TUỔI THƠ
LÀNG QUÊ VÀ
HÁT BỘI BÌNH ÐỊNH
Nguyễn Gia Hiếu
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi chọn đề tựa cho bài viết này. Tôi không biết gì nhiều về hát bội, tôi không thuộc nguyên vẹn được một vở tuồng nào, tôi không phân biệt được điệu hát Nam và hát Khách; thậm chí tôi không biết vì sao ở quê tôi lại gọi bộ môn này là Hát Bội trong khi lẽ ra phải gọi nó là Hát Bộ - vừa hát vừa biểu diễn những điệu bộ - Tôi viết về hát bội đơn giản chỉ vì nó có liên quan đến làng quê, đến tuổi thơ của tôi. Tôi viết về Hát Bội cũng bởi những ảnh hưởng đạo đức và các mẫu mực xử thế mà các tuồng tích đã tác động sâu xa đến đời sống dân tôi và cuối cùng, có lẽ cũng vì những tình cảm xót xa và sâu kín mà tôi có về người nghệ sĩ hát bội; những nghệ sĩ đích thực và hẩm hiu, tài hoa mà tàn lụn như chính bộ môn nghệ thuật mà họ gắn bó, theo đuổi.
Quê tôi, gọi theo danh xưng chính thức của chính quyền quốc gia sau năm 1954 là xã Phước thành, quận Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh; nhưng thật ra đối với đại đa số dân chúng thời đó, chúng tôi vẫn chỉ là người Cảnh Vân và Tăng Vinh, hai làng của thời phong kiến và yên bình cũ. Quê tôi nghèo lắm, đối với dân miền biển (hạ bạn) chúng tôi là thượng du; điều này cũng không có gì quá đáng, làng tôi nằm ở thượng nguồn sông Hà Thanh, lọt tõm giữa ba mặt núi, đi về hướng nam năm bảy cây số sẽ được thấy những bản làng thượng Vân Canh nhà sàn vách nứa.
Người dân quê tôi suốt năm vật lộn với những rẻ ruộng gieo một mùa đầy sỏi và đá, làm nhiều mà hưởng được không bao nhiêu. Ðầu tiên, vào tháng hai, tháng ba ruộng được cày lần thứ nhất gọi là cày dỡ; sau đó một vài tháng, ruộng được cày theo chiều ngược lại gọi là cày trở. Những tảng đất khô cứng như đá dưới nắng hè trơ trơ làm nhảy gọng bừa có hai ba người ngồi đè. Muốn đất mịn nhuyễn đủ để có thể gieo giống, người ta phải dùng những chày vồ lớn, sắp hàng ngang đập từng khối đất lớn gọi là đập cục; rồi gieo giống, chờ mùa mưa tháng chín làm cỏ, dặm lại cho cây lúa mọc đều hàng và chờ mùa gặt để ăn tết. Việc canh tác hoàn toàn trông cậy vào sự thuận hòa của mưa gió, của đất trời; hạn hán, lụt lội, sâu bọ đều có thể biến bao công sức của nông dân thành công cốc. May mắn được mùa thì dân quê tôi sống no đủ được vài tháng Tết, phần còn lại của cả năm nhờ vào than củi, nương rẫy và rễ củ trên rừng.
Ðời sống dân quê bình dị và tình nghĩa nhưng cũng lắm lúc dậy sóng phong ba trong cơn lốc của cuộc đời. Những năm 1952-1953, chiến tranh lan rộng và chính quyền cộng sản vừa muốn củng cố quyền lực, vừa chú tâm vơ vét tài sản của người dân nên đã tạo ra bao cảnh não lòng, khắp làng đầy dẫy những hầm chông, những khẩu hiệu chống địa chủ, phú hào. Ðêm đêm, lập loè ánh đuốc và lóc cóc tiếng mõ của những đoàn thiếu nhi biểu tình kêu gọi đóng thuế nông nghiệp. Thuế đóng làm ba lần gọi là tiên thu, trung thu, và thanh thu với một mức độ khủng khiếp, không phải căn cứ vào số diện tích canh tác mà tùy thuộc vào quyết định của những buổi họp nhân dân gọi là bình nghị. Chỉ cần một lời gợi ý được sắp xếp trước và tiếng hoan hô đồng ý của đám đông đã được kích động và bị đe dọa là mọi việc trở thành luật bất khả khống chế. Ai không đóng thuế được sẽ bị coi là ngoan cố, phải chịu đấu tố bằng đủ loại khổ hình. Chủ tớ, người làng, thậm chí dòng họ, anh em cũng buộc phải lạnh lùng, xa lạ, tàn nhẫn với nhau. Người dân lâu đời sống theo đạo nghĩa cổ truyền, trọng tôn ti trật tự đã rất đau đớn và phẫn uất trước những tráo trở của tình người nhưng không thể làm gì được trước những con người mới hung hãn, vô học và cuồng tín, đại diện cho giai cấp vô sản cách mạng.
Hiệp định Genève năm 1954 và cuộc tiếp thu của chính quyền quốc gia đã làm hồi sinh con người, hồi sinh cả những đạo lý và tình nghĩa cũ. Người dân lấp dần những hầm chông, nhổ những bãi cọc nhọn chống nhảy dù trên đồng ruộng, tiếp nhận chính quyền mới như sự trở lại của một cái gì quen thuộc, thân quí đã mất. Trật tự cũ trong lòng mọi người và trong xã hội được tái lập. Ðình miễu của mỗi làng, nhà thờ, bàn thờ của mỗi nhà được trùng tu. Mọi người an tâm bắt đầu cuộc đời mới, trong vận hội mới với một tinh thần và nề nếp cũ.
Chính quyền quốc gia được xây dựng từ con số không, cả xã chỉ có một trường sơ cấp ba lớp học ở ba nơi khác nhau trong khi chờ đợi xây dựng trường mới; đây là công trình có ưu tiên hai, nỗ lực trước nhất dành để hoàn thành trụ sở Ủy ban Hành chánh xã và trường Cộng đồng. Không biết ai đã đặt ra cái tên này và ý nghĩa thật của nó như thế nào, chỉ biết đây là một dãy nhà tôn dài, được cất trên một gò đất cao, có sân rất rộng, bên trong có một sân khấu bằng xi măng, chính giữa là những hàng băng gỗ dài, hai bên vách và phía sau là những bậc tam cấp có những cây tre dài ghép lại làm ghế ngồi. Ðây là nơi dành để hội họp và văn nghệ; đúng ra là để hát bội vì ở quê tôi hồi đó không có hình thức văn nghệ nào khác. Lớp tuổi chúng tôi, những đứa bé tám chín tuổi vào năm tiếp thu, lần đầu tiên biết hát bội ở trường Cộng đồng này.
Thật ra chúng tôi đến trường Cộng đồng trước hết vì những lý do khác hơn là đi xem hát. Ở một xóm làng hẻo lánh xa xôi như quê tôi, có dịp để tụ hội là một biến cố, một niềm vui lớn được chờ đón với tất cả nôn nao của mọi người bất kể trẻ già lớn bé. Hôm nào nghe có tiếng trống rao hát là mọi người xôn xao bàn tán, chuẩn bị, sắp xếp cả ngày để tham dự. Hồi đó những đoàn hát rất nghèo, không có tờ chương trình để phân phát, không có loa phóng thanh để quảng cáo, chỉ có một tờ giấy nhỏ ghi tên đoàn, tuồng hát và giới thiệu một vài đào kép chủ lực dán trên thân một cái trống nhỏ. Một nhân viên quảng cáo sẽ đeo trống trước bụng, vừa đi vừa gõ nhịp ba qua các đường làng xa xôi, theo sau là cả một đoàn con nít reo hò, tán trợ.
Ðối với bọn trẻ chúng tôi, đến rạp hát còn vì sự hấp dẫn của những hàng quà vặt được bày bán trên những cái trẹt nhỏ, có ngọn đèn hột vịt chiếu sáng lờ mờ, lập loè đầy dẫy ở sân rạp hát; ở đó có những thẩu kẹo cau, những trái ổi rừng, me dốt, chà là, sim núi; những chai nước chanh đỏ xanh, những quà bánh hết sức bình thường nhưng lại vô cùng lôi cuốn và xa xỉ chỉ có được trong những dịp "trọng đại".
Chúng tôi còn đến rạp hát vì một lý do quan trọng hơn: giải quyết với nhau những mâu thuẫn mà ở trường học vì bận rộn và vì sự kiểm soát chặt chẽ của thầy cô đã không thể tự do tranh cãi được.
Bao giờ bọn tôi cũng chia làm hai phe: một bên là trẻ con làng Cảnh vân và bên kia là tất cả lực lượng còn lại của cả xã. Sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa và tế nhị: Cảnh vân là làng trù phú và văn học nhất vùng, chín mươi phần trăm dân làng thuộc một dòng họ danh tiếng: họ Trần. Trong lúc cả xã chưa có đến mười người có bằng yếu lược thì Cảnh vân đã có hai thế hệ liên tiếp hiển đạt: cụ Nghè Cảnh vân Trần Trọng Giải, quan phủ Trần Ðình Tân thuộc lớp Hán học sau cùng, rồi quan đốc Trần Ðình Phô và sau này Tiến sĩ Trần Ðình Sơn tốt nghiệp ở Pháp là những người tân học đầu tiên của cả vùng.
Ðối với các nơi khác, dân quê tôi được thơm lây vì là đồng hương của cụ Nghè, quan Phủ, nhưng trong làng xã với nhau, người Cảnh vân dành hưởng trọn cái vinh dự đó. Dưới mắt họ, dân các làng khác dường như tầm thường hơn, thấp kém hơn, ít hiểu biết hơn và trẻ con Cảnh vân cũng bị ảnh hưởng bởi cách nhìn này, họ phách lối, cao ngạo đối với các bạn đồng học và điều này đã làm cho nhóm "nhược tiểu bị áp bức" phải đoàn kết lại để vùng lên. Tự ái của tuổi nhỏ và danh dự của quê hương (hiểu theo nghĩa rất hẹp là làng xóm của mình) không cho phép các thiếu nhi Nam Tăng, Bắc Tăng, Quang Hiển chịu "nhục" và tôi, đứa bé nhất trong số trẻ con Tăng vinh nhưng nhờ có cha là địa chủ, có ruộng đất ở nhiều làng xã khác nhau, có ngôi nhà chứa được nhiều trăm đồng bào Qui nhơn thời tản cư, cháu gọi cụ Nghè bằng ông ngoại, gọi quan phủ bằng ông chú và quan đốc là cậu nên có đủ điều kiện "kinh tế và ngoại giao" để được chọn làm đầu tàu. Tôi hãnh diện nhận trách nhiệm này và đã nhiều lần vì "đồng bào tôi" mà chiến đấu tận tình với các anh em phía ngoại. Lý do để tranh cãi đôi khi rất buồn cười, ấu trĩ và thường thường có liên quan đến hát bội.
Làng tôi có một đoàn hát nhỏ, điều oái oăm là trong đoàn có hai người đóng kép chính thì một người là kép Thừa Kính ở Cảnh vân và người còn lại là kép Tư Thanh dân Tăng vinh. Ðêm nào kép Thừa Kính đóng vai chính thì chúng tôi tẩy chay và ngược lại. Trận chiến này kéo dài trong nhiều năm cho đến khi chúng tôi lớn lên, đi học ở tỉnh, đi làm, thỉnh thoảng gặp lại bạn bè cũ vẫn tranh cãi, vẫn không đồng ý được trong hai người ai hát hay hơn; nhưng những tranh cãi sau này không còn mang tính chất gay gắt, sống còn như cũ mà chỉ có vui vui khi được dịp nhắc lại những kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ của những ngày tuổi nhỏ ở quê nhà.
Phần tôi, đến rạp hát còn vì một lý do riêng tư khác. Tôi còn nhỏ, ở xa trường, nhà lại nằm bên kia sông Hà thanh nước lũ nguy hiểm nên được cho về quê ngoại đi học, mỗi tuần có người đón về nhà hai lần vào thứ năm và chủ nhật, nhưng đối với tôi như thế là quá ít. Tôi nhớ nhà, nhớ cha mẹ anh chị em, nhớ bãi cát sông với những cây rù rì, chè quế; nhớ bờ ruộng, nhớ đồi sim, nhớ chuồng bò, nhớ vũng câu cá... nhớ tất cả. Ðêm nào có hát bội tôi đến rạp rất sớm, đứng trước cổng trông ngược theo tỉnh lộ 6 về hướng Tăng vinh, vui mừng nhìn từng đoàn xe đạp rọi đèn sáng trưng đổ về phía rạp hát. Tôi nhìn mặt từng người ở cổng ra vào; những lần như thế thường thì tôi được gặp cha mẹ, anh chị em, chú bác, hàng xóm hay ít ra cũng là những người có nét quen quen. Ngay cả khi chỉ được gặp vài người quen quen thôi, tôi cũng cảm thấy được gần gũi với quê tôi hơn và an tâm nhập bọn vui chơi cùng bạn bè cho đến khi đêm hát mở màn.
Những lúc như thế, bên trong vọng ra một điệu nhạc lạ lùng lắm: nỉ non mà rộn ràng, trầm lắng mà thúc dục điểm theo những nhịp trống chầu lôi cuốn đến nỗi những người đến trễ quýnh cả lên, hấp tấp đến run tay khi nhận vé vào cửa. Vào lúc này tôi sẽ bỏ dở mọi cuộc chơi, chạy vội lại chỗ soát vé đứng chờ ông cậu, ông chú, ông anh bà chị nào đó, nắm tay đi theo họ, lách mình vào cửa và chạy vội đến dãy kệ hạng ba, an tâm ngồi coi hát. Có hôm ham chơi quá quên giờ mở màn, lúc biết ra thì đã trễ, không còn ai ra vào để đi theo, tôi đành thơ thẩn bên ngoài chờ coi " thả cửa". Ở nhà quê có lệ là đêm hát bán vé chỉ gắt gao lúc đầu, khi đã trình diễn được nửa tuồng thì người ta thường thả cửa cho mọi người vào xem như một sự chia xẻ, một chút cảm thông với những người mộ điệu nhưng khó khăn không mua được vé.
Có một lần tôi mải chơi quên giờ vào cửa, đến khi nghe bên trong có tiếng dao sắt đánh nhau rổn rảng, và tiếng ngân nga"ợ..ơ..ơ.." vang dội, hấp dẫn thì ham quá hóa liều, tôi sửa lại quần áo, vuốt tóc tai ngay thẳng, bình tĩnh tiến lại chỗ soát vé, dõng dạc xưng tên cha tôi và xin vào cửa. Ở quê hầu như ai cũng biết cha tôi nên các nhân viên trật tự đều cười thân thiện và tránh sang một bên nhường chỗ cho tôi vào rạp. Tôi rất thích thú về việc này và đến cuối tuần đem chuyện khoe với cha tôi. Cha tôi không nói gì lúc đó nhưng ông có vẻ buồn. Ðến đêm, lúc hai cha con lên nhà trên đi ngủ, cha tôi mới kêu tôi lại ngồi bên ông và nói với tôi rất nhiều; đại khái cha tôi bảo tôi đã làm một việc không phải, trong đời không bao giờ được lợi dụng những thân thế, những sự quen biết mình có để mưu tìm những thuận lợi cho riêng mình. Hồi đó tôi quá nhỏ để có thể hiểu hết mọi điều cha tôi nói nhưng những lời của ông đã theo dõi tôi suốt đời.
Thật ra, hát bội đúng nghĩa, thể hiện trọn vẹn tính quần chúng, tính dân gian chỉ có ở hát đám; trình diễn ở rạp để bán vé chỉ là một hình thức để sinh tồn gượng gạo và thảm hại. Những năm sau này, nghệ thuật phim ảnh lan rộng, cải lương miền Nam bành trướng ra Trung và phong trào tân nhạc phát triển, đối với một số người, hát bội đã trở thành một bóng mờ của dĩ vãng. Nhiều người tân học ở thành thị cho rằng hát bội đã lỗi thời, quê mùa và quá thô vụng. Thành phố Qui nhơn lần lượt có ba nhà hát lớn: Tân châu, Kim khánh và Lê Lợi, hát bội Bình định chưa bao giờ được mở màn ở các nơi sang trọng này, hoạ hoằn lắm mới có một đoàn hát lớn về trình diễn ở rạp Cọng hoà, một rạp hát nhỏ, nghèo nàn, khuất lấp, nằm trên một con đường nhỏ, tối tăm của thị xã Qui nhơn.
Trong thời đại kỹ thuật, nghệ thuật đôi khi đòi hỏi những xảo thuật và những phụ trợ của khoa học để nâng cao hấp lực. Hát bội không cần và không thể chạy theo khuynh hướng đó, nó như một thứ vàng ròng nguyên sơ, tự nó có một giá trị riêng mà mọi tô chuốt đều không cần thiết và không thích hợp, vì vậy, về hình thức, bảo hát bội lỗi thời có thể hiểu được nhưng nếu cho rằng hát bội quá quê mùa, bình dân là hoàn toàn sai. Văn chương trong tuồng hát bội vô cùng súc tích và thâm thúy. Toàn bộ tuồng tích của nó là một hệ thống tập hợp những nỗ lực lớn nhằm xây dựng một triết lý sống đầy nhân bản, hường dẫn đời sống đạo đức cá nhân và củng cố trật tự xã hội dựa trên căn bản thủy chung, trung nghĩa, chính trực, nhân ái và anh hùng.
Tuồng hát bội không nhiều, đa số được soạn lại từ những tinh lọc trong các tác phẩm nổi tiếng của Trung hoa như Tam quốc chí, Hán Sở tranh hùng, Thuyết Ðường... Soạn giả đã chọn lọc, sắp xếp và giới thiệu những nhân vật tiêu biểu, những tình huống, sự kiện nhiều ý nghĩa để tạo cho vở tuồng vừa lâm ly, cảm động, vừa mang rõ tính phê phán, hướng dẫn và giáo dục, phù hợp với luân lý và đạo đức Ðông phương. Nhân vật hát bội thường nằm trong hai phản diện: thiện và ác, trung và nịnh. Người hiền thường chịu gian nan, truân chuyên, chìm nổi và kẻ ác đắc thời vênh váo đến ứa gan nhưng kết cuộc bao giờ thiện cũng thắng ác, chính nghĩa diệt gian tà.
Khán giả hát bội đa số đều thuộc tuồng, họ nhớ từng câu nói, từng biến cố trong cuộc đời của Tiết Ðinh San, Phàn Lê Huê, Thoại Ba công chúa, Hoàng phủ Thiếu Hoa, Tạ Ôn Ðình... Họ đến rạp hát hàng trăm lần không phải để tìm những nét mới lạ trong tuồng tích mà chỉ cốt xem các nghệ sĩ thể hiện lại những mẫu đời của các nhân vật họ ưa thích.
Hát bội rất khó, nó đòi hỏi người nghệ sĩ một lòng yêu nghề cao độ, một sự kiên tâm học tập, rèn luyện cực nhọc và bền bỉ. Người nghệ sĩ phải tài hoa và lão luyện đủ để có thể vừa hát vừa diễn tả những điệu bộ phức tạp nhuần nhuyễn và nhịp nhàng. Họ phải dùng hơi sức rất nhiều vì hát bội xưa không có hệ thống khuyếch đại âm thanh, hát thế nào để hàng ngàn khán giả có thể nghe được không phải là chuyện dễ dàng. Bộ điệu cũng là một yếu tố quan trọng, giữ phần cốt yếu cho sự thành bại của vở hát. Nhân vật hát bội rất đa dạng, tình tiết của hát bội rất phong phú và uyển chuyển; qua điệu bộ, diễn viên phải diễn xuất thế nào để lột tả được lòng trung thành, tính nịnh bợ, vẻ đoan chính, nét lẳng lơ...
Người nghiên cứu, chuyển hóa từ lối hát cổ Trung hoa sang hát bội Bình định là cụ Ðào Tấn, còn được gọi là cụ Ðào Vinh Thạnh. Cụ là một nhà nho uyên bác và hiển đạt nhưng rất say mê và đã dồn nhiều tâm lực cho việc xây dựng nghệ thuật hát bội. Ngày nay chúng ta trân trọng và biết ơn cụ Ðào Tấn về những đóng góp lớn lao của cụ cho văn hóa dân tộc nhưng vào thời đó, không phải ai cũng đồng lòng và ủng hộ cụ.
Có một giai thoại vui, nhiều người biết có liên quan đến ông thầy của ngành hát bội: Khi ông Ðào Thuyên (con cụ Ðào Tấn) được bổ làm quan đến trị nhậm một huyện ở Quảng ngãi thì nhiều nhà nho thủ cựu, còn mang nặng quan niệm "xướng ca vô loài" tỏ ý không phục. Một sáng nọ, trước cổng huyện đường của ông Ðào, ngay ở cổng ra vào có đôi chữ viết, một bên là "hát hay" bên kia là "học dở". Nha lại thấy được định xóa đi vì sợ quan huyện buồn nhưng chưa kịp làm thì Ðào Vĩnh Tuyên biết được, ông bình tĩnh sai người lấy bút nghiên và viết thêm vào các chữ có sẵn thành đôi câu đối:
Hát hay vốn kép Qui nhơn thật
Học dở làm quan Quảng ngãi chơi
Ðức độ, tài năng cũng như những giá trị đích thực về những đóng góp của cụ Ðào Tấn đã lần hồi thuyết phục được tất cả những ai vốn không có nhiều thiện cảm với cụ.
Tuồng hát bội không chỉ lấy từ những chuyện Tàu, cụ Ưng bình Thúc Dạ Thị đã dựa theo tác phẩm Le Cid của Corneille soạn thành vở tuồng Lộ Ðịch. Những chi tiết về sự tôn trọng danh dự, lòng hiếu thảo và tình yêu éo le của hai nhân vật chính đã làm say mê biết bao khán giả hát bội, thành một bài học lớn cho thanh niên nam nữ. Khán giả cảm thấy gần gũi, chia xẻ những uẩn khúc, thương cảm sâu xa trước số phận éo le của hai người. Phần kết của chuyện được sửa chữa lại, nhân vật nữ bỏ đi tu cho trọn hiếu tình, hợp với đạo đức Ðông phương.
Hát bội đích thực không mang tính chất trình diễn sân khấu tại các rạp hát mà có hình thức lễ hội dân gian, gọi là hát lễ hay hát đám, thường diễn vào các dịp lễ tết, hội hè, tế tự của một làng, một ngành hay một họ. Buổi hát thường kéo dài trong ba ngày đêm, được hiểu như để tạ ơn hay cầu phước. Ðây là một dịp vui chung và cũng là một công tác chung mà mọi người cùng góp phần tham gia tổ chức. Các chức sắc, nhân sĩ, bô lão trách nhiệm nghi thức tế lễ, dân đinh lo việc dựng rạp, mổ heo gà, nấu nướng, phục dịch. Rạp thường được dựng trước sân đình, dưới những tàn cây lớn, sân khấu treo đèn kết hoa, chung quanh cắm đầy cờ lễ, treo nghi trượng, bày binh khí uy nghi và rực rỡ. Phần trình diễn do nhiều đoàn hát góp sức để bảo đảm cho buổi hát liên tục suốt nhiều ngày đêm không gián đoạn. Khán giả từ nhiều làng xã khác nhau kéo đến, mang theo cơm nước để có thể theo dõi toàn bộ chương trình. Hát đám không phải lúc nào cũng có nên một khi được tổ chức là cả một ngày hội lớn cho cả vùng. Ông già bà lão bồng dắc con cháu đến xem tuồng; trai thanh gái lịch đến vì những lý do riêng tư của tuổi trẻ, trong đó có cả hy vọng về một cơ duyên gặp gỡ, quen biết với bạn lòng.
Hát lễ có hai loại tuồng, một để giải trí và một để tế lễ, chúc phúc. Loại tuồng thứ hai thường là những vở có Quan Vân Trường, một nhân vật thời Tam quốc vốn được coi là một vị thánh chính trực, chí nhân, chí đức và hết sức hiển linh, có thể phò trợ lương dân và trấn trừ ma qủy. Kép đóng vai Quan Thánh được chọn lựa kỹ và phải chay tịnh nhiều ngày trước khi sắm vai. Quan Vân Trường được hóa trang mặt đỏ, râu ba chòm, mắt luôn luôn nhìn thẳng, không chớp, tư cách đoan trang, chững chạc.
Hát bội được diễn theo nhịp nhạc riêng cho từng loại hát do ban nhạc của đoàn phụ trách; ngoài ra còn có tiếng trống chầu do khán giả đánh để điểm nhịp, thúc dục hay khen thưởng. Thủ trống chầu là một vinh dự lớn cho người được mời; thường việc này được dành cho các quan chức ở xa về thăm quê hương, các chức sắc, thân hào nhân sĩ, các khách danh dự của đêm hát. Trống chầu có hai chiếc tả và hữu đặt hai bên sát sân khấu, người đánh trống ngồi phía khán giả hướng lên sân khấu. Trước khi buổi hát mở màn, ban tổ chức sẽ tùy vào số người hiện diện, chọn ra hai người danh giá được số đông thừa nhận và nể trọng nhất để trao dùi trống và mời họ vào ghế điểm chầu. Bên cạnh nơi đặt trống thường có kê một cái bàn nhỏ, trên để một cái khay cẩn xà cừ đựng những thẻ ngà hay thẻ tre có hình dáng và độ lớn nhỏ khác nhau, mỗi loại thẻ tượng trưng cho một số tiền. Người cầm chầu sẽ tùy vào tài năng của diễn viên mà đánh trống và bốc thẻ ném lên sân khấu để tưởng thưởng gọi là thướng. Ðoàn hát sẽ gom các thẻ này để sau buổi hát, nhận một số tiền tương ứng từ người chủ thầu. Trường hợp nghệ sĩ diễn xuất quá lôi cuốn, xuất sắc, người cầm chầu có thể thảy nguyên cả khay lên sân khấu để tán thưởng, gọi là hát hay "đổ khay".
Ðánh chầu là cả một nghệ thuật, người cầm chầu phải biết khen chê đúng chỗ, đúng lúc và phải luôn luôn tỏ ra hào sảng. Ðánh sai hay thưởng ít đều có thể bị chê trách, đôi khi còn bị các diễn viên hài hước châm biếm, diễu cợt ngay trên sân khấu.
Vào những năm 1954-1955 có hai lớp diễn viên hát bội: Thứ nhất là những nghệ sĩ đã thành danh, đã nổi tiếng từ thời tiền kháng chiến, họ đã tạm giải nghệ dưới thời Việt minh và bây giờ hoạt động trở lại. Tiêu biểu cho lớp này là những nghệ sĩ tài hoa và lão luyện như kép Cửu Vị (người đóng vai Tiết Cương xuất sắc đến mức nghe nói được vua Tự Ðức phong cho hàm cửu phẩm ngay trong đêm hát), đào Ngọc Cầm (nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn, đã làm rung động trái tim của biết bao các Tổng đốc, Tuần vũ cũng như làm say mê lớp lớp khán giả, có khả năng đảm nhận mọi vai trò, kể cả đóng kép, đặc biệt là vai Mạnh Lệ Quân), Long Trọng, Hoàng Chinh, Tư Cá... Thứ hai là lớp nghệ sĩ trẻ mới vào nghề sau thời gian tiếp thu Bình định, họ đa phần là người làng, con cháu, học trò của thế hệ nghệ sĩ lừng danh lớp trước. Nhiều người trong số này cũng đã trở thành nghệ sĩ lớn như Tư Can, Ngọc Sâm, Tuyết Phong...
Năm 1971, phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của cụ Mai Thọ Truyền, với nỗ lực của nghệ sĩ Ðinh Bằng Phi và nhiều người nhiệt tâm khác, đã tổ chức hai đêm hát bội tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ do đoàn hát bội Bình định và đoàn hát Nam bộ trình diễn mỗi đoàn một đêm cùng một vở Mạnh Lệ Quân thoát hài. Mục đích của các đêm diễn này là để nghiên cứu những nét đặc biệt về hát bội của hai miền. Tôi lúc ấy đã lớn, đã đi học xa nhà nhiều năm, đã đi lính và ít còn có dịp coi hát bội Bình định. Tôi theo dõi cả hai đêm hát và cố gắng nhận định bằng cái nhìn bình tĩnh của người trưởng thành. Ðoàn hát bội Bình định nghèo lắm, trang phục và phông màn cũ kỹ, thiếu thốn nhiều lần hơn đoàn bạn, nhưng tôi vẫn thấy dường như hát bội Bình định có một chút gì đậm đà hơn, sâu sắc, linh động và dễ cảm hơn. Ðiều nhận xét của tôi có thể sai; tôi không đủ hiểu biết và lý luận chuyên môn, chỉ phát biểu hoàn toàn theo cảm nhận chủ quan, nhưng điều ấy không có gì quan trọng. Tôi chỉ biết chắc chắn một điều là tôi đã thực sự xúc động, thực sự yêu mến những nghệ sĩ chân chính và khốn khó của quê tôi.
Sáng hôm sau đêm trình diễn, tôi tìm đến thăm các nghệ sĩ Bình định. Họ được mời đến thủ đô dưới sự bảo trợ của hội Khổng học Bình định. Chỗ họ ở là lầu ba một căn nhà ở đường Ðỗ Quang Ðẩu, nhà của một Mạnh Thường Quân người Bình định. Tôi không biết ngân khoản dành cho đoàn thế nào nhưng nhìn vào thực cảnh thì quả đáng buồn. Mọi người nằm chen chúc la liệt dưới sàn gạch và phải tự lo liệu bữa ăn cho mình.
Lần đầu tiên được gặp, được tận mắt nhìn thấy, nói chuyện với những nghệ sĩ lừng danh mà từ trước tôi chỉ được nghe tiếng và nhìn thấy trên sân khấu, tôi rất cảm động và buồn. Những nghệ sĩ này phần lớn đều đã lớn tuổi, dưới ánh sáng ban ngày không hóa trang, tất cả đều có vẻ mệt mỏi xanh xao. Mỹ phẩm hoá trang xấu sử dụng lâu ngày đã tàn phá rất nhiều nét tươi nhuận của làn da và giọng nói của đa số nghệ sĩ đều khào khào, yếu ớt, thiếu trong trẻo. Có một điều giống nhau là tất cả đều tha thiết với nghề nghiệp, thể hiện trong cách nói của mọi người. Những nghệ sĩ này gặp nhiều khó khăn trong đời sống, họ biết nghệ thuật hát bội đã dừng lại, đã đi xuống, đã mờ nhạt trong sinh hoạt nghệ thuật nhưng tất cả đều hài lòng, thoả mãn với lựa chọn của mình, với con đường mình đã theo đuổi và sẽ tiếp tục.
Phần tôi, chinh chiến đã đẩy tôi xa khỏi quê hương và đôi khi tưởng như đã quên hẳn môn hát bội. Rồi thảm kịch 1975 xảy ra, tôi bị tù đày, lưu lạc cho đến gần mười năm sau mới về lại Bình định. Tôi được biết chính quyền mới có thành lập một cái gọi là "nhà hát tuồng Ðào Tấn". Người phụ trách nhà hát là một nghệ sĩ nhân dân kiêm đại biểu Quốc hội. Nhiều tuồng hát thời đại ca ngợi anh hùng chống Mỹ, anh hùng lao động được soan ra. Người ta ồn ào tô vẽ, quảng cáo cho chính sách bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật cổ truyền: Hát bội Bình định. Buồn thay, giống như sách báo, phim ảnh, ca nhạc, giống như mọi sinh hoạt văn học nghệ thuật khác, khi chính quyền đã để mắt đến hát bội, nỗ lực sử dụng nó vào mục đích tuyên truyền phục vụ chế độ thì cũng là lúc đã bức tử nó. Hát bội Bình định đã chết.
Vĩnh biệt hay chỉ tạm biệt với hát bội để hẹn một ngày gặp lại vui hơn? Tôi thường tự hỏi và cũng luôn hy vọng.
Nguyễn Gia Hiếu
Ðặc san QUANG TRUNG - TÂY SƠN Xuân Kỷ Mão 1999