Một tác phẩm đặc biệt của Qui Nhơn Bình Ðịnh:
Thơ Chàng Lía

Nguyễn Văn Sâm

Bình Ðịnh trong lịch sử đã đóng góp được nhiều điều đặc biệt và nổi bật về quân sự, văn hóa, chánh trị vào trong sinh hoạt chung của đất nước. Nhiều người đã nói về các điểm này, tôi chỉ xin giới thiệu một điểm nhỏ, thuộc về phần văn học: Thơ Chàng Lía. Nếu câu ca dao 

Ai về Bình Ðịnh mà coi, 
Ðàn bà cũng biết đánh roi đi quờn (quyền) 

xuất phát từ thời Quang Trung và đựợc phổ biến mạnh nhờ chuyện bà Bùi thị Xuân thì theo tôi câu ca dao: 

Thà rằng cắt tóc đi tu, 
Hơn về Mộ Ðức con c. đi đời 

có liên quan nhiều đến thơ Chàng Lía mặc dầu có nhiều người sẽ viện dẫn chuyện thời sự để làm lý chứng cho một sự phản bác. 

Vậy thơ chàng Lía là gì? 

Ðây là một chuyện bình dân lưu truyền nhiều ở Bình Ðịnh rồi lan ra rộng vào Nam. Thơ Chàng Lía không phổ biến ở miền Bắc. Tập thơ-tuồng này hiện tại còn lại cho đến ngày nay gồm một bản nôm và hai bản quốc ngữ.

Bản Nôm: Bộ thư mục đồ sộ về tài nguyên hán nôm rất đáng được hoan nghinh mới xuất bản gần đây ở quê nhà do sự hợp tác văn hóa Việt-Pháp là "Di Sản Hán Nôm Việt Nam", (Hà Nội, 1993, tập 3, trang 534, ở số thứ tự 4172) có mách một quyển chữ Nôm viết tay 82 trang ký hiệu AB. 280, do Ban Hán Nôm quản lý, tựa đề là Văn Doan Diễn Hí. Chúng tôi chưa có điều kiện để có được bản sao của quyển này nên không biết đây là thơ-tuồng hay chỉ là tuồng hát bội. Xin ghi lại phần tóm lược theo "Di Sản Hán Nôm Việt Nam". 

"Vở tuồng diễn sự tích Văn Duyên (Doan): Văn Duyên tên thật là Lía, người Qui Nhơn (Bình Ðịnh), mồ côi cha từ nhỏ, rất thương mẹ, hay bắt trộm gà, vịt mang về cho mẹ. Mẹ Lía không đồng tình, răn dạy con nhiều lần, đem Lía giao cho thầy học, nhưng Lía bỏ học. Sau, Lía cùng với Hồ và Nhẫn, vào rừng lập hội anh hùng hảo hớn, thường cướp của kẻ giàu chia cho người nghèo". 

Cần nói thêm là nội dung theo sự mách trên ở đại thể phù hợp với nội dung của hai bản quốc ngữ thơ-tuồng hiện còn chứa ở Thư Viện Quốc Gia Pháp mà chúng tôi nhắc sau đây.

Bản đầu, Văn Doan Diễn Ca, in lần thứ nhứt năm 1896, kê tên người làm công việc viết theo bổn cũ, sửa lại xuôi câu xuôi vần là Nguyễn Hữu Thoại, sách dày 100 trang, in tại Sàigòn, nhà in Rey, Curiol & Cie. Quyển này, hai năm sau, 1898, được in lại nguyên dạng, không sửa chữa gì cả, tám năm sau nữa, năm 1906, in lần thứ ba cũng thế, chỉ có cái tên Nguyễn Hữu Thoại lần này được thay bằng tên Hoàng-Tịnh Paulus-Của và in tại một nhà in khác. Xin nhắc lại, trong ba lần in số trang vẫn là 100 và không thay đổi gì bên trong. Từ đấy về sau, cho tới nay gần một thế kỷ trôi qua, chúng tôi chưa thấy lần in nào khác nữa bản quốc ngữ Văn Doan Diễn Ca này của Huỳnh Tịnh Của.

Bản thứ nhì, Thơ Văn Doan, in lần thứ nhứt, năm 1916, người làm việc bổn cũ soạn lại cho bản này là Nguyễn Ðăng Hưỡng. 

Ông này gây cho chúng ta một chút bối rối vì ngoài mấy chữ "bổn cũ soạn lại" ông còn thêm "traduit par" mà ai cũng hiểu là phiên âm từ bản nôm ra quốc ngữ bởi... Trong trường hợp này không thể hiểu traduit par là dịch từ chữ Hán ra quốc ngữ vì chuyện Văn Doan là chuyện hoàn toàn Việt Nam. Soạn lại là làm công việc sửa chữa thêm thắt, so với bản gốc phải khác hoặc ít hoặc nhiều. Phiên âm hay phiên dịch là công tác có sao ghi lại như vậy giống theo bản gốc - trừ trường hợp nhầm không cố ý - nhưng với hình thái văn tự khác, nhất là việc phiên từ Nôm ra quốc ngữ thì càng phải tuân theo từng chữ một. Bổn cũ soạn lại do... vì vậy không thể nào là traduit par .... trừ phi người ta chấp nhận nguyên tắc đặc biệt của giai đoạn này là khi phiên âm (phiên dịch) thì có toàn quyền soạn lại chút đỉnh (!).

Hai bản Hoàng-Tịnh Paulus-Của và Nguyễn Văn Hưỡng giống nhau đến 90 phần trăm. Chỉ khác nhau về phần nói thơ (xướng) không phải nằm trong các chi tiết mà ở những chữ làm cho câu thơ rõ nghĩa hơn, xuôi vần hơn. Khác biệt nhiều nằm ở chỗ phần hát bội nghĩa là chỉ nói (viết), nói lối (tán), hát khách (loạn), hát nam (vãn) của hai bản in, bởi vì phần này người sửa lại đã dùng tối đa kiến thức thẩm mỹ văn chương và kinh sử của mình. Nói cách khác, sự sáng tác ở đây đã góp phần thật nhiều. Về ý, trên tổng thể, giống nhau toàn vẹn, nhưng trên chi tiết ngôn từ có khác, tuy rằng giá trị nghệ thuật không có gì sai biệt mấy. Khác văn từ không quan trọng lắm vì bản văn không thay đổi nhiều về mặt ý tưởng, bất quá như là những dị bản trong quá trình xuất hiện của một tác phẩm mà thôi. Nhắc lại, cả hai quyển quốc ngữ đều là thơ-tuồng với các phần hát bội được thêm vô những chỗ nhứt định, điều này khiến cho chúng tôi có lý do để tin rằng bản nôm Văn Doan Diễn Hí mà Di Sản Hán Nôm mách là một tác phẩm viết ở dạng thơ-tuồng. 

Ðể bạn đọc thưởng thức và làm quen với Thơ Chàng Lía chúng tôi xin tóm lược chi tiết hơn như sau: Lía là con mồ côi khi còn rất nhỏ của một người lính hồi hưu. Nhà nghèo, khi mới bảy tuổi Lía đã phải đi ở mướn giữ trâu cho Lục Tường, Lía thương mẹ nên thường bắt gà vịt, hái khoai củ bầu bí của người khác đem về làm thức ăn cho mẹ, nói dối rằng của chủ biếu cho. Mẹ Lía hiểu được, không đồng ý, khuyên răn con nên chừa nhưng Lía chứng nào vẫn tật nấy. Lía thông minh can đảm và nghĩa khí, có lần trâu chạy lạc mất, Tham Bình bắt được không cho xin lại, Lía giả làm học trò khó lỡ đường đến xin ở nhờ nhà Tham Bình, chờ đêm tối đốt nhà ông này, thừa cơ mọi người lo chữa cháy, Lía dẫn trâu về trả lại cho nguyên chủ Lục Tường. 

Thấy đi ở đợ mãi không khá, Lía nằn nì xin mẹ dẫn đến gởi tại nhà thầy học để được luyện tập văn võ. Ở đấy ba năm, Lía học được một chút nghề, nghĩ rằng đã đủ, bèn bỏ thầy bỏ bạn ra đi phiêu lưu. Lưu lạc lên kinh đô, Lía lấy được cảm tình của một ông quan nọ là người đồng hương Bình Ðịnh nên được phái đi đòi nợ cho quan. Ðòi được nợ, Lía lại thua bạc hết không dám về thấy mặt chủ nên lẻn trốn về quê, thú thật với mẹ và quyết định đi ăn cướp để có tiền nuôi mẹ sung sướng tuổi già. Mẹ Lía vốn hiền lương, hết lòng khuyên cản con đừng đi vào đường bất chánh nhưng Lía nhứt quyết làm theo con đường mình đã vạch. Liền đó Lía mướn thợ rèn rèn cho một lưỡi giáo thật to - cũng thói vặt, mướn người làm nhưng gạt không trả tiền công - rồi xách đi giang hồ hành hiệp. Lía giết được cọp dữ, khuất phục được cha Hồ chú Nhẫn là hai tên đầu đảng đã có sẵn lâu la ở Truông Mây lâu nay chận khách thương hồ cướp giựt. Từ đây, sẵn có lâu la dưới trướng, Lía thực hiện những cuộc cướp qui mô, trở thành anh hùng sơn trại, tự coi mình như một vì vua nhỏ trên vùng đất đã chiếm được.

Lía đặt mũ mão cho mình, bắt đoàn hát bội lên hát ngày đêm mua vui... Có lần Lía nhớ mẹ, trở về quê năn nỉ mẹ lên trại sống đời ấm no với mình nhưng bà từ chối với lý do không muốn xa rời mồ mả người thân. Cuối cùng bà chết già ở quê hương mình, Lía chôn cất mẹ với những nghi thức linh đình của một người quyền thế giàu có, trả hiếu mẹ. 

Từ đây Lía làm nhiều điều nhân nghĩa như cướp của giàu cho kẻ nghèo, chia tiền cho bộ hạ, trừ mụ Trà một tay giặc dữ mà dân chúng ta thán về những hành động bất nhơn của mụ. 

Sau khi thành công trong việc làm chủ một vùng lớn, Lía đổi tên là Doan (Duyên). Ðược một thời gian, Doan chán cuộc đời thảo khấu, muốn ứng khoa thi võ để có thể lánh bỏ đời thảo khấu đồng thời có dịp giúp nước an dân. Trước khi lên đường, Doan hứa với đàn em: "gặp vận ta phò chúa lành, rủi nhằm ám chúa thì anh trở về". Doan không may gặp quan trường Lê Tiếp là kẻ thi tiền, Doan lỡ không biết chuyện này nên không đưa tiền dẫu rằng lúc đó Doan có rất nhiều tiền. Ám quan làm nhục Doan, đánh đuổi ra không cho được phép thi. Tức mình, ban đêm Doan lẻn vào nhà quan, giết tất cả mọi người trong nhà từ lớn đến bé rồi đề thơ nói rằng mình làm chuyện này. Trước khi trốn về trại, Doan đem theo người thiếp bé rất trẻ đẹp của Lê Tiếp là nàng Nghĩa Nương về làm vợ mặc dầu trước đó Doan đã có ba vợ rồi. 

Hoạn nạn bắt đầu từ đây. Quan quân triều đình kéo đến, Doan đổi tên là Sơn vương, chiêu binh dựng cờ chống lại triều đình, thắng được nhiều trận lớn, khí thế rất lẫy lừng, nhà vua phải sai nguyên nhung Chánh Tường đến, ông này đánh thắng Sơn vương vài trận nhưng vẫn không diệt được Sơn vương. 

Nàng Nghĩa Nương mặc dầu đã là vợ yêu của Doan nhưng từ lâu vẫn hận Doan nên ngầm liên kết với mật thám của Chánh Tường rồi dùng mưu phục rượu trói đầu tóc của người chồng bất đắc dĩ là Sơn Vương vào chưn giường. Khi Chánh Tường đánh thẳng vào sơn trại, Sơn vương còn bị vướng đầu vào trong giường nên thất trận, chạy đến khu rừng nọ, gặp một tiều phu. Cám ơn lão đã dám hào sảng cho mình bữa ăn. Biết mình đã hết thời, Sơn vương biếu cho lão tiều cái đầu mình để đem nộp lãnh thưởng. Nhóm thảo dã Sơn vương hoàn toàn bị diệt từ đây. Nàng Nghĩa Nương tuy trả được thù xưa nhưng nghĩ mình đã thất tiết cùng giặc nên tự tử trong trận, sau được vua cho lập miếu thờ ở Bình Hòa hằng năm hưởng cúng tế.

Cuối truyện ông Huỳnh tịnh Của thú nhận rằng mình không làm điều gì mới:

"Nương theo bổn cũ dọn mà coi chơi, 
Những trang hiền sĩ đương thời, 
Nhơn vui ghé mắt mựa cười rằng quê." 

Huỳnh Tịnh Của chỉ thắc mắc về mặt văn chương, nói mình dọn từ bổn cũ, chỉ noi theo những gì có sẵn, xin thức giã đừng cười lời chữ thô kệch quê mùa. Ông không bình luận gì về những chuyện xảy ra trong truyện nên ta không biết rõ ràng ý nghĩ của ông về con người trật búa, bán trời Văn Doan. Ông Nguyễn văn Hưỡng trái lại, kết quyển của mình bằng mấy câu hơi hướm bài học thuộc lòng về luân lý trung liệt rất thường thấy lâu nay: 

"Nay đà cuờng khấu đặt an, 
Nhờ ơn lão tướng cùng hàng công khanh. 
Tích này trước dữ sau lành, 
Làm tôi phản chúa đã đành phân thây. 
Làm dữ chẳng kíp thời chày, 
Lưới trời ràng buộc đổi xoay tuần hoàn"...

Ý của Nguyễn Văn Hưỡng là ý chung của người hiền hòa bình thường trong một xã hội trật tự trung quân ngày cũ. Ý đó không chắc đúng đối với những ai quyết san bằng bắt công của xã hội hay từng chịu những áp bức tức tối đến không thể nào chịu được. 

Chắc chắn rằng tác giả - người sáng tác ra bản nôm - truyện diễn ca này chịu ảnh hưởng của truyện Thủy Hử, chàng Lía đả hổ giống chuyện Võ Tòng đánh cọp, Lía bị bôi mực vào mặt giống chuyện khắc chữ vào mặt mà Tống Giang mắc phải, Lía khuất phục cha Hồ chú Nhẫn rồi được mời làm chúa trại không khác gì các dật sử của những đầu mục Lương Sơn Bạc. Phần cuối chuyện cũng tương tợ như chuyện lớn bất thành của Thủy Hử, chỉ khác về hành động Sơn vương chàng Lía tự cắt đầu để đền ơn lão tiều - ở đây lại giống hành động của Hạng Võ đối với đình trưởng trong truyện Hán Sở tranh hùng. Chuyện Nghĩa Nương bị ép làm vợ cường khấu rồi lập kế giết chồng sau để trả thù cho chồng trước ta thấy rãi rác ở nhiều truyện của Trung Quốc đã được phổ biến ở Việt Nam như Kim Cổ Kỳ Quan, và đặc biệt hơn là tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên.

Dòng văn học cổ không chấp nhận sự thành công của hành động chiêu dụ dân chúng chống lại triều đình, bất cứ từ một ai. Nếu nhân vật tài đức vô song, vua già bất tài, sẽ được tác giả cho dịp đổi đời bằng sự kiện đổ Trạng, lấy nàng công chúa, nối ngôi trời trị nước khi vua băng hay khi vua chán ngán cuộc đời vào chùa tu. Cuộc chuyển trao quyền lực như vậy sẽ thực hiện trong hòa bình, theo ngõ chánh thống, hợp lẽ trời. Còn cầm quân đánh lại triều đình dầu bất kỳ lý do nào cũng đều phải chịu chết mà thôi, Từ Hải là một thí dụ. Chàng Lía Văn Doan nếu không bị nàng Nghĩa Nương phục rượu cột tóc vào giường để phải thất trận tiêu tan sự nghiệp thì cũng sẽ bị bàn tay của tác giả xiết lại bằng cách khác dưới sự điều khiển từ xa của nền luân lý Khổng Mạnh trung quân, chính thống, tà ngụy...

Chàng Lía phạm đủ thứ tội mà nhà Phật cấm đoán. Khi nhỏ đã làm đạo tặc nhỏ, trộm cắp hoa trái heo gà của chủ. Lớn lên một chút thì nói dối, lường gạt, giựt dọc, đốt nhà người. Lúc thành nhơn thì bài bạc, đoạt của, giết người rồi hãm dâm vợ người. Chuyện ăn cướp rồi phân phối một phần nào đó tài sản cướp được cho người này người nọ tuy mang một chút đỉnh hạt nhân tốt trong hành vi xấu lớn, vẫn không phải là cách giải quyết lâu dài tình trạng nghèo nàn của người chung quanh. Chàng Lía lấn cấn trong công việc mình làm ngay từ khi mới bắt đầu vào đời sống giang hồ nên có lần muốn tung hê tất cả để đi thi, mong kiếm cho mình một chỗ đứng lương thiện trong xã hội. Xã hội thối nát, điển hình là tham quan Lê Tiếp, đẩy chàng Lía trở lại đường lục lâm thảo khấu bằng cách làm cho Lía hận ghét cái xã hội hiện đang sống. Cũng chính xã hội xuống dốc đó tạo nên uy thế cho Lía trong hành vi xưng hùng xưng bá bởi vì sự bất mãn đầy rẫy chung quanh và người ta dễ dàng theo chân bất cứ người chủ xướng nào nếu có dịp. Chàng Lía có tài, có dũng, có tâm, có thời nhưng không đủ đức, đủ lược, đủ lòng trời, nên sau cùng chỉ được ngồi trên những thành công nhất thời rồi tự phá tiêu tan sự nghiệp mình vì tửu sắc, thanh âm...

Chàng Lía chỉ có vài hành động đáng khen là hiếu thảo với mẹ, tử tế với người nghèo khổ, và cuố¨i đời mình đã khẳng khái cắt đầu để trả ơn những chén cơm nghĩa ơn của lão tiều. Lía anh hùng ngang dọc với ai, nhưng với mẹ thì luôn luôn kính trọng và săn sóc. Lía kiếm chác của ngon vật lạ về cho mẹ, Lía năn nỉ mẹ lên sơn trại, Lía làm ma chay thật lớn cho bà, Lía bỏ trại về cư tang mẹ khi mình đã là lãnh tụ lục lâm... là những chuyện không phải ai ai cũng làm được. Lía ác với người cần ác, nhưng khi cần tặng một số tiền lớn cho bạn hát thì Lía sẵn lòng. Cái chết của Lía cũng hào khí hơn Từ Hải nhiều. Nó là thứ anh hùng Sở Bá vương biết vận thời mình hết thì coi cái chết như lông hồng nhưng cái ơn nghĩa của người dám đưa tay ra cứu giúp mình lúc không ai dám cứu giúp thì nặng như non Thái. Người anh hùng Việt Ðông gươm đàn (một thứ cung) một gánh non sông một chèo chết đứng giữa trận tiền vì quá tin đàn bà. Tay giang hồ thảo dã Qui Nhơn cũng quá tin đàn bà nhưng chết hào hùng hơn nhiều. 

Ảnh hưởng sâu rộng trong dân gian của chuyện chàng Lía cũng nhờ các hành động trên mực người thường của Lía. Người dân Qui Nhơn, Bình Ðịnh cho tới ngày nay vẫn coi Lía là người hùng làm rạng danh cho tỉnh mình, mặc dầu có thể Lía chỉ là một nhân vật tưởng tượng hay là hình ảnh đã hoàn thiện hóa, trau chuốt của nhà văn đối với một nhân vật xã hội. Vài nhà khảo cứu văn học Việt Nam trong nước có gán ghép hành động nổi dậy của Văn Doan với cuộc cách mạng của phong trào nông dân Việt Nam. Lía đại diện cho ý thức nông dân khi bị chế độ phong kiến áp bức đến cùng cực. Lối giải trích này cưỡng ép và không có cơ sở khoa học. Lía không là nông dân và Lía gia nhập lục lâm thảo khấu trước khi có những bất bình, các lục lâm thảo khấu dưới quyền Lía cũng không nghe nói người nào là nông dân. Lía không có một cương lĩnh riêng về mục tiêu của mình cũng không có kế hoạch nào về những gì mình sẽ làm nếu thành công sau này. Trái lại, hành vi tiêu cực của Lía nhiều quá, không đáng đại diện ý thức cho một giai cấp nào hơn là chính cá nhơn bất toàn rất nhiều xung động của Lía. 

Về nguyên nhơn cái chết của Lía, dường như tác giả mô phỏng theo một ý trong tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên ở chỗ Lía lấy vợ người rồi chết vì người đàn bà này. Lía trong Văn Doan Diễn Ca là Tiêu Hóa Long trong Kim Thạch Kỳ Duyên. Cả hai đều lấy vợ người và đều gián tiếp chết vì người đàn bà mà mình yêu ấp, người đàn bà mà mình đã giết chồng. Cũng có thể tác giả Văn Doan Diễn Ca trực tiếp lấy ý này từ các truyện Tàu hay trong Kim Cổ Kỳ Quan rồi xào qua nấu lại, thêm thêm bớt bớt. 

Lấy ý ở đâu điều đó không quan trọng. Ðàng nào thì cách thất bại của Lía cũng điển hình cho cách thất bại của những người có thời nhưng hữu dõng vô mưu, làm đại sự vì xung lực bên trong con người mình hơn là bất cứ lý do nào khác. Những người như Lía thất bại còn tốt cho dân chúng và đất nước hơn khi họ đắc thời, thành công.

Lía có bất bình cũng như biết lợi dụng hoàn cảnh, nhưng bảo rằng Lía là ý thức cách mạng hay là người cách mạng thì là suy đoán quá xa.

Truyện Văn Doan đặc biệt ở chỗ hoàn toàn mang chi tiết dân gian Việt. Ta thấy tên xứ Việt mà tới ngày nay vẫn còn, tên người thuần Việt, tên những vai trò trong xã hội kế bên cuộc sống của người dân dã Việt với những hành vi thường nhựt của họ và nghề nghiệp mưu sinh như bán quan, nuôi heo, làm rèn, gánh gánh, dắt ngựa, chợ búa bán chác, hát bội chào viên quan, ông nhưng, ông câu (=lính), đạo tùy.... Quan quyền là bóng dáng mờ nhạt trong truyện, nếu có lại là nhân vật phản diện, sai lầm, bất tài, háo sắc.... Vua lại càng sương khói nhân ảnh hơn. Vì nhân vật chánh và phụ đều là người Việt với cuộc đời của họ trong xã hội thuần Việt, chớ không phải là Tể Tướng, Phò Mã, Công Chúa, vua Yên, vua Triệu, vua Tề nên truyện đã đi vào dân gian với cách riêng: gần gũi, thân thiết, đậm đà. Tác phẩm vì vậy dù không thấy bản khắc in, bản quốc ngữ tuy ra đời cách nay hơn trăm năm rồi vẫn được truyền tụng qua cửa miệng người ưa thích.

Truyện thơ Văn Doan vì vậy là tác phẩm đặc biệt trong văn học Việt, cần phải được khảo sát thật tường tận của nhũng người chuyên môn về văn học Việt Nam, không bè phái hay chính kiến. 

Quyển Văn Doan Diễn Ca, một tác phẩm nằm phủ bụi thời gian trong thư viện nước người đã tròn một thế kỷ nay cần được mọi người để ý và giới thiệu lại như một viên ngọc của Bình Ðịnh nói riêng và Việt Nam nói chung.

Xin trích đoạn sau đây trong Thơ Văn Doan, bản của Huỳnh Tịnh Của: 

Xướng: (tức người kể truyện)
Nói thôi cùng mẹ một lời, 
Con toan lo việc ở đời lập thân. 
Con đà chịu lỗi muôn phần, 
Cúi đầu lạy mẹ xin đừng than van. 
Cút cui mẹ ở Hàng-lang, 
Thế gian khinh dễ xóm làng cười chê.
Con xin đưa ngựa cho thuê, 
Mẹ thì bán quán dựa kề Hàng-lang. 
Thốt thôi thằng Lía ra đàng, 
Hỏi ai mướn ngựa, tôi dàn đưa đi. 
Dịp đâu may mắn quá kỳ, 
Khách thương đâu bỗng tới thì quá đông. 
Lía hỏi cậu mướn ngựa không, 
Ðặng cho tôi thắng cho ròng cậu đi. 
Ngựa tôi hồng tía thiếu chi, 
Kim than, kim bạch, ô chùy cũng hay.
Còn hai con ngựa tốt thay, 
Kìa thiên lý mã, nọ rày la vân. 
Mướn thì tiền trước trao thân, 
Ðặng tôi thắng ngựa cho cầØn cậu đi. 
Khách rằng tao chẳng nài chi, 
Tao đưa tiền thì thắng ngựa cho mau.
Lấy tiền đi một hồi lâu, 
Vừa người vừa ngựa mất đâu chẳng còn.

Chàng Lía
Tán: 
Hảo dã chơn hảo dã, chí hoan thị chí hoan. Xinh a, âu là ta noi điểu đạo bôn mang, vọng lâm trung trực khứ a.
hát khách : 
Sách mã hoang mang tẩu như phi, 
Uất khúc na từ lộ hiểm nguy.

Xướng: 
Các cậu đợi đã mỏi mê, 
Hỏi thăm hàng xóm nó thì trốn đâu. 
Thằng Lía trốn một hồi lâu, 
Thấy vắng các cậu chạy âu về nhà.

Chàng Lía
tán :
Âu là sách thần mã bôn ba, vọng gia trung trực tấn a.
hát khách : 
Mục khán đông tây quan tái lộ, 
Trừng chiêm nam bắc nhậm bôn ba.

Xướng: 
Canh hai Lía về tới nhà, 
Mụ Lía xem thấy vậy mà hỏi con. 
Ðưa khách còn hết hết còn, 
Ít nhiều khá nói sao con trở về? 
Lía bèn thưa hết mọi bề, 
Tôi đi đưa ngựa, người chê kẻ cười. 
Tôi xin đi khóa theo người, 
Ngõ nên danh phận ở đời mới sang. 
Lạy mẹ ở lại Hàng-lang, 
Cho tôi đi khóa tràng an mới đành.

Mẹ Lía 
tán: 
Ớ con! Hưu khứ hưu khứ, vật hành vật hành. Nay con muốn ứng cử khoa thi, con đi làm sao cho rồi, a con! Mẹ thời tuổi quá bảy mươi, con mới hai tám việc đời còn thưa; có phải a: nắng mưa ấm lạnh biết nhờ vào đâu, a con. Có phải sách thánh nhơn, người có nói rằng: phụ mẫu tồn bất khả viễn du, chăng con?

Xướng: 
Thảo xưa là Mẫn tử Khiên, 
Sách còn chép để lưu truyền hậu lai. 
Con đi bỏ mẹ cho ai, 
Con đành lỗi đạo làm trai rõ ràng. 
Ðói no mẹ ở Hàng-lang, 
Mẹ dầu có thác biết toan lẽ nào.

Mẹ Lía 
tán : 
Thời con cũng biết chữ mà, mẹ phải nói lại cho con nghe: trong sách thánh nhơn người có nói rằng: dưỡng nhi đãi lão, tích cốc phòng cơ, thì là làm sao a con?

Chàng Lía: 
tán: 
Dám thưa mẹ, xưa Cam-la thập nhị vi thừa tướng, còn Khương-tử bát thập vi công hầu, có phải a, sách xưa roi dấu đời sau; hậu giác học đòi tiên giác, mới đặng cho; thưa mẹ cho con đi học nào. Nhơn đồng kim cổ, thế sự vô nan; mẫu từ an tại thảo trang, cho ấu tử kinh sư dời bước. 
hát nam : 
Dời bước mẫu thân an tại, mẹ ôi, 
kẻo tấm lòng khoăn khoái đòi cơn. 
Làm người phải biết thiệt hơn, 
thảo thân dốc báo, mười ơn lo đền.
tán: 
Như nay mẹ tôi can thì cũng phải, nhưng mà tử sanh hữu mạng, phú quí cũng tại thiên.
hát nam : 
Ðoái xem xa chốn gia trang, 
phút đâu ló thấy trường an hầu gần.

Xướng: 
Mảng rày đã tới trường an, 
Phố phường trà rượu bánh hàng thiếu chi. 
Uống ăn thôi đã ly bì, 
Cuộc vui còn có thiếu gì nữa đâu. 
Có quan Chưởng Nhuận đi chầu, 
Lía đà xem thấy trước sau tỏ tường. 
Tiền hô hậu ủng chật đường, 
Gươm vàng náp bạc rõ ràng oai nghi. 
Lía bèn đứng nép chẳng đi, 
Dốc lòng chờ đợi vậy thì đã lâu. 
Một hồi thấy những quân hầu, 
Xe đưa quan lớn bãi chầu trở ra. 
Lía bèn làm bộ lân la, 
Bẩm cùng thầy đội, tỏ qua sự mình. 
Rằng tôi ở phủ Diên-ninh, 
Chuyên công đèn sách thật tình ba đông. 
Văn chương võ nghệ xảo thông, 
Mồ côi bợ ngợ cậy cùng ông thương. 
Ðầu đuôi tự sự dám tường, 
Nhờ ông rộng lượng bẩm chường quan trên. 

Thầy Ðội: 
Thằng kia, tao hỏi: chớ nễ phụ mẫu trụ hà thôn quán, tác hà sanh lý mà hay, a con?

Xướng: 
Lạy ông tôi dám bày ngay, 
Cha tôi thác rày ở phủ Qui Nhơn. 
Mẹ tôi tuổi đã thất tuần, 
Tôi là trò khó xuất thân cơ hàn. 
Trước là nhờ lượng nhà quan, 
Sau nhờ thầy đội bảo toàn tấm thân. 
Thầy đội nghe nói thương thầm, 
Khá khen thằng Lía mười phần khôn ngoan. 
Mày ở rằng phủ Qui Nhơn, 
Cũng đồng một xứ một làng cùng tao.
Ðể tao vào trước bẩm trao..... 

Thơ-tuồng xuất phát từ thơ nhưng mang thêm hình thức trình diễn của hát bội nên có giá trị cả hai mặt văn chương và xã hội. Nó vừa cập nhật hóa mảng thơ bình dân cũ về mặt ngôn ngữ vừa đem sự thoi thóp của hát bội, đang có đời sống cung đình vào sinh hoạt văn nghệ trình diễn của những người thật sự cần đến thoại kịch và hí kịch cho đời sống vật chất. Nó giúp cho những người khai phá mảng đất mới của miền nam vào những năm giao đầu của thế kỷ 19 và 20 vững được tinh thần sống tiếp nổi cuộc đời khó khăn khi đặt bước chân lên vùng trinh nguyên hoang địa. Nó trừ được bớt đi phần nào sự đơn lẽ chán chường của người mới trên vùng đất mới. Và dĩ nhiên khi cuộc sống thay đổi với những sự phát triển của kinh tế, giao thông, và các sinh hoạt vật chất khác.... thơ-tuồng không còn thích hợp nữa, nó đi vào lãng quên từ từ của nhân thế và người viết lách. Kể từ sau thập niên 20 của thế kỷ này ta hình như không còn thấy thơ-tuồng nào nữa. Sự có mặt của Thơ-tuồng giống như vai trò và sự có mặt của những bản nhạc thành công cách đây một phần tư thế kỷ trong đời sống di tản hiện tại. Chúng ta ai cũng có ít nhiều những bản nhạc này trong lòng và thấy rằng mình có nhu cầu để nghe, để nhớ. 

Thơ Tuồng Văn Doan Chàng Lía không còn phổ biến nhưng cái tinh thần anh hùng của Chàng Lía vẫn còn mãi. Ðâu đây bên tai ta vẫn còn nghe văng vẳng câu hát : 

Chiều chiều chim én qua Truông
Cảm thương Chàng Lía thủ thiềng ba năm.

như một lời đồng tình với người anh hùng Qui Nhơn: phải đứng dậy, phải làm một cái gì...

Nguyễn Văn Sâm