lãm tranh, tượng của các họa sĩ Phạm Ðình Khương, Ðỗ Toàn, Nguyễn Ðình Nhuận đã được tổ chức. Tượng đài đại đế Quang Trung ở công viên trung tâm; Hưng Ðạo đại vương ở đỉnh núi hải đăng đã được xây dựng vừa như một di tích lịch sử, vừa như một công trình văn hóa.
Ðầu thập niên 70, Qui nhơn, tỉnh lỵ Bình định, động cát và bãi xương rồng ngày nào đã đủ điều kiện về cả hai lãnh vực phát triển kinh tế và mật độ dân số để trở thành thị xã với một cơ quan hành chánh và một cơ cấu dân cử riêng biệt. Một khí thế mới đã bừng lên; nhiều kế hoạch chỉnh trang đô thị và phát triển mọi mặt đã được hoạch định và đang được tiến hành với tất cả nôn nao, hy vọng của mọi người con Qui nhơn. Tiếc thay...
Biển Qui nhơn vẫn còn đó. Sau năm1975, chính quyền Cộng sản có cho phóng một con đường từ cuối trung tâm thành phố chạy thẳng ra bãi biển. Ở đó, họ dựng một tượng đài chiến thắng với nhiều hình tượng công nhân và nông dân, tua tủa búa liềm, giáo mác. Tượng đài sừng sững ngó ra biển, kiêu hãnh và lạnh lùng.
Thời gian và lịch sử lặng lờ trôi. Nhiều hình ảnh đã bụi lấp; nhiều sự kiện đã phủ mờ nhưng người dân Qui nhơn vẫn còn nhớ và sẽ nhớ mãi, nơi bãi cát có ngôi tượng đài bằng máu được vinh danh này, nhiều ngàn chiến sĩ và đồng bào ta đã vĩnh viễn nằm xuống trong những giờ phút bi thảm cuối cùng giữa mùa xuân buồn của lịch sử năm nào. Bất hạnh hay may mắn, họ không bao giờ còn được nhìn thấy những dâu bể chua xót trên quê hương khổ đau của mình nữa.
Qui nhơn đã chết khi chưa kịp hồi sinh trọn vẹn
Nguyễn Phạm Thái
Ðặc san QUANG TRUNG TÂY SƠN - Xuân Kỷ Mão 1999