BẮC HÀ HAY CHẾ ÐỘ CŨ
DƯỚI MẮT TÂY SƠN
TẠ CHÍ ÐẠI TRƯỜNG
 

"Sáng nay khi biết Tây Sơn kéo quân về Nam đêm trước, Lê Chiêu Thống đòi các quan vào triều và hỏi:
- Anh em hắn cướp hết nước ta mà đi, để lại "nước không" lại đây cho ta, nếu như có việc nguy cấp thì lấy gì mà khống chế?

Các quan ngơ ngác nhìn nhau, không biết nên nói thế nào. Tả hữu chợt có người tâu:
- Hôm qua vâng có chỉ truyền sớm nay đặt triều, bây giờ ngự giá đã tới, dám xin nhắc lại.

Hoàng thượng lại hỏi các quan:
- Triều hãy thôi chăng?

Các quan đều nói:
- Hoàng thượng đã ra triều để giáng chỉ đổi niên hiệu, đó là việc lớn, sao lại thôi?"

Một đoạn thuật chuyện trong sách Hoàng Lê vắn tất cho thấy sự tan rã của cái thế thống-nhất-về-Lê. Cái "nước không" mà Lê Chiêu Thống đã nói đây không phải chỉ là bảo vật, không kho tàng. Nỗi kinh hoàng của Chiêu Thống chính là do ở cái không khí trống trơn quyền bính mà Tây Sơn để lại Bắc hà.

Ðoan nam vương chết, Tây Sơn đi, người ta cứ tưởng quyền bính từ đây tập trung về tay Lê, nhưng tình thế trái ngược lại vì thói quen lâu đời đã không dễ gì một sớm một chiều xóa nhoà được.

Trước hết là về phía nhà vua. Vị thiên tử 21 tuổi đó có mối thù Trịnh giết cha, có kinh nghiệm tù ngục, nhưng chỉ để nuôi dưỡng oán hờn chứ không được chuẩn bị cầm quyền nối ngôi ông nội. Ông chỉ mới muốn tự chủ trong việc chôn cất tiên đế thì đã bị ông dượng rể giành lấy làm đến phải tạ tội mới được yên thân.

Triều thần nhà vua thì qua 200 năm ở nể cũng không biết việc gì làm hết. Hãy nhìn bộ mặt ngơ ngác của họ khi Chiêu Thống hỏi mưu lược giữ nước. Có kẻ lanh trí nghĩ ra thì chỉ được có mỗi một việc là đặc triều đã nói hôm qua. Thế rồi các quan mừng rỡ nhờ tìm được lối thoát, đốc xúi vua ra triều để được tung hô mừng thời mới. Ừ việc lớn quá sao lại thôi?

Trong khi đó thì phải thấy rằng thói quen làm việc quanh Trịnh phủ dưới quyền họ Trịnh đã tập thành, để một khi xảy ra biến cố "đám cố gia di thần nhà Chúa" vẫn còn luyến nhớ họ. Hãy nghe Ðỗ Thế Long biện hộ cho nhà Chúa mà đàn hặc Nguyễn Hữu Chỉnh:

"Khi ông mới xuất thân, nào cầm quân, nào phong hầu, cái gì không phải là ơn nhà Chúa. Nay ông lấy tiếng phù Lê diệt Trịnh để kéo quân ra, thật là quá tệ. Nếu bảo nhà Chúa hiếp chế nhà vua là việc có lỗi thì sao không nghĩ cái công tôn phù hai trăm năm trời? Theo người mới mà phản người cũ tức là bất nghĩa, bới cái lỗi để lấp cái công tức là bất nhân..."

Cho nên khi văn thần của Lê bất lực thì võ tướng làm việc ở các trấn một khi kéo quân về chỉ là để phù Trịnh. Khuôn mặt Trịnh nổi bật nhất là một người đã từng âm mưu giành ngôi anh, tính dựa vào Kiêu binh đoạt ngôi báu: đó là Trịnh Lệ, em ruột Trịnh Sâm. Ðược thì trung hầu tìm đón về Thăng Long, Lệ nhận cho Dương Trọng Tế phản Chiêu Thống thần phục mình để lập nên triều Chúa mới. Một khuôn mặt khác của Trịnh nhu hòa hơn, nhưng nhờ kích thích của thời thế cũng chứa nhiều tham vọng: đó là Trịnh Bồng, "Ông quận Quế". Tấn tuồng xoay chiều, đổi chủ lại diễn ra chớp nhoáng. Nguyễn Mậu Nễ, bộ tướng của Dương Trọng Tế, noi gương chủ đi đón Trịnh Bồng về đuổi Trịnh Lệ chạy khỏi phủ Chúa (4-11-1786).

Trong họ Trịnh không còn ai giành quyền nữa để Chiêu Thống làm áp lực có hiệu quả với Trịnh Bồng nên đành chịu Ðinh Tích Nhưỡng mang quân về ép ông phong chức cho Chúa. Ông cũng còn hy vọng ở Hoàng Phùng Cơ nhưng viên tướng này cũng liệu gió phất cờ mà sắp hàng bên phủ Liêu.

Nhưng tình trạng đó không có nghĩa là quyền bính đã được tập trung quanh chiếc ngai "đố an" - Án đô vương. Những người lăng xăng chạy từ cung vua tới phủ Chúa tranh các danh vị Tham tụng, Bình chương... "khư khư những thú cũ rích" không phải là một lực lượng đáng kể. Bên văn hãy xem một Ninh Tốn, tướng bại trận Ðồng Hới ngày trước , đem cái khôn quyệt "nhanh trí" của mình ra để dò ý Hoàng Phùng Cơ xem thế mà đổi chiều phò tá. Ðám người "sợ hãi xám mặt" trước Bắc Bình Vương, đã bị Nguyễn Hữu Chỉnh mỉa mai tài thuyết khách từng đem một tên trấn nước để khỏi làm "mê hoặc thiên hạ", đám người ấy quả không đủ sức nghĩ xa hơn cách hiến thân bằng mồm mép. Còn võ tướng Ðinh Tích Nhưỡng chẳng hạn, một ông trấn thủ biến thành cướp, không dằn mặt nổi ông nghè Nguyễn Hãn, còn nói gì đến việc đánh ai? Tình trạng phân ly từ trên đem đến một sự kết tập binh lính, dân chúng lỏng lẻo, nay là của phe này, mai bị vào phe khác không có gì đáng hơn bọn trước.

Nguyễn Hữu Chỉnh thừa hưởng được lề lối kết tập của Tây Sơn có thắng được Trịnh Bồng vào cuối tháng giêng 1787 cũng là lẽ tự nhiên.Từ khi bị Nguyễn Huệ bỏ rơi ở Nghệ An, Chỉnh phải lo kiến tạo lực lượng riêng để bảo vệ bản thân và chờ cơ hội phát triển. Không có Tây Sơn thì ông làm Tây Sơn vậy. Ông truyền hịch chiêu binh. Ai ngần ngừ, ngỏ ý chống báng, ông đem tay chân giết ngay. Tất nhiên không phải chỉ có sự đe dọa làm nên tinh thàn binh sĩ. Khả năng tổ chức quân binh của ông từ những kinh nghiệm qua được đem ra thử thách lần nữa. Quân có thiếu chính nghĩa thì phải tạo nó ra. Một chuyến liên lạc ngầm với Chiêu Thống được tuyên bố khoa trương khiến dân chúng Nghệ An bỏ phe chống đối mà theo ông.

Về phần Chiêu Thống từ khi thất vọng với Hoàng Phùng Cơ, quả vua thấy không còn ai có thể để kêu gọi về giúp ngoài Nguyễn Hữu Chỉnh. Quân Nghệ An rầm rộ tiến ra. Một trận nhỏ phá tan quân Trịnh Bồng gởi vào hỏi tội, bắt sống Phan Huy Ích, giết Lê Trung Nghĩa khiến uy thanh Chỉnh nổi dậy. Một lần nữa quân tướng quanh phủ Chúa lại lảng xa. Trịnh Bồng có mếu máo chạy trốn cũng chỉ là thèm chút kinh nghiệm đắng cay cho con người thời loạn. Chỉ có họ Trịnh là không hy vọng trổi dậy nữa: Chiêu Thống tức giận sai đốt tan phủ Chúa để tuyệt diệt dấu vết của một uy quyền đã áp bức dòng họ mình trên hai trăm năm dài.

Phát huy chiến thắng, Nguyễn Hữu Chỉnh cho quân đánh bắt Dương Trọng Tế ở Gia Lâm, bắt Hoàng Phùng Cơ ở Sơn tây đem về giết, đuổi tan quân Ðinh Tích Nhưỡng ở Hải Dương. Uy quyền của Chỉnh lớn dần ngang với thực lực. Chỗ ở của Chỉnh tấp nập quan chức ra vào.

Tuy nhiên muốn lập riêng một triều Chúa mà hành động của Chỉnh vẫn có dấu vết của viên hữu quân Tây Sơn. Thực vậy, muốn có lực lượng bình Bắc hà, muốn tìm cách tập trung một quyền hành từ lâu vẫn phân tán nên bị khinh khi, Chỉnh đã áp dụng những phương pháp như của Tây Sơn đã làm. Sách Hoàng Lê với những nhận xét chủ quan, thiển cận vẫn cho ta thấy rõ điều đó:

"Bây giờ tiền bạc trong nước phần nhiều bị nhà giàu dấu cất, nhân dân đói khát vì nạn khan tiền, vật giá đắt lên vùn vụt. Chỉnh bàn xin với triều đình ra lệnh thu hết tượng đồng các Chùa đem về Kinh sư mở lò đúc tiền. Rồi Chỉnh thả cho các thủ hạ đi khắp tứ phía cướp bóc chuông tượng của các làng xóm. Người nào mà dám dấu diếm, tức thì bị chúng bắt đem về khảo đả nghiêm tra. Duy có pho tượng đồng đen ở quán Trấn vũ phía bắc kinh thành chúng không dám lấy mà thôi. Thấy Chỉnh làm việc như vậy dân chúng ai cũng ta thán. Một hôm có người dán ở cửa Ðại Hưng hai câu (...) dịch ra quốc văn là:

Thiên hạ mất chuông chùa, chuông mất, vạc ở đâu được?
Hoàng thượng đốt phủ Chúa, phủ đốt, điện cũng trơ thôi! "

Tất nhiên phương pháp đưa ra không ngăn được kẻ thừa hành nhũng nhiễu. Chỉnh lại không có đủ tay chân có tài để khống chế người và kiềm chế mình. Chỉnh "mới" quá đối với bọn Trịnh Lê thần. Cho nên, đến như việc đánh dẹp Trịnh Bồng, Quận Thạc, Quận Liễn, những kẻ mà bọn thần tử cựu trào có hồi cũng mỉa mai, thế mà vẫn bị Ngô Thì Chí gọi là "mượn hoàng thượng để sai cả nước (...), dùng quân trừ bỏ kẻ hại mình"; Ðinh Nhạ Hành cũng tố cáo Chỉnh "lúc cầm quyền ra tay tàn sát, những quân thần, túc tướng, lệnh tộc và thế gia bị giết hại rất nhiều".

Sự tồn tại của vua Lê cũng là một chứng cớ thất bại của Nguyễn Hữu Chỉnh. Lê đế vẫn còn đó là nền nếp cũ vẫn còn, dù dở đến đâu cũng còn có cớ tồn tại. Chỉnh sẽ bị lụy vào cái không khí ươn hèn đó để đổi mình đi, như lời nhận xét của Ngô Nho nói với Trần Công Xán:

"Ông Bằng từ khi đắc thế đến giờ, vàng ngọc chật đai, không giống hồi nhai rễ rau làm việc được như ngày xưa. Tôi e ông ấy run rẩy ra chốn trận mạc ắt bị Văn Nhậm bắt được."

Ðó không phải là lời tiên tri. Việc ra Bắc đã được Bắc Bình Vương định từ trước, nhưng phải đình lại vì chiến trận Qui Nhơn. Nguyễn Hữu Chỉnh ở yên lại tưởng nhân Nhạc Huệ xung đột mà có thể thu được mối lợi ngư ông. Ông xúi Nguyễn Văn Duệ chống Huệ không thành. Ông sai Trần Công Xán vào Phú Xuân đòi đất Nghệ an để giải tỏa áp lực bọn Lê thần. Nhưng không phải chỉ số phận sứ bộ mà cả số phận của Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã được định rồi, ở Phú xuân. Nơi dinh trấn Nghệ, Vũ Văn Nhậm nói thẳng vào mặt Trần Công Xán:

"Tôi nay đã lãnh binh phù, sớm tối sẽ kéo thẳng ra Thăng Long, trước hãy chém đầu thằng giặc Chỉnh, rồi sau mới hỏ vua Lê tại sao bội ơn dong đứa làm phản?... Vua Lê đã không giữ được nước thì các trấn từ Thanh Hoá trở ra, tôi không lấy người khác cũng lấy..."

"Vua Lê đã không giữ được nước". Ý kiến này không phải chỉ của Nhậm. Ðó là nhận xét gây nên ước vọng của Nguyễn Huệ, đó là đầu mối gây nên chiến tranh nồi da xáo thịt.

Việc chuẩn bị đánh Thăng Long được Vũ Văn Nhậm sửa soạn ở Nghệ An vào hạ tuần tháng 10-1787. Quân đội của Nhậm vét ở Bố chính, Thanh Nghệ được hơn 30.000 người, bắt đầu tiến ra Bắc khoảng trung tuần tháng chạp. Ðụng độ với Lê Duật, trấn thủ Thanh hoá của Nguyễn Hữu Chỉnh, từ 26-12, Nhậm đánh trận tập kích thắng lớn, giết Duật rồi tiến ra Sơn Nam. Hoàng Viết Tuyển ở đấy lại xung đột với Chỉnh và có ý hàng Tây Sơn nên quân Nhậm tránh được một mũi nhọn. Quân Nguyễn Như Thái bị thua trên đường đi chiếm Tam Ðiệp. Quân tan, Thái bị bắt, Nguyễn Hữu Chỉnh phải tự cầm quân. Con Chỉnh, Hữu Du, cũng không may mắn hơn các tướng khác. Ðêm rạng ngày 7 tháng 1 (1788), Chỉnh lẻn về kinh thành khóc với Chiêu Thống "Bloi oi la bloi, nhà Lê đã mất rồi!" rồi cùng vượt sông trốn sang Kinh Bắc.

Vũ Văn Nhậm vào thành Thăng Long (9-1-1788), cho quân đuổi theo Chỉnh, giết Hữu Du, bắt Chỉnh (12-1) đem về xử tử (15-1), bêu đầu cho công chúng xem.

Việc thanh toán quyền bính Bắc hà , cũng như trước kia đối với Nam hà, rõ ràng là không khó với thực lực của Tây Sơn. Nhưng theo với sự mở rộng quyền hành, họ còn phải tìm cách biện chính hành động, thuyết phục đám Lê thần, Nguyễn thần công nhận sự đổi thay rồi thu dụng bọn này làm tay chân. Nguyễn Nhạc lúc ra Bắc đã định "xin" mấy ông nghè đem về nước. Nguyễn Huệ bắt Nguyễn Ðăng Trường, thả đi rồi bắt lại ở Gia Ðịnh rồi mới giết đi. Lúc đánh Phú Xuân, ông thu nhận Trần Công Kỷ rồi nhờ người này làm trung gian mời Ngô thì Nhậm, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, hỏi dò Nguyễn Nghiễm (cha Nguyễn Du) để tìm đến ông già ở ẩn Nguyễn Thiếp trấn Nghệ An.

Tất cả những việc đó chứng tỏ Tây Sơn phải mất thì giờ và hao công tốn phu để khuôn nắn trong vòng ý thức hệ thời đại. Ta không lấy làm lạ Nguyễn Huệ vẫn phải giải quyết vấn đề theo những dữ kiện có sẵn. Chính ông vẫn coi việc thu dụng nho thần như một tiến bộ cho chính quyền ông. Tây Sơn thiếu nho thần, không có một chính sách ở Gia Ðịnh, chỉ mang quân tới chiến rồi đi, không thay đổi nổi lòng người. Ở Phú xuân Nguyễn Huệ phải đi cầu Nguyễn Thiếp chính là để quân bình lại cái không khí sùng chuộng võ uy trong triều ông do ở nơi "những kẻ giúp việc trong nhất thời đều là những kẻ mạnh bạo".

Nhưng hiện tại sức mạnh Tây Sơn vẫn là ở quân lực của họ, cụ thể ở Bắc Bình vương Nguyễn Huệ. Tình thế chưa đến để họ gạt triều Lê ra ngoài triều chính để thuyết phục ông già Nguyễn Thiếp, tuy rằng trong chuyến trôi dạt theo Nguyễn Hữu Chỉnh, Lê Chiêu Thống đã qua Kinh Bắc rồi lang thang ở Hải Dương với thổ hào Trần Quang Châu, ở Sơn Nam với tướng Hoàng viết Tuyển, ở Thanh Hoá, về lại Kinh Bắc, trải qua đủ mùi lưu lạc của ông vua một triều đại tàn kiếp. Ấy thế mà Lê còn làm cho Tây Sơn mất một dũng tướng nữa.

Nguyên cớ sâu xa như đã nói là mối bất hòa nội bộ tận xứ Qui Nhơn. Nhưng nguyên nhân gần cận là thái độ khác nhau của những kẻ chiến thắng đối với cái "nước không" của Chiêu Thống bỏ lại. Vũ Văn Nhậm cầm đầu quân tướng Bắc phạt nên hơn ai hết, ông thấy rõ tình hình nghiêm trọng do các tướng và thổ hào của Lê được dịp mượn tiếng cần vương để thoả mãn khát vọng quyền uy trong một xã hội tan rã. Về phía đồng bọn, nói theo các giáo sĩ đương thời, "ông còn lo sợ sự phẫn nộ của Bắc vương vì ông khăng khăng từ chối nhiều lần không chịu tuân theo lệnh gọi ông về Phú xuân sau khi đã giết được Cống Chỉnh. Ông lại còn bị tình nghi là đã có tham vọng chiếm ngai vàng Bắc kỳ đáng lẽ là của chủ ông nhân lúc người này đang đánh nhau với Tiếm Vương Nhạc..." Cho nên theo thói quen làm việc có sẵn cọng thêm với ý tưởng đề phòng trước biến loạn, thụ hưởng chiến thắng, ông đã tận lực khai thác đất Bắc. "Người ta chỉ nghe đến mộ lính, quyên gạo, quyên tiền". Quân Nhậm bắt các chức sắc trong làng kê khai đinh điền để tính thuế, bắt xâu, bắt cung nữ. Họ triệt hạ các mô đất trong làng sợ có thể trở thành chiến lũy chống họ. Loạn khắp nơi nên Nhậm phải sai đắp lại thành Ðại La. Ngô Thì Chí kể: "Dân phu đói khát mệt nhọc, có kẻ đương đội thúng đất mà ngã sấp xuống. Bởi vậy ai cũng ta oán".

Tình hình nghiêm trọng như vậy nên Nhậm mới nghe lời một Lê thần mà đem Sùng nhượng công Lê Duy Cẩn lên làm Giám quốc để giải tỏa bớt áp lực tôn Lê. Ngô Văn Sở người được Bắc Bình Vương sai kềm cặp dò xét Nhậm, lại thấy trong hành động đó thêm một ý nghĩa muốn làm Nguyễn Hữu Chỉnh của viên tiết chế, nên mật báo về Phú Xuân.

Cuối tháng 3-1788, vừa dẹp xong Nguyễn Văn Duệ, Bắc Bình Vương nghĩ tới chuyện ra Bắc. Quân ở đàng xa mà uy danh vương đã khiến Hoàng Viết Tuyển phải bỏ dinh sở trốn đi. Ðại binh với một đoàn hộ giá với gồm 150 con voi, 100 người nằm võng, nhiều kiệu thếp vàng, Ngọc Hân, Bắc Bình Vương tiến vào Thăng Long với uy thế khiến Vũ Văn Nhậm không dám chống cự. Ông bị bắt tức khắc. Hôm sau (5-5-1788), ông bị trói phơi nắng ngoài pháp trường một ngày cho công chúng xem rồi bị xử trảm.

Tuy Ngô Văn Sở nghĩ rất đúng rằng:

"Từ khi có nhước Nam tới giờ triều đại thay đổi không biết mấy lần, thiên hạ không phải của riêng ai, liệu có thể lấy thì lấy đi, rồi thì đặt quan chia chức để dững phên tường cho sự trông nghe của mọi người đều đổi mới một lượt".

Nhưng tình thế chưa tới đó, Nguyễn Huệ cũng không thể làm hơn Vũ Văn Nhậm được. Ðể hạ bệ Chiêu Thống, Bắc Bình Vương ra một bá cáo công kích ông này vô ơn, bạc nghĩa, mất tư cách và vô tài bất tướng. Ðồng thời với bá cáo này có một bản văn khác khôn khéo nhắc công phù Lê diệt Trịnh của "Ðức Lệnh", biện hộ cho việc xử trảm Vũ Văn Nhậm để đưa ra một cuộc trưng cầu dân ý cho dân chúng "không phân biệt giai cấp, phẩm tước và địa vị" bày tỏ ý kiến theo Lê hay theo Tây Sơn (15-5-1788). Chắc là dân chúng muốn theo Lê cũng không bày tỏ ở Thăng Long được. Chiến thắng của Nguyễn Phúc Ánh ở phương Nam và áp lực vọng Lê ở đây khiến ngôi vị Giám quốc "lại mục" của Sùng nhượng công chưa đổ; quyền xứ Bắc về tay Ðại tư mã Ngô Văn Sở, phụ tá là các tướng: Nội hầu Phan Văn Lân, Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Ðô đốc Nguyễn Văn Tuyết và các hàng thần Lê: Ngô Thì Nhậm với chức mới Tả thị lang, tước Tinh phái hầu, Hình bộ Tả thị lang Phan Huy Ích, tước Thụy nham hầu, cùng Ninh Tốn, Nguyễn Bá Lân. Các trấn do tướng Tây sơn chia nhau nắm giữ.

Nhưng việc chống đối chứng tỏ tiềm lực đất Bắc còn nhiều. Bắc Bình Vương một khi không đếm xỉa gì đến nhà Lê nữa tất phải biết khai thác tiềm lực ấy, không thể để cho các lực lượng phản động lợi dụng được. Các văn võ thần đều bị kêu ra trình diện và bị giữ lại ở kinh thành. Có lệnh bắt nộp ngay lập tức và cùng một lúc các thứ thuế trước kia vốn trả trong hai kỳ tháng ba và tháng mười (hai vụ mùa), luôn cả việc truy thu các thứ thuế trước kia chưa được thanh toán. Một đạo quân 240.000 người, nghĩa là đông gấp đôi số quân thường nhật của nhà Lê trước kia, được tuyển mộ với hạn định 5 ngày cho xong. Không đóng đô ở Thăng Long, Bắc Bình Vương cho phá tất cả cung điện của nhà Trịnh để chuyên chở vật liệu cùng lúa gạo về thành Rum xây Phượng Hoàng Trung đô. Mỗi phường ít nhất phải cung cấp 15 người thợ chuyên môn cho công cuộc kiến tạo.

Vội vã sắp xếp xong công việc, ngày 24-6-1788, Bắc Bình Vương rời Thăng Long, ngóng tin Phạm văn Hưng ở miền Nam, trong lúc Lê Quýnh, Nguyễn Huy Túc, Nguyễn Quốc Ðống phò gia quyến Chiêu Thống vào đất Thanh (12-6-1788), rồi được dẫn tới Long Châu, Nam Ninh để vận động với tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị ra quân. Tháng 9 âm lịch (29-9 đến 28-10-1788), sứ bộ "nón rách, áo tơi tàn" Lê Duy Ðản, Trần Danh Án, được Lê Quýnh về đưa đường, mang chiến thư cầu viện qua cửa ải, chính thức hoá việc tiến quân của Tôn đã chuẩn bị từ tháng 6 Mậu Thân (4-7-1788 _ 1-8-1788).

TẠ CHÍ ÐẠI TRƯỜNG
Ðặc san QUANG TRUNG TÂY SƠN Xuân Bính Tý 1996