Tu viện Nguyên Thiều
Nguyễn Phạm Thái
Một buổi chiều u ám, mùa đông năm 1979, Mai trung S, một thanh niên còn rất trẻ, trưởng công an xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Nghĩa Bình, chỉ huy một tiểu đội du kích có võ trang, chận đường lục soát và hùng hổ áp tải đuổi ra khỏi khu vực Dốc Eo, trên đường vào Trường Chi Cục Thống Kê Trung ương II và Trường Bổ Túc Văn Hóa Liên khu V, một người đàn ông đứng tuổi, gầy yếu nhưng quắc thước, có giấy chứng minh nhân dân mang tên Lê Ðình Nh, chánh quán thôn Kiên Ðức, xã Nhơn Khánh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh.
Người đàn ông bình tĩnh, nhỏ nhẹ; không sợ hãi, khuất phục; không quị lụy xin xỏ nhưng rất nhẫn nại giải thích và khẩn thiết thuyết phục để được vào thăm, dù chỉ để nhìn thoáng qua trong một thời gian ngắn, khu vườn bạch đàn bát ngát đằng sau Dốc Eo. Có lẽ chưa có ai tha thiết với một nơi chốn nào đó trong đời mình bằng người đàn ông này trong ước muốn được vượt qua Dốc Eo, ông ta có lý do để thể hiện tình cảm đó, bởi vì, rất giản dị, ông ta là Thượng Tọa Thích Huyền Quang, và cơ ngơi rộng lớn ẩn hiện giữa vườn bạch đàn mang danh hiệu Trường Chi Cục Thống Kê; Trường Bổ Túc Văn Hóa và cả các xí nghiệp 3/2, xí nghiệp chế biến xút đều là cơ sở cũ của Tu Viện Nguyên Thiều; một Phật học viện quan trọng có nhiệm vụ đào tạo các thế hệ cán bộ kế thừa với đầy đủ khả năng và đạo hạnh cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà Thượng Tọa Huyền Quang là người sáng lập, bảo trợ và trực tiếp góp phần điều hành với tất cả sự quan tâm và lòng kỳ vọng. Ðã nhiều năm qua, từ sau quốc nạn 1975, ông chưa có dịp về thăm lại.
Mai trung S. lạnh lùng, cương quyết từ chối yêu cầu của Thượng tọa Huyền Quang mặc dù nguyện vọng về thăm lại nhà cũ của ông không phải là một điều quá đáng, và mặc dù giữa hai người không phải là chỗ xa lạ, ít ra cũng về phía Mai Trung S; anh ta là một cựu học sinh của trường Bồ Ðề Nguyên Thiều, một ngôi trường nhờ Thượng Tọa Huyền Quang mà có mặt. Phải chăng đây chỉ là một hành động cá nhân của một con người mới, bằng cái gọi là đạo đức mới Xã Hội Chủ Nghĩa, hay còn một điều gì khác nữa, xuất phát từ một nguyên nhân lớn; một chính sách.
Tu Viện Nguyên Thiều được thành lập từ năm 1961 bằng tim óc và công sức của nhiều cao tăng đầy tâm huyết như Thượng tọa Huyền Quang, Tổng thư ký Viện Hóa Ðạo; Thượng Tọa Giác Tánh, Chánh đại điện Giáo Hội Phật Giáo VNTN miền Liễu Quán; Thượng tọa Ðồng Thiện; Ðại đức Ðồng Từ (một tu sĩ trẻ du học từ Nhật về); Ðại đức Quảng Bửu; Ðại đức Ðổng Quán và các cư sĩ Bùi Hàng; Trần Bùi Thao...
Tu viện vinh hạnh mang tên tổ Nguyên Thiều, vị tổ sáng lập chùa Thập Tháp, một cơ sở Phật giáo có truyền thống lâu đời, một di tích văn hóa cổ kính và có giá trị lớn ở Bình Ðịnh. Tu viện đã trải qua một quá trình xây dựng và phát triển nhiều khó khăn, phức tạp và đã đạt được những thành quả đáng tự hào trước khi nó bị bức tử vào năm 1975.Từ ngả ba cầu Bà Gi, chỗ quốc lộ số một có ngã rẽ lên cao nguyên mang tên đường 19; đi ngược theo con đường cũ về Qui Nhơn qua ngã Chợ Huyện, Tuy Phước; vượt khỏi một đoạn uốn cong hùng tráng và hữu tình với một bên là núi cao chót vót và một bên xanh biếc nước sông là con đường đất đỏ rẽ trái, càng lúc càng lên cao đến Dốc Eo dẫn vào một thắng cảnh vừa thiên nhiên vừa nhân tạo nổi tiếng: Tháp Bánh Ít. Tháp đứng ở lưng chừng núi, u uẩn và hoang liêu. Kế bên đó là một ngọn đồi thấp, tiếp giáp với một vùng đất xanh tươi nhưng hoang vắng kéo dài từ thôn Huỳnh Kim, xã Nhơn Hòa, quận An Nhơn, đến các ấp Luật Lễ, Ðại Lộc, xã Phước Hiệp, quận Tuy Phước. Nơi đây, xưa kia được gọi là đồng mả ông cụ, nghe nói là nơi an táng thi hài một nhà khoa bảng và là một nhân sĩ tài cao đức trọng được dân chúng vô cùng ngưỡng mộ, vì thế, mặc dù ngày nay ngôi mộ cổ đã được cải táng nhưng người dân địa phương vẫn trân trọng nhắc đến với tất cả lưu luyến và hãnh diện. Toàn bộ khu đất như một linh địa được bao bọc bởi hai nhánh sông Côn chảy qua cầu Bà Gi và cầu Tân An này là tư sản của một dòng họ cố cựu: Họ Bùi và vào năm 1961, cư sĩ Bùi Hàng, với tư cách Bùi tộc trưởng và là chủ tịch xã Phước Hiệp, đã cúng dường khu vực rộng lớn này để xây dựng tu viện Nguyên Thiều.
Khởi thủy, trong nỗi khó khăn về tài chánh và nhân sự chung của một quê hương mới hồi sinh sau năm 1954, tu viện Nguyên Thiều chỉ có mấy dãy nhà tranh đơn sơ, tạm thời đáp ứng nhu cầu ăn ở và học tập cho mấy chục tăng sinh từ nhiều nơi khác nhau tìm về thọ đạo; dần dà, cơ sở được mở rộng và hoàn thiện thành một trung tâm giáo dục lớn và là một thắng cảnh du lịch kỳ thú, đón tiếp nhiều chục ngàn tín đồ và khách thập phương trong các ngày lễ Tết cùng hàng triệu du khách hàng năm đến dâng hương và ngoạn cảnh.
Ngọn đồi thấp bên tháp Bánh Ít hoang sơ ngày nào đã biến thành đồi tượng đài với một tượng Phật lộ thiên cao 20 mét, sừng sững và thanh thoát nổi vượt lên giữa bầu trời quanh năm gió lộng. Từ chân đồi đi lên là năm mươi bậc thang xây quanh thành hình vòng cung ôm lấy quả đồi. Phía tiền diện dẫn lên tòa sen đài tượng là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ với những hình rồng phượng sống động và tinh vi. Chung quanh đài tượng cao vót trên đỉnh đồi là một vùng đất được ban phẳng, lát gạch hoa, có lan can bao bọc, từ đó nhìn xuống phía xa là nhánh sông Tân An trong xanh, nước chảy lững lờ; bên kia bờ là lũy tre và đồng lúa Tri Thiện mát rượi, trù phú trải dài mút mắt.
Dưới chân đài tượng lộ thiên, về phía bên phải là chánh điện uy nghi, giữa một vườn bạch đàn thâm u và thơ mộng xào xạc tiếng lá, xa về phía trái, ẩn hiện giữa rừng cây là tượng Quan Âm với một hồ sen lớn và những vòi phun nhân tạo phụt ra những tia nước nhỏ như những hạt mưa sương làm lăn tăn mặt hồ, tạo cho quang cảnh một vẻ trầm mặc, u tĩnh và trang nghiêm. Chung quanh hồ sen là một rừng huệ trắng tinh khiết, ngát hương và một công viên với hàng trăm thứ kỳ hoa dị thảo do Phật tử từ mọi nơi đem về góp phần công đức, tiếp tay tô điểm cho một nơi chốn mà ai nấy đều cảm thấy gần gũi như có một phần mình ở đó. Sâu vào phía trong, giữa vườn xoài rợp bóng, thẳng tắp những đường đi ngang dọc mát rượi là hàng chục dãy nhà thuộc các cơ sở học tập, nghiên cứu, ăn ngủ và sinh hoạt của những tăng sinh đủ mọi lứa tuổi từ nhiều địa phương trong toàn miền được lựa chọn và giới thiệu về tu viện tu học.
Vào thời kỳ hoàn chỉnh và cực thịnh, tu viện Nguyên Thiều qui tụ trên 300 tăng sinh. Chương trình đào tạo được nghiên cứu cẩn trọng và tiến hành chu đáo với hai hệ thống giáo dục song song, bổ trợ cho nhau. Mỗi tăng sinh khi đến tu viện đều phải trải qua một công phu tu rèn nội điển gồm việc học tập để thông hiểu các nghi thức và ý nghĩa của việc hành lễ; giữ gìn giới luật; trau dồi kinh điển; nghiên cứu giáo lý, triết học dưới sự hướng dẫn và giám sát của các vị cao tăng dày đạo hạnh, uyên bác và nhiều kinh nghiệm giáo dục; cùng lúc đó, các tăng sinh còn phải học ngoại điển, là những kiến thức và văn hóa phổ thông tại trường Trung học Bồ Ðề Nguyên Thiều, tọa lạc ngay trong khuôn viên Tu viện do Ðại đức Ðổng Quán làm giám đốc và cư sĩ Trần Bùi Thao chịu trách nhiệm tổ chức, sắp xếp chương trình giảng dạy.
Học trình của tu viện Nguyên Thiều kéo dài trong nhiều năm, và các tăng sinh có thể trở thành những tu sĩ với nhiều đẳng cấp khác nhau nếu như họ giữ tròn giới luật, làu thông nội điển và tốt nghiệp bậc trung học. Sau đó, các tu sĩ trẻ này có thể được bố trí về các địa phương, đem sở học của mình phục vụ đạo pháp và dân tộc, hoặc được giới thiệu để tiếp tục tu học và nghiên cứu ở các Viện Phật học cao cấp hơn.
Vào giữa thập niên 60, tu viện Nguyên Thiều đã trở thành một trung tâm giáo dục quan trọng và là một thắng cảnh nổi tiếng, đón tiếp du khách cả nước qua đường số một đến lãm cảnh và tìm hiểu, đó cũng là nơi Phật tử và nam thanh nữ tú từ Qui Nhơn, Bình Ðịnh và các tỉnh lân cận đổ về trong các ngày xuân, dịp tết hay những ngày lễ Phật giáo lớn. Những lúc đó, khói hương mù mịt cả bầu trời Nguyên Thiều, người bước chen chân và xe cộ đủ loại chật cứng đoạn đường mấy cây số dẫn vào Nguyên Thiều. Tuy nhiên, ngoài những ngày tấp nập lễ hội đó, nếp sống của Nguyên Thiều trầm lắng và êm ả. Tiếng chuông sớm mõ chiều ở Nguyên Thiều như mang vẻ thanh thản, dung dị trải khắp một vùng quê hương rộng lớn.
Cảnh sắc của Nguyên Thiều hùng vĩ và thâm nghiêm; con người ở Nguyên Thiều hòa ái và rộng lượng; mục đích của Nguyên Thiều nhằm giúp đời, giải khổ; cửa của Nguyên Thiều luôn rộng mở để đón tiếp và cưu mang nhân thế khổ đau, nhưng chính lòng vị tha cao cả này đã bị những thế lực hung hiểm lợi dụng và tai họa đầu tiên đã đến với Nguyên Thiều.
Mùa đông năm 1964, chiến sự bùng lớn và lan rộng đến nhiều nơi trong các quận An Nhơn, Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh. Nhiều ngàn người phải lìa bỏ quê hương, làng xóm đi lánh nạn, sản nghiệp tiêu tan, gia đình kẻ còn người mất, lang thang vô định. Trái tim của Nguyên Thiều rướm lệ trước thảm trạng đó, và vòng tay của Nguyên Thiều muốn vỗ về, xoa dịu vết thương dân tộc bằng bồ đề tâm và bằng những chia xẻ thực tế có thể làm được. Các lớp học của trường Bồ Ðề ban ngày là nơi học tập, đào luyện thế hệ trẻ, ban đêm biến thành nơi trú ngụ ấm áp tình người cho các nạn nhân chiến cuộc không nhà, trong đó có cả Hội Ðồng Xã Phước Hiệp lưu vong. Ðêm 4-11-1964, máu của những người dân vô tội đã tưới ngập sân trường Bồ Ðề Nguyên Thiều khi những bóng đen hung hiểm không tim đã tung nhiều quả lựu đạn oan nghiệt vào đám lương dân khốn khổ tay không, đang trăn trở dỗ giấc giữa đêm đông giá lạnh, sát hại xã trưởng Phước Hiệp và cũng là một cư sĩ đã hết lòng góp sức xây dựng Nguyên Thiều: Bùi Hàng, cùng mấy chục thường dân khác.
Trường Nguyên Thiều hoàn toàn bị đổ nát, nhưng vết thương của Nguyên Thiều không chỉ là những mất mát vật chất tầm thường này, mà nó còn là một nỗi đau sâu đậm và dai dẳng từ nỗi khổ đau của lớp lớp chúng sinh bất hạnh. Dẫu sao, Nguyên Thiều phải vượt lên trên những đối nghịch của đời thường, hướng đến những gì lớn lao, hằng cửu hơn. Trường Bồ Ðề được tái tạo ở một địa điểm khác; tu viện được tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh. Năm 1965, Bộ tư lệnh Sư đoàn 22 di chuyển đến khu vực tiếp giáp với tu viện Nguyên Thiều, vành đai an ninh được mở rộng, tiếng chuông Nguyên Thiều vang xa hơn như những tiếng gọi của tình yêu và tha thứ. Tu viện Nguyên Thiều kiện toàn mọi mặt với sự yểm trợ nhiệt tình của Chuẩn Tướng Nguyễn Thanh Sằng, Tư lệnh Sư đoàn, và nhiều Phật tử hằng tâm, hằng sản hết lòng với tiền đồ của Phật giáo khác.
Những lớp tu sĩ đầu tiên có đầy đủ năng lực và đạo hạnh đã rời tu viện đi khắp nơi để nhận lãnh nhiệm vụ. Nhiều lớp người khác tiếp tục tìm về. Nguyên Thiều nhẫn nại và quyết tâm theo đuổi mục đích cao cả và hệ trọng được giao phó. Thư viện được xây dựng lớn hơn, trang bị đầy đủ hơn; ban giảng huấn được tăng cường hùng hậu, đa dạng hơn; học trình được nghiên cứu hợp lý, hiệu quả hơn và trên tất cả những điều đó là một mô thức hướng đạo vào đời, chuẩn bị cho sứ mạng hàn gắn những vết thương chiến tranh, xây dựng lại những mất mát về đạo lý và niềm tin dân tộc; đáp ứng với tình hình tổ quốc hồi sinh sau chiến tranh, khi bình minh hòa bình đang ló dạng. Tiếc thay, ước nguyện của Nguyên Thiều không đạt đựợc và hy vọng của cả dân tộc về một ngày bình yên trong hàn gắn và yêu thương đã không xảy ra. Tiếng súng đã ngưng vào ngày 30-4-75 nhưng một nền hòa bình đúng nghĩa vẫn chưa đến và tổ quốc lại bắt đầu những đau thương mất mát mới, hết sức bi thảm và oan nghiệt.
Tu viện Nguyên Thiều bị đóng cửa, toàn bộ tu sinh bị trục xuất, bị bắt hoàn tục, tất cả cơ sở của tu viện bị tịch thu và trở thành các cơ quan đảng ngoại trừ chính điện còn sót lại nhưng bị rào kín chung quanh, hương tàn khói lạnh, đìu hiu với tiếng mõ buồn của vài tu sĩ hiếm hoi còn được chấp thuận cho ở lại thủ từ. Trên nguyên tắc, di tích cuối cùng của Nguyên Thiều vẫn còn nhưng tu viện đã không còn và những con người năm cũ đã tản lạc, thiếu vắng vì những áp lực tinh thần cách này, cách khác đè nặng khắp nơi.
Thượng Tọa Huyền Quang không được phép trở lại Nguyên Thiều. Năm 1979, cùng với Thượng Toạ Quảng Ðộ và nhiều vị lãnh đạo giáo hội khác, Thượng tọa Huyền Quang bị chi phối bởi lệnh quản thúc tại nơi sinh quán của chính quyền Cọng sản và bị đưa về an trí tại chùa Huệ Phước, Quảng Ngãi. Quyết định quản thúc không xét xử và không có thời gian hạn định này là một việc làm vừa thể hiện sự vi phạm quyền sống con người một cách nghiêm trọng, vừa chứng tỏ một thủ đoạn thiếu lương thiện của nhà nước. Lợi dụng việc hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh sát nhập thành tỉnh Nghiã Bình, chính quyền Cọng sản đã đưa Thượng Tọa Huyền Quang về quản thúc ở Quảng Ngãi và lập lờ coi đây là nguyên quán của ông, trong khi Thượng tọa Huyền Quang tức công dân Lê Ðình Nh, sinh tại Kiên Ðức, Nhơn Khánh, An Nhơn, Bình Ðịnh.
Chính quyền Cọng sản khi quyết định đưa Thượng tọa Huyền Quang về Quảng Ngãi bằng một hậu ý thiếu sòng phẳng, họ muốn tách ông ra khỏi quê hương nhỏ của ông và nghĩ rằng đã vô hiệu hóa được ảnh hưởng của Thượng tọa ở một nơi ông có nhiều uy tín. Người Cọng Sản có thể đúng trong những suy luận thuần lý ma mị và thâm hiểm của họ, nhưng họ đã lầm và đã đánh giá sai về tình tự dân tộc cũng như không hiểu hết được mạch sống của Phật giáo trong lòng dân tộc. Nơi nào trên tổ quốc thân yêu cũng là quê hương, người nào trong hàng hàng lớp lớp những con người khốn khổ bị tước đoạt quyền sống cũng là đồng bào, và truyền thống Phật giáo bàng bạc nhưng mãnh liệt trong lòng mỗi con người Việt Nam. Thượng tọa Huyền Quang không thể bị cô lập và không bao giờ cô đơn.
Tiếng chuông Nguyên Thiều đang ngân vang lời cầu nguyện và cả lời thúc giục trầm thống và khẩn thiết.
NGUYỄN MẠNH AN DÂN
Ðặc san QUANG TRUNG Xuân Canh Thìn 2000