VẤN VƯƠNG MẤY CHUYỆN
BÌNH ÐỊNH TÂY SƠN
NGUYỄN TIẾN HỐI

Tôi đến định cư tại Hoa kỳ rất muộn màng, giữa lúc tuổi đời chồng chất nặng vai. Dù vậy, với lòng tin vào thiên mệnh, tôi cũng đã có được những niềm vui bất chợt trong những ngày tháng ở đây.

Một trong những niềm vui phải nói đến trước nhất là tôi đã được tham dự Ngày Tây Sơn xuân Ðinh Sửu 1997 do hội Ái Hữu Tây Sơn Bình định tại Nam California tổ chức. Tôi được chứng kiến một cuộc lễ kỷ niệm Anh hùng Dân tộc tại hải ngoại tổ chức theo nghi lễ cổ truyền với đầy đủ những nghi thức, nghi biểu và diễn tiến theo qui trình cử hành ở quê nhà thuở xa xưa...

Tôi sung sướng được gặp lại đồng hương bạn bè sau nhiều năm xa cách, nói bao nhiêu cũng chưa hết chuyện... Tôi cố đọc các đặc san Xuân do hội Tây Sơn Bình định phát hành hàng năm. Nhận thấy các vị đóng góp bài vở cho Ðặc san đã có cái "tâm", cái "tình", và sự hiểu biết sâu sắc về quê hương Tây Sơn Bình định.

Với tư thế một "lão đồng hương" và một người đã góp tay trong công cuộc trùng tu Ðiện Tây Sơn ở quê nhà, tôi có mấy ý kiến về vài tiểu tiết trong một hai bài viết trên đặc san TSBÐ mà tôi đã được đọc. Mục đích cũng chỉ là mong sao có thể đạt sự chính xác trong các sự kiện được nhắc đến để người đọc khỏi phân vân khi tham khảo, tìm hiểu.

Ðền thờ Tây Sơn được khởi công xây cất từ năm 1959 và hoàn thành vào năm Canh Tý 1960, theo ý kiến của sĩ phu và nhân dân địa phương với sự chủ xướng, yểm trợ của ông Hoàng Ðình Giang, đương thời quận trưởng Bình khê. Những người trong cuộc nhất trí không dùng chữ "xây dựng" mà dùng chữ "trùng tu" với ngụ ý việc làm này là sửa sang lại, làm mới, làm đẹp thêm một công trình đã có từ trước, vừa vật chất vừa tinh thần (nhất là tinh thần), là kế thừa một truyền thống đẹp đẽ cao qúy, chứ không phải là việc làm mới khởi phát v.v... Rồi các sĩ phu, các thân hào nhân sĩ địa phương lại dùng chữ ÐIỆN TÂY SƠN (thay vì gọi là Ðền Thờ Tây sơn) để tôn xưng một chốn thờ phượng bậc Ðế vương, không phải là một đền thờ bình thường. Danh xưng của những người phụ trách công trình này là: Ban Trùng Tu Ðiện Tây Sơn (sau này kiêm nhiệm việc thờ cúng lăng mộ anh hùng Mai Xuân Thưởng thì gọi là: "Ban Quản Trị Ðiện Tây Sơn và Lăng mộ Anh hùng Mai Xuân Thưởng", khuôn dấu cũng khắc như vậy).

Như chúng ta đã thấy, khi điện Tây Sơn được hoàn thành, ở phía trên cửa chính đi vào điện có đắp ba chữ nổi, sơn màu đỏ: TÂY SƠN ÐIỆN (chữ Hán). Hai bên cửa có đắp hai câu đối cũ (chữ Hán):

Tây Khê thảo thụ lưu kỳ tích
Nam quốc sơn hà ký võ công

Tác giả câu đối này là Linh mục Nguyễn Diên thuộc nhà thờ Chánh toà Qui nhơn, người có thiện tâm, thiện chí trong việc trùng tu Ðiện Tây Sơn mà người Bình khê vẫn còn ghi nhớ...

Ðiện Tây sơn được xây dựng trên cơ sở cũ tọa lạc tại thôn Kiên mỹ, xã Bình thành, quận Bình khê. Ðịa cuộc trước đó là khuôn viên đình làng Kiên mỹ mà xưa kia là vườn nhà họ Nguyễn Tây Sơn. Ông nội của ba vua Tây Sơn đến thôn Phú lạc, đất Tây sơn, buôn bán trầu lá, lấy vợ và lập nghiệp tại đây. Sau sinh ra ông Nguyễn Phi Phúc. Ông Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu và lập bến Trường Trầu tại Kiên mỹ, trên sông Côn (nay là bến sông trước miễu Cây Gòn), sinh ra ba anh em Tây Sơn là Nhạc, Huệ, Lữ. Gia đình họ Nguyễn Tây Sơn ở ngôi nhà trong khu vườn nói trên, về sau gọi là Vườn Dinh. Khi ba anh em Tây Sơn dựng nghiệp đế vương thì nơi vườn cũ này lập một ngôi từ đường, do làng sở tại coi sóc. Ðến khi nhà Tây Sơn bị diệt, nhà Nguyễn Gia mưu phục hưng thì từ đường bị hạ và thay thế bằng một ngôi đình làng. Thay vì thờ thần ở đình làng thì nhân dân địa phương đã âm thầm thờ phụng ba vua Tây Sơn... 

Thời Việt Minh năm 1946, đình bị phá hoại. Trong khuôn viên Ðiện Tây Sơn còn có một cây me cổ thụ, một giếng nước ngọt xây bằng đá ong, nước ròng quanh năm, là những vật đã có từ thời Tây Sơn.Có người đã viết: "Ở Phú lạc còn một cái đình nhỏ do dân Bình khê dựng lên để thờ ba anh em Tây Sơn và trong công viên vẫn còn cây me cổ thụ và giếng nước lâu đời..." Có lẽ người viết muốn nói đến địa điểm lập Ðiện Tây Sơn ở thôn Kiên mỹ hiện nay. Tác giả còn viết: ""Ngôi nhà lá nhỏ ở thôn Kiên mỹ, Bình khê, bên cạnh bờ sông Côn, nơi ba anh em Tây Sơn đã chào đời vào năm 1753".

Ngôi nhà ấy là nhà của họ Nguyễn Tây Sơn nằm ở chỗ Vườn Dinh vừa nói, cách xa bờ sông Côn gần một cây số ngàn, xưa là Từ đường, sau là Ðình làng và nay là Ðiện Tây Sơn. Còn việc ba anh em Tây Sơn đã chào đời vào năm 1753 thì không được rõ ý của người viết. Năm 1753 là năm sinh của Nguyễn Huệ, còn năm sinh của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ không được biết. Nếu muốn nói "chào đời" là "khởi nghĩa" thì năm khởi nghĩa là năm Tân Mão 1771, lúc Nguyễn Huệ 18 tuổi. Hay là ba ông cùng sinh một năm?

Khoảng cuối thập niên 1980, trong khuôn viên Ðiện Tây Sơn có lập một cơ sở nhỏ mang tên là Nhà Bảo Tàng Quang Trung tàng trữ các di vật, di tích về nhà Tây Sơn. Hình thức là vậy chứ thực chất chẳng có gì.

Trong bài viết "Tìm Về Quê Hương Ðại Ðế" Xuân 1997 có đoạn: "Ngày nay Viện Bảo tàng Quang Trung cũng được xây dựng lại trên khoảng đất sát chân núi cách đèo An khê chừng 3, 4 km về phía đông, khang trang với nét đẹp cổ kính, bên trong có nhiều di tích, có nhiều tài liệu được sưu tầm từ khắp nơi gom về". Không biết cái Viện Bảo Tàng vừa nói tọa lạc ở đâu, chứ khoảnh đất sát chân núi cách đèo An khê chừng 3, 4 km về phía đông... làm gì có cái Viện Bảo Tàng Quang Trung... khang trang với nét đẹp cổ kính (!). Nói là được xây dựng lại thì cũng không phải vì trước nay chưa có...

Tôi cũng có cái vui khi đọc bài viết về mối tình vương giả của vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân. Vua lấy công chúa là tình... vương giả chắc rồi, còn gì phải nói nữa. Khen phò mã tốt áo mà người đời còn bảo là dư thừa, huống chi thời xưa, tình yêu không đến trước hôn nhân.

Dường như lâu lắm đã có người nói, vua Quang Trung có một điều làm cho chúng ta thán phục là ngài đã lập lên hai Hoàng hậu là Chánh cung Hoàng hậu Phạm Thị Liên và Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Tôi cứ nghĩ mãi, vì sao mà mình thán phục cái việc đó? Tưởng rằng, không chê mà cũng không khen mà chỉ quan tâm đến những gì vua Quang Trung đã làm được cho dân cho nước. Chẳng hạn, việc người lên ngôi vua với niên hiệu Quang Trung không là việc làm hoàn toàn hợp lý, hợp tình, tuy nhiên lịch sử và lòng dân chấp nhận khi người chiến thắng vẻ vang quân xâm lược Mãn Thanh.

Tôi được đọc bài "Tây Sơn Bình định và Quan Tổng Ðốc Thoi Tây". Người Bình định ở lớp tuổi của tôi biết khá rõ về quan Tổng đốc Hoàng Yến. Trước khi là Tổng đốc Bình định, cụ là Tri huyện Bình khê, quê quán của chúng tôi. Cụ là một vị đường quan giỏi Pháp văn, thông Hán học, thích hát bội Bình định..., đã lưu lại nhiều tiếng tốt ở địa phương này. Còn việc cụ hay "thoi Tây" thì trong chúng tôi chưa có ai biết cả.

Ở Bình định có câu ca dao: "Ai về Bình định mà coi - Con gái Bình định múa roi, đi quyền", và mỗi khi nói về Bình định người ta thường dẫn câu này đến độ nhàm chán, làm như dân Bình định toàn là dân giỏi võ, ai cũng thạo nghề đánh đá. Còn cái câu: "Ai về Bình định mà coi - Ông quan Tổng đốc... thoi Tây dài dài" thì trước giờ không nghe nói đến. Thực ra, đây là một câu... "tân chế", sai vần, và chữ "dài dài" là chữ của người miền Nam đời sau này, người Bình định không hay dùng. Nếu đổi vị trí hai chữ "Thoi Tây" thì câu lục bát trên được cái hợp vần, nhưng khổ nỗi ý nghĩa lại trái ngược hoàn toàn. Khó lòng thay!

Về cụ Hoàng Yến, trong phần mở đầu của cuốn sách "Nhà Tây Sơn" nhà thơ Trường Xuyên (Quách Tấn) có viết:

 "Gia đình tôi ở ấp Tây sơn hạ (Bình khê hiện thời) đã chín đời. Trong nhà trước đây có hai bộ sử chép tay về nhà Tây Sơn (Tây Sơn dã sử), một của người Bình định viết, một ở Bắc đưa vào. Thời Pháp thuộc, cụ Hoàng Yến làm Tri huyện Bình khê mượn xem rồi tịch thu mất (tịch thu vì là... đồ quốc cấm), cho nên những gì tôi viết ra đây là viết thuộc lòng, nghe sao viết vậy mà thôi". (Có thể xem Ðặc san Tây Sơn Xuân 1996, trang 33, bài  "Di Tích và Truyền Thuyết về Nhà Tây Sơn")

Tôi có nói chuyện với một vài đồng hương về ý định viết ra những ý kiến trên đây thì một ông bạn già nửa đùa nửa thực vỗ nhẹ vào lưng tôi mà rằng:

- Nghỉ đi, viết chi cho mỏi tay, mỏi lưng. Viết về lịch sử đã là khó, mà viết về nhà Tây Sơn lại còn khó hơn nữa đó. Bộ không nghe người ta nói, muốn viết về Tây Sơn Bình định phải sinh ra và lớn lên ở Bình định, phải có bước chân đến trường học chữ và học sử Việt nam và..., lão có đủ tiêu chuẩn không mà tính "múa rìu qua mắt thợ"?

Tôi cười vui với ông bạn. Tôi chậm rãi nói cho ông bạn già rõ là tôi đâu có muốn múa rìu, bởi biết rõ sức mình đâu có vác nổi rìu mà múa với men! Chuyện hiện thời, chuyện trước mắt nhiều khi mình nói lại cung sai đầu, sai đuôi, nhãn quan có khác gì "thầy bói xem voi" thì làm sao mà viết chuyện xưa, chuyện lịch sử cho chính xác. Vẽ vời, đặt chuyện... mang tội chết! Thành ra, mình biết điều gì, có ý kiến gì, suy nghĩ ra sao thì viết ra để chia sẻ với đồng hương, đâu có viết văn, viết sử gì mà lo ngại. Ðó cũng là "tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri" vậy mà.

Mình không nô lệ lịch sử, sách vở, không nô lệ cổ nhân. tưởng niệm Anh hùng Dân tộc là để nhớ công ơn tiền nhân, để học bài học bổ ích cho việc đối nhân, xử thế (người có tài thì để... làm lịch sử), và sau hết là nói lên niềm mong ước một đấng anh hùng kiệt hiệt ra đời, cứu dân cứu nước trong cơn dầu sôi lửa bỏng này...

Ông bạn già thông cảm, cười hể hả:

- Ờ, vậy thì viết đi, nhớ viết mỗi bữa một chút thôi, kẻo mỏi lưng, mỏi mắt.

Và những dòng viết này hôm nay đến với quí vị, mong được coi như "một chút tình xuân" gởi đến đồng hương khi năm mới đang thấp thoáng về trên Ðất Khách!

San Diego, tháng cuối năm Ðinh Sửu 1997 

NGUYỄN TIẾN HỐI
Giai phẩm Xuân TÂY SƠN Mậu Dần 1998