Một Chuyến Hồi Hương 

Nguyễn Thế Giác

Trở về quê hương là cả một động lực không ngừng kích thích trong trái tim háo hức lâu ngày. Ðộng cơ đó có khác nào chiếc lò xo dồn nén từ bao nhiêu năm qua tạo thành một sức ép, áp xuất ấy chỉ chờ cơ hội thuận tiện sẽ vượt khỏi sự kiềm hãm của con đê thể diện hờ và đập nước liêm sỉ hão vây quanh khối óc bị thương tổn dặt dồn, từ ngày giòng Bến Hải nổi lên những con sóng bạc đầu nhận chìm chuyến đò bên này vĩ tuyến 17 chở đầy ắp những tâm hồn có thừa tình tự dân tộc, không thiếu bản lĩnh nối vòng tay lớn với người có cùng hoàn cảnh gieo neo nửa muốn theo cha, nửa chiều lòng mẹ. Cuối cùng chung qui cũng chỉ vì mặc cảm mang nặng vết tích một đoàn quân chiến bại, bị lưu đày... đành làm loài chim Việt ray rứt nhớ phương Nam! (Việt điểu sào Nam chi). 

Những chuyện đau lòng đó, chắt chiu từ một dĩ vãng ngút ngàn, bỗng dưng trở thành thứ lá chắn tâm lý tiêu cực, một chiều. Vẫn biết tự ti mặc cảm chỉ ôm lấy niềm khổ hận vào người, nhưng cũng đã làm chùn bước cho những kẻ ưu tư đến vận nước không ít, mãi cho đến hôm nay đỡ ray rứt phần nào, chỉ vì thế hệ nối tiếp may mắn thấy được ít nhiều công lý qua vùng ánh sáng le lói cuối đường hầm, để hóa giải cho một triệu một trăm ngàn tay súng bị hàm oan: Ðầu hàng trước địch quân! 

Ðiều đau buồn nhất là giữa những kẻ cầm cờ trắng đó có người cha chúng nó là một trong những bị can trước vành móng ngựa gia đình, cha mình cũng đã từng miệt mài dun rủi sau những hy sinh cao cả nhất của một đời làm lính chiến cầm súng bảo vệ trên mỗi chặng đường quê mẹ qua nhiều cuộc binh biến lẫy lừng.

Nhìn lại bằng nhãn quan vô tư với nhiều dữ kiện, phải chăng lối về là cả một sa bàn của người yêu nước có trái tim rất Việt Nam, chắc chắn mang trong người giòng máu của cha ông từ: Ðinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn hun đúc, đầy chân thành và giàu lòng quả cảm? 

Vâng, chính nó đã thôi thúc, đôi khi dịu dàng như một lời vỗ về của con nước mùa thu ôm lấy mạn thuyền, rồi cũng có lúc bộc phát dữ dội, còn hơn sóng vỗ trùng dương, lôi cuốn tôi không khác cơn lốc xoáy đẩy bầy lá vàng tơi tả muôn phương, những lúc đó tôi cơ hồ muốn quyện theo chiều gió, chỉ vì ngày hạ đỏ năm xưa bừng lên sức nóng, tưởng chừng thiêu chột mầm hy vọng đầy hoa hồng trên lối về cố quốc, mà suốt thời gian dài từ ngày lầm lũi ôm cả khối hận thù bỏ nước ra đi làm kiếp người không còn Tổ Quốc để thừa tự, chẳng có một tấc đất để cao rao. 

Hăm sáu năm dài đằng đẵng, từng giờ... từng phút... âm thầm trôi qua trước sự dửng dưng của những kẻ bán đứng linh hồn cho một thế lực luôn vỗ ngực tự hào: Yêu Tổ Quốc là yêu Xã Hội Chủ Nghĩa! Ác nghiệt thay, những vi khuẩn đó đã bao phen làm cho dân tộc điêu đứng, đất nước què quặt, xã hội lầy lụa... thế mà giữa lòng Cộng đồng Người Việt Lưu Vong Hải Ngoại còn ngụy trang thân phận tôi đòi của mình, hụp lặn trôi theo giòng cuồng lưu trái mùa, phá vỡ con đê dân tộc, tiếp tục gây phân hóa giữa những người đã một thời có cùng tâm hồn đồng dạng. 

Trong lúc đó, cũng không thiếu gì những nhân tố tích cực, nhưng nhìn lại vốn liếng trong tầm tay mình, chỉ còn biết thở dài tượng hình một dấu tán thán từ trong suốt giòng ngôn ngữ tị nạn, nên mãi kiên nhẫn bấm đốt ngón tay khẳng khiu, nằm dài người mỏi mắt chờ ngày hồi hương trong danh dự, để được khiêm nhường chụp lấy chút hạnh phúc cuối đời vun vội vào lòng kẻ bơ vơ lưu lạc, chỉ mong nối kết vòng tay dở dang với những người đồng chủng đã từng chia sớt một phần tế bào của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ, thứ đến hàn gắn những đổ vỡ tâm linh với mảnh đời tang thương, sống nhọc nhằn làm thân giây leo của kiếp cây Chùm Gởi. 

Thời gian miệt mài dun rủi, trái đất tưởng chừng mỏi mòn trong vòng thái dương hệ và người cầm bút cũng cảm thấy dài lê thê cho một tâm hồn văn nghệ sĩ ứa nước mắt vừa đau thương, vừa thù hận, vừa ngậm ngùi... cho quê hương bất hạnh. Trên hầu hết những đứa con tinh thần của họ không thiếu vắng bóng dáng của người làm văn học giàu truyền thống và chân chính, hơn bao giờ hết xem giải giang sơn gấm vóc là công trình đã một thời cần cù, nhẫn nại của tiền nhân từ ngày lập quốc đến nay. 

Tôi cũng không tránh khỏi cái thường tình nhạy cảm linh động ấy. Ðôi khi chính mình đã trừu tượng cảnh trả thù, hà khắt, bẽ bàng... trộn lẫn cơn đau nghiệt ngã chảy miệt mài qua những giòng cảm nghĩ, rồi trang trải trên trang giấy nhạt nhòa, nhưng có điều lúc nào hầu như cũng tưởng tiếc đến một quê hương bất hạnh, bị kẻ phô bày ngụy ngữ Huynh đệ Tương Kính làm chiêu bài, rồi dùng cường lực và mưu mô xảo quyệt, bắt buộc những người ngã ngựa tháng tư không được thừa nhận mảnh đất chôn nhau qua nhiều hình thức tinh vi, đã thế còn dựng lên những chiêu bài nào Giao Lưu, nào Hợp Nhất, nào Về Nguồn... vượt biên giới với xảo thuật nối lại nhịp cầu hậu chiến, nhưng cùng lúc đó ra lệnh đội ngũ văn hóa, văn công nô dịch thuộc loại ngoan ngoãn sáng tác theo toa đặt hàng, phục kích sẵn chờ kẻ qua cầu ra tay rút nhịp, như thế có khác gì mai phục nguồn văn học Hải Ngoại, gián tiếp không cho những suy tư ngoài qũy đạo Xã Hội Chủ Nghĩa hội nhập vào giòng sinh mệnh dân tộc. Cuối cùng hàm ý chỉ để những kẻ thiết tha đến tiền đồ rủi trái chân tiếp tục lỡ bước, chết dần... chết mòn... trên phần đất mà Người Việt Lưu Vong chưa hơn một lần đổ mồ hôi và nước mắt vun quén.

Lắm lúc những khi buồn, ngồi nghĩ về đất nước hẩm hiu, trải qua biết bao phen tương tàn cốt nhục, tôi nhủ với lòng, dù gì nước mắt cũng chảy xuôi, người xưa còn cắn hạt muốilàm hai cho bầy con trăm đứa, vì nặng lòng đến sự liên đới hoang đường xa xưa ây, lòng tôi chùng xuống vùng vị tha trong khối lý tưởng da vàng, tóc đen, mũi tẹt, cho nước mắt tiếc thương đổ đầy đôi má héo hắt, len lỏi theo giòng thời gian hững hờ, những mong ghi đậm nét cho một chuyến hồi hương có nhiều ý nghĩa của một người con lúc nào cũng trăn trở nhớ về đất mẹ, lúc nào cũng dõi mắt cuối trời, dù biết nghìn trùng xa cách. 

Thế là biết bao kỷ niệm buồn, vui từ ngày đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Kìa là đường băng quen thuộc thuở nào trải dài như mở rộng linh hồn, rồi ôm gọn con chim sắt từ từ chậm chạp đi qua, tôi rảo mắt tìm mãi những ngọn đèn xanh mầu nước biển chạy dọc theo phi đạo đánh dấu giới hạn, nay không còn nữa. Có lẽ cả một thời gian dài Nhà Nước dùng chính sách bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài chăng? Vốn biết một khi đỉnh cao trí tuệ nghĩ rằng những gì liên quan đến hàng không đã coi là xa xí phẩm cặn bã còn sót lại của bọn tàn dư tư bản. Ðất nước chẳng chịu trùng tu thì làm sao tồn tại với thời gian? Càng nhìn càng buồn cho thế thái nhân tình, nhưng bù vào đó những ngọn cỏ cao phả đầu xôn xao nhảy múa, như vẫy tay chào bóng dáng kẻ thân quen trở lại. Trước cảnh cũ người xưa dĩ nhiên bồi hồi có, xúc động có, háo hức có... và lo sợ lòng người tráo trở cũng không thiếu, ắt hẳn mọi cái có cũng như âu lo thập thò bò qua bờ cảm giác tạo thành một chấn động đồ với niềm xao xuyến vô biên, ai tinh ý hoặc cùng trạng huống cũng có thể đọc được trong tâm tư ăm ắp niềm thiết tha, lo lắng của người Hải Ngoại hồi hương sau cuộc biển dâu dài đằng đẵng. 

Từ đó lòng mình không sao tránh khỏi những cơn sóng vô tình len lỏi vào tận cùng tâm thức, ký ức tôi mở rộng, để cho bầy kỷ niệm vụt đứng lên giữa chút không gian nhỏ bé, đã giam hm nhiều ước vọng lâu ngày, đôi khi những ai, ái, ố, hỉ, nộ, lạc, dục ấy cũng đã từng biểu đồng tình mở cửa cho hận thù lai láng chảy trong tâm hồn vốn dĩ dễ cảm xúc, tất cả những dữ kiện ấy lúc nào cũng muốn nhảy vọt ra ngoài bày biện cho vơi đi nỗi nhớ, làm giảm bớt phần nào chút thương tâm, từ ngày những kẻ mang nhãn hiệu giải phóng nhân dân miền Nam động binh xâm lấn đến giờ. 

Mãi xao xuyến với những phũ phàng không ngớt đe dọa, quên bẵng tiếng động cơ ngừng hẳn từ hồi nào, nhân viên phi hành tưởng chừng cũng vui trong niềm vui của chúng tôi, nên niềm nở mở cửa và vồn vã lời chúc tụng, vùng trời quê hương lùa vào đôi mắt thèm khát được nhìn lại mảnh đất quen thuộc, mà một thời bạn bè cũng như Chiến Hữu của tôi đem cả sinh mệnh đểâ bảo vệ, tôi say sưa trong im lặng, đứng ngây người như thiếp sâu vào một giấc chiêm bao sau cơn ngủ muộn, giữa trưa mùa hè ở vùng nhiệt đới nào đó, chợp mắt mới biết mình đang đứng trên phi trường Tân Sơn Nhất, phi cảng mà trước đây ngót ba mươi năm mỗi lần máy bay đáp xuống phi đạo, tôi không thấy xao xuyến gì cả, tôi nhớ rõ rành rành, ngày đó võng mô yên chí quét qua một vòng, nhận diện phố phường quen thuộc, cúi đầu cảm ơn đấng thiêng liêng đã che chở cho cánh chim bằng an toàn trên giòng không lưu chi chít mắc cửi, rồi chỉ việc mang hành trang lên xe bus lầm lũi chen chân giữa lòng người xuôi ngược đến trại Tiếp Liên, ngồi thở phào... hít thở chút không khí Sài Gòn, chờ hút xong điếu thuốc và gọi taxi về nhà, giản dị đến thế, không có gì phải nghĩ ngợi, phải bận tâm suy tư!

Hôm nay khác hẳn, có lẽ khoảng không gian bặt thiệp làm tôi chẳng nhìn ra những gì còn lại của ngày trước, dẫu biết thời gian cũng đã xa lắc... xa lơ, vật đổi sao dời làm sao tránh khỏi. Chân vừa khập khễnh bước xuống bậc thang cuối cùng, lòng tôi bỗng dưng rưng rưng khi chạm phải mặt đất quê hương, tôi cố gắng nén lòng cho khỏi vỡ òa lên tiếng khóc, lững thững bước, đầu óc quay cuồng cố bình tâm chứng minh có sự khác biệt nào giữa hai điểm đến? Nhưng tuyệt nhiên không! Hai điểm đến vẫn là phi trường Tân Sơn Nhất, đường bay Quốc Tế nổi tiếng của Thủ đô Sài Gòn được người ta trân trọng đặt tên Hòn Ngọc Viễn đông dạo nào, chỉ khác nơi khởi hành và thời gian thế thôi! 

Ngày trước tôi lên tàu từ một địa phương trên quê hương yêu dấu của mọi miền đất nước, nơi đã cưu mang tôi từ lúc sinh ra đến thủa thiếu thời, lớn lên nổi trôi với vận mệnh thăng trầm qua mọi biến cố lịch sử và thời đại, tôi biết thật nhiều những địa danh nổi tiếng, suốt thời quân ngũ rày đây mai đó của một quân nhân mang nặng nghiệp dĩ chiến trường, ngày ngày chỉ biết trang bị niềm vui với đầu súng nở hoa, những mong chận đứng bước tiến địch thù.

Bây giờ tôi được đáp máy bay từ bên kia bán cầu, hai Quốc Gia đã là cựu thù một thời, cách nhau khoảng chừng hăm ba hăm bốn tiếng đồng hồ, bao nhiêu múi giờ, nghĩa là khung trời quê mẹ chập choạng vào đêm, thì bên đất tạm dung của tôi đang nhận nơi đó làm quê hương thứ hai, là bình minh óng ả, là thiên đàng thật của tuổi trẻ đam mê nhiều kỳ vọng. 

Tôi về với ăm ắp bầu tâm sự của một kẻ xa quê của thiên niên kỷ cuối cùng, vừa chĩu nặng trong tâm hồn chỉ vì chữ hiếu chưa tròn để được làm người có tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vốn biết những thứ đòi hỏi vô hình  tuy không có trọng lượng thật đấy, nhưng lại là một trọng lực như sức hút của quỹ đạo trái đất, làm lương tâm của người con thảo kính chật cứng niềm tiếc thương về một người cha sắp sửa ra đi vĩnh viễn. 

Cùng lúc đó nào ngôi trường cũ, mái nhà xưa, bạn bè rong chơi của một thời để chỏm, tuổi ấu thơ với vô vàn kỷ niệm vụn vặt nhào trộn thành một mớ tơ vò, nay có dịp được moi móc kéo ra khỏi mấy tầng ký ức chồng chất bụi mù thời gian, tôi cảm thấy lồng ngực râm ran chỉ vì quá cảm động, xao xuyến như chưa từng xao xuyến bao giờ, thế là tôi bắt gặp hai cái khác nhau chỉ vì thời gian và hoàn cảnh.

Vốn biết thời gian miệt mài dun rủi, duyệt qua hành trình tìm Tự Do, ngoảnh lại dấu chân mình đã đi nửa vòng trái đất, tôi cũng như hầu hết ngót ba triệu người Việt Hải Ngoại có lòng với quê hương, đếm qua... đếm lại... thiếu điều mòn nhẵn cả những đốt ngón tay, suốt hăm mấy năm ròng rã, để rồi ngày lại ngày vẫn làm giống dân Do Thái Da Vàng mơ về đất Hứa. Tuy nhiên, người Do Thái ít ra hôm nay có Thánh địa Jesusalem để tôn thờ, có giòng Jordan để soi thân mình giở trang cựu ước, coi như đã thực hiện được một phần nào giấc mơ lập quốc, tuy chưa hoàn hảo, còn tôi nói riêng và người Việt có tinh thần Quốc Gia nói chung đã bị những kẻ ra rả là cốt nhục, là những ngón tay nhiệt thành, nhưng sự thật trong bàn tay sắt thô bạo bọc nhung, cộng với khối óc quỉ quyệt muối mặt ăn cắp mất vùng trời Thủ đô của kẻ yêu chuộng hòa bình, rồi hợp thức hóa một cái tên mà dân miền Nam từ đó cho đến nay vẫn còn lạnh lùng khiếp đảm chỉ vì hậu quả của sự trả thù man rợ và điêu ngoa nhất trong thế giới loài người. 

Ai đánh rơi những gì quí giá của mình mà không tiếc rẻ, nhiều lúc tiều tụy như tương tư một nhân tình vừa vuột khỏi tầm tay. Người Việt đã bị cưỡng bách bỏ lại những kỷ niệm buồn, vui chất ngất, nên dù ở Hải Ngoại ngoài vòng cương tỏa thật đấy, chúng tôi vẫn nuôi một giấc mơ hồi hương, nhưng thực hiện có bảo đảm an toàn hay không, nhanh hay chậm, còn tùy vào thiện chí tương kính của người anh em đối với những kẻ bất đồng chính kiến, mà tôi nhớ không lầm họ đã từng rêu rao nặng tính cách tuyên truyền với thế giới như tính hiếu hòa mộc mạc của một kẻ chiến thắng. 

Người Việt tị nạn có mặt hầu hết trên các Quốc Gia Tự Do sau cơn trở mình của loài rồng không gia phả. Sự thật mỗi cá nhân bất lực có một khoảng cách xa quê khác nhau, nhưng lấy cái mốc thời gian bảy lăm làm chuẩn, coi như chúng tôi đã đánh mất quê hương hơn một phần tư thế kỷ rồi đó! 

Hăm sáu năm nhọc nhằn, bao truân chuyên đổ đầy Thái Bình Dương mênh mông, bao nước mắt đủ cho cây rừng biên giới giao cành khắc khoải, quả thật nặng hoằn đôi vai cho một đời người đưa thân lưu lạc trên vạn dặm điêu linh với nỗi lòng đoài đoạn về mảnh đất thiêng mà cha ông ra sức phá Tống bình Chiêm, diệt Thanh dẹp Minh một thuở. 

Thế hệ lưu vong đầu tiên là thế hệ của chúng tôi, có kẻ đã miễn cưỡng ra đi mang theo một vết nhục, hằn sâu trên mỗi tế bào bỏ cuộc, cũng vì làm người có thừa chất xám mà không bảo vệ được quốc gia mình yêu chuộng, thậm chí ngày nay nhiều bậc trí dũng thời trước còn đầy đủ khả năng Lãnh đạo Chỉ Huy, ưu tú về mọi mặt, nhưng tuyệt nhiên vẫn không chịu hướng dẫn cho cháu con mở đường cứu nước, loại người ích kỷ và ươn hèn như thế, thì thử hỏi làm sao dám kết liễu đời mình cho tròn tiết tháo của con nhà võ như những dũng Tướng ngày xưa khi nghe tin kinh thành thất thủ? 

Thế hệ thứ hai cũng đã lác đác gởi thân nơi đất khách, những kẻ còn lại chắc chắn trong tiềm thức còn mang nhiều nuối tiếc cho bạn bè thân quen yên nghỉ giữa lòng đất mẹ, biết bao đứa con cưng của đất nước tuy đã được Tổ Quốc Tri Ân và không thiếu lễ nghi quân cách Truy Thăng, Truy Tặng, với lời nhân danh Thượng Cấp trịnh trọng gắn lên cỗ áo quan, nhưng đến hôm nay mộ phần đã bị người anh em đào xới, hài cốt chẳng biết phiêu bạt về đâu, xem chừng người huynh đệ đó hả hê và thoả mãn lòng thâm thù truyền kiếp. Số còn lại có những lúc đăm chiêu nhìn mảng trời xanh mơ về Tổ Quốc, nơi cha anh đã bao phen dùng máu, mồ hôi, nước mắt trộn lẫn, trịnh trọng viết lời cáo phó ba mươi tháng tư bảy lăm, để lại từng trang sử oai hùng trên giòng Quân Sử của một Quân Lực đã bị cưỡng bức mệnh một. 

Thế hệ thứ ba nói rặt tiếng Mỹ có khác gì người bản xứ, nhưng chúng nó cũng dư biết thân phận kẻ tị nạn, tất cả quyền lợi xem như đặc ân của họ ban phát, lớp trẻ ngày nay thông minh và nhạy cảm làm sao không so sánh được người Mỹ da vàng khác xa người Mỹ da trắng. Vẫn hiểu mình có đủ ngôn từ cũng như tư cách đểâ phấn đấu sống còn và vươn lên trên mọi lãnh vực, nhưng hội nhập được vào giòng chính là khi nào họ cần đến lá phiếu của người thiểu số, việc chen chân vào guồng máy tinh vi phá vỡ qũy đạo bảo thủ, nhưng khó lòng đánh tan thứ mặc cảm kỳ thị, một khi lũ âm binh da mầu và chủng tộc đa dạng lén lút còn đó, chắc chắn chẳng đểâ cho một người không phải là con cháu chú Sam được nhiều quyền lợi tinh thần cũng như vật chất, nên lớp trẻ gốc Việt ít nhiều cũng thối chí khựng lại đành thúc thủ, nghiền ngẫm câu Ca Dao:

Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Nói chung, dù có gởi thân đến năm hoặc mười thế hệ trên đất nước người ta, dù có tinh thần hòa đồng mật thiết vào một quốc gia đa chủng và thích nghi với xã hội văn minh nhất thế giới cách mấy đi nữa, mình cũng cảm thấy lạc lõng như kẻ đầu hôm sớm mai, nên giấc mơ hồi hương đã thai nghén từ ngày mới đặt chân lên xứ sở này và thiết nghĩ giấc mơ ấy sẽ nung nấu mãi, chỉ vì không nơi nào đẹp hơn quê hương mình, như một Văn Hào Âu Châu nghiền ngẫm để lại những suy nghĩ giá trị với thời gian cho thế hệ mai hậu một chút tư duy hằng hữu.

Nhưng khó quá, nhớ quê hương ai không nhớ? Chỉ vì lý tưởng Quốc Cộng đã làm mai một ý chí biết bao người có tâm huyết về dân tộc giống nòi. Tôi đang đứng trên bờ lưỡng lự, nhưng thiết tưởng lý trí là kim chỉ Nam đã chọn hướng đi đúng từ ngày vuốt mặt bỏ nước.

Như vậy là cánh chim sắt đã mang tôi đến Sài Gòn, vùng đất hiền hòa, tình người lai láng, Thủ đô của những tâm hồn yêu chuộng Tự Do ngày trước. Tôi quyết định chỉ dừng ở đây một thời gian ngắn để được cúi đầu tưởng niệm đến Thành Phố bị bức tử cuối cùng, trong giờ thứ hai mươi lăm của mùa tang tóc năm nào, rồi phải gấp rút lên tầu nội địa đi thêm một phần ba chiều dài đất nước nữa, mới thấy được chính quê mình. 

Bình Ðịnh đất địa linh nhân kiệt, ở vùng núi non hiểâm trở đó trên hai trăm năm về trước người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ chiêu binh mãi mã dựng cờ khởi nghĩa với chiêu bài phò Lê diệt Trịnh.

Bình Ðịnh, cũng là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời, giữa lúc hai tên Ðế Quốc tranh giành ảnh hưởng, lũ Thực Dân khát máu ấy nuôi mộng bá quyền hoàn vũ kèn cựa nhau, đem binh hùng tướng dữ cướp đất làm thuộc địa, áp đặt chư hầu trên toàn cõi Ðông Dương, chiến tranh Nhật Pháp từ đó bùng nổ, mẹ tôi thường kể cho nghe vào những ngày tôi bắt đầu có trí khôn.

Thế là quê hương lớn: Việt Nam! Tôi vừa đặt chân đến, sau cơn bão lửa bảy lăm thiêu rụi một sa bàn mà tuổi trẻ cắc ca.... cắc củm mộng bình sinh, đem cả sinh mệnh mình bảo vệ từng hòn đất. Quê hương nhỏ: Bình Ðịnh! Tôi sắp sửa về sau ngót ba mươi năm theo đơn vị ngược xuôi dẫm nát miền Cao Nguyên Duyên Hải, giữ vững biên cương bờ cõi, đem lại chút thanh bình tối thiểu cho người dân vốn dĩ cả đời quằn quặt lam lũ, nhưng vẫn đói nghèo như con bệnh trầm kha đeo đuổi triền miên. 

Từ Sài Gòn về Bình Ðịnh, nếu muốn ngồi xe đò dùng Quốc Lộ I, ai thích đi mây về gió, thoả mãn tính hiếu kỳ nên dùng máy bay, tất cả mọi phương tiện cũng dễ dàng thôi. 

Ngày trước máy bay đáp xuống phi trường Qui Nhơn, nhưng hôm nay đường bay đó đã không còn nữa, em tôi viết thơ hướng dẫn rõ ràng cho người về khỏi ngỡ ngàng. Hà Nội quyết định đóng cửa phi trường vĩnh viễn, dùng chiêu bài an toàn thành phố che mắt dân lành, rồi âm thầm cắt chia cho những cán bộ cao cấp, gọi là có công cách mạng, lợi dụng chương trình nới rộng thành phố, con đường mới tinh của Qui Nhơn bây giờ lấy tên là đại lộ Trần Dư mà người dân bản xứ phẫn uất đọc lại thành Ðại Lộ Trừ Dân.. Ðúng vậy, đường sá thênh thang nhưng cùng đinh không thể chen chân dựng lên một mái ấm khả dĩ, như em tôi tiếp chuyện trên đường điện thoại viễn liên. 

Ngồi thu mình trong lòng máy bay hai động cơ, tôi hồi hộp vô cùng, chẳng biết Nhà Nước có bảo trì đúng tiêu chuẩn như những đường bay Quốc Tế của các quốc gia văn minh tiền tiến hay không? Nhưng nỗi lo âu nào rồi cũng qua đi, máy bay giảm tốc độ và xuống thấp dần, phi trường Phù Cát làm sao tôi quên được, chỉ vì hai ngọn tháp của người Chiêm Thành vẫn phủ phục mơ về một vương quốc huy hoàng. 

Ngày trước khi Quân đội Hoa Kỳ thiết lập và đồn trú, Căn Cứ Phi Trường Phù Cát thật nhộn nhịp, máy bay lên xuống nườm nượp, bây giờ vắng như chùa bà Ðanh (người Bình Ðịnh thường ví von) những hăng ga chứa máy bay nay đã rỉ sét, nhiều ngôi nhà tiền chế mầu trắng thanh lịch của năm nào nay đã bị thổ phỉ gần hết, đường băng lồi lõm là hậu quả của những chiến dịch vườn không nhà trống.

Tôi loay hoay nhận hành lý và làm thủ tục nhập cảnh theo đúng câu tục ngữ: Nhập giang tùy khúc nhập gia tùy tục! Nhà tôi ngơ ngác trước sự trống vắng đến nổi da gà, nhưng bậm gan mặc cho búa riều hằn học. Ðứng chờ người nhà thuê xe về lại Qui Nhơn, ngồi trên chiếc taxi ọp ẹp, tôi chợt nhớ đến biết bao địa danh vang bóng một thời, trong đó Tam Quan Bồng Sơn là những Quận địa đầu mà tôi đã có dịp đi qua hoặc nhiều lúc dừng quân của một thời giày xô, áo trận. Tôi cố vận dụng khối óc già nua nhớ lại những bài thơ ghi vội vã từ ngày ấy, nhưng in đậm nét cho một quê hương khói lửa ngút trời:

Về Tam Quan nhìn rừng dừa cụt ngọn.
Gác Nhiếp chênh vênh mấy gọng đường rầy.
Cầu Nước Mặn gãy lìa làm hai đoạn.
Ðời chiến binh chờ sống mái đêm nay.

Bồng Sơn mấy mươi năm về trước triền miên khói lửa, thành phố chỉ là đoạn đường không hơn năm trăm mét nằm trên Quốc Lộ I. Nếu chẳng có chiến tranh xảy ra ở đây có lẽ ít ai biết đến Thị Trấn này, con phố mà đầu đường là Quận Lỵ, cuối đường là nhà thương trường học. Thời chiến tranh cả hai thế lực ra sức giành giựt mở rộng địa bàn hoạt động, để rồi dong đất ốm yếu này đã từng đứng lên... ngồi xuống... èo uột không biết bao phen: 

Mai này viếng phố Bồng Sơn;
Nghe con xe nước căm hờn bên sông.
Lại Giang róc rách xuôi giòng.
Dừa cao cúi xuống đứng mong người về. 

Chiến tranh đã là thứ vũ khí oan nghiệt, cắt quê hương ra thành mảnh vụn. Nhớ lại ngày xa xưa ấy, ngồitrên xe Jeep theo đoàn công voa leo qua đèo Phú Cũ nhìn hút mắt đến Cầu Vợi, con đường đất đỏ chạy lên Quận Hoài Ân giấu mình sau những túp lều tranh chi chít, dõi mắt xa về hướng Bắc là rừng dừa dọc bờ sông Lại, làm sao tôi có thể quên được hình ảnh đoàn xe mở đèn mắt mèo, mục đích hạn chế ánh sáng, chở một đơn vị thiện chiến đến điểm xuất phát, chuẩn bị cho ngày N... tái chiếm Thị Trấn Bồng Sơn trong chiến dịch tái chiếm lãnh thổ đã mất: 

Qua đèo nhớ cả nhánh sông.
Thuyền ai thấp thoáng bên giòng Lại Giang.
Pháo về giết mảnh trăng vàng.
Ðịch về chỉ thấy khăn tang não nùng.
Ta đi nối sợi thủy chung.
Cho mưa dân tộc lên vùng bình nguyên.

Miền Trung nói chung, Bình Ðịnh nói riêng, xứ cày lên sỏi đá... Tuy nhiên cũng còn khá hơn những Tỉnh có chữ Quảng đứng đầu ở tận cùng hướng Bắc. Vâng, không thể chối cãi được! Khi tôi gia nhập vào một Quân Trường Sĩ Quan ngày trước, những người bạn cùng khóa dân gốc miền Nam thường trêu chọc hoài: 

- Nghe đâu người dân ngoài Trung nghèo đến độ chữ lót cũng nghèo! Nhưng tại sao mày lại có cái tên cúng cơm đầy đủ vậy? 

Tôi chỉ mỉm cười, cảm ơn người bạn đã cho tôi chút xao xuyến về một quê hương nghèo rớt mồng tơi ấy. Cảnh nghèo mà người Bình Ðịnh thường than van: "Nghèo tàn, nghèo mạc; nghèo khạc ra tro; nghèo ho ra trấu; nghèo thấu Ngọc Hoàng..."

Bình Ðịnh là một tỉnh lớn vào hàng thứ nhì của miền Nam bấy giờ, sau Gia Ðịnh, về địa dư cũng như dân số, lúc sinh tiền ông tôi thường kể chuyện cho cháu chắt biết rõ gia phả và nguồn gốc:...Thời Nguyễn Hoàng gia tộc được lệnh Chúa Nguyễn cho phép xuôi Nam tìm kế sinh nhai, tổ phụ nhà mình trên đường Nam tiến đã chọn đất Bình Ðịnh tạm gọi mầu mỡ hơn miền ngoài để lập nghiệp.

Ông tôi nói cứ nói, tôi nghe thì đểâ vậy chứ không dám cãi lại. Thời Quân Chủ cuộc sống người dân ra sao không biết, chứ đến ngày tôi chào đời khói lửa ngút trời, kế đến chín năm kháng chiến chống Tây, rồi tới diệt Nhật, xong đâu vào đó Việt Minh cướp chính quyền, kế đến Cách Mạng Tháng Tám:

Cách Mạng Mùa Thu nuôi quân hũ gạo.
Giảm tức, giảm tô vang dội chiến khu.
Cha an trí tận núi rừng An Lão.
Mẹ phần đàn con, phần đi thăm tù. 

Ngày đó thuế má ngất trời làm ruộng không đủ đóng cho tập tập đoàn tư bản đỏ, nên những thành phần Ðịa Chủ, Phú Nông còn nước hiến điền cho tập thể cho Nhà Nước đỡ lụy và thân, mẹ tôi buồn nói với thầy tôi:

Phận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo.

Thế là nghèo đói như định mệnh khắt khe, thời tôi chưa thấy người nào giàu sang phú quí, mặc dầu có tiếng con ông này cháu bà nọ.Theo thống kê dưới thời Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Việt Nam Cộng Hoà, không biết ngày nay các thầy nón cối dép râu chia chác ra sao, bôn ba tha phương cầu nơi nương tựa ở Hải Ngoại không có thì giờ cập nhật hoá được, trước đây mười năm sau khi nuốt trộng miền Nam nghe đâu đỉnh cao hiu hắt sát nhập Quảng Nam, Quảng Ngãi gì đó thành ra Nghĩa Bình, rồi lại cơm không lành canh không ngọt đoạn tình, cuối cùng ly dị Nghĩa Bình, đến nay phần giới hạn địa dư Bình Ðịnh trở lại như ngày trước, vẫn đèo Bình Ðê là ranh giới tỉnh nhà: 

Có ai về Bình Ðịnh,
Lên đèo Bình Ðê đón gió Sa Huỳnh,
Gió xứ Quảng ngập Trường Sơn đổ xuống,
Như tiếng kèn ngày Nguyễn Huệ dấy binh. 

Về phía Nam Bình Ðịnh có đèo Cù Mông sừng sững, cuối chân đèo giáp giới Sông Cầu thuộc quận Tuy Hoà tỉnh Phú Yên, đèo Cù Mông tuy không hiểm trở, nhưng đã phân chia ranh giới rõ rệt:

Có ai về Bình Ðịnh,
Qua Sông Cầu lên giốc Cù Mông,
Nhìn biển Qui Nhơn sóng trèo gành đá,
Bờ cát trắng phau quyện lấy rừng thông.

Ai là con dân Bình Ðịnh mà không biết đến hai ngọn đèo nổi tiếng ở tỉnh nhà là một điều thiếu sót vô cùng. Ðèo Mang Giang, đèo An Khê chót vót then mây như chất chứa những gì kỳ bí từ khi nhà Nguyễn Tây Sơn động binh khởi nghĩa:

Có ai về Bình Ðịnh,
Ði mạn Pleiku đổ xuống An Khê,
Theo giòng sông Côn xuôi về hạ bạn,
Gió cuốn cao nguyên từng đợt não nề.

Có ai về Bình Ðịnh,
Uống nước Côn giang nhớ vị anh hùng,
Làm rạng rỡ giống nòi Lạc Việt
Sử sách vẫn còn ca tụng tiếng Quang Trung.

Thị xã Qui Nhơn có bề ngang chạy chưa ngút hơi đã hết, thành phố nhỏ xíu nhưng thật dễ thương, phía bắc nhìn đầm Thị Nại, gợn sóng lăn tăn, tháp Thầy Bói hắt hiu nhang khói, phía Nam bãi cát trắng phau đối diện Nam Hải mênh mông trời nước, rặng thùy dương mỗi chiều nồm lên nghe óng ả như tiếng sáo diều cao vút, hoàng hôn trên biển Qui Nhơn đẹp vô cùng, đã thu hút không biết bao du khách, chính người bản xứ từ những vùng lân cận khi có việc về Tỉnh cũng muốn ở lại vài ngày dạo phố, tắm biển hoặc đi thăm những thắng cảnh, nào lên Gành Ráng Suối Tiên, đi bộ ra đầm Thị Nại nghe giọng hát đả đớt của cô gái đưa đò. Nhất là ai có tâm hồn nghệ sĩ đi thăm mộ Hàn Mặc Tử để nghe trong âm vang dường như có giọng người thi sĩ bất hạnh rên rỉ mỗi lúc trăng lên, chúng ta hãy lắng lòng kiên nhẫn đi theo nhà dìu dắt nhìn lại quê mẹ như chính mình bước lên những lối mòn thân quen một thuở:

Chiều xuống chậm như nước ròng tháng hạ,
Bờ cát phẳng phiu in vết chân sò.
Thị Nại u buồn ôm cồn bần nghiêng ngả,
Tít mờ xa lơ lửng mấy con đò. 

Ðêm yên tĩnh sóng vỗ thềm cát trắng,
Ðóm lửa lập loè bên nấm mộ Hàn.
Rặng dương liễu cúi đầu trong yên lặng,
Bầy sao sa dưới đáy biển ngổn ngang.

Bến Bạch Ðằng nhìn Vinh Quang, Xóm Trủ,
Thuyền rớ chênh vênh mấy gọn giữa giòng.
Chim bói cá gục đầu vào cánh ngủ,
Bên hàng cây cọc đáy đứng song song.

Khúc nhạc đưa đò Gò Bồi, Xóm Lách,
Giọng khao khao của dân biển Vũng Nồm,
Nghe đả đớt như hùng hồn thử thách,
Kiếp hải hồ đổi manh áo chén cơm. 

Thuở nhỏ theo học ở trường làng, thời Việt Minh chống Tây lên trường cấp II tại An Nhơn, khi Hiệp Ðịnh Geneve được ký kết, Quốc Gia tiếp thu Nam Ngãi Bình Phú tôi vào trường giòng Thánh Giu Se nội trú, rồi xuống Qui Nhơn tiếp tục cho hết bậc Trung học, có thể nói thành phố Qui Nhơn đã nuôi tôi lớn khôn, nhận diện được những vấn nạn ghê hồn trên đất nước. Ngày đó phương tiện giao thông thật khó khăn, thế mà tôi lội gần hết những nẻo đường trong tỉnh, cho nên hình ảnh quê hương in đậm trong trí tôi. Kế đến làm người trai thế hệ cầm súng giữ quê hương tôi được dịp đi xa hơn, nhưng quê mẹ vẫn sừng sững trong trái tim kính mến của một người lính mang nặng hành trang quê hương và dân tộc:

Không biết bao giờ trở về quê cũ,
Vòng qua Long Hậu lên tận Phú Ða,
Thăm người con gái gọi anh bằng chú,
Chắc em đâu còn lứa tuổi ngọc ngà.

Không biết bao giờ trở về quê cũ,
Hữu Pháp độ rày chả hiểu ra sao.
Nhớ lúc về quê đi ngang Xóm Trủ,
Cô gái Gò Bồi hát giọng ngọt ngào.

Không biết bao giờ trở về quê cũ,
Hội gò Ðống Ða mỗi độ Xuân sang,
Khấn vái người xin quê hương đoàn tụ,
Cho Bắc Nam thôi chém giết tương tàn. 

Rồi nay mai, dù muốn dù không tôi cũng phải trở về quê hương thứ hai, nơi mà gia đình tôi đã ký thác nửa cuộc đời còn lại sau mùa binh lửa. Tôi bây giờ mới thấythấm thía một kiểng hai que, để rồi quê nào cũng là tiếng chuông ngân vang trong tiềm thức cả. Tôi ở bên này nghe tâm tư nhói lên niềm nhớ và nếu ở bên kia và ở bên kia cũng không tránh khỏi quặn lòng đau, thế mới biết người Việt có trái tim ăm ắp nghĩa tình, chỉ vì miền đất Tự Do đã mớm sú cho người tị nạn chúng tôi những an ủi, những vỗ về để kẻ bất hạnh đứng lên đi nốt quãng đường làm một công dân tối thiểu.

Tôi vuốt nước mắt ngâm nga bài thơ xưa Tôn Phu Nhân quy Thục: 

Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán trau tria mảnh má hồng. 

NGUYỄN THẾ GIÁC