CHUYỆN NGƯỜI LẤY RẮN

QUÁCH TẤN

LTS: Năm con Rắn Tân Tỵ sắp hết và năm mới con Ngựa Nhâm Ngọ sắp sang. Chuyện Người Lấy Rắn của Thi sĩ Quách Tấn (1910-1992) tác giả Nước Non Bình Ðịnh, Xứ Trầm Hương, Nhà Tây Sơn ... sau đây đáng cho chúng ta suy gẫm. Chuyện xảy ra tại tỉnh nhà vào cuối thời Tây Sơn dựng nghiệp, không có gì là duyên chướng, quái gở cả vì theo quan niệm của tác giả "Rắn và người đều là chúng sanh. Chúng sanh khi thương yêu nhau thì rắn là người, khi oán ghét nhau thì người là rắn. Ðó là sự thường trong thiên hạ".

Thôn Trường Ðịnh xưa kia là một nơi danh tiếng Ðồ Bàn. Danh tiếng chẳng những vì trong thôn có nhiều tay văn tài vũ dũng đã giúp nhà Tây Sơn dựng nên nghiêĩp Ðế Vương, mà còn vì ruộng tốt người hiền lại thêm có chợ mỗi tháng họp đến chín phiên, bán buôn rất là thịnh vượng.

Chợ Trường Ðịnh tục gọi là chợ Suối Bèo, vì bên chợ có một dòng suối, nước xói thành vực. sâu đến bốn năm đàng giây dừa và mặt suối đầy đặc cả bèo ngỗng. Bèo ở suối nhiều đến nỗi người ta có thể bước lên mà đi, và đến khi bèo ra hoa mặt suối trông như trường công múa.

Suối nằm về phía Ðông chợ. Ở phía tây lại có một rừng cấm rộng mênh mông. Trong rừng có nhiều cây sống trên ngàn năm, thân cao vút mây, và nhiều giống hoa, xuân về nở hồng cả cánh rừng và thơm ngát tận ngoài trăm dặm.

Nhờ phong cảnh tú mỹ, thôn Trường Ðịnh chẳng những làm nơi họp mặt của thương khách bốn phương, mà còn là nơi giao duyên của khách phong lưu tài tuấn. Cho nên các phiên chợ thường đã đông, các phiên chợ cuối năm lại càng tưng bừng rộn rịp. Trăm hồng nghìn tía dăng tràn tận bên bờ suối, mé rừng. Tuy vậy, nhờ phong tục tốt, canh phòng nghiêm không mấy khi xảy ra chuyện bất trắc. Có thể gọi là một nơi an lạc thái bình. Nhưng một hôm thình lình xảy ra một chuyện kinh khủng. 

Hôm ấy nhằm phiên chợ Tết. Người người hớn hở bán mua. Trời đương cao, nắng đương trong, bỗng mây kéo đen, gió thổi lạnh, Suối tự nhiên nổi sóng cuồn cuộn, bắn tung cả bèo lên hai bờ. Những gian hàng ở gần suối, lớp bị ướt, lớp bị hư. Ai nấy đều kinh hãi ... Chợt một cây nước trắng xoá từ lòng suối mọc vút lên qua đọt tre cao rồi phun xòa ra bốn mặt. Cá từng bầy theo cây nước mà nhảy lên rồi rớt xuống, ào ào rật rật như gió tạt mưa tuôn. Giây lâu, một tiếng sấm dội. Liền đó một con mãng xà cực kỳ to lớn mồng đỏ vảy trắng, uốn mình theo cây nước bay vút lên không trung ... Thiên hạ khủng khiếp xô lấn nhau mà chạy, lộn xộn, ồn ào ... Một vài người dạn gan leo lên cây rình ngắm.

Lên không trung, con mãng xà đoanh lộn mấy vòng, rồi cuốn mây, từ từ hạ xuống phía rừng Tây, biến mất. Trời trở nên trong sáng, cá lặn, suối im ... Không còn nghĩ gì đến sự bán mua, người trong chợ lấn nhau ra về hết.

Ðó là vào năm thứ 7 niên hiệu Cảnh Thịnh. Và Tết năm ấy thôn Trường Ðịnh kém vui. Người người đều phập phồng lo sợ. Nhưng xuân qua rồi thu đến, không có gì lạ xảy thêm, người người trở lại đời sống yên vui, chợ trở lại cảnh phồn thịnh.

Qua năm sau, một viên Ðại thần họ Từ, quán thôn Trường Ðịnh, làm quan ở Phú Xuân được nghỉ lão, cùng gia quyến hồi hương. Nghe câu chuyên lạ nơi suối Bèo, Từ Công không biết là điềm tốt hay xấu, nhưng lòng cũng hơi lo ngại cho quê hương.

Từ Công có một người con gái tên Tố Liên, tuổi vừa kập kê, nhan sắc kiều diễm. Vì không con trai và chỉ có Tố Liên là gái nên Từ Công rất yêu chìu, cho học cả văn lẫn võ. Những trang phong lưu tài tuấn nghe tiếng đều gấm ghé mong duyên, nhưng những kẻ có văn tài thì bị chê là văn nhược, những kẻ có vũ dũng thì bị chê là vũ phu. Tố Liên cố đợi có trang văn võ toàn tài mới bằng lòng gửi phận.

Một hôm nàng đi chợ, nghe đồn rằng ở nơi rừng cấm, ban đêm thường có ánh lửa lập lòe, ban ngày thường thấy bóng người thấp thoáng. Vốn tánh hiếu kỳ, và có đởm lược, nàng về xin cha cho phép vào rừng xem thực hư. Vì chìu con, TừCông liền chấp thuận. Nàng lựa năm tên lực điền biết võ nghệ, rồi nai nịt gọn gàng xách kiếm cung đi vào rừng.

Rẽ giây chen nhánh, đi từ sáng đến trưa nàng chỉ thấy những chim cùng sóc và thỉnh thoảng đôi con cheo bông. Ðã toan trở về thì thoáng nghe mùi trầm bay trong gió. Lòng sanh nghi hoặc, nàng bèn ngược chiều gió mà tiến lên. Ði hồi lâu thì đến bên một cây trắc cao lớn dị thường, đứng choáng cả một vùng rộng. Gốc cây có đến mười ôm và lòng cây trống rỗng, bên nách nứt một đường dài và rộng trông như một cái cửa, dấu ra vào đã mòn. Mùi trầm từ bọng cây bay ra ngào ngạt. Tố Liên cùng năm người tùy tùng rút kiếm, bước vào bộng cây. Ánh sáng lờ mờ. Cả đoàn đương định thần trông bốn bên thì sấm chớp nổi dậy. Năm tên lực điền hồn kinh phách lạc, quăng kiếm bỏ chạy ra ngoài. Sấm chớp đuổi theo, chúng không kể gai góc, bương rừng chạy thẳng một mạch về nhà. Khi đã hoàn hồn, xem lại không thấy Tố Liên đâu cả. Không có gan trở lại kiếm, mà cũng không biết làm thế nào khác, chúng bèn kể lại sự tình, mong Từ Công tìm ra phương cứu cấp. Cả nhà nghe chuyện vừa kinh hãi vừa thương lo. Từ phu nhân vật mình than khóc. Từ Công ngồi lặng hồi lâu rồi bảo phu nhân không nên rối loạn.

Trong thôn có một người thầy bói toán việc kiết hung như thần. Từ Công liền cho mời đến. Thầy xủ liền mấy quẻ, quẻ nào cũng tốt, nên quả quyết rằng Tố Liên vẫn được bình an. Nhưng đợi đến tối vẫn không thấy con về, Từ Công bắt đầu lo sợ. Suốt đêm Công không ngủ được. Sáng ngày thuê mười tên võ sĩ cùng năm tên lực điền, thân hành đi vào rừng tìm con. Khi đến gần gốc cổ thụ thì ai nấy đều thụt lui: nơi cửa bộng một con bạch mãng xà nằm khoanh tròn, nghe tiếng động, ngước đầu thở phì một hơi. Liền đó gió chuyển mạnh, cành cây từng loạt quằn xuống xua đẩy đoàn người ra khỏi rừng.

Từ Công cho là một việc quái dị hi hữu. Song nhớ lời nhà thuật sĩ đã đoán lúc Tố Liên vừa lên ba rằng nàng có phước tướng, thú dữ cùng ma quái không thể làm hại nổi, lòng ông cũng có phần ít lo. Còn phu nhân vì quá hãi và quá thương con nên nhuốm bệnh nằm thiêm thiếp.

Cả Thôn Trường Ðịnh xôn xao. Kẻ bàn người tán cùng chợ cùng đường. Rồi không bao lâu tin bay lan khắp thôn quê thành thị. Nhà sư trụ trì chùa Linh Phong, tức chùa Ông Núi ở Phương Phi, nghe tin liền tìm đến Trường Ðịnh. Vốn biết nhà sư là một bậc chân tu có pháp thuật, Từ Công xin nhà sư làm phép cứu dùm con. Nhà sư chọn hai chàng lực sĩ cùng vào rừng.

Ðến bên gốc cổ thụ, nhà sư trao cho mỗi người một đạo bùa giắt nơi mái tóc, rồi sai đốt đuốc đi vào bộng cậy. Bộng cao rộng như lòng tháp và mặt dưới bằng phẳng như nền nhà. Ánh đuốc sáng phừng phừng và soi tỏ bốn mặt: Trên một tảng đá xanh to lớn, một cô gái trần thân nằm ngủ, đầu gối lên mình con mãng xà vảy ánh màu ngân. Thấy bóng người, mãng xà cất cổ lên cao, nhưng bị ánh đuốc chói mắt, liền quay mặt ra sau và lấy đuôi khoanh tròn người con gái. Nhà sư lấy tay áo rộng che mặt, than:

- Than ôi ! Duyên chướng!

Hai lực sĩ tuốt gươm toan xốc lại chém. Nhà sư ngăn lại và giục trở lui. Hai chàng lấy làm lạ. Nhà sư bèn ôn tồn phân:

- Trước kia bần tăng ngỡ rằng Từ nữ gặp sự chẳng lành, nên đích thân đến cứu. Bây giờ thấy rõ sự trạng thì không nên quấy phá cuộc ân ái của người ta. 

Hai chàng có ý nghi ngờ:
- Người ta sao lại lấy rắn được?

Nhà sư lắc đầu đáp:
- Rắn và người đều là chúng sinh. Chúng sinh khi thương yêu nhau thì rắn là người, khi oán ghét nhau thì người là rắn. Ðó là sự thường trong thiên hạ, chớ có cái gì quái gỡ đâu.
Nói đoạn phất tay áo đi thẳng.

Hai chàng trở về kể lại sự tình cho Từ Công hay.

Qua hôm sau, nhân hai lá bùa hộ mạng vẫn còn, hai chàng tình nguyện vào rừng một phen nữa. Ðến nơi không còn thấy cảnh tượng hôm trước, mà bộng cây lại rộng gấp mười lần. Hết sức ngạc nhiên, hai chàng chú mục nhìn quanh bốn phía. Chợt một mùi hương thoảng tới và xa xa nghe tiếng người kêu:

- Xin mời hai tráng sĩ đi đàng này.

Hai chàng ngó ngoáy lại thì thấy một tiểu đồng ăn mặc theo kiểu nhà quan, tóc chừa trái đào, đương đứng đợi. Hai chàng theo chân tiểu đồng đến một hoa viên rộng lớn, đầy cỏ lạ hoa thơm. Trên cành cao, chim hoàng oanh đua tiếng hót, và trên nền cỏ non xanh mướt năm mười con bạch hạc đứng rỉa lông. Qua khỏi vườn hoa, đến một nơi cung điện, thềm lót cẩm thạch, rèm kết minh châu, nguy nga tráng lệ.

Hai chàng không dám bước lên thềm, tần ngần đứng nhìn nhau, tự nghĩ:
- Cung điện nơi Hoàng Ðế thành, thời vua Thái Ðức tại vị, có tiếng là hoa mỹ, nhưng so với đây thì bên lượng bên cân.
- Có lẽ mình đã lạc vào động tiên, chớ trong thế gian làm gì có cảnh giàu sang đến thế.

Chợt cửa đền mở. Một giai nhân áo gấm trâm vàng, giầy thêu song phụng, bước ra chào. Hai chàng định thần nhìn kỹ thì rõ là Tố Liên. Mừng quá quên hết lễ nghi, cả hai vội chạy đến dành nhau kể lể tình nhà. Tố Liên ứa nước mắt, nói:

- Cảm ơn hai tráng sĩ vì thiếp mà đến đây. Xin mời hai tráng sĩ vào trong, thiếp có vài lời tâm sự.

Hai chàng theo vào đền. Giàu sang chói mắt! Những đồ trần thiết toàn bạch ngọc, hồng bảo, mã não, san hô ... Nhưng đường trước tẩm sau đều thâm u tịch mịch. Một trang thanh niên tuấn tú, đầu chít khăn nhiễu điều, mình khoác áo bạch cẩm, đương ngồi xem sách trên chiếc sập gụ cẩn xà cừ, thấy khách bước vào, liền đứng dậy thi lễ và mời ngồi đối diện nơi cẩm đôn. Tố Liên sai tiểu đồng pha trà đãi khách,rồi đến bên người thanh niên và giới thiệu: 

- Công tử đây là trưởng nam thần Hà Bá sông Côn. Vì cùng thiếp có túc duyên nên phải đợi nơi đây mà đón thiếp. Và nơi đây tuy vẫn trong nhân thế, nhưng lại thuộc về cõi âm. Cho nên hôm trước nghiêm đường quang lâm mà lang quân đành thất lễ. Hai tráng sĩ nếu không có hai đạo bùa phép thì hôm nay cũng không thể vào ra được bình yên. Nói đoạn lấy ra mười nén vàng ròng và một chiếc trắp đồi mồi khảm ngọc trao cho hai lực sĩ: 

- Mười nén vàng này xin tặng hai tráng sĩ để đền công khó nhọc. Còn chiếc trắp nầy xin nhờ trao lại cho song thân thiếp để thấy vật cũng như thấy con...

Cảm động nghẹn lời, Tố Liên sụt sùi khóc. Công tử cầm tay an ủi hồi lâu, rồi quay lại nói cùng khách:

- Nhờ nhị vị thưa lại cùng nhạc gia: xin nhạc gia yên lòng, lệnh ái về chốn Thủy cung vẫn được an vui như ở nơi trần giới. Và đây là vật mọn xin tặng nhị vị, và xin nhị vị dâng hộ hai vật nầy lên nhạc gia.

Vừa nói vừa lấy trao cho hai chàng hai hạt dạ quang và hai cây gậy bằng ngà chạm đầu cưu dài hơn hai sải, rồi tiếp:

- Nhị vị hãy giữ luôn hai hạt dạ quang châu nơi thân đề phòng cơn khói lửa. Còn đôi gậy nầy nhạc phụ và nhạc mẫu sẽ dùng để về non.

Hai chàng bái lãnh tặng phẩm rồi đứng dậy xin lui chân. Vợ chồng Tố Liên đưa ra tận ngõ ngoài rồi gạt lệ từ biệt . Tên tiểu đồng tiễn thêm một đoạn đường nữa, rồi chỉ nẻo tắt cho hai chàng đi. Hai chàng đi được mười bước, ngoảnh trông trở lại thì điện đài không còn thấy bóng, mà thấy mình đang đứng ở ngoài mé rừng xanh. Mặt trời đã ngã về tây, và trên tay vẫn còn y mấy món tặng phẩm. Hai chàng mừng rỡ chạy thẳng về nhà, trình mọi nỗi cùng Từ Công.

Nghe rõ đầu đuôi lệ già không ngăn cầm được. Ðoạn mở trắp ra xem, thấy một hoàn linh đơn, một đôi bạch bích và một phong tố thư mà nét chữ của Tố Liên vừa ráo mực. Từ Công tạ ơn hai lực sĩ rồi vào phòng riêng đóng cửa đọc thư con. Ðại ý trong thư nói rằng:

"Nặng vì  duyên chướng con đành mang chữ bất hiếu cùng song thân. Ly biệt đau lòng nhưng không làm sao tránh khỏi. Ôi! Mây trôi nước chảy, sụt sùi trăm việc đã qua; bể đổi dâu thay, ái ngại muôn điều sắp tới: Rồi đây non sông khác chủ, xương trắng máu hồng! Những người đã theo Ðức Võ Hoàng dựng nghiệp lập công, kẻ còn bị tru di, người mất sẽ bị quật mồ mả! Cúi xin Tôn từ sớm liệu, đừng chờ khi nước đã đến chân.

Nay mai con sẽ theo chồng về suối Hầm Hô Và núi Linh Ðổng gần kề sẽ là nơi vợ chồng con thường được chiêm ngưỡng từ nhan vậy!

Thơ chẳng hết lời, kính dâng bốn lạy"

Ðọc xong thở dài! Rồi một mặt lấy linh đơn đem cho phu nhân uống, một mặt lo thu xếp việc gia đình. Các tấm bia ở lăng mộ các vị công thần, Từ Công cho đục tên hết. Rồi khi phu nhân đã bình phục, Công gọi con cháu đến giao nhà cửa, chia ruộng nương, và vợ chồng đeo đôi bạch bích, chống gậy đầu cưu, dắt nhau lên núi Linh Ðổng ...

Kế đó nơi rừng cấm rền vang tiếng sấm ... Rồi trời đang nắng bỗng đổ mưa. Mưa tầm tã suốt ba đêm ngày, nước suối nước sông ngập lên láng. Cơn mưa tạnh, sấm lại nổ vang rừng, rồi một vùng bạch vân từ từ bay lên cao rồi biến mất ... Xa xa nghe tiếng tiêu tiếng khánh nhịp nhàng...

Cách đó mấy năm nhà Nguyễn Phúc phục nghiệp. Những lời trong thơ Tố Liên đều ứng nghiệm, nhưng nhờ Từ Công phòng bị trước nên ở Trường Ðịnh xương trắng không ngậm hờn. Song suối Bèo, nước cạn dần dần, rừng Cấm cây cũng dần dần tàn lụi ... Phong quang không còn được như cũ. Rồi cứ mỗi năm, gió xuân thổi ấm, thì một con huyền hạc từ ngàn xa bay đến, đậu nơi đình làng kêu mấy tiếng rồi bay đi...

QUÁCH TẤN