năm ngựa nói chuyện ngựa 

TRẦN QUÁN NIỆM

Từ Ðông sang Tây, hàng ngàn năm nay, trước khi nền văn minh cơ khí lan tràn kể từ đầu thế kỷ thứ 20, ngựa là bạn đồng hành gần gũi nhất của loài người. Tuy liệt vào loài gia súc nhưng ngựa chiếm một địa vị cao quí. Các bộ lạc du mục quí ngựa hơn vợ con (1), và đãi ngộ hết sức đặc biệt; khát uống sữa lạc đà, đói ăn trái chà là và đêm ngủ cùng lều với chủ. Sự giàu có và địa vị trong xã hội của dân da đỏ, được căn cứ trên số ngựa sở hữu. Tại nước nào cũng vậy, ngựa phục vụ hàng vua chúa, tướng lãnh, các nhà quyền quí, các trại chủ, và nổi bật nhất, ngựa được coi như chiến hữu của các tay tráng sĩ. Hình ảnh người tráng sĩ gắn liền với thanh gươm, yên ngựa. Tráng sĩ mà lội bộ chắc chắn là mất cả vẻ hào hùng. Thử hỏi có hình ảnh nào đẹp hơn:

Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in 

Hoặc còn gì hùng tráng cho bằng ý niệm da ngựa bọc thây trong những vần sau đây:

Chí làm trai, dặm ngàn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị, ào ào gió Thu 

Sau tiệc rượu giã từ, chàng sẽ một mình một ngựa rong ruổi đường xa vạn dặm. Ðó cũng là giây phút mà người chinh phụ thầm ghen với con ngựa diễm phúc được kề cận bên chàng:

Ðưa chàng lòng rặc rặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền

Vì kể từ đây, chàng chỉ còn ngựa là bạn đường, ăn ngủ có nhau:

Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn
Giòng nước sâu ngựa nản chân bon
Ôm yên, gối trống đã chồn
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh

mà nguy hiểm cũng có nhau

tên reo đầu ngựa, giáo lan mặt thành.

Một ngày kia chàng lập nên công lao hãn mã, trở về đoàn tụ trong vinh quang, thì hạnh phúc biết bao. Nếu chàng không bao giờ trở lại, nàng đành ôm con, hóa đá đợi chồng trên đầu non.

Văn nhân cũng cần có ngựa. Ngày xuân phơi phới, các nàng Kiều dạo chơi đầy đường, chàng thót lên lưng ngựa lỏng buông tay khấu theo tà tà cho ra vẻ hào hoa phong nhã. Chàng diện đồ vía, và ngựa chàng cưỡi cũng đặc biệt:

Tuyết in sắc ngựa câu dòn
Cỏ pha màu áo, nhuộm non da trời

Ngựa có mặt khắp nơi. Ngựa đưa ông Nghè về làng vinh qui bái tổ
chồng em xuống ngựa cả làng ra xem.

Ngựa tô điểm ngày vui của chàng và nàng
ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau.

Ngựa chia xẻ nỗi vất vả của chủ nhân khi gặp cơn thất thế
vó câu khấp khểnh,bánh xe gập ghềnh. 

Lịch sử nước nhà còn chép truyện Phù Ðổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt phá giặc Ân. Khi lâm trận, ngựa thần phun khói lửa mù mịt, cháy vàng cả những bụi trúc làng Gióng, di tích còn truyền đến bây giờ. Bên trời Âu, con ngựa gỗ Trojan, thành Troie (1574) được nhắc đến như một điển tích về mưu lược trí trá nơi chiến trường, cảnh cáo những kẻ khờ khạo, cõng rắn cắn gà nhà.

Kể từ ngày dân tị nạn lưu vong khắp thế giới, lâu lâu báo chí lại nhắc đến điển tích ngựa Hồ, chim Việt, hàm ý so sánh loài cầm thú còn biết lưu luyến chốn cố hương, nữa là con người sao đành quên quê cha đất tổ. Ðể giúp các bạn trẻ hiểu rõ, xin nói thêm, điển tích này rút ra từ sử sách Trung Hoa, ghi chép rằng loài ngựa thuc rợ Hồ ở phương Bắc đem cống nước Tàu, loài ngựa này quen sống ở vùng thảo nguyên gió lộng nên mỗi khi mùa gió Bấc thổi, chúng lại cất tiếng hý ai oán. Tương tự, chim Việt, cũng là phẩm vật triều cống từ phương Nam, luôn chọn cành ở hướng Nam mà làm tổ. Hồ mã tê Bắc phong. Việt điểu sào Nam chi.

Tại Việt Nam ngựa dùng để cưỡi hay kéo xe, trâu bò mới kéo cày, nhưng ngựa Âu, Mỹ rất to khoẻ, lại dùng để kéo cày. Thế mới biết, chân lý ở bên này dãy núi, sang đến chân núi bên kia lại khác hẳn. Cũng như dân ta và dân Mỹ chê thịt ngựa, dành làm thức ăn cho súc vật, trong khi dân Âu Châu lại cho là món ăn tuyệt hảo. Tuy nhiên mấy chuyện đó xin để dành hồi sau, bây giờ hãy nói về lịch sử loài ngựa.

LỊCH SỬ 

Theo các nhà khảo cổ, ngựa có mặt trên quả địa cầu từ 50 triệu năm nay. Mới đầu nó chỉ nhỏ như con nai, tên khoa học là Eohipus, có khả năng chạy rất nhanh để thú dữ khỏi ăn thịt. Theo thời gian nó thay hình đổi dạng để thành con ngựa như ta thấy ngày nay. Con người chỉ xuất hiện mới hơn 3 triệu năm, nhưng với trí khôn hơn mọi loài, nên bắt ngựa làm gia súc.

Không ai rõ con ngựa đầu tiên trở nên nô lệ cho loài người vào giai đoạn nào và trường hợp đó xẩy ra như thế nào, nhưng điều người ta biết chắc là nhờ ngựa mà văn minh nhân loại lan tràn rộng rãi, và cũng nhờ ngựa mà mộng chinh phục các quốc gia lân cận của các vị lãnh chúa hiếu chiến mới thực hiên được. Khoảng năm 700 sau Tây lịch, nhà tiên tri Mohammed tin tưởng mình là truyền nhân của đấng Allah, có nhiệm vụ rao giảng đạo Hồi cho nhân loại. Nhưng có điều ông ta chọn cách rao giảng đầy máu lửa bằng cách dẫn đoàn kỹ mã Ả Rập dẫm nát Âu châu, chinh phục nhiều quốc gia. Kẻ bại trận chỉ có một lựa chọn "theo Allah hay là chết". Ðế quốc Ả Rập rộng lớn tới bờ Ðịa Trung Hải, rồi tràn sang Phi Châu, bao gồm cả Tây Ban Nha. Trước khi đế quốc này sụp đổ, Tây Ban Nha bị người Hồi cai trị cả trăm năm, nhờ đó ngựa Ả Rập pha giống ngựa Tây Ban Nha thành một giống ngựa tốt, là tổ tiên của ngựa Mỹ Châu, như sẽ nói tới sau này.

Mấy trăm năm sau, Thành Cát Tư Hãn lãnh đạo nguyên bộ lạc rong ruổi trên lưng ngựa, chinh phục gần hết nước Tàu, Tây Hạ, Triều Tiên, Ba Tư, Ấn Ðộ, Thổ Nhĩ Kỳ và một phần Nga Sô, từ Âu sang Á. Lính Mông Cổ nổi tiếng về tài cưỡi ngựa, suốt ngày trên yên ngựa không biết mỏi mệt, khát uống máu ngựa, đói ăn thịt ngựa. Cũng như nổi tiếng về sự hung bạo, hiếu sát, người ta loan truyền là vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu cỏ cũng không mọc nổi. Dân chúng Âu Châu kinh hoàng trước đoàn kỵ mã Mông Cổ đến nỗi mệnh danh là horses from hell. (đoàn ngựa từ địa ngục) reo rắc chết chóc máu lửa khắp cõi Á và Âu Châu, tuy nhiên đoàn quân bách chiến, bách thắng này hai lần tràn qua xâm lấn nước Việt tý hon đều thảm bại nặng nề. Lần thứ nhất vào đời nhà Trần (1288). Danh bất hư truyền, lúc đầu quân kỵ mã Mông Cổ tiến như vũ bão, khiến quân ta thua chạy dài. Nhưng rồi với tài điều binh khiển tướng thần sầu của Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn, quân Nam dùng mẹo đánh tan quân Mông Cổ tại sông Bạch Ðằng. Trên bộ danh tướng Phạm Ngũ Lão tiêu diệt đoàn quân kỵ của Thái Tử Thoát Hoan và tùy tướng bằng lối phục chiến. 

Lần thứ hai, vào đờI nhà Lê, quân nhà Minh lại tiến đánh nước ta, dưới sự chỉ huy của tướng Vương Thông, nhưng cũng bị ta vây khổn ở Ðông Ðô. Viện binh hùng hậu do Liễu Thăng chỉ huy gồm 10 vạn quân và 2 vạn ngựa. Trước thế giặc mạnh, Bình Ðịnh Vương Lê Lợi dùng chiến thuật "dĩ dật đãi lao" (lấy khoẻ đánh mệt), áp dụng du kích chiến và phục binh đánh tan quân địch. Ta hãy đọc đoạn trích dẫn sau đây từ Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim "Ngày 18 tháng 9, quân Liễu Thăng đến gần ải Chi Lăng. Lê Sát sai Trần Lựu ra đánh rồi bỏ chạy. Liễu Thăng mừng lắm, chỉ đem 100 quân kỵ đuổi theo, bỏ đại đội quân mã ở lại sau. Ðuổi được một đoạn, phải chỗ bùn lầy, ngựa đi không được. Phục binh ta đổ ra đánh, chém được Liễu Thăng ở núi Ðảo Mã Pha (tục gọi là Gò Té Ngựa, bây giờ là Mã Yên Sơn ở làng Mai Sao, thuộc Ôn Châu). Việc ấy vào ngày 20 tháng 9 năm Ðinh Vị."

Trở lại chuyện ngựa, nhờ sự bành trướng của đế quốc Hồi giáo và Mông Cổ, giống ngựa lan tràn khắp thế giới, trong đó ngựa pha máu Ả Rập và Tây Ban Nha được gây giống ở các nước Âu Châu, còn ngựa Mông Cổ thì ở Á Châu.

Giở trang sử Mỹ Châu, có thể nói không sợ sai lầm là chính ngựa đã chinh phục miền đất mới này. Năm 1518 một nhà phiêu lưu người Tây Ban Nha tên Don Hernando Cortés dẫn một toán quân nhỏ và 16 con ngựa đổ bộ lên Mễ Tây Cơ với mục đích tìm vàng. Khắp Mỹ Châu thời đó không có bóng dáng một con ngựa. Vì thế dân da đỏ thấy lính Tây Ban Nha cưỡi ngựa, đâm ra sợ hãi, tin tưởng người và ngựa là một con quái vật, đầu người mình ngựa, dữ dằn kinh khủng, ăn thịt người. Do đó dù quân số đông gấp bội, nhưng đành chịu đầu hàng. Cortés viết biểu về tâu vua Tây Ban Nha "Nhờ trời phù hộ, nhưng chính ngựa đã chiến thắng trận chiến này". Một con ngựa của Don Hernando Cortés, tên Morzillo, được dân da đỏ thờ là vị thần sấm, chớp.

Chúng ta coi xi nê thấy dân da đỏ cưỡi ngựa như bay, thật khó mà tin nổi, đã có một thời dân da đỏ sợ ngựa như vậy, dù rằng sự kiện đã ghi rõ ràng trong sử sách. Sau này họ học lóm cách cưỡi ngựa của người Tây Ban Nha, xử dụng ngựa để săn bắn và chống lại người da trắng một thời gian. Sau nhiều trận đánh, người Mỹ nhận thấy ngựa là một khí cụ lợi hại của người da đỏ, do đó có lệnh tiêu diệt cả người lẫn ngựa. Ðiển hình, năm 1874, Ðại Tá Ronald McKenzie, chỉ huy đoàn kỵ binh thứ IV, đã thảm sát toàn bộ lạc Kiowas và 1,400 con ngựa. Ôi, luật đời mạnh được yếu thua. Ðã chiếm đất còn đánh giết cả chủ nhà.

Sở trường và sở đoản

Sở trường của ngựa là chạy. Chúng ta thường nghe mấy ông ba Tàu nói dóc "thiên lý mã" là con ngựa ngày chạy ngàn dậm. Thật ra tốc độ cao nhất của ngựa độ 30 miles một giờ, tương đương 45 cây số. Ðó là nói về ngựa đua, chạy hết sức vài ba vòng là về tới đích, ăn giải. Nhưng đường dài mới biết ngựa hay, trên đường trường ngựa chạy trung bình 15 đến 20 miles một giờ, chạy chừng vài tiếng là đã mệt nhoài. Bằng chứng là toán kỵ mã thuộc hãng thư hoả tốc Pony Express, vào thời lập quốc của Mỹ, phải đổi ngựa thường xuyên mỗi một trăm dậm để đem thư tốc hành, trên khoảng đường 2,000 dậm từ Missourie đến San Fransisco (thời đó xe lửa chỉ chạy từ miền Ðông tới Missourie là hết đường). Ngoài khả năng chạy, ngựa chỉ còn món tự vệ độc nhất là đá. Ðá hậu. Món võ này chẳng có biên chiêu gì cả, cũng như Trình Giảo Kim chỉ có ba búa gia truyền, không đánh thắng được kẻ địch thì huề cả làng hay đánh bài tẩu mã có nghĩa là chạy (Quất ngựa Truy Phong cũng có nghĩa là chạy, nhưng kiểu chạy này khác, ai không rõ xin hỏi anh chàng Sở Khanh). 

Cổ Học Tinh Hoa kể chuyện người bà con của ngựa là anh lừa ở đất Kiềm (Kiềm lư), mỗi lần hổ tới chỉ ra chiêu có một ngón cước, riết rồi hổ biết tẩy, không thèm sợ, mà vồ lấy ăn thịt. Tuy nhiên chớ coi thường mà nguy. Món đá hậu này không hiệu quả khi áp dụng với thú dữ to lớn như hùm, beo, sư tử... nhưng đối với con người yếu đuối thì cũng lợi hại lắm. Lơ mơ vỡ mặt như chơi. Do đó đừng có dại mà lẩn quẩn sau đuôi nó, nó tưởng bạn muốn mó dế ngựa, phóng ra một đá bất chợt, thì nguy to. Chẳng thế mà ngày xưa các cụ có câu mồm chó, vó ngựa là có ý nhắc chúng ta nên đề phòng. Nhất là gặp loại ngựa tơ, lại càng phải đề phòng lắm lắm, vì ngựa non háu đá mà. Bị ngựa đá, dĩ nhiên là vừa đau, vừa tức, đau như ngựa đáhay tức như ngựa đá. Có lẽ cũng đau đớn thấm thía, như bị người yêu bỏ đi lấy chồng, vì sau này các chàng trai thường than thở với bạn là "bị bồ đá", mỗi khi tình yêu gãy gánh. Trường hợp này các chàng thở dài thườn thượt, buồn rầu mặt dài như mặt ngựa vậy.

Còn sự thông minh của ngựa thì sao? Dựa trên đồ biểu của các nhà khoa học, ngựa không khôn bằng khỉ, voi và chó, nhưng hơn hẳn loài mèo và bò. Ðiều này mới nghe thật khó tin. Chả lẽ ngựa chỉ khôn hơn bò thôi sao? Bề ngoài trông ngựa có vẻ tinh nhanh hơn nhiều, giúp người đủ mọi việc, nào kéo xe, nào kéo cày, chạy đua, dùng để cưỡi và đánh trận. Các nhà khoa học giải thích rằng, về sự thông minh, ngựa không hơn các loài khác, nhưng có điểm đặc biệt các loài khác không có, là khi học được điều gì, không những nó nhớ mãi mà còn truyền cho con cháu như một yếu tố di truyền. Thí dụ con cháu của ngựa chiến, dễ huấn luyện thành ngưạ chiến hơn con cháu của ngựa kéo xe, hoặc ngựa cưỡi. Ra trận dù nghe súng nổ, gươm đao va chạm nhau, ngựa chiến cũng không sợ, và còn biết tiến thoái nhịp nhàng ăn khớp với các thế đánh. Câu ngưạ quen đường cũ đề cập đến một khía cạnh về sự thông minh của ngựa. Nhưng ai từng ở thôn quê thì thấy trâu bò cũng biết tìm về chuồng mỗi buổi chiều. Và oái oăm thay, câu này thường ngụ ý không tốt đẹp, áp dụng phần lớn là để ám chỉ các bà các cô hư hỏng, chứng nào, tật ấy, không sửa chữa được. Cũng như mấy bà mẹ thường mắng con gái đồ đĩ ngựa vì ngựa cái đến cơn động đực, quậy dữ lắm, chạy long sòng sọc để tìm tình... mã.

Ngựa và người

Thông thường chúng ta lầm tưởng ngựa sinh ra để người cưỡi. Thật ra Tạo Hóa không sinh ra loài này với mục đích làm nô lệ cho loài kia. Vì thế bẩm sinh ngựa thích tự do chạy nhảy, không muốn bị người khóa mồm, khớp mõ, cột dây, rồi nhảy lên lưng, điều khiển đi đây, đi đó, kể cả ngựa sinh ra tại các nông trại (để phân biệt với ngựa hoang).

Có hai cách huấn luyện ngựa. Một chậm và một nhanh. Phương pháp thứ nhất là bắt đầu huấn luyện ngựa con khi nó mới đẻ vài tháng. Vì còn nhỏ nên nó không sợ người mấy, khi bị cột dây dắt đi vòng vòng. Ðộ ba năm, ngựa mang yên ít lâu cho quen, rồi từ từ học những bài học đầu tiên, tuỳ theo loại ngựa, để cưỡi, kéo xe, đánh trận hay đua. Năm thứ tư trở đi, ngựa bắt đầu làm việc được (ngựa sống trung bình 20 năm). Phương pháp thứ hai, đợi ngựa lớn cỡ 4, 5 năm mới bắt đầu tập. Cần có hai người thật khoẻ giữ ngựa đứng yên, trong khi người khác đặt yên lên lưng ngựa và cột giây cương. Khi tất cả đã xong, người tập ngựa nhảy lên yên, khi ngựa được thả lỏng. Dĩ nhiên ngựa sẽ nhảy dựng lên để hất người xuống, nếu không được, nó chạy dài dài cho tới khi mệt nhoài. Một vài lần như vậy, ngựa sẽ quen đi, trở nên thuần tính, bằng lòng phục vụ loài người. Ðó là với loại ngựa đã được loài nguời nuôi từ lâu, còn với ngựa hoang, sức kháng cự dữ dội hơn nhiều, thường phải bỏ đói ít ngày rồi mới tập, và dĩ nhiên là tốn nhiều thì giờ hơn. Không phải ngựa nào cũng chịu thúc thủ khi bị huấn luyện. Có những con bướng bỉnh hơn, nhất định hất văng người cưỡi bằng mọi giá. Loại ngựa này, ta kêu là ngựa chứng hay ngựa bất kham hết hy vọng huấn luyện, nhưng lại được xử dụng trong các cuộc cưỡi ngựa thi (rodeo) cốt để thử tài mấy chàng cao bồi, thường huênh hoang ta đây là kỵ mã thứ thiệt. Ðối với ngựa chứng, chàng nào ngồi vững trên yên 10 giây mà không ngã, được kể như ăn giải. Ngựa chứng có thể do bẩm sinh, hoặc vì lý do bất thường nào đó, tự nhiên dở chứng.

Muốn cưỡi ngựa không phải khơi khơi nhảy lên lưng ngựa, cầm cương cho chạy là được đâu. Có ngày ngã sặc máu mũi. Phải học, như học lái xe vậy. Ngày trước khi ngựa còn thịnh hành, con nít học cưỡi ngựa tại gia. Ðến tuổi hơi lớn một chút, một ngày đẹp trời nào đó, ông bố sẽ dẫn cậu con trai ra sân tập cưỡi ngựa, giống hệt các ông bố thành thị ngày nay, hì hục chạy theo tập xe đạp cho con vậy. Còn bây giờ, ngựa trở nên hiếm hoi, muốn học phải đến các hội kỵ mã, hay một trại ngựa nào đó, trả tiền để học. Ngày nay, Hoa Kỳ không còn duy trì đoàn quân kỵ mã, nhưng thời trước, kỵ mã được gửi đến trường huấn luyện ở Fort Rilley, Kansas, để trau dồi môn cưỡi ngựa. Hiện nay trường này vẫn còn được duy trì, nhưng chỉ dạy những người muốn xử dụng ngựa trong các môn thể thao như đánh Polo, đi săn hay cưỡi ngựa thi tại Thế Vận Hội Quốc Tế.

Kể cả những kỵ mã giỏi nhất, đôi khi vẫn ngã ngựa như thường. Cựu Tổng Thống "cao bồi" Reagan, chuyên cưỡi ngựa rong chơi, có khá nhiều năm kinh nghiệm, mà còn ngã bể đầu, phải đi nhà thương giải phẫu nữa là. Gần hơn nữa, tài tử đẹp trai Christopher Reeve, đóng vai Superman, té ngựa gẫy cổ, bán thân bất toại cho đến bây giờ. Ngã ngựa là thất thế, cho nên người xưa thường nói người quân tử không đánh người ngã ngựa và gọi đó là tinh thần mã thượng. Và kẻ thắng thế được gọi là ở thế thượng phong (xin chớ lầm với thượng mã phong mà nguy to).

Mã đáo công thành

Ở đoạn trên có đề cập đến loại ngựa hoang (mustang, do tiếng Tây Ban Nha mesténo mà ra). Thật ra nó không hoàn toàn là ngựa hoang như giống ngựa hoang ở Á Châu, mà là con cháu của đàn ngựa đầu tiên người Tây Ban Nha mang sang châu Mỹ, khoảng thế kỷ thứ 16. Sau khi định cư được ít lâu, di dân Tây Ban Nha không chịu nổi khí hậu vùng đất mới, lại bị da đỏ tấn công nên đành rút về. Ðám gia súc mang theo, trong đó có ngựa, trở thành thú hoang, sinh sôi nẩy nở đông vô số kể. Gần một trăm năm sau, khi người Âu Châu quay lại Mỹ khẩn hoang thì ngựa chạy hàng đàn, có đàn cả chục ngàn con. Hình ảnh đàn ngựa hoang, tung bờm sải nước đại, bụi cuốn mù trời, là hình ảnh tượng trưng cho đời sống tự do phóng khoáng, như thường thấy vẽ trên tranh Tàu. Ðôi khi họa sĩ Tàu còn vẽ đôi ngựa phi nhanh trên đường, tượng trưng cho lời chúc "mã đáo công thành", để thiên hạ mua và tặng nhau trong những dịp cần chúc tụng.

Ngựa trong thời hiện đại

Năm 1918, nước Mỹ có cả thẩy 29 triệu con ngựa. Năm 1960, con số này chỉ còn 3 triệu . Ðó là do ảnh hưởng của nền văn minh cơ giới bắt đầu từ thế kỷ thứ 20. Xe hơi, xe máy cày, xe vận tải thay thế lần lần cho xe kéo bằng sức ngựa. Tuy nhiên cho đến ngày nay, đơn vị của sức kéo vẫn là "mã lực", kể cả sức đẩy của hỏa tiễn phóng phi thuyền không gian. Trong trí óc con người, hoài niệm về ngựa vẫn còn mênh mang. Iacocca đã bắt mạch đúng tâm lý quần chúng Mỹ khi chọn tên Mustang cho chiếc xe thể thao do ông vẽ kiểu, bán chạy như tôm tươi, và đưa ông lên địa vị giám đốc hãng Chrysler, sau khi từ giã hãng Ford. Sau Mustang, thấy ăn khách, Ford tung ra một loạt nào Bronco I, rồi Bronco II (ngựa chứng), rồi Pinto (ngựa lang), rồi Colt (ngựa tơ), trong tương lai có thể còn nhiều nữa.

Ngày nay đời sống con người không lệ thuộc nhiều vào sức ngựa, ngoại trừ một nhóm thiểu số, cuộc đời, danh vọng, sự nghiệp, tiền tài vẫn gắn liền nơi vó ngựa. Ðó là những người chuyên nuôi ngựa đua, và những người tìm thú say mê nơi chốn trường đua, mà mỗi lần ngựa về ngược là mỗi lần xính vính.

Những ngày mùa Thu trên đất Mỹ quá đẹp, xin chúc quí vị tận hưởng, vì cuộc đời vốn ngắn ngủi, phù du, tựa "bóng câu qua cửa sổ" và những được mất hơn thua nào có khác gì "Tái ông mất ngựa". Những người không hay câu tri túc, suốt đời lặn lội bôn ba, cũng như kẻ cưỡi ngựa xem hoa, đến chặng đường cuối, buông xuôi tay trắng, có tiếc cũng đã muộn màng.

Thế nên đời nay có thơ rằng:

Ðời người như bóng câu qua
Một hơi không kịp vào ra, chết rồi
Hơn thua chi nữa khổ đời
Tìm nơi thanh tịnh, thảnh thơi kiếp nhàn.

Trần Quán Niệm