VÕ THÀNH VĂN
Nghĩa đen của kế này là lấy nhàn hạ chọi với nhọc mệt, tức là dùng mưu kế để không mệt sức mình mà xử trí với quân địch bị nhọc mệt, hay bị mình làm cho mệt. Nói đến kế Dĩ Dật Ðãi Lao, người Việt chúng ta thường nhớ đến Nguyễn Trãi và cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi. Trong cuộc kháng chiến này, Nguyễn Trãi đã vận dụng tối đa kế dĩ dật đãi lao để nuôi sức nghĩa quân và để làm tiêu hao sức giặc, rồi kết thúc chiến tranh bằng một cuộc tổng phản công có tính chất vận dụng cao độ. Bình Ngô Ðại Cáo hay bài Phú Núi Chí Linh do Nguyễn Trãi viết sau ngày tổng nổi dậy toàn thắng có ghi lại một vài hình ảnh về kế này như sau:
Lấy yếu chống mạnh
Hoặc đánh bất ngờ
Lấy ít địch nhiều
Hoặc dùng quân mai phục
(Bình Ngô Ðại Cáo)
Giữ hiểm lập công
Dùng mưu lừa địch
Ðêm đốt lửa, ngày kéo cờ
Tiếng quân ta ngày càng vang dậy
Giặc mỏi mệt ngày càng thua chạy
(Phú núi Chí linh)
Ðây là một kế có thể mang tính chất chiến lược, nghĩa là nặng nề về chính trị và có gí trị chỉ đạo cho những chiến thuật quân sự. Chẳng hạn như chiến lược Dĩ Dật Ðãi Lao có thể là chỉ đạo cho toàn bộ kế hoạch xây dựng lực lượng sơ khởi là đánh du kích làm hao mòn sức địch, khiến địch phải phân tán lực lượng, thường xuyên trải mỏng binh đội đối phó ở mọi nơi mà không biết khi nào bị đánh và ở nơi nào. Then chốt của kế này là phải nắm lấy thế chủ động để có thể nhàn hạ dưỡng quân và chỉ đánh khi ta muốn. Trong khi địch thì luôn luôn bị động, bị mệt vì nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, làm gì cũng phải thủ trước giữ sau chỉ lo bị đánh. Cái tĩnh của ta chế ngự cái động của địch, đó là quy luật của kế này.
Binh pháp Tôn Ngô, Thiên Hư Thực có viết: "Phàm giữ chiến địa trước để đợi địch thì nhàn, đến sau mà muốn thắng thì nhọc. Kẻ thiện chiến là làm cho người ta phải vượt hiểm mà đến, chứ không bị người ta khiến mình phải đến... Ðịch nhàn thì có thể làm cho nhọc, địch no thì có thể làm cho đói, địch yên thì có thể làm cho động. Ðây chính là kế dùng cái nhàn của ta mà trị cái nhọc của địch.
Binh thư yếu lược của Trần Hưng Ðạo Vương, trong thiên về lừa địch cũng nói đến chước thuật. Ðây chính là một minh diễn của kế dĩ dật đãi lao trong binh pháp:
Ðại phàm có chống lại thì càng làm cho địch thêm bền, chi bằng cứ thuận chiều để đưa đến chỗ hỏng. Khi địch muốn tiến thì ta mềm yếu, tỏ ra suy nhược cho nó tiến. Khi địch muốn lui, ta tản ra mở đường sống cho chúng lui. Ðịch cậy mạnh thì ta đóng quân ra xa để bền giữ mà xem vẻ kiêu căng của chúng. Ðịch nấp uy thì ta giả vờ cung kính chờ xem sự tình, nhân đó mà đánh úp, kế mà bắt lấy, nó liêu thì ta thừa, nhân đó mà thu lấy thắng lợi.
Ði vào cụ thể, địch nhàn mà muốn làm cho chúng nhọc, Vương chỉ hai lối quấy rối công khai và quấy rối ngầm: Công khai thì hoặc đêm đánh trống như sắp ra quân, đến sáng lại nghỉ, khi chúng mệt và trễ nãi rồi thì ta chợt ra; hoặc như chuẩn bị ban tối mà đánh ban ngày, chuẩn bị ban ngày để đánh tối, cứ thay đổi mà xung đột khiến địch không được nghỉ ngơi. Quấy rối ngầm hoặc mộ quân giả mặc áo địch, nhân nó trễ mà cướp dinh, thừa gió mà nổ súng, chợt nối mà chém giết, chợt ngừng mà yên lặng, tối đi sớm về, ra phương đông vào phương tây, như thần như quỷ, không tiếng tăm vết tích.
Tựu chung, cũng vẫn là thuật dùng nghi binh khiến địch mất thế chủ động và bị tiêu hao sức lực, trong khi ta nhàn hạ tấn công vào nơi địch yếu nhất, vào lúc bất ngờ nhất.
Trong thời Tây sơn, kế dĩ dật đãi lao đã được Nguyễn Ánh vận dụng một cách thật quy mô để đánh gục lực lượng của Thái Ðức Nguyễn Nhạc tại Qui nhơn, tạo điều kiện tiêu diệt triều đình Quang Toản, tóm thâu quyền lực, khởi sự cai trị của đời Nguyễn Gia Long.
Nhắc lại, sau năm 1786, khi Nguyễn Huệ ra Bắc diệt chúa Trịnh và lập vua Lê Chiêu Thống, Nguyễn Nhạc giật mình sợ hãi thanh thế của em nên lật đật ra Bắc kéo Nguyễn Huệ về Phú xuân. Hai anh em về Phú xuân, để Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Thăng long, Chỉnh bị cô thế phải chạy theo, tới Nghê an thì được Nguyễn Huệ cho ở lại trấn giữ. Nhưng kể từ đó, hiềm khích bùng nổ giữa hai anh em Tây Sơn. Trong lúc Chỉnh được Chiêu Thống lén mời ra diệt Trịnh Bồng, đầu năm 1787, thì Nguyễn Huệ kéo quân vào vây Qui nhơn của Nhạc. Sau khi hai anh em giảng hoà, Nguyễn Huệ mới rảnh tay quay ra đối phó với tình hình miền Bắc, diệt Vũ Văn Nhậm, lui về Phú xuân dưỡng binh, và ra Bắc lần thứ ba để đại phá quân Mãn Thanh.
Trong suốt lúc đó, Nguyễn Nhạc cứ cố thủ ở Qui nhơn, để Ðông Ðịnh vương Nguyễn Lữ bị cô lập tại Gia định. Lữ bị Nguyễn Ánh đánh thua chạy về chết ở Qui nhơn, tướng Tây Sơn là Phạm Văn Sâm cố gắng cầm cự rất anh hùng được một năm, nhưng không có viện binh từ Qui nhơn hay Phú xuân nên cũng bị kiệt lực và thua trận đầu hàng. Chính vì Nguyễn Nhạc án ngữ tại Qui nhơn mà Nguyễn Huệ không kéo quân vào trực diện đối phó với sự bành trướng của Nguyễn Ánh ở Gia định.
Trong thời kỳ từ 1789 (sau chiến thắng Ðống Ða) đến 1792 (khi Quang Trung băng hà), Nguyễn Ánh có điều kiện phát triển lực lượng ở Ðàng Trong và trở thành một mối nguy cho Qui nhơn của Nhạc. Lúc đầu Nguyễn Ánh còn chần chừ, chưa dám đánh thẳng vào Qui nhơn, vì vẫn không quên những lần bại trận thảm khốc năm xưa. Nhưng, Bá Ða Lộc nóng ruột muốn thúc Ánh đánh mạnh để ông sớm ra Bắc Hà làm phép cho các linh mục ở đấy. Sau cùng, Nguyễn Ánh phải cất binh và trông cậy rất nhiều ở sự hỗ trợ kỹ thuật và phương tiện của các tàu Tây phương do Bá Ða Lộc vận động được.
Ðây là thời kỳ mà Nguyễn Ánh khai thác tối đa sự hiềm khích giữa hai anh em Tây Sơn để tấn công vào lực lượng của Nguyễn Nhạc tại Qui nhơn theo kế dĩ dật đãi lao. Hàng năm, đợi gió nồm nam thổi lên, Ánh kéo thủy binh ra đánh phá Bình thuận, Phú yên và khi gió ngược lại rút binh về cho cày ruộng, đợi mùa sau ra đánh nữa. Ðối diện, binh Tây Sơn phải mệt sức cứu ứng lẫn nhau, không được rảnh lúc nào. Cao điểm của kế hoạch này là trận Thị nại, năm 1792, thủy binh của Ánh được người Tây dương đi tàu sắt hỗ trợ đã chiếm được Thị nại.
Vì vậy, đầu năm 1792, Quang Trung phải nhịn Nguyễn Nhạc, tung hịch nói rõ "theo lệnh vua anh" chiêu dụ quân dân hai phủ Quảng ngãi và Qui nhơn đánh vào Gia định. Ông chuẩn bị tập trung binh lực đi bằng hai đường thủy bộ vào đánh tan quân Nguyễn Ánh "như mảnh gỗ mục". Nhưng ông mất ngay lúc đang chuẩn bị nên Nguyễn Ánh như được trời cho thêm vây cánh. Ngay năm sau, Ánh tung quân ra đánh nữa và chiếm đóng từ Bình thuận đến Phú yên, để từ đó tiến lên Qui nhơn.
Qui nhơn bị bao vây ròng rã hơn ba tháng, sau được quân Tây Sơn do Phạm Văn Hưng đem từ Phú xuân vào giải cứu, Nguyễn Nhạc đến lúc đó mới chịu thua, nhường Qui nhơn cho các tướng Phú xuân về dưỡng già, được vài tháng thì mất vào ngày 13 tháng 12 năm 1793. Từ đó, Nguyễn Ánh trực tiếp đối diện với các tướng Tây Sơn của Nguyễn Huệ, nay phò tá Quang Toản còn nhỏ tuổi và kém cả tài trí.
Nguyễn Ánh có một sở trường hơn người là có sức chịu đựng bền bỉ, việc Ánh dùng kế dĩ dật đãi lao để đánh Thái Ðức Nguyễn Nhạc là tiêu biểu cho lối đánh dằng dai của ông ta. Nhưng, sở dĩ Ánh thành công vì Gia định giàu tài nguyên hơn Qui nhơn, Ánh được sự yểm trợ kỹ thuật và phương tiện của người Tây phương, và nhất là Nhạc chỉ giữ thế thủ, mệt sức chờ đợi binh Gia định ra đánh, chứ không còn ý chí tấn công Ðàng Trong để truy lùng quân tướng của Nguyễn Ánh như Nguyễn Huệ đã làm thời trước. Nếu không nhờ Nguyễn Nhạc án ngữ, có lẽ Ánh đã gặp Quang Trung Nguyễn Huệ và không có được điều kiện dưỡng binh nuôi dân để phát triển lực lượng ở Gia định sau này.
Thời Tây Sơn, ta cũng thấy kế dĩ dật đãi lao được Nguyễn Huệ áp dụng để giải phóng Phú xuân trước khi ra Thăng long dẹp nhà Trịnh.
Năm 1775, nhân khi Ðàng Trong bị rối loạn vì quyền thần Trương Phúc Loan, chúa Trịnh ở Ðàng Ngoài cho quân vào chiếm Thuận hoá, đóng đại bản doanh tại Phú xuân. Từ 1775 đến 1786, Tây Sơn dốc toàn lực tiêu diệt nhà Nguyễn tại Gia định. Năm 1785, sau khi đánh tan viện binh Xiêm la của Nguyễn Ánh trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút và đuổi Nguyễn Ánh chạy qua Xiêm, Nguyễn Huệ quay ra Bắc mưu việc đánh chiếm Thuận hóa và giải phóng Phú xuân khỏi ách cai trị của quan binh nhà Trịnh. Khoảng cuối tháng 5 năm 1786, binh Tây Sơn kéo ra Phú xuân.
Chỉ huy lực lượng nhà Trịnh thời đó là Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu, một ông tướng già chậm lụt lại mê tín dị đoan. Bên dưới có Thể Quận công Hoàng Ðình Thể và hai con cùng Kiêm kim hầu Vũ Tá Kiên là những người trung dũng. Trước đó một viên Ðốc thị của nhà Trịnh là Nguyễn Lệnh Tân từ Thăng long vào kinh lý Phú xuân có thấy sự nhút nhát ươn hèn của Phạm Ngô Cầu, nên dâng sớ về triều đình xin Trịnh Sâm thay viên đại tướng này bằng phó tướng Hoàng Ðình Thể, nhưng Sâm không nghe, cho người vào bãi chức Lệnh tân, vì nghĩ Cầu là người ôn hoà, cẩn trọng, hợp với tình hình cần thiết của Thuận hoá. Khảo về sấm ký, Bảng nhãn Lê Quý Ðôn cũng xác nhận Tây Sơn có đất thiên tử, không quan tâm đối phó thì sẽ không ai địch nổi. Lê Qúy Ðôn cũng tâu là đại tướng Phạm Ngô Cầu ở Thuận hoá không phải là địch thủ của Nguyễn Huệ, nên thay người khác thì hơn. Trịnh Sâm cũng không chú ý đúng mức đối với lời khuyên này.
Nói chung, cả triều đình Bắc Hà đã ruỗng nát tàn tạ và không chịu nổi trận cuồng phong Tây Sơn đang kéo đến.
Trước khi ra Phú xuân, Nguyễn Huệ đã đặc biệt theo dõi tình hình Bắc Hà và khai thác mọi nguồn tin để nắm vững sự thể Thuận hoá. Biết Phạm Ngô Cầu là người không đoan quyết, lại hay tin bói toán, Nguyễn Huệ dùng kế đánh ngay vào nhược điểm của Phú xuân, trong bộ phận đầu não của quân Trịnh.
Việc chuẩn bị Phú xuân được giữ kín. Vùng biên cảnh giữa hai cõi Trong - Ngoài, giữa quân Trịnh và quân Tây sơn vẫn vô sự. Tháng 4 năm Bính Ngọ (1786), một tàu buôn cặp bến Phú xuân, trên tàu có một người khách là thuật sĩ giỏi nghề tướng số. Ðược đưa vào yết kiến Quận Tạo, khách đem nghề riêng khen Quận Tạo còn hậu vận rất tốt, phúc lộc đều dồi dào. Chỉ hiềm tiểu hạn gặp xung, nên phòng chuyện đau ốm. Trong mùa hè, nên lập đàn chay cúng kiến thì sẽ tai qua nạn khỏi. Quận Tạo nắm hết quyền bính trong tay nên không nghe lời can của phó tướng là Quận Thể, lập đàn chay rất lớn, cúng sao liên tiếp bảy ngày. Binh lính phải thức khuya dậy sớm, phục dịch rất mệt suốt trong 7 ngày. Thình lình nghe quân thông báo là quân Tây Sơn đột ngột kéo ra, đã đánh mất đồn Hải vân, chủ tướng giữ đồn là Quyền Trung hầu bị chết tại trận, các đồn khác đều đổ theo. Thủy quân Tây Sơn đang theo đường bể kéo vào, nay mai sẽ tới Phú xuân.
Ngoảnh tìm tay thuật sĩ đã khuyên mình làm lễ cầu sao, Quận Tạo mới biết là khách đã bỏ trốn mất tăm.
Các quan vốn nhược sức vì đàn chay cúng quẩy bảy ngày liền, nên nghe tin địch đến, hồn vía lên mây cả, chẳng tìm ra một phương sách chống đỡ cho đúng đắn, quay ra tranh cãi vu vơ.
Trong thành, họ chia ra hai phe. Một bên là Quận Tạo và các quan, chủ trương kéo cờ trắng xin hàng, bên kia là Quận Thể cùng các tướng chủ trương kéo cờ đỏ quyết chiến. Quận Tạo phân vân bất định thì trúng kế Di Thi Giá Họa, đâm nghi ngờ quận Thể, nội tình Phú xuân nát bét.
Rốt cuộc, quân Trịnh suy nhược không giữ nổi thành, Quận Tạo hèn nhát để Quận Thể cùng các con và Vũ Tá Kiên chết dưới chân thành mà không tiếp đạn, sau mở cửa lăn áo quan ra khỏi thành xin hàng, rồi bị điệu về Qui nhơn chết chém.
Trong việc tiến đánh Phú xuân, quân Tây Sơn đi từ xa đến ắt phải mệt hơn quân Trịnh đang thủ trong thành. Kế dĩ dật đãi lao đã khiến quân Trịnh tự nhiên bị phiền hà mệt mỏi vì tuần chay của Phạm Ngô Cầu. Kết hợp với kế ly gián bằng phép Di thi giá họa, kế này đã khiến quân tướng nhà Trịnh bị tiêu diệt thảm khốc tại Phú xuân. Thái công Binh pháp, sách Quân Thế có nói: phải cấm hạng đồng tử (kẻ lên đồng) và thầy bói không được bói toán cho các lại sĩ (các quan) đến hỏi việc lành dữ của việc quân. Quận Tạo chắc là không nhớ điều sơ đẳng này nên mới thua nhục và làm binh lính bị chết thảm.
Thua chạy khỏi Phú xuân, họ đi tới đâu cũng bị dân chúng nổi dậy đuổi đánh bắt giết tới đó. Quân Trịnh tại Thuận hóa lực lượng cũng tương đương với quân Tây Sơn, khoảng 30 ngàn. Nhưng họ bị giết chết quá nửa ở trong Phú xuân, thoát ra ngoài thì bị dân chúng oán ghét nổi lên bắt giết chết hoặc giao nộp cho Tây Sơn, cho nên chỉ có vài trăm bơi qua sông về Bắc mà thôi. Ðây là một trong những trận đánh có tỷ lệ tổn thất nhân mạng cao nhất trong suốt mấy chục năm nội chiến ở nước ta.
VÕ THÀNH VĂN
Ðặc san QUANG
TRUNG TÂY SƠN Xuân Bính Tý
1996