NGỰA ƠI LÀ NGỰA! 

BÙI ÐĂNG-KHOA 

Năm nào nói chuyện con ấy, năm nào cũng vậy, từ ngày ê a học đánh vần quốc ngữ đến lúc làm đựơc bài Luận-văn đầu tiên (lớp Ba, lớp Tư gì đó) và đến lúc gần xuống lỗ. Năm nào như năm nấy... Năm nào nói chuyện con ấy!

Ở Việt-nam mỗi lúc Xuân về, tôi hay thấp thỏm chờ đọc mấy tờ báo Xuân đặc-biệt của Phụ nữ diễn đàn, Phụ nữ ngày mai, Sai Gòn mới, Tia sáng, Chính-luận... khổ báo to tổ chảng, cầm lên đọc, không thấy đầu, thấy đít mình đâu hết, phải trãi ra mà đọc. Tôi khoái nhất là đọc chuyện "Năm nào nói chuyện năm ấy". Chuyện về con Chuột đến con heo, đọc được mỗi con một lần (đến năm 6 tuổi mới biết đọc) sau đó đến năm 18 tuổi tôi phải xa quê hương đi học. Lâu quá, chuyện mấy con Giáp nó tản cư đi đâu mất tiêu! 

Chuyện về Ngựa, thì ...hơi khó kiếm. Nước Việt-Nam ta chuyên về nông nghiệp, nói chuyện Trâu, gà, heo, chuột...thì hết sẩy! Còn ngựa? hơi...mệt! Ngựa cái? Ngựa đực? Ngựa thần? Ngựa rừng? Ngựa...phi đường xa? Ngựa chứng sân trường? Làm ngựa ở Việt-Nam cũng khổ, bị mang tiếng không đựơc thanh cao lắm. Lúc nào thiên hạ chửi thì, văng tục cũng bị đem ra làm đối tượng:

- Ðồ đĩ ngựa! 
Lúc nào muốn làm đẹp một tí, bị chê:
- Nó "ngựa" lắm!
 
Thật hết ý kiến!
Lúc than van:
- Làm thân trâu, ngựa, khổ lắm anh ơi!
Còn bắt con trâu đi kèm, chứ ngựa đứng một mình không có Job. Ngựa dùng kéo xe rất hiếm! Trâu, bò đứng lổn ngổn ra đó xin Job cũng không phải chuyện dễ.

Ông đó "thẳng như ruột ngựa!" để chỉ người ngay thẳng, nghĩ sao nói vậy, không màu mè, kiểu cách.Thôi thì mình đi cá ngựa, đua ngựa vậy! Hay đi bắt Ngựa nhà trời?Trong tục ngữ, ca dao, tôi chỉ biết vài câu về ngựa là... hết vốn!:

- Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ!
- Ðường dài mới biết ngựa hay!
- Ngựa quen đường cũ!
- Một lời đã thốt, bốn ngựa khó theo!

Còn gì nữa không? Ngày xưa địa vị của Ngựa rất quan trọng, không có ngựa, không làm ăn được gì hết. Ngựa được dùng để giao thư Vua, người dân hiếm người xài kiểu này, chỉ truyền tin bằng miệng. Lắm lúc, tin chuột đến người nhận thành tin voi, chưa kể người gởi, nhắn tin, tin chưa đến đã ra người thiên cổ đâu không biết chừng... Ngựa được xử dụng trong quân sự, để đánh trận, lỡ thua... "quất mã truy phong", chuồn cho lẹ! Cái kiểu "dọt" này cũng được xài cho những anh chàng sở khanh, đểu giả. Lúc người "iu" có bầu, sợ nuôi... cho nàng de, chàng dọt đi mất!

Từ ngày con người phát minh ra động cơ nổ, vai trò ngựa không được "sủng ái" như trước nữa, chỉ còn mấy ông cao-bồi Mỹ ở Texas xài để chăn bò. Trước khi tìm hiểu sâu về ngựa, tôi xin kể một câu chuyện tiếu lâm về ngựa hầu bạn đọc chơi, cũng khá hứng thú:

Nguyên có một ông phú hộ rất giàu, lại có thêm một cô con gái cưng, sắc nước hương trời. Cô con gái đến tuổi... (ngựa) cập kê, ông ta mới rao bảng kén rể. Rể tương lai phải thuộc hạng văn võ song toàn mới được. Hạng vô tài bất tướng - no chance! Bao nhiêu trai tráng trong làng cho đến mấy tỉnh lân cận, xin dự thi đông như kiến cỏ. Sau một năm, còn sót lại ba chàng. Ban giám khảo của phú hộ phải chào thua vì không đủ trình độ để khảo nữa. Chàng nào võ cũng giỏi, văn hết chỗ chê, xuất khẩu thành thơ. Bèn trình cho phú hộ quyết định. Chàng thứ nhất được mời vào, phú hộ nghiêm nghị nói:

- Ta có một con ngựa thuộc loại thần hãn, đi mây về gió. Mi làm thử một bài thơ ca tụng con ngựa ta xem sao?

Sau một lúc suy nghĩ chàng ta buột miệng ngâm:

Mặt nước để cây kim
Ngựa ông phóng như chim
Phóng đi, phóng lại, cây kim chưa chìm 

- Hay quá! Quá xá hay! Ðáng là rể ta. Quân bay đâu ? đem nó vào gặp...
- Nhưng...thưa Ngài còn hai thí sinh đang đợi ngoài trướng. Quân sư quạt mo đứng bên nhắc khéo.
- Ủa, ta quên, kêu nó vào ngay, xem tài nghệ nó có qua mặt được thằng này không?

Thí sinh thứ hai xuất hiện... Sau khi nghe xong bài thơ của chàng thứ nhất, chỉ cười mỉm chi:

- Thơ như thế đâu có gì đặc biệt! Nói xong, chàng ứng khẩu ngay một bài:

Ðống lửa để cộng lông
Ngựa ông phóng như dông
Phóng đi phóng lại
Cái lông chưa hồng 

- Tuyệt! Tuyệt! Ngựa ta phi được như thế thì thế gian này không có một con ngựa thứ hai nào qua mặt được. Nhanh nhất rồi! Quân bay đâu?...
- Hem...Hem..! Dạ thưa Quan còn một mạng nữa...
- Í! ta quên, thôi gọi nó vào đây luôn, cho nó nghe hai bài thơ xong, rồi thưởng nó vài lạng bạc, cho nó về, chứ ta không tin nó làm được một bài thơ nào khác ca tụng con ngựa ta hay hơn được. Chàng thứ ba lò dò vào, nghe xong hai bài thơ, đứng như trời trồng... Ðúng lúc ấy bà vợ ông phú hộ, vì tối hôm qua "xực phàn" hành hơi nhiều, ngồi cạnh quan từ sáng đến giờ bụng no hơi đã lâu, bà ta âm thầm định "xì" hơi ra ngã hậu, ai ngờ hơi gió vừa đánh ra nghe một cái ...chít!. Vội nín lại! Nhưng mọi việc chàng thí sinh đã nghe thấy hết. Chàng ta lẹ làng xuất khẩu ngay một bài thơ:

Vợ ông địt cái chít
Ngựa ông phóng cái tít
Phóng đi, phóng lại
Cái đít chưa khít 

Một con ngựa thời ấy, mà phi nhanh hơn tiếng động, phản lực cơ thời này thuộc đồ bỏ! Các bạn có thể đoán ra ai cưới được cô vợ đẹp rồi...

 LỊCH SỬ TIẾN HÓA LOÀI NGỰA:

Cũng như loài người, ngựa cũng biến hóa theo thời gian cả chục triệu năm mới có dạng thể như ngày nay. Con "ngựa tổ" của loài ngựa, sống cách nay khoảng 60 triệu năm, được tìm thấy khoảng giữa thế kỷ thứ 19 tại Âu-châu và Bắc-Mỹ. Chỉ cao khoảng 25 cm đến 45 cm (bằng con chồn) có 4 móng (ngựa bây giờ chỉ còn có một móng). Ở Âu-châu mang tên Hyracotherium, ở Bắc-mỹ được gọi là Eohippus. 60 triệu năm về trước, giống ngựa này biến mất ở Âu-châu, nhưng vẫn tiếp tục thay hình đổi dạng ở Bắc-mỹ. 25 triệu năm về trước, vì sự biến đổi môi sinh, ngựa hóa dạng thành loại Merychippus có ba móng, móng giữa đi đụng đất, còn hai móng hai bên co lên. Răng cũng cứng hơn và hình dạng mặt ngựa ta thấy hiện nay bắt đầu thành hình từ đó. Merychippus là tiền thân của Eohippus nhưng lớn hơn nhiều. Cuối thời Pliozaen (11 triệu năm về trước) ngựa tiến thêm một bước nữa, trở thành giống gọi là Pliohippus, sinh sôi nẩy nở mạnh, có hình dáng của giống ngựa hiện nay. Chỉ còn móng giữa, hai móng kia biến mất dần! Thân hình cũng nẩy nở hơn, nhìn là muốn... cưỡi rồi. Lúc đó trái đất chưa chia thành 5 châu như hiện nay, ngựa đi ngao du tìm cỏ, sang Á, Âu và Phi-châu, phát sinh ra nhiều giống. 

Trái đất chuyển mình vì sự thay đổi, biến chuyển địa chất to lớn. Lục địa bị phân ra, đất dồn, đùn lại thành núi và trái đất trải qua giai-đoạn băng giá. Khí hậu biến đổi, khó sinh sống, ngựa mới di tản sang Âu-Á và Phi-châu, rồi chết sạch ở Bắc mỹ (khoảng 4 triệu năm về trước). Giống ngựa sống ở Trung-á phát triển, biến dạng, sửa tới, sửa lui cái bộ mã, chết đi vài giống, sinh ra giống mới, theo nguyên tắc "nàm nộn thì nàm nại". Luật đào thải (selection). Trong quá khứ, trái đất trải qua nhiều giai đoạn băng giá: Thời băng giá cuối cùng bắt đầu 500.000 năm về trước và chấm dứt khoảng 8.000 năm trước Công-nguyên. 

Ta thấy ngựa có trước người! Loại "gần giống như người" bắt đầu phát sinh khoảng 14 triệu năm về trước, cũng lang thang như ngựa để kiếm ăn. 

Trong thời cổ đá (600.000 năm trước) loài người chia ra thành nhiều chủng, do sự di dân tìm sống. Vì phải thích nghi với từng môi trường sống riêng, nên hình dạng, màu da, tóc tai, mũi họng... cũng thay đổi. Trong quá trình tiến hoá, loài người biến đổi từ 400.000 năm về trước ở Phi-châu và Âu-châu thành giống "erectus" và "neandertaler" sau cùng tiến hoá dần trở thành giống "homo sapiens" một giống người văn-minh hơn (khoảng 35.000 năm về trước). 

Loài ngựa cũng tiến sinh thành... ngựa có hình dạng và bản mặt... ngựa như ta biết cho đến ngày hôm nay. Ngựa này là ngựa tổ của loài ngựa hiên đại, thuộc ngựa hoang. Cách nay 8.000 năm ngựa còn nhỏ con, cao chỉ khoảng 1,20 m đến 1,40 m nhưng rất rắn chắc, khoẻ, sức dai. Ngựa tổ chia làm hai giống: Przewalski và Tarpan (Tarpan lớn con hơn Przewalski). Giống Przewalski là giống ngựa duy nhất mà loài người có thể thuần và cấy giống được. (Tên Prrewalski là tên một ông tướng người Nga đã tìm thấy đầu tiên con ngựa lạ này, vào năm 1879 ở một vùng hẻo lánh nhất Mông-cổ). Các nhà khảo cứu sinh-vật-học cho rằng ngựa Trung-âu phát sinh từ giống Przewalski. Trong suốt thời băng giá của trái đất, những cánh đồng cỏ màu mỡ ở Mông-cổ bị chết cóng và tàn rụi đi, ngựa phải đi tìm nơi sinh sống mới để khỏi cùng chung số phận như những sinh-vật khác. Chỉ những sinh-vật khoẻ nhất, bền bỉ nhất mới sống sót được trong thời băng giá, nên ngựa tổ được biến sinh, thích ứng với những điều-kiện này. Ngày hôm nay, giống ngựa hoang nhỏ con, dai sức, có lông màu vàng nhạt này chỉ còn có thể thấy được ở vài vùng ở Nga, Tây-bá-lợi-á, trong sở thú Munich (Ðức) hay Prag (Tiệp). Những giống ngựa hoang khác đi từ miền Ðông tới Ðông-nam, Trung-á, Trung-Âu...

Ðể sinh tồn, thịt ngựa được loài người "chiếu cố" đến (25.000 năm trước). Cả đàn ngựa bị lùa đến một mỏm núi cao, xong, loài người hò hét, la ó om sòm để cả bầy ngựa sợ, bỏ chạy, rớt xuống núi... chết tươi! Con người có được thịt tươi để ăn. Mỗi lần săn như vậy, cả bầy ngựa bị tiêu diệt, ăn không hết, phải bỏ lại (con người chưa phát minh ra tủ lạnh để giữ) nên số ngựa bị giảm khá nhiều. Nhưng may một điều là ngựa không bị tuyệt chủng, vì ngựa tìm nơi an toàn hơn để ẩn náu, trốn tránh loài người. Ðây cũng là một trong những giải thích tại sao ngựa cứ phải đi... ngựa lang thang từ chỗ này đến chỗ khác mãi. Một giải thích nữa cho là cũng có thể vì điều kiện biến đổi khí hậu, cỏ chết hết ăn, ngựa bắt buộc phải đi tìm những cánh đồng cỏ khác để sinh nhai. Vì môi trường sống khắt khe, cộng thêm nạn thiếu lương thực có thể ngựa cổ xưa không lớn nổi nên bị... đẹt!

Loài người chế phục được loài ngựa và xử dụng nó cho mục đích của mình. Khoảng 8.000 năm nay, ngựa và người đã trở thành đôi bạn tri kỷ. Trong "lịch trình quen biết" cả 8.000 năm, loài người đã nuôi, chế biến ra nhiều giống ngựa. Những thợ săn thời cổ sỉ, học được lối sống, lối phản ứng của loài ngựa, nên nghĩ: - Nên bắt ngựa để nuôi, thay vì săn!

Ý nghĩ đơn giản này đưa người và ngựa gần nhau và tin nhau hơn. Ngựa con, được bắt nuôi, thân dần với người nên dù muốn hay không ngựa ở lại với người. Vì ngựa được người chăm sóc, nuôi, nên tránh được kẻ thù thiên nhiên, nhưng vẫn còn là ngựa hoang. Ngựa thật sự thành gia súc cách nay khoảng 3.000 năm trước Công nguyên. Cái hình thức nuôi giữ ngựa hoang này kéo dài cả ngàn năm... Ðến lúc con người bắt đầu định cư, mới thật sự nuôi và thuần ngựa (khoảng 5.000 năm trước Công nguyên hoặc có thể sớm hơn). Ðược người nuôi, ngựa phát triển cao lớn hơn và biến sinh ra nhiều dạng. Ban đầu ngựa chỉ được xử dụng để lấy sữa, thịt, da, kéo xe, kéo cày. Xử dụng ngựa để cưỡi, mãi đến về sau này mới có (khoảng 1.300 năm trước Công nguyên). Cưỡi thì đã có lừa và lạc đà...

Những dân tộc sống ở vùng sa mạc Trung-á và miền nam nước Nga là những người đầu tiên bắt và nuôi ngựa để lấy thịt, sữa, da. Những trung tâm chủ yếu biến ngựa rừng thành ngựa được nuôi thường ở vùng đồng cỏ Âu-á, Trung-á, những cánh rừng miền Sibiria, Ðông-nam Âu-châu, nam Pháp, nam Tây ban nha, Bồ đào nha.

Người ta tìm thấy trong những cổ thư của người Trung-hoa viết cách đây 2.000 đến 3.000 năm trước Công nguyên khá đầy đủ về ngựa.

Trong sách huấn luyện ngựa của Mã sư Kikuli (1.300 năm trước Công-nguyên) đã có dạy cách thuần phục và cưỡi ngựa. Vào khoảng giữa 2.000 năm trước Công nguyên vua Fo-Hi bên tàu đã nhận ra tầm quan trọng của ngựa và đã cho viết sách thư về cách thuần phục ngựa để cưỡi. Ðến đời nhà Châu đã có sách nuôi ngựa, chia làm 6 hạng:

- Ngựa dành riêng cho Hoàng gia
- Ngựa cho kỵ binh
- Ngựa để làm việc, kéo cày
- Ngựa dùng vào việc đưa thư vua
- Ngựa cho dân giã
- Ngựa cho việc chuyên chở

Marco Polo chép lại trong sách ông ta lúc sang Tàu: "Trong mã viện của Kublai-Khan (1270) nuôi có tới 10.000 con ngựa."

Ðến đời nhà Tần (618-907 sau Công nguyên) ngựa qúi rất được ưa chuộng trong mọi tầng lớp. Sự mua bán giống ngựa Ba-tư rất phồn thịnh. Ngựa Ba-tư được chở bằng đường biển hoặc bằng đường bộ đến Trung-hoa. Ngựa này phát xuất từ những vùng Tây-bá-lợi-á, Tây-tạng, Altai, Turkmekistan và từ khắp nơi trên thế giới thuở ấy.

Các nước nhỏ triều cống Trung-hoa nhiều giống ngựa qúi. Ngựa qúi nhất là loại "hãn huyết mã" của nước Ferghana (ngày nay là nước Usbekistan/Nga). Ngựa hãn huyết, nổi tiếng về sức chịu đựng dẻo dai, phi nhanh, được gọi là Ngựa ngàn dặm, vì trong một ngày nó có thể chạy đến 1.000 dặm Tàu (400 km) ra mồ hôi màu hồng, nên được gọi là hãn huyết. Ngựa không chỉ là món hàng để buôn, quan trọng nhất người ta dùng nó để gây giống. Giống nào thích hợp cho quân-sự? cho săn bắn? hay thể thao? (Polo).

Sau khi Tần Thủy Hoàng đánh chiếm và tàn phá Trung-hoa, cả nước Tàu rơi vào trong cơn sốt nuôi, cấy ngựa. Việc gây giống và thuần ngựa hầu hết nằm trong tay người Tây-tạng và Mông-cổ. Việc gây giống ngựa Á-rập không được quan tâm mấy mãi cho đến ngày nay. Giống "ngựa lùn" (Pony) của Trung-hoa đều xuất phát từ giống ngựa hoang Przewalski.

Ưu điểm của người Mông-cổ đánh đâu thắng nấy, thưở đó, phần lớn nhờ vào sức ngựa (2.500 - 3.500 trước C.N.) đã tiến đến Hoàng-hải và Ấn. Người Mông-cổ đã dẫn nhập ngựa vào Ấn, Medien, Mesopotanien và bán đảo Á-rập khoảng 2.500 năm trước Công nguyên.

Sự xâm nhập của Mông-cổ sang hướng Tây bị ngăn chận ở Turan, nơi mà người Indogerman sinh sống. Mông cổ gặp phải "cao nhân" Indogerman, một dân tộc còn mạnh hơn Mông-cổ về ngựa, nên đã đẩy lui, thắng được người Mông, rồi thẳng chiếm luôn Ấn-độ, Medien, Tiểu-á Mesopotania rồi sinh cư, lập nghiệp ở đó luôn. Ngày nay, người Ấn là hậu duệ của giống dân Indogerman (bà con xa của Ðức).

Người Hy-lạp là một dân tộc rất mê và qúi ngựa. Họ cho rằng, ngựa là do Thần tạo ra. Trong huyền thoại cổ Hy-lạp có viết: "Thần Poseidon (Hải-thần) trong lúc tranh chấp với nữ thần Athena đã tạo ra ngựa và Athena tạo ra cây ô-liu." Huyền thoại cổ Hy-lạp đầy cả những mối liên quan giữa Thần, Ngựa và người. Dân La-mã trái lại không "mê" ngựa như dân Hy-lạp. Ngựa, đối với họ chỉ là biểu tượng để khoe trương "Ảnh hưởng và Quyền thế". Ðế quốc cổ La-mã không có kỵ binh, đánh trận toàn bằng bộ binh với gươm ngắn. Chỉ các tướng lãnh mới cưỡi ngựa. Qua thời Julius Cesar (44 -100 năm trước C.N) mới sửa lại sau khi nhận ra được tầm quan trọng của kỵ binh trong chiến tranh với dân Gallier (Pháp). Tùy theo từng mục đích, loài người đã cấy, gây ra nhiều giống ngựa, đến nay có khoảng trên dưới 300 giống ngựa. Tiến trình này vẫn chưa chấm dứt... Biết về ngựa vậy tạm đủ rồi, chứ bạn đọ c, có người nổi hứng đòi nuôi ngựa thì...mệt! 

Bây giờ tôi sẽ đưa bạn đọc vào thế giới thần tiên của thời thượng-cổ Hy-lạp.

NGỰA TRONG HUYỀN THOẠI HY-LẠP:

Chuyện thần thoại Hy-lạp bao gồm nhiều thể tường thuật như thơ (giống như Ðoạn Trường Tân Thanh của VN) hoặc văn. Chuyện thần thoại có thể hiểu là sáng tác tưởng tượng của con người, có sắp xếp thuần lý như có thật.

Thần thoại cổ Hy-lạp là một sưu truyện dài cả mấy chục bộ (như Ðông Chu Liệt Quốc của Tàu) trong đó toàn những nhân vật thần thánh. Nhắc đến Tào Tháo, Khổng-Minh, Quan công... ai cũng có thể cảm thấy cá tính, tiểu sử của từng nhân vật như... có thật!. Thần thoại Hy-lạp cũng vậy, nhưng Hy-lạp thuộc về văn minh Tây-phưong. Ðịa danh, tên tuổi của những nhân vật thần thời thượng-cổ Hy-lạp vẫn chiếm một chỗ đứng quan trọng trong văn hóa, sinh hoạt Âu-Mỹ mãi đến ngày hôm nay.

Thuật lại thần thoại Hy-lạp, người viết mất khá nhiều công sức để tìm hiểu mỗi vị thần và sự mạch lạc trong câu chuyện. Hơn nữa tên trong chuyện, toàn là tên Hy-lạp, lại rất nhiều nhân vật, cả bộ Ðông Chu Liệt Quốc không thể tóm tắt, cô đọng trong vài trang... Dù thế tôi cũng cố gắng đề cập đến, để có thể thuật lại sôi động, thay vì nhắc sơ qua tên.

Nhắc đến tên Trương Phi, Lưu Bị, Quan công, chúng ta đã biết từ khuya là ba anh em kết nghĩa tại vườn Ðào, nhắc đến tên Hàn Tín, kẻ đã chịu khó lòn... để làm việc lớn... Nhưng nhắc đến tên một vị Thần, một nhân vật trong truyện cổ Hy-lạp, chúng ta không nhận thấy một mối liên quan nào cả, khó bắt được nhịp cầu thông cảm. Ðông, Tây cách nhau quá xa...Nhiều tên nổi tiếng, ta nghe, đọc hàng ngày chẳng hạn như Pegasus, Orion, Apollo, Poseidon... và nhất là tên của những vì sao trong thiên văn học, đều phát xuất từ thần thoại cổ Hy-lạp.

Trước khi đưa các bạn vào huyền sử Hy-lạp. Chúng ta nên tìm hiểu chút ít lai lịch những vị thần cổ Hy-lạp và những mối liên hệ cấu kết trong câu chuyện. Ðọc thần sử cổ Hy-lạp, mở rộng thêm kiến thức trong văn hóa Âu-Mỹ. Xin mời các bạn làm quen với vài vị Thần cổ, có tên trong huyền thoại, vẫn còn lưu truyền mãi đến ngày nay.

Theo huyền sử cổ Hy-lạp thì Vũ trụ chỉ có hai vị chúa tể mọi vật là Ông trời: Uranos và Bà Ðất: Gaia. Hai người lấy nhau (chứ có ai nữa mà lấy?), sinh ra được 12 người con gọi là những Titanen, ba Kyklopen ( là những tên khổng lồ, có một mắt trên trán, có thể xây tường thành dày hàng chục thước) và ba Hekatoncheiren (quái nhân có trăm tay, 50 cái đầu và 300 bàn tay). Mấy đứa con quái dị này bị Uranos trói , giam dưới lòng đất.

Titanen (Con trời): gồm 6 trai, 6 gái. Sáu người con gái gồm: Rhea, Klymene, Themis, Mnemosyne, Phoibe và Tethys. Sáu trai gồm: Okeanos, Koios, Kreios, Hyperion, Iapetos và Kronos.

Những đứa con này được xem là khó dạy, nên cũng bị bố giam lại trong hầm đất. Kronos tức bực, "thiến" ông bố mình, xong tự xưng là Chúa tể vũ trụ. Sau này xảy ra cuộc tranh chấp quyền cai trị Vũ trụ của những người con của Kronos (do Zeus ở núi Olymp cùng với Poseidon và Hades, kết hợp với Hekatoncheiren chống lại chú, bác mình (Titanen). Phe Titanen bị thua và bị nhốt xuống hỏa ngục (Tartaros). Hekatoncheiren giữ nhiệm vụ canh giữ những vị này. Olymp: là rặng núi, nơi ở của Thần hay có thể gọi là Thiên-sơn đình. Hiện nay vẫn còn ở Hy-lạp, núicao 2.911m nằm hướng Ðông-bắc. Nói về thần Kronos: Ông ta lấy chị cuả mình là Rhea, sinh ra được 6 con là: Hera, Zeus, Demeter, Hestia, Hades và Poseidon. Vì Kronos đã "thiến" bố mình là ông trời Uranos để tự xưng Chúa tể của Vũ-trụ nên cũng sợ con mình cũng dở trò... "thiến" mình, bèn nuốt sống hết đám con. Chỉ trừ Zeus được thoát, khỏi bị nuốt... Thần Zeus: Vị thần cao nhất của thời thượng cổ Hy-lạp. Ông ta cai quản tất cả các thần khác và nhân loại. Ông là Thượng-đế! Con út của Kronos và Rhea. Lúc có mang Zeus, mẹ Rhea có hỏi bố, mẹ mình (Uranos, Gaia):

- Làm cách nào để cứu đứa con đang mang trong người? Mấy đứa kia đã bị Kronos nuốt sống hết rồi!

Uranos và Gaia mới gởi Rhea đến Lyktos, đảo Kreta để sinh nở. Nơi đây bà sinh ra Zeus trong một cái hang trong núi Ida. Sinh xong, bà giao cho chồng một cái tả, bên trong chứa một cục đá và bảo: - Ðây là Zeus! Kronos liền nuốt vào để trừ hậu hoạn. Sau đó bà giao Zeus cho tiên (Nymph) Amaltheia nuôi hộ. (Nymph là những nàng tiên thiên nhiên, hiền dịu hay đi và hiện ra chung. Những tiên chính gồm: Hải-tiên, Ðịa-tiên, Sơn-tiên, Lâm-tiên và Thảo-tiên). Zeus được nuôi bằng mật của tiên Melissa. Lớn lên, ông cưới nữ thần Metis, (chị họ, con của Okeanos và Tethys) rồi đến chị của mình là Hera làm vợ. Sau này Zeus thắng bố mình, lật đổ được Kronos, liên kết với hai em Poseidon và Hades thắng tranh chấp với những Titanen khác, chiếm quyền Thượng-đế, giao Poseidon làm Hải-vương, Hades làm Âm-vương. Theo lời khuyên của mẹ, của bà nội lẫn ngoại Gea và của vợ Metis, Zeus cho bố Kronos uống ma-túy, một loại "thuốc xổ", buộc ông này ói anh, chị mình ra, cả luôn cục đá ông nuốt sau cùng. Zeus đem cục đá này về Delphi thờ làm kỷ niệm. Cục đá được xem như "lỗ rún của Vũ-trụ" Thần Zeus làm Thiên-vương, boss tất cả mọi Thần. Cõi trần thì quản trị chung với Poseidon và Hades. Lúc nào sấm động, sét đánh là do thần Zeus tạo ra, ông đang hỉ, nộ, ái ố... Thần Zeus trông coi công-lý, bình đẳng, đạo-đức. Ký hợp đồng phải giữ, nếu không sẽ bị Zeus phạt! Anh em nào bỏ bê vợ con, đi "mèo chuột" bậy bạ cũng sẽ bị trừng phạt. Ngoại trừ... ông ta. Thần Zeus nổi tiếng "dê" số dách! Nữ thần, mỹ nhân trần tục nào đẹp đều bị ông ta "chiếu cố" đến hết. Lớn không bỏ, nhỏ không tha, sồn sồn cũng... làm nốt! Vì vậy thần Zeus có con rơi, con rớt đầy trời, đầy đất... Sơ sơ vài con số:

- Với nữ thần của sự thông-thái Metis (chị họ) vợ không chính thức, sinh ra nữ thần đồng trinh Athena, tính tình rất bướng bỉnh. Lúc có thai Athena, Ông trời Uranos và bà Ðất Gaia tiên tri nói là: 

- "... Metis sẽ đến Athen sinh ra một nam nhi, đứa con này sẽ thay Zeus làm Thượng-đế, nắm quyền xem chư thần ở Olymp!"

Zeus sợ con mình lớn lên sẽ soán ngôi, nên nuốt sống cả mẹ lẫn con (Hổ phụ sinh hổ tử, giống như bố mình đã làm). Nhưng Metis sinh con gái chứ không phải trai. Ðến ngày sinh, con của Zeus là thần Hephaitos (Thần hoả và nghệ-thuật rèn) mới dùng rìu bửa đầu thần Zeus ra. Từ đầu Zeus nhảy ra Athena. Sự thai sinh thần kỳ này xảy ở mé sông Triton của Giang-vương Triton cũng có thể xảy ra ở Lybia, do đó nữ thần còn có một tên phụ nữa là Tritogeneia. Athena được Giang vương Triton nuôi chung với con gái mình là Pallas. Hai người cùng lớn, nên chơi rất thân với nhau. Một hôm đang chơi trò phóng lao Pallas phóng cây lao về hướng Athena đứng và Athena phóng lại, lao của Pallas bay gần trúng Athena mà Athena không thấy, Zeus thấy vậy hoảng hồn làm rơi chiếc áo lông cừu kỳ dị xuống giữa hai người. Pallas sợ, không dám nhìn, lấy tay che mặt lại, bị lao của Athena bay trúng chỗ nhược và bị chết. Sau tai nạn xảy ra, Athena buồn, hối hận mới tạo ra một bức tượng của Pallas gọi là Palladion, từ đó nàng có một tên phụ nữa là Pallas Athena. Athena có tài bắn cung, giúp nhiều tướng như Herkules, Diomedes, Odessey đánh Troya. Nàng dạy nhân-loại cách xử dụng xe, thuần phục ngựa, đặc biệt lối chiến đấu bằng xe ngựa (xem phim Ben Hur), dạy cách làm tàu, thuyền, dạy phụ nữ thêu, dệt, phát minh ra sáo, kèn, đồ sành). 

- Với Hera (chị mình, vợ chính thức) sinh ra Ares, Hebe, Eileithia và Haephaitos (Thần Hỏa và rèn)

- Với Demeter (em) sinh ra Persepone là nữ thần của cõi âm-ti, chết chóc và sinh nở.

- Với Themis (dì của Zeus, nữ thần của trật-tự, công minh) sinh ra Horen và Moiren.

- Với Persepone (con gái Zeus) sinh ra Zagreus. Zeus định nhường ngôi cho Zagreus. Hera ghen tức để Titanen hành hung, xé tứ chi đứa nhỏ Zagreus ra rồi nuốt sống. Athena cứu đựơc trái tim, được Zeus nuốt. Sau này Zeus với Semele sinh ra lại Zagreus tức Dionysos

- Với Dione sinh ra nữ thần Vệ-nữ Aphrodite (nữ thần của tình yêu và sắc đẹp).

- Với Leda (người phàm) con vua Thestios vợ vua Tyndareos nước Aitolia sinh ra Helene. Một ngày nọ thần Zeus đang bay ngao du dưới dạng một con chim Thiên-nga, bị chim Ưng đuổi bắt. Túng thế, thần Zeus trốn vào lòng hoàng hậu Leda đang ngồi bên bờ hồ Eurotas gần Sparta. Thấy Leda quá đẹp, nên hãm bà ta, sinh ra một cái trứng, từ trứng đó nở ra một trai tên Polydeukes và một mỹ nhân đẹp nhất thiên hạ là Helene. Người chị cùng mẹ khác cha là Klytaimestra (con của Tyndareos)

- Với Danae sinh ra Perseus (kẻ giết được mụ chằng Medusa)

- Với Alkmene sinh ra Herkules

- Với Europe sinh ra Sarpedon, Minos và Rhadamanthy. Sarpedon vì có sự bất đồng với em là Minos nên bỏ xứ Kreta ra đi trở thành vua xứ Lykien.

- Với Leto sinh ra Apollon (Thần mặt trời, ánh sáng, âm nhạc). Apollon vì tham dự cuộc đảo chính thần Zeus do Hera chủ mưu, nhưng sự việc không thành, bị phạt phải phục vụ vua Laomedon, vua thành Troya) và Armetis (nữ thần mặt trăng) , đồng trinh,chị song sinh của Apollon, đồng thời cũng là nữ thần của sự sai sinh và sự kiêng khem tình dục, của bách thảo, của săn bắn và thiên nhiên, chúa tể muôn thú, đặc biệt nàng có mối liên quan với nai và gấu. Ði đâu cũng có chó và thú bảo vệ, mỗi lần đi săn bắn đều có một đàn tiên nữ đi theo để giữ không cho mấy ông thần dê làm bậy. Khí giới của nàng có cây cung và tên bắn người trần tục chết không đau đớn. Nàng có thể mang bịnh dịch đến để trừng phạt loài người. Nữ thần Hera rất giận và ghen khi biết Zeus tằng tịu với Leto, sai đủ kẻ tìm giết cho được Leto. Nàng phải trốn tránh tìm một nơi yên ổn để sinh nở. Chỉ có hai đảo khô cằn sỏi đá Asteria và Ortygia là sẵn sàng thu nhận Leto. Nữ thần Athena và các chư nữ thần Olymp đồng ý che chở và giúp Leto sinh. Nàng nằm 9 ngày, 9 đêm trong cơn chuyển bụng, nhưng không đẻ được. Chỉ còn cách phải mời nữ thần của sinh đẻ Eileithyia đến trợ giúp mới hy vọng. Trước đó phải có sự đồng ý của Hera mới đi được. Trong lúc chờ bà mụ đến, Leto mắc đẻ qúa bèn ôm một gốc dừa độc nhất mọc trên đảo để đẻ. Artemis ra đời trước, đã phải giúp bà mụ Eileithyia để sinh Apollon. Lúc Apollon chào đời, có một con thiên nga bay lượn quanh đảo chào mừng. Nữ thần Themis nuôi Apollon 4 ngày liền bằng mật, nhụy hoa và sương trời. Sau 4 ngày Apollon thề sẽ trả thù những kẻ làm hại gia đình mình. Sau này, chàng đến đảo Delphi tìm giết con rồng Python đã theo lệnh Hera săn giết mẹ con chàng. Apollon cũng là thần của trật tự, của sự minh bạch, của tâm linh, đặc biệt của âm-nhạc và ca hát. Chàng là kẻ không có may mắn trong tình yêu, yêu mà không nhận được tình yêu đáp trả. Chẳng hạn như với nữ tiên Daphne, Dryope, Koronis và công chúa Cassandra thành Troya.

- Với Nymph (tiên nữ) Maia, người đẹp nhất trong tam tiên: Maia, Taygete và Merope (con gái của Atlas. Atlas là con của Titan Iapetos và Klymene) sinh ra Hermes.

Ngoài ra còn với nhiều người khác... phải theo dõi từng truyện.

CON NGỰA GỖ THÀNH TROYA

Một trong những truyện ly kỳ nhất trong huyền thoại cổ Hy-lạp là truyện Con ngựa gỗ thành Troya.

Truyện xảy ra vào khoảng 1.200 năm trước Thiên-chúa giáng sinh. Chiến tranh giữa dân Hy-lạp và dân thành Troya, hiện nay là Nam-tư (Yugoslavia). Theo truyền thuyết thì thuật như thế, chứ cuộc chiến tranh này có xảy ra thật hay không là một câu hỏi mà các nhà khảo cổ học đang nghiên cứu.

Sơ lược thân thế vài nhân vật chính trong chiến tranh Troya: 

Odysseus: là một vị tướng giỏi của Hy-lạp, nổi tiếng can đảm, có nhiều mưu mô và tài thuyết phục. Là con của Laertes và Antikleia, chồng của Penelope, ông ta làm vua đảo Ithaka. Theo lời tiên tri nói rằng: "Sau khi thắng được Troya, ông sẽ lưu lạc trên biển cả đến 20 năm sau mới về được xứ sở. Vì lý do đó, ông ta mới giả điên để tránh đi đánh Troya. Nhưng ông bị một nịnh thần Palamedes châm chọc, rốt cuộc ông phải gởi vợ (Penelope), con (Telemachos) giao nhà cửa cho bạn là Mentor trông coi rồi kéo binh đi đánh Troya.Archilles: là chít của thần Zeus, cháu của Aeakus, con vua Peleus và hải-tiên Thetis nước Thessal. Thưở nhỏ Archilles được mẹ tắm dưới suối thần Styx nên khắp thân thể không thể bị thương, ngoại trừ gót chân, chỗ được nắm để nhúng xuống (nhược điểm Archilles). Thetis nhờ thần Hephaitos rèn cho Archilles một bộ giáp và một cái khiên để phòng thân. Số mệnh Archilles đã được định sẵn: "Archilles một là sẽ chết ở Troya hoặc sẽ được sống lâu nhưng chỉ một cuộc sống tầm thường!" Thetis rất thương yêu con, chăm sóc chàng cho đến ngày bà ta rút về lại hải cung. Muốn cưỡng lại mệnh trời, bà cho Archilles giả làm con gái và dấu nuôi chung với những con gái khác của vua Lykomedes ở đảo Sykros. Lúc lớn lên Archilles yêu người phàm, cưới con gái ông ta là Deidameia, sinh một con trai tên Neoptolemos. Theo lời tiên tri: 

- Không có Archilles thành Troya sẽ không khi nào lấy được. Vì thế Odesseus phải lập mưu mới đi hỏi ra được chổ ẩn cuả Archilles và thuyết phục được chàng tham dự cuộc chiến Troya.Ares: Thần chiến tranh, con trai của Zeus và Hera, luôn có hai em gái Eris và Erio trợ lực. Ông ta rất thích cảnh chiến tranh, tàn sát, cướp bóc, hãm hiếp... Nhưng Ares không khi nào ra tay trợ giúp cho một phe nào cả. Lúc thích thì ông theo giúp phe này một lúc, lúc chán ông theo giúp phe kia một hồi, miễn sao có choảng nhau chí choé là ông vui. Tiếng va chạm của gươm, đao là khúc nhạc lý thú, mê ly... Vì thế không thần nào ưa ông cả. Hải vương Posedon kiện ông về tội thích giết người dã man, nhưng ông được trắng án. Ông ta mê thần Vệ-nữ Aphrodite như điếu đổ. Bà này tặng ông được mấy người con, trong đó có Eros (Thần dục vọng) bởi vậy ngày nay ta thấy có nhiều Eros-center? Trong chiến tranh Troya ông ta bị Diomedes (vua xứ Argos) với sự giúp đỡ của thần Athena đánh bại, bắt trói bỏ vào thùng phi mã 13 tháng sau mới được Hermes cứu ra.

Vương quốc Troya (hay Ilion) tọa lạc trên một ngọn đồi cạnh sông Hissarik, Ðông-bắc Tiểu-á với nhiều lâu đài tráng lệ và thành lũy bao quanh thị trấn. Phía dưới thành là thung lũng Skamander, con sông Troya là cửa ngõ giao thương từ biển Marmara ra đến bến thương thuyền Ðịa trung hải.

Vương quốc Troya kiểm soát đường giao thương này nên rất giàu có. Thành lũy kiên cố, binh hùng tướng mạnh. Vị Vua cai trị nước này là Priamos, vợ là Hoàng hậu Hekabe (Cha của Priamos là Laomedon). Lúc ông này lập nước Troy có nhờ thần Apollon (thần hộ mạng của thành) và Hải-vương Poseidon giúp ông xây thành lũy Troya. Xây xong, Laomedon không chịu trả công. Thần Apollon gởi bệnh dịch vào thành để giết dân chúng trong thành, hải vương Poseidon gởi một con quái vật biển khổng lồ gây sóng thần, làm lụt lội để đòi nợ. Rốt cuộc Laomedon phải trả mới được yên). Vua Priamos đã già, ông ta ngoài bà Hekabe ra là mẹ của Hector là một võ tướng rất giỏi, nhiều mưu lược, Paris, Helenos nhà tiên tri, công chúa Cassandra và Polydoros, ông ta còn có rất nhiều vợ lẻ và nhiều con trong đó công chúa Kreusa, công chúa Polyxene, công chúa Ilione, mệnh danh người cao ngạo nhất thành Troya.... Paris là một thái tử rất đẹp trai, lúc có thai Paris bà Hekabe nằm mộng được thần báo:

- Sau này thành Troya sẽ bị mất và bị tàn phá, nguyên nhân sẽ do Paris gây ra!.Ðể tránh thảm họa, sau khi sinh Paris, bà mang Paris lên núi Ida bỏ, nhưng lại được một người chăn cừu tìm thấy mang về nuôi. Paris trở thành tên chăn cừu trên núi Ida. Thần Apollon yêu công chúa Cassandra nhưng nàng không đáp lại tình yêu của Apollon. Tức giận thần ban Công chúa có một năng khiêu về tiên tri rất đúng, nhưng với một điều kiện rất oái ăm là chẳng ai tin.

Lúc vua nước Phthia, địa phận Thessalien, Peleus, làm lễ cưới với Thetis một hải-tiên mà không một thần nào muốn cưới, vì lời tiên tri nói rằng: 

- Bà sẽ sinh một nam nhi, đứa con trai này lớn lên sẽ mạnh hơn cha của nó!, mời tất cả các thần ở núi Olymp tham dự, chỉ thiếu, quên mời nữ thần gây gổ Eris, nên nữ thần tức giận và đòi trả thù. Sự trả thù của nữ thần mang một hậu quả khủng khiếp cho cả thế giới cổ Hy-lạp... Nhắc lại Thetis: Thetis là một hải tiên, hải vương Poseidon muốn tìm một bà vợ thích sống với ông ta dưới đáy biển, Thetis là một hải tiên, còn gì bằng? mới dạm hỏi Thetis. Nhưng khi Poseidon biết được lời tiên tri... Sợ quá, Poseidon bèn hủy bỏ cuộc hôn nhân, vì vậy Thetis mới cưới Peleus là người phàm. Giữa buổi tiệc, nữ thần Eris bí mật ném một trái táo vàng vào giữa bàn tiệc, với hàng chữ: Dành cho kẻ đẹp nhất! lập tức các nữ thần có mặt tại đó bắt đầu gây gổ, cải vã tranh nhau cho mình là kẻ đẹp nhất. Trong đó có ba nữ thần: Hera, Athena và Aphrodite. Chư thần không muốn bầu ai hết sợ mất lòng mỹ thần. Thần Zeus bèn đề nghị:

- Việc này chúng ta nên để một người phàm tục quyết định là hay và công bằng nhất!

Ai nấy đều đồng ý. Thần Zeus bảo con là Hermes dẫn ba mỹ thần đi đến núi Ida, vùng Troas tìm gặp Paris, người đàn ông đẹp nhất, đang chăn cừu, Paris vẫn chưa biết mình là thái tử thành Troya. Ba mỹ thần hiện ra, Paris sợ hết hồn. Hermes mới an ủi chàng:

- Chẳng việc gì phải sợ! mi chỉ cần nhìn, ngắm ba mỹ thần thật kỹ lưỡng xong trao trái táo vàng cho người mà mi cho là đẹp nhất thì xong việc.

Ba mỹ thần ai cũng đẹp, mỗi người một vẻ, chẳng biết chọn ai đây? Mỗi nữ thần đều hứa hẹn sẽ tặng thưởng, nếu được Paris chọn. Nữ thần Hera hứa sẽ cho Paris làm bá chủ Á-châu. Athena hứa sẽ cho sự sáng suốt và biệt tài "bách chiến, bách thắng". Aphrodite hứa sẽ được tình yêu của Helene (một mỹ nhân đẹp nhất thiên hạ, hiện là vợ của vua Menelaos, nước Sparta và cũng là nguyên nhân gây chiến tranh thành Troya). Paris nghe hứa vậy mê quá liền trao thần Vệ-nữ Aphrodite trái táo vàng...Hai nữ thần Hera và Athena không được chọn, thù ghét Paris và giống đực rựa vĩnh viễn.

Cạnh Troya là nước Sparta. Vua Menelaos nước này có một người vợ Helene, sắc nước hương trời thời bấy giờ. Nhắc lại Helene là con gái của Leda và thần Zeus. Với sự giúp đỡ của nữ thần sắc đẹp và tình yêu Aphrodite, Helene chịu để cho Paris bắt cóc đem nàng về Troya làm tình nhân. Nhiều lần Menelaos sai người sang Troya xin trả Helene về, nhưng đều không có kết quả. Vua Menelaos cùng em là Agamenon gửi sứ sang Hy-lạp nhờ vua Hy-lạp giải cứu Helene. Agamenon làm vua xứ Mykene. Helene là em của vợ là Klytaimestra vì một lời thề Agamenon phải thống lãnh đội quân Hy-lạp đi giải cứu chị dâu mình. Hy-lạp thời bấy giờ là một đế quốc mạnh nhất hoàn cầu. Nhưng khi xưa Agamenon có giết chết một con bò thiêng của nữ thần Artemis. Artemis đòi hỏi Herakles (Hercules) giải thích nguyên do vụ Agamemnon giết bò thiêng của mình, phạt Agamemnon phải tế con gái mình là Iphigeneia mới cho dẫn quân đi đánh Troya. Iphigeneia lúc đó đang ở nhà, Odessey khuyên Amgamemnon lập kế triệu Iphigeneia đến Aulis để làm lễ thành hôn với Archilles. Nàng bị bắt để tế thần. Trong lúc tế, Artemis thừa lúc mụ thầy pháp xuất hồn đi gọi Taurier, mới tráo Iphigeneia thay vào đó một con hươu cái. Ở Tauris nàng bị tế, dâng cho tất cả kẻ quen biết của thần Artemis. Ðến lúc gặp hai chàng Orestes và Pylades muốn đánh cắp hình của Armetis đem về giải lời nguyền nhưng việc toan tính không thành, Iphigeneia mới cùng hai người trốn thoát về Hy-lạp.

Sau khi tế con mình Agamemnon mới đem được chiến thuyền ra khỏi cảng Aulis, trực chỉ Troya. Nhận tin cầu cứu cuả Menelaos, vua Hy-lạp cử Odysseus kết hợp với Archilles cùng với một bạn thân tên Patroklos và vài vị tướng khác như tướng lùn Aias, tướng Diomedes, Nestor đi đánh Troya. Vì không thể bị thương nên Archilles là một tướng bất bại của phe Hy-lạp. Archilles dẫn quân Myrmidonen với 50 chiến thuyền đi đánh Troya. Ông ta đánh đâu thắng đó, chiến công lẫy lừng.

Về phe Troya có thành lũy kiên cố do Kyklopen (những tên khổng lồ lũ con quái dị của Uranos và Gaia) xây cùng với sự trợ lực của Poseidon và Apollon. Hoàng tử Hector đích thân giữ thành cùng với Sarpedon, vua xứ Lykien con của Zeus và Europe. Ông ta là một vị tướng giỏi hàng thứ hai sau Hector. Tướng Aeneas con trai của Anchise người Troya và thần vệ-nữ Aphrodite. Aeneas lấy công chúa Kreusa sinh ra Ascanius.

Ðại binh tinh nhuệ với nhiều tướng giỏi vây, đánh thành Troya nhưng không thắng nổi cứ thế quân Hy-lạp hãm thành đến 10 năm nhưng Troya là một nước giàu có, đủ sức nuôi quân, giữ thành, vẫn chẳng làm gì được.

Ðến năm thứ mười vây hãm Troya, Archilles án binh bất động, vì quân Troya khôn ngoan lập kế ly gián được Agamemnon và Archilles. Nguyên do: Agamemnon bắt đựơc người nữ nô lệ rất đẹp Chryseis của Troya giữ làm hầu thiếp. Cha của Chryseis là Chryses cầu thần Apollon giúp, ông này gởi bệnh dịch đến quân Hy-lạp buộc phải trả Chryseis cho Troya. Amgamemnon buộc lòng phải trả lại nhưng bắt nữ nô lệ Briseis, đang làm hầu thiếp cho Archilles, rất được sủng ái, làm của riêng. Archilles nổi giận, không chịu ra quân nữa. Odysseus phải triệu thêm con của Archilles, Neptolemos đến Troya đánh giúp cha. Lợi dụng cơ hội hiềm khích của hai tướng này, quân Troya đột nhập vào được chỗ đậu 50 chiến thuyền của Archilles, đánh phá gây thất tổn nặng nề. Archilles mới cử bạn Patroklos ra trận, dẫn quân Myrmidonen đi đánh Troya. Patroklos giết được tướng Sarpedon, nhưng bị tử vong về tay Hector. Vua Menelaos cướp được thây Patroklos mang về. Archilles đau lòng vì người bạn chí cốt bị tử trận nên nhảy vào vòng chiến để trả thù bạn. Với thân hình không thể bị thương được cùng với bộ giáp và cái khiên thần, Archilles giết được Hector. Giết xong ông bắt 12 đồng nam của Troya và lấy xác của Hector cho xe ngựa kéo chạy quanh giàn hỏa, tế Patroklos. Vua Priamos đem lễ vật dâng Archilles, xin mang xác Hector về chôn. Sau khi Hector bị giết chết, đội nữ binh Amazone đến tiếp sức Troya. Amazon là một nước của đàn bà, ham đánh trận, thích thôn tính rất tinh nhuệ ở Tiểu-á. Ðàn bà Amazon chỉ tha chết cho đàn ông khi chịu làm tình, gây giống cho họ. Con trai đẻ ra đều bị giết sạch chỉ chọn con gái. Nữ hoàng Penthesilia là con gái của thần chiến tranh Ares. Penthesilia giúp quân Troya thủ thành rất đắc lực, nhưng sau cùng nàng cũng bị chết về tay Archilles. Sau này Paris lấy cung bắn Archilles, nhờ thần Apollon yểm trợ, điều khiển mũi tên bay trúng gót chân, nhược điểm duy nhất của Archilles, khiến Archilles bị tử thương. Odysseus cùng tướng lùn Aias lấy được thây Archilles mang về, giữ lại bộ giáp và cái khiên thần, kết cuộc, thành vẫn không chiếm được. Về phần Odysseus, trong suốt cuộc giao tranh đã cùng với Diomedes (vua xứ Argos) bắt sống được tướng Dolon, giết chết Rhesos và chiếm được con ngựa qúi của ông này. Neoptolemos (con trai Archilles) bắt sống được nhà tiên tri Helenos con của vua Priamos. Qua ông này Odysseus biết được với những điều kiện nào sẽ lấy được thành Troya.

Hao binh tổn tướng khá nhiều, cuối cùng Odysseus nghĩ ra một kế cầu hòa với Troya. Cho quân sĩ đóng một con ngựa bằng gỗ thật lớn, bụng bên trong rỗng, đủ chứa 30 tên lính, tặng vua Troya, nói rằng : Ðây là món quà vua Hy-lạp tặng cho dân thành Troya để chấm dứt chiến tranh rồi vờ rút quân đi. Vua Priamos nhận món quà tặng này mặc dù con gái ông là công chúa Cassandra nhờ tài tiên tri, biết được sự thất thủ của Troya, nếu nhận tặng vật này. Hơn nữa pháp sư Laokon đền thờ thần Apollon cũng hết sức ngăn, khuyên vua, dân không nên kéo con ngựa gỗ vào thành. Ông ta phóng một mũi giáo vào bụng ngựa, gián tiếp cho biết có điều không ổn nằm trong bụng ngựa. Nhưng dân quân thành Troya đã chán nản chiến tranh quá lâu, xem tặng vật này là dấu hiệu trời ban, nên không chịu nghe lời của Laokon. "Thiên cơ bất khả lộ!" vì hành động này, pháp sư Laokon bị hai con trăn thần giết chết, luôn cả hai người con trai. Ðến nửa đêm, 30 tên lính Hy-lạp từ bụng ngựa chun ra, mở cửa thành cho quân Hy-lạp đã bí mật quay trở lại, chực sẵn ngoài thành, tràn vào. Thành Troya bị tàn phá, dân chúng trong thành già, nhỏ, lớn bé gì đều bị giết sạch hoặc bị bắt làm nô lệ. Vua Priamos chạy trốn đến đền thờ thần Zeus bị Neoptolemos giết chết. Neoptolemos được thưởng nàng Andromache làm nô lệ. (Andromache là vợ của Hector, con trai hai người này là Astayanax bị quân Hy-lạp xô từ thành cao xuống chết). Em gái Paris là công chúa Polyxene bị Neoptolemos giết chết bên mộ Archilles để trả thù. Sau này ông ta bị giết chết bởi tay vị hôn thê cũ của vợ Hermione là Orestes ở Delphi. Sau khi Neoptolemos chết, nàng kết hôn với em chồng là nhà tiên tri Helenos. Trên bước đường lưu vong, ông ta tạo nên cơ nghiệp ở Epirus. Hoàng hậu Hekabe bị Odysseus bắt làm nô lệ. Ðứa con trai út của bà, Polydoros, trước khi quân Hy-lạp tràn tới hoàng cung được đem gởi cho Polymestor, vua xứ Thakis, chồng của Ilione với vô số vàng bạc quí giá để nhờ ông này đưa con đi thoát thân. Nhưng vì tham của cải, Polymestor giết chết Polydoros quăng thây xuống biển. Hekabe tìm gặp ông ta, làm ông ta chói mắt, và bị vợ Ilione giết. Bà ta cũng bị chết thiêu. Công chúa Cassandra bị tên tướng lùn Aias bắt hãm trong đền thờ nữ thần Athena. Agamemnon lấy nàng làm nô lệ ca khúc khải hoàn mang về Sparta, sau này nàng bị vợ ông ta là Klytaimestra hãm hại. Chẳng bao lâu, Agamemnon bị vợ hoặc người tình nhân của vợ là Aigisthos hoặc cả hai người cùng giết trong một bữa ăn hay trong bồn tắm giặt. Con của Agamemnon là Orestes trả thù lại được cho cha.

Paris bị trúng tên độc của Phioktetes chết. Chỉ có tướng Aeneas nhờ hồn Hector về báo trước và được mẹ Aphrodite che chở, chạy thoát được với Helenos và cả gia đình đem theo được hình ảnh, tượng thờ của xứ mình. Lập ở Ý nước Alba Bonga, chỉ có vợ là Kreusa bị thất lạc trên đường chạy loạn. Về Helene, sau ngày Troya thất thủ vua Menelaos vẫn còn say mê nhan sắc của nàng, không bắt tội, mang về lại Sparta. Helene vẫn được tôn sùng, trọng vọng cho đến lúc chết.

Odysseus lập kế giết tên nịnh thần Palamedes đã châm chọc mình lúc xưa, dẫn 12 chiến thuyền cùng 500 đồng hành còn sống sót về lại Ithaka. Nhưng cuộc hành trình hồi hương này kéo dài đến 10 năm, đầy gian lao nguy hiểm lạc loài trên biển cả. Gặp cô gái phù thủy Circe, yêu nàng ta, được nàng chỉ hướng đi. Lúc thì lạc lối xuống âm phủ gặp tên mù Oedipus dẫn về cõi tối tăm. Lúc thì gặp tên khổng lồ một mắt Polyphem, em của hải vương Posedon bắt nhốt với 12 bạn đồng hành, sau lấy gương làm chói mắt hắn để thoát, làm hắn rơi xuống mỏm núi chết, khiến hải vương giận dữ làm mưa bão, sóng gió nhận đắm hết thuyền bè... Ðến lúc Odysseus về được nhà chỉ còn mỗi ông ta sống sót. Ở nhà, vợ là Penelope bị những tên tìm hoa tán tỉnh, quấy rầy may nhờ con là Telemacos hết sức che chở mới không bị hoen ố. Mười năm chiến trận ở Troya, 10 năm lạc loài trên biển cả! Ðúng như lời tiên tri đã nói: - Hai mươi năm sau Odysseus mới được trở về nhà sum họp gia đình.

CON NGỰA BAY PEGASUS

Ðã kể xong chuyện con ngựa gỗ thành Troya, người viết không bỏ lỡ cơ hội viết thêm vài dòng về con ngựa bay Pegasus (Pegasos).

Perseus con thần Zeus và Danae. Danae là con gái vua Akrisios, nước Argos.

Theo tiên tri nói rằng: - Sau này Akrisios sẽ chết về tay cháu của ông! Vì lý do đó nên ông bắt nhốt con gái Danae xuống nhà ngục u tối dưới hầm, không cho tiếp xúc với một ai. Nhưng tại nơi đây, thần Zeus cũng mò tới được theo giọt nước mưa trên mái ngục nhỏ xuống. Nàng Danae thụ thai ông, đẻ ra Perseus. Arkrisios biết được việc đó, nên bắt cả hai mẹ con nàng bỏ vào một cái hòm mang quăng xuống biển. Sự việc này khiến thần Zeus nổi giận, sai hải vương Poseidon thả con quái vật biến làm sóng thần trừng phạt dân Argos. Một mặt đưa mẹ con Danae an toàn đến đảo Sephiros và được Diktys cứu sống.

Vua Polydektes đảo Sephiros phải lòng Danae, tìm đủ mọi cách để loại trừ Perseus. Ông ta sai Perseus phải đi lấy thủ cấp mụ Medusa mang về, nếu không chàng sẽ không được phép trở về Sephiros nữa. Mọi người đều biết, không ai thoát được cái nhìn của mụ này. Medusa là một trong ba Gorgon gồm Stheno, Euryale và Medusa. Chỉ Medusa là người cốt phàm có thể chết. Gorgon là những con chằng cái, tóc là hàng trăm ngàn con rắn, nhìn ai là người đó sẽ hoá thành đá ngay.

Với sự trợ giúp của nữ thần Athena, Hermes. Perseus nhận được của nữ tiên ba bửu bối gồm một cái mũ tàng hình, một đôi hia ngàn dặm và một cái túi. Ðể tránh cái nhìn của mụ Medusa chàng dùng cái khiên bóng loáng, làm chói mắt Medusa, với mũ tàng hình, chàng tới gần được mụ, vung kiếm chặt đứt đầu Medusa, bỏ vào túi, xong mang đôi hia ngàn dặm vào, tẩu thoát... Lúc Perseus chặt đứt đầu Medusa, từ trong mình mụ nhảy ra Chrysaor và một con ngựa có hai cánh Pergasus. Chrysaor là con của hải vương Poseidon với mụ Medusa. Chém đầu chằng xong chàng giao cho nữ thần Athena giữ, từ đó Athena đi đến đâu cũng mang một cái túi trứơc ngực, trong đó là thủ cấp của Medusa.

Trên đường về lại Sephiros Perseus giải thoát được nàng Andromeda đã bị Poseidon biến hình thành một quái vật và đã bị Medusa hóa thành đá. Con ngựa Pegasus từ lúc bay ra khỏi thân mình mụ Medusa, bay mất dạng, rất khó bắt, nó thuộc loại ngựa thần hoang. Ai lại gần, nó liền tung cánh bay đi. Bellerophontes bắt và thuần được Pegasus là nhờ thần Athena đưa cho một cái rào vàng. Bị rào vàng cản Pegasus không thể bay được nữa. Nhờ Pegasus, Bellerophontes mới thắng được đội nữ binh Amazon giữ thành Troya, giết chết Chimaira, Chimaira xuất thân là một quái thú thân trước có nhiều đầu sư tử, phun ra lửa, khúc mình là dê, thân sau là rắn. Bellerophontes muốn cỡi Pegasus bay lên trời, nhưng bị nó hất xuống. Thần Zeus rất cưng con ngựa thần này. Pegasus mang cho Zeus sấm, chớp mỗi khi ông cần đến.

Sau này Perseus cưới Andromedan (tên một giải ngân hà trong thiên văn học). Ðể cảm tạ Diktys đã giúp đỡ, dung dưỡng mẹ con mình, chàng tặng ông làm vua nước Sephiros rồi cùng mẹ, vợ trở về Argos.Trong một cuộc thi ném dĩa ở Larissa, Perseus vô tình ném trúng chết ông ngoại mình là Akrisios.

Lời tiên tri năm xưa đã linh nghiệm! Perseus nối ngôi ông, trở thành vua nước Argos. Sau này đổi Argos lấy nước Tiryns, thành vua xứ đó và lập thành nước Mykene.

Bùi-Ðăng-Khoa
(Ðức)

Tài liệu tham khảo: