Lại chuyện
Ði Chợ Cầu Danh
LỆNH HỒ
 
Trong bài Ði Chợ Cầu Danh như người viết có thưa trước chỉ là ngâm mấy câu ca dao để lạm bàn về cách xuất xử ở đời. Các ý kiến chỉ là góp nhặt của giáo sư Nguyễn Cao Hách và phỏng theo phim truyện Hà Nội Trong Mắt Ai của kịch tác gia Trần văn Thủy. Nhân dịp bàn về chuyện "cầu danh" người viết cũng có ý muốn trình bày về cái "tâm thức vô kỷ" của Quang Trung, Nguyễn Trãi...

Quán Như, tác giả bài Hồ Thơm, sự định vị của tuổi trẻ trong cơn quốc biến (Tây Sơn, Ðặc san kỷ niệm ngày Tây Sơn 1988, do hội Ái hữu Bình Ðịnh Nam California thực hiện) đã định nghĩa "tâm thức vô kỷ" như sau: 

"Ðó là sở nguyện cống hiến một cách không giới hạn năng lực và tâm cơ của mình vì một lý tưởng chung, tâm thức vô kỷ nếu thực hiện một cách rốt ráo trở thành sự Xả Kỷ - hoàn toàn tiêu trừ các chấp ngã, các động lực hành động cá nhân mình dù trong ý thức hay vô thức - sự xả kỷ có thể nhìn thấy ở đấng Christ hay Phật Thích Ca. Ta không kỳ vọng một tâm thúc xả kỷ ở người đấu tranh, nhưng phải đòi hỏi ở họ một tâm thức vô kỷ , một đức tính căn bản của đạo đức cách mạng."

Tiếp theo tác giả đã dùng sử liệu để trình bày cái tâm thức vô kỷ của người anh hùng áo vải Quang Trung như sau:

"Khi đánh tan thế lực Trịnh, quét sạch bọn kiêu binh, Nguyễn Huệ đã bày tỏ lòng thành thực của mình muốn tạo cơ hội cho vua Lê nắm lấy giềng mối nước nhà để củng cố sự thống nhất sơn hà. Oâng đã tâu với vua Lê: "Thần vì tôn phò hoàng gia mới đến đây, chứ đâu có kể đến công lợi. Ðó là toàn do ý trời, chứ không phải sức người làm nổi. Nếu thần có lòng hậu riêng đối với bệ hạ, thì thần chỉ có thể điều động được quân lính và thuyền chiến kia thôi, còn nước lũ rút xuống gió nồm lộng lên há phải chuyện mà sức thần làm nổi."

Qua lời phát biểu ta thấy được tinh thần vô kỷ của Nguyễn Huệ, đã nhún nhường không tự kiêu về chiến công hiển hách Bắc tiến đã quét sạch nhà Trịnh mà khiêm tốn nhắc đến yếu tố thiên nhiên - nước lụt hạ xuống thuận tiện cho việc hành quân, gió nồm thổi giúp thuyền chiến Tây Sơn thần tốc ra Bắc - để từ đó đặt nhẹ vai trò của mình và xin vua Lê chấn chỉnh triều chính.

Nhưng vua Lê với não trạng ỷ lại từ mấy trăm năm dựa vào Trịnh, đã khẩn khoản van nài Nguyễn Huệ: "Quả nhân có nước mà không dự chính sự... Những việc quốc kế binh mưu vốn không quen tập. Lệnh tôn (chỉ Nguyễn Huệ) đã làm việc tôn phò, xin ở lại vài năm thì may lắm."

Rõ ràng với một thời cơ thuận lợi và có chính danh như vậy, nếu Nguyễn Huệ là người không có tâm thức vô kỷ hẳn ông đã nắm lấy cơ hội để dựng nghiệp lãnh chúa riêng cho mình, nhưng ông đã khẳng khái và dứt khoát từ chối đề nghị của vua Lê.Trong khi đó vua Lê vẫn không hiểu được lòng thành của Nguyễn Huệ và đặc cách sai triều thần bưng tờ chiếu sắc phong ông làm Phụ Chính Dực Vũ Uy Quốc Công (một tước phong ngang với tước phong của các chúa Trịnh trước đây).

Khi nhận được tước phong mặc dù bất mãn vì vua Lê đã không hiểu thấu lòng thành của mình, Nguyễn Huệ sai người dâng kính lễ tạ cực kỳ chu tất, nhưng đã bảo riêng với Nguyễn Hữu Chỉnh: 

"Ta đem vài vạn quân ra đây, chỉ một trận là dẹp yên Bắc Hà, một tấc đất, một người dân, gì mà chẳng phải của ta. Ví bằng ta muốn xưng đế, xưng vương, có gì là chẳng được, sở dĩ nhường nhịn mà không làm chỉ vì hậu đãi nhà Lê đó thôi. Sắc lệnh Nguyên soái hay Quốc công có thêm gì cho ta đâu. Chẳng hóa ra vua Bắc Hà chực lấy danh hão để lung lạc ta sao?"

Lời phát biểu đã hiện lộ trong nhân cách của Nguyễn Huệ một tâm thức vô kỷ: coi rất nhẹ nhàng thành công của cá nhân, kể cả những thành tựu của mình trong sự nghiệp cứu nước. Từ tâm thức này đưa đến các hệ quả của tinh thần vô công: không chủ tạo một sự nghiệp cho riêng mình qua việc khước từ một sự nghiệp lãnh chúa Bắc hà mà nhà Lê đã dâng hiến, và tinh thần vô danh: đã xem nhẹ những danh lợi thường tình như Nguyên soái, Quốc công... mà người anh hùng như Hồ Thơm đã gọi là "danh hão".

Ở trường hợp của Nguyễn Huệ, cuộc chiến đấu ấy thể hiện trong mối mâu thuẫn giữa ông với những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa ở Vũ Văn Nhậm và cơ hội chủ nghĩa ở Nguyễn Hữu Chỉnh.

Các sử gia triều Nguyễn và ngay cả sau này thường cố tình xuyên tạc mối mâu thuẫn giữa Quang Trung và Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh như những cuộc tranh chấp quyền lực. Dù không dám quyết đoán Quang Trung đã thành tựu một tư cách minh quân có nhân, trí, dũng vẹn toàn, chúng ta có thể khẳng định Nguyễn Huệ là một nhân vật lịch sử đã thể hiện được tinh thần liên tài (ái mộ và đánh giá đúng mức khả năng người khác) một cách rốt ráo qua các mối tương quan giữa Nguyễn Huệ và Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, Nguyễn Ðăng Trường, Trần Quang Diệu... và đặc biết mối tương giao tuyệt vời giữa người với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp.

Vũ văn Nhậm, xuất thân là một tướng lãnh của cựu Nguyễn, khi cầm quân ra trận giao chiến với nghĩa quân Tây Sơn bị bại, đã muốn tuẫn tiết, nhưng vì Nguyễn Huệ liên tài cảm một khả năng và thao lược của Vũ nên đã dụ hàng và cất nhắc làm đại tướng của Tây Sơn. Vũ lập được nhiều công lao lớn và được Nguyễn Nhạc gả con gái cho. Khi được Quang Trung đặc phái ra Bắc bình Nguyễn Hữu Chỉnh và tôn phò vua Lê, Vũ Văn Nhậm đã chứng tỏ sự say mê quyền lực, tự chuyên độc đoán chỉ dùng giải pháp quân sự mà không hiểu được bản ý của Nguyễn Huệ là tiêu diệt mầm mống của não trạng lãnh chúa ở Nguyễn Hữu Chỉnh và tiếp tục củng cố nền thống nhất quốc gia, lúc đó còn được biểu trưng ở vai trò vua Lê. Chính vì tham vọng quyền lực, vì tinh thần cá nhân chủ nghĩa đã thúc đẩy Vũ Văm Nhậm không những tiêu diệt Chỉnh mà còn tiêu diệt luôn cả triều Lê. Khi vào chốn Bắc Hà, Vũ Văn Nhậm đã tỏ ra tự kiêu tự đại và bắt đầu xây dựng một sự nghiệp lãnh chúa cho riêng mình. Và đó cũng là nguyên do cái chết của ông ta. Khi Nguyễn Huệ được cấp báo đã đem quân thần tốc ra Bắc diệt Nhậm, diệt một mầm mống não trạng lãnh chúa địa phương. Tóm lại, sự tiêu diệt Vũ Văn Nhậm là một hành động nhằm chống lại tinh thần cá nhân chủ nghĩa của người anh hùng Nguyễn Huệ chứ không phải sự ghen tài và nghi ngờ của ông ta vì Nhậm là con rể của Nguyễn Nhạc - như sử sách cố tình xuyên tạc.

Ðặt giả thuyết Nguyễn Huệ vẫn dung túng Nhậm và giao trách nhiệm trấn giữ Bắc hà, thì e rằng với cái tính cao ngạo và tinh thần cầu danh, hẳn phò mã Vũ Văn Nhậm khó lòng nghe theo lời bàn luận của Ngô thời Nhiệm:

"Phàm làm tướng giỏi, phải liệu thế giặc rồi mới đánh, nắm chắc phần thắng rồi mới hành động. Phải liệu tình thế xoay chuyển mà tìm ra mưu lạ, cũng như đánh cờ. Trước thì chịu thua người một nước, sau mới thắng được người. Chứ đừng đem nước sau làm nước trước. Thế mới là tay cao cờ. Nay, ta hãy bảo toàn lấy quân lực mà rút lui, không bỏ mất một mũi tên. Cứ như cho chúng ngủ trọ một đêm, rồi lại đi. Cũng như ngọc bích của nước Tấn thời xưa (cho mượn rồi lại lấy về) nguyên lành chứ có mất đi đâu."

Rút quân về dãy núi Tam điệp để đào sâu sự chủ quan khinh địch của Tôn Sĩ Nghị, một kế hoạch đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng Ðống đa sau này. Và như thế sự chủ quan, óc cá nhân chủ nghĩa của Vũ Văn Nhậm sẽ có tác hại không nhỏ trong sự nghiệp cứu nước của vua Quang Trung.

Ðối với Nguyễn Hữu Chỉnh, một nhân vật kiệt xuất tài kiêm văn võ nhưng vì bả lợi danh làm mù quáng cũng đã hành động như con cua trong câu ca dao:

Cái Bống đi chợ cầu danh
Cái Tôm đi trước, củ hành theo sau
Con Cua lệch đệch theo hầu
Cái Chày rơi xuống vỡ đầu con cua

Nguyễn Huệ đã chứng tỏ bản lãnh nhìn người và dùng người khi xử dụng "Thủy Chi Ðiểu" (con chim cắt nước - tiếng người đương thời xưng tụng về khả năng thủy chiến của Nguyễn Hữu Chỉnh), trong sự nghiệp Bắc tiến thống nhất sơn hà và đồng thời đặt ra kế hoạch trước để tiêu diệt Chỉnh khi Chỉnh bộc phát tham vọng. Cũng như Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh là một người có đầu óc cá nhân chủ nghĩa, kiêu ngạo và làm việc chỉ vì quyền lợi cá nhân, hơn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh có nhiều bản lãnh chính trị, có sự giảo hoạt của Tào Tháo (giết em rể và bạn chí thiết là Ðỗ Thế Long để mua lòng tin cậy của Tây Sơn) và có cơ trí cùng đảm lược dám tạo quyết định táo bạo.

Khiếm khuyết của Nguyễn Hữu Chỉnh là tất cả những hành động của ông ta đều xuất phát từ tham vọng cá nhân, và đầu óc cơ hội chủ nghĩa. Trong suốt quãng đời hoạt động, họ Nguyễn không hề tự tạo lực lượng riêng cho mình mà chỉ vận dụng cơ trí để khuynh đảo các thế lực đương thời. Nguyễn Hữu Chỉnh đã âm mưu với Vũ Tất Ðạo, em rể Hoàng Ðình Bảo để chống Trịnh. Khi Bảo bị Trịnh giết, Chỉnh đầu hàng Tây Sơn và thúc đẩy Tây Sơn phạt Trịnh, âm mưu với Nguyễn Văn Duệ, một tướng bất mãn của Tây Sơn và cuối cùng mượn thế lực của Tây Sơn để dẹp dư đảng của họ Trịnh rồi tiếm quyền thống lĩnh Bắc Hà, xây dựng cơ nghiệp lãnh chúa cho riêng mình.

Ðầu óc cá nhân chủ nghĩa và cơ hội chủ nghĩa của Nguyễn Hữu Chỉnh chính là nguyên nhân cái chết bi thảm của ông ta. Cái chết bị xé xác, tan như xác pháo như bài thơ "Cái Pháo" tương truyền Chỉnh đã sáng tác lúc thiếu thời:

Giấy xanh giấy đỏ cậy tay người
Bao nả công trình, tạch thế thôi
Kêu lắm kại càng tan xác lắm
Cũng mang một tiếng ở trên đời

Như cái đề mục "Bức Tranh Vân Cẩu" người viết chỉ là lạm bàn về chuyện "thiên thượng phù vân như bạch y, Tu du hốt biến vi thương cẩu"; chỉ là chuyện "lò cừ nung nấu sự đời, Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương". Bài viết trình bày chỉ cốt mong sao nói lên những điều phải, trái để chúng ta cùng "mình soi lại mình" để cuộc sống được tốt đẹp hơn. Bởi vì, chúng ta những người Việt lưu vong, ai cũng có trách nhiệm về những cái thành và những cái chưa thành của cộng đồng mà chúng ta là một cá nhân trong cộng đồng.

Qua bài "Ði Chợ Cầu Danh" sẽ có một số thân hữu thắc mắc không biết người viết muốn ám chỉ ai. Ai là con cua? Ai là con ghẹ, con rạm, con còng, con ba khía? Ai là "Cái Bống"? ai là "Cái Tôm"? ai là "Củ Hành"?

Xin trả lời chung: "Những nhân vật được đề cập tới xin đọc giữa những hàng chữ viết. Ai ở vào trường hợp nào sẽ thấy mình là nhân vật ấy."

Bởi vì chỉ lạm bàn cho vui mà thôi. Những điều viết ra chưa chắc là đã đúng. Ai dám bảo Nguyễn Trãi không rành lẽ xuất xử? Người đời sau chỉ trách Ngô Thời Nhiệm đã tàn nhẫn vì công danh chứ ai cũng thấy ông đã chọn cái chết để giữ mình lương thiện.

Những sử sách và các nhân vật của lịch sử được đưa ra như một tấm gương trong để mọi người cùng soi. Thế thôi!. 

Lệnh Hồ
Ðặc san QUANG TRUNG TÂY SƠN Xuân Bính Tý 1996