CÁNH TAY ÐẮC LỰC CỦA VUA QUANG TRUNG:
NGÔ THÌ NHẬM VÀ ÐẶNG VĂN LONG

CAI VĂN KHIÊM

Chiến thắng Ðống Ða! Hơn hai trăm năm qua, chiến tích này đã đi sâu vào lòng người dân Việt nam như một biểu tượng cho sự thành công của nhà Tây Sơn. Ðây là chiến thắng mà vua Quang Trung và nhà Tây Sơn, đánh đuổi 200 ngàn quân xâm lược nhà Thanh ra khỏi bờ cõi. Chiến thắng này đã làm cho nhà Thanh kinh hãi từ bỏ mộng xâm chiếm Việt nam, và là những trang sử vàng son trong lịch sử nước nhà.

Trong những lần tổ chức lễ Ðống Ða trước đây, chúng tôi thường xếp hai đại công thần để đứng hai bên vua Quang Trung trong buổi tế lễ. Nhà Tây Sơn có nhiều tướng tài, nhưng chúng tôi muốn tìm hai đại công thần, một văn một võ, đã có công trạng trực tiếp trong chiến thắng Ðống Ða. Chúng tôi xem lại lịch sử và nhận xét rằng, hai người mà tên tuổi gắn liền với chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu là Ngô Thì Nhậm và Ðặng Văn Long.

Trong cuộc đối địch với nhà Thanh, Ngô Thì Nhậm có thể xem như là quân sư của vua Quang Trung. Những chiến thuật đối đầu và hòa hoãn với nhà Thanh đã được lịch sử nhắc đến nhiều lần, và danh tiếng của học sĩ họ Ngô bao giờ cũng gắn liền với lịch sử Tây Sơn. Còn vị võ tướng đã chấp hành chiến thuật tốc chiến tốc thắng là Ðặng Văn Long thì ít khi được nhắc đến. Họ Ðặng đã giải quyết chiến trường tại đại bản doanh địch, dồn Sầm Nghi Ðống phải tự tử tại đồi Ðống Ða. Chỉ trong một đêm mồng 4 tháng giêng năm Kỷ Dậu, ông đã tiêu diệt toàn bộ quân Thanh tại Khương Thượng, rồi tiến vào Thăng long đột ngột, làm Tôn Sĩ Nghị hoảng sợ bỏ chạy. Chiều mồng năm Tết, chính Ðặng Văn Long đón vua Quang Trung vào thành Thăng long trước kỳ hạn hai ngày. Ngô Thì Nhậm và Ðặng Văn Long là hai cánh tay đắc lực nhất của vua Quang Trung trong việc đối địch với nhà Thanh. 

HỌC SĨ NGÔ THÌ NHẬM

Năm 1788, khi vua Nguyễn Huệ ra Bắc hà lần thứ nhì để diệt Vũ văn Nhậm, thì một nho thần xứ Bắc đã được người anh hùng xứ Qui nhơn cảm mến: Ðó là Ngô Thì Nhậm. Vừa gặp nhau, vua Quang Trung đã trọng dụng vị nho thần này, và đây là một bước đi vô cùng quan trọng trong việc trị nước và đương đầu với một đại cường quốc phương Bắc.

Ngô Thì Nhậm, tự là Hy Doãn, hiệu Ðạt Hiên, sinh quán ở huyện Thanh trì thuộc tỉnh Hà đông, là con trai của cụ Ngô Thì Sĩ (đậu tiến sĩ, làm quan Ðốc đồng dưới nhà Lê). Ngày thôi nôi của Nhậm, cụ Sĩ đã viết một số tên bộ Nhân để cho Nhậm chọn tên. Sau khi Nhậm chọn xong, cụ đã dùng phương pháp chiết tự và đoán rằng sau Nhậm sẽ có tương lai rực rỡ, nhưng phải chết bất đắc kỳ tử.

Lớn lên, Nhậm học hành rất thông minh và có tư tưởng rất cởi mở, không chịu ràng buộc cũ kỹ của xã hội. Năm lên chín đã biết làm thơ và câu đối. Có một ngày ông theo cha lên chùa. Ông đứng lảng vảng trong sân chùa đọc được hai câu đối: "Khuyến thiện trừng dâm - Cứu nhân độ thế". Nhậm cho đây là lời khuyên giả nhân giả nghĩa, vì đã từng nghe câu "Cửa Phật mất một đền mười" và nhà sư mang tiếng là người không hiền lành. Nhậm thuận tay viết thêm chữ vào hai câu đối trên như sau:

Khuyến thiện trừng dâm, con ai đẻ tháng tư mồng tám?
Cứu nhân độ thế, của nhà ai mất một đền mười?

Nhà sư thấy khẩu khí ngang ngược, nhưng lý lẽ vững chắc, đành xóa câu đối ở chùa.

Năm hai mươi chín tuổi, ông đỗ tiến sĩ , làm quan nhà Lê đến chức Công bộ Hữu thị lang. Qua những nhận định về người Tây phương thường qua lại buôn bán với Việt nam, ông dâng sớ lên phủ chúa Trịnh, đề nghị gửi nhân tài sang Âu châu học về kỹ nghệ và văn hóa của họ. Chúa Trịnh đưa sớ này duyệt xét với các đại thần nhưng các lão thần vì bảo thủ đã bác bỏ, và cho rằng Nhậm là người có tư tưởng viển vông.

Khi chúa Trịnh Sâm lập con thứ là Trịnh Cán làm thế tử thì người con trưởng là Trịnh Khải mưu đồ với nhân sĩ Sơn tây và Kinh bắc định cướp ngôi sau khi Trịnh Sâm qua đời. Mưu mô này đến tai Nhậm nên ông tố giác khiến Trịnh Khải bị hạ ngục. Ðến khi Trịnh Khải phục hưng, Ngô Thì Nhậm sợ bị trả thù nên trốn chạy về quê vợ ở Sơn tây ẩn núp, thay tên đổi họ làm nghề dạy học. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhì, Nhậm cảm phục khí phách phi phàm của người anh hùng áo vải đất Tây sơn, ông nhờ Trần Văn Kỷ (người phụ trách thu dụng nhân tài của nhà Tây Sơn, và cũng là bạn cũ của ông) tiến cử. Gặp ông, Kỷ liền bảo:

- Cố nhân đến đúng lúc, Bắc Bình vương mến mộ tài cố nhân, sai tôi đi tìm. Bỗng không mà gặp.

Sáng hôm sau, Nhậm hội kiến Bắc Bình vương. Nhìn phong cách đàng hoàng, ngôn từ thẳng thắn, lý luận vững chắc, Nguyễn Huệ rất hài lòng nói:

- Chúa Trịnh không biết dùng người nên đã bỏ phí đi một nhân tài. Có lẽ trời dành người này cho ta đó.

Bắc Bình vương phong Ngô Thì Nhậm làm Tinh phái hầu, giữ chức Tả thị lang bộ Lại cùng với Võ Văn Ước coi tất cả quan văn võ nhà Lê. Cảm kích sự trọng dụng nhân tài và tình tri ngộ, Nhậm tiến cử hết những người có tài đến để Bắc Bình vương sử dụng. Những người này đều được trọng dụng như Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch v.v...

Sau khi phối hợp triều đình giám quốc của nhà Lê, Vương giao quyền quân sự cho Ngô Văn Sở và quyền chính trị cho Ngô Thì Nhậm rồi về Nam. Trước khi rời xứ Bắc, ngài gọi các quan văn võ đến và dặn rằng:

- Sở, Lân là nha trảo của ta. Dụng, Ngôn là tâm phúc của ta, còn Nhậm là tân thần. Nay ta giao việc quốc quân mười một trấn ở Bắc hà cho các khanh, cho phép các khanh được tiện nghi hành sự. Nhưng phải hội đồng thương nghị với nhau, đừng lấy lý lẽ mới cũ mà chống đối. Ấy là hậu vọng của ta.

Lời giáo huấn này chẳng những nhắc nhở đến tinh thần đoàn kết trong hệ thống chính quyền mà còn xác định sự tin tưởng ở một tân thần, chinh phục sụ tin tưởng của Ngô Thì Nhậm. Gặp Nhậm một lần mà đã tin dùng, không chút ngờ vực, Bắc Bình vương chẳng những là người có mắt xanh mà là con người rất tự tin.

Cuối năm Mậu Thân, nhà Thanh đem hai mươi vạn quân sang đất Bắc, với danh nghĩa là phù vua Lê để chiếm nước ta. Ðại tư mã Ngô Văn Sở hội họp các quan thương nghị về chương trình chống địch. Nguyễn văn Dụng đề nghị dùng phục quân đánh địch. Sở và Lân có vẻ đồng ý. Duy chỉ có Ngô Thì Nhậm là muốn lui binh:

- Ðánh lúc này là thất sách. Quân địch mới tới, khí thế đang hăng, lại được vua tôi nhà Lêlàm nội công thì giặc biết hết tình hình trong nước, đường sá lại có người chỉ dẫn. Huống hồ chúng ta lại đưa vào danh nghĩa phù Lê trong khi chúng ta vẫn chưa được lòng dân Bắc hà. Ðánh sẽ không thắng được đâu. Chi bằng chúng ta lui hết quân thủy bộ về đóng giữ từ Tam diệp ra đến biển để bảo toàn lực lượng chờ đợi đại quân. Quân địch sang đây phải bôn ba từ ngàn dặm, vào đây dễ dàng sinh khinh thường mà đâm ra ăn chơi biếng nhác. Khi đại quân ta đến thì lúc đó quyết chiến cũng không muộn.

Ngô Văn Sở e ngại rằng giặc đến, chưa đánh đã chạy sợ mang tội với Bắc Bình vương. Nhưng Nhậm biết tình hình quan trọng nên đề nghị một cách dứt khoát:

- Lương tướng đời xưa, lượng sức giặc trước rồi mới định việc công hay thủ. Hãy lui binh về Tam điệp đi. Nếu Bắc Bình vương hỏi tội, tôi xin chịu hết trách nhiệm. Ông cứ yên tâm.

Trong khi Sở chuẩn bị đem quân lui về Tam điệp, có tin quân Thanh đã qua khỏi ải Nam quan, Nội hầu Phan Văn Lân giận quá thừa đêm tối đem quân chận đánh. Không ngờ thua lớn phải chạy về. Ngô Văn Sở nghe tin, quyết định phải cấp tốc hoàn thành kế hoạch chuyển quân của Ngô Thì Nhậm để bảo vệ lực lượng. Quân ta đội ngũ nghiêm chỉnh rút về Tam điệp. Một tháng sau khi vua Quang Trung đem đại binh đến Tam điệp, các quan Sở, Lân và Nhậm ra chịu tội. Nhà vua cười và bảo:

- Các ngươi là võ tướng nhưng thiếu mưu. Khi rời Bắc hà, ta để Nhậm làm Tham tán quân vụ là có ý như vậy. Lui quân để tránh thế giặc, trong khuyến khích sĩ khí, ngoài phản kích lòng kiêu ngạo của giặc... Việc lui quân về đây, giữ một phần xứ rồi hợp nhất với đại quân là chiến pháp đúng hơn cả. Nghe Ðô đốc Tuyết nói ra, ta biết ngay là mưu của Nhậm rồi...

Nói xong, ông tự tay rót ba chén ngự tửu đãi Nhậm:

- Nếu không có khanh bày kế "dĩ dật đãi lao" cho giặc Thanh kiêu, cứ để cho Sở, Lân vác giáo đánh liều thì khi ta ra Bắc, quân ta bị bại, nhuệ khí đã chẳng còn, sẽ khó mà thắng... Chúng nó sang phen này là mua lấy cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này, thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi. Ðuổi quân Tàu cẳng qua mười ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nuớc lớn gấp mười nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù. Như thế thì đánh mãi không thôi, dân ta hại nhiều, sao ta nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thì Nhậm dùng lời nói khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Ðợi mười năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không còn phải sợ chúng nữa.

Biết tiến biết thoái, Ngô Thì Nhậm đã dùng chiến pháp thứ nhất trong binh pháp Tôn Tử để chuẩn bị cho chiến trường phương Bắc. Quyết định lui quân về Tam điệp có thể xem như một công trạng đáng kể trong cuộc chiến thắng quân Thanh. Tuy họ Ngô không phải là võ tướng, ông quả là một chiến lược gia xuất chúng có một tầm nhìn xa mà chỉ có vua Quang Trung mới hiểu được. Quả là tri âm tri kỷ hiếm thấy trong lịch sử. Sau chiến thắng Ðống Ða thì trách nhiệm của Ngô Thì Nhậm nặng nề bội phần: Giảng hòa với nhà Thanh để đem lại sự độc lập và hòa bình lâu dài.

Chiến thắng Ðống Ða dầu có oai hùng, vẫn chưa thể nào kết liễu được chiến tranh với nhà Thanh. Một phần vì nhà Thanh là một nước lớn trong một triều đại cực thịnh, một phần vì lòng dân phương Bắc vẫn chưa hẳn ủng hộ vào triều đình Tây Sơn. Sau cuộc thảm bại mùa xuân Kỷ Dậu, vua Càn Long nhà Thanh rất tức giận, tính dùng tất cả lực lượng chín tỉnh với hơn nửa triệu quân, định xâm lăng nước ta lần thứ nhì. Ðể tránh cuộc chiến này và để tìm hòa bình lâu dài với nhà Thanh, vua Quang Trung giao trọng trách đối ngoại cho họ Ngô.

Ngô Thì Nhậm viết lên một lá thư gởi vua Càn Long nhà Thanh. Lá thư này lời lẽ rất uyển chuyển, khi thì khiêm nhường, khi thì lý luận sắc bén, kết luận có nét cứng rắn hiên ngang tự trọng. Bức thư này xác nhận lập trường của nước Nam: người nước Nam mong muốn sự hòa bình độc lập, nhưng không sợ hãi bất cứ thế lực ngoại bang nào. Bức thư cũng nhắc nhở đến các nỗi điêu linh của chiến tranh và đề nghị sự kết giao của hai nước, tránh việc chinh chiến.

Ngô Thì Nhậm hiểu rằng một lá thư không thể giải quyết mọi vấn đề, nhất là khi có liên hệ đến danh dự vua Thanh. Họ Ngô lại nhờ các đại thần nhà Thanh như Phúc An Khang và Thang Hùng Nghiệp vận động với các hoàng thân, yêu cầu Càn Long giảng hòa. Cuộc bang giao Việt - Thanh trở thành những trang sử lý thú, Càn Long chẳng những đồng ý việc cầu phong, khi nghe vua Quang Trung thích nhân sâm, lại đem những nhân sâm hảo hạng trong hoàng cung đem tặng. Sau đó ông lại còn yêu cầu vua Quang Trung đích thân sang thăm, và còn có ý định gả công chúa. Những hậu đãi này chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nước ta sau một cuộc chinh chiến. So với các thời Ðinh, Lê, Lý, Trần, Lê, sau khi chiến thắng, nước ta đều phải tạ tội, chỉ riêng nhà Tây Sơn, nước ta đã không dùng lời lẽ tạ tội mà dùng những lý luận trong sự tự trọng để thuyết phục nhà Thanh. Chính sự tự trọng này đã tạo được sự cảm mến của vua Càn Long, và là yếu tố chính duy trì sự hòa bình giữ hai nước.

Trong Việt Sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn nhận xét rằng việc vua Càn Long nể trọng vua Quang Trung là hiện tượng anh hùng trọng anh hùng. Càn Long là một vị vua lừng danh của nhà Thanh, tính tình phong lưu mã thượng, võ công cái thế, lại thường ưa phiêu lưu trong giang hồ. Nay lại nghe tên người tài, đọc thư thấy nét khí khái, đâm lòng ngưỡng mộ và hậu đãi. Từ đó nhà Thanh không còn xâm lăng nước ta. Kể từ chiến thắng Ðống Ða đến mãi sau này khi Trung cộng tấn công Bắc Việt, Việt nam và Trung hoa giữ được niềm hòa khí đến ngót hai trăm năm.

Hiện tượng anh hùng trọng anh hùng không phải là mới mẻ, chính người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ đã mến trọng vị anh hùng phương Bắc Ngô Thì Nhậm. Việc tuyển dụng và trọng dụng nhân tài là một yếu tố quan trọng nhất của một quản trị gia. Ðây là một khả năng hiếm có của vua Quang Trung. Họ Ngô trở thành một mưu thần đắc lực cho nhà Tây Sơn. Những chiến thuật của Ngô Thì Nhậm vĩnh viễn được ghi trong những trang sử Tây Sơn. Chính những công trạng ấy xác định rằng nhà Tây Sơn và chiến thắng Ðống Ða không chỉ là niềm hãnh diện trong khuôn khổ phạm vi con dân tỉnh Bình định mà là của toàn dân Việt nam - từ Nam ra Bắc.  

ANH HÙNG ÐẶNG VĂN LONG

Cuối năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế rồi trực chỉ Bắc hà. Trên đường đi, vua cho dừng chân tại Nghệ an để tuyển mộ thêm binh sĩ, trữ thêm lương thực và tập luyện tân binh. Một hôm vua thấy trong đám tân binh đồng phục đỏ có một tráng sĩ mình mặc áo trắng, lưng đeo cung tay cầm kích biểu diễn tài nghệ vừa đẹp lại vừa hùng. Vua lấy làm lạ gọi đến. Khi vua nhận diện được tráng sĩ, vua liền nhảy xuống voi chạy đến, cầm tay nói:

- Cố nhân!

Mọi người ngạc nhiên, hỏi nhau người đó là ai. Người tráng sĩ mặc áo trắng ấy là Ðặng Văn Long. Ðặng Văn Long tự là Tử Vân, người huyện Tuy viễn, phủ Qui nhơn. Lúc thiếu thời, tinh thông về môn cương quyền (ngạnh công). Sau đó, theo học thầy Trương Văn Hiến môn miên quyền (nhuyễn công) ngót 5 năm mới thành tài. Người trong võ lâm không ai địch nổi nên tôn là Ðặng vô địch. Ðặng còn có biệt hiệu là Ðặng Thiết Tý vì ông có sức mạnh vô song; nằm dưới đất dùng hai tay đỡ một cỗ xe chở nặng. Họ đặng giang hồ đó đây, tiêu dao ngày tháng không gặp đối thủ. Khi nghe tin vua Quang Trung đưa quân ra Bắc hà đánh nhà Thanh, lòng yêu nước trào lên, Ðặng không ngại ngùng tòng quân nhập ngũ. Vua Quang Trung gặp được người bạn đồng môn tài ba xuất chúng mừng lắm, liền phong họ Ðặng làm chức Ðại đô đốc cùng ngài ra Bắc dẹp quân Thanh.

Ðặng Văn Long có những nét như Triệu Tử Long đời Tam Quốc. Quân phục Tây Sơn mặc màu đỏ, còn ông lại cỡi ngựa trắng, mặc chiến bào trắng. Khi ra trận ông cỡi ngựa đi đầu đánh thẳng vào vị trí địch không ai cản nổi, quân sĩ hùng khí dâng lên tiến theo sau giết giặc. (Có sử cho rằng vì ông tự thị tài cao, muốn làm nổi, lại muốn lập công nên mặc đồ trắng cho vua Quang Trung dễ nhận diện. Ðiều này có lẽ không đúng, vì lời phê bình này dựa trên căn bản cảm tưởng. Những kẻ giang hồ không trọng chuyện quan trường, hà tất là chuyện làm nổi. Vả lại xét theo tuổi tác và võ thuật, họ Ðặng có thể là sư huynh của Nguyễn Huệ hơn là sư đệ của nhà vua).

Gặp nhau tại Tam điệp, Phan văn Lân mừng rỡ hàn huyên tâm sự, nhắc đến khoảng thời gian cùng học. Khi hỏi về thầy giáo Hiến, Lân bảo:

- Thầy ra giúp vua Thái Ðức một thời gian rồi lui về An thái dưỡng lão, từ ấy việc nước bận rộn tôi không có dịp thăm thầy, mà cũng không tin tức của thầy. Không biết thầy có còn khoẻ mạnh như xưa không.

Long nói:

- Hơn mười năm nay tôi mải miết giang hồ, cũng không lo tròn nghĩa sư đệ. Nhưng nếu chuyến này đánh đuổi được giặc xâm lăng thì chắc thầy cũng mừng rằng công dạy dỗ cũng không đến nỗi uổng.

Tại Tam điệp, vua Quang Trung nghiên cứu địa thế, lực lượng địch, rồi chia quân làm năm đoàn:

1. Tiền quân do Ðại Tư mã Sở và Nội hầu Lân chỉ huy.
2. Tả quân do Ðại đô đốc Lộc và Ðại đô đốc Tuyết chỉ huy. Tuyết còn nhiệm vụ tiếp ứng mắt đông, và Lộc chặn đường giặc rút lui tại Lạng sơn.
3. Hữu quân do Ðại đô đốc Bảo và Ðại đô đốc Long chỉ huy, nhiệm vụ đánh thẳng vào Nhân mục, Khương thượng và chiếm Thăng long.
4. Hậu quân do Hô Hổ hầu đốc chiến
5. Trung quân do đích thân nhà vua chỉ huy đánh vào các vị trí chủ lực quân Thanh tại Hà hồi, Ngọc hồi.

Viên phó tướng của Ðặng Văn Long là Ðặng Tiến Ðông. Ông là người trí dũng, trước làm quan triều chúa Trịnh, sau qui thuận nhà Tây Sơn. Vì sinh trưởng ở Lương xá, gần Thăng long nên ông am hiểu địa hình, đường lối vùng Thăng long và lân cận. Nhờ sự chỉ dẫn, Ðại đô đốc Long đi đường tắt đưa mã binh và tượng binh từ huyện Chương đức đến huyện Thanh trì. Khác với chiến thuật bình thường, Ðô đốc Long đưa quân về hướng đông bắc, và đánh thẳng về nam để quân địch không đường rút lui và hoang mang dao động. Trước hết quân ta chiếm đồn Yên Quyết và Nhân Mục là hai tiền đồn ở tây bắc của thành Khương thượng. Với võ nghệ tuyệt luân, ông dẫn quân đột kích một cách im lìm và nhanh chóng không để một tên quân nào trốn thoát về đi báo tin. Nửa đêm mồng 4, quân đô đốc Long và đội voi chiến đã bọc về hướng đông nam vây đồn Khương thượng. Trong đồn vẫn chưa hay biết. Quân đô đốc Long được nhân dân ủng hộ dùng rơm khô bện lại, tẩm dầu chuẩn bị. Khi đô đốc Long ra lệnh, tất cả quân dân hò hét châm lửa cùng lúc, bốn phía đồn đều có ánh lửa hừng hực và tiếng hò hét vang trời. Quân Thanh hoảng vía không còn sức chống đỡ. Tướng nhà Thanh là Ðề đốc Sâm Nghi Ðống chưa kịp đối phó thì Ðô đốc Long dẫn đầu đoàn quân Tây Sơn phá thành, sức mạnh như chẻ tre vào thành giết giặc như chỗ không người. Không chịu nổi sức quân như nước vỡ đê, quân Thanh trong đồn chết quá nửa. Sầm Nghi Ðống không chống nổi dẫn tàn quân chạy về Thăng long. Chạy đến gò Ðống Ða, giữa đường đến Thăng long thì bị quân ta truy sát gấp rút. Sầm Nghi Ðống sợ hãi quá thắt cổ tự vẫn, còn số tàn quân chạy về phía nam. Họ chạy đến Ðầm mục thì bị quân Ðô đốc Bảo tiêu diệt hết. Sau khi tiêu diệt quân Thanh và đuổi giết xong Sầm Nghi Ðống ở Ðống Ða, Ðô đốc Long tiếp tục tiến vào cửa Tây thành Thăng long. Tại Tây Long cung ở Thăng long, nguyên soái nhà Thanh Tôn Sĩ Nghị đang chú tâm theo dõi mặt trận phía nam, không ngờ có một mặt trận khác đang diễn ra ở mé sườn bên cạnh.

Sáng sớm mồng 5 Tết thì vua Quang Trung đưa đạo quân chủ lực tấn công đồn Ngọc hồi là đồn kiên cố nhất của quân Thanh. Nhưng chính vào thời điểm này thì Ðô đốc Long đã đưa quân Tây Sơn vào cửa Tây thành Thăng long. Ðến lúc đó Tôn Sĩ Nghị mới nghe tin cấp báo đồn Khương thượng đã bị tiêu diệt, quân Tây Sơn đã kéo vào cửa Tây thành Thăng long và đang tiến vào đại bản doanh.Tôn Sĩ Nghị còn đang lúng túng chưa biết liệu thế nào thì binh Ðô đốc Long đã tiến vào Tây long, sát khí ngùn ngụt. Nghị hoảng sợ quá, không kịp mặc áo giáp, không kịp thắng yên ngựa, hớt hải cùng toán kỵ binh bỏ cung Tây long, vượt cầu phao qua sông Nhị hà. Binh sĩ thấy tướng bỏ chạy, chen lấn chạy theo chân. Cầu phao chịu không nổi sức nặng, bị đứt dây ném tung hàng ngàn quân Thanh xuống sông. Cuối mùa đông, nước sông chảy rất gắt, quân Thanh chết vô số kể, số còn sống kinh hoàng không còn sức kháng cự. Tôn Sĩ Nghị cố chạy về ải Nam quan, nhưng liên tục bị đô đốc Lộc chận đường truy sát. Sợ hãi đến cùng cực, Nghị phải vứt bỏ tất cả sắc thư, ấn tín để lo chạy thoát thân. Chạy bảy ngày đêm mới qua khỏi ải Nam quan. Sĩ khí không còn, nghị lực cũng mất hết.

Chiều mồng năm Tết, Ðô đốc Long mở cửa thành Thăng long. Ngọn cờ đỏ mặt trời vàng tung bay phất phới đón mời vua Quang Trung vào thành ăn mừng chiến thắng. Vua Quang Trung và nhà Tây Sơn đã dẹp tan 20 vạn quân Thanh trước kỳ hẹn hai ngày.

Xem qua công trạng của Ðô đốc Long, quả ông là một dũng tướng với chiến thuật tốc chiến tốc thắng. Chiến thuật sấm sét này uy hiếp tinh thần địch thủ, dồn địch thủ vào sự hoảng hốt chỉ nghĩ đến chuyện thoát thân. Chỉ một đêm, quân ông ép Sầm Nghi Ðống tự tử tại Ðống Ða. Trong một buổi sáng quân ông dồn Tôn Sĩ Nghị vào đường phải trốn chạy. Chiếm Thăng long ông đã làm lung lay lòng địch tại đồn Ngọc hồi, để quân tình hỗn loạn, không còn sức chống cự. Cứ mỗi mùa xuân chúng ta vẫn nhắc đến chiến thắng Ðống Ða, nơi Sầm Nghi Ðống bị ép vào đường tự tử. Có lẽ chúng ta cũng nên nhớ một cận tướng của vua Quang Trung đã trực tiếp giải quyết chiến trường này và có công không nhỏ trong việc đánh đuổi quân xâm lăng nhà Thanh.

Ðặng Vân Long sau trận Ðống Ða thì đã có ý lui gót. Nhưng mấy kẻ bề tôi của vua Lê Chiêu Thống cứ cố chấp với nguyên tắc "Tống Nho", không nghĩ đến tội cõng rắn cắn gà nhà, mà cứ tự cho mình là trung liệt với nhà Lê. Họ cứ nổi lên làm loạn mãi nên họ Ðặng phải cố nán lại để đánh dẹp. Ðến mãi sau này, họ Ðặng thấy nội bộ nhà Tây Sơn quá chia rẽ, triều chánh phân chia bè đảng nên buồn chán. Họ Ðặng bèn từ chức trở về An nhơn mở trường dạy võ. Nhưng rồi thấy những học trò lúc này không có chí lớn, chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư, họ Ðậng đóng cửa trường, lên núi làm rẫy.

Vài năm sau, khi nhà Tây Sơn suy tàn thì Võ Văn Dũng tìm đến thăm họ Ðặng. Ðặng mừng gặp lại được cố tri, nhưng khi nghe Võ bàn đến mưu sự phục hưng thì Ðặng lắc đầu từ chối:

- Tôi ra giúp nhà Tây Sơn đâu phải vì nhà Tây Sơn, mà chính vì tổ quốc. Nếu giặc Thanh không mang quân lấn nước ta, thì tôi mãi làm con hạc nội, máu đâu dính đến tay. Còn về nhà Tây Sơn, chính Cảnh Thịnh đã làm mất. Song nếu Vũ hoàng không bỏ đích lập thứ thì đâu đến nỗi nước này? Nay đất đã mất mà lòng người cũng đã mất, hỏi còn mong làm được việc gì nữa? Mà dù có làm được nữa thì làm để làm gì, nếu không phải để tranh chiếm ngôi báu? Tranh cho ai? Cho nhà Tây Sơn hay chính mình? Thôi, trên ba mươi năm trời đánh nhau, nhân dân đã điêu đứng rồi, không nên gieo rắc thêm tang tóc.

Võ ra về, Ðặng ở luôn trên núi. Trong nơi mây khói, không ai biết Ðặng ở ngọn núi nào trong dãy Nam sơn.

Công trạng của Ngô Thì Nhậm và Ðặng Văn Long quả đáng cảm phục. Nhưng tư cách và và tinh thần của hai vị anh hùng Tây sơn lại càng đáng cảm phục hơn. Sinh ra trong một thời kỳ đất nước gặp nguy nan, hai người tự nguyện đem tài trí ra phục vụ quốc gia, chỉ nghĩ đến tổ quốc và hạnh phúc của toàn dân. Gương sáng của họ sẽ sống mãi trong lòng người dân Việt nam. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Phạm Văn Sơn, Việt sử Tân Biên, Ðại Nam xuất bản, Saigon 1961
(2) Mộng Bình Sơn, Gió Lộng Cờ Ðào, Tiền Giang xuất bản, Saigon 1989
(3) Quách Tấn và Quách Giao, Nhà Tây Sơn, Nghĩa Bình xuất bản, Qui nhơn 1989
(4) Một số bộ sử đã ghi lầm những chiến công của ông là của Ðô đốc Mưu
(5) Hoa Bằng, Quang Trung Nguyễn Huệ
(6) Bùi Sơn Duân, "Vài nét chấm phá Quang Trung - Nguyễn Huệ trong một phim truyện", Ðặc san Quang Trung Tây Sơn, xuân Giáp Tuất 1994 

CAI VĂN KHIÊM
Giai phẩm TÂY SƠN Xuân Ất Hợi 1955