GÓP Ý VỚI ÔNG NGUYẼN GIA KIỂNG
VỀ LỜI CÁO BUỘC
Vua Quang Trung là tướng cướp

HOA TRINH

LBBT: Cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của ông Nguyễn Gia Kiểng, tác giả tự xuất bản vào khoảng tháng 4, 2001 vừa qua đã làm xôn xao dư luận, sôi nổi bàn bạc và chưa bao giờ thấy ai đả kích những giá trị Khổng Giáo và những vị Anh Hùng Dân tộc như Nguyễn Huệ mạnh mẽ đến thế và ngay cái tên sách "Tổ Quốc Ăn Năn" cũng đã làm nhiều người thắc mắc.Trong số những người viết phê bình, điểm sách hoặc phỏng vấn tác giả, trong đó nhà văn Nguyễn Mộng Giác, trong bài viết Thực Chất và Huyền Thoại trong Lịch Sử (đăng trong Ðặc san Tây Sơn, Hội Ái Hữu Tây Sơn Bình Ðịnh Colorado Xuân Tân Tỵ 2001) cũng đã viết ngay từ đầu rằng "tôi (NMG) không đồng ý với ông (NGK) trong hầu hết các lập luận của ông đưa ra để hạ bệ thần tượng Nguyễn Huệ" và một đoạn khác ông Giác viết tiếp "ông Nguyễn Gia Kiểng đã hết sức vụng về trong kế hoạch hạ bệ Nguyễn Huệ để chống Cọng".Ðể giúp độc giả hiểu rõ hơn, xin phép Nhà văn HOA TRINH cho chúng tôi được phép trích đăng bài viết của ông với tựa đề: "Góp ý với ông Nguyễn Gia Kiểng Về Lời Cáo Buộc Vua Quang Trung Là Tướng Cướp" đăng trên Thế Kỷ 21 số 147 tháng 7, 2001 trang 69- sau đây:

Trong bài phỏng vấn của Ðinh Quang Anh Thái đăng trên Thế Kỷ 21 số 144, ông Kiểng xác định "nhân vật Nguyễn Huệ thực sự chỉ thuần túy là một tướng cướp." Ông cho biết số tài liệu dùng để viết về Nguyễn Huệ gồm có tài liệu của nhà Thanh do Tưởng Quân Chương công bố tại Sài Gòn cùng tài liệu của các giáo sĩ và người Tây phương có mặt tại Việt Nam lúc đó. Ông còn khẳng định rằng tài liệu của các giáo sĩ và người Tây phương đặc biệt có giá trị vì trước hết là họ "khách quan."

a.Trước hết hãy bàn về cái ông học giả Tưởng Quân Chương nào đó mà ông Kiểng đề cập. Ông Tưởng Quân Chương này không phải là một sử gia thành danh về Việt Nam, vì tôi chưa thấy ai nhắc đến vị học giả này hay tác phẩm của ông ta. Tra cứu các tác phẩm ngoại quốc, cũng chẳng thấy học giả nào trích dẫn Tưởng Quân Chương. Hơn nữa, nếu bảo ông ta sử dụng tài liệu nhà Thanh thì tài liệu nào? Ngụy Nguyên, tác giả Càn Long Chinh Vũ An Nam ký (ấn bản 1842)? Thanh sử chăng? Hay Ðại Thanh Thực Lục? Hay bá cáo mật của Tôn Sĩ Nghị sau khi bại trận? Báo cáo mật của Phúc Khang An, người thay Tôn Sĩ Nghị trấn thủ Lưỡng Quảng, và điều đình một hòa ước với vua Quang Trung, xin vua Thanh sắc phong vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương (trước Nguyễn Ánh, người khai mở đế nghiệp nhà Nguyễn, cả gần hai chục năm)? Nếu quả thực có tài liệu ấy, các sử quan nhà Nguyễn dưới triều Tự Ðức, khi soạn bộ Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, đã vồ lấy ngay ngõ hầu hạ uy tín anh em "Ngụy" Tây Sơn. (Xin mở ngoặc đơn ở đây: Khi duyệt lại đoạn sử nói về chiến công của Quang Trung, Tự Ðức đã đổ là tại số nhà Lê đã dứt; KÐVSTGCM, Quyển 47, tờ 41-2; Việt ngữ 1998, II:847)

Xin lỗi ông Kiểng, tôi phải nói thực ý nghĩ mình: Học giả Tưởng Quân Chương và số 6000 (sáu ngàn) kỵ binh của ông ta có lẽ chỉ có trong trí tưởng tượng phong phú của riêng ông Kiểng. Ông có thể rút nó xuống còn 600 hay 60 người cũng được, nhưng chỉ nên giữ trong đầu ông, đừng công bố vào sách báo. Như thế là ngụy tạo lịch sử, một tội ác tinh thần đời sau khó tha thứ.

Như hậu thế sẽ không bao giờ tha thứ cho những người huyễn truyền tin đồn đầy sai lạc cáo buộc vua Minh Mạng "đi lại" với chị dâu là Tống Thị Quyên, đến khi chị mang thai thì giết đi, lại còn giết cả hai cháu là Hoàng Tôn Ðán và Mỹ Thùy. Thực ra, chỉ có Tống thị bị Lê Văn Duyệt dìm nước chết năm 1824 (không thuộc "tam ban triều điển" như Petrus Ký và các giáo sĩ bịa đặt); Hoàng Tôn Ðán bị biếm làm thường dân, năm 1849 mới chết; và Mỹ Thùy thì chết năm 1826 vì bệnh. Ông Kiểng thấy chưa? Khi các giáo sĩ và tay chân bản xứ tung ra loại tin đồn vô căn trên, họ chẳng khách quan chút nào, chẳng tôn trọng sự thực chút nào. Ngược lại, cạnh những lời bịa đặt, chửi rủa quàng xiên họ còn tìm mọi cách vận động cho các cường quốc "giải phóng" Ðại Nam khỏi ách cai trị của quỉ Sa-tăng (tức ông vua không theo đạo Công giáo). Họ nhằm mục tiêu chính trị giai đoạn là hạ uy tín vua Minh Mạng bằng mọi giá, vì vua Minh Mạng đã ra công chống lại âm mưu công-giáo-hóa ngôi vua nhà Nguyễn. Nhưng ông Petrus Trương Vĩnh Ký, trong tập Cours d'histoire annamite [Bài giảng lich sử an-nam-mít], và nhiều tác giả sau này đã sao chép lại một cách thoải mái. Ðó là chưa kể những "lời chứng" của Pellerin hay Pagès như vua Gia Long giết Hoàng tử Cảnh, hay vua Minh Mạng chết vì té ngựa giữa lúc làm lễ thượng thọ ngũ tuần (thọ 50 tuổi), dù lễ thượng thọ đã chấm dứt cả nửa năm trước ngày Minh Mạng băng hà.

b.Tài liệu của những nhà truyền giáo hay khách buôn Tây phương không "khách quan" như ông Kiểng tin tưởng. Những điều họ viết ra đều có chủ đích cả. Các thương buôn thì nói về sự giàu có, phong phú của những vùng đất mới được các đoàn thám hiểm "khám phá" ra. Ông Kiểng không biết, hay đã quên, những mẩu chuyện về người da tím, mắt mọc giữa trán, sống trong những thành phố cúi xuống nhặt được vàng; hay các ông tiểu vương Muslim ở Jawa và Alchin giàu có đến độ phải chứa vàng dưới biển, mỗi lần thủy triều xuống, ánh hoàng hôn hắt chiếu xuống những khối vàng y rực sáng cả một góc trời?

Các nhà truyền giáo thường chỉ tường trình về các xứ xa lạ trong khuôn khổ mục tiêu truyền giáo giai đoạn. Trong trường hợp vua Quang Trung, họ lại càng không thể giữ khách quan. Từ năm 1777, hoặc ít nữa từ năm 1780, ông Giám mục Pigneau de Béhaine đã quyết định yểm trợ Hoàng thân Nguyễn Chủng, tức vua Gia Long (1802-1820) sau này, trong cuộc khai phục cơ đồ nhà Nguyễn đã bị anh em Tây Sơn chiếm đoạt. Ðiều ấy có nghĩa các nhà truyền giáo từ Bắc chí Nam đều vận động lật đổ người mà họ gọi là "Tiếm vương." Nếu có cơ hội, ông Kiểm tìm đọc bộ Ðại Nam Thực Lục, tập Tiền Biên, và quyển I, Chính Biên, hẳn thấy rõ vị thế của các giáo sĩ đối với nhà Tây Sơn ra sao.

Sự hiểu biết của ông Kiểng về sử học nói chung, và Việt sử nói riêng, là quá hiển nhiên, và ông cũng biết rất ít về các nguồn sử liệu. Mới đọc dăm ba cuốn sách của các nhà truyền giáo, ông Kiểng ngỡ đã bắt được thiên thư.

c.Nên lưu ý rằng qua những tài liệu một chiều của các nhà truyền giáo, người ta vẫn tìm được những lời khâm phục của họ với vua Quang Trung.

Tôi xin chép ra đây một số tài liệu của các giáo sĩ Tây phương lưu trữ tại văn khố Hội truyền giáo Pháp do Bà Ðặng Phương Nghi dịch ra tiếng Việt in trong sách Một vài sử liệu về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ của một nhóm học giả:

- Ngày 17, một phần quân đội Trung Hoa vào thủ đô cùng với vua Chiêu Thống. Ngày 19 sứ giả hoàng đế Trung Hoa là đại tướng chỉ huy quân đội thiên hoàng, tên gọi là Tổng Ðốc (Tôn Sĩ Nghị) đã nhiệm mệnh và tuyên bố Chiêu Thống làm vua Bắc Kỳ [thực ra nên dịch là Ðàng Ngoài; sử quan Nguyễn thì gọi là "nước An-Nam"]. Viện binh Trung Hoa gồm độ 280,000 người, một nửa đóng trong thành phố, nửa còn lại ở bên kia sông... (trang 198)

- Ngày 30 tháng 1 Quang Trung rời Kẻ Vôi trên lưng voi và đến chung sức, khuyến khích đội ngũ ông nhưng khi thấy họ chiến đấu không được hăng hái lắm ông liền bỏ voi và dùng ngựa. Theo lời đồn, ông đeo hai cái đoản đao (gươm) và chạy ngang dọc chém rơi đầu nhiều sĩ quan và binh lính Trung Hoa làm rất nhiều người chết về tay ông. Ông luôn mồm hô xung phong và lúc nào cũng ở trận tuyến đầu. Lúc bấy giờ một số ít tàn quân Trung Hoa bị rối loạn hàng ngũ, lại bị dồn ép và bị tấn công cả bốn mặt, thấy hậu vệ đội Bắc Kỳ [lính Ðàng Ngoài của vua Lê] nao núng chúng liền bỏ cuộc và chạy thẳng về thủ đô. Quang Trung dẫn quân Tây Sơn đuổi theo chúng bén gót, phá được một cửa thành và làm chủ tình thế. (trang 208)

Về việc này, ông La Mothe đã thốt lên rằng:"Thật là hiếm những người đáng sợ và quỷ quyệt như ông ta! Ông ta [Quang Trung] đã cho đem về Phú Xuân và về tân Kinh Ðô của ông bằng đường bộ chứ không phải bằng đường thủy (vì ông sợ tàu bè chất nặng quá có thể chìm xuống đáy biển hoặc gặp bão giữa đường) hai, ba nghìn cỗ đại bác và súng thần công (chiến pháo), không biết bao nhiêu là súng dài và khí giới khác cùng với số tiền bạc và (đại khái) tất cả những vật liệu quý giá bắt được của quân Tầu. Ðó, kết quả của cuộc chinh phạt ấy là như vậy, nó đem đến đau đớn và nhục nhã cho quân Trung Hoa và lợi lộc cùng vẻ vang cho quân Tây Sơn... "(trang 210)

- Tiếm Vương dũng cảm và tàn bạo, chúa tể Nam Kỳ Thượng [Bắc Ðàng Trong] và Bắc Kỳ [Ðàng Ngoài] không mấy lo sợ quân đội gồm người Ấn Ðộ, Xiêm, Trung Hoa và Bồ Ðào Nha... Ngay đến Hoàng đế Trung Hoa cũng có vẻ vì nể Tân Attila này vì ngài vừa mới phong ông làm vua Bắc Kỳ [Ðàng Ngoài] qua trung gian một vị đại sứ, quên cả việc 50,000 binh lính Trung Hoa đã chết vì tay Tiếm Vương năm ngoái chỉ trong một trận giao chiến thôi. Trận đó quân Trung Hoa được trang bị đầy đủ khí giới, từ súng cho tới gươm và đông gấp 10 quân Tiếm Vương... Tiếm Vương không thèm tới [Ðàng Ngoài] để nhận sắc phong tại thủ đô chúng tôi (Hà Nội) và chỉ chịu phái một vị quan thường nhân danh ông. Ông nầy mặc áo của chúa ông (Quang Trung) làm vị đại sứ Trung Hoa phải kính nể... (trang 211)

Ðây là vài đoạn có thể gọi là khách quan hay đáng tin cậy trong các tài liệu của người Tây phương, viết về đối thủ của chúa Nguyễn tức người mà họ muốn đưa lên ngôi báu để mở mang đất Chúa. Con số 50,000 (5 vạn] quân Thanh bị giết có khiến ông Kiểng bắt Hội truyền giáo phải ăn năn là phóng đại lên chăng? Có lẽ không. Ông Kiểng vốn tuyệt đối kính cẩn những sự khách quan của giáo sĩ và thương gia Tây phương. Chỉ vì ông Kiểng chưa được đọc những tài liệu này, hoặc đọc rồi mà không muốn mhớ.

d.Còn phe sử quan nhà Nguyễn, dĩ nhiên, không thể đánh bóng một triều đại thua trận, mà những người cầm đầu đã chịu cảnh trừng phạt năm voi xé xác, xương cốt bị đào lên để chịu phạt đánh trượng, rồi xiềng xích trong ngục, đầu lâu dùng làm đồ chứa nước tiểu của Hoàng gia.

Trong cuốn Ðại Nam Liệt Truyện Chính biên, Ngụy Tây (q. 30) (Tạ Quang Phát dịch sang Việt ngữ, Viện Khảo Cổ Saigon ấn hành năm 1970], các sử quan nhà Nguyễn viết như sau:

- Nguyễn Văn Huệ tiếng nói như chuông to, mắt lập lè như ánh chớp, là người thông minh, giảo hoạt, giỏi chiến đấu, người người đều kinh sợ. (thanh như cự chung, mục thiêm thiểm nhược điện quang, giảo hiệt, thiện đấu, nhân giai đạn chi]. (Ngụy Tây, Quyển 30, trang 17B, phần Việt ngữ trang 72-73.)

-Ngày ấy, Huệ xua quân nhập thành, áo chiến bào biến thành màu đen vì thuốc súng (thị nhật Huệ khu binh nhập thành, sở phục chiến bào biến vi tiêu hắc sắc, giai hỏa dược khí dã]. (Ngụy Tây, Quyển 30, trang 34B).

-Người nhà Thanh chấn động dữ dội, già trẻ dắt dìu nhau chạy về hướng bắc. Cả trăm dặm tuyệt không có người và khói bếp [Thanh nhân đại chấn tự quan dĩ bắc lão ấu phù huề bôn tẩu, số bách lý tuyệt vô nhân yên]. (Ngụy Tây, Quyển 30, trang 35A).

"Tướng cướp" dẫn "một bọn lâu la ô hợp" ra Bắc chỉ trong năm ngày đại phá hàng vạn quân Thanh, làm dân nhà Thanh ở biên giới phải khiếp đảm bỏ chạy ngược về hướng bắc cả trăm dặm, vua Càn Long nhà Thanh phải nể vì và phong làm An Nam Quốc Vương, thì "Tướng cướp" này phải thật khác thường. Ông Nguyễn Gia Kiểng đồng ý chứ? Nhưng thông thường, trong một nước, nếu ai đó chiếm đoạt được giang sơn từ tay người hay dòng họ khác thì lịch sử chân chính không ghi là "tướng cướp". Riêng trường hợp Việt Nam, người ta thường chỉ nguyền rủa những kẻ rước voi dày mả tổ, cắt xén đất đai tổ tiên dâng biếu cho ngoại bang trong cuộc mưu bá, đồ vương. Ðó mới thực sự là những tên đạo tặc. Lê Mẫn Ðế hay Chiêu Thống chỉ là một trong những đạo tặc kể trên. Biết bao tên bán nước khác nữa đã múa may, quay cuồng trên đất nước Việt suốt hơn một thế kỷ qua, nhắc đến chỉ hổ bút, tủi mực. Ông Kiểng nên tìm đọc nhiều hơn nữa về lịch sử Việt Nam.

e.Sau khi vẩy mực vào mặt vua Quang Trung, ông Nguyễn Gia Kiểng mất đi sự thận trọng của người trí thức, vẩy luôn mực vào mặt mũi cụ Trần Trọng Kim: "Ông Trần Trọng Kim cũng dựng đứng ra con số hai chục vạn quân Thanh, không có trong một sử liệu nào, để thổi phòng tầm vóc của trận Ðống Ða và ca tụng Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh."

Viết câu này, ông Kiểng hoặc hàm hồ, hoặc thiếu hiểu biết về lịch sử Việt, hoặc cả hai, vì hàm hồ và thiếu hiểu biết thường cặp đôi với nhau khá thânn thiết. Trước hết, mặc dù cụ Trần Trọng Kim không phải là một nhà nghiên cứu sử học chuyên nghiệp, nhưng ở vị thế một nhà giáo và học giả tên tuổi, hẳn cụ Kim phải cãn cứ vào tài liệu nào đó đễ viết về nhà Tây Sơn. Tôi không biết cụ Trần Trọng Kim đã sử dụng các tài liệu nào, vì cụ không nói rõ. Nhưng trong thời đại cụ thì người nghiên cứu sử, dù tài tử hay chuyên nghiệp, ngoài các sách của giáo sĩ và các giả Tây phương, đều biết đến các bộ Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Ðại Nam Liệt Truyện Chính Biên, Quyển 30: Ngụy Tây, hay Ðại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên của Quốc sử quán nhà Nguyễn. Con số "hai chục vạn (200,000) quân Thanh" có ghi trong Ngụy Tây như sau: "Vì không hạp với Tôn Sĩ Nghị, Tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh cáo bệnh không đi. Tôn Sĩ Nghị một mình vâng chiếu đem hai lộ quân hai mươi vạn (200,000) của Quảng Ðông, Quảng Tây và của Vân Nam, Quý Châu chia làm hai đường, một đường theo ngã Lạng Sơn tiến đến do Tôn Sĩ Nghị đem đi, cùng theo quyền tiết chế của Tôn Sĩ Nghị". [Vĩnh Thanh dĩ dữ Nghị bất hạp xưng bệnh bất hành. Nghị độc phụng chiếu xuất Lưỡng Quảng Vân Quý lưỡng bộ binh nhị thập vạn, phân vi lưỡng đạo, nhất tùng Lạng Sơn lai, nghị xuất chi, tịnh thính Nghị tiết chế]. (Ngụy Tây, Quyển 30, trang 30B; bản Việt Ngữ trang 124-125).

Còn tài liệu của người Tây phương, giáo sĩ LaMothe lại ghi nhận số quân Thanh độ hai mươi tám vạn (280,000). Trong cuốn Lịch sử giáo hội Công Giáo của linh mục Bùi Ðức Sinh (Tập II, trang 338) có ghi Giáo sĩ La Mothe được phong lên giám mục năm 1796, làm phụ tá cho giám mục Labartette, giám mục Ðàng Trong. Như thế ông Giáo sĩ này có thật, vá ở Ðại Việt trong thời Tây Sơn và nhà Nguyễn tranh hùng. Nói cách khác, Cụ Trần Trọng Kim không hề "dựng đứng ra con số hai chục vạn quân Thanh để thổi phòng tầm vóc của trận Ðống Ða." Tài liệu Pháp và Việt đều nhắc đến con số hơn hai chục vạn chục quân Thanh này. Nếu tự trọng xin ông Kiểng lên tiếng xin lỗi hương hồn cụ Trần Trọng Kim cho phải đạo.