VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
THỜI TÂY SƠN
Dư Vân
Trong những biến động tột cùng của giai đoạn nội chiến vào hậu bán thế kỷ 18,triều đại Tây Sơn rực rỡ chói lòa như một ánh chớp rồi chợt tắt cùng Quang Trung Hoàng Ðế. Nhưng, qua một thời gian ngắn ngủi như vậy, triều đại đó cũng để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản văn hóa rất phong phú. Những nỗ lực của triều Nguyễn Gia Long nhằm xoá bỏ ảnh hưởng Tây Sơn trong xã hội đã có ít nhiều thành công, khiến cho các đời sau không còn đánh giá được nền văn học nghệ thuật Tây Sơn một cách xứng đáng và gây nên những thiệt thòi chung cho cả dân tộc. Trong dịp kỷ niệm 213 năm Chiến Thắng Ðống Ða của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Quang Trung Hoàng Ðế, chúng ta cũng nên thử kiểm điểm và tạm lượng giá những thành tựu chung của văn học nước ta vào thời Tây Sơn. Sau này, khi điều kiện cho phép, chúng ta sẽ phải khôi phục và phát huy những giá trị của nền văn học này.
Văn Học Trong Xã Hội Việt Nam Thời Nội Chiến
Trong nhiều thập niên, khi lẫn lộn chính trị, văn học và dân tộc tính Việt Nam với nhau, một số người đã cho giai đoạn kết thúc cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn là giai đoạn mà dân tộc tính của Việt Nam bị suy vong, bị thách thức nặng nề nhất. Thực ra, đây là thời kỳ suy đồi về chính trị, xuất phát từ tầng lớp tranh đoạt quyền hành mà bất chấp nguyện vọng của người dân. Nhưng, đây cũng là thời kỳ mà văn học nước ta phát triển rực rỡ nhất,như một phản ứng quật khởi của dân tộc, hơn hẳn thời kỳ gọi là thịnh trị của triều Nguyễn Gia Long kế tiếp. Ðọc lại văn học sử, chúng ta thấy nhiều tác giả được truyền tụng sau này đều xuất hiện vào thời kỳ đó. Như cây bút ký sự Pham Ðình Hổ, như nhà bác học Lê Qúy Ðôn, như Hồng Hà Nữ Sĩ Ðoàn Thị Ðiểm và Ðặng Trần Côn, tác giả Chinh Phụ Ngâm, như sử gia Ngô Thì Sĩ và hai con là Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, như các nhà thơ Phan Huy Ích, Nguyễn Du, như Ngọc Hân Công chúa, tác giả Ai Tư Vãn... Chung quanh những vì sao sáng chói này còn thấy xuất hiện biết bao ngọn bút một thời lừng danh như Bùi Huy Bích, Trần Danh Án, Vũ Huy Tân, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huy Lượng, Ninh Tốn, Ðoàn Nguyễn Tuấn...
Chính những tao loạn và tranh chiến liên miên trong xã hội đã khiến nhiều tài năng văn học được phát huy thành muôn hình muôn vẻ, và trong khi các tác giả có thể ở vào thế đối nghịch chính trị và sáng tác theo cảm quan hay lý trí riêng của mình, họ đều đóng góp cho gia tài văn hoá chung của đất nước. Nhưng, trong giòng cuồng lưu có nhiều u uất thịnh nộ, nhiều thở than bi phẫn của văn nhân Việt Nam giữa thời loạn, văn học nghệ thuật triều Tây Sơn lại có những nét độc đáo khác mà chúng ta cần nhìn cho ra.
Văn Học Nghệ Thuật Tây Sơn,
Một Khối Lượng Ðồ Sộ Trong Một Thời Gian Ngắn Ngủi
Thời kỳ Tây Sơn được coi như khởi sự từ 1771, lên tới cao điểm là năm vua Quang Trung lên ngôi rồi đại thắng quân Thanh, 1789, và suy tàn rồi bị Nguyễn Ánh chấm dứt năm 1801. Tổng cộng là 30 năm, trong đó chỉ có gần 4 năm tương đối thanh bình, khi vua Quang Trung bắt đầu đặt nền móng dựng nước rồi đột ngột băng hà, từ 1789 đến 1792, trước đó và sau đó toàn là những năm chinh chiến. Mặc dù vậy, thời kỳ Tây Sơn cũng đã có những cống hiến đa diện và phong phú trong rất nhiều lãnh vực văn hóa như thơ văn, khảo cứu, giáo dục, pháp luật, y học, võ học, âm nhạc và cả kiến trúc, sân khấu...
Thơ văn thời Tây Sơn có những tác phẩm cả Hán cả Nôm của những tác giả Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ninh Tốn, Nguyễn Huy Lượng, Ðoàn Nguyễn Tuấn, Cao Huy Diệu, Ngọc Hân Công chúa, Vũ Huy Tấn... Ngô Thì Nhậm là một bậc kỳ tài trong nhiều lãnh vực văn học, chính trị, triết học, tôn giáo, quân sự, sử học... Những cống hiến của ông cho đất nước không khỏi làm chúng ta liên tưởng đến một nhân vật khác của lịch sử dân tộc là Nguyễn Trãi Một mình Ngô Thì Nhậm, với những trứ tác của ông, cũng đủ tiêu biểu cho cả nền văn học Tây Sơn. Về Ngô Thì Nhậm, ta sẽ phải có một kiểm điểm và tôn vinh riêng, vượt ra khỏi khuôn khổ của một bài sơ kết này.
Phan Huy Ích (1750-1822), người Sơn Tây, quê gốc Nghệ An, là em rể và bạn đồng triều của Ngô Thì Nhậm, làm quan tới Thượng đại phu Thị trung Ngự sử, tước Thụy Nham Hầụ
Thời Quang Toản, ông là Thượng thư bộ Hình kiêm bộ Hộ, về già ở ẩn, xưng Bảo Chân đạo nhân. Phan Huy Ích là một nhà ngoại giao, chính trị, một nhà thơ viết chữ Hán, một nhà văn chữ Nôm và đã nhiều lần cầm bút khích động tinh thần chiến đấu của quân sĩ Tây Sơn chống lại quân Nguyễn Ánh. Ông là tác giả Dụ Am ngâm lục, Dụ Am văn tập, Tinh Sà kỷ hành và nhiều tác phẩm chữ Nôm khác, kể cả nhiều bài hịch, bài biểu và một bản dịch nôm Chinh Phụ Ngâm của Ðặng Trần Côn.
Ninh Tốn là Ninh Song An, hiệu Chuyết Sơn, sinh năm 1743 tại Ninh Bình, làm quan triều Lê, sau theo Tây Sơn, làm đến Thượng Thư bộ Binh, được phong tước Hầụ Từng khuyên Ngô Thì Nhậm luôn luôn "hết lòng vì việc dân", để lại cho đời sau Chuyết Sơn Thi Tập ngợi ca thiên nhiên hùng vĩ và các anh hùng dân tộc. Ông là bạn tương đắc của Ngô Thì Nhậm cùng Phan Huy Ích.
Nguyễn Huy Lượng là danh sĩ thời Lê mạt, sau làm quan triều Tây Sơn, được phong tước Chương Lĩnh Hầụ Ông nổi danh với bài Tụng Tây Hồ phú viết bằng chữ Nôm đời nay còn truyền tụng. Bài phú ca ngợi thắng cảnh của Hồ Tây, của thành Thăng Long và công đức an dân cuả triều Tây Sơn.
Ðoàn Nguyễn Tuấn là anh vợ của Nguyển Du, làm quan triều Lê nhưng sau cùng anh của Nguyễn Du là Nguyễn Nễ theo phò Tây Sơn, làm quan đến Thị lang bộ Lại, được phong tước Hải Phái Hầụ. Như Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, ông từng đi sứ đối đáp với triều Mãn Thanh và làm thơ phản ảnh một niềm tự hào dân tộc rất đĩnh đạc, khác hẳn văn phong yếm thế hay tôn sùng Trung Hoa của các danh sĩ cùng thời. Tác phẩm ông để lại có Hải Ông Thi Tập.
Công chúa Ngọc Hân là con gái vua Lê Hiển Tông, sinh quãng 1770, lấy Quang Trung Nguyễn Huệ năm 16 tuổi, goá năm 22. Cùng hai con trai và gái trốn tại Quảng Nam khi Gia Long diệt Tây Sơn, bà đã phải uống thuốc độc và các con treo cổ tự ải năm 1803 vì bị Gia Long truy lùng rất gắt để tru di cho tuyệt dòng dõi vua Quang Trung. Mẹ bà là Chiêu Nghi Hoàng Hậu (vợ vua Hiển Tông) lén cho người ra Quảng Nam đem hài cốt con gái và hai cháu ngoại về chôn cất tại Bắc Ninh thì hơn 50 năm sau, mộ phần và hài cốt của bà cũng bị Thiệu Trị khai quật giã nát. Nổi danh tài hoa trong cõi Bắc hà vốn đã có nhiều nhân tài văn học, bà trứ tác cũng nhiều, nhưng sau khi Vua Quang Trung băng hà và nhà Tây Sơn bị diệt, các tác phẩm của bà cũng bị thiêu hủy, chỉ còn lại bài Văn tế vua Quang Trung và bài Ai Tư Vãn, ghi lại lòng thương tiếc của bà với bậc đại anh hùng. Trong Ai Tư Vãn, bà so sánh sự nghiệp của vua Quang Trung với những vua Thang vua Võ thời cổ đại mà khóc ông không được tuổi thọ để giúp dân dựng nước.
Ngoài những nhân vật trên, còn Cao Huy Diệu, Vũ Huy Tấn, Ngô Ngọc Du, đều là những tay văn học lẫy lừng với những tác phẩm khẳng định tinh thần lạc quan, tin tưởng vào đất nước, hoặc ghi nhận những chiến công oai hùng của Quang Trung Hoàng Ðế. Cũng trong giòng văn học Tây Sơn, người ta không thể quên những tác giả trong gia đình Ngô Thì Nhậm đã góp phần viết lại tác phẩm dã sử có giá trị văn chương và sử liệu rất cao là Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Tác phẩm này ghi lại những biến động từ thời Lê mạt đến khi Quang Toản bị Gia Long giết và Chiêu Thống chết nhục ở bên Tầu, với những hồi mô tả cả một không khí hào hùng thời Tây Sơn rực rỡ nổi bật lên trên tình trạng mục nát rối loạn của triều Lê-Trịnh.
Bên cạnh những tác phẩm văn thơ tiêu biểu của thời Tây Sơn, văn học thời này còn để lại một bộ môn khá độc đáo và vô cùng hữu ích cho đời sau, đó là các tác phẩm Văn Học Chính Giáo. Thời Tây Sơn, văn học chính trị và giáo dục cũng đã có những bước tiến vượt xa sự suy đồi lạc hậu của các triều đại cũ.
Văn Học Chính Giáo
Thời Tây Sơn Văn học chính trị có những bài hịch Tây Sơn khi Nguyễn Nhạc khởi nghĩa, khi Nguyễn Huệ chuyển quân ra Bắc tiêu diệt nhà Trịnh, những bài Phan Huy Ích hiểu dụ quân binh thời Cảnh Thịnh cố gắng chống đỡ quân Gia Ðịnh của Nguyễn Ánh. Nhưng, tiêu biểu hơn cả cho chính đạo của một thời kỳ chói sáng là những bài chiếu, bài dụ, bài biểu của triều Quang Trung và cả những văn từ liên lạc ngoại giao giữa triều đình ta với vua quan Mãn Thanh trong mặt trận ngoại giao Việt-Thanh. Những tác phẩm văn học chính trị này (được coi là của Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ và Phan Huy Ích) không chỉ có giá trị về mặt sử học mà còn là những bản hùng văn đề cao chính nghĩa của dân tộc, dõng dạc nêu lên sức đề kháng của toàn dân và vạch ra ý hướng xây dựng một nếp sống tiến bộ cho người dân. Những tác phẩm này, tiêu biểu nhất là các bài Chiếu Khuyến Nông, Chiếu Cầu Hiền, Chiếu Lập Học Mở Khoa Thi ... còn soi tỏ tấm lòng yêu nước thương dân của bậc đại anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ. So sánh với khí văn thời Lê mạt hay thời Gia Long, người ta thấy hiển hiện một niềm kiêu hãnh dân tộc và tính lạc quan chủ động đặc biệt của thời kỳ Tây Sơn. Về văn học giáo dục, người ta biết vua Quang Trung đã đích thân yêu cầu Nguyễn Thiếp lập viện Sùng Chính và phiên dịch các sách chữ Hán ra chữ Nôm để quảng bá trong dân gian. Nhưng, Nguyễn Thiếp làm không hết việc, và tự giải nhiệm sau khi Quang Trung băng hà, nên công trình dịch thuật không để lại kết quả như vua Quang Trung mong đợi.
Ngoài Viện Sùng Chính lo việc phiên dịch sách Tiểu học Tứ Thư và Kinh Thi Kinh Dịch Kinh Thư dưới triều Tây Sơn còn có viện chép sử, gọi là Quốc Sử Quán. Một lần nữa, Ngô Thì Nhậm lại chứng tỏ trí tuệ phi thường khi làm Tổng Tài điều khiển viện chép sử. Ông tham khảo các bộ sử của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên và tài liệu của Lê Tung, Nguyễn Nghiễm (cha của Nguyễn Du) để sao nhuận lại bộ sử do cha mình là Ngô Thì Sĩ soạn thảo, thành bộ Ðại Việt Sử Ký Tiền Biên gồm 17 quyển, chép từ đời Hồng Bàng đến đời Hậu Trần (Trùng Quang Ðế). Sau bộ sử đồ sộ này, Quốc Sử Quán còn soạn tiếp bộ Ðại Việt Sử Ký Tục Biên, có phần Lê Kỷ, chép tiếp từ triều Lê đến vua Lê Ý Tông (1740). Năm 1839, Minh Mạng ra một đạo dụ man rợ là tiêu hủy tất cả các bản in lẫn ván in cùng mọi tài liệu sao chép bộ sử này, nên chúng ta mất. May là Quốc Sử Quán đã có một quyết định sáng suốt và tiến bộ là tóm lược hai bộ sử trên thành một bộ Ðại Việt Sử Ký Tiệp Lục Tổng Tự, diễn dịch và chú giải sang chữ Nôm để dễ dàng phổ biến trong dân gian. Cả ba bộ sử này đều hoàn thành vào năm 1800, trước khi Nguyễn Ánh thành công, nhưng nay chỉ còn bộ Tiền Biên và bộ Tiệp Lục Tổng Tự. Bộ thứ ba này dù tóm lược cũng vẫn ghi đủ sự việc từ thời Vua Lê Lợi đến Cảnh Hưng, kể cả những sự việc của nhà Mạc và của các Chúa Nguyễn, đến Nguyễn Phúc Thuần. Và nó còn có giá trị hy hữu là một bộ sử có diễn dịch và chú giải bằng văn Nôm cho quần chúng. Rõ ràng là ý thức xây dựng một nền văn học dân tộc biệt lập với quá khứ tòng Hán đã từ Quang Trung Nguyễn Huệ lan rộng xuống cả triều đình và đi vào giáo dục phổ thông. Ngay cả về giáo dục, người ta còn biết là vừa lên ngôi, vua Quang Trung đã ban chiếu lập nhà học và mở khoa thi năm 1789. Ngài ra lệnh khuyến khích dân các xã nên lập nhà học, chọn nho sĩ có đức hạnh trong xã mình làm thầy, ở cấp phủ huyện thì dân chúng cố trông nom nhà Từ vũ (nhà học cấp phủ huyện) cho tới khi triều đình chọn được quan huấn đạo thì sẽ gửi tới phụ trách việc giảng dạỵ Chỉ một chi tiết đó cũng nói lên không khì chuộng học và tinh thần khá dân chủ tiến bộ thời Tây Sơn.
Cũng trong nỗ lực dựng nước, văn học chính giáo thời Tây Sơn còn có một cống hiến nữa về mặt lập pháp. Ngay từ 1788, Quang Trung Hoàng Ðế đã có quyết định cho soạn thảo một bộ luật mới cho một kỷ nguyên mớị Ngài mất đi, nhưng ý chí vẫn còn nên,qua đời Cảnh Thịnh, quan Thượng Thư bộ Hình là Lê Công Miễn đã tham khảo bộ luật Hồng Ðức và cả luật Mãn Thanh để soạn ra một bộ Hình Thư, hoàn tất năm 1800. Bộ luật này chưa được áp dụng thì triều Tây Sơn đổ và có lẽ đã bị thất truyền.
Các Lãnh Vực Văn Hóa Khác
Về mặt kiến trúc và xây dựng, thời Tây Sơn cũng đã có những cố gắng sơ khởi với thành Chà Bàn (Hoàng Ðế thành của Nguyễn Nhạc kiến lập tại gần Quy Nhơn), thành Phú Xuân (nơi nhà Nguyễn Tây Sơn thực sự đóng đô từ 1789 đến 1801), Phượng Hoàng Trung Ðô tại Nghệ An (nơi Quang Trung muốn thiết lập làm kinh đô và yêu cầu Nguyễn Thiếp nghiên cứu mà chưa hoàn thành và chỉ là một trung tâm chỉ huy quân sự) và một đàn tế trời tại núi Bân, phía Nam núi Ngự Bình, cách Phú Xuân 3 cây số, nơi Quang Trung lên ngôi và làm lễ xuất quân ra Bắc trong trận Ðống Ða.
Những công trình này chưa có kích thước đồ sộ như ý chí của nhà lập quốc, nhưng cũng đã phản ảnh một nỗ lực kiến tạo và nhất là tinh thần chủ động canh tân của Quang Trung. Ở trên, ta đã nhắc tới Phan Huy Ích nhiều lần. Qua những văn từ liên lạc Việt-Thanh, ta còn biết triều Tây Sơn có gửi mừng Càn Long ăn thượng thọ 80 một số nghệ sĩ gồm 6 nhạc sĩ và 6 ca sĩ để trình bày mười bài ca vũ theo điệu Nam, tiếng Nam (Ðến nỗi Càn Long phải nhờ các nghệ sĩ này dạy lại cho nghệ sĩ Tàu để trình diễn trong triều đình). Phan Huy Ích chính là người đã soạn lời ca cho phái đoàn nghệ sĩ trên.
Trong Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Ðình Hổ, người ta thấy triều Lê từng cấm hát bội, nhưng đến năm 1790, dân gian lại mở rạp tổ chức hát bội, có lẽ vì các tướng sĩ Tây Sơn đều ưa chuộng bộ môn nghệ thuật nàỵ. Trong bài Long Thành Cầm Giả Ca của Nguyễn Du, ta cũng thấy tác giả truyện Kiều viết là tướng sĩ Tây Sơn ra Bắc Hà thường thưởng thức hát ả đào Suy từ những sự kiện này, ta biết là thời Tây Sơn, các ngành hát bội, hát ả đào, ca nhạc và nói chung cả nghệ thuật sân khấu đã có lúc thịnh hành và được khuyến khích. Phải chăng, những dấu vết còn lại thời nay là điệu hát trống quân, nghệ thuật đánh trống trận Tây Sơn và hát bội Bình Ðịnh?
Sau cùng, kiểm điểm lại những di sản văn học thời Tây Sơn, ta không thể không nhắc đến một lãnh vực bất ngờ khác là Y học. Vua Quang Trung cho lập Nam dược cục, giao cho một danh y đất Thanh Hoá từng theo quân Tây Sơn ngay từ đầu là Nguyễn Hoành cùng các nhà y học nhiều kinh nghiệm khác điều khiển với nhiệm vụ nghiên cứu và sưu tập các loại thuốc Nam. Sau Nguyễn Hoành cùng các con đều bị Nguyễn Ánh giết chết. Nguyễn Hoành để lại quyển Nam Dược có ghi 500 vị thuốc Nam.
Một danh y khác được giữ chức Tá lệnh sứ của viện Thái Y ở Phú Xuân là Nguyễn Quang Tuân, người Hà Ðông, tác giả của La Khê Phương Dược, một bộ sách tổng hợp kinh nghiệm y học vào thời Tây Sơn. Nhưng, xuất sắc hơn cả là một lương y đã chữa chạy cho nạn dịch tại Thăng Long sau chiến thắng Ðống Ða, từ 1789 đến 1791, và sau được Quang Trung tin dùng, triệu về viện Thái Y tại Phú Xuân, làm quan triều Cảnh Thịnh lên đến Thượng thư bộ Lại, tước hầu, cho đến 1802 thì bị bắt, và sau bị triều Nguyễn Ánh đánh đòn trước Văn Miếu Thăng Long cùng Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Ông là Nguyễn Gia Phan, được coi như một nhà y học vừa có khả năng trị liệu, vừa là một nhà nghiên cứu uyên bác, và cũng lại là moat lương y xả thân cứu giúp dân chúng. Công trình tổng hợp, nghiên cứu và biên soạn của ông có các bộ Liệu Dịch Phương Pháp Toàn Tập (nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm), Lý Âm Phương Pháp Thông Lục (nghiên cứu phụ khoa và sản khoa), Hộ Nhi Phương Pháp Tổng Lục (nghiên cứu về nhi khoa).
Triều đại Tây Sơn nổi lên trong binh biến, và thường xuyên phải giải quyết vấn đề bằng chiến trận, trong 30 năm tồn tại, chỉ có 4 năm khởi công xây dựng rồi lại lâm vòng chinh chiến trong 10 năm liền trước khi sụp đổ. Trong suốt ba thập niên chinh chiến, không khí trọng võ đã là một đặc điểm, đi đôi cùng nguồn gốc xuất thân của những người lãnh đạo, đại đa số đều là võ tướng, ít được đi học, và lên ngôi vị cầm quyền nhờ công lao chiến trận. Vậy mà triều đại đó cũng đã xây dựng và kết tập được một khối lượng rất đồ sộ những tác phẩm văn học rất đa diện và nghệ thuật khá phong phú. Quang Trung Hoàng Ðế là con người trọng võ nhưng cũng là người chuộng văn và có một tầm nhìn vượt qua thời đại của ngài rất xạ. Vì vậy mới gây được một trào lưu văn học sung mãn, quy tụ được nhiều nhân tài trong nhiều lãnh vực khác nhau.
Sau khi đã kiểm điểm sơ lược di sản văn học nghệ thuật thời Tây Sơn, chúng ta có thể nêu lên một số đặc tính gọi là tiêu biểu cho giá trị của di sản này:
Tinh thần lạc quan và tin tưởng được thấy rõ trong những tác phẩm còn lưu truyền. Sau một thời kỳ chinh chiến kéo dài từ thế kỷ trước, sau biết bao tai ương xảy ra cho mọi thành phần dân chúng, tinh thần lạc quan này quả là một tinh thần chấn hưng dân khí và đáng lẽ phải báo hiệu cho cả một công cuộc phục hồi đất nước. Những bước xây dựng của Quang Trung đã bị xoá sạch vì triều Tây Sơn chưa có thời gian tái tạo một nền móng vững chắc sau những tai biến liên miên.
Ðặc tính thứ hai của văn học Tây Sơn là phát huy hùng khí dân tộc, xây dựng lại niềm tự hào cho người Việt sau những năm phân tranh và loan lạc từ Nam ra tới Bắc. Tính trọng võ của thời Tây Sơn không là lý do duy nhất giải thích hiện tượng nàỵ
Phải nói là chính tinh thần quật khởi và niềm tự tin dân tộc sau chiến thắng Ðống Ða mới là động lực thúc đẩy người cầm bút ngợi ca dân tộc và quốc gia một cách nhiệt thành như vậỵ Văn học Tây Sơn là một nền văn học yêu nước.
Ðặc tính thứ ba của văn học Tây Sơn chính là đặc tính dân tộc. Vua Quang Trung ưa chuộng chữ Nôm đã đành, nhưng điều đó chưa đủ nói lên trọn vẹn chí hưng quốc của Ngài Ngay từ khi chưa diệt quân Thanh, ngài đã tỏ ý muốn cho nước ta phú cường và không còn lệ thuộc vào việc buôn bán với Trung Hoa nữa Trong chiến trận, quân Tây Sơn vẫn phải tìm mua thuốc súng của Trung Hoa, và qua chiến trận ở Gia Ðịnh, ngài đã biết thế nào là kỹ thuật và hoả lực Tây phương. Chính kinh nghiệm thực tế này đã khiến nhà vua muốn quảng bá kiến thức một cách sâu rộng trong quần chúng để nâng cao dân trí cùng với dân khí đã được đề cao từ lãnh đạọ Ngài muốn phát huy những ưu điểm của dân tộc và phổ thông hoá kiến thức đó làm nền tảng lâu dài cho việc canh tân đất nước.
Sau cùng, văn học Tây Sơn có đặc tính thiết thực và tiến bộ, qua những nỗ lực truy tìm và gạn lọc những gì hữu ích nhất cho việc giữ nước và dựng nước. Nguyễn Thiếp có khuyên Quang Trung phát huy cái học của Tống Nho thành quốc học. Quang Trung chọn lựa một đường hướng khác, dù vẫn yêu cầu ông này phiên dịch những sách Hán để ngài tham khảo. Trong chiến trận, chính vua Quang Trung đã chiêu mộ thợ khéo để lo việc sản xuất chiến cụ ở Quảng Nam, và với những tài nguyên và kiến thức ít ỏi của Tây Sơn thời đó, ngài đã chiến thắng những đạo quân đông và mạnh gấp bội. Nếu ngài không mất sớm, chắc chắn là việc học nước ta đã có một nền móng tân tiến và cởi mở hơn, để sau này, nước ta đã không bị Tây phương áp bức và cướp mất chủ quyền. Từng đó vấn đề của thời Tây Sơn, của thời Ðống Ða lừng lẫy, ngày hôm nay hình như cũng vẫn còn.
Dân trí, dân khí, niềm tự hào dân tộc, tinh thần tiến bộ và thực tiễn v.v... đều là những vấn đề chúng ta vẫn thường nghe. Nhắc đến những đóng góp và giá trị của văn học nghệ thuật thời Tây Sơn, ta không thể không nghĩ đến những vấn đề của dân ta vào thời nay. Hai trăm năm nữa, dân ta sẽ viết gì về văn học Việt Nam vào thời đại hôm nay, giữa những vấn đề của thời đại mà dân tộc chúng ta đang phải giải quyết?
Dư Vân