VÀI MẨU CHUYỆN VĂN CHƯƠNG ...
Huy Lực BÙI TIÊN KHÔI
Học trò Bình Ðịnh ra thi
Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành
Tôi không biết đã có bao nhiêu học trò Bình Ðịnh hỏng thi vì cô gái Huế; ngành thống kê của nước ta vốn dĩ quá sơ đẳng, nếu không đã tiết lộ những con số to lớn làm tròn xoe con mắt của đám sĩ tử Bình Ðịnh, một đám thư sinh ham học nhưng cũng ham gái đẹp vô cùng. Ông Nội tôi là một sĩ tử Bình Ðịnh tiêu biểu này.
Ông nội tôi từ quê hương Bình Ðịnh ra Huế thi Cử Nhân Hán Học đôi lần nhưng đều hỏng cả chỉ vì một người đẹp. Người đẹp xứ Thần Kinh Huế có làn da trắng hồng mịn màng và đôi mắt huyền mộng mơ đắm đuối.
Da trắng mịn hốt hồn thơ chữ nghĩa
Mắt đen huyền chôn mộng ước công danh
Ðó là hai câu đối ông Nội tôi sáng tác sau hai lần hỏng thi và ông ngâm nga giải bày tâm sự trong những lúc trà dư tửu hậu. Thời thơ ấu tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần và khi lên mười tuổi tôi đã thuộc lòng hai câu đối trên, nhưng lúc bấy giờ vẫn chưa hiểu được cái đại nạn "hồng nhan họa thủy". Bà nội bảo rằng: Ông Nội hận cô gái Huế nầy lắm, sắc đẹp của cô đã làm ông Nội tôi ngây ngất mê hồn, không còn nhớ gì đến học hành thi cử, cô đã phá hủy công danh sự nghiệp đời ông. Bây giờ đọc lại suy gẫm tìm tòi, tôi đâm ra nghi ngờ lời bàn có chút dèm pha ganh tỵ của bà tôi, tôi không thấy môt chút gì uất hận toát ra từ hai câu đối, xuyên qua đó tôi chỉ tìm thấy sự mãn nguyện thưởng thức nhan sắc giai nhân với cái kết quả tất nhiên sau đó của cuộc đời.
Ông nội tôi được tiếng là văn hay chữ tốt, học tài thi phận. Gia đình họ Bùi có một thời năm thế hệ sống chung với nhau an ổn hòa thuận, làm ăn chung như một đại đơn-vị kinh tế gia đình. Theo lý thuyết kinh tế ngày nay, cách thức sinh hoạt nầy gây nên sự trì trệ chậm tiến, nhưng thời bấy giờ "ngũ đại đồng đường", năm thế hệ cùng sinh sống chung một nhà, được vua ban thưởng tặng danh hiệu sắc phong. Một tấm bình phong chạm trổ hai con rồng lượn làm khung cho một bài thơ của vua phong tặng, được khảm cẩn xà cừ trắng lóng lánh, tôi chỉ còn nhớ câu cuối cùng: Bùi thị danh truyền Nại hải thanh (Dòng họ Bùi vang danh biển xanh Thị nại. Trước đây thành phố Qui-nhơn được gọi là Thị nại)
Thú thật, tôi không thấy có gì đáng kiêu hãnh cho cái danh hiệu "Ngũ đại đồng đường" vua ban, ngoại trừ một câu chuyện hằn sâu đậm trong trí óc non nớt của tôi. Chú tôi trong một chuyến đi xa về, vì nhớ cô vợ trẻ đi thẳng về thăm vợ, trước khi đến chào hỏi ông nội tôi. Thế là ngũ đại đồng đường tập họp đông đủ chứng kiến cảnh xử tội chú tôi. Trước hơn năm chục người vòng tay kính cẩn, ông nội tôi tóc bạc phơ tay cầm roi, miệng giảng hiếu nghi lễ nghĩa, thỉnh thoảng phết con roi vào mông chú tôi trong y phục tề-chỉnh khăn đóng áo dài đang nằm úp mặt sóng sượt, người co rúm lại đầy ân-hận bi thương cho cái lỗi tầy trời của mình. Lúc bấy giờ tôi nghĩ chỉ những bọn trẻ nhóc tì như chúng tôi, đùa giỡn nghịch ngợm như quỷ mới bị nằm dài chịu những lằn roi trừng phạt, còn người lớn khăn đóng áo dài như chú tôi mà lại ngoan ngoãn nằm dài để ông nội tôi vừa đánh vừa dạy bảo, một hình ảnh phi lý ngộ-nghĩnh của ngũ đại đồng đường.
Tuy nhiên "ngũ đại đồng đường" cũng có điểm lợi. Các cô tôi vừa mới 14, 15 hoặc nhiều lắm 16 tuổi, các đào nhí nầy đã có người mối mai dạm hỏi vội vã xuất giá vu-quy. Thời bấy giờ người ta cho rằng "phụ nhân nan hóa", đàn bà rất khó dạy, và những cô tôi được sản xuất đào tạo trong cái lò "ngũ đại đồng đường", nhất định sẽ là những phụ nữ tốt dễ dạy, suốt đời chỉ nghĩ đến chồng con. Cô ba của tôi xuất giá mới 14 tuổi, cô vợ nhí nầy quả đã làm cho nhà chồng nể phục cái truyền thống công dung ngôn hạnh của "ngũ đại đồng đường" nên tiếng đồn lan xa. Các cô kế tiếp mới vừa trổ mã, nhan sắc chưa kịp lên hương đã hấp-tấp lên võng hoa về nhà chồng. Có cô về nhà chồng chưa được dạy dỗ bổn-phận làm vợ, đêm động phòng nhất định không để cho chồng ngủ chung.
Ông nội tôi vô cùng hể hả với cái nhịp độ xuất giá nhanh vun vút của tám cô con gái cưng gia đình. Có kẻ đến chậm và quả thật ông nội tôi ân hận không còn cô con gái thứ chín để về làm dâu nhà họ Ðặng, dòng họ hay chữ có huyết thống trào lộng độc đáo nầy.
Cụ tổ Ðặng Ðức Siêu người làng Phú Cang tỉnh Bình Ðịnh, làm quan đến chức Lễ Bộ Thượng thư đời vua Gia Long, kiêm chức Phụ đạo Ðông Cung, thầy dạy học của vua Minh-Mạng, nhưng tâm hồn trào lộng phóng khoáng. Ông Bộ trưởng Bộ Lễ, một bộ dùng lễ-nghĩa để giáo-dục dân chúng mà lại đi làm thơ vịnh cái "Ngọc Hành" để đáp lại bài thơ "Cái giếng" tả cái vật quý của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, một đề tài nhảm nhí như vậy có thể đưa đến nhiều thị phi miệng thế rắc rối lắm đa!
Ngọc Hành
Cũng không phải Phật cũng không Tiên
Vui sướng một mình ở cõi riêng
Ngoài xũ áo xiêm năm bảy lớp
Trong màn hầu hạ một hai viên
Chính chuyên tấc dạ thường ngay thẳng
Khuya sớm một mình phải gắng siêng
Cửa đỏ ra vào đà phỉ chí
Ngàn năm cốt cách để lưu truyền.
(Ðặng Ðức Siêu)
Cụ bà Hồ Xuân Hương nổi tiếng là táo bạo phóng túng nổi loạn trong tình dục, vậy mà khi muốn tả cái vật quý trinh nguyên của mình, cũng đã phải dùng thể ví, dùng cái nầy để ám chỉ cái kia, xem thế ta thấy cụ Thượng thư gốc người Bình Ðịnh nghịch ngợm hơn nhiều.
Cái Giếng
Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông
Giếng tốt thanh thơi giếng lạ lùng
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép
Nước trong leo lẻo một giòng thông
Cỏ gà lún phún leo quanh mép
Cá diếc le-te lách giữa dòng
Giếng ấy thanh-tân ai đã biết
Ðố ai dám thả nạ rồng rồng.
(Hồ Xuân Hương)
Một người rể của ông nội tôi, ông Lê-Bính bút hiệu Khiêm Ðức, nguyên quận-trưởng quận Tuy phước tỉnh Bình định, đã họa bài thơ "Ngọc Hành":
Ngọc Hành
Không màng thế sự sống như tiên
Một nếp thanh nhàn một cõi riêng
Rộng rãi an cư nhà một cột
Sẵn sàng chiến đấu đạn vài viên
Tấm lòng ngay thẳng vì danh lợi
Công việc cứng mềm hết dạ riêng
Ngõ tía lân la ngày mấy bận
Hằng lo giống tốt để di truyền.
(Khiêm Ðức Lê Bính)
Cụ Bộ trưởng Bộ Lễ Ðặng Ðức Siêu còn táo bạo hơn nữa, dùng vần thơ đường tao-nhã thời của cụ chỉ xử-dụng trong thi cử hoặc xướng họa giữa các bậc tao nhân mặc khách, để tả "Ðàn bà đái" trong thời đại cầu tiêu (restroom) chưa được xây cất thịnh hành, và nhờ vậy may mắn thay chúng ta được biết một cách sinh sống người xưa:
Ðàn bà đái
Ngó trước nhin sau vắng khách qua
Hai tay rón rén trịch quần ra
Sóng xao bãi hến sương dầm ấm
Suối chảy gành ngao nước bủa hoa
Kiến tưởng mưa dông tha trứng chạy
Cóc ngờ lụt lội cõng con ra
Bởi chưng méo mó nên che đậy
Xinh xấu cũng là của mẹ cha.
(Ðặng Ðức Siêu)
Bài họa của dượng tôi, chồng cô thứ sáu cũng lắm chi tiết trần truồng hiện thực:
Ðàn bà đái
Ngọn cỏ thường ngày đái chẳng qua (1)
Bởi ngồi che hẻ trật khu ra
Hai tay bám chặt quần tung gió
Ðôi mắt xem chừng nước trỗ hoa
Ngõ hẻm nhà nghèo xoi cát sụn
Chân tường kẻ có tróc vôi ra
Sánh cùng nam giới không thua thiệt
Lồi lõm cũng đừng trách mẹ cha.
(Khiêm Ðức Lê-Bính)
Té ra các cụ ngày xưa khăn đóng áo dài y-phục trang nghiêm tề chỉnh, nhưng trong đầu các cụ vẫn tóe ra những ý tưởng nghịch ngợm táo bạo làm nhăn mặt các bậc mô phạm ở cửa Khổng sân Trình.
Người suôi gia ông nội tôi hãnh diện nhất là ông Ðào Phan Duân bút hiệu Biểu-Xuyên. Người con trai thứ của ông cưới cô con gái thứ bảy của ông nội tôi. Ông Ðào Phan Duân người làng Biểu chánh tỉnh Bình Ðịnh, đậu cử-nhân hán học năm 1894, đậu phó bảng năm 1895 lúc ông 31 tuổi. Ông làm quan đến chức Tuần vũ Khánh-hòa, tức là tỉnh trưởng tỉnh Khánh-hòa. Tính tình điềm đạm, bình dị ông về hưu sớm và đi du lịch khắp nơi trong nước. Có lẽ ông là nhà thơ Bình-định đầu tiên viếng Ðà-lạt và tặng thành phố nầy một món quà thi phẩm:
Viếng Ðà-lạt cảm tác
Nghe nói Lâm viên cảnh lạ đời
Quên già lão cũng gắng sang chơi
Lâu đài chen chúc đường thêu dệt
Khe núi quanh co đất vẽ vời
Cao thấp rừng thông đèn rọi sáng
Êm đềm tiết hạ gió đưa hơi
Bồng lai tiên cảnh đâu đây hẳn
Hẳn thấy phong quang biệt một trời!
(Biểu Xuyên Ðào Phan Duân)
Một trong những người rể ưng ý nhất của ông nội tôi là ông Trần Ðình Tân, chồng của cô thứ tư. Dĩ nhiên ông Trần Ðình Tân rất hay chữ, một điều kiện ưu tiên trong việc chọn rể của ông tôi, xứng đáng làm chồng của cô tư, một giai nhân khéo vô cùng. Ông tôi xử dụng từ-ngữ hay và khéo một cách cân nhắc thận trọng. Người nào học hành thật xuất sắc thông minh, ông mới cho là hay chữ, giai nhân nào tuyệt đẹp mới được gọi là khéo, trong tám cô tôi, ông chỉ thưởng từ-ngữ khéo cho hai người.
Ông Trần Ðình Tân đậu cử-nhân hán học làm quan đến chúc Án-sát, tương đương như Phó Tỉnh trưởng kiêm chánh án tỉnh Bình-thuận, trong thời gian nầy ông Ngô Ðình Diệm làm Tuần Vũ, như Tỉnh trưởng Bình Thuận. Hai ông Trần Ðình Tân và Ngô Ðình Diệm trở nên bạn chí thân tri-kỷ với nhau. Những năm chiến tranh chống Pháp 1945-1954, ông Trần Ðình Tân bị kẹt lại trong vùng Bình định, tình trạng chiến tranh gian khổ, hai mắt kéo màng mây bị bệnh cataract không thấy đường. Năm 1954, ông Ngô Ðình Diệm về nước làm Thủ-tướng, ông Trần Ðình Tân được người bạn tri kỷ Ngô Ðình Diệm đài thọ mọi chi phí chữa trị bệnh mắt tại phòng mạch bác sĩ Cát ở Sài Gòn. Năm 1956, ông Trần Ðình Tân đắc cử Dân-biểu Quốc-hội và làm việc tại Quốc-hội ở thành phố Sài gòn. Cho đến cuối năm 1962, tôi đã cùng người dượng hay chữ Trần Ðình Tân vào dinh Ðộc-lập hay dinh Gia-long để thăm viếng Tổng-thống Ngô Ðình Diệm nhiều lần, có những lần chỉ ở chơi vài giờ, có những lần ở suốt ngày đêm. Trong thời gian nầy để lại trong tôi một kỷ niệm đầu đời khó quên, một câu chuyện tình. Dượng Trần Ðình Tân vóc nguời đẫy đà mập mạp, đôi mắt tuy được chữa trị nhưng phải mang đôi kính cận dày mười hai độ, đi đứng chậm chạp cần tôi giúp đỡ dẫn đường.
Tôi không bao giờ có thể ngờ được gian phòng dành cho một vị Tổng-thống quyền uy một nước lại đơn sơ giản dị khô khan thiếu những đồ đạc tiện nghi văn minh thoải mái, đến như thế. Dầu ở dinh Ðộc-lập hay dinh Gia-long gian phòng dành cho vị nguyên-thủ quốc-gia thật quá nhỏ so sánh với toàn bộ kiến trúc của hai dinh thự nầy. Tổng thống Ngô Ðình Diệm thích ngồi trên một chiếc ghế bành da cũ kỹ, cái kiểu ghế bành từ hồi thật xa xưa có vẻ vững chãi quê kệch, thiếu hẳn tính chất trang trí thẩm mỹ. Có lần dượng Trần Ðình Tân hỏi ông Chánh Văn phòng Võ Văn Hải sao không thay đổi cho cụ Diệm một cái ghế bành da mới, ông Hải cho biết đã đề-nghị với cụ, nhưng cụ Diệm bảo ghế nầy vẫn còn sử dụng được, mua cái mới làm gì cho lãng phí công quỹ. Ðặt trước ghế bành là chiếc bàn tròn nhỏ, trên bày biện bộ bình trà tách nước, hộp đựng thuốc lá, cái đựng tàn thuốc và một chồng hồ sơ đang phê dở. Lùi sau chiếc ghế bành là một bàn chữ nhật rộng, trên để đầy sách tạp chí, chen lẫn với hồ-sơ, văn thư tờ trình được miếng kim-loại tròn đè dằn lên. Trong góc phòng một chiếc giường độc thân làm bằng gỗ lúc nào cũng trải chiếc chiếu hoa màu sậm, trên đầu giường một chiếc tràng kỷ con để những vật dụng tùy thân như cặp kính lão, những chai thuốc lọ dầu, bên cạnh cái tráp nhỏ cẩn xà cừ. Trong một góc phòng đối diện, một chiếc tủ cao, trên nóc tủ một khung ảnh lớn hình chụp ông Ngô Ðình Khả, thân phụ Tổng thống Ngô Ðình Diệm, mặc áo gấm bông, khung ảnh nằm giữa hai trụ nến bằng thủy-tinh.
Vào một ngày xuân, khoảng năm 1957, Tổng thống Ngô Ðình Diệm lấy từ trong chiếc tủ cao nầy, một câu đối do ông Nguyễn Trác, cử nhân hán học, chủ tịch Hội Khổng-học Việt-nam, vừa mới viết tặng Tổng thống Ngô Ðình Diệm:
Ðông thất tây thâu phi tiểu tiểu
Thượng hành hạ hiệu thị thao thao
Hai câu đối có ý nghĩa ví ông Ngô Ðình Diệm cũng giống như Lưu Bị, bỏ Ðông Ngô về Tây Thục, rút miền Bắc, di cư vào Nam, hoàn thành việc đó không phải là việc nhỏ. Trên ra lệnh, dưới làm cả một phong trào khí thế sôi lên. Hai câu đối nầy lời ý vế chữ đối nhau tuyệt hảo toát ra một ý-nghĩa lịch sử hào hùng.
Tôi chưa bao giờ thấy hai ông bạn già thảo luận việc nước say sưa, bàn tán quốc sự một cách hăng say nhiệt tình vui vẻ đến thế. Hôm đó, tôi một kẻ hậu-sinh được hân hạnh tham dự dạ tiệc do Tổng Thống Ngô Ðinh Diệm khoản đãi ông Trần Ðình Tân người bạn cũ, với ba món cá thu kho ăn với dưa chua cà pháo, đậu hũ xào thịt, uống với nước trà Huế đậm đặc, thực đơn quen dùng của hai người khi làm việc ở Tỉnh Bình Thuận thời xưa: bữa tiệc quá đơn giản đạm bạc của vị Nguyên Thủ Quốc Gia đãi bạn hiền.
Trong thời đại của ông bà tổ tiên chúng ta, việc làm câu đối rất thịnh hành. Cưới vợ cho con trai, gả chồng cho con gái, thăng quan tiến chức, món quà quí nhất là một câu đối được khắc cẩn xà cừ trên những tấm hoành phi, liễn đối, những kỷ niệm hãnh diện để đời. Phủ Cũ cách Thành Phố Quy Nhơn hơn năm cây số có một dòng họ chuyên làm liễn cẩn xà cừ, nghệ thuật thủ công thượng hạng, gỗ làm liễn hoành phi là những danh mộc quý khó tìm.
Lưu lạc xứ người vào những năm cuối cùng của thế kỷ hai mươi, thời đại mạng lưới điện toán, mà ngồi mơ ước nhận được đôi liễn cẩn xà cừ khắc câu dối làm quà tặng mình, ước mơ nầy cũng giống như ước mơ trúng số độc đắc Liên Bang. Ấy vậy mà tôi được trúng số an ủi đấy!
Mùa hè năm 1996 tôi đuợc mời đến thuyết trình về văn hóa Việt Nam và văn Hóa Trung Hoa tại Ðại Học Houston chi nhánh Thành Phố Clear Lake.
Thành phần sinh viên tham dự đủ mọi sắc tộc, nhưng quá phân nửa là sinh viên gốc Việt và gốc Trung Hoa. Trong một Hội trường trang trí trẻ trung vui nhộn, khi tôi tiến vào khoảng vài trăm người đang ồn ào nói chuyện, ông Nguyễn Xuân Diễm có bằng Cử Nhân Giáo Dục tại Hoa Kỳ năm 1969, tác giả cuốn sách English 4000, nguyên là chuyên viên tại Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, hiện là Cố Vấn Hội Sinh Viên Việt Nam, Ông mời tôi đứng trên bục giảng và giới thiệu tôi với cử tọa. Ông Diễm trình bày những sinh hoạt văn chương và giáo dục của tôi, cuối cùng ông tặng tôi hai câu đối:
Ðất Tổ địa linh sự nghiệp Văn Chương lẫy lừng danh Huy Lực
Quê người trường tốt công trình giáo dục thơm nức tiếng Tiên Khôi
Khi ông Diễm dứt lời, hai câu đối nét chữ bay bướm viết trên giấy dày cuộn tròn được treo từ trước, từ từ hạ xuống hai bên đối xứng với chính giữa bục thuyết trình của tôi. Tôi đã đi thuyết trình hàng trăm lần tại các Ðại học, nhưng chưa bao giờ được chào đón một cách truyền thống văn chương lý thú như thế. Ngày hôm đó tôi hứng khởi thao thao tuyệt thú. Trong phần thảo luận, một sinh-viên gốc Tàu Chợ-lớn đứng lên hỏi tôi:
- Trong sinh-hoạt văn hóa Trung-hoa, mỗi giai đoạn đời nguời đều có những ưu tiên phản ảnh qua các câu:
Tam thập nhi lập
Tứ thập nhi bất hoặc
Ngũ thập tri thiên mạng
Lục thập nhi nhĩ thuận
Thất thập nhi tòng tâm sở dục
Xin diễn giả cho biết sinh hoạt văn hóa Việt nam có những câu nói về sinh hoạt đời người tương ứng như vậy, hay Việt nam chỉ xử-dụng những câu trên của Trung hoa?
Sinh-viên gốc Hoa nầy hỏi xỏ xiên, ám chỉ rằng văn hóa Việt-nam chỉ rập khuôn văn hóa Tàu. Tôi đã gặp trường hợp nầy khi đến thuyết trình tại Ðại học Houston Baptist University, một đại học có nhiều sinh-viên gốc Trung-hoa, cách đây nhiều năm. Tôi trả lời:
-Việt nam với bôn ngàn năm văn hiến, trong bất cứ sinh-hoạt nào của con người cũng đều rút ra nhũng triết lý sống động căn bản. Ðây là những câu về "Ðời người" của văn-hóa Việt-nam:
Ðời người Tới
Tuổi hai mươi vừa cười vừa học
Tuổi ba mươi khó nhọc định thân
Tuổi bốn mươi sự nghiệp lớn dần
Tuổi năm mươi truyền đời kinh nghiệm
Tuổi sáu mươi đức tin tụng niệm
Tuổi bảy mươi thoát tục thoát đời
Tuổi tám mươi rừng trúc ẩn nơi
Tuổi chín mươi đợi về tiên cảnh.
(Huy-lực Bùi Tiên Khôi)
Quả thật tôi đã quá cái tuổi năm mươi từ lâu, nhưng chưa có chút kinh nghiệm gì để truyền lại, ngoài trừ vài mẫu chuyện về giáo-dục và văn chương.
Dâu bể đời người biến đổi thay
Ðầu xanh thoắt bạc có ai hay
Trăm năm cuộc sống là bao nhỉ
Gởi lại đời sau chuyện kiếp này.
(Huy-lực Bùi Tiên Khôi)
Và từ chuyện cô gái Huế, đến những nhân vật liên hệ đến ông nội tôi, chuyện văn chương kéo dài lan man...
Huy-lực Bùi Tiên Khôi
Ðặc san QUANG TRUNG - TÂY SƠN Xuân Kỷ Mão 1999
(1) Người đời thường nói: Ðàn bà đái không qua ngọn cỏ.