sắc liễu bên trời

BÙI THÚC KHÁN 

Chiều chiều, khi nắng vàng héo hắt và gió từ biển khơi dìu dặt thổi qua núi đồi, nhóm anh em tù-nhân chúng tôi thường tụ tập tại căn nhà lá ở gần cổng ra vào trại. Căn nhà này gọi là trạm-xá, chỗ dành cho một "y-tá" của trại đến chẩn bệnh, phát thuốc vào mỗi buổi sáng. Thực ra thì chẳng có thuốc men và cũng chẳng chẩn đoán gì mà gần như là nơi "hợp-thức-hóa" cho trại viên khai bệnh khỏi đi lao-động.

Chúng tôi ngồi ở một góc nhà trống để hóng gió và tán chuyện cho đở buồn. Trong nhóm có anh Quảng, một sĩ-quan Chiến-tranh Chính-trị, có tài thổi sáo và ngâm thơ. Quảng có một cây sáo trúc khá đẹp, mang từ nhà đi. Anh vừa thổi sáo vừa ngâm thơ rất điêu-luyện. Anh em có ai làm bài thơ nào mới thì ngâm cho nhau nghe với tiếng sáo đệm của Quảng. Nếu không thì nhờ Quảng "bao giàn" trọn. Thường thường đó là những bài thơ tình cảm, bày tỏ nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, người yêu.

Thản (?) hoặc có vài câu bày tỏ kín đáo tư-tưởng, lập trường chính trị.Chiều nay đến nơi tôi thấy anh em đều đủ mặt chỉ thiếu có Trường. Như đoán được sự thắc-mắc của tôi, Quảng ngừng sáo nói:

- Trường vừa nhận được thư của bạn gái từ Sài gòn gởi ra đảo. Ðọc xong Trường buồn bã lên võng nằm nghĩ ngợi, bảo tôi ra sân trước rồi Trường sẽ ra sau.

Tôi quen thân Trường từ sau khi cùng bị đưa ra đảo Phú Quốc trên một chiếc tàu loại "há mồm" của Hải-quân VNCH bỏ lại. Chúng tôi đến đảo vào chiều 27 Tết khi ở đây anh em tù cũ đang sửa soạn đón Tết Bính Thìn (1976).

Một buổi chiều, Trường đến chỗ tôi, hỏi tôi có phải trước phuc-vụ ở Qui nhơn không? Trường có người anh ruột là Thiếu-úy Thọ làm việc ở phòng Hành-chánh Ty CSQG, sau đi Trưởng-cuộc trong thị-xã. Tôi vui vẻ đón nhận người đồng-hương và cho biết tôi với Thọ quen thân từ rất lâu.
Trường quê xã Ân-tín, quận Hoài Ân, tỉnh Bình Ðịnh. Tên đầy đủ của anh là Liễu Thiên Trường. Anh học Trung-học ở trường Tăng bạt Hổ Bồng-Sơn, vào Qui Nhơn học các lớp trên rồi gia-nhập binh-chủng Hải-quân. Cấp bậc cuối cùng là Trung-úy và nhiệm sở sau chót là Căn-cứ Hải quân Qui Nhơn.

Trong mấy năm phục vụ tại Qui Nhơn, Trường quen với Ngọc, một cô gái xinh-xắn làm việc ở Ty Ðiện-Lực. Hai bên ý hợp tâm đầu đã bày tỏ tình yêu và được gia-đình chấp thuận để tiến đến hôn-nhân. Trong chiến cuộc tháng 4.1975, Trường theo đơn vị di tản vào Sài Gòn, gặp lại Ngọc và gia đình Ngọc cũng từ Qui Nhơn chạy vào đây. Ngọc được tiếp tục làm việc ở sở Ðiện-lực Sài Gòn. Tình cảm đôi lứa được duy trì nồng ấm và hứa hẹn sau khi Trường "hoc tập cải tạo" về sẽ làm lễ thành-hôn, chung sống với nhau.

Trước ngày vào trại Cải-tạo, Trường đưa Ngọc đi dạo phố Sài Gòn và Ngọc đã mua sắm cho Trường những thứ cần thiết như chăn mùng, áo mưa, áo ấm và sắm cả đũa, muổng, chén ăn cơm, ca uống nước. Ngọc cũng đưa Trường đến chỗ tập-trung và chia tay trong lưu luyến, bùi ngùi.

Thời gian ở trại tù Phú-Quốc, Trường luôn nhớ về Ngọc và khi trại cho viết thư thì Trường cũng xem việc gởi thư cho Ngọc là nhu cầu hàng đầu! Mấy tháng trôi qua, Trường nóng lòng mong chờ thư của Ngọc gởi ra nhưng chẳng thấy.

Những ngày Chủ nhật hay những hôm nghỉ lao-động, Trường thường lại chơi với tôi. Trường cho biết Ngọc là con gái đầu của ông bà Nguyễn T., trước tháng 4.1975 ông T. cũng làm việc ở Ty Ðiện-lực Qui Nhơn. Tôi biết nhiều về gia-đình này vì là người cùng quê, nhà ở gần nhau. Hơn nữa, ông Nguyễn T. là em ruột bà chị dâu trưởng của tôi. Biết vậy Trường càng tỏ ra quyến luyến tôi và kể cho tôi biết khá tỉ-mỉ về mối tình của Trường và Ngọc.

Thỉnh-thoảng Trường mang lại đọc cho tôi nghe một, hai bài thơ Trường vừa viết xong và muốn tôi cho ý-kiến. Một vài lần tôi cũng đọc cho Trường nghe mấy bài thơ của tôi có vương-víu chút tâm-sự về thời cuộc mà tôi chẳng bao giờ ghi ra giấy. Những bài thơ của Trường thường được Quảng ngâm diễn qua tiếng sáo tao đàn não-nùng, se sắc của Quảng.

Chiều nay vắng Trường nên không-khí chỗ gặp mặt có vẻ buồn, ai cũng muốn sớm biết rõ tâm-sự của Trường. Màn đêm buông xuống, anh em chia tay lững-thững trở về mấy căn nhà nằm sâu phía trong, u buồn, vắng lặng...! Gió biển về đêm nghe càng hiu hắt.

Hôm sau Trường đến gặp tôi. Không chờ tôi hỏi Trường đưa cho tôi xem phong thư của Ngọc gởi cho Trường. Ðó là một tấm thiệp hồng, báo tin Ngọc đã kết-duyên với một cán bộ cộng-sản đang là một Trưởng-phòng tại Sở Ðiện-lực thành phố, nơi Ngọc làm việc. Ðám cưới đã diễn ra trên bốn tháng, tức là sau khi Trường đi "học tập cải-tạo" chừng năm, sáu tháng. Bên trong tấm thiệp cưới ngày đó, có một mảnh giấy nhỏ mang đúng nét chữ của Ngọc: XIN CHO NGỌC ÐƯỢC AN PHẬN. Không có gì nữa. Không có ký tên. Không có một chữ, một lời nào khác. Tấm thiệp lâu ngày đã ngã mầu vàng úa như mang trọn vẹn sự lạnh lùng, tàn-nhẫn của người con gái đã gởi nó đi.

Tôi lắc đầu ngao-ngán:
- Thảo nào từ đó đến nay cô ấy chẳng gởi một lần thư cho Trường.

Trường vói lấy cái điếu thuốc lào tôi để bên vách nhà, nhẹ nhàng bỏ một bi thuốc vào nõ, đưa lên mời tôi. Tôi khỏa tay và bảo Trường hút trước đi. Trường thong thả rít một hơi dài, đôi mắt lim dim, đầu gật gù, chập chờn trong làn khói tỏa. Mọi bữa thuốc lào đâu có gây cho anh cái cảm giác tê-mê đó. Tôi muốn trân-trọng niềm xúc động của Trường.

Những ngày tiếp đó, Trường có vẻ đã lấy lại được sự bình an cho tâm hồn. Mỗi chiều Trường đều có mặt ở "điểm hẹn" để nghe Quảng thổi sáo, ngâm thơ. Ngày cuối tuần, Trường đọc cho tôi nghe một bài thơ Trường mới viết, tỏ bầy nỗi lòng trước chuyện ... tình phụ! Lâu quá tôi không còn nhớ trọn bài thơ, chỉ nhớ được những câu chính yếu:

"Thân hải-đảo hồn mơ về cố-xứ,
Một đời Em giết chết một đời ta!"

Tôi biết Trường đau đớn, xót xa khi Ngọc vong thề, bội ước, nhất là khi Trường lâm vào vòng tù tội vì vận nước ngửa nghiêng như hàng vạn, hàng triệu người khác. Phải chi Ngọc viết cho Trường một lá thư cuối, cho hay cô không thể đợi chờ, và trong tình bạn, gởi lời thăm hỏi, an ủi người tù cải-tạo thì có lẽ Trường không đến nỗi đau buồn, oán hận. Ðằng này, Ngọc đã nhẫn tâm gởi tấm thiệp hồng quái-ác và một câu viết đanh đá, lạnh lùng. Trường đã thở than:... 

Riêng một đời ta trôi nổi mãi,
Em như giọt nước đọng bên thềm

:... Mưa xuống đời ta, mưa chửa tạnh,
Làm sao ngăn được tóc em bay! 

Có lúc Trường bọc lộ một niềm mơ ước nhỏ nhoi

:... Những lúc phương trời tươi nắng hạ,
Ta mơ một thoáng bóng em về,
Ta mơ một chút đời hạnh phúc
Nồng-nàn như những giọt sa-kê!

Trường nói là tháng trước, cái chén ăn cơm Ngọc sắm cho anh lúc ra đi đã bể vỡ nên linh cảm là tình của Trường và Ngọc cũng sẽ ...vỡ tan. Tôi an ủi Trường: Chén không vỡ, đũa không gãy thì tình cũng ra mây khói vì đời ta không còn mùa Xuân:

"Xuân không về, Oanh cất cánh bay xa
Và tất cả chìm sâu vào dĩ vãng ..."

Tôi muốn Trường hãy cố quên đi, đừng lo nghĩ gì đến Ngọc nữa:

"Xin từ-tạ dù tim rơm-rớm lệ,
Chia phôi nào chẳng có chút chua cay
Vốn sự đời là gió thoảng mây bay,
Hình bóng cũ sẽ mờ trong quên lãng!"

Mấy tháng sau chúng tôi được chuyển về đất liền. Ở chung trại với tôi gần một năm rồi Trường đi Phước Long. Ít lâu tôi về Rừng lá.

Năm 1984 tôi ra tù được vài tháng thì một buổi sáng đột-nhiên Trường đến thăm tôi. Trường cho biết anh ra tù khoãng 1979, vượt biên bị bắt giam mấy năm ở Long-Thành và mới được về gần nữa năm. Gặp nhau anh em mừng rỡ nhiều lắm. Chờ lúc Trường hơi vui, tôi hỏi Trường từ ngày về có gặp Ngọc lần nào không. Trường mỉm cười:

- Không gặp nhưng có thấy mặt. 

Trường kể lể: có một lần giả dạng khách hàng đến sở Ðiện-lực xem có Ngọc ở đấy không. Ðứng cách xa, Trường nhìn thấy Ngọc đang xếp giấy tờ, sổ sách. Một lúc, Trường bỏ ra đi và không bao giờ nhìn thấy nữa.

Vắng Trường đã lâu, tôi ngỡ là Trường lại vượt biên và đã thoát được. Sau có người nói là Trường đã chết vì bệnh. Ngoài ra chẳng biết gì thêm.Tôi luôn mang lòng thương nhớ Trường -"chàng trai đất Việt" phong-nhã, hào hoa mà gian truân lận-đận.

Năm năm, khi Xuân về trên đất khách, ngước mắt nhìn trời xanh, tôi nghĩ đến hai chữ "THIÊN TRƯỜNG" và người họ LIỄU. Tôi lẩm nhẩm câu thơ cũ: 

"Cảm thương sắc liễu bên trời"!

Nam Carlifornia, 11-2001 
Bùi Thúc Khán