ÐẠO PHẬT VỚI MAI TĂNG
VÀ MAI TĂNG HỌC THIỀN

Lộc Xuyên ÐẶNG QUÍ ÐỊCH

Ðạo Phật xuất phát từ Ấn Ðộ, do đức Thích Ca Mâu Ni (Sakya-mouni) nguyên là Thái tử Nước Kapilavastu ở Bắc Ấn sáng lập. Ngài sinh năm 563 trước Công nguyên, năm 29 tuổi xa lánh vợ con và vinh hoa phú quí mà vào Tuyết sơn tu hành trong 6 năm thì đạt đạo, tự hiệu là Phật (Boudha), tức là đấng hoàn toàn giác ngộ. Từ ấy cho đến khi nhập Niết Bàn (Nirvana), từ giã trần thế mà vào cõi bất sinh bất diệt (lúc 80 tuổi), Ngài đã đi khắp các nước vùng đông bắc Ấn giảng đạo giải thoát cho chúng sinh. Ngài đã lập nên một tăng đoàn đông hàng mấy ngàn người và những lời Ngài dạy sau được đệ tử kết tập thành hai tạng Kinh và Luật. Sư Ðỗ Thuận đời Ðường đã căn cứ kinh điển mà Ngài thuyết giảng trong 45 năm chia thành 5 thời kỳ: Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Ðăng, Bát Nhã và Pháp Hoa. Thời II (A Hàm) là giáo lý thuần Tiểu thừa (Hinayana), thời III (Phương Ðẳng) là giáo lý tổng hợp Ðại thừa (Mahayana) và Tiểu thừa (Hinayana), thời IV (Bát Nhã) là giáo lý Ðại thừa Duy tâm Hư vô luận, thời I (Hoa Nghiêm) và thời V (Pháp Hoa) là giáo lý Ðại thừa Nhất nguyên Thực tại luận. Trước sư Ðỗ Thuận, sư Trí Khải đời Tùy cũng chia 5 thời kỳ và còn phân tích thành 8 loại giáo lý: Tạng giáo, Thương giáo, Biệt giáo, Viên giáo (thuộc Pháp Hoa) và Ðốn giáo, Tiệm giáo, Bí mật giáo, Bất định giáo (thuộc Hoá Nghi).

Sau khi Phật nhập diệt thì tăng đoàn chia làm nhiều tông phái, trong đó có Thiền tông, tông phái nào cũng y cứ vào ý chí của đức Phật trong một hay nhiều bộ Kinh thuộc trong năm thời thuyết giáo nói trên mà chọn pháp môn để tu học. Về Thiền tông thì bắt nguồn từ kinh điển Ðại thừa của thời I và thời V còn pháp môn thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là Ðốn ngộ. Tông phái này nhận Ma Ha Ca Diếp (MaHâ Kâsyapa) làm vị tổ thứ nhất và câu chuyện đắc truyền tâm ấn của vị Bồ Tát này đã trở thành điển hình cho phép tu Ðốn ngộ. Kinh Phật chép lúc Phật ở Pháp hội Linh sơn đã cầm cành hoa giơ lên trước đại chúng. Mọi người chưa ai hiểu ý đức Phật , duy có Ma Ha Ca Diếp lãnh hội được nên yên lặng mỉm cười, đức Phật trao chánh pháp nhãn tạng cho vị đại đệ tử này. Do đó Thiền tông chủ trương "dĩ tâm truyền tâm, bất lập văn tự".

Ðạo Phật du nhập vào Trung quốc từ đời Hán Minh đế niên hiệu Vĩnh Bình (58-275). Từ ấy về sau Phật giáo nước này dần dà có đủ mười tông, thuộc hai hệ Tiểu thừa và Ðại thừa, trong đó có Thiền tông. Bấy giờ Thiền tông, bên cạnh các tông phái khác như Thiên Thai tông chẳng hạn, thì địa vị còn quá khiêm tốn. Phải đợi đến lúc vị tổ thứ28 của Thiền tông Thiên Trúc là Bồ Ðề Ðạt Ma (Bodhidharma) sang Tàu. Vị tổ này đến Trung Hoa dưới triều Lương Vũ đế ( 502-550) thời Nam Bắc triều, trở thành vị tổ thứ nhất của Thiền tông Trung Hoa, đã khiến ngành Thiền nước này khởi sắc. Nhưng Thiền tông phát triển đến cực thịnh trở thành mệnh mạch của Phật giáo Trung quốc là công lao của vị tổ thứ 6 là Huệ Năng (638-713) người đời Ðường, lập đạo tràng ở Tào Khê. Từ đó Thiền tông truyền bá rộng rãi sang các nước láng giềng, trong đó có nước ta.

Ðạo Phật truyền vào nước ta bởi hai đường: Ðường biển từ Ấn Ðộ qua Tích Lan rồi sang ta, đường bộ từ Ấn Ðộ sang Tàu rồi sang ta. Bởi đường biển tương đối dễ dàng hơn đường bộ nên trong khi người Hán ở Giang Ðông chưa biết đến tôn giáo mới lạ này thì trên đất Giao Châu đã có nhiều chùa chiền và tăng sĩ từ Ấn Ðộ sang. Pháp sư Ðàm Thiên từng tâu với vua Cao tổ nhà Tùy (589-600) rằng bây giờ ở Giao Châu đã có các vị Ma Ha Kỳ Vực (Mârijivaka) Khương Tăng Hội (Kang-Seng-Houei) Chí Cương Lương (Tche-Kiang-Leang) và Mâu Bác (Méou-Pô) đến truyền đạo rồi. Bốn vị ấy được xem như là những người đầu tiên đến truyền đạo ở nước ta. Nhưng truyền đạo mà lập thành môn phái có truyền thừa ngày nay còn khảo cứu được thì phải đợi đến hai vị là Tì Ni Ða Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Tì Ni Ða Lưu Chi (Vinitaraci) là vị tăng Ấn Ðộ, sau khi đắc pháp nơi Tam tổ Tăng Xán ở Tàu thì sang ta (năm 580) truyền tâm ấn cho Pháp Hiền Thiền sư tại chùa Pháp Vân, lập thành Thiền phái Tì Ni Ða Lưu Chi. Còn sư Vô Ngôn Thông vốn người Quảng Châu, họ Trịnh, sang nước ta vào năm Canh Tí (820) niên hiệu Nguyên Hoà đời Ðường Hiến Tông, ở chùa Kiến Sơ thuộc hương Phù Ðổng huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh.

Trong "Ðại Nam Thiền Uyển Truyền Ðăng Tập Lục" có chép lại lời sư nói với đệ tử là sư Cảm Thành, sau đây là lời dịch của Khánh Vân: "Xưa, đức Thế tôn vì đại sự nhân duyên xuất hiện ra đời, đem pháp giáo hóa cho hầu khắp rồi nhập Niết Bàn. Tâm mầu nhiệm đó truyền ra gọi là chính pháp nhãn tạng, tuy có hình tướng mà tức là không hình tướng. Pháp môn chính định được truyền lại cho ngài Ma Ha Ca Diếp là vị tổ đầu tiên, rồi cứ đời đời truyền nối đến ngài Ðạt Ma Ðại sư. Sau ngài Ðạt ma từ Tây Trúc sang Ðông Ðô quảng bá Phật pháp. Tiếp đến Lục tổ là ngài Tào Khê đắc đạo do tổ thứ năm là ngài Hoằng Nhẫn truyền cho. Từ Lục tổ về sau không truyền y bát nữa mà chỉ truyền tâm ấn mà thôi. Bấy giờ, lãnh được tâm truyền, trước hết có ngài Nam Nhạc Nhượng. Ngài Nam Nhạc trao tâm ấn cho ngài Bách Trượng Hải. Ta đây vâng tâm pháp của ngài Bách Trượng, đã có ảnh hưởng ở phương Bắc từ lâu, người theo học đạo Ðại thừa càng thêm đông đảo. Ngày nay đi sang phương Nam tìm thiện tri thức, khá may gặp được nhà ngươi cũng là nhân duyên định sẵn".

Sư Vô Ngôn Thông truyền tâm ấn cho sư Cảm Thành. Cảm thành là tăng sĩ Việt Nam đầu tiên đắc truyền tâm pháp từ dòng Thiền Trung quốc, trở thành vị tổ thứ hai của phái Thiền Vô Ngôn Thông tại nước ta.

Từ đó, trên mảnh đất Ðại Việt, hạt giống Thiền phát triển không ngừng, hàng hàng lớp lớp của nhiều thế hệ tăng tín đồ suốt dọc dài lịch sử Ðinh Lê Lý Trần đã tạo nên công lớn kiến quốc và vệ quốc, cùng với Nho Lão và tín ngưỡng địa phương hình thành nên một nền văn hóa có bản sắc dân tộc, nâng Phật giáo thành quốc giáo. Sang Lê Nguyễn thì Phật giáo tại triều đình không còn giữ địa vị độc tôn nữa bởi Nho giáo được vua chúa sùng thượng, nhưng ảnh hưởng ở dân dã vẫn còn sâu đậm. Ðạo Phật, thông qua Thiền tông, đã thâm nhập vào đại chúng từ lâu đời nên di phong tốt đẹp vẫn còn mãi mãi, ngay cả lúc Mai Tăng Ðào Tấn học Thiền cũng thế.

Cụ Ðào Tấn, bản thân là một nhà Nho, cố nhiên, nhưng được sinh trưởng trong một gia đình theo đạo Phật. Bà Hà Thị Loan - mẹ cụ - là một Phật tử thuần thành, phụng Phật tại nhà (hiện tại nhà thờ cụ Ðào Tấn ở Vinh Thạnh còn tôn trí một pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm bằng đồng là pho tượng bà thờ lúc còn sống) và những năm cuối đời đã phát nguyện và giữ được trường trai cho đến lâm chung. Trong "Tang sự Trích Biên" cụ có kể lại cái chết rất dịu dàng, tuy nhiên có điều làm cụ ân hận là đã không ngăn được người nhà cất tiếng khóc khi bà cụ hóa. Ðoạn đó như sau:

Chí thị nhật (nhị thập thất), dậu khắc, tăng phương niệm kinh, phụng từ mẫu tả chuyển, ngưỡng cố Phật tòa (Phật toà thiết vu ...* sàng chi thủ), tự vi tiếu hạng gian ngưỡng ngọa tả hữu, thê thị nhi tôn bối,yếm nhiên nhi thệ. Ta hồ! Mẫu kỳ siêu nhiên thoát khứù da! Tấn thử thời bất tri sở thố, chỉ ... * ấp vô trí, nhãn bất năng khai, tả hữu khốc thánh đằng phất, sử từ mẫu kinh hóa, Tấn chi tội dã!

DỊCH: Ðến ngày nầy (hai mươi bảy) giờ Dậu, sử đang niệm kinh, tôi vâng mệnh đỡ người nghiêng mình về phía tả, để người ngước nhìn lên bàn Phật thiết ở đầu giường. Người tựa như mỉm cười, ngửa cổ sang tả sang hữu, hé mắt nhìn đám con cháu rồi lặng lẽ mà đi không trở lại. Hỡi ôi! Mẹ tôi vượt lên trên tất cả, không có gì ràng buộc được, nhẹ nhàng thoát trần vậy vay! Lúc ấy Tấn tôi chẳng biết làm gì, tay không biết đặt vào đâu, mắt không mở ra được, mà người nhà cất tiếng khóc vang rân làm kinh động lúc mẹ hóa, tội của Tấn này vậy! (1)

Bà cụ đã biết dăn con cháu đường khóc lúc bà mất, mà nên niệm Phật để bà được vãng sanh tịnh độ, chứng tỏ bà đã hiểu Thiền lý thì không phải hạng Phật tử tầm thường.

Có thể từ hồi còn bé, cụ đã từng được bà dạy bảo những điều sơ đẳng của người tin Phật và được dẫn đến chùa qui y như những đứa trẻ của gia đình theo đạo Phật. Nhưng còn việc cụ học Thiền thì, như ở bài "Ðào Tấn với Linh Phong tự và tên hiệu Mai Tăng" tôi đã nói cụ không "đầu sư" vậy cụ học ở đâu? Tuy Thiền tông chủ trương "bất lập văn tự" nhưng ngoài cái rừng Kinh tạng, Luật tạng do đức Phật thuyết giáo còn có vô số tác phẩm của chư tổ hoặc giải thích, hoặc triển khai Kinh Luật mà làm nên Luận tạng., còn có nhiều sách "Truyền đăng" chép sự tích Thiền sư trải qua các đời, nhiều "Ngữ Lục" là những lời dạy mà hầu hết các vị Thiền sư nổi danh hoặc tự mình ghi hoặc do môn đệ biên tập. Chắc chắn Mai Tăng đã học Thiền từ các nguồn kinh sách phong phú nầy mà ra. Nhưng học như thế nào? Chứng ngộ những gì? Có cầu ai ấn khả hay không? Không có tài liệu nào nói tới. Nhưng trong "Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo" có thơ Thiền. Ngoài hai bài "Mai Tăng tiểu chiếu" và "Phỏng Linh Phong tự" thì còn ba bài nữa phản ánh nhãn quan và phong cách Thiền của Mai Tăng. Bài đầu và bài giữa tôi ngờ tác giả đã làm sau khi "hạ sơn" để "phụng chỉ lai Kinh", bài cuối có lẽ viết sau khi về hưu. Khi viết ba bài thơ này, sư Mai đã kinh qua một quá trình dài về thời gian và dày về tu học. chính ở bài cuối tác giả nói rằng mình đã "lão học Thiền", tức là từng trải tu học Thiền lý, tu tập Thiền định, tích lũy nhiều kinh nghiệm Thiền. Ngôn ngữ tuy có chút khoa đại theo chiều hướng tự trào nhưng chứa đựng một thực chất phong phú. Xin mời bạn đọc:

Bài một:

DẠ DU DI LẶC TIỆN NGẪU HỨNG

Di Lặc nguyên lai bản đại hùng
Lãn tàn cao cứ Phạm vương cung
Cổ kim quân độc an bài đắc
Thương hải phù vân nhất tiếu không (2)

DỊCH NGHĨA: Chợt hứng viết trong đêm viếng điện Di Lặc.(Bồ Tát) 

Di Lặc vốn là bậc rất dũng mãnh (tinh tấn) (Tuy) thong thả ngồi chễm chệ nơi cung vua Trời (Ðâu Suất) (Mà việc) xưa nay (xảy ra dù khó tới đâu chỉ) một mình ngài dàn xếp thì đâu vào đấy. (Nên trước trò biến đổi của) biển xanh mây nổi (Ngài chỉ) cất tiếng cười trống rỗng như hư không!

Tạm dịch thơ:

Di Lặc vốn là bậc đại hùng
Ngồi trên Ðâu Suất những ung dung
Xưa nay muôn việc an bài được
Thì cảnh biển dâu cười như không!

Bài hai:

TỰ THUẬT

Hoà nam khấu thỉnh Di Lặc Phật
Phúc trung hứa đại tàng hà vật?
Tiếu vân: "Trung hữu nhất đoàn băng
Chỉ thị không không vô xứ ngật". (2)

DỊCH NGHĨA: Tự tính của Phật.Cung kính đảnh lễ, xin hỏi Phật Di Lặc:"Trong bụng chứa vật gì mà bụng to thế?" Cười đáp: "Trong ấy có một khối băng. Không ăn gì cả, chỉ là trống rỗng!"

Tạm dịch thơ:

Kính thành xin hỏi đức Từ Thị
"Bụng to dường ấy chứa vật gì?"
Phật cười: "Chỉ có băng trong suốt
Vốn đã không không, ăn uống chi?"

Bài ba: 

TẶNG MAI TĂNG

Nam quốc Mai tăng lão học Thiền
Ðạm tương tố phỉ tác xuân diên.
Túy đồi lạc hạ liên hoa mạo
Bối hậu quần cơ tiếu dục điên! (2)

DỊCH NGHĨA: Tặng Sư MaiSư Mai ở nước Nam đã từng trải việc học Thiền. Tương nhạt dưa suông đặt làm tiệc xuân. Say lảo đảo làm chiếc mão (Tì lư giống như) hoa sen rơi xuống. (Khiến) bầy vợ lẽ nàng hầu ở sau lưng cười muốn điên!

Tạm dịch thơ:

Sư Mai Nam quốc thạo tu Thiền
Tương nhạt dưa suông cũng tửu diên
Say khướt, mão sen rơi chẳng biết
Sau lưng mấy ả cười như điên!

Ở bài một, tác giả y cứ vào sự tích Bồ tát Di Lặc mà trình bày sở kiến của mình về một trong những tính năng của Phật tức là dũng mãnh tinh tiến trên con đường giáo hóa chúng sinh. (Ðại Hùng). Cho nên ở câu ba, hai từ "an bài" không nên hiểu theo nghĩa thông thường là "bày đặt sẵn sàng" (disposé d'avance) (Ðào Duy Anh), Hán Việt Từ điển, tập thượng, tr. 7) mà phải hiểu như nghĩa đã dịch, bởi theo thuyết "Nhân quả báo ứng" và lý "Thập nhị nhân duyên", thì vạn sự duyên khởi đều do cái nghiệp, mà cái nghiệp do bởi nhân huân tập mà nên. Phật Di Lặc chẳng những chỉ có Ðại hùng mà còn Ðại lực và Ðại từ bi nữa. Tuy Ngài chưa tới thời kỳ giáo hóa, sống an nhàn nơi cung trời Ðâu Suất nhưng vì đức từ bi nên sẵn sàng thị hiện nơi cõi Ta bà nầy mà cứu khổ độ sanh như kinh "Di Lặc bổn nguyện" đã nói. Ngài không "bày đặt sẵn sàng mọi việc hay ban phúc giáng họa như Thượng đế hoặc thần thánh của Thần giáo mà chỉ dàn xếp mọi việc cho ổn đáng" vì mục đích cứu độ chúng sinh mà thôi. "An bài đắc" phải được hiểu như thế mới phù hợp với tinh thần của Phật giáo.

bài hai, tác giả nhân hình tượng của hóa thân Di Lặc mà trình bày sở kiến về cái thể (trong suốt), cái tướng (to lớn) của Phật tính. "Chỉ thị không không" là tướng của chân như mà chân như là tự tính của Phật tức là Phật tính.

Cả hai bài nhằm nói đến thể, tướng, dụng của Phật tính. Lưu ý rằng Phật tính không phải chỉ có ở đức Di Lặc mà tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Muốn "kiến tính" thì hãy "tự mình đốt đuốc lên mà đi!" theo con đường đức Phật đã chỉ, tức pháp môn. Pháp môn thì có tới tám vạn bốn ngàn nhưng Ðại thừa thì cổ xúy cho pháp môn "Phá Chấp". Muốn kiến tính thì đừng rơi vào nhị nguyên đối đãi, nghĩa là không còn tâm phân biệt có - không, tốt - xấu, phải - trái, nên - hư, hay - dở v.v... tức là "không chấp" và không chấp cả cái không chấp nữa.

bài ba, tác giả mô tả phong cách của Mai tăng, một người đã "lão học Thiền" nên không còn "ngã chấp" nữa.

Viết tới đây tôi nhớ tới một công án Thiền: "Thế nào là Phật tính?" và nhớ tới hành tung đặc dị của Thiền sư Thiện Chiêu ở Trung Hoa và Tuệ Trung Thượng sĩ ở ta.

Ðời Tống, ở đất Phàn Dương có Thiền sư Thiện Chiêu (đời thứ 5 dòng Lâm Tế) là một Thiền sư đặc sắc, đồ chúng theo học ngài có tới 500 người. Nhân ngày giỗ mẹ, ngài nhờ đệ tử đi mua một ít thịt cá và một chai rượu về làm cỗ giỗ. Cúng xong, đồ ăn được dọn xuống, ngài mời tăng chúng lên ngồi ăn uống với ngài, mọi người ngơ ngác không ai dám lên, chỉ có một mình ngài ung dung ngồi xơi. Tăng chúng thấy vậy sinh dị nghị rồi bỏ đi gần hết, chỉ còn có tám người, trong số có sư Từ Minh (nối pháp sư Từ Minh có hai vị lỗi lạc là Dương Kỳ và Hoàng Long đã làm cho dòng Thiền Lâm Tế hưng thịnh hơn bao giờ hết). Khi tăng chúng đi gần hết, ngài Thiệu Chiêu nói: "Ta chỉ tốn có một bữa rượu thịt mà tống đi hết mấy trăm người!"

Về đời Trần nước ta có Tuệ Trung Thượng sĩ. Ngài tên là Trần Quốc Tảng, từng được vua phong tước Hưng Nhượng vương vì có công chống quân Nguyên Mông xâm lược. Nhân một bữa triều đình thiết yến, ngài có đến dự. Thấy thế, Hoàng hậu (em ngài) hỏi ngài:

- Anh đã đi tu, không mong thành Phật sao mà còn ăn thịt uống rượu?
Ngài đáp:
- Phậtkhông mong làm anh, anh không mong làm Phật, thì sao anh lại chẳng được ăn thịt uống rượu?

bài một và bài hai, phải chăng Mai tăng muốn trình bày kiến giải về công án "Thế nào là Phật tính?" Ở bài ba, phải chăng Mai tăng khi nêu lên hiện tượng "lão học Thiền" theo kiểu của Mai tăng để bày tỏ hành động phá chấp như hai vị Thiền sư vừa nói chăng? Ba bài thơ này có Thiền ý, Thiền tính, Thiền vị không? Thông qua đó có thể nhận định tác giả đã đạt được quả vị nào trong cảnh giới Thiền? Muốn tìm đáp án cho những câu hỏi này chẳng khác nào tìm thấy ấn chứng cho Mai tăng. Tôi chưa tìm được ấn chứng cho Mai tăng nhưng đã tìm thấy bằng chứng người đương thời cho rằng Mai tăng đã đạt đạo, đó là liễn điếu của Tiến sĩ Hồ Trung Lương và liễn đề mộ của Phó bảng Nguyễn Thuật.

Liễn điếu của Tiến sĩ Hồ:

Cửu toại sơ y, tùng kính kỷ hồi, tiên lục địa
Liễu tài phúc quả, Lan bồn thử hậu, Phật tam sanh (3)

Dịch nghĩa:

Ðã lâu rồi được thỏa nguyện mặc lại tấm áo hàn Nho , bao phen ưu du dưới rặng thông, thanh nhàn như một Ðịa Tiên. 
Quả phúc đã trồng xong, nhân Rằm tháng bảy nầy mở hội Vu Lan mà về Tây phương hầu Phật, kết thúc ba kiếp chuyển sanh.

Vế sau câu liễn của Phó bảng Nguyễn Thuật đề mộ Mai tăng (Ðào Tấn) tại núi Huỳnh Mai (Tuy Phước):

Năng ẩm năng ca, anh hùng bản sắc, trần duyên phao khước, cánh hướng Linh phong tịnh độ, tu đáo mai hoa.

Dịch nghĩa: Ông thường chuốc chén mà ca hát, lộ rõ cái bản sắc anh hùng. Nay vứt bỏ trần duyên mà hướng về núi Linh đất sạch, nhờ tu mà đến được với hoa mai!

"Tu đáo mai hoa" có khác gì "Tranh đắc mai hoa" mà "Tranh đắc mai hoa" tức là đã chứng ngộ Thiền lý như ý bài kệ của tổ Huỳnh Bá:

Trần lao quýnh thoát sự phi thường
Hệ bả thằng đầu tổ nhất trường
Nhược bất nhất phiên hàn triết cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỉ hương.

Thượng tọa Thích Thanh Từ đã dịch:

Thoát trần việc ấy rất phi thường
Nắm chặt đầu dây giữ lập trường
Nếu chẳng một phen xương thấm lạnh
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương? (4)

Còn "cánh hướng Linh phong tịnh độ" ngoài cái nghĩa về núi Linh Phong, chùa Ông Núi, còn muốn nói hướng về Pháp hội tại núi Linh Thức do Phật Thích Ca chủ giảng mà theo kinh điển Ðại Thừa thì cho đến hôm nay vẫn chưa mãn, tức là giác linh Mai tăng đã siêu thăng Tịnh độ. Với lòng mến mộ, tôi cũng ước ao cho Mai tăng được như thế.

Lộc Xuyên ÐẶNG QUÍ ÐỊCH
(Những bài viết về Nhân Vật Lịch Sử Tác Giả Văn Học Bình Ðịnh)

CHÚ THÍCH:

(1)Trong TANG SỰ TRÍCH BIÊN của cụ Ðào Tấn. Trong sách nầy cụ đã kể lại tường tận việc tang của mẹ cụ từ lúc bà ốm đến khi mất, đến tẩm liệm, đến chôn cất, đến xây mộ, đến thôi khăn. Ngoài ra cụ còn cho sao lại 77 câu liễn và 5 bức trướng của hàng trăm người đương thời bày tỏ lòng mến mộ mẹ con cụ và thương tiếc người khuất. Ðây là tập tản văn duy nhất có bút tích của tác giả, đã tìm thấy hơn mười năm trước đây nhưng chưa được công bố. Tôi đã dịch xong quyển nầy từ lâu nhưng chưa có cơ duyên xuất bản.

(2)Trích trong TIÊN NGHIÊM MỘNG MAI NGÂM THẢO do hai bà con gái của cụ Ðào Tấn là Trúc Tiên và Chi Tiên ký lục, Tịnh Ba phụng sao năm 1964, bản photocopie hiện lưu trữ tại Tủ sách Lộc Xuyên Ðặng Quí Ðịch.

(3)Trích trong CHƯ DANH GIA ÐỐI LIÊN TẬP, cử nhân Hà Trì Trần Ðình Tân sưu tập 200 câu liễn chữ Hán của danh gia nước ta, Lộc Xuyên Ðặng Quí Ðịch phiên dịch, chưa xuất bản.

(4)Thích Thanh Từ, XUÂN TRONG CỬA THIỀN, Thành hội Phật giáo Thành phố HCM xuất bản - 1991, tr. 25.

(*) Nguyên thư bị tàn khuyết, có vài chữ bị mất.