CHUYỆN TUỔI GIÀ
Phiếm luận

MANG VIÊN PHÚC

Lời Ban Biên Tập: Vài dòng về tác giả
Anh MVP quê ở quận An Nhơn tỉnh Bình Ðịnh. Là cựu học sinh Trung học Võ Tánh, Nguyễn Huệ, An Nhơn/ Nhơn Phong của những năm 1950-1954. Anh và gia đình đang định cư tại Seattle, Washington. Trong thời gian qua anh đã từng là Tổng Thư Ký TS Tuần báo Vietnam times và sau đó Chủ bút Tuần báo Chính Luận, hiện anh đã nghỉ sinh hoạt vì đau ốm. Nhân sinh quan mà anh ưng ý nhất là "Già Ðâu Phải Hết Xài". Xin mời qúy vị và các bạn đọc phiếm luận Chuyện Tuổi Già sau đây.

Tuổi già, theo thuyết nhà Phật được xếp là một trong bốn cái khổ của chúng sanh: Sanh, Lão, Bệnh, Tử. Ta thử xem từ thai nhi mỗi con người phải sống trong tối tăm, ẩm thấp đến khi chào đời lại bằng những tiếng khóc; rồi lại mỗi ngày mỗi già trong mưu sinh và bon chen với danh lợi phú qúy để thân xác phải hoại bằng bệnh và cuối cùng và cuối cùng là nhắm mắt xuôi tay trả cái thân tứ đại này trở về với cát bụi.(!)

Thế nhưng, cũng theo quan điểm của nhà Phật "Sinh, như mặc áo nhung mùa Ðông ; Tử , như thay áo tơ mùa Hạ", hay nói nôm na để mô tả một chấp nhận đầy tự tin "sống chết như thay xe cũ đổi xe mới vậy!"

Và đây đó, trong phim kiếm hiệp Trung Hoa của nhà văn nổi tiếng Kim Dung, chúng ta cũng thường nghe trong đối đáp của các anh hùng võ lâm "sống có vui gì, chết có khổ gì!" khi họ thách thức nhau và tranh luận anh hùng. Những tư tưởng trên đây có mâu thuẫn chăng, chúng ta hãy bàn luận trong một dịp khác.

Người ta nói người già thường sống bằng những kỷ niệm, tôi thấy không sai.

Thật vậy, những kỷ niệm thời thơ ấu nào là bạn bè, tình yêu; nào là hình ảnh quê hương mái trường, lũy tre, cánh đồng, thị trấn nhỏ nhoi khiêm nhường trên bản đồ của đất nước; những kỷ niệm của tuổi trung niên với bạn bè đồng liêu đồng ngũ, những chiến công, thành tích vân vân. Tất cả đã dồn lại cho tuổi già đầy ắp những vinh nhục của một đời người.

Với tôi, tôi cảm thấy như mới ngày nào nhưng thực sự những hình ảnh đó đã hơn nửa thế kỷ rồi: nào là những mối tình vụng dại tuổi học trò, nào là những lo âu sợ sệt khi phải trả bài với thầy trước tấm bảng đen các lớp bậc Trung học, những phút đầy kinh hãi khi chạy máy bay Pháp oanh tạc, và những nỗi vui mừng khó tả suốt chặng đường đi bộ hàng chục cây số về thăm nhà mỗi tuần... của tuổi học trò.

Có lẽ bắt đầu từ những ngày này của đời sống bất cứ ai là cột mốc thời gian của những ký ức. Thật vậy, mới ngày nào dưới mái trường thời kháng chiến của quê tôi, Bình Ðịnh thân yêu, chúng tôi, những bạn bè tuổi mười lăm mười bảy nay đã thành những "ông cụ" "bà cụ" với gánh tuổi đời chồng chất trên hai vai, anh nào chị nào cũng ít lắm là sáu mươi, có người cũng đạt tới cái tuổi "cổ lai hi" (!) hay có người đã ra đi - điều này chắc chắn những vị không may này sẽ an hưởng đời đờisự an lạc nơi nước Thiên Ðàng hay miền Cực Lạc chứ chẳng thèm đi gặp cụ Karl Marx, cụ Lê Nin v.v... như lời nói cuối cùng của Hồ Chí Minh, một con người "duy vật biện chứng" cùng mình nhưng trước khi xuôi tay nhắm mắt cũng đã thốt lên những lời lẽ "duy tâm" tin tưởng còn có phần linh hồn để đi gặp cụ này cụ nọ chứ không phải chết là chấm dứt để trở thành con khỉ khô!

Tháng 7-1954, Hiệp định Genève chia đôi đất nước, gia đình, bạn bè đang độ tuổi thanh niên đầy tương lai hứa hẹn kẻ Bắc người Nam.

Những tưởng cuộc sống sẽ bình yên nhưng biến cố tháng 4-1975 như một nhát mã tấu xé nát yên bình của thế hệ chúng ta, lớp người trung niên cỡ tuổi 40, tuổi của sự dày dạn, chín chắn sung mãn đầy tự hào. Và, kết quả là hàng triệu người gồm quân nhân, viên chức cán bộ của Việt Nam Cộng Hòa, bị lừa gạt đưa vào các trại tù dưới danh từ hoa mỹ là trại "cải tạo" (!) và hàng triệu người klhác đã liều mình vượt biên đi tìm tự do.

Cuộc sống đã thực sự thay đổi. Người ở trong nước thoi thóp trong cơn đói, bệnh hoạn, lao động cực hình, theo dõi rình rập. Còn người may mắn được ra đi trong giờ chót hay vượt biên sau đó cũng vật vờ trước một cảnh sống xa lạ với những việc làm xa lạ. Kém may mắn hơn, những anh chị em cựu tù được ra đi trong chương trình HO sau mười, mười lăm năm giờ đây cũng đang cố tranh đấu ổn định cuộc sống ngày càng khó khăn.

Một vị Ðại tá may mắn được ra đi giờ chót năm 1975, đã viết cho tôi tâm sự kể lại những ngày đầu đến Hoa Kỳ ông đã phải làm nghề bơm xăng cho ông đi qua bà đi lại, dưới trời mưa tuyết lạnh ở một trạm xăng trên xa lộ ngoại ô để nuôi gia đình, và giờ đây ông là một viên chức của một cơ quan an sinh xã hội chờ ngày retire với đồng lương hưu trí. Thực sự nghề nào cũng cao quý, nhưng tôi nghĩ với khả năng, kinh nghiệm và tri thức vị Ðại tá của tôi phải được đặt vào một nghề nghiệp khác xứng đáng hơn...

Thế là chúng ta dầu muốn hay không cũng phải chấp nhận một cuộc sống mới trong khi tuổi tác mỗi ngày một tăng. Chúng ta đã chấp nhận cuộc sống trên đất khách quê người kẻ ở Pháp, người ở Anh, Ðức, Úc, Nhật v.v... và phần đông ở Hoa Kỳ, một nước đầy tự do và cũng đầy tai nạn.

Tuổi già ở đất Mỹ này có lẽ dễ cảm thấy cô đơn hơn vì sinh hoạt và hoàn cảnh sống của xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều không như ở quê hương Việt Nam mình.

Tôi đã từng tham dự các sinh hoạt của một Trung Tâm Cao Niên Mỹ (Senior Center), được trò chuyện với vài ông bạn Mỹ ở đây, quan sát cách tổ chức Trung tâm này.

Trung tâm có văn phòng phụ trách điều hành và phục vụ với 5, 7 nhân viên cung cấp các dịch vụ miễn phí như bữa ăn tại gia được đóng gói sẵn với người tình nguyện giao đến nhà (meal on wheel) dành cho những người già không thể tự nấu nướng hay có lợi tức thấp, những lớp học nghề nghiệp, chích ngừa và các quyền lợi liên quan đến các người cao niên v.v... có tiệm bán đồ cũ và sưu tập giá rẻ như Thrift shop, Salvation Army mà chúng ta thường thấy, có phòng tập thể dục điều trị (therapy) phòng dinh dưỡng free và đặc biệt có một phòng nhảy đầm với một ban nhạc sống. Mỗi sáng thứ Năm có độ vài ba chục người tham dự, họ từng cặp nhẹ nhàng âu yếm dìu nhau ra sàn nhảy với những bản nhạc êm dịu như xì-lô, ba xô, tango v.v... Có điều rất đặc biệt không khí ở đây rất yên tĩnh, không ồn ào náo nhiệt như ở vũ trường hay các family ball, có lẽ họ đều là các lão ông lão bà. Chúng ta chỉ nghe tiếng nhạc êm dịu xập xình và những tiếng giày chạm nhẹ trên sàn nhảy. Thỉnh thoảng cũng có vài bà lên hát và sau đó là những tràng pháo tay tán thưởng. Họ cố tận hưởng những giờ phút cuối của cuộc sống chỉ còn lại ta và người bạn đời.

Họ chấp nhận sự cô đơn hơn là "mất tự do" khi sống với con trai hoặc con gái của họ.

Tôi có ông bạn già có cái first name là LeRoy - tôi nói đùa nếu ông chịu đổi chữ y dài thành chữ i ngắn thì ông sẽ thành vua rồi, ông đùa lại tôi không muốn làm King vì làm King có sướng gì sau khi giới thiệu nhà cửa, cái phòng tắm mới tân trang (upgrade), đã kể lại cho tôi rằng hai ông bà rất thoải mái sống riêng với các con cái của mình đứa thì ở tiểu bang này đứa tiểu bang khác và không sợ con cháu quấy rầy. Trong khi đó, hình như hình ảnh các con và đàn cháu nội ngoại quấn quít bên ông bà trong bữa cơm chiều hoặc trong những ngày giỗ chạp, Tết nhất, là niềm vui của tuổi già Việt Nam.

Ở trên đất Mỹ, có lẽ chúng ta không lạ lùng gì hình ảnh mà chúng ta có thể gặp những đôi vợ chồng già lụ khụ, hom hem dắt tay nhau không rời nửa bước trên đường phố, trong các siêu thị, các cửa hiệu tạp hóa.

Trong khi đó, nếu có "ông cụ" Việt Nam nào dắt ay một "bà cụ" để đi phố thì người đầu tiên phản đối không ai khác hơn là chính "bà cụ" với lời quở trách "già rồi, làm gì kỳ cục, không sợ bầy trẻ chúng nó cười!!" Tuổi già Việt Nam thâm trầm, kín đáo và gương mẫu, có lẽ mỗi người bạn già của ta ít khi nghĩ đến mình hơn là các con và đàn cháu. Từ đó, sự hưởng thụ dù chỉ là những phút cho riêng tư cũng không đặt nặng.

Nếu đem so sánh hai mẫu sống giữa người cao niên Mỹ và người già Việt Nam mình, điểm này, theo tôi nghĩ mỗi bên đều có những khiếm khuyết cần bổ sung, và trên phương diện tuổi già Việt Nam ta cũng nên "đổi mới" đôi chút, nghĩa là cũng có hưởng thụ nhưng cũng hy sinh thâm trầm, kín đáo và gương mẫu. 

Nói đến hưởng thụ, dĩ nhiên có nhiều mặt, enjoy sự thoải mái vì không bị con cháu quấy rầy thường trực, enjoy tiện nghi sinh hoạt, enjoy đời sống riêng tư v.v... và v.v...

Tôi còn nhớ một câu chuyện tiếu lâm trên một tờ báo Mỹ liên quan đến tuổi già. Họ định nghĩa về tuổi già như thế này: "Tuổi già là lớp tuổi bệnh hoạn ốm đau, toàn thân tứ chi đều đau, duy có một chỗ không đau nhưng không làm ăn gì được (!)"

Do đó, muốn khắc phục nhược điểm, "boost" nó lên, nên đã có nhiều cụ Mỹ đi "đoong" vì xài quá liều lượng Viagara.

Viagara cũng năm bảy đường, theo chỗ tôi biết Viagara có ba loại, nói nôm na cho dễ hiểu là loại yếu, loại vừa, loại mạnh. Các cụ tuổi 70 mà xài loại thứ ba của tuổi 20 thì cầm chắc sẽ "phều phào" và chín mươi phần trăm "ngủûm củ tỏi", nếu không thì cũng gọi cấp cứu 911. Than ôi! Ác tai! Ác tai!!! Chỉ vì một phút ham vui mà không còn thì giờ để ân hận!

Tục ngữ Việt Nam có câu "gừng càng già càng cay". Cay là bản chất của gừng, củ gừng non cũng cay nhưng gừng già lại cay hơn. Cái già này tiêu biểu cho thời gian tích lũy những tinh hoa, những kinh nghiệm, hiểu về nghĩa nào cũng đúng cả. Tuổi già, thân xác có thể yếu đuối phản ứng có thể chậm chạp nhưng kinh nghiệm và đầu óc lại phát triển ngược lại bằng những kinh nghiệm sống, bằng sự chín chắn dày dạn được cô đọng lại với thời gian sẽ chẳng đóng góp được gì hữu ích sao!

Ngày xưa, chuyện xảy ra từ một huyện của Trung Hoa: Năm ấy sau một cơn đại hạn, đất trời bỗng nhiên vần vũ, những đám mây đen kéo đến che kín cả bầu trời, gió thổi ào ạt, trời đổ mưa và mưa mãi năm bảy ngày không dứt... Thế là một trận đại hồng thủy nổi lên, nước mỗi ngày mỗi lớn, lớn mãi lớn mãi, nước ngập ngọn lúa, nước tràn nương bắp, nước cao bằng mái rui, nhà cửa, thóc khoai, ruộng vườn, gia súc và người bị cuốn đi dưới dòng nước bạc cao đến tận đọt cây. Nhưng trời cũng lặng, gió cũng yên và nước rút chỉ còn để lại trên huyện này những lớp phù sa dày đặc bạt ngàn. Cả huyện đã mất trắng, dân cư còn sống sót trở về làng để xây dựng lại từ đầu. Nhưng... còn gì đâu để bắt đầu ngoại trừ đôi tay cần cù lao động của họ. Quan huyện sở tại là người chịu trách nhiệm phục hồi đời sống cho con dân mình bèn tổ chức một buổi hội họp tất cả dân làng bàn định phương cách tái lập canh tác. Khổ nỗi, bao nhiêu lúa thóc, bắp đậu mùa trước và dành dụm được đã trôi nổi theo cơn hồng thuỷ đầy phẫn nộ chưa từng có, ngay cả tính mạng của dân cư cũng khó giữ nổi huống là thóc đậu.

Trong buổi họp, mọi người ai nấy đều thất vọng, nét mặt âu sầu sau cơn chết lũ lụt có thể tiếp đến nạn chết đói vì không làm ra lương thực. Sau nhiều giờ cả quan dân đều thở dài thiểu não trước câu hỏi chưa có giải đáp là sẽ lấy giống má đâu để cày cấy sản xuất. Bỗng đâu trong đám dân làng có một vị bô lão tuổi chừng 90 sống sót qua cơn hồng thủy vĩ đại này đã chậm rãi nói với quan huyện và đám nông dân trai trẻ kia ý kiến của mình. Ông lý luận rằng trong các loài ong loài kiến chúng có giác quan về sự thay đổi thời tiết như mưa bão, lũ lụt, hạn hán v.v... chúng nó biết trước được đôi khi cả đến 5, 10 ngày, do đó, trận đại hồng thủy vừa rồi chúng phải biết trước, và bản chất loài kiến là hay dành dụm và chắc chắn chúng sẽ tích trữ lương thực phòng lúc cơ hàn. Và, ông đề nghị tìm các tổ kiến để kiếm giống má. Mọi người đang ngớ ngẩn trước một ý kiến tuy đơn giản nhưng khả thi. Một câu hỏi dân làng chất vấn ông là long thực dự trữ của loài kiến ở đâu, ông cụ 90 kia đáp không ngần ngại rằng có khó gì đâu chỉ cần tìm ở các đọt cây thì có tổ kiến thôi.

Thế là, theo ý của cụ bô lão 90 tuổi sống sót đó, cả làng đổ xô đi tìm tổ kiến trên các đọt cây. Quả thật trên mỗi đọt cây có đến đôi ba tổ kiến, tổ nào tổ nấy đầy ắp nào lúa, bắp, đậu, mè v.v... Loài kiến với bản chất thông minh cần cù đã di tản long thực dự trữ của chúng theo làn nước, nước cao đến đâu chúng hè nhau khiêng vác lương thực đến đó. Mỗi tổ kiến có hàng triệu con làm việc suốt ngày đêm, cứ tha mồi về tổ xong lại ra đi tiếp tục việc di tản không mệt mỏi.

Số lương thực này thật sự không đủ để ăn no cho vài người nông dân nhưng một hạt thóc đã cho một bụi lúa, một hạt đậu, một hạt bắp, đã biến thành bao nhiêu trái bắp bao nhiêu hạt đậu... Thế là dân làng chịu đói chịu cực với rau cỏ chỉ vài tháng sau cuộc sống đã hồi sinh, ai ai cũng mến phục vị bô lão 90 tuổi làng mình đã cống hiến sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình bằng một ý kiến xem ra thông thường nhưng rất nhiệm mầu để cứu sống dân làng đem lại an cư cho thiên hạ.

Do câu chuyện đại hồng thủy trên đây chúng ta có thể rút ra một kết luận mà tôi cho là đắc ý nhất là "Già đâu phải hết xài" (!!!)

Ðức Khổng Tử đã nói: "Người quân tử có ba điều phải nghĩ: Một là lúc nhỏ nếu chẳng học hành, đến lúc lớn ngu dốt chẳng làm được việc gì. Hai là lúc già nếu mà không đem những điều mình biết để dạy người, thì đến lúc chết chẳng ai thương tiếc. Ba là lúc giàu có mà chẳng bố thí, thì đến lúc khốn cùng chẳng ai cứu giúp".

Ðiều suy nghĩ thứ hai của người quân tử há chẳng phải là những ưu tư đáng để cho thế hệ cao niên suy gẫm và làm theo để cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng, cho thế hệ trẻ hơn những đóng góp xây dựng và thiết thực hay sao?

MANG VIÊN PHÚC
Tháng12/2001