TẢN MẠN
VỀ
TẾT Ở QUÊ NHÀ
Thái Tẩu
Mấy hôm nay, trời Houston trở lạnh. Cái lạnh ở đây không giống như cái lạnh se se êm ả của tiết giao mùa tàn Ðông sang Xuân như ở quê nhà mà là cái lạnh cắt da, xé thịt chợt đến chợt đi như chợt mưa chợt nắng của xứ sở này... làm cho những người ở cái tuổi "tri thiên mạng" như tôi cũng thay đổi thất thường theo thời tiết: mạnh khoẻ đó rồi đau ốm đó; khi thì cảm thấy dễ chịu, yêu đời, cũng có lúc trở nên cáu kỉnh, khó tính, buồn bã.
Nhưng dù sao thì cái lạnh của mấy hôm nay như một báo hiệu đã làm cho những kẻ ly hương như tôi bỗng nhớ quay quắt về Quê nhà, mà nhất là trong những ngày cận kề: Xuân về Tết đến.
Quê hương tôi, Tết có gì đặc biệt để mà phải nhớ?
1.- Có chứ! Tết có xa lạ gì đâu? Sống bao nhiêu tuổi, Tết đến bấy nhiêu lần. Tết quá quen thuộc. Tết đến, Tết đi rồi Tết lại về. Mười hai tháng có là bao? Thế mà Tết vẫn thấy mới mẻ luôn, vẫn thấy vui tươi hơn, vẫn thấy tràn đầy ý nghĩa và vô cùng sống động.Tết đến như mang lại sinh lực cho mọi người, xóa đi những ý nghĩ đen tối, hận thù; làm dịu những tâm hồn đầy giông tố, buồn khổ; khuất đi cái cảnh nghèo nàn, cơ cực; lắng đi những tiếng than khóc, rên rỉ bi thương... để cho tâm hồn yên tĩnh, rộng mở tràn ngập bởi yêu thương, cùng với khí hạo nhiên của Xuân thiên đón nhận một Năm mới trở về với bao điều ước mơ tốt đẹp.
Ta không còn thấy khách sáo, xã giao khô khan của những lời chúc Tết, mừng Xuân hay ngợi khen ca tụng và những cử chỉ vồn vã, mời mọc trà rượu, bánh mứt, chè chén trong buổi đầu Năm mới. Ta không còn thấy đĩ điếm, diêm dúa của những tà áo màu sặc sỡ trên đường Xuân mà tưởng chừng như những đoá hoa, những cánh bướm bay lượn trang điểm cho Mùa Xuân thêm tươi đẹp. Tuổi trẻ như lớn thêm lên, người già như trẻ lại dù đã biết chồng chất thêm một tuổi.
Tết là giao điểm của cũ và mới, vừa kết thúc cũng lại vừa khởi đầu, có chung có thủy. Tết vẫn ngự trị trên muôn loài, muôn vật. Bầu trời như rực sáng với Tết, lòng đất như tỏa lan một hương thơm với Xuân, không khí như thêm trong lành, Non sông như thêm cẩm tú.
Thật vậy, những năm còn sống ở bên nhà, có ai mà lòng không bâng khuâng, lo lắng, rạo rực, chờ mong trước một năm cũ sắp tàn, ngày Tết lại đến và Xuân mới sắp sang. Từ nơi thành thị náo nhiệt đến vùng núi thâm u hay miền quê hẻo lánh; từ trong công sở trang nghiêm đến ngoài chợ búa hỗn độn; từ bác nông dân cày sâu cuốc bẩm; từ chị buôn tảo bán tần, đến anh thanh niên lận đận quanh năm xuôi ngược sông hồ; từ em bé thơ ngây hồn nhiên, đến cụ già u trầm tóc bạc và từ những con tàu, những chuyến xe cuối năm chật ních người bươn bả đi về... Ðâu đâu, ai cũng nói đến Tết, cũng nghĩ đến Xuân, cũng lo lắng, sửa soạn, sắp đặt, dọn dẹp, sắm sanh tất bật với trí băn khoăn, với lòng hồi hộp để có một chút gì đó dâng cúng Ông Bà, biếu kính Cha Mẹ, vui vẻ đạm bạc với bà con, lịch thiệp với xóm giềng... và Tết đã dần đến với mọi người, mọi nhà từng ngày, từng giờ, từng phút. Giờ phút Giao thừa sao mà thiêng liêng quá, nồng ấm quá. Ôi! Tết ở Quê hương, Hạnh phúc biết bao!
2.- Càng nghĩ về Tết, tôi lại càng nhớ những phong tục về Lễ Tết, những hội hè vui Xuân ở Quê hương: những ngày áp Tết thì có Chợ Hoa và cây kiểng ở công viên Qui Nhơn, có phiên chợ Gò Chàm ở Bình Ðịnh nhóm đến nửa khuya ba mươi. Ðầu năm thì có Chợ Gò Trường Úc ở Tuy Phước, thú chọi trâu ở Phước Hưng, đá gà ở Diêu Trì, hô lô tô, hát bài chòi, hát bội thì rải rác. Hoặc những năm xa hơn nữa thì có xổ Cổ Nhơn, có đánh bài chòi... nhưng cái mà tôi nhớ vẫn là lễ hội TẾT ÐỐNG ÐA vào ngày mồng Năm Tết tại Ðiện Tây Sơn ở Kiên Mỹ Bình Khê
Thế cuộc đã bao lần đổi chủ thay cờ, thời gian đã làm phôi pha bao nhiêu di tích lịch sử, riêng đất Tây Sơn, ngày nay du khách hữu tình vẫn còn có thể tìm thấy một vài di tích lịch sử liên hệ đến thân thế ba vị Anh Hùng Tây Sơn và nhà Cách Mạng Mai Xuân Thưởng.
Từ Quận Lỵ Bình Khê (nay là Huyện Tây Sơn) đi về hướng Bắc, đây là giòng SÔNG CÔN lững lờ uốn khúc, mực nước lên xuống thất thường theo hai mùa mưa nắng. Qua khỏi cầu Kiên Mỹ bắt qua sông Côn khoảng non một cây số, đây là ÐIỆN TÂY SƠN tọa lạc tại ấp Kiên Mỹ, xã Bình Thành.
Theo sự tin tưởng của đồng bào thì Ðiện Tây Sơn hiện tại đang tọa lạc trong vùng đất thiêng. Bởi ÐIỆN bây giờ là Ðình Làng thuở trước (trong thời gian Nguyễn Gia Miêu làm chủ, dân chúng đã lập đình âm thầm thờ phụng Ba Vua) và cũng là "nền nhà cũ" của ông Hồ phi Phúc, Hoàng khảo của Ba Vua. Nếu đúng như vậy thì chính nơi đây Ba Vua đã Ðản sanh.
Ðiện đã được kiến tạo vào năm 1958 và lạc thành vào năm 1960 do lòng ngưỡng mộ của đồng bào địa phương quyên công góp của vào để làm nơi chiêm bái sùng kính ba Ngài. Lối kiến trúc tuy đơn sơ nhưng trang nghiêm. Tiền Ðiện ngó ra chợ Kiên Mỹ và mương nước Văn Phong chảy ngang qua.
Trước cổng tam quan, trên đắp nổi 3 chữ TÂY SƠN ÐIỆN và 2 bên là 2 câu đối:
Tây khê thảo thụ lưu kỳ tích
Nam quốc sơn hà ký võ công
Trước sân là tấm bia khắc bài kỷ do thi sĩ Quách Tấn phụng thảo với lời văn hùng hồn và cảm động, ghi lại lịch sử, công đức và lòng thương tiếc về vị Anh Hùng áo vải đất Tây Sơn: Quang Trung - Nguyễn Huệ. Vào bi đình chính giữa có tượng Quang Trung bán thân bằng đồng đen. Vào trong, gian chánh điện là nơi thờ Ðức Quang Trung, có di tượng Ngài cỡi ngựa, tay vung kiếm với nét mặt hùng dũng, lẫm liệt. Gian tả, hữu thờ Long vị Thái Ðức NGUYỄN NHẠC và Ðông Ðịnh Vương NGUYỄN LỮ. Ngoài ra, Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản và các công thần Tây Sơn đều được tùng tự tại đây.
Hàng năm tại Ðiện có hai ngày lễ lớn: Mồng 5 Tết, ngày GIỖ TRẬN ÐỐNG ÐA; Mồng 5 tháng 5 Âm lịch (Tết Ðoan Ngọ), ngày Ðản sanh QUANG TRUNG Ðại Ðế và cũng là ngày Giỗ Tổ Võ Ðạo Tây Sơn. Riêng nhân dân địa phương Bình Khê, ngày Rằm tháng 11 âm lịch còn tổ chức thêm ngày kỵ chung Ba Vua theo thường lệ.
Trong quyển Sổ Vàng của Ðiện thờ có bài "Ngưỡng mộ Quang Trung" của thi sĩ Lam Sơn:
Ðền xưa lưu dấu Ðức Quang Trung
Làng mạc vây quanh núi chập chùng
Bình Ðịnh còn vang danh Nguyễn Huệ
Tây sơn vẫn khắc bóng Anh hùng
Ðem tài đuổi giặc ra biên giới
Lấy đức an dân khắp mọi vùng
Lòng tiếc vĩ nhân sao vắn số
Bâng khuâng non nước đẹp muôn trùng
Cạnh Ðiện, nay còn "Cây me già" bóng phủ quanh năm, hướng về phía Kiên Long có một cái giếng xây bằng đá ong, nước trong và mát suốt bốn mùa không hề cạn. Theo các vị bô lão ở vùng này cho biết cây me và giếng nước có từ hồi ông thân sinh của ba anh em Tây Sơn.
Từ Ðiện, đi về hướng đông bắc chừng 300 thước sẽ nhìn thấy một khoảng bầu rộng, mọc đầy sen trắng bên mương nước Văn Phong, đó là VƯỜN DINH, thành trì thiết lập trong buổi đầu khởi nghĩa của Ba Ngài, xung quanh có hào sâu bao bọc nhưng lâu ngày đất lấp dần và biến thành Bầu sen.
Rời Vườn Dinh, ngược đường về hướng chính Bắc sẽ thấy hiển hiện lên giữa đồng ruộng mênh mông một vùng gò cao, lác đác những tảng đá đen điu, những chòm cây thâm thấp, đó là GÒ CẮC CU (vì gò này xưa kia mọc toàn thứ gai cắc cu) là bãi thao trường luyện tập ba quân tướng sĩ của Ba Ngài. Thăm viếng Gò này, du khách giàu lòng tưởng tượng dường như còn nghe âm vang đâu đây tiếng than ai oán bất bình của đám dân đen lúc bấy giờ hay tiếng reo hò của đám hùng binh Tây Sơn thuở nọ, thúc giục mọi người hãy đứng lên tranh lấy quyền sống của mình.
Trên đường từ Ðiện trở về quận lỵ, bạn còn thấy GÒ TÔ, nơi anh em Tây sơn chiêu tập dân chúng buổi đầu hô hào khởi nghĩa. Cạnh ấp Kiên thành còn có GÒ ÐỀ, là một vùng đất rộng, nay biến thành ruộng. Mỗi bận anh em Tây sơn về thăm nhà, dân làng thường cắt cỏ Gò Ðề cho ngựa các ông ăn. Nay còn câu hát làm chứng:
Nhông nhông ngựa Ông đã về
Cắt cỏ Gò Ðề cho ngựa Ông ăn
Khi đến bến đò Kiên mỹ, rẽ về hướng Ðông dọc theo sông độ 300 thước thì nhìn thấy một di tích khác, đó là BẾN TRƯỜNG TRẤU, nơi mà thuở thiếu thời Ba anh em Tây sơn cùng với thân phụ và dân chúng địa phương dựng lên một ngôi trường để mua bán trầu với người Thượng mà cũng là bến nước mà quân lính Tây sơn thường ra tắm rửa, giặt gỵa. Thi sĩ Quách Tấn trong một bài nói về Bình định có cho biết, cách quận lỵ Bình khê về hướng Ðông dọc theo Quốc lộ 19 chừng 2 cây số còn có GÒ XUÂN HOÀ, trước kia là chỗ bà Bùi thị Xuân vợ tướng Trần quang Diệu tập voi.
Trở về lại quận lỵ và thuận đường xe đi về hướng Tây, cách quận lỵ 5 cây số, nhìn về phía Nam thấy dãy HOÀNH SƠN sừng sững (thuộc xã Bình tường). Tục truyền trên dãy Hoành sơn này có táng NGÔI MỘ của Thân phụ Tây sơn và cũng có người bảo rằng NGỌC CỐT của Thái đức Nguyễn Nhạc cũng táng trong vùng này, đó là bằng vào câu chuyện "ngựa trắng hiện hình" mà ức đoán. Vì Vua Thái Ðức lúc trị vì có nuôi một con chiến mã rất tốt, thân cao lớn như ngựa Bắc thảo, lông trắng như tuyết, nhà Vua rất mực yêu quí. Sau khi Vua băng hà thì con ngựa cũng sổ chuồng chạy mất. Cách ít lâu người ta lại thấy ngựa hiện về trong vùng Hoành sơn, cho nên về sau nầy dân trong vùng không còn ai dám nuôi ngựa trắng.
Cuối dưới chân núi này, trên một khỏang gò cao còn trông thấy lăng mộ nhà Cách mạng MAI XUÂN THƯỞNG. Lăng trông rất nguy nga, hùng tráng, phía trước mặt có 4 trụ biểu cao vút. Du khách muốn viếng lăng phải trèo qua 26 bực cấp xây bằng đá xanh. Khỏi bực cấp là đến sân, chính giữa sân có Ðài Kỷ niệm chiến sĩ trận vong đắp nổi 4 chữ TỔ QUÔC GHI ƠN. Qua khỏi Ðài kỷ niệm là vào tẩm, ngôi mộ nằm ngay giữa, phía trước có mộ chí, phía sau là bi ký. Xung quanh lăng có thành thấp bao bọc. Ðịa phương có thơ rằng:
Hòn Sưng tuy thấp mà cao
Trời cho làm đấng anh hào lập thân
Kìa ai áo vải cứu dân
Kìa ai ba thước gươm trần chống Tây
Chuyện đời rủi rủi may may
Hòn Sưng cây trải đá xây bao sờn
Muốn tìm thêm di tích cũ nữa thì, thuận đường cùng trên Quốc lộ 19 đi thẳng về hướng Tây. Khi vừa đến đỉnh đèo An khê, di tích chẳng còn gì ngoài sự im lặng tịch mịch của núi rừng nhưng dân địa phương còn nhắc nhở rằng nơi đây có CÂY KÉ và CÂY CẦY là hai cây đại thọ cao lớn, trước kia nhà Tây sơn dùng làm nơi tế cờ để xuất phát hưng binh nên có câu: "Cây Ké phất cờ, Cây Cầy khỉ cổ" hay:
Chàng lên cây Ké phất cờ
Em về Thị Nại đợi chờ chiến công
Ngước nhìn lên đỉnh đèo còn có di tích lịch sử nữa đó là HÒN ÔNG NHƯỢC (tên vua Thái Ðức) và HÒN ÔNG BÌNH (tên Vua Quang Trung) là hai căn cứ của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ xưa kia. Tại xóm Ké xã Song an còn có HANG TỐI TRỜI, đó là một cái hang đá thiên nhiên to, sâu và rộng, ngày Chiến sĩ Cần vương Mai xuân Thưởng thất trận với Pháp ở Bầu Sấu đã cùng một số bộ hạ lên ẩn trú trong hang này.
Di tích lịch sử còn nhiều nơi đáng viếng nữa như: NÚI TÀ DIÊU, nơi chế tạo vũ khí của quân Tây sơn, chiến lũy HƯƠNG SƠN, HẦM HÔ...
Những di tích lịch sử vừa kể đã đi vào lịch sử, hỏi ai còn có thể quên được công nghiệp của Ba vị anh hùng áo vải đã phát tích nơi đây?
Gìn dấu linh chốn cũ khó nguôi tình
Lắng giọng đề quyên tê tái ruột
3.- Tình cảm của nhân dân Bình định đối với Nhà Tây sơn thật thắm thiết và bền vững, thể hiện qua sự thương tiếc, lòng sùng kính và đã biểu lộ rõ nét nhất qua những ngày Lễ hội Ðống đa tại Ðiện Tây sơn vào ngày mồng 5 Tết hàng năm.
Từ ngày Ðiện Tây sơn lạc thành (năm 1960) cho đến ngày đổi đời (30-4-1975), năm nào Ban Quản Trị Ðiện Tây sơn và Chính quyền các cấp địa phương đều có phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ðống đa ngay tại khuôn viên Ðiện. Chẳng những dân chúng Bình định thương nhớ Ba Ngài đến dự mà còn có các tỉnh lân cận, những người hữu tâm và quan khách từ Trung ương về. Và, những năm sau này, ngày Lễ này đã dần nâng lên hàng Quốc gia. Lễ kỷ niệm thường cử hành theo cổ lễ có đọc Văn tế và cử cổ nhạc, có biểu diễn Nhạc võ Tây sơn, Võ thuật Bình định. Sau đó là những cuộc vui chơi xưa có, nay có thay đổi tùy theo hoàn cảnh và khả năng của mỗi năm, nhưng phần lớn là trình diễn lại những hoạt cảnh cũ mang tính lịch sử như: Ðội Sảo mã, hành quân võng cáng, hoạt cảnh chiến thắng Ðống đa, chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút. Có năm, hồi tướng N.D. làm tư lệnh Quân đoàn II lại còn được kết hợp trình diễn hành quân bộ binh hàng Trung đoàn, tấn công vào mục tiêu của địch quân, có pháo binh và chiến xa yểm trợ, trên không có không quân phi diễn tấn công vào mục tiêu.
Ban tổ chức phải huy động hàng ngàn người tham gia biểu diễn, phải chuẩn bị và tập dượt hàng nhiều tháng trước. Có đầy đủ tướng soái, quân binh với y trang theo cổ xưa. Có thành quách, đồn lũy với cờ xí, nghi trượng. Có voi, ngựa, võng cáng, khiêng. Có thương giáo, kiếm mác, cung tên... Ðể cho các hoạt cảnh diễn tả hết ý nghĩa, hấp dẫn người xem, truyền đạt được tư tưởng thì quả thật là tử công phu, phải có quyết tâm lớn, nỗ lực cao và tấm lòng mến mộ thì mới thực hiện được.
Ban tổ chức thì bận rộn như vậy còn dân chúng thì, từ tờ mờ sáng ngày mồng Năm Tết, khắp các nẻo đường, giòng người đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi, xử dụng đủ các phương tiện, kể cả người đi bộ phải vượt nhiều cây số đường, băng qua đồng ruộng nương rẫy, sông lạch... hướng về Ðiện Tây sơn mà đến với lòng náo nức, nét mặt hân hoan. Nhiều người muốn chắc ăn, đã đến Bình khê từ ngày hôm trước để khỏi bị chen lấn, khỏi bị rớt xuống cầu sông Côn. Ai ai cũng cốt làm sao đến cho được Ðiện Tây sơn, đứng cho được gần khán đài để trông thấy ngọn Ðại kỳ nền đỏ đào với mặt trời vàng tròn chính giữa tượng trưng hiệu Quang Trung, phất phới bay trên kỳ đài; để nhìn thấy rõ di tượng Quang Trung, với tay hùng vung kiếm ra oai, lẫm liệt trên mình con Bắc thảo đang cất vó, và cố nghe cho được bài diễn văn nhắc lại công nghiệp Vua Quang Trung và chiến thắng Ðống đa. Hoặc nếu không còn đủ sức lấn chen thì ít ra cũng phải làm sao tìm một chỗ xem cho được các trò biểu diễn khác thì lòng mới thoả và Tết ở quê nhà mới thực sự có ý nghĩa với họ. Quang cảnh rõ là một Hội du xuân, đạp thanh "dập dìu tài tử giai nhân, ngựa xe như nước, áo quần như nêm".
Sau phần tế lễ, chiêng trống rập rình, cái đinh của các buổi Lễ kỷ niệm chiến thắng Ðống đa tại Ðiện Tây sơn hàng năm, bao giờ cũng là những nhịp trống kích cảm của môn NHẠC VÕ TÂY SƠN. Cả một quá khứ kiệt hiệt vàng son tạo thành hào quang chung quanh vị Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ cứ mỗi năm lại vang lừng sống dậy qua cái tài diệu thủ của một nghệ sĩ gầy gò mà không thiếu sức sống, đó là anh Nguyễn Phong tức nghệ sĩ Tân Phong.
Nhạc võ Tây sơn, đó là một bộ môn văn hoá của dân tộc ta trong cái dòng văn minh Ðông sơn. Những cuộc khai quật đã đem lại cho các nhà khảo cổ, dân tộc học cái trống đồng mà đặc trưng hơn cả là "trống đồng Ngọc Lũ" là một chứng cớ. Và bộ môn văn hoá này đã được anh em Nhà Tây sơn khai thác đến triệt để vào công tác chiến tranh chính trị bằng những bộ "trống trận" đến mức độ thật là tinh vi, thể hiện võ đạo và đầy tính chất nghệ thuật.
Nhạc võ Tây sơn, ngoài ra còn làm sáng tỏ một trong bốn bộ môn của võ thuật Bình định là: côn, quyền, kiếm, cổ (tức là trống). Riêng về trống đã gọi là Nhạc võ thì hẳn là khó khăn và tử công phu đối với người trình diễn. Quả vậy, người nghệ sĩ trình diễn môn Nhạc võ Tây sơn không những chỉ là một nhạc sĩ có tâm hồn và khiếu thẩm âm mà còn phải là một võ sĩ già tay, nhanh nhẹn để có thể điều khiển một giàn trống 12 hay 17 cái đúng theo nhạc luật vừa vui hoạt, khôi hài, vừa dồn dập, thối thúc.
Nói tóm lại, người nghệ sĩ trình diễn phải có đủ diệu thủ, diệu tài. Chính vì những khuôn phép khắt khe đó của sự tập dượt đã đẩy môn Nhạc võ Tây sơn vào cái góc biệt lập, bí truyền và dần đi đến chỗ thất truyền vì những biến động của lịch sử và nhất là sự truy cấm của nhà Nguyễn đối với những gì gọi là di sản của Tây sơn.
Bạn Tân Phong may mắn còn giữ lại được cái chân truyền của bộ môn Nhạc võ Tây sơn. Tuy anh chưa biểu diễn nổi 17 trống, song anh cũng tập đánh được 12 trống theo đúng nhạc pháp của môn "Song thủ đả thập nhị cổ", nghe rất vui tai và xem cũng rất đẹp mắt.
Ðặc biệt tiếng trống của môn Nhạc võ Tây sơn khởi lên trong ngày mồng 5 tháng giêng Tết như nhắc nhở cho chúng ta nhớ lại mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, toàn dân ta đã "cùng Nguyễn Huệ đánh trống tiến quân vào Thăng long để đuổi đám tướng binh nhà Thanh nhiễu loạn cuộc sống của dân chúng", giải phóng đồng bào, mở đầu một trang sử huy hoàng nhất của dân tộc.
Sau tiếng trống Nhạc võ, trên lễ đài các võ sinh trong đoàn "Ca Võ nhạc Tây sơn" do võ sư Phan Thọ và Diệp Bảo Sanh hướng dẫn lần lượt biểu diễn các thế võ của bộ môn VÕ THUẬT BÌNH ÐỊNH.
Võ Bình định là một môn võ của một dân tộc nhỏ thó nên cần phải dùng chước và sự lanh lẹ mới chiến thắng được địch thủ có một thân xác vạm vỡ, khoẻ mạnh hơn. Dự xem bộ môn này, ta chứng nghiệm tại chỗ cái tinh thần thượng võ, võ sĩ đạo của người dân Bình định qua câu ca dao:
Ai về bình định mà coi
Con gái Bình định bỏ (buông) roi đi quyền
Nói thế, có người ngoại tỉnh vội cho rằng người con gái Bình định chắc không còn cái "chất con gái" nữa. Ðừng vội, hãy đọc tiếp câu ca dao sau đây:
Gái Phú Yên một tiền ba đứa
Gái Bình định, một đứa ba quan
Cái đẹp của người con gái Bình định không thuần ở điểm tứ đức, tam tòng, yểu điệu thục nữ mà còn phải là cái đẹp của sức khoẻ, nhanh nhẹn, tháo vát và biết lấy phấn son tô điểm sơn hà.
Tiếng đồn con gái Ðịnh quang
Tay bồng tay bế ra đàng đánh Tây
Ðó là hình ảnh người con gái Bình định tiếp nối truyền thống "Ngũ phụng thư" của Tây sơn. Còn người con trai thì sao?
Thời Tây sơn biết bao võ tướng thao lược như: "Tây sơn Tam kiệt", "Tây sơn Thất hổ tướng". Võ văn Dũng, Võ đình Tú, Trần quang Diệu, Nguyễn văn Tuyết, Lý văn Bảo, Lê văn Hưng, Nguyễn văn Lộc; Lê văn Chất, Võ Trứ, Mai xuân Thưởng, Tăng bạt Hổ (đánh hổ chạy) và những cái tên như: Chú Lía, Dư Ðành, Ðội Chương, Voi Con, Nguyễn Ða; búa Hồ Cường, roi Hồ Ngạnh gần đây còn khét tiếng trong hàng võ lâm. Vì thế mà võ Bình định được xem là Võ cổ truyền của Dân tộc và đã dự phần quan trọng trong chiến thắng Ðống đa.
Rời Lễ đài, ta dự xem biểu diễn các ÐỘI SẢO MÃ, đó là những nàng con gái cỡi ngựa. Tiếng đồn dân Phú yên cỡi ngựa rất tài, Nguyễn Huệ tận dụng khai thác biệt tài này mà thành lập nên những đội Sảo mã. Gọi là Sảo Mã vì kỵ sĩ là người đàn bà, con nít chẳng quan trọng gì nhưng thực tế lại đóng một vai trò quyết định trong trận chiến thắng tại Gò Ðống đa.
Các nàng trong Ðội Sảo mã này đóng vai trò của kẻ tiền phong dò xét địch tình, tuyên truyền chính trị, kêu gọi dân chúng ủng hộ quân lương, dọn đường cho quân Tây sơn võng cáng tiến theo sau. Cho nên quân Tây sơn đi đến đâu là được nhân dân theo và ủng hộ đến đó. Thiên tài của Quang Trung là biết khai thác tất cả tiềm năng của dân tộc vào cuộc kháng chiến, đến như người đàn bà liễu yếu đào tơ cũng làm được việc lớn.
Còn biểu diễn HÀNH QUÂN VÕNG CÁNG, đó là một phương thuật hành quân vừa nhanh lại vừa khoẻ sức binh sĩ. Cứ hai người khiêng võng đi thì một người nằm trên võng nghỉ và luân phiên thay đổi nhau nên người nào cũng đi mà người nào cũng được nằm nghỉ. Khi đói thì lấy bánh tét và bánh tráng ra ăn với thịt bò thưng, vừa ngon miệng lại vừa đỡ mất thời giờ nấu nướng. Thế nên con đường từ Phú xuân ra Bắc hà xa xôi diệu vợi, nhiêu khê cách trở mà chỉ có 15 ngày đêm, quân của Tây sơn đã đến Hà nội và vừa đến nơi là đã có thể chiến đấu được ngay và đã chiến thắng 20 vạn quân Thanh. Ðây là một lối hành quân chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh thế giới mà chỉ có Quang Trung ở Việt nam mới có sáng kiến này.
Sau cùng là dự xem anh em binh sĩ, cán bộ thuộc Chi khu Bình khê biểu diễn HOẠT CẢNH CHIẾN THẮNG ÐỐNG ÐA. Hoạt cảnh, tuần tự diễn lại cuộn phim thời sự của Mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. Trong đó có cảnh đồn Hạ Hồi bị vây hãm, đồn Ngọc Hồi bị hạ; Cảnh Sầm nghi Ðống biết khó bề thoát chết nên lén chạy ra Gò Ðống đa treo cổ trên cành cây mà chết; Cảnh Tôn sĩ Nghị cùng với mấy tên lính kỵ hớt hải vượt cầu phao sông Nhị chạy về mạn Bắc, mình không kịp mặc giáp, ngựa chẳng thắng yên cương, cầu sập, người chết. Cảnh Lê Chiêu Thống vội vã nhảy ngựa theo Tôn sĩ Nghị chạy sang Tàu, khiếp sợ quăng cả sắc thư, ấn tín, cờ hiệu, bài lệnh. Cuối cùng là cảnh Vua Quang Trung trong chiếc áo bào lem thuốc súng, lẫm liệt trên mình voi tiến quân vào Thăng long, đi đầu là lá cờ đào, với mặt trời vàng, giữa tiếng reo hò phấn khởi của quân dân trăm họ.
Ðọc sử sách và dự xem hoạt cảnh này, ta thấy trong suốt dòng dài lịch sử của nhân loại, chưa có mợt vị tướng nào tài ba, dõng mãnh, minh quân như vua Quang Trung NGUYỄN HUỆ. Danh tướng trên thế giới đồng thời với ngài, bên trời Tây có Napoléon (1769-1821), nhưng Napoléon còn có trận thua thảm bại ở Waterloo, còn Quang Trung Nguyễn Huệ tiến vào Nam 6 lần, đánh ra Bắc 3 lần chưa có một lần thất bại và đặc biệt nhất là trận Ðống đa, vừa lên ngôi Hoàng đế, vừa chuyển quân, mộ quân, luyện quân chỉ trong vòng một thời gian kỷ lục mà ngài đã chiến thắng 20 vạn quân Thanh tinh nhuệ, được huấn luyện kỹ càng, thuần thục vào Mùa Xuân Kỷ Dậu 1789, thật là một thiên tài, một bậc sinh nhi tri, hiếm có trong lịch sử.
4.- Nhớ và tản mạn viết lại những điều đáng nhớ như vừa kể cũng đã khá dài! Tôi tạm dừng viết, đứng dậy vươn vai, mở cửa và nhìn ra ngoài... sao mà im ắng quá! Không có chút hơi hướng gì về Tết, chẳng có rộn rịp nào với Xuân. Trời vẫn lạnh và mưa giăng giăng; lá vẫn rơi, hoa vẫn nở và xe cộ vẫn tất tả chạy ngược xuôi. Tôi thở dài "Tết tha hương buồn quá!"
Nhưng cũng may, những năm tháng qua, tôi sống gần chùa "Như Lai Thiền đường". Ngoài việc tu Phật, hướng dẫn thiền sinh ngồi thiền hàng đêm, Chùa còn chủ trương phục hoạt Văn hoá Ðông phương nên hàng năm Chùa đều có tổ chức Tết theo phong tục Việt nam: có Lễ Giao thừa vào lúc nửa đêm, Lễ Phật và Vía Ðức Phật Di Lặc vào đầu năm mới; Mồng một Tết có múa Lân mừng Xuân và biểu diễn Võ thuật Bình định (do nam nữ võ sinh thuộc Võ đường Thiên đài trình diễn dưới sự hướng dẫn của một võ sư nguyên gốc An thái Bình định). Tối đến có Văn nghệ mừng Xuân, năm nào cũng kéo dài đến 3 ngày. Cũng có tục hái lộc, đi thăm Xuân, chúc Tết, lì xì phong bì đỏ. Nhà Việt nam nào ở đây cũng có thịt mỡ dưa hành (nhưng thiếu câu đối đỏ, không có nêu cao tràng pháo nhưng có bánh chưng xanh. Và ít nhiều tôi cũng đã hiểu biết về giáo lý "sắc sắc không không" của Ðạo Phật nên đời cũng đỡ buồn đỡ khổ.
Và tôi cũng rất mừng được biết nơi nào có người Bình Ðịnh định cư thì nơi đó có Hội Ái Hữu Quang Trung - Tây Sơn để giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, chia xẻ những buồn vui nơi xứ người. Và hàng năm vào dịp tết đều có tổ chức họp mặt, cử hành Lễ kỷ niệm Chiến Thắng Ðống Ða. Bỗng dưng tôi chợt nhớ, đổi buồn thành vui và rất mừng như đứa trẻ nít mừng xuân, như lân thấy pháo vì Tết Kỷ Mão 1999 này tôi sẽ được mặc áo rộng xanh, mang đôi hạ trắng, đội mão lễ sinh làm bồi tế vì tôi được chọn làm "bồi tế" trong ngày lễ kỷ niệm chiến thắng Ðống đa do Liên Hội Ái hữu Quang Trung Tây sơn tổ chức tại Houston, Texas.
Ngày này, tiếng tế lễ trong bài Văn tế Vua Quang Trung của những mùa xuân năm nào tại Ðiện Tây sơn Bình định ở quê nhà, lần đầu tiên lại được cất lên tại hải ngoại với đầy đủ nghi lễ cổ truyền và sẽ lan xa vào những tấm lòng hoài cổ:
Than ôi!
Dòng Côn thủy mây lồng thức gấm, mãi vui tình mai liễu độ xuân
Ðỉnh Tây sơn gió cuộn sóng trùng, chạnh tưởng đức anh hùng cứu quốc
Nhớ tôn linh xưa:
Khí cốt lăng tằng
Anh thư khôi đặc
Sức điều binh khiển tướng, Hạng Võ Lưu Bang
Lòng trọng sĩ tôn hiền, Văn vương Huyền Ðức
Tình đất nước giận cơn chia xẻ, lưỡi gươm thần dẹp loạn cứu dân
Nghĩa Bắc Nam trải dạ gắn hàn, thân áo vải giúp anh dựng nước...
(Văn tế Quang Trung. Bài 1 do thi sĩ Quách Tấn phụng soạn)... Mây án Trường sơn rồng dẫn khuất
Trăng lồng Quê Hải gấm còn giăng
Ðền ghi ân ngào ngạt nén tâm hương, đá tạo nghìn thu vững núi
Bút chép sử ung dung ngòi chính luận, son pha từng nét đơm hồng
Nay chúng tôi:
Ðón tiết dương xuân
Nhớ ngày kỷ niệm
Ngửa dâng lễ bạc
Cúi trải niềm son
Mơ màng trận thắng Ðống đa, hồn chiến sĩ thơm ly chiều gió mới
Lai láng dòng trong Côn thủy, gương anh hùng sáng đội ánh trăng xưa
Nén tinh thành mong thấu cõi u linh
Cơ huyền diệu sớm xoay thời thịnh thái...
(Văn tế Quang Trung. Bài 2 do thi sĩ Quách Tấn phụng soạn)... Nay chúng tôi
Người Việt năm châu
Tiên rồng một bọc
Noi gương anh hùng lịch sử Việt nam
Nối chí hào kiệt địa linh Bình định
Triệu lòng dâng lễ
Một dạ kính hương
Trong khí thiêng rực rỡ bóng Anh hùng
Theo hương khói uy nghi hình Ðại đế
Linh thiêng chứng giám
(Văn tế Quang Trung, Huy Lực Bùi tiên Khôi sáng tác)... Nay cuộc thế sao nhoà bụi vẩn
Lũ chúng tôi trên ngả ba đường
Ghi ngày giỗ trận
Mơ Bắc Bình vương
Lòng đấy thôn trang hề lòng đây thị trấn
Mười ngả tâm tư hề một nén tâm hương
Ðồng thanh rằng: QUYẾT NOI GƯƠNG!
Ðể một mai bông thắm cỏ xanh rờn
Ca trống trận thôi lay bóng nguyệt
Mừng đất trời gió bụi tan cơn
Chúng ta sẽ không hổ với người xưa
Một trận Ðống đa nghìn thu oanh liệt
Vì ta sau trước lòng kiên quyết
Vàng chẳng hề phai đá chẳng sờn
(Bài ca Bình Bắc của Vũ Hoàng Chương)
Tôi không dám mơ làm người Quang Trung, cầu mong ai đó! Tôi chỉ mong làm người Lý Bạch "đê đầu tư cố hương".
Houston, những ngày cuối năm Mậu Dần
THÁI TẨU
Ðặc san QUANG TRUNG - TÂY SƠN Xuân Kỷ Mão 1999