ÔNG THẦY LA SƠN
MỘT MẪU NGƯỜI TRÍ THỨC

TRIỆU CHÂU

Không có Hoàng xuân Hãn, có lẽ ít người biết đến ông ta, như đã ít người biết đến Võ Trường Toản, một ông thầy đích thực khác. Âu cũng là một điều đáng tiếc cho chúng ta. May nhờ cuốn La Sơn Phu Tử, Hoàng Xuân Hãn biên soạn năm 1945 và xuất bản năm 1950, mình mới biết về ông thầy La Sơn này. Biết như thế nào, xin theo đúng những chi tiết của người ngưỡng phục ông ta, Hoàng Xuân Hãn.

Ông ta sinh năm Qúy Mão, 1723, đời Lê, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 4, tại làng Mật thôn, xã Nguyệt ao, tổng Lai thạch, huyện La sơn, tỉnh Nghệ an. Ông tên húy là Minh tự Nguyễn Quang Thiếp. Ðến đời chúa Trịnh Doanh, sợ phạm quốc húy phải bỏ chữ Quang, ra Nguyễn Thiếp. Mất tên đệm ông có nhiều tên tự khác như: Khải Xuyên, Hạnh Am. Theo phép xưa tên tự chưa đủ, ông lấy thêm tên hiệu, nhiều lắm như Lạp Phong cư sĩ, Bùi Phong cư sĩ, như Cuồng Ẩn, Ðiên Ẩn, như Hạnh Am... Rồi người đời cũng tặng ông nhiều danh hiệu khác nữa. Như Hầu Lục Niên (hầu tức là quan lớn, theo lối dân ta dùng thời Lê), hoặc Lục Niên Tiên sinh (tiên sinh nghĩa là thầy), Hạnh Am Tiên sinh, La Sơn Tiên sinh, Nguyệt Ao Tiên sinh, La Giang Phu tử (phu tử nghĩa là bậc hiền triết, cũng theo cách giải nghĩa của Hoàng Xuân Hãn). Không hiểu chí hướng của ông ta ra sao mà phải lắm hiệu như vậy, hay vì mỗi thời mỗi đổi, sau cùng chỉ còn nửa tá biệt hiệu trên? Ðức Quang Trung Hoàng đế, khi còn là Nguyễn Huệ, có viết thư mời ông ra giúp, gọi ông là La Sơn Phu tử, và về sau chính thức tặng ông danh hiệu này.

Nhưng tại sao Nguyễn Huệ lại mời ông ra giúp?

Ông là người có học.

Còn bé ông học với chú là tiến sĩ Nguyễn Hành, sau học với Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, thân sinh của Nguyễn Du. Cùng học nơi Nguyễn Nghiễm với ông có cả Nguyễn Khản, con trai Nguyễn Nghiễm và anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du. Khản thua ông chừng mươi tuổi, sau này làm quan dưới triều Trịnh Sâm. Học toàn những thầy giỏi, Nguyễn Thiếp cũng chỉ thi hương, đậu hương giải (tức hương cống, tương đương cử nhân) năm 21 tuổi, và đậu đội bảng. Sau đó, ông đổi chí phát cuồng (nên mới lấy hiệu là Cuồng Ẩn, Ðiên Ẩn), bỏ việc học. Bỏ thì bỏ, ông cũng cố thi hội một lần mà không nên cơm cháo gì, vào năm 26 tuổi. Có lẽ vì bệnh cuồng khi phát khi không, lúc tỉnh lúc mê, từ trong làng ra Bắc dự thi rồi lại thôi. Nhưng lúc nào ông cũng đọc sách nghiền ngẫm Chu Tử, Tứ Thư, Ngũ Kinh Ðại Toàn... và còn trẻ đã có giọng chán đời, chỉ mê sự nghiệp của các ông Trình, ông Chu. Theo gót Khổng tử, ông đi dạy học, sống đời đạm bạc của một giáo sĩ rao truyền chân lý của ba tay Tống Nho cự phách trên.

Nhưng, giáo sĩ thì giáo sĩ chứ ông có lấy vợ. Cũng loanh quanh trong chỗ quen biết thôi. Ông lấy chị vợ của Nguyễn Khản, họ Ðặng tên Nghi, tức là anh em đồng hao (còn gọi là đồng á - cùng mẹ vợ) của Nguyễn Khản. Lấy vợ ông không viết gì nhiều về chuyện gia đình, dù cũng đẻ 5 trai 4 gái. Chỉ tả cảnh ngao du sơn thủy, ngâm vịnh gió trăng. Khi thì lên núi Hồng Lam, lúc vào động Hương tích. Hầu như không nơi danh lam thắng cảnh nào là không có dấu chân ông.

Như đã nói, năm 26 tuổi, 1748, có ra Bắc dự kỳ thi hội nhưng không thành công bèn vào lại trong Nam, và lại bỏ quê quán ngao du nữa. Không biết ông đẻ con lúc nào, dạy con lúc nào, chứ chưa nói đến việc dạy học...

Cuối cùng như ông giải thích, vì mẹ già, con đông, năm 1746 ông phải ra làm quan. Ðược bổ làm huấn đạo ở Anh đô, là phủ Anh sơn thuộc Nghệ an ngày nay. Có lẽ cùng nhờ thầy cũ là Nguyễn Nghiễm làm hiệp trấn Nghệ an cất nhắc cho. Làm huấn đạo được một năm, dù thân lương ít ông cũng mua được một nông trại ở núi Thiên nhận, lâu lâu lại trốn về nghỉ ngơi. Theo Hoàng Xuân Hãn, là để nghiền ngẫm những tấm gương ẩn sĩ ở địa phương, và để suy tưởng đến phương pháp giảng dạy. Năm 1760 gặp ngày xuống tỉnh để thi, ông không đi, trèo lên thành Ðông Lũy ở phủ Diễn châu làm thơ than chiến tranh lan rộng và vì hư danh mà phải lụy thân.

Mà những năm đó, quả là tình hình Bắc Hà nhiễu nhương, giặc cướp nổi lên như ong, dân tình rất khổ sở.

Thế mà ông không bỏ quan về núi được. Viết là vì nhà nghèo, sự ăn mặc bó buộc, nên đến hết khoá, ông lại ra làm quan. Lần này cao hơn một chút, tới tri huyện, có lẽ cũng do Nguyễn Nghiễm đề bạt cất nhắc. Trước đó ông đã tỏ vẻ khinh khi Nguyễn Khản khi người em đồng hao (và là bạn học, con thầy và là ân nhân của mình) đi thi đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn. Ông làm tri huyện Thanh chương, có trại riêng ở núi Thiên nhận thuộc Thanh chương nên xuất xử cũng dễ. Nhờ vậy mà mặc dù dân tình đói khổ, muà màng thất bát, ông lại khác các quan đồng thời, ít đi công cán. Ông phải làm quan để có lương cho "các con may đủ phần ấm no", chứ trong thơ ông sáng tác, luôn luôn tỏ vẻ than trách trong triều không có ai tài đức, không ai có chí kinh luân. Trong khi dân khổ cứ khổ.

Dân khổ cứ khổ, làm quan ông cứ làm, làm thơ than đời ông cứ than, lãnh bổng lộc nuôi con ông vẫn lãnh...

Trong dịp này, ông có hai lần ra Bắc nữa. Lần thứ hai đúng kỳ thi mà không biết có thi không, và thi chắc không đỗ. Nếu có thì ta đã biết. Theo những bài than thở, ta biết là ông định ra để đi thi, nhưng vì mưa gió nên không vào trường thi được. Không thi, có bạn đi thi khoá này đỗ tiến sĩ, ông làm bài thơ mừng, và viện "cuồng bệnh giúp ta rừng núi ẩn, đua chen mừng bác giáp khoa vinh". Nếu không bị mưa gió ngăn vào trường, có lẽ ông đã khỏi bệnh cuồng và cũng giáp khoa vinh, lên bậc chính khanh như ai. Nhưng, có thuyết đưa ra một lý do khác khiến ông không đi thi. Không phải vì gió mưa, mà vì một anh lái đò.

Tương truyền là kỳ đi thi hội này, ông cùng bạn ghé bến đò qua sông, người thuyền chài hớn hở áo quần tươm tất đón hai người xuống ghe. Nói rằng: "Ðêm qua thần làng bảo sáng dậy dọn đò sạch sẽ đón hai quan Nghè sang sông." Ðoán là hai người đi thi đều sẽ đậu tiến sĩ. Nguyễn Thiếp nhìn thấy trong thuyền khô ráo sạch sẽ, nghĩ đến sự "tát hết nước" là một điềm xấu, bèn bấm độn. Rồi bảo anh lái đò: "Hết nước trong thuyền, vận nước sắp hết. Ta không đi thi nữa. Cho thấy thần hoàng nhà anh nói bá láp". Rồi không đi thật, bạn ông đi tiếp thi đỗ, được ông mừng như trên.

Thần làng của anh lái đò nói bá láp, hay vì anh lái đò không làm đáy ghe xũng nước, hay vì Nguyễn Thiếp dị đoan, bị bệnh cuồng phát tác lúc xuống ghe? Chẳng ai hiểu cho rõ cả. Kể cả ông Hoàng Xuân Hãn.

Cũng may trong dịp ra thi hụt này, ông có ghé nhà quan tả tướng Nguyễn Nghiễm, tức là thầy học và ân nhân, và có lẽ cũng là người nhắc ông ra thi. Ghé nơi đây, ông để lại một bài tán, khuyên chủ nhà đừng cầu phú quý...

Mười ba năm sau khi làm quan, Nguyễn Thiếp mới từ quan. Con cái khi đó chắc đã khôn lớn và mẹ già đã tạ thế nên ông không cần bổng lộc cho gia đình nữa. Theo bài Hạnh Am ký của ông, thì ông được bổ tri huyện Thanh giang, nhưng bệnh cũ tái phát nên xin về. Theo Dã Sử Nhật ký mà Hoàng Xuân Hãn công nhận là đúng đắn và đáng tin cậy, ông bị phạt mà từ quan về. Ông bị bệnh, bị phạt, hay vì lý do gì khác?

Theo nhận định của chuyên gia về ông thầy La sơn là Hoàng Xuân Hãn, ông từ quan vì lý do chính trị: Lê Duy Mật là con vua Lê Dụ tông, thấy chúa Trịnh cưỡng ép cha mình từ ngôi để lập cháu Cương là Duy Phương (anh Duy Mật), rồi lại thấy Trịnh Giang giết Duy Phương, bèn trốn vào Thanh hóa nổi loạn. Năm Trịnh Doanh được lập (1740), Duy Mật kéo quân về tới tận Hà đông đánh Trịnh mà thua chạy. Ðến năm 1767 Trịnh Doanh mất, Trịnh Sâm lên, Duy Mật lại kéo quân đánh các huyện Thanh chương và Hương sơn, là nơi Nguyễn Nghiễm cai trị và được sai đi đánh dẹp.

Nguyễn Thiếp muốn giúp Lê Duy Mật vì hai chữ phò Lê là chính đáng, mà làm gì có sức. Nhưng can gián cũng chẳng ai nghe, có khi còn liên lụy, bèn cáo quan về vườn để khỏi phải chọn lựa...

Dù không phải là bị bệnh như ông nói, hay bị phạt như Dã sử Nhật ký ghi, hoặc vì ở vào thế kẹt không chọn lựa được như Hoàng Xuân Hãn luận, cứ biết là từ năm Mậu Tý, 1768, Nguyễn Thiếp mới hết làm quan, lui về núi Thiên nhận ở ẩn. Ông ở ẩn trong một sơn trang thụ đắc khi còn làm huấn đạo do "người quen kẻ thuộc lo ta nghèo cùng nên mua đất nạp thuế cho". Hoàng Xuân Hãn nói ông nghèo, chứ trong trại cũng có đủ cả Vọng Vân Ðình, Giới Thạch Trai, Thận Tật Am, nghĩa là đình ngắm mây, nhà đá vững, am dưỡng bệnh. Nguyễn Thiếp thì viết rõ ràng là cũng nuôi trâu bò, cày ruộng, dệt vải... Xem vậy ông thầy nghèo này cũng không đến nỗi nghèo như dân chúng Bắc Hà khi đó. Trong nhà, ông đặt tượng thờ Chu Hy, trong thơ, ông viết:

Một lời chẳng phải riêng tây
Trình Chu các đấng ấy thầy ta noi
Dân mọi rợ học đòi thánh ý
Binh giữ ta, nông để nuôi ta...

Không biết ông định nói binh nào, của ai để giữ cho ông. Chỉ biết là trong lúc ở ẩn, ngoài việc nghiên cứu sấm ký, ông còn luyện đan để học phép trường sinh theo lối tu tiên. Nhưng tu thì tu, ông cũng làm thơ chê một người tu tiên nổi tiếng đắc đạo ở Hoan châu trước đó là "hão huyền". Ông mơ ước theo chân Tuyết Giang Phu tử Nguyễn bỉnh Khiêm và nổi tiếng về lý số và phong thủy. Học trò trong vùng theo học cũng nhiều. Duy không thấy nói đến những người đỗ đạt thành danh giúp đời trong số đó.

Sau có Bùi Huy Bích và Hoàng Ðình Bảo vào trấn Nghệ an có nghe tiếng ông, bảo cử tới tận Trịnh Sâm khiến năm 1780 Sâm mời ông ra Thăng long. Không biết nội vụ diễn tiến thế nào, chỉ thấy Hoàng Lê Triều Kỷ chép: "Không có việc gì trao được cho Nguyễn Thiếp, người huyện La sơn, bãi về". Có thể chỉ nhờ ông bói cho một quẻ cát hung, vì lúc đó tình hình Bắc Hà đã quá loạn. Trịnh Khải bị truất, Nguyễn Khản bị giam, Ngô thì Nhậm phải trốn về Sơn nam lánh nạn, và Trịnh Sâm thì lo cho ngai chúa sẽ bị nghiêng đổ một khi chúa băng hà vì Trịnh Cán được đưa lên thay Khải ở ngôi thái tử thì cũng đau yếu quặt quẹo luôn.

Dù sao, việc ông ra Thăng long gặp Trịnh Sâm và ngâm vịnh với các quan văn Bắc Hà cũng là một biến cố văn hóa cho đất Bắc. Mọi người đều luận bàn về bậc đại ẩn ở La sơn. Ông trở thành một huyền thoại sống, danh tiếng nổi như cồn. Nhưng ông may mắn rời Thăng long rút về trước khi chính biến xảy ra năm Trịnh Sâm tạ thế, 1782, và kiêu binh nổi loạn giết Hoàng Ðình Bảo, phế Cán, lập Khải làm chúa, rồi lại đòi phế chúa, phò vua Cảnh Hưng, phá tan nhà Nguyễn Khản, giết trung thần, ức hiếp dân lành.

Tình hình Bắc Hà sôi sục cũng là lúc từ Ðàng Trong nhà Nguyễn Tây Sơn lớn mạnh sau những cuộc tranh hùng với chúa Nguyễn và đuổi quân Nguyễn Ánh khỏi Gia định. Năm 1786, Nguyễn Huệ đuổi quân Trịnh khỏi Phú xuân, tiến quân ra Bắc trừ chúa Trịnh, lập ngai Lê cho Chiêu Thống và lại rút về Phú xuân. Lúc đó chắc bậc anh hùng này đã nắm vững tình hình Bắc Hà, và nghe nói đến huyền thoại sống Nguyễn Thiếp, ông thầy huyện La sơn, đang cao ẩn trong núi Thiên nhận.

Cuộc giao thiệp bắt đầu, và ông thầy La Sơn này bước vào lịch sử.

Khi Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ an ra tại Thăng long diệt Trịnh Bồng và thay chúa Trịnh ở Phủ Liêu thì cũng là lúc Nguyễn Huệ gởi thư vào núi Thiên Nhận. Với lời lẽ khiêm tốn, khéo léo so sánh ông với những Chu Công, Y Doãn của cổ sử Trung hoa, nhưng cũng khẳng định niên hiệu Thái Ðức. 

Nguyễn Huệ mời ông ra giúp cho "nước riêng" (của Nguyễn Nhạc, biệt lập với Bắc Hà), và cho cả 12 thừa tuyên đất Bắc. Cho sinh dân Bắc Hà.

Nguyễn Thiếp nhận thư và lễ vật của Ðại Nguyên soái Phù chính Dực Võ Uy Quốc Công Nguyễn Huệ do hai quan triều thần đem vào. Ðợi hai sứ giả ra về rồi Nguyễn Thiếp mới gởi thư từ chối, viện ra ba lẽ: Lẽ thứ nhất là vì đau mà ở ẩn, chứ chẳng phải vì tài. Lẽ thứ hai là phải ở nhà lo việc gia đình, việc tế tự cho phải đạo. Lẽ thứ ba là mình đã già. Ðược về hưu rồi mà lại ra thì mang tội rất nặng.

Hoàng Xuân Hãn cũng công nhận là cả ba lẽ này đều không vững. Ta nôm na gọi là những lý lẽ lèm bèm. Thực ra chỉ vì kẻ sĩ La Sơn giữ một lòng trung với vua Lê, coi Nguyễn Huệ là một anh tù trưởng mán mọi ở ngoại biên mà thôi.

Cho hay cái học Trình Chu nó đưa những bậc đại trí thức thời đó vào vòng trung quân loanh quanh như vậy. Nếu thực trung với vua Lê, tại sao không chọn thế Lê Duy Mật chống lại Trịnh Sâm? Hay không nhìn thấy việc Nguyễn Huệ phế Trịnh lập lại ngai Lê? Ông thầy La Sơn đối với việc nước cũng giống như việc thi cử khi còn trẻ. Hoài nghi, ỡm ờ, chán nản, và thích biện bạch. Sau đó bằng thơ phú ca tụng việc ở ẩn hay than vãn là triều đình thiếu người tài.

Chỉ có một việc ông làm dứt khoát, đó là trả lại cả lễ vật lẫn thư mời của Nguyễn Huệ. Ra điều không muốn liên lạc nữa. Hoàng Xuân Hãn viết tiếp là ở trong Nam, Nguyễn Nhạc xưng đế, phong cho Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương nhưng anh em không hòa thuận về sự chia của cải lấy ở Bắc Hà về, cho nên sinh sự đánh nhau.

Cho hay, dù không học cửa Trình Chu, kẻ sĩ Hoàng Xuân Hãn cũng có những đánh giá về Quang Trung Nguyễn Huệ hơi kỹ.

Vì vậy, Hoàng Xuân Hãn luận là vì tham vọng chiếm lại Bắc Hà và dự bị cai trị nên Huệ lại triệu La Sơn Phu tử một lần nữa. Lần này, hai vị quan đem thư và lễ vật đều là bậc cao cấp, có tước hầu là Trấn thủ Nghệ an và Binh bộ Thị lang. Rõ là Nguyễn Huệ đã nhất định dùng lễ đãi bậc trí thức này.

Ðọc lại văn thư của Nguyễn Huệ, ta còn thấy hai lần bậc anh hùng áo vải nhắc đến sinh dân khổ sở và kêu gọi La Sơn Phu tử hãy vì dân mà đứng dậy mà đi ra cho ông được thờ như thầy, cho đời có người mà nhờ cậy. Rõ là ông đã đứng trên một vị trí khác, mời La Sơn ra giúp dân, không để giúp mình.

Ông thầy La Sơn trả lời theo đúng khẩu khí kẻ sĩ thời đó: Dốt nát, vụng về, già nua, lại mới thêm bệnh đau lưng đau gối, nên xin thoái. Xin Vương đừng nghe người ta ca tụng quá mà cho mình được yên, kéo dài tuổi thọ chút đỉnh. Và sẵn sàng ở ngoài, làm cố vấn dự bị. Cứ như chuyện đời nay vậy. Cũng là "mời ông xúc tiến việc nước, tôi xin đứng sau, sẵn sàng và luôn luôn là cố vấn" nhưng chỉ làm cố vấn thôi. 

Nguyễn Huệ dùng niên hiệu Thái Ðức, thầy trả lời bằng niên hiệu Chiêu Thống, hơn một năm trước khi Chiêu Thống mời quân Thanh vào nước ta không hiểu ý của Nguyễn Thiếp, Hoàng Xuân Hãn phải giải thêm là La Sơn Phu tử dùng chữ qúy quốc để nói Huệ chỉ là một phiên vương mà thôi. Quả thật với đầu óc sĩ phu thời đó, vấn đề nước non và sinh dân vẫn còn mơ hồ, Chiêu Thống trên cái ngai mục ngoài Thăng long vẫn là chính thống và Nguyễn Huệ vẫn chỉ là anh chàng phiên vương võ biền, vô học.

Lần thứ ba, Nguyễn Huệ sai Hình bộ Thượng thư Hồ công Thuyên đem thư vào nài. Lần này thư viết dài, lý luận chặt chẽ trên ba điểm. Anh em Huệ quả là Ấp trưởng, dùng binh là phải phá hoại sinh dân, lại không đến tận nơi cầu hiền nên phải chăng vì vậy mà thầy từ chối? Ba điểm giải trong thư là việc quân bề bộn (lúc đó Nguyễn Huệ sắp sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Chỉnh và đích thân ra sau để diệt Nhậm), việc binh đao là bất đắc dĩ, và dù là ấp trưởng cũng biết quý trọng những người danh thế hiếm có trên đời để mưu việc lành cho dân sinh.

Không thấy ông thầy La Sơn trả lời lá thư này. Và trả lời cũng khó.

Sau đó ít lâu, Nguyễn Huệ từ Phú xuân ra đóng quân bên núi Nghĩa liệt bên bờ sông Lam và lại sai Cẩn tín hầu Nguyễn Quang Ðại mang thư mời ông thầy La Sơn ra cho được gặp. Lần này gặp nhau ở nơi Hoàng Xuân Hãn nhắc là dưới chân cột cờ Trương Phụ, chỗ Trương Phụ gặp Nguyễn Biểu, một võ một văn , 370 năm về trước, võ Nguyễn Huệ bị văn Nguyễn Thiếp khuất phục. Khuất phục vì Nguyễn Thiếp nêu vấn đề nếu Nguyễn Huệ phò Lê thì là anh hùng, định truất Lê thì là gian hùng. Lý luận của đại trí thức thời đó quả có lạ! Trong suốt bao năm nhà Lê hư mục để dân tình đói khổ, không thấy kẻ sĩ La Sơn lên tiếng một câu khuyên răn. Khi Lê Chiêu Thống than vãn là mình phải làm vua, cai trị một nước rỗng và lại không quen gánh trách nhiệm, không thấy ông thầy La Sơn nhắc đến nhiệm vụ của nhà vua là thế thiên hành đạo, hay ghé vai đỡ cho Chiêu Thống vài ba kế sách cho dân nhờ. Kẻ gian hùng rõ rệt là Nguyễn Hữu Chỉnh đã đập vỡ ngai vua và đang kéo Chiêu Thống vào con đường rước voi dày mả tổ thì không thấy thầy phê cho vài câu để rõ ra thế nào là chính đạo.

Cho đến khi đối diện, ông thầy của kẻ sĩ Bắc Hà mới nói ra lý do từ chối bấy lâu nay: coi vua Lê là chính thống nên không giúp Nguyễn Huệ.

Lối Hoàng Xuân Hãn xưng tụng La Sơn Phu tử và so sánh Nguyễn Huệ với Trương Phụ, La sơn với Nguyễn Biểu cũng phần nào nói lên tâm tư của một số kẻ sĩ đời nay. Hèn chi mà nước ta loạn mãi không thôi.

Sau cuộc gặp gỡ đó, Nguyễn Huệ có nhờ ông thầy La Sơn coi đất cát để lập đô, nhưng ra vào Bắc Hà về vẫn chưa thấy thầy nhúc nhích. Nguyễn Huệ lại phải đích thân viết thư nhắc đi nhắc lại... La sơn Phu tử không muốn nhúc nhích chuyện coi đất vì sợ Nguyễn Huệ rời đô từ Phú xuân ra Nghệ an thì dễ khống chế Bắc Hà, khiến Chiêu Thống đang bôn tẩu sẽ hết đường về ngôi, và Nghê an là nơi gần sơn trang của mình, Huệ rời đô về đó tất mình sẽ bị... làm phiền. Ngay cả khi Chiêu Thống đã xin viện binh Thanh đưa mình về, ông thầy La Sơn này vẫn chưa nhả chữ trung quân và vẫn chỉ muốn Nguyễn Huệ ở lì trong Phú xuân. Nguyễn Huệ không trốn tránh trách nhiệm khi binh Thanh đặt chân vào Bắc Hà.

Ông chuyển quân từ Phú xuân ra Nghệ an tính việc đánh. Và lại mời La Sơn Phu tử hội kiến, lần thứ hai.

Lần này Quang Trung hỏi kế đánh Thanh, ông thầy mới bàn vào được đôi câu. Có nhiều thuyết nói về cuộc hội kiến kỳ hai này, tựu chung đều nêu lên một điểm căn bản là luận định của ông thầy La Sơn về thế tốc chiến tốc thắng. Ta khoái nhất bài tường thuật của ông Lê Thúc Thông, đăng trên Nam Phong số 102, do Hoàng Xuân Hãn trích dẫn:

Huệ hỏi: "Nghe thầy học tinh lý số, lại hay mưu lược. Nay Tôn Sĩ Nghị nó sang thầy nghĩ thế nào?"
Thầy Nguyễn Thiếp thưa rằng: "Quân quý thần tốc".
Huệ nói rằng: "Phải, phải, tôi nay ra đánh cho nó chết. Tôi mà dẹp xong được giặc, thì xin rước thầy ra dạy học. Tôi muốn khí dụng gì cũng chẳng mua của nước Tàu".
Thầy Nguyễn Thiếp lại thưa: "Chỉ có thuốc Bắc phải dùng của Tàu mà thôi".

Chỉ trong vài câu trao đổi, những ưu tư của bậc đại trí thức đã được đối chiếu với cái chí cả của bậc anh hùng. Không hiểu sao, không thấy ông thầy La Sơn nhắc là ngoài thuốc Bắc, mình còn phải nhập cảng nhiều sách Trình Chu của Tàu lắm. Chắc là sách thì thầy có dư.Các sử liệu khác theo Hoàng Xuân Hãn trích dẫn, đều đồng ý rằng chính La Sơn Phu tử đã bày mưu nên đánh quân Thanh cho gấp. Lời khuyên ấy hẳn là hợp ý Quang Trung. Nhưng cũng chẳng thể là một mưu lớn của ông thầy La sơn. Chỉ vì, từ Thăng long, Tôn Sĩ Nghị đã tuyên bố "Mùng 6 Tết sẽ vào thẳng Phú xuân cầm tù đảng giặc". Bài toán của Quang Trung là phải gấp rút tổ chức binh bị trong một tháng, và đánh nhanh đánh sớm vào lúc quân Thanh còn công thủ chưa định. Binh qúy thần tốc chỉ là một nguyên tắc. Mưu lược là đánh lạc hướng địch, chuyển quân nhanh, tổ chức chặt chẽ để đánh một trận là phải tiêu diệt xong lực lượng chủ yếu của kẻ thù và kết thúc chiến tranh. Mưu lược đó, xin làm ơn trả cho Quang Trung Hoàng đế, chứ gán cho ông thầy La Sơn là hơi... thiếu sòng phẳng! Không phải do Quang Trung vận dụng, câu "Binh qúy thần tốc" cũng không làm nên chiến thắng long trời lở đất trong vòng chưa đầy một tuần...

Tháng 3 năm Kỷ Dậu, Quang Trung Nguyễn Huệ rời Thăng long về đến Nghệ an, lại mời ông thầy La Sơn ra bàn chuyện quốc sự. Lần này, theo Hoàng Xuân Hãn, có lẽ để khen đã bày mưu hay (Binh quý thần tốc), dự đoán đúng ( chưa đầy mười ngày là quân Thanh tan), và lại mời ông ra giúp nước (dẹp được giặc Tàu, sẽ rước thầy ra dạy học).

Ngoài ra không thấy Quang Trung hỏi thêm việc gì khác.

Sau này, dường như Quang Trung lại mời ông thầy La Sơn ra Bắc xem đất lập Bắc kinh tại làng Cổ bi, huyện Gia lâm, xứ Kinh bắc, và mời ông ra chấm kỳ thi hương tại Nghệ an năm Quang Trung thứ hai. Ngài cũng cấp cho ông thầy La Sơn này thuế thu của xã Nguyệt ao làm tuế bổng. Nguyễn Thiếp không nhận, thảo thư từ chối. Lúc này ông thầy đã phải xưng là tiện thần, tâu lên vua là Hoàng thượng, Thượng đức và dùng chữ cẩn tấu, cũng như dùng niên hiệu Quang Trung trong thư từ chối bổng lộc là tiền thuế xã Nguyệt ao. Lý do là để trả cho công dụng. Hoàng Xuân Hãn bình là tình thật ông thầy La Sơn này không ham phú qúy, và "vẫn cho là nghĩa của Quang Trung là nghĩa chưa chính".

Không biết thế nào mới là chính, dưới con mắt của trí thức thời đó, và thời nay. Dù có chính nghĩa chưa chính lắm, Quang Trung cũng trả lời từng điểm làm ông thầy La Sơn này nghẹt thở. Ngài phán việc bổng lộc làm công dụng há vì một xã mà thiếu thốn, trong khi lòng ngài vẫn canh cánh tiếc sự không được ở gần người hiền. "Nếu bảo như nhận bổng lộc là trái với điều liêm, thì dưới gầm trời này, rau vi ở núi, rau hoắc ở đồng, ấy là của ai?"

Ông thầy La Sơn này học kinh sách Trung hoa làu thông, làm gì không nhớ chuyện thiên hạ chê cười hai bậc ẩn sĩ lẩm cẩm Bá Di, Thúc Tề, không thèm ăn lúa nhà Chu vì chê nhà Chu dứt nhà Ân vô đạo. Diệt kẻ vô đạo lập vua mới là kẻ sĩ buồn lòng rồi, dỗi không ăn thóc nữa. Nhưng lại lên núi nhà Chu ăn rau vi rau hoắc. Rõ là lời lẽ mỉa mai thấm thía của bậc quân vương nói với anh học trò già gàn rỡ. Ông thầy La Sơn trả lời không được, rồi cũng phải nhận bổng lộc xã Nguyệt ao, cho đến khi vua Quang Trung băng hà.

Ðến đây, La Sơn Phu tử mới thực sự hợp tác cùng triều Quang Trung. Không nhiều nhưng cũng là hợp tác. Bằng một văn thư đề nghị lấy điều nhân làm gốc và xá thuế cho Nghệ an trước đây vốn chỉ nộp suất binh chứ không phải nộp thuế gạo. Bằng một bài tấu đề nghị lên vua ba điều là làm sáng cái đức của vua bằng cách trau dồi thêm việc học, làm vững dân tâm, như trường hợp của Nghệ an (tức giảm bớt thuế), và chính đính việc học cho mọi người đều học theo phép Chu Tử, từ tiểu học đến Tứ thư, Ngũ kinh, chư sử...

Hoàng Xuân Hãn bình là cụ khuyên một vị chúa tể nên học thêm, như khuyên một đứa trẻ. Rồi khen là "thế mới biết cụ là người tự cao tự trọng". Hoàng Xuân Hãn viết nhầm chăng. Tự cao tự trọng hay tự cao tự đại? Lý luận kẻ sĩ quả nhiều khi khó hiểu: Người đáng khen ở đây là vị chúa tể biết đón nhận lời khuyên đó hay là ông học trò già ở ẩn trong núi? Người ta biết Quang Trung rất chịu đọc sách tìm hiểu mọi việc đến ngọn ngành, nhưng ngài không áp dụng đề nghị của La Sơn, tức là đem Chu Hy ra làm khuôn mẫu giáo dục. Kẻ áp dụng sau này, chính là Gia Long và các ông vua triều Nguyễn, với kết quả ra sao, xin nghe lại Nguyễn Trường Tộ mới thêm phần thấm thía.

"Hiện nay, người nước ta, bé thì học văn từ thi phú, lớn lại phải làm những việc binh hình luật lệnh. Bé học chuyện Sơn đông Sơn tây (bên Tàu), lớn lên làm việc lại đi Bắc kỳ Nam kỳ. Bé học thiên văn địa lý, chính sự và phong tục Trung quốc (họ vốn đổi khác rồi), lớn lên lại phải làm việc theo thiên văn địa lý, chính sự phong tục của nưóc Nam, chẳng giống gì trong sách học. Trên thế giới chưa có nước nào có nền học thuật lạ đời như vậy... Nếu để công phu trong mấy mươi năm học thuộc lòng những tên người, tên xứ, những chuyện chính sự trong sách , nghĩa lý vốn lộn xộn, của các đời Ngu, Hạ, Thương, Chu, Hán, Ðường, Tống, Nguyên... thuở trước đó mà học những công việc hiện tại như binh, hình, luật lệ, tài chánh, kiến trúc, canh cửi, cày cấy và các cái mới lạ khác thì cũng có thể làm cho dân giàu nước mạnh vậy..."

Sau ông thầy La sơn có mấy chục năm, Nguyễn trường Tộ than như vậy về cái học thê thảm của nước ta trong các triều Nguyễn đấy. Nghe mà thấy nát cả ruột gan. Vì nền học thuật đó không phải là điều Quang Trung Hoàng đế muốn lập.

Nhưng ngược lại, người ta có thấy là không đồng ý, Quang Trung vẫn tìm đến ông thầy La Sơn để thỉnh ý. Những cuộc cải cách của vua Quang Trung cho thấy là dù Ngài không được học sách thánh hiền như ông thầy La Sơn, Ngài vẫn có cái nhìn cải tiến về vai trò của người dân, về chủ quyền, về giáo dục, về cải đổi tân pháp. Phải nói ngài có những tư tưởng tiến bộ hơn ông thầy Tống Nho này nhiều lắm.

Cao điểm của việc bậc hiền triết La Sơn hợp tác với Quang Trung Hoàng đế là việc lập Sùng Chính viện. Thầy thích tôn sùng chính đạo thì xin lập Sùng Chính Viện. Thầy lại không thích đi xa, viện sẽ được lập ngay nơi nhà thầy ở, tại Vĩnh kinh bên núi Nam hoa. Thầy toàn quyền chọn lấy những người thầy coi là có tài về làm việc trong viện. Ông thầy bèn gọi các học trò tâm đắc ra dịch sách Tiểu học, Tứ thư. Bản dịch xem ra có chiều cẩu thả. Hoàng Xuân Hãn nói là vì Quang Trung hối thúc quá. Chỉ biết là triều đường có văn thư chê là "âm nghĩa sơ sài thô lược". Chứ Quang Trung không chê, chỉ nói: "Trẫm đã từng xem. Tiên sinh giảng bàn phu diễn, kể đã chăm chỉ". Và ân cần thưởng cho trăm quan cổ tiền. Tờ chiếu này Quang Trung viết hồi tháng 6 năm Tân Hợi, 1791.

Một năm sau, vị Hoàng đế anh hùng này bị bạo bệnh băng hà, ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý, 1792. Sách dịch của Sùng Chính viện thất lạc cả, nên chẳng còn biết được công sức của ông thầy La Sơn. Vả lại, Quang Trung mất, thầy như được giải phóng, trả lại bổng lộc và lui về ở ẩn...

Tám năm sau, cuối niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8, năm 1801, Quang Toản lại đưa lễ vật rất hậu mời thầy xuống núi vào Phú xuân bảo ban đôi lời về quốc sự. Việc không đi đâu. Năm tháng sau, Nguyễn Ánh đã đánh vào Phú xuân và có gặp ông thầy lờ ngờ ở đó. Ánh hỏi: "Nguỵ Tây Sơn mời ông ra làm thầy, ông dạy nó ra sao?" Ðáp: "Tám điều trong sách Ðại học, chín điều trong sách Trung dung". Lại hỏi, rất giọng Gia Long: "Nhà thầy làm thầy Tây Sơn, sao lại để ta ra đây được?" ý hợm mình, thầy giỏi vậy sao lại để ta thắng. Không thấy ông thầy La Sơn nói gì kiểu bộc trực như từng nói với Nguyễn Huệ ngày xưa. Nguyễn Ánh cho lính đưa ông về thư thả. Hai năm sau La Sơn Phu tử cỡi hạc quy tiên, vào đầu năm 1804.

Ông để lại gì cho hậu thế?

Học trò ông nghe nói là nhiều. Nhưng như đã thấy không có ai nổi danh lương đống trong việc dựng nước, dù là nước của Quang Trung Nguyễn Huệ hay là của Nguyễn Ánh. Trong số người ông gọi về dịch sách ở Sùng Chính viện, chỉ Hoàng giáp Bùi Dương Lịch là nổi danh, vì đã làm thơ mạt sát ông hết lời sau khi ra làm quan thời Gia Long. Hẳn là trong tám điều của Ðại học, họ Bùi chưa học được chữ chính tâm nơi thầy La Sơn.

Con cái của ông cũng nhiều nhưng đều nghèo khổ và suy vong. Hoàng Xuân Hãn viết: "các con trai gặp thời loạn lạc, gia tế túng bấn, nên không ai thi đậu, làm quan. Không những thế, sau lại suy đồi lắm". Con cháu cùng quẫn đến nỗi vào đời Duy Tân không có được hai đồng bạc để lĩnh sắc vua ban cho từ đường, phải bán chuông trên bàn thờ đi. Ông thầy rất giỏi về phong thủy, nhưng chắc không muốn con cái khấm khá nên chọn phần mộ tổ tiên theo cách khác. Có người mỉa mai hỏi thầy, rằng sao dời mộ tổ tiên rồi mà đói vẫn hoàn đói. Ông thật đủng đỉnh trả lời: "Người làm phong thủy như trồng cây lúa, đến mùa có ăn ngay. Ta như trồng cây mít. Lâu năm mới được ăn, nhưng cây chưng quả to..."

Kiểm lại tất cả ta thấy gì?

Ðất Bắc Hà văn vật ưa chuộng người có học. Nhưng kẻ sĩ có học cũng có người như Trần Danh Án, Bùi Huy Bích, Lê Quýnh, phò Chiêu Thống ngay cả trong tội phản quốc. 

Kẻ sĩ có học cũng có những Phan Huy Ích, Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Nễ, bỏ cõi tăm tối Bắc Hà theo con đường sáng của Quang Trung. (Ta ngờ rằng chính Trần Văn Kỷ là người nhìn ra huyền thoại La Sơn mà thuyết Nguyễn Huệ ba bốn lần mời ông ra giúp, để sĩ phu Bắc Hà theo đấy noi gương. Như Trần Văn Kỷ đích thực là người đã nhìn ra chân tài của Ngô Thì Nhậm, khiến Quang Trung có được một nhà chính trị ưu tú, một nhà ngoại giao sắc bén và một nhà tư tưởng uyên bác trong thời kỳ chống Thanh dựng nước).

Ở giữa hai thành phần tiêu biểu này, có ông thầy La Sơn. Theo sát những công trình sự nghiệp của ông, do Hoàng Xuân Hãn kể lại với vẻ khâm phục không che dấu, ta thấy ông chẳng làm được gì nổi bật, dù cho vua Lê, cho Quang Trung hay cho đám dân đen khốn khổ từ Phú xuân ra tới Kinh Bắc. Mà nào có phải là ông không thấy, ông đi chơi rất nhiều nơi cơ mà.

Ðặc điểm nổi bật của ông thầy La Sơn này là thủ rất kín. Và ít khi chọn lựa. Khi Chiêu Thống chạy thì dạt khỏi Thăng long và quanh quẩn vào tới Lam sơn đất cũ của Lê Lợi, không thấy ông thầy ở La sơn này nói đến chữ trung quân và ứng lời cần vương. Tôn Sĩ Nghị và gần 30 vạn quân thanh đang chuẩn bị binh mã kéo vào Thăng long, ông thầy La Sơn này còn viện chữ trung quân thoái thác Nguyễn Huệ.

Cho đến khi Tôn Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín chạy về Tàu và Chiêu Thống cùng đám tòng vong lếch thếch chạy theo, ông vẫn chưa cho nghĩa của Quang Trung Hoàng đế là chính lắm. Ông thủ quá kỹ nên đời không biết tài của ông đến bậc nào, và chính đạo của Trình Chu nó sáng láng chừng nào...

Ông không chọn nên chẳng lầm, chẳng lấm. Ông là thánh tổ của nghề trùm chăng?

TRIỆU CHÂU
Ðặc san QUANG TRUNG TÂY SƠN Xuân Bính Tý 1996