Ðã có một nền
Văn Hóa Bình Ðịnh
THÁI TẨU
Không phải là một đầu óc quá địa phương, nhưng chúng ta phải nhìn nhận khách quan rằng từ lâu nay có nhiều học giả đã nói rằng tỉnh Bình Ðịnh là nơi có một sắc thái Văn hóa đặc biệt; có người có thể cực đoan hơn lại nói rằng: Ðã có một nền Văn hóa Bình Ðịnh. Vậy chúng ta thử đặt vấn đề đó và nghiên cứu với một tinh thần khoa học không thiên vị và sau khi nghiên cứu cẩn thận chúng ta sẽ trả lời câu hỏi: Ðã có một nền Văn hóa Bình Ðịnh hay không? Và nền Văn hóa ấy là nền Văn hóa gì?
Trước hết, chúng ta phải đặt vị trí của tỉnh Bình Ðịnh trong toàn bộ địa lý của nước Việt Nam, thứ nữa là vị trí của tỉnh Bình Ðịnh trong cả lịch sử Dân tộc Việt và sau cùng giải thích về mọi ảnh hưởng: Kinh tế, xã hội, chính trị v.v... những ảnh hưởng nào có thể làm cho duy trì hoặc làm phát triển cái sắc thái đặc biệt của Văn hóa địa phương tỉnh này.
Về mặt địa lý:
Về mặt địa lý thì chúng ta nhận thấy rằng, nước Việt Nam là một dãy núi dài từ ải Nam Quan đến tận miền Nam Việt (Long Khánh, Tây Ninh), nhưng cũng có đôi vùng châu thổ, đồng bằng trồng trọt, cày cấy được. Phía Bắc có châu thổ sông Hồng Hà, có thể nói là nơi tập trung quá phân nửa dân số miền Bắc. Ði dọc vào nam, khi qua khỏi đèo Tam Ðiệp, chúng ta bắt đầu có châu thổ sông Mã làm địa bàn cho tỉnh Thanh Hóa, cũng là nơi có dân cư đông. Từ đó đi thẳng vào nam, ngoài những thửa ruộng nho nhỏ dọc theo ven biển, đến tỉnh Bình Ðịnh chúng ta mới có một châu thổ rộng, lớn và vượt qua khỏi Bình Ðịnh chúng ta lại gặp núi cao lởm chởm mãi đến tận miền Nam bộ mới có một đồng bằng vĩ đại của hai sông Ðồng Nai và Cửu Long.Vậy thì vùng Bình Ðịnh có thể nói là một trong bốn đồng bằng lớn đã nuôi sống đa số nhân dân miền Trung từ mấy chục thế kỷ nay. Có thể nói không lầm thì vùng châu thổ Bình Ðịnh là cánh đồng thứ ba về mặt to, rộng và dân số Bình Ðịnh trước năm 1975 lên đến 1 triệu người.
Bình Ðịnh lại ở vào một địa thế khá đặc biệt (khoảng giữa vĩ tuyến 13 và 14): mặt đông là biển cả mênh mông, ba mặt sau là núi non bao bọc tạo thành hình một chiếc ngai rồng, chính giữa là cánh đồng có hai con sông chính là Côn Giang và Lại Giang uốn khúc và hai đường xuyên Việt bộ và sắt chạy xuyên qua, lại thêm Quốc lộ 19 nối dài từ vùng biển đông lên Cao nguyên PleiKu, Kontum thông sang hạ Lào rất thuận lợi cho việc giao thông cả về ba mặt thủy bộ, và hàng không. Bình Ðịnh quả là miền giao địa, một trung tâm kiến quốc và bảo quốc trọng yếu; thảo nào vua Chiêm Thành đã chọn Bình Ðịnh làm Ðế đô và thời Tây Sơn đã lấy Bình Ðịnh làm Hoàng thành.
Về mặt lịch sử:
Về mặt địa lý thì như vậy, còn về mặt lịch sử thì vai trò của tỉnh Bình Ðịnh cũng có những vẻ đặc thù trong lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt Nam. Khi mà người Việt Nam đi lần lần tới mãi, vượt qua khỏi tỉnh Quảng Ngãi thì đến tỉnh Bình Ðịnh, và Bình Ðịnh là nơi dừng chân lại khá lâu của phong trào Nam tiến của dân tộc Việt lúc bấy giờ. Gọi dừng chân lại là nói về thời gian, nhưng mà trong cái buổi dừng chân lại này thì không sao cung cấp cho đủ dân số để khai thác vùng châu thổ trù phú ấy, nên chi, trong lịch sử Nam tiến nhà Nguyễn đã có những thi thố đặc biệt để khai thác châu thổ này.
Phương pháp khai thác thứ nhất là tụ tập những tay giang hồ tứ chiếng, những kẻ bị tội ở các nơi đem đi an trí vào đây mà lập ấp. Thứ nữa là những trận thư hùng trong suốt một trăm năm Nam Bắc phân tranh, mỗi lượt mà bên nhà Nguyễn thắng trận thì bắt được một số tù binh, nhà Nguyễn lại di cư số tù binh ấy vào khai thác Bình Ðịnh. Bằng chứng là tổ tiên của dòng Tây Sơn vốn là người Nghệ An. Sau khi chúa Nguyễn thắng trận đã bắt tổ bốn đời của ba anh em Nhạc, Huệ và Lữ di cư vào mà khai thác vùng Tây Sơn thượng tức An Khê ngày nay. Ngoài ra, sau khi nhà Tây Sơn thất trận thì những tàn quân hoặc con cháu, công thần nhà Tây Sơn cũng đều bị tập trung về Bình Ðịnh và khi Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế tức là phản lời hứa phò Lê, thì con cháu nhà Lê cũng bị tập trung tại Bình Ðịnh để dễ kiểm soát. Với một bộ máy cai trị, nhà Nguyễn đã kiểm soát được hai hay ba lực lượng có thể gọi là mầm mống chống đối lại mình.
Vì những lẽ ấy mà trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, chúng ta có thể nói rằng Bình Ðịnh đang lãnh vai trò là nơi tập trung những phần tử có thể gọi là lỗi lạc nhất, những phần tử lãnh đạo của những phong trào chống đối lại nhà Nguyễn. Cũng như Côn Sơn là nơi tụ tập những anh hùng, những người bất phục tùng chế độ thực dân, chế độ Bảo Ðại, chế độ Ngô Ðình v.v... trước đây tụ lại đây, tất nhiên họ đem những tinh hoa của những phong trào ấy gom lại tỉnh Bình Ðịnh.
Vì lẽ đó mà chúng ta không lấy làm lạ là tại sao ở Bình Ðịnh lại có nhiều sắc thái đặc biệt trong mọi bộ môn Văn hóa và nhờ đặt vị trí của dân Bình Ðịnh vào lịch sử của dân tộc, chúng ta mới thấy rõ cái sắc thái của nền Văn hóa địa phương này.
Sau khi nghiên cứu hai phần trên, chúng ta hãy đi vào chi tiết để xem ở Bình Ðịnh có những bộ môn Văn hóa nào có thể nói rằng ở địa phương khác không có mà chỉ ở Tây Sơn mới có mà thôi hay nói một cách khác, những bộ môn nào mà riêng ở Bình Ðịnh mới thật là quang minh còn ở các địa phương khác thì chỉ lu mờ. Hay là, về mặt thứ ba, những bộ môn Văn hóa phát xuất ở Bình Ðịnh rồi lần lần mới chuyền đi khắp các nơi khác? Chúng ta hãy đi vào chi tiết ấy theo trật tự của thời gian.
- Hát Bội:
Theo trật tự thời gian thì chúng ta thấy bộ môn xuất hiện trước nhất ấy là Hát Bội.
Ai cũng biết Hát Bội hiện nay có thể lấy Bình Ðịnh làm thủ đô và trong lịch sử Hát Bội cũng phát xuất ở Bình Ðịnh do cụ Ðào Duy Từ chủ xướng.
Về bộ môn Kịch nghệ, chúng ta biết rằng ở xứ nào cũng có những trò đem diễn trên sân khấu bằng cách này hay bằng cách khác và, trên sân khấu thì ảnh hưởng qua lại giữa dân tộc này với dân tộc kia không phải là nhỏ. Tuy vậy, mỗi dân tộc đều có giữ một sắc thái riêng biệt. Riêng nền kịch nghệ Việt Nam, cái sắc thái xưa, cổ truyền như thế nào thì hiện nay chúng ta không biết được cho chính xác, chúng ta chỉ biết rằng vào đời nhà Trần, khi mà quân Mông Cổ kéo sang đánh nước ta và sau ba lượt thất trận, Ðức Trần Hưng Ðạo có bắt được một tù binh tên là Lý Nguyên Cát. Tù binh này thuộc về nhóm đi theo quân Mông Cổ để giúp vui cho quân binh tướng sĩ, tức Lý Nguyên Cát là một kịch sĩ trong đoàn văn công tâm lý chiến của quân nhà Nguyên. Và ai cũng biết vào thời nhà Nguyên là thời mà môn kịch nghệ của Trung Hoa đã đến hồi cực thịnh và những vở kịch vĩ đại ghi lại trong lịch sử Trung Hoa cũng vào thời nhà Tống, nhà Nguyên. Bằng chứng là kịch "Tây Sương Ký" của Vương Thực Phủ, liệt vào hàng lục tài tử, xuất hiện vào đời nhà Nguyên vậy.
Ta có thể nói rằng, Lý Nguyên Cát đã lấy bộ môn kịch nghệ của Trung Hoa đến cái độ cực thịnh của nó đem qua Việt Nam. Nếu đem so sánh với các điệu kịch nghệ thô sơ của dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ thì Lý Nguyên Cát đã đạt đến một nghệ thuật quá cao, nên Ðức Trần Hưng Ðạo mới nhờ Lý Nguyên Cát dạy lại, huấn luyện lại cho những kịch sĩ của ta và lập thành một lối kịch nghệ riêng cho triều đình nhà Trần.
Môn kịch nghệ này lần lần lượt lượt lưu lại cho đến đời cha của Ðào Duy Từ. Cụ Ðào Duy Từ như chúng ta đã biết là người tỉnh Thanh Hoá, làng Hoa Trai, con của một kép hát - Cụ Ðào Tá Hán và vì vậy mà Cụ không được đi thi.
Cụ là người thông kim bác cổ, văn võ song toàn. Hận vì không được thi mà vượt tuyến vào Nam và vì sinh kế, Cụ đến ở một vùng châu thổ trù phú của tỉnh Bình Ðịnh (huyện Bồng Sơn), chăn trâu cho một phú hộ để đợi thời. Khi đến đây, thì Cụ Ðào Duy Từ thấy ở địa phương Bình Ðịnh này có nhiều bộ môn văn nghệ đặc biệt qua những điệu hát, điệu hò, điệu ca, điệu múa v.v... Cụ mới bèn đem cái truyền thống kịch nghệ của Trung Hoa mà Cha ông của Cụ đã học được phối hợp với các điệu dân ca, múa hát riêng của vùng này mà thành lập nên cái môn gọi là Hát
Bội. Bằng chứng trong bộ môn Hát Bội, chúng ta có những điệu hát như hát khách.
Khách, đó là những điệu hát do người phương ngoài đem đến - những bộ môn chịu ảnh hưởng Kịch nghệ của Trung Hoa thời nhà Nguyên - Còn hát nam tức là một điệu hát lấy những câu lục bát làm chuẩn. Nam, đó là điệu hát riêng của người Việt phương Nam. Tất nhiên ai cũng biết điệu lục bát là một điệu thơ đặc biệt của Việt Nam mà bên Tàu không có rồi sau mới biến thành nhiều điệu hát khác như hát Nam xuân, Nam ai, Nam tẩu mã v.v.. nhưng thảy đều gọi là hát Nam, tức là điệu hát riêng của người Bình Ðịnh vậy.
Chỉ nội trong danh từ hát khách, hát nam cũng đủ chứng tỏ là bộ môn Hát Bội là một bộ môn đặc biệt do sự phối hợp giữa truyền thống kịch nghệ nhà Nguyên và các điệu dân ca của địa phương Bình Ðịnh mà thành. Tóm tắt có thể nói rằng Hát Bội là bộ môn văn hóa đặc biệt của tỉnh Bình Ðịnh và từ đó mà phát huy ra.
- Võ Thuật:
Bây giờ chúng ta sang bộ môn thứ hai là Võ. Cả nước hiện đang lưu truyền câu ca dao:
Ai về Bình Ðịnh mà coi
Con gái Bình Ðịnh bỏ roi đi quyền.
Ðó là bộ môn phổ thông nhất trong nhân gian đến nỗi phụ nữ cũng đều biết một cách thành thạo: vừa bỏ (buông) roi là có thể đi (múa) quyền được ngay.
Một bằng chứng thứ hai nữa trong lịch sử là khi quâân Tây Sơn khởi nghĩa, quân lính phần đông là nông dân, thế mà quân Tây Sơn đánh đâu thắng đó. Quân đã giỏi mà tướng cũng rất tài như Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân... thảy đều là những tay võ nghệ siêu quần. Ðó là chưa nói đến vị anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ bách chiến bách thắng mà đường roi trận của Người đến nay vẫn còn vang danh.
Gần đây, có những nhà viết sử mà thiếu óc nghiên cứu, phê phán thì không hiểu quân Tây Sơn đã thắng quân nhà Thanh với cái chiến thuật nào? Có người đã đặt câu hỏi: Quân Tây Sơn dự trận Ðống Ða là 10 vạn người và 200 thớt voi. Nhưng mà khi xuất quân ở Phú Xuân trẩy ra Bắc thì chỉ có 2 vạn người. Cho nên khi ra đến Nghệ An, Hoàng đế Quang Trung mới cho dừng lại để mộ thêm hơn 8 vạn tân binh, hoàn toàn là nông dân. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi có 10 ngày mà vừa mộ quân, vừa tạo khí giới, vừa luyện quân cho đến nổi thiên tài mà thắng 20 vạn quân Thanh đã được huấn luyện thuần thục hằng năm hàng tháng thì thử hỏi, đứng về mặt chiến thuật, quân Tây Sơn đã dùng chiến thuật gì? và món binh khí nào? Với cuộc chiến tranh cơ giới trước năm 1975 mà tại các Trung tâm huấn luyện như Ðồng Ðế, Lam Sơn, Quang Trung, Thủ Ðức v.v... những tân binh đều phải tập luyện từ 3 đến 6 hoặc 9 tháng và lâu hơn nữa mới ra trường mà chưa chắc đã tham chiến liền. Ðằng này, quân Tây Sơn thì chỉ có vỏn vẹn 10 ngày vừa luyện tập vừa tạo khí giới, mà ví dụ như tạo vũ khí thì làm sao có đủ lò rèn, đủ thợ, đủ sắt thép để có thể rèn cho đủ hơn 8 vạn vũ khí để cung cấp cho hơn 8 vạn tân binh được? Cái điều đó, các nhà sử gia Tây phương không biết rõ tác dụng của môn võ nghệ thì khó mà trả lời được.
Nhưng ở đây, ta có thể giải đáp một cách giản dị là Vua Quang Trung vừa mộ quân thì mỗi quân đều được lệnh vào rừng gặp cây gì chắc chắc mà có thể tạo được một ngọn roi vừa cầm tay (hoặc là tầm vông), vót cho đầu nhọn thêm một chút là được. Chuyện đó chỉ trong nửa giờ hoặc một giờ là mỗi tân binh đã có một món võ khí để sử dụng không cần đòi hỏi hàng năm hàng tháng để rèn cho được một cây đao, cây kiếm. Và, trong mười hôm với một ngọn roi để luyện võ cho tân binh tất phải có một hai đòn độc đáo nào đó được truyền lại.
Trong đòn độc đáo đó, trước đây, trong một tập san xuất bản tại Bình Ðịnh đã nhắc đến - đó là ngọn roi trận Nguyễn Huệ. Ngọn roi này hễ đánh trúng một chỗ nào đó của đối thủ là chết hoặc ngất đi tức khắc. Rất tiếc thay người giữ được ngọn roi đó là Cụ Hồ Ngạnh thì nay đã không còn! Nếu người địa phương mà không học được ngọn roi đó coi như đã mất đi một ngành văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Chúng ta còn nhớ, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954) ở các làng quê vào những đêm trăng, các thanh niên thanh nữ trong các đội du kích, tự vệ đều tập võ, luyện kiếm (12 thế) và dùng tầm vông vạt nhọn để đánh Tây, phải chăng đã nối tiếp truyền thống võ nghệ của nhà Tây Sơn?Do đó, ta có thể nói rằng bộ môn Võ nghệ là một bộ môn đặc biệt của tỉnh Bình Ðịnh.
- Nhạc võ Tây Sơn:
Nói đến võ nghệ, chúng ta không thể không nhắc đến bộ môn thứ ba đó là Nhạc võ Tây Sơn.
Tại sao gọi là Nhạc Võ? Vì khi biểu diện bộ môn này, nhạc sĩ không thuần là nhạc sĩ mà còn phải là một võ sĩ nữa. Nhạc khí căn bản của Nhạc Võ Tây Sơn là một dàn trống do quân Tây Sơn dùng khi thao diễn quân sĩ tại võ trường, hay là khi xuất quân cho khí thế thêm mạnh mẽ, hay là khi thúc quân lướt tới trận mạc cho mau lẹ, hay là khi hành quân tiến thối nhịp nhàng, hay là khi hãm thành cho uy thế thêm mãnh liệt, hay là khi thành công mà khải hoàn reo mừng chiến thắng.
Bộ trống đúng theo kinh điển gồm 12 cái, mỗi cái mang tên một con giáp của thập nhị chi : tý, sửu, dần, mẹo, thìn, tÿ, ngọ... và khi học nhạc thì tên các con giáp này cũng là tên của các cung bực do tiếng trống phát ra. Ðường kính mỗi mặt trống lớn nhỏ khác nhau, da bịt trống thì căng chùng, thẳng cũng khác nhau nên tiếng trống cao thấp khác nhau.
Khi biểu diễn thì nghệ sĩ dùng roi (dùi) trống, có khi dùng bằng bàn tay, bằng nắm tay, bằng cùi chỏ... nghĩa là đủ cả bộ phận của hai tay nhảy múa trên 12 cái trống khi thì thư thả nhẹ nhàng, khi dồn dập gấp rút, khi phấn khởi khoan thai. Chỉ có hai cái tay mà đánh nổi một dàn trống 12 cái nên nhạc pháp gọi là "Song thủ đả thập nhị cổ"
Ai cũng biết rằng, sắc thái đặc biệt của nền văn hóa cổ xưa của người Việt bật nổi hơn cả là việc dùng trống. Những cuộc khai quật đã đem đến cho các nhà khảo cổ cái trống đồng mà đặc trưng hơn cả là trống đồng Ngọc Lũ là chứng cớ đặc biệt của nền Văn Minh Ðông Sơn.
Do đó, ta có thể nói rằng việc dùng trống là sở trường của Văn hóa Việt Nam, và trong thời Tây Sơn, cái sắc thái đặc biệt nọ của nền văn hóa dân tộc được nhà Tây Sơn khai thác đến triệt để thì nghệ thuật chơi trống cũng được đưa đến tuyệt đỉnh. Ai có dự xem bộ môn này thảy đều phải công nhận là một nghệ thuật kỳ ảo mà không một nơi nào có được.
Nói đến Nhạc Võ Tây Sơn, chúng ta không thể nào không nhắc đến môn Võ Nhạc. Võ Nhạc tức là một trong bốn môn võ đặc biệt của Bình Ðịnh: Côn, quyền, kiếm, cổ (trống), mà đặc biệt là khi biểu diễn võ lại xuất hiện nhạc cũng đủ những tiết tấu, nhịp nhàng như một bộ môn âm nhạc khác.
Nguyên tắc biểu diễn bộ môn này là trống phải treo lên và nghệ sĩ sẽ đánh, đá, thúc (cùi chỏ), húc (đầu) vào những cái trống treo lủng lẳng. Và dĩ nhiên khi đánh, đá, thúc, húc... trống lại phát ra âm thanh có bài, có bản ăn khớp với điệu võ.
Nếu chúng ta bảo Nhạc Võ Tây Sơn là tịnh thì môn Võ Nhạc là động. Vì Nhạc Võ thì 12 trống nằm yên trên dàn trống, vị trí bất động và khi ta muốn khởi một âm thanh nào đó thì ta chỉ có việc đánh trúng vào vị trí đó là được. Trái lại với Võ Nhạc thì trống di chuyển mãi. Khi ta muốn phát ra một âm thanh nào tất nhiên ta phải đoán đánh cái trống ấy trong lúc nó đang di chuyển. Ðánh cho trống phát ra âm nhạc đã khó mà khi đánh trống còn phải kết hợp chân tay đúng theo thế của một đường quyền hay một đường song kiếm v.v... lại càng khó hơn. Nghệ sĩ biểu diễn bộ môn này phải là một tay võ sĩ siêu quần đồng thời cũng là một tay nhạc sĩ lão luyện.
- Bài Chòi:
Ngoài ra, về địa hạt dân ca ở Bình Ðịnh lại phát xuất một điệu hô (hát) gọi là Bài Chòi.
Tại sao gọi là Bài Chòi? Theo chúng tôi nghĩ và như trên đã nói, Bình Ðịnh là một vùng châu thổ trù phú, nơi tập trung những tay tứ chiếng. Dân số đột nhiên tăng lên. Dân địa phương sợ không đủ ăn, ngoài hoa lợi chính là mùa ruộng, người ta lại nảy sinh sáng kiến làm thêm những mùa rẫy trồng các thứ hoa màu phụ. Mà phàm làm rẫy thì không thể làm nhiều được, mỗi người làm một ít mà thôi.
Ðến mùa hoa màu đã kết trái hoặc dưa, hoặc đậu, hoặc mì, hoặc bắp... mỗi chủ rẫy đều phải cất một cái chòi để canh giữ kẻ trộm hoặc thú rừng, chim muông phá phách. Người giữ rẫy tất nhiên không thể bỏ rẫy mà đi xa được mà còn ngồi không mãi thì lại buồn chán nên mới bày ra một trò chơi nào đó để giải trí giữa năm mười cái chòi gần nhau; mà thường, trong nhân gian trò chơi nào có mang màu sắc cờ bạc thì được hấp dẫn hơn cả và muốn cho trò chơi đó hào hứng thì tất nhiên phải xướng lên một điệu hô hát nào đó đúng với âm nhạc Việt Nam, dĩ nhiên họ phải lấy điệu thơ lục bát là một thể thơ thuần túy Việt-Nam để mà hô và cắt cử ra một người để liên lạc từ chòi này sang chòi khác.
Ðặc biệt là nhịp hô bài chòi không phải là nhịp trường canh mà cứ ba nhịp thì lại có một cái "rụp", tức là một cái nhịp bị nhốt.
Từ một trò chơi giữa những người giữ rẫy đó sau chuyển dần thành trò chơi của dân làng vào những ngày đầu xuân gọi là Ðánh Bài Chòi (tức là ngồi trên chòi mà đánh bài). Rồi cũng từ đó phát sinh là Hát Bài Chòi, tức là một bộ môn Kịch nghệ sân khấu có tuồng tập, bầu bạn như Hát Bội, Cải Lương nhưng giản dị hơn, văn chương bình dân dễ hiểu hơn. Hai trò chơi vừa kể tương đối có tổ chức quy mô, đòi hỏi nhiều người tham gia. Sau, người ta lại chỉ đặt ra những bài lục bát ngăn ngắn, kể lại những chuyện xảy ra trong làng xóm để hô chơi trong những dịp năm mười người gặp lại nhau gọi là Hô Bài Chòi như hô vè Cô Thông Tằm, vè Chàng Lía, vè đánh bạc, làm sui v.v...
- Tiếu lâm:
Ngoài ra, Bình Ðịnh cũng có những bộ môn khác mà các tỉnh khác cũng đều có. Nhưng đặc biệt bộ môn sau đây có nhiều tỉnh có song lại không hiểu phát xuất ở đâu. Theo lịch sử, chúng tôi nghĩ rằng có lẽ bộ môn đó xuất phát ở Bình Ðịnh, đó là môn Tiếu Lâm.
Bộ môn này có thể nói là cả dân tộc đều ưa thích. Hễ có người ngồi kể thì tất cả bu xung quanh lại mà nghe. Câu chuyện Tiếu Lâm cũng như những bài ca dao, không phải là do những người bình dân sáng tác mà chúng ta phải nhìn nhận rằng đó là những bài do các danh nhân học giả sáng tác ra. Bài nào hay, xâm nhập được vào quần chúng thì nó ở sâu trong quần chúng, ăn sâu trong đầu óc của quần chúng, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Môn Tiếu Lâm, mặc dù chỉ là một bộ môn kể ra rồi xúm nhau cười chơi cho vui nhưng bên trong nó hàm chứa một nội dung chế nhạo đời, chỉ trích người này, chê bai kẻ kia, mục đích chính của nó là giáo dục - một lối giáo dục bình dân, dạy cho người ta lối đối nhân xử vật, dạy trung quân ái quốc, dạy hiếu đạo luân thường... mà nhất là chống đối lại những cái giả dối, tệ bạc, tham nhũng v.v... của xã hội.
Tại sao chúng tôi lại nói bộ môn này có lẽ xuất phát tại Bình Ðịnh?
Theo tương truyền khi quân Tây Sơn ra chiếm Bắc Hà thì các cụ nhà nho ở ngoài Bắc muốn đánh đòn tâm lý bằng cách cho phổ biến bản "Chinh phụ ngâm khúc" của Ðặng Trần Côn qua bản dịch của Ðoàn Thị Ðiểm, Phan Huy Ích. Bởi vì các cụ nghĩ rằng, quân Tây Sơn đi ra Bắc, xa vợ xa con, tất nhiên khi nghe bài "Chinh phụ ngâm khúc" ắt phải nhớ vợ nhớ con mà xao lảng tinh thần chiến đấu. Không ngờ, để đối phó lại cái phương thức tuyên truyền chiến tranh tâm lý của nhà Lê ngoài Bắc thì Vua Quang Trung đã phản ứng bằng cách cho Ngô Thời Nhiệm bày ra môn nói chuyện Tiếu Lâm, mà Tiếu Lâm phần nhiều là nói tục. Quân lính hễ mà ngồi nghe Tiếu Lâm cười xòa ắt sẽ quên đi những nỗi nhớ nhung nhà cửa, vợ con, nhân tình... và cũng không còn có thì giờ đâu để đi ra ngoài mà phá phách dân chúng, hãm hiếp đàn bà con gái, làm điều thất nhân tâm. Phần này trong bộ "Tây Sơn Dã Sử" có thuật lại. Do đó mà bài Chinh Phụ Ngâm của các cụ nhà nho miền Bắc sử dụng không có ảnh hưởng như tiếng sáo Trương Lương thời Hán Sở tranh hùng. Ðặc biệt môn Tiếu Lâm Bình Ðịnh nói tục mà thanh, thanh mà tục và bao giờ cũng có tính cách giáo dục.
Ðó là những nét phác họa, chúng tôi không có ý thiên vị, địa phương mà nói rằng Bình Ðịnh đã sản xuất được. Nhưng chúng tôi có thể nói rằng nhờ tính tình nông dân chất phát mà Bình Ðịnh còn giữ lại được cái truyền thống tốt đẹp của các nơi gom lại và nhờ thời Tây Sơn mà những bộ môn ấy được phát huy.
Chúng tôi viết bài này với hy vọng các văn nhân, học giả, những nhà Văn Hóa của nước Việt Nam nên tìm lại cái sắc thái đặc biệt của Văn Hóa bình dân ở Bình Ðịnh mà cho phát huy trở lại. Với điều kiện đó chúng ta mới có thể trả lời được: Ðã có một nền Văn Hóa Bình Ðịnh. Có cùng không là do chúng ta có nuôi sống nó được cùng không. Nếu chúng ta không nuôi sống nó được thì bây giờ đây, chúng ta có cao đàm hùng biện, bỏ bao nhiêu thì giờ và giấy mực để chứng minh rằng có thì thiên hạ cũng sẽ chỉ nói: chúng tôi là kẻ lộng ngữ. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta có thể duy trì, phát triển được những điều mà chúng tôi vừa trình bày thì chắc trong tương lai, hậu thế sẽ nhìn nhận rằng: "Ðã có một nền Văn Hóa Bình Ðịnh" (*).
Bây giờ chúng ta sang vấn đề thứ hai là định nghĩa Văn Hóa Bình Ðịnh là Văn Hóa gì?
Những nghiên cứu về phần trước đã giúp cho chúng ta có đủ tài liệu để đáp lại câu hỏi là nhờ những tay lỗi lạc của Dân tộc đã gom góp tinh hoa của mỗi địa phương mình đem đến tỉnh Bình Ðịnh, những tinh hoa ấy tổng hợp nhau để có một sắc thái đặc thù.
Như vậy, kết luận lại, Văn Hóa Bình Ðịnh là Văn Hóa chung của Dân tộc Việt Nam sau khi đã sa thải những thành phần quá dị biệt và giữ lại những tồn tích chung để có thể tổng hợp được. Nói tóm, Văn Hóa Bình Ðịnh là kho tàng bi tráng và sống động nhất của Văn Hóa Dân tộc Việt Nam.
THÁI TẨU