TẢN MẠN
VỀ
TÂY SƠN - BÌNH ÐỊNH
BÙI THÚC KHÁN
Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Phú phong, nơi có sở dệt tân tiến Delignon nổi danh tận Pháp quốc, tôi xin được tự nhận là con dân Tây sơn - Bình định. Tình cảm của tôi đối với quê hương cũng thăng trầm như sự thăng trầm của quê hương mình.
Theo thời gian, nhiều ít đậm nhạt khác nhau, trong tôi thường có sự suy tưởng cảm kích (không dám nói là tự hào) về cái "hùng tâm dũng khí", về "địa linh nhân kiệt" của Tây sơn Bình định. Ðây là nơi phát tích của các anh hùng dân tộc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, rồi đến Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ và sau này là Ðoàn Ðức Thoan, Nguyễn Hữu Lộc, Võ Minh Vinh, Ðoàn Thế Khuyến, Hà Huy Thao..., với bao nhiêu liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tự do vừa qua.
Bên đó, thú thật, có đôi lúc tôi lại lởn vởn chút mặc cảm u buồn, chút bàng hoàng ngao ngán về tâm địa, về sự đối xử trong quá khứ giữa người Bình định với nhau - gay gắt quyết liệt giữa những người khác chiến tuyến đã đành, mà nhiều khi chỉ vì chút danh lợi nhất thời đã có sự phũ phàng với cả bạn đồng hành. Có phải đây là mặt trái của một tấm huy chương? Dầu sao tôi vẫn yêu mến quê hương và yêu mến thiết tha hơn khi mình phải rời bỏ quê hương tìm sống nơi đất khách quê người.
Quê hương chúng ta là một tỉnh duyên hải trù phú của miền trung Trung phần Việt nam, nằm trên dưới vĩ tuyến 14. Phía bắc giáp tỉnh Quảng ngãi với đèo Bình đê. Phía nam giáp tỉnh Phú yên với đèo Cù mông. Phía đông là biển. Phía tây ngăn cách với tỉnh Gia lai (Pleiku) bởi rừng rậm và đèo cao (có khi là đèo An khê tức đèo Ngang, có khi là đèo Mang Yang do vùng An khê thuộc tỉnh Gia lai hoặc tỉnh Bình định). Tỉnh ta có biển sâu, có núi cao, có sông dài. Quốc lộ 1 chạy theo chiều nam bắc từ đèo Cù mông đến đèo Bình đê. Quốc lộ 19 từ cầu Bà Gi đến Pleiku. địa thế vừa hùng vĩ vừa hiểm hóc, có cái thế "long bàng hổ cú", Bình định là đất dụng binh tiến thủ lợi hại của ngày xưa. Có người khái quát về Bình định bằng mấy câu:
Ba dòng sông chảy
Mấy dãy non cao
Biển đông sóng vỗ dạt dào
Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh!
Ba dòng sông lớn là: sông Côn chảy qua các huyện Bình khê, An nhơn, Tuy phước đổ vào đầm Thị nại; sông Lại giang chảy qua các huyện Hoài ân, Hoài nhơn đổ về biển đông, và sông La tinh chảy giữa hai huyện Phù mỹ , Phù cát đổ về cửa Ðề Gi.
Những dãy núi nổi tiếng ở Bình định là:
-Dãy Tây sơn, dãy Sọc Kính (Lộc Ðổng) và Hoành sơn ở huyện Bình khê. Trong dãy Tây sơn và Hoành sơn có những địa danh lưu dấu tích của ba vua Tây Sơn, còn Lộc Ðổng là nơi anh hùng Mai Xuân Thưởng lập căn cứ chống Pháp:
Ngó vô Linh Ðổng mây mờ
Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ khởi binh
- Ở huyện Phù cát có núi Bà (Bà Sơn), hình thể hoành tráng hiên ngang, ôm ấp mối tình chung thủy của người vợ trông chồng - hòn Vọng phu:
Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ
Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi
Nước vướng tình sâu chảy lững lờ.
Ở đây còn có chùa Linh phong ghi tạc câu chuyện ly kỳ của nhà sư tục gọi là ông Núi, câu chuyện huyền hoặc nhưng chưa đựng nhiều chất thơ và chất đạo...
- Phía bắc Bình định có hòn Tổng Dinh ở Hoài ân, còn treo gương anh dũng của nhà cách mạng tiền bối Tăng Bạt Hổ. Ngoài ra còn nhiều ngọn núi nhỏ mang những sự tích và huyền thoại kỳ thú.
Bình định vốn là đất cũ của Chiêm thành, dấu tích rõ rệt là thành Ðồ bàn và các tháp cổ. Thành Ðồ Bàn nằm trong phạm vi thôn Nam tân, xã Nhơn hậu, quận An nhơn, bị hoang phế từ lâu, chỉ còn lại các bờ thành đắp bằng đất hoặc xây bằng đá ong, sụp lở chỗ thấp chỗ cao. Gần đó là "tháp Cánh Tiên riêng đứng dãi dầu" cùng chung cảnh ngộ với đền thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu: lạnh lẽo, hoang tàn, sụt sùi trong nắng mưa, sương gió.
Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên
Cảm thương ông Hậu thủ thiềng ba năm.
Có lẽ nhờ lòng người cảm thương ông Hậu quân Võ Tánh thủ thành ba năm mà tháp Cánh Tiên được nhắc nhở trong câu ca dao trên, trở thành câu hát ru của dân gian Bình định ở ba vùng An nhơn, Bình khê, Tuy phước. Nhiều người Bình định chắc còn nhớ câu đối nổi tiếng ở lăng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu:
Quốc sĩ vô song - song quốc sĩ
Trung thần bất nhị - nhị trung thần
Ngoài tháp Cánh Tiên, Bình định còn nhiều ngọn tháp kỳ vĩ khác như:
- Tháp Dương long (3 ngọn tháp) và tháp Thủ thiện ở huyện Bình khê.
- Tháp Bánh Ít ở Phước hiệp, Tuy phước bần cầu Bà Gi, gần tu viện Nguyên Thiều.
- Tháp Ðôi ở Qui nhơn, gần cầu Ðôi.
- Tháp Tri thiện ở Phước quang, Tuy phước.
- Và một ngọn tháp mồ côi ở quận Phù cát, trên đường đi về hướng núi Bà, ở phía ngoài Bá canh, An nhơn.
Kể cũng lạ là các quận ở phía bắc không có một ngọn tháp Hời nào. Và những ngọn tháp kể trên, ngoài tháp Cánh Tiên, không thấy "đi vào lòng người"; không có những câu ca, câu thơ nhắc nhở đến tháp. Mãi gần đây, thật gần đây, mới nghe những câu ca dao "tân thời", chẳng hạn:
Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Gi
Người vào Nam kẻ ra Bắc ai cũng đi con đường nàyTháp Ðôi đứng cạnh cầu Ðôi
Vật vô tri còn có đôi lứa huống chi tôi với nườngVững vàng tháp cổ ai xây
Bên kia Thủ thiện, bên này Dương long...
Dưới thời Hậu Lê (giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh) Bình định có hai huyện là Tuy viễn và Phù ly. Huyện Tuy viễn trông coi các quản hạt: An nhơn, Tuy phước, Bình khê. Huyện Phù ly: Phù cát, Phù mỹ, Hoài nhơn, Hoài ân. Cơ quan đầu não đóng ở thành Qui nhơn (cạnh Ðồ bàn). Dưới thời Tây Sơn, vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc đóng đô ở đây tức Trung ương Hoàng đế thành, dân gian gọi là Ðế Kinh.
Chiều chiều mây phủ Ðế Kinh
Ếch kêu giếng lạn thảm tình đôi ta...
Sau này dưới triều Nguyễn, thành được xây dựng vững chắc, bề thế và mang tên thành Bình định (nằm trong xã Nhơn hưng, quận An nhơn). Khoảng thập niên 1930, cơ quan tỉnh của Nam triều được dời về thành phố biển Qui nhơn cho gần với dinh Công sứ của Pháp.
Dưới triều Nguyễn, tỉnh Bình định có các phủ Hoài nhơn, An nhơn, Tuy phước và các huyện Phù mỹ, Phù cát, Hoài ân, Bình khê (năm 1944 huyện Phù mỹ đổi ra phủ). Sau năm 1945 không còn gọi là phủ mà gọi chung là huyện. Mỗi huyện trong các năm 1947-1948 có các cuộc sát nhập các làng nhỏ thành một xã vừa, và đến năm 1949 thì hai hay ba xã vừa sát nhập thành một xã lớn. Người ta dùng một chữ của tên huyện kèm theo một chữ khác để đặt tên cho xã mới. Các xã của Hoài nhơn là: Hoài đức, Hoài mỹ, Hoài vương, Hoài thanh... (ngoại lệ là Bồng sơn và Tam quan). Các xã của Hoài ân: Ân phong, Ân tín, Ân tường... Huyện Phù mỹ: Mỹ quang, Mỹ trinh, Mỹ an, Mỹ thọ... Huyện Phù cát: Cát trinh, Cát tài, Cát hanh, Cát sơn... Huyện Tuy phước: Phước nghĩa, Phước lộc, Phước quang, Phước hậu... Huyện An nhơn: Nhơn hưng, Nhơn hậu, Nhơn an, Nhơn hạnh... (ngoại lệ là xã Ðập Ðá). Huyện Bình khê: Bình phú, Bình nghi, Bình tường, Bình giang, Bình quang, Bình thành, Bình hòa, Bình an, Bình tân, Bình thuận.
Sau tháng 5 năm 1955 tỉnh Bình định vẫn giữ nguyên các huyện và xã như trước, chỉ có đổi huyện thành quận, và đến năm 1961 đổi thôn thành ấp (khi có quốc sách Ấp chiến lược).
Từ năm 1957 tỉnh Bình định thành lập các Nha Phái viên Hành chánh trông coi các xã miền Thượng: Nha Hành chánh Vĩnh thạnh, nha Hành chánh Vân canh và nha Hành chánh An lão. Ðến năm 1961-1962, mỗi nha Hành chánh trên lại trông coi một, hai xã kinh của quận lân cận và được đổi thành các quận Vĩnh thạnh, Vân canh, An lão. Từ năm 1965 về sau, do tình hình chiến sự ác liệt, các quận trên không còn nữa và sát nhập vào các quận kế cận.
Năm 1960, vùng An khê, huyện Tân an tỉnh Pleiku được đặt thống thuộc tỉnh Bình định với tên mới là quận An túc. Công việc hành chánh, trị an được điều hành tương tự những quận khác của Bình định.
Năm 1970, quận Tam quan được thành lập, lãnh thổ gồm các xã Tam quan, Ðức hựu, Hoài thanh mang tính chất một địa bàn quân sự tạm thời hơn là một quản hạt có ý nghĩa chính trị, lịch sử.
Từ tháng 5-1955 thành phố Qui nhơn mang tên là xã Qui nhơn trực thuộc toà Hành chánh tỉnh. Năm 1972 thị xã Qui nhơn được chính thức thành lập, lãnh thổ gồm xã Qui nhơn cũ và các xã lân cận nguyên của quận Tuy phước là Phước hậu, Phước lý, Phước hải, Phước tấn. Thị xã Qui nhơn gồm hai quận Nhơn bình và Nhơn định với 16 (?) phường trực thuộc, phường nào cũng mang chữ Trung: Trung chánh, Trung đức, Trung từ v.v... Việc đặt tên phường này thực ra chưa thỏa đáng lắm, nhiều tên hay nhưng cũng có tên bị gán ghép gò bó như Trung cảng. Tất cả đã là quá khứ và chìm vào quên lãng! Tưởng cũng nên nhắc lại xã Phước tấn nói trên là nơi có bệnh viện Qui hòa và phía ngoài trên một ngọn đồi của Gành Ráng là mộ Hàn Mặc Tử.
Sau tháng 4-1975 tỉnh Bình định cùng với tỉnh Quảng ngãi sát nhập làm một, mang tên tỉnh Nghĩa bình! Mãi đến 1991 hai tỉnh lại tách ra và mỗi tỉnh lại trở về với tên cũ của mình. Các huyện, xã của tỉnh Bình định cũng có nhiều thay đổi, nhất là ở cấp xã, thôn. Huyện Bình khê đổi thành huyện Tây sơn. Riêng quận An túc từ tháng 4-1975 trở lại với tên huyện Tân an và trực thuộc tỉnh Gia lai.
Tôi muốn tách riêng để nói đôi điều về Tây Sơn.
Ðây là nơi phát tích của Ba vua Tây Sơn mà lẫy lừng nhất là Quang Trung hoàng đế. Ðất Tây sơn chạy dài từ thôn Phú lạc, xã Bình thành đến tận suối Bèo, thôn Trường định, xã Bình hòa, quận Bình khê. Ba anh em nhà Tây Sơn thuở nhỏ theo thân phụ là Nguyễn Phi Phúc đến cư ngụ tại làng Phú lạc rồi sau di chuyển đến làng Kiên mỹ, dọc theo bờ bắc sông Côn. Trên vùng này còn các di tích của ba anh em Tây Sơn: vườn Dinh nơi xưa kia là nền nhà của gia đình Nguyễn Phi Phúc. Bến Trường Trầu là nơi mà thuở nhỏ ba anh em Tây Sơn dùng thuyền nan phụ giúp thân sinh giao lưu buôn bán với thương lái thượng du. Ðình Kiên mỹ bên ngoài là thờ thần nhưng bên trong âm thầm thờ cúng Ba vua Tây Sơn. Ðịa điểm mà năm 1960 nhân dân địa phương xây điện Tây Sơn cũng là di tích cũ nơi có đền thờ Ba vua Tây Sơn xây cất khiêm tốn theo kiểu xưa, náu mình dưới bóng một cây me cổ thụ mà hàng năm vào ngày Rằm tháng 11 âm lịch dân chúng địa phương mang lễ vật, quà bánh đến cúng kính. Vì thời cuộc và trải qua thời gian dài mưa nắng đền thờ nhỏ hẹp này bị sụp đổ chỉ còn lại cái nền nhà, một giếng nước xây bằng đá ong và cây me già cỗi. Xa xa phía sau điện là gò Ðá Ðen, nơi nghĩa binh Tây Sơn thao luyện quân sĩ để mưu đồ nghiêïp lớn. Trên dãy Hoành sơn ở phía bờ nam sông Côn (xã Bình tường) tương truyền có ngôi mộ thân phụ Ba vua Tây Sơn, và cũng là nơi ngày trước Nguyễn Nhạc đã nhận ấn kiếm do Trời ban cho để dựng đế nghiệp.
Ðất Tây Sơn với địa giới nói trên có người bảo đó là Tây Sơn hạ. Còn Tây Sơn thượng nằm trong lãnh địa quận An khê, phía làng Thương an dưới chân đèo An khê, nơi có núi ông Bình là vùng căn cứ của nhà Tây Sơn ẩn tập để chiêu hiền đãi sĩ, mãi mã chiêu binh mưu đồ đại sự. Buổi ban đầu nghĩa binh phần lớn là người Thượng, lực lượng cung nỏ thiện chiến quan trọng và đắc lực sau này.
Theo thiển ý, đừng nên phân chia thượng hạ làm gì. Có thể hiểu đất Tây Sơn bao trùm cả lãnh thổ huyện Bình khê, khởi đầu từ Phú lạc đến Trường định và phía bắc sông Côn, sau mở rộng sang phía nam từ Hoành sơn đến Thủ thiện, lấy vùng đèo An khê làm mật khu hậu cứ. Từ đó thanh thế nhà Tây Sơn lớn mạnh khắp Bình định và lẫy lừng cả nước qua các cuộc bắc phạt nam chinh. Bởi vậy có thể gọi đất Bình khê là... đất Tây Sơn không có gì là sai lầm (Dù vậy bây giờ đổi tên huyện Bình khê thành huyện Tây sơn lại là chuyện khác, không phải ai cũng tán đồng - Lý do xác đáng có nhiều nhưng là chuyện sẽ bàn ở mai sau).
Ðiện Tây Sơn được trùng tu năm 1960 theo ý kiến của thân hào nhân sĩ địa phương và sự chủ xướng của ông Hoàng Ðình Giang là quận trưởng Bình Khê lúc bấy giờ. Ðiện xây dựng trên đền thờ cũ ở thôn Kiên mỹ, xã Bình thành. Gian giữa thờ vua Quang Trung. Gian bên tả thờ hai vua Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và gian bên hữu thờ tướng tá bộ thuộc. Hai bên cửa vào điện có câu đối:
Tây Khê thảo thụ lưu kỳ tích
Nam quốc sơn hà ký võ công
Ở trước sân điện có dựng bia khắc bài văn kể sự tích và công đức nhà Tây Sơn, nổi bật là Quang Trung Hoàng đế. Bài văn bia do nhà thơ Quách Tấn phụng thảo. Nghe nói sau 30-4-1975 bia này đã bị trát xi măng lên. (Hồi ký của ông Nguyễn Hiến Lê có nói đến việc này)
Từ 1960 đến 1975 hàng năm vào ngày Tết Nguyên đán, quận Bình khê tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng Ðống Ða rất trọng thể. Chiều hôm trước lễ tế được cử hành tại điện theo nghi thức cổ truyền. Sáng hôm sau quần chúng tập họp rất đông đảo trước sân điện và cả xung quanh để dự lễ theo hình thức mới, nghe nhắc nhở lịch sử và ý nghĩa chiến thắng Ðống Ða... Có năm tổ chúc qui mô lớn, có diễn lại trận Ðống Ða, diễn hành bộ binh và biểu diễn không quân.
Cũng trong tinh thần tưởng nhớ công đức tiền nhân, năm 1962 quận Bình khê đã xây lăng mộ nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng, nguyên soái lãnh đạo lực lượng Cần vương Nam Ngãi Bình Phú chống lại cuộc đô hộ của quân Pháp dưới thời vua Hàm Nghi. Anh hùng Mai Xuân Thưởng là người thôn Phú lạc, Tây sơn, sau khi tuẫn quốc được mai táng tại núi Phú lạc. Tháng 4-1962 phần mộ được cải táng đưa về an vị tại lăng thờ, xây dựng trên đồi núi dưới chân dãy Hoành sơn cạnh quốc lộ 19. Hàng năm nhân dân địa phương khói hương chiêm bái.
Về chuyện Tây Sơn, có truyền thuyết là một thầy địa lý người Tàu thấy nhà Tây Sơn hưng thịnh quá nên bày kế đào nối hai dòng sông ở Bình khê, bên ngoài là để cho việc giao thông đường thủy thuận lợi, nhưng bên trong là làm cho "long mạch" bị đứt để nhà Tây Sơn sớm đổ. Chuyện "đứt long mạch" không chắc có, còn chuyện đào nối hai dòng sông là thực, chứng tích còn đó. Số là, dòng sông Cái - tức sông Côn - từ phía tây chảy xuống khi đến địa phận Cây Muồng (địa điền thôn Phú lạc) thì rẽ về hướng bắc, chảy sau lưng xóm Chơn tự rồi mới chảy vòng lại phía đầu thôn Kiên mỹ và xuôi dòng như hiện nay. Còn sông Con - tức sông Ðá Hàng - từ phía nam (vùng núi Lộc đổng) chảy ra, khi đến ngang đầu thôn Hạnh lâm (Bình tường) thì rẽ về hướng đông đi ngang qua vùng Bà Bờ lặng chảy dài đến suối Ðồng Sim (Bình phú) đổ ra sông Cái. Theo các dòng chảy này thì thời đó từ làng Phú phong sang làng Trinh tường không có qua sông và xóm Chơn tự là giải đất liền của làng Trinh tường.
Thầy địa lý Tàu xúi đào con sông Cái chạy thẳng từ Cây Muồng cắt mặt xóm Chơn tự chảy đến địa đầu thôn Kiên mỹ, thẳng dòng về đông. Còn sông Ðá Hàng thì đào cho nước chảy thẳng theo hướng nam bắc nối với dòng sông Cái mới đào chỗ đầu thôn Kiên mỹ. Từ đó, Phú phong sang Trinh tường phải qua sông: thời Pháp thuộc có bắc cầu bê tông kiên cố, tục gọi là cầu Phú phong nằm trên quốc lộ 19. Xóm Chơn tự bỏ nằm bên bờ bắc sông Côn, mặt sau liên địa với thôn Phú lạc nhưng mặt trước bị sông chia cắt khỏi làng cũ là Trinh tường. Dù vậy xóm Chơn tự vẫn thuộc làng Trinh tường tuy qua lại đò giang cách trở. Mãi cho đến sau năm 1945 xóm Chơn tự mới nhập vào thôn Phú lạc, thuộc xã Bình thành.
Trên hai đoạn mà các dòng sông Cái, sông Con bị ngăn chặn, qua thời gian dài đã được bồi lấp thành ruộng, thành soi, còn chỗ sâu thì thành những cái bàu, nước quanh năm không cạn. Ðó là bàu Sen ở Phú lạc, bàu Bờ lặng trên và bàu Bờ lặng dưới ở Phú phong. Ở các bàu này ngày trước người ta tìm thấy những đoạn dây neo cũ kỹ, chứng tỏ xưa có ghe thuyền qua lại.Trước nay chưa có ai bỏ công nghiên cứu, tìm hiểu việc đào nối các dòng sông nói trên để đưa ra những chứng tích địa lý và lịch sử lý thú, xác minh sự kiện một cách khách quan.
Một chuyện khác về huyện Bình khê.
Trước năm 1975 các viên tri huyện Bình khê có ý chê trách dân Bình khê ưa kiện tụng lẫn nhau (tranh giành hương chức) và bảo là "Bình Khê thất thuận". Sự thực thì huyện Bình khê có 7 làng mang chữ Thuận ở trước nên gọi là thất Thuận. Chữ Thất là 7 đồng âm với chữ Thất là mất, nên theo lối chơi chữ gọi là Bình khê thất thuận là Bình khê mất sự thuân hòa xảy ra tệ điêu tụng. Bảy làng mang tên Thuận là: Thuận Hạnh, Thuận Nhất, Thuận Truyền (Bình thuận), Thuận Ninh, Thuận An, Thuận Hòa (Bình tân) và Thuận Nghĩa (Bình thành). Ngày trước lớp cựu hương lý (nay qua đời hết) hay nhắc đến chuyện này, chứ lớp trẻ chẳng ai biết hay không biết bảy làng mang chữ Thuận nói trên là những làng nào?
Bây giờ xin trở lại vào chuyện khác của Bình định.
Bình định cũng là đất "văn vật", ngày trước cũng nổi tiếng về văn học, nghệ thuật. Có nhiều bậc danh nhân, đại thần, khoa bảng ngày xưa mà tên tuổi chưa phai mờ trong ký ức người Bình định.
Kể từ khi có địa danh Bình định tức là khi chúa Nguyễn mở mang phía Nam thì Ðào Duy Từ được biết đến như một Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc bên Tàu. Ông được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng phong tước Lộc Khê hầu, giúp chúa Nguyễn tạo dựng cơ đồ vững chãi. Vốn là người Thanh hóa có tài nhưng vì là con nhà xướng ca không được đi thi, ông phẫn uất bỏ vào miền Nam lập nghiệp. Ông đến phủ Hoài nhơn tá túc nhà một phú nông ở làng Tùng châu - Bồng sơn. Quan Khâm lý Trần Ðức Hòa biết là bậc hiền tài tiến cử lên chúa Nguyễn. Tên tuổi và sự nghiệp của Ðào Duy Từ gắn liền với Bình định.
- Ðặng Ðức Siêu người Bồng sơn, đại thần dưới triều Gia Long, tác giả bài văn tế Võ Tánh - Ngô Tùng Châu.
- Ðào Tấn người huyện Tuy phước làm quan dưới triều Tự Ðức, là người biệt tài về nghệ thuật hát tuồng - hát bội Bình định. Cụ vừa là soạn giả nhiều vở tuồng rất có giá trị (bây giờ còn khai dụng) vừa là nhà tổ chức, nhà đạo diễn tài giỏi, đưa nghệ thuật hát tuồng Việt nam lên đỉnh cao. Cụ còn lưu lại nhiều thi phẩm chữ Hán và nôm đặc sắc.
- Cụ Tú Nhơn Ân cũng là soạn giả tuồng nổi danh, soạn giả tuồng hát bội Ngũ Hổ Bình Tây (trước 1975 giáo sư Lê Ngọc Trụ sưu tập, in ấn phổ biến).
- Cụ Nguyễn Trọng Trì tục gọi là cụ Nghè Trì ở làng Vân sơn, An nhơn, văn võ song toàn, đã tham gia lực lượng chống Pháp dưới sự lãnh đạo của anh hùng Mai Xuân Thưởng, bị Pháp bắt bỏ tù nhiều năm sau khi nghĩa quân tan rã.
- Về sau còn có cụ Ðào Phan Duân, người quận Tuy phước, một bậc khoa bảng, túc nho, làm quan Thượng thư dưới triều Khải Ðịnh và Bảo Ðại.
- Thời tiền chiến, nhóm nhà thơ Bình định gồm Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan được xem là nhóm thơ có một sắc thái đặc biệt, mỗi nhà thơ trong nhóm lại có một cá tính riêng. Xuân Diệu trưởng thành tại Bình định, và mặc dù không thuộc nhóm "Bàn thành tứ hữu", quê mẹ cũng ghi dấu ấn sâu đậm trong thơ ông.
- Sau Hiệp định Genève, nhà thơ Lam Giang và nhà vân Võ Phiến là hai cây bút làm hãnh diện những đồng hương Bình định.
Người Bình định từ xa xưa đã luôn luôn chuộng đạo đức, lễ nghĩa và sự học vấn. Tại Bình định, trường thi được thành lập từ năm Tự Ðức thứ tư (1851) để sĩ tử từ Quảng ngãi đến Bình thuận tề tựu thi hương khỏi phải ra Huế. Trường thi nằm phía tây nam thành Bình định (huyện An nhơn), xây bằng đá ong, chu vi khoảng 1000m, cao khoảng 2m. Ðó là một nền lộ thiên ở giữa một dãy gò không cây cối. Ðến khoa thi, sĩ tử mang lều chiếu tới che ngồi. Khoa đầu tiên (1852) người Quảng ngãi giật thủ khoa nên có câu ca dao:
Tiếc công Bình định xây thành
Ðể cho Quảng ngãi vô giành thủ khoa.
Nhưng tiếp ba khoa sau (mỗi khoa cách nhau ba năm) ngôi thủ khoa đều về tay người Bình định, nên lại có câu:
Tiếc công Quảng ngãi đường xa
Ðể cho Bình định thủ khoa ba lần
Chẳng hiểu do đâu mà thế hệ con em chúng ta giờ đây hình như có mặc cảm... với tiếng nói của Bình định. Có lẽ chỉ có dân Bình định là hay dùng tiếng "nẫu". Nói là "dân xứ nẫu" thì ai cũng biết là dân Bình định. Ở đâu lại chẳng có những thổ âm,thổ ngữ, lại không có "tiếng nói đặc biệt" của địa phương. Người Bắc gọi là "họ", người Nam nói "người ta" thì người Bình định kêu là "nẫu". Ở nơi xa xôi nghìn dặm, nghe tiếng nói của đồng hương chắc ai cũng cảm thấy có chút thân thương trìu mến, có cái vui chân phương.
Thương chi cho uổng công trình
Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ!
Chữ "nẫu" trong câu này có cái hay riêng của nó, vừa thân tình, vừa thâm thúy. Từ chữ "nẫu" lại có chữ "nậu", nghĩa là những người ấy. Có ai tìm được chữ nào hay hơn để thay cho chữ "nậu" trong câu sau đây:
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le (hay thơm ngon) gởi xuống, cá chuồn gởi lên.
Bạn nguồn? Người nguồn? Bọn nguồn? Không, không được và không bằng chữ "nậu", nhất định là phải giữ lại chữ "Nậu" cho câu trên.
Tôi đã cà kê kể lể khá dài dòng về những chuyện to, chuyện nhỏ của Tây sơn - Bình định. Vẫn muốn kể thêm nhưng thôi, vì sự đa ngôn thì đa... quá.
Ðã từ lâu tôi ít muốn nói về chuyện Tây Sơn, chuyện lịch sử anh hùng dân tộc... bởi những chuyện ấy không đáp ứng được những khát vọng nóng bỏng của mình trong giai đoạn lịch sử vừa qua.
Năm mươi năm qua thời thế không tạo được anh hùng và không có anh hùng để tạo thời thế. Ðất nước, dân tộc... dậm chân tại chỗ, ngày nay vẫn như ngày nào!
Ngày nào, trong cảnh giam hãm tù đày, một con dân Tây sơn - Bình định da diết nhớ thương Mẹ già, nhớ thương Quê hương, đồng hoá cả hai là một:
Quê nhà bóng xế ngả nhành dâu
Nhịp võng, lời ru chuyển điệu sầu
Trăng nước đâu còn trăng nước cũ
Khôn cầm giọt lệ giữa đêm thâu!
Sống ở miền Nam mà đêm đêm "Giấc hương quan luống ngẩn ngơ canh dài!"
Bây giờ thì Quê hương xa cách nghìn trùng. Ở đây hoàng hôn xuống không thấy quê nhà ở đâu, đành phải kêu lên:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng dử nhân sầu
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)
Người xưa bảo: "Tha phương ngộ cố tri" là một trong bốn điều vui mừng nhất của đời người. Có người chưa chịu bảo phải thêm trước câu trên hai chữ "vạn lý" mới "đã", mới thấm thía. Bây giờ trong cảnh "vạn lý tha phương ngộ cố tri", tôi thấy mừng và quí lắm. Và tôi lại viết về quê hương, viết về Tây Sơn, Bình định để tạ lòng cố tri và đáp tình đồng hương thân mến.
BÙI THÚC KHÁN
Giai phẩm TÂY SƠN Xuân Ất Hợi 1955