ÐI TÌM
DẤU TÍCH
LĂNG VUA
QUANG TRUNG
Mùa hè ở Huế nóng bức, mưa giông hay chợt đến, hơi đất xông lên nồng nặc khó chịu. Ðứng núp mưa bên bờ nam sông Hương, bỗng nhiên hai câu Ai Tư Vãn hiện lên trong tâm trí tôi:
"Từ nắng hạ mưa thu trái tiết
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên"
Ðây là lời kể của công chúa Ngọc Hân về bệnh tình của vua Quang Trung trước khi nhà vua băng hà. Trong lòng tôi bồn chồn, giữa những ý nghĩ bất chợt như mưa giông vừa đến, một câu nói của ai đó nhắc: Tôi còn thiếu một bài viết để trả lời câu hỏi của nhiều nhà khảo cổ: "Lăng mộ vua Quang Trung ở đâu?" Ngày giỗ lần thứ 200 của vị anh hùng dân tộc vĩ đại Quang Trung 29-7 âm lịch có thể mất đi nhiều ý nghĩa nếy không đề cập đến địa điểm lăng mộ vua Quang Trung nơi nhà Nguyễn đã cho quân quật phá từ đầu thế kỷ 19 (1801).
Sử nhà Nguyễn có ghi: "...mộ của Huệ bị đào phá, thi hài bị giã nát rồi đổ bỏ, nhốt sọ đầu vào ngục thất."
Suốt gần 150 năm trị vì, nhà Nguyễn đã cấm thần dân không được nhắc đến sự kiện này, mọi dấu tích có liên quan đều bị xoá sạch. Trong Liệt truyện nhà Nguyễn chỉ ghi lại vỏn vẹn một câu: mộ Huệ được "táng ở phía nam sông Hương." Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều tác giả đã căn cứ vào kích thước to lớn của lăng Ba Vành ở làng Cự chánh cách trung tâm thành phố Huế chừng 7km để cho rằng đó là lăng Quang Trung. Một số tác giả đã bác bỏ giả thuyết đó và đưa ra nhiều tài liệu chứng tỏ rằng lăng Ba Vành là lăng mộ Lê Quang Ðại, Hộ bộ kiêm Binh bộ thời Võ vương (1738-1765).
Ðúng vậy, làm sao "cái lăng Quang Trung" có kích thước to lớn như thế lại có thể tồn tại được ở Phú xuân bất chấp cả chính sách "tận pháp trừng trị" Tây Sơn của nhà Nguyễn. Trong hai bộ thơ văn của Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích do Viện Hán Nôm xuất bản, các tác giả thời Tây Sơn này đã viết: "Cung điện Ðan Dương là Sơn lăng của vua Quang Trung. Lăng vua Quang Trung có tên là Ðan Dương lăng hay Ðan lăng (Lăng Ðỏ, lăng Mặt Trời đỏ)." Ðây là những tài liệu đầu tiên do chính những người đường thời vua Quang Trung ghi chép nên có thể tin cậy được. Vì thế, tôi trở lại khu vực lăng Ba Vành ở sau lưng nhà thờ Thiên An ngày nay. Tôi không tìm thấy được bất cứ một dấu tích nào chứng tỏ khu vực lăng Ba Vành đã từng là một vùng cung điện có cái tên là Cung Ðỏ (chữ của công chúa Ngọc Hân trong Ai Tư Vãn) cả.
LĂNG ÐỎ VÀ CHÙA THIỀN LÂM
Trải qua nhiều năm tháng và bằng nhiều con đường, tôi đã tìm được một di tích so với kinh thành Huế cùng nằm một hướng "phía nam sông Hương" với lăng Ðan Dương. Di tích đó là chùa Thiền Lâm. Theo sử nhà Nguyễn và Phan Huy Ích, chùa Thiền lâm đã từng là dinh thất của Thái sư Bùi Ðắc Tuyên. Dưới triều Quang Toản, chùa Thiền lâm là nơi tập trung mọi quyền lực của quốc gia. Phan Huy Ích đã nhiều lần đến ở lại trong một ngôi chùa dùng làm trạm kinh đô ở gần đó để bàn việc với Bùi. Bùi có thói quen làm việc ban đêm, ban ngày ngủ. Nha thuộc cũng phải theo thói quen ấy. Từ ngoài Bắc vào, Phan chưa quen với nếp sinh hoạt của Bùi. Mặc dù ban đêm phải làm việc, ban ngày Phan vẫn thức. Thức trong lúc mọi người ngủ, Phan rất buồn và phải uống rượu để tiêu sầu. Trong phần ghi chú về một bài thơ, Phan Huy Ích cho biết: "Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu."
Việc này xảy ra từ năm 1792 (năm vua Quang Trung qua đời) đến năm 1795 (năm Bùi Ðức Tuyên bị dìm nước chết). Lúc ấy chỉ có lăng Quang Trung mới có tiểu giám giữ, và lăng có gần chùa Thiền lâm thì bọn tiểu giám mới có thể "thường đến hầu rượu" Phan Huy Ích. Nói cách khác, Dương lăng ở gần chùa Thiền lâm.
CHÙA THIỀN LÂM Ở ÐÂU?
Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân viết "chùa Thiền lâm ở xã An cựu". Tôi đã mất nhiều năm lặn lội trên đất An cựu nhưng không tìm được di tích Thiền lâm. Cũng sách Ðại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Ðức (đã viết về chùa Thiền lâm giống với nội dung viết thời Duy Tân) lại ghi ở ấp Bình an. Ấp ấy chưa bao giờ thuộc xã An cựu cả. Vậy hóa ra có hai chùa Thiền lâm nội dung giống nhau sao? Sự thực thì không, ông Phan Khắc Thuận ở viện Hán Nôm đã lục trong lai cảo của Phan Huy Ích tìm thấy bài thơ Kinh Thiền Lâm Phé Tự cảm tác, mở đầu có một lời nguyên dẫn ghi rõ "Chùa Thiền lâm ở núi xã Dương xuân". Thời Gia Long núi xã Dương xuân này đã cắt cho xã Phú xuân lập ba ấp Bình an, Trường cửu và Trường giang. Phải chăng các sử thần thời Thành Thái - Duy Tân muốn giấu giếm ngụy trang một sự kiện gì đây ở chùa Thiền lâm?
DI TÍCH PHỦ DƯƠNG XUÂN
Có nhiều sách sử viết phủ Dương Xuân, nhưng chỉ có Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú là đầy đủ hơn cả. "Ở bờ nam ngạn thượng lưu sông Hương có phủ Dương xuân, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ. Ấy là những toà nhà nguy nga, mái đao rực rỡ, có hành lang bao quanh... Các toà nhà đều được lát nền bằng gạch, đá rất bằng phẳng... Trong vườn sau có núi non bộ xây cất với những hòn đá lạ mắt, lại có ao vuông, hồ bán nguyệt với những cây cầu vồng và nhà hóng mát cất ở giữa hồ."
Trước cả các nhà sử học Việt nam, nhà buôn Pierre Poivre năm 1749 đã được Võ vương tiếp ở phủ Dương Xuân và ông đã có một ghi chép về cảnh quan ngôi phủ này. Pierre Poivre cho đây là một cái phủ quan trọng vào bậc thứ hai so với đô thành Phú xuân thời bấy giờ.
Nắm chắc những thông tin về phủ Dương xuân do sử sách cung cấp, tôi đi ngược từ đàn Nam Giao hướng ra phiá Bắc. Tôi may mắn đã tìm ra được một địa điểm ở bờ bắc suối Tiên có nhiều biểu hiện hấp dẫn. Người hướng dẫn là ông Nguyễn Hữu Oánh, trên 50 tuổi, xuất thân trong một gia đình khai khẩn của khu vực này. Ông đưa tôi đến từng vùng đất ứng với những mã số ghi trong bản đồ của ấp Bình an. Ông nói:
- Trước cuối thế kỷ 19, đây là một vùng cấm địa hoang vu, cây cối sầm uất. Phần đất ở bờ bắc suối Tiên này là một cái hồ sen, nay đã bị bồi lấp thành ruộng trồng rau răm!
- Vì sao gọi là suối Tiên? Tôi hỏi.
- Vì cuối dòng suối này soi bóng chùa Kim Tiên - một ngôi chùa nổi tiếng thời các chúa Nguyễn!
Từ bờ suối Tiên hướng về bắc đất cao dần lên. Có một con đường nhỏ đi lên đỉnh đồi. Nhà anh Oánh mang số 62/13/12 Ðiện Biên Phủ, ở phía đông con đường, phía tây là một cái cồn tròn còn nhiều gốc sứ cổ thụ nên có tên là Cồn Bông Sứ. Ông Oánh cho biết nhân dân trong vùng này trong nhiều thập niên qua khi làm vườn đã phát hiện được nhiều hầm gạch đá, vôi vữa nằm sâu dưới lòng đất. Tôi hỏi:
- Theo anh những thứ đó từ đâu ra?
- Có lẽ đó là một di tích của Chàm bị triệt hạ!
- Vì sao anh không nghĩ đó là những kiến trúc của Việt nam mà là của Chàm?
- Vì ở đây gia đình tôi có nhặt được một số tượng Chàm. Nhưng rất tiếc sau ngày Việt minh nổi dậy (1947) đem chôn ở đâu bây giờ không nhớ nữa!
Theo hướng dẫn của anh, sau khi đi khảo sát, tôi đã ghi nhận được nhiều hiện tượng, hiện vật chứng tỏ đây từng là một vùng cung điện bị triệt hạ. Cung điện đó xây dựng trên một di cũ của người Chàm. Tôi xin kể một số hiện vật quan trọng: trong sân vườn nhà anh Oánh đã có hàng trăm viên đá lát 30x4cm, (hiện nay dùng lót đường vào nhà trai chùa Vạn Phước) một cái móng thành vôi cũ, nhiều viên đá táng cột lớn... Trên cồn Bông Sứ có ngôi lăng bà thân mẫu Thượng thư Phạm Liệu xây dựng toàn bằng đá. Dân ấp cho biết đá đó đã tận dụng ngay trong khu vực này. Nhiều viên đá qui tập về không dùng hết còn bỏ phía sau lăng, nhiều đống gạch vụn phía sau chùa Vạn Phước làm cho tôi choáng ngợp. Anh Oánh và dân ấp nói:
- Những thứ còn lại đây là những thứ không dùng được. Chúng tôi đã bán cho thợ làm bia hàng trăm viên đá táng, đá ốp, đã sử dụng hàng ngàn viên gạch vồ để xây sân, xây nhà bây giờ không tìm lại được nữa!
Những hiện vật vừa tìm thấy đều nằm ngoài hàng rào phía tây chùa Thiền lâm. Từ ngày chùa cho đào bới sân vườn nhà chùa để lấy gạch vồ lát sân xây dựng nhà trai, hàng chục viên đá táng cột hình tròn được dùng làm ghế ngồi ở chái tây. Trụ trì chùa Thiền Lâm nói: những đá ấy đều nhặt trong vườn và nhiều vô số. Hiện nay nhà chùa cũng đang tiếp tục "khai thác" để làm nhà tăng!
Nhìn ra vườn chùa thấy một đống gạch vồ mới khai thác còn nham nhở bùn đất, tôi hỏi:
- Thầy có nhận xét gì về nguồn gốc những vật liệu cổ này?
- Có lẽ ngày trước đã có những kiến trúc đã bị chôn vùi xuống mảnh đất này! Ðến khi người Pháp làm đường Nam Giao, người ta dời chùa Thiền Lâm dựng chồng lên trên!
Từ những hiện vật, hiện tượng nêu trên có thể kết luận rằng ngày xưa phủ Dương Xuân đã nằm gần chùa Thiền Lâm. Chùa Thiền Lâm và phủ Dương Xuân là hai ngón của một bàn tay.
TIỀN THÂN CỦA CUNG ÐIỆN ÐAN DƯƠNG
Dấu tích phủ Dương Xuân còn để lại quyện vào khu vực chung quanh chùa Thiền Lâm. Theo Phan Huy Ích, cung điện Ðan Dương cũng ở gần chùa Thiền Lâm. Vậy hai cơ sở này có liên quan gì với nhau không? Phủ Dương Xuân liên quan đến vua Quang Trung như thế nào mà bị nhà Nguyễn chôn vùi xuống đất? Ngoài khu vực phủ Dương Xuân và chùa Thiền Lâm còn có nơi nào ở gần đó tốt hơn để vua Quang Trung cho xây dựng cung điện Ðan Dương không? Hơn nữa vua Quang Trung không có ý định đóng đô ở Huế, ông xây dựng cung điện Ðan Dương làm gì trong khi ở đó đã có sẵn phủ Dương Xuân rất to lớn của các chúa Nguyễn để lại? Các chùa chung quanh Thiền Lâm đều bị trưng dụng, thế thì phủ Dương Xuân được sử dụng làm việc gì? Căn cứ trên tài liệu, địa lý khớp với lý luận, tôi cho rằng vua Quang Trung đã sửa chữa phủ Dương Xuân làm cung điện Ðan Dương trong lúc ông đang chờ đợi Phượng Hoàng Trung đô xây dựng xong (ở Nghệ an) để dời ra ngoài đó. Cung điện Ðan Dương chỉ có thể là hậu thân của phủ Dương Xuân mà thôi.Ngô Thời Nhậm đã từng mách bảo: "Cung điện Ðan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta" Vậy Ðan lăng tọa lạc nơi nào gần chùa Thiền lâm? Dấu tích phủ Dương xuân, tiền thân của cung điện Ðan Dương, bày ra trên một diện tích rất rộng: phía nam là bờ suối Tiên leo lên phía bắc là đỉnh gò (còn lại chân bức tường dài), phía đông là đường Ðiện Biên phủ chạy qua phía tây là chùa Vạn phước và nền chùa Tuệ lâm (với những đống gạch vụn lớn). Trên diện tích rộng ấy có dấu hiệu gì của một lăng vua? Cồn Bông Sứ? Bông sứ ngày xưa chỉ được trồng ở những nơi thờ tự (như các lăng vua Nguyễn ngày nay) nhưng chưa đủ. Lúc sinh thời cụ thân sinh ông Oánh có kể:
- Lúc mới được về đây lập vườn, tôi có đào được bốn tấm đá granit lớn. Tôi cho người bà con ở Bến Ngự một tấm, bán cho dân Phủ Cam một tấm, còn hai tấm tặng chùa Vạn phước!
Theo lời người xưa, chúng tôi đã lên chùa Vạn phước. Thực tế cho thấy chùa Vạn phước còn giữ một tấm (tấm kia đã bể) dùng làm mặt bàn trong nhà bếp. Tấm đá dài 2.7m, rộng 0.67m và dày 0.035m. Mặt trên được mài nhẵn, mặt dưới xô xảm còn trơ vết gọt đẽo bằng những dụng cụ thô sơ. Khảo sát tấm đá lớn, nhiều người nghiên cứu đã nhận định "Tấm đá này có thể là một trong những tấm đá bọc chung quanh quan tài của vua Quang Trung."
Bà Nguyễn thị Liên, người sống lâu năm ở khu vực này, xác nhận:
- Trước tháng Tám 1945, người Nhật chiếm chùa Thiền lâm. Dân chúng ở chung quanh sợ máy bay Ðồng Minh đến thả bom nên nhà ai cũng đào hầm trú ẩn. Nhà tôi cũng đào thì gặp một cái đường hầm đúc bằng vôi vữa. Thế là cha con thay nhau vét hết đất trong hầm rồi đưa nhau xuống trú ẩn.
Ðường hầm ấy là gì? Phải chăng nó là cái huyền cung phụng chứa quan tài của vua Quang Trung? Năm 1801 quan tài đã bị lấy lên còn trơ lại cái huyền cung dưới đất?Chúng tôi đã xin phép gia đình chị Liên được khai quật thử để "thăm dò". Trước sự chứng kiến của nhiều người, chúng tôi (Phan Thuận An, Võ Xuân Trang, Lê Ðình Liễn, Nguyễn Hữu Oánh v.v...) đã đào thấy một bức tường thành dài hơn ba mét dưới độ sâu trên một mét. Bức thành chạy dọc theo hiên nhà bà Nguyễn thị Liên. Bà nói:
- Tôi bảo đảm với các anh cái đường hầm này đã nằm dưới nền nhà tôi, bức thành này chỉ là phần mặt ngoài. Các anh không được đào nữa, sập nhà tôi!
Chúng tôi không dám lợi dụng lòng tốt của gia đình bà Liên hơn nữa cho nên việc khai quật, thăm dò phải ngừng ngang đó.
MỘT GIẢ THUYẾT ÐÁNG TIN CẬY
Ðó là một chuồi những sự kiện lịch sử bi hùng đã diễn ra trên mảnh đất "trời hành cơn lụt mỗi năm" này.
Chính vì đặc điểm Huế hay bị lụt ấy mà các chúa Nguyễn khi đóng dinh ở Kim Long và Phú xuân đã phải dựng một cái phủ trên gò Dương xuân để ở vào những tháng mưa lụt. Các chúa là những người mến mộ đạo Phật nên đã dựng phủ Dương xuân một thảo am mang tên Thiền lâm. Cuối thế kỷ 17, chúa Nguyễn Phúc Chu cho người mời hoà thượng Thạch Liêm (Thích Ðại Sán) từ Trung quốc qua hoằng dương đạo Phật ở Thuận hoá. Vì đoàn quốc khách quá đông, chúa phải cấp tốc cho nâng cấp thảo am Thiền lâm thành một toà phương trượng có đủ sức chứa hàng trăm người. Năm 1786 Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú xuân trong tay quân Trịnh (Nguyễn?) rồi làm cuộc thần tốc ra Thăng long hoàn thành công việc phò Lê diệt Trịnh. Ðến khi trở lại Phú xuân, Nguyễn Huệ mang theo nhiều của cải châu báu, ông cần có một nơi an toàn để cất giữ. Nơi đó là phủ Dương xuân. Ông cho xây chung quanh dinh ông một bức tường thành cao và được các nhà truyền giáo phương Tây thường nhắc đến. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi, ông sửa sang phủ Dương xuân thành cung điện Ðan Dương. Giữa mùa hè 1792, ông mất đột ngột. Ðể giữ bí mật với nhà Thanh ở phía Bắc, nhà Nguyễn ở Gia định và người anh ông là Nguyễn Nhạc ở Qui nhơn, triều Quang Toản đã táng thi hài ông ngay trong khuôn viên cung điện Ðan Dương. Việc giữ bí mật này lúc đầu rất thành công, nhưng sau vì nội bộ nhà Tây Sơn chia rẽ, một số trọng thần vào Nam theo Nguyễn vương (như Ngô văn Sở, Lê Chất...) những thông tin về cái chết của vua Quang Trung không còn giữ bí mật được nữa. Vì thế năm 1801 khi trở lại Phú xuân, vua Gia Long đã không nhầm khi "quật mồ" của vua Quang Trung.
Ðặc san
TÂY
SƠN - QUANG TRUNG Xuân Giáp Tuất
1994