PHÁT HIỆN TƯ LIỆU VỀ
LỘC XUYÊN ÐẶNG QUÍ ÐỊCH
TƯ LIỆU VỀ MAI XUÂN TÍN
THÂN SINH ANH HÙNG MAI XUÂN THƯỞNG
Mai xuân Tín là người sinh ra Mai Xuân Thưởng. Mai Xuân Thưỏng là một trong những thủ lĩnh Cần vương kiệt liệt nhất của nước ta, từng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp tại tỉnh nhà từ năm 1885 đến giữa năm 1887 bị thất bại thì khẳng khái chọn cái chết để đền nợ nước. Sự nghiệp của Mai anh hùng đã được chép vào quốc sử, tên tuổi người mãi mãi sống trong lòng người dân yêu nước. Nhờ bởi đâu mà nhà anh hùng họ Mai lập nên sự nghiệp để đời? Trong số những yếu tố đã làm nên lịch sử của Mai anh hùng, chắc chắn có ảnh hưởng của người cha là Mai Xuân Tín. Mà muốn tìm xem dấu ấn của người cha trên tư tưởng và hành động của người con thì không thể không nghiên cứu con người, cuộc đời và sự nghiệp của người cha. Ðó là mối bận tâm của nhiều nhà nghiên cứu, trong số có nhà giáo Phan Văn Cảnh, người đang soạn luận án Phó tiến sĩ Sử với đề tài "Phong trào Văn Thân tại Bình định".
Trước đây, tôi với ông Cảnh chưa từng gặp nhau nhưng ông biết tôi qua quyển NHÂN VẬT BÌNH ÐỊNH, tôi biết ông qua bài "Mai Xuân Thưởng bị bắt hay tự nộp mình?" ông cho đăng báo cách đây 8 năm, trong đó ông có nhắc đến tên tôi và sách của tôi, dù không phải nhắc để tán đồng những gì mà tôi đã viết về Mai công. Cách đây vài tháng, ông tìm đến nhà gặp tôi, nhờ tôi phiên dịch một số tư liệu về Mai Xuân Tín mà ông đã chụp hình cách đây 10 năm. Nhìn các tấm hình chụp, hơn một nửa không đọc được chữ vì hình lu quá, tôi bàn với ông, cả tôi và ông nên đến tận nơi hiện có bản gốc những tư liệu này để xin chụp lại.
Chúng tôi đến từ đường họ Mai tại thôn Phú lạc, xã Bình thành huyện Tây sơn đúng vào hôm rằm tháng tư năm Quí Dậu (04-6-1993) nhằm ngày giỗ lần thứ 106 của Cần Vương Nguyên soái Mai công. Sau khi người cháu thừa tự đốt hương cáo với vong linh ông cao là cố Cao Bằng Bố chánh Mai tiên công (húy Xuân Tín), chúng tôi lễ trước bàn thờ Mai tiên công, đồng thời tưởng niệm vong linh Mai nguyên soái, người cháu mở hòm sắc lấy ra từng tư liệu một cho tôi xem rồi cho ông Cảnh chụp hình. Hôm sau về nhà, tôi phải gác lại việc đang làm là biên soạn dở dang tập VĂN TẾ BÌNH ÐỊNH, tập trung công sức nghiên cứu các tư liệu qua những bức ảnh chụp của ông Cảnh, mất đúng một tháng mới sao lại và biên dịch xong. Sau đây tôi xin sơ bộ giới thiệu nội dung từng tư liệu một:
1.- Ðạo sắc đề ngày mùng 8 tháng 9 năm Tự Ðức thứ 9 (05-10-1856), sơ bổ Cử nhân Mai Xuân Tín chức Thừa biện tại ty Qui chế thuộc bộ Công, phẩm Tùng bát (8-2). Sắc viết trên giấy vàng cỡ 0m40 x 0m60, có ấn son cỡ 13cm50 x 13cm50 khắc bốn chữ triện SẮC MỆNH CHI BẢO đóng kèm hàng niên hiệu (dưới chữ ÐỨC).
2.- Tư văn của bộ Lại đề ngày mùng 2 tháng 11 năm Tự Ðức thứ 9 (29-11-1856) cấp cho Mai Xuân Tín được cải bổ hàm Ðiển bạ (phẩm Tùng bát, 8-2) lãnh chức Huấn đạo huyện Hà đông thuộc tỉnh Quảng nam. Tư văn viết trên giấy trắng khổ 0m40 x 0m60, có ấn son cỡ 10cm x 10cm khắc bốn chữ triện Lại Bộ Chi Ấn đóng kèm hàng niên hiệu (dưới chữ NIÊN).
3.- Ðạo sắc đề ngày 18 tháng giêng năm Tự Ðức thứ 11 (03-8-1858) cho Mai Xuân Tín thực thụ chúc Huấn đạo (phẩm Chánh bát, 8-1) huyện Hà đông. Sắc viết trên giấy vàng cùng khổ, có ấn son như đạo số 1.
4.- Ðạo sắc đề ngày mùng 10 tháng 10 năm Tự Ðức thứ 12 (04-11-1859) thăng Mai Xuân Tín hàm Biên tu (phẩm Chánh thất, 7-1), lãnh hàm Kiểm thảo, làm chức Hành tẩu sở Bản chương tại Nội các. Sắc viết trên cùng loại giấy, cùng cỡ, có ấn son như đạo số 1.
5.- Tư văn của bộ Lại đề ngày 18 tháng 11 năm Tự Ðức thứ 13 (23-01-1861) cấp cho Mai Xuân Tín, được giữ nguyên hàm Biên tu, cải lãnh hàm Tu soạn, làm chức Hành tẩu sở Thượng bảo thuộc Nội các, tư văn cùng loại giấy, cỡ giấy, có ấn son như đạo số 2.
6.- Ðạo sắc đề ngày 14 tháng chạp năm Tự Ðức thứ 14 (12-01-1862) phong Mai Xuân Tín chức Tri huyện (phẩm Chánh lục, 6-1) huyện An định (tỉnh Thanh hóa). Sắc viết trên giấy vàng cỡ 0m50 x 1m80 có vân rồng mây, có ấn son như đạo số 1.
7.- Tư văn của bộ Lại đề ngày 19 tháng 7 năm Tự Ðức thứ 13 (14-8-1862) cấp cho Mai Xuân Tín, được giữ nguyên hàm Tri huyện, tạm lãnh chức Tri phủ phủ Quảng hoá (tỉnh Thanh hóa), tư văn cùng loại giấy, khổ giấy, ấn son như đạo số 2.
8.- Tư văn của Ðốc bộ đường tỉnh Thanh hóa đề ngày mùng 10 tháng 8 năm Tự Ðức thứ 15 (03-9-1862) cấp cho Mai Xuân Tín làm bằng để nhận nhiệm vụ quyền Tri phủ nói trên. Tư văn viết trên giấy trắng cỡ 0m40 x 0m58, ở hàng niên hiệu có kiềm ấn son cỡ 6cm x 9cm khắc sáu chữ triện THANH HÓA TỔNG ÐỐC QUAN PHÒNG đóng dưới chữ NIÊN. (Ðến đây ta đã gặp ba từ khác nhau để chỉ ba loại khuôn dấu khác nhau: Ấn vua gọi là BẢO, ấn quan Thượng thư bộ thì gọi là ẤN, ấn quan Tổng đốc thì gọi là QUAN PHÒNG.
9.- Ðạo sắc đề ngày 23 tháng 6 năm Tự Ðức thứ 17 (26-7-1864) cho Mai Xuân Tín thực thụ phẩm Chánh lục (6-1), lãnh chức Viên ngoại lang, coi ty Thù ứng thuộc bộ Lễ. Sắc cùng loại giấy, khổ giấy, ấn son như đạo số 1.
10.- Tư văn của Ðốc bộ đường tỉnh Thanh hóa đề ngày 12 tháng 9 năm Tự Ðức thứ 17 (12-10-1864), cấp phương tiện cho Mai Xuân Tín về kinh nhận chức Viên ngoại lang tại bộ Lễ. Tư văn cùng loại giấy, khổ giấy, ấn son như đạo số 8. Cạnh Tư văn có 7 hàng chữ viết tháu quá, lại bị loe nữa nên rất khó đọc, nội dung ghi lại một cách rất vắn tắt sự có mấy lần Mai Xuân Tín bị phạt (lúc làm Án sát ở Thanh hóa), việc xảy ra sau này không liên quan gì tới Tư văn đang nói ở đây. Bảy hàng chữ này được người khác trích sao từ những văn kiện của bộ Lại, sau khi ông Mai Xuân Tín qua đời, có thể là theo yêu cầu của gia đình người khuất.
11.- Ðạo sắc đề ngày mùng 4 tháng giêng năm Tự Ðức thứ 18 (30-01-1865) phong Mai Xuân Tín hàm Hàn lâm viện Thị độc (phẩm Chánh ngũ, 5-1), lãnh chức Án sát sứ tỉnh Thanh hóa. Sắc cùng loại giấy, khổ giấy, ấn son như đạo số 6.
12.- Tư văn của thự Tổng đốc tỉnh Thanh hóa đề ngày 18 tháng 10 năm Tự Ðức thứ 18 (04-12-1865) cấp phương tiện cho Mai Xuân Tín (vừa thăng hàm Thị giảng Học sĩ phẩm Tùng tứ, 4-2), nhậm chức Bố chánh sứ tỉnh Cao bằng. Tư văn cùng loại giấy, khổ giấy, ấn son như đạo số 8.
13.- Bản sao tờ phi trình đề ngày 26 tháng 5 năm Tự Ðức thứ 19 (01-7-1866) của viên quan họ Lê, lãnh chức Lãnh binh tỉnh Cao bằng, Trình gấp về việc lãnh Bố chánh Cao bằng là Mai Xuân Tín bị bệnh vừa chết, khẩn khoản xin triều đình khẩn cấp cử người đến thay thế quan Bố họ Mai mới thất lộc. Bản sao trên nửa tờ bắc đại, cùng tờ, và nối theo tư liệu số 15.
14.- Ðạo sắc đề ngày 18 tháng 6 năm Tự Ðức thứ 19 (29-7-19-1866), truy tặng cố Mai Xuân Tín chức Án sát sứ (phẩm Chánh tứ, 4-1) tỉnh Cao bằng. Sắc cùng loại giấy có vân rồng mây, khổ giấy và ấn son như đạo số 6.
15.- Bản sao tờ sớ của bộ Lại đề ngày 18 tháng 6 năm Tự Ðức thứ 19 (29-7-1866), phúc tấu về việc xét cấp tiền tuất cho nguyên lãnh Cao bằng Bố chánh sứ Mai Xuân Tín đã qua đời. Bản sao trên tờ rưỡi giấy bắc đại, có khá nhiều chữ viết tháu rất khó nhận.
16.- Bản sao tờ trình đề ngày 28 tháng 6 năm Tự Ðức thứ 19 (08-8-1866) của quan họ Nguyễn, lãnh chức Án sát sứ kiêm cầm ấn triện Bố chánh sứ tỉnh Cao bằng, trình về bộ cách sắp đặt để hộ tống quan cữu cố Bố chánh Mai Xuân Tín từ tỉnh Cao bằng về tỉnh Bình định, giao cho vợ con người mất, an táng tại nguyên quán. Bản sao trên giấy bắc đại.
17.- Ðạo sắc đề ngày mùng 10 tháng 5 năm Tự Ðức thứ 22 (19-6-1869) truy tặng cố Mai Văn Diên, thân phụ cố Cao bằng Bố chánh Mai Xuân Tín, hàm Hàn lâm viện Thị giảng (phẩm Tùng ngũ, 5-2). Sắc cùng loại giấy có vân rồng mây, khổ giấy, ấn son như đạo số 6.
18.- Ðạo sắc đề ngày mùng 10 tháng 5 năm Tự Ðức thứ 22 (19-6-1869), phong bà Bùi thị Tùng, thân mẫụ cố Cao bằng Bố chánh Mai Xuân Tín, hàm Tùng ngũ phẩm Nghi nhân. Sắc cùng loại giấy có vân rồng mây, khổ giấy, ấn son như đạo số 6.
Tôi đã phiên dịch xong 18 tư liệu kể trên, lập xong phổ hệ 4 đời họ Mai ở thôn Phú lạc cùng bản Niên biểu Mai Xuân Tín, viết thêm bài "Mai Xuân Tín qua tư liệu thành văn cùng chuyện xưa truyền miệng" rồi sắp xếp thành quyển sách MAI XUÂN TÍN TƯ LIỆU. Sau đây tôi xin sao lục và phiên dịch một trong 18 tư liệu vừa nói để sơ bộ giới thiệu với bạn đọc.
TƯ LIỆU 14:
PHIÊN ÂM
Thùa thiên hưng vận
Hoàng đế chế viết:
Trẫm duy:
Thần tử sự quân chi tiết, nghĩa địch phỉ cung;
Quốc gia tưởng thiện chi di, ân thôi điệu vãng.
Cố, thự Hàn lâm viện Học sĩ, lãnh Cao bằng Bố chánh sứ Mai Xuân Tín:
Nho khoa trạc tú
Nghệ phố tiêu anh.
Lịch thí dân dung, nhã phụ thừa tuyên chi dự;
Xuất ưng phiên khổn, cửu kiêm tiễu phủ chi năng.
Kiến mao phương ký phu công Văn khánh thúc thôi hà cảm.
Tư đặc truy tặng vi Trung thuận Ðại phu, Cao bằng AÙn sát, thụy Ðoan Cẩn.
Tích chi cáo mệnh.
Ô hô!
Huy chương hữu diệu, thức dương tuyền nhưỡng chi quang;
Chánh khí như tồn, vĩnh tác sơn hà chi tráng!
Khâm đai!
Tự Ðức (SẮC MỆNH CHI BẢO) thập cửu niên lục nguyệt thập bát nhật.
DỊCH NGHĨA
Vâng mệnh trời hưng vận nước
Hoàng đế ban chế rằng:
Trẫm nghĩ:
Kẻ làm tôi thờ vua có tiết tháo, vì nghĩa mà tiến lên thì chẳng kể gì thân mình;
Nhà nước có phép tưởng lệ người làm điều tốt thì cũng thương xót mà chiếu cố đến những người có công đã qua đời bằng cách ban ơn cho họ. Như viên Thị giảng Học sĩ Viện Hán lâm, lãnh chức Bố chánh sứ tỉnh Cao bằng là Mai Xuân Tín đã quá cố:
Là người xuất thân từ khoa cử, tài đức tót vời;
Có cái vẻ anh tú xứng đáng làm tiêu biểu cho làng Nho.
Từng nếm trải nỗi khổ cực với dân chúng, vâng mệnh trẫm mà tuyên dương đức ý một cách vẻ vang;
Ra nơi biên giới làm việc hành chánh đã lâu ngày, còn ra sức đánh dẹp giặc cướp để vỗ an dân chúng.
Dựng cờ mao, mong mỏi lập nên công lớn;
Giờ nghe tiếng khánh, lòng chợt bồi hồi cảm xúc xa xôi.
Nay đậc biệt truy tặng làm Trung thuận Ðại phu, AÙn sát sứ (chánh Tứ phẩm, 4-1) tỉnh Cao bằng, đật tên thụy là Ðoan Cẩn. Vì vậy, ban cho cáo mệnh này.
Hỡi ôi!
Huy chương sáng đẹp, nghi thức tuyên dương nầy khiến người ở cõi âm cũng vẻ vang;
Chánh khí như còn, hãy giúp cho nước nhà luôn luôn vững mạnh.
Kính vậy thay!
Niên hiệu Tự Ðức thứ 19, tháng 6, ngày 18 (29-7-1866). (Có dấu ấn son SẮC MỆNH CHI BẢO đóng kèm hàng niên hiệu, dưới chữ Ðức).
Với những tư liệu nói trên, cộng thêm với những lời truyền trong dòng họ Mai Phú lạc, ta có thể vẽ phác chân dung Mai Xuân Tín, một người "nho khoa trạc tú, nghệ phố tiêu anh" có chí hướng "kiến mao phương ký phu công" như lời sắc vua Tự Ðức truy tặng ông cũng đủ để cho ông lưu danh thiên cổ.
Hai người con trai của ông, Mai Xuân Thưởng và Mai Xuân Quang, lúc ông mất thì người anh mới lên 6, người em chưa thôi nôi, cả hai tuy chưa trực tiếp chịu sự giáo huấn ở ông nhưng nhờ có bà mẹ hiền đức như mẹ thầy Mạnh Tử nuôi dạy mà biết noi gương cha, tiếp nối chí hướng của cha, trở thành những bậc anh hùng xả thân vì nước.Ông đã "không thẹn vì đã sanh được những người con xứng đáng" nên được "khen ngợi đời đời" vậy.
Hoài Ðức tháng 7-1993
Lộc Xuyên ÐẶNG QUÍ ÐỊCH
Ðặc san TÂY SƠN Xuân Bính Tý 1966
.
.
TƯ LIỆU VỀ ÐÀO
DOÃN ÐỊCH
THỦ LÃNH CẦN VƯƠNG BÌNH ÐỊNH
Ðào Doãn Ðịch là người đầu tiên phát động Phong trào Cần vương tạ Bình định, ông cũng là vị chỉ huy đầu tiên của đạo binh Cần vương tại tỉnh này. Tiếc thay, trong trận đánh đầu tiên với giặc Pháp ở Cần Úc (Tuy phước), ông bị thương nặng rồi chết ngay trong giai đoạn đầu của Phong trào nên những "lời truyền" về ông chẳng có là bao. Tôi nói "lời truyền" bởi lẽ từ năm 1963 sưu tầm tư liệu để soạn quyển NHÂN VẬT BÌNH ÐỊNH, tôi cũng chỉ nghe kể lại chứ không hề thấy văn tự làm chứng.
May thay cách đây mười năm, ông Phan Văn Cảnh (hiện nay là giảng viên trường Ðại học Sư phạm Qui nhơn) đã gặp tại từ đường họ Ðào ở Phú mỹ, xã Bình phú, huyện Tây sơn (Bình khê cũ) quyển Gia phả họ Ðào bằng quốc ngữ và đạo sắc vua Hàm Nghi phong cho ông Ðào Doãn Ðịch hàm Hồng lô tự Thiếu khanh sung chức Kiểm biện Kỳ Võ doanh. Tuy đã xin phép người trong họ Ðào mà trích sao gia phả cùng chụp hình đạo sắc duy nhất vừa nói. Cách đây hai năm, ông mang những tư liệu trên đến tệ xá gặp tôi, nhờ tôi phiên dịch đạo sắc để ông dùng tham khảo mà soạn luận án Phó tiến sĩ Sử với đề tài "Phong trào Văn thân tại Bình định". Tôi đã phiên dịch xong đạo sắc, đã gởi cho ông Cảnh từ lâu, nay công bố ra đây để giúp những ai quan tâm đến nhân vật lịch sử này sẽ rút ngắn đoạn đường tìm hiểu.
Quyển Gia phả họ Ðào theo lời ông Cảnh thuật lại lời người trong họ Ðào là một phần được dịch từ cựu phổ bằng chữ Hán, phần còn lại tục biên bằng quốc ngữ đều do người trong họ là Ðào Tăng Ðĩnh ở Nha trang chấp bút, phả thành ngày 16-10-1961. Ông Cảnh ghi:"Họ Ðào chia làm 3 cánh lớn:
1.- Chính phái: Gò bồi, có Từ đường tại thôn Tùng giản, Phước hòa, Tuy phước (nhà Xã Năm).
2.- Thứ phái: Phú phong, từ đường tại Phú mỹ, Bình phú, Tây sơn.
3.- Thứ phái: Gò găng, từ đường tại Phú thành, Nhơn thành, An nhơn.
Gia phả chép từ đời thứ nhất đến đời thứ 13. Ông Ðào Doãn Ðịch thuộc đời thứ 11.
Và sau đây là phần trích Gia phả:
"Ðào Tăng Sát (tự Doãn Ðịch) (hiệu Cao Mô) (1833-1885).
Sinh năm Quí Tị (1883).
Mất ngày 20 tháng 9 năm Ất Dậu (1885).
Mộ phần: Phú phong, xứ Hóc giờ.
Ðời Tự Ðức, đậu Tú tài năm Mậu Dần (1878).
Thưởng thọ Hàn lâm Trước tác, sau thăng Hồng lô tự Thiếu khanh.
Cha là Ðào Tăng Sở.
Tăng Sát năm 45 tuổi đỗ Tú tài, là người khảng khái cương trực...
Ðời Hàm Nghi, thăng Hồng lô tự Thiếu khanh, cáo thọ Phụng nghị Ðại phu, sung Kiểm biện Kỳ Võ doanh.
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương, chạy về Bình định phối hợp với quan tỉnh chiếm giữ thành Bình định làm căn cứ chống Pháp... Phối hợp quân triều đình chặn đánh Pháp tại Cần Úc (Tuy phước), đại bại, bị thương nặng, rút về đóng tại Văn chỉ (Nhơn phước, An nhơn). Quân Pháp đuổi theo. Ông đem binh về đóng tại xứ An khê lập thôn Chí công, trù tính kế hoạch lâu dài. Vì bị thương nặng nên trao binh quyền cho Mai Xuân Thưởng, sau chết tại An khê".
Sau đây tôi xin phiên âm và dịch nghĩa đạo sắc nói trên.
PHIÊN ÂM
Phụng thiên thừa vận
Hoàng đế chế viết:
Trẫm duy:
Lập chánh dụng nhân, nghi cử khảo công chi điển;
Lượng tài định vị, dụng tinh trị sự chi năng.
Tư nhĩ Trước tác sung Long võ doanh Kiểm biện Ðào Doãn Ðịch:
Văn học túc quan,
Tài khí khả thư.
Hữu du hữu vi hữu thủ, chánh thuật du nghi;
Viết thanh viết thận viết cần, quan châm thị địch.
Cán mẫn tuân kham để tích,
Tiến dương nghi giản tại đình
Tư đặc thăng thụ Phụng nghị Ðại phu, Hồng lô tự Thiếu khanh, sung các bảo, tịnh Kỳ Võ doanh Kiểm biện. Tích chi cáo mệnh.
Thượng kỳ:
Vô khoáng quyết tư, miễn hàm cần ư xu sự:
Thức khâm thành mệnh, vĩnh vô dịch ư thừa hưu.
Khâm tai.
Hàm Nghi (SẮC MỆNH CHI BẢO) nguyên niên tam nguyệt thập thất nhật.
DỊCH NGHĨA:
Phụng mệnh trời, thừa tiếp vận nước
Hoàng đế ban chế rằng:
Trẫm nghĩ:
Dùng người làm việc chính trị thì điển chế đã qui định chọn lấy người có công,
Lường tài năng mà trao chức vụ thì lấy người đã có thành tích trong lúc làm việc.
Như ngươi, Ðào Doãn Ðịch, hàm Hàn lâm viện Trước tác (Chánh lục phẩm, 6-1), sung chức Kiểm biện quân doanh Long võ, (là người):
Văn chương, học vấn đủ làm gương,
Có tài năng, đáng chọn làm khí cụ của nhà nước.
Có mưu trí, biết làm biết giữ là hội đủ yếu tố của thuật làm chánh trị; Bảo rằng thanh liêm, cẩn thận, chuyên cần là phương châm của kẻ làm việc nước thì người đã tiến bộ nhiều.
Ðảm đang, sáng suốt, tin tưởng, chịu đựng để đạt được công tích; Nên triều đình đã chọn ngươi mà tiến dẫn để biểu dương.
Nay đặc cách thăng ngươi làm Phụng nghị Ðại phu hàm Hồng lô tự Thiếu khanh (Chánh ngũ phẩm, 5-1), vào trong Các hộ vệ trẫm, kiêm chức Kiểm biện quân doanh Kỳ Võ. Nên ban cho cáo mệnh này.
Ngươi hãy tỏ ra:
Không thiếu sót bổn phận mà cố gắng siêng năng làm phận sự.
Cung kính tuân theo mệnh lệnh của Trẫm đã ban hành, không được xao lãng, kể cả lúc nghỉ ngơi.
Kính vậy thay!
Niên hiệu Hàm Nghi năm đầu, tháng 3, ngày 17 (30-4-1885)
(Có ấn SẮC MỆNH CHI BẢO đóng kèm hàng niên hiệu, dưới chữ Nghi).
Qua hai tư liệu trên, ta đã có cơ sở để xác định năm sinh, năm mất, năm thi đỗ, quan hàm chức vụ cuối cùng trước khi ứng nghĩa của thủ lãnh Cần vương Ðào Doãn Ðịch. Tưởng cũng nên nói thêm về điểm ông xuất thân từ chân Tú tài và điểm ông được "lời truyền" xưng là Tổng đốc.Về điểm thứ nhất, thông thường có đỗ Cử nhân mới được bổ làm quan. Tuy nhiên, vì nhu cầu nhân sự mà vào tháng 5 năm Tự Ðức thứ 14, Tân Dậu (1861), triều đình có định lệ sát hạch Tú tài 40 tuổi trở lên lấy đỗ bổ làm quan, hàm lúc sơ bổ là Chánh cửu phẩm, hàm cuối cùng của hạng này (chỉ hàm) là Chánh ngũ phẩm. Từ ấy về sau thành lệ nhưng không nhất thiết là cứ ba năm một lần như thi Hương mà chỉ tổ chức sát hạch (tại bộ Lễ) vào lúc nào triều đình xét thấy cần.
Ông Ðào Doãn Ðịch chỉ đỗ có Tú tài như Gia phả chép là đúng, bởi lẽ đọc "Hương Khoa Lục" (sách chép những người đỗ Cử nhân ở nước ta dưới triều Nguyễn Gia Miêu) không thấy có tên ông. Vả lại, trong một bài vè "Sát Tả" của người thời bấy giờ đứng ở phía đối lập với Văn thân, có câu "Tú Ðịch về là Thuyết sai vô" tức cũng nói ông chỉ đỗ có Tú tài. Ðỗ Tú tài mà được làm quan thì nhất định phải trúng tuyển trong một kỳ sát hạch. Ông dự kỳ sát hạch này vào năm nào? Ðược bổ dụng vào năm nào? Sơ bổ hàm gì, chức gì trong phẩm Chánh cửu? Ðáng tiếc Gia phả không cho biết và có lẽ ông Ðào Tăng Ðĩnh cũng không biết nên không nói tới. Cứ cho là ông trúng kỳ sát hạch và được làm quan ngay trong năm đỗ Tú tài, 1878, thì cho đến năm 1885 ông đã kinh qua 9 phẩm vừa chánh vừa tùng để từ phẩm Chánh cửu lên phẩm Chánh lục thăng lên phẩm Chánh ngũ, bỏ qua phẩm Tùng ngũ. Trước sự kiện này cho phép tôi đoán rằng ông có khả năng về quân sự, trong thời kỳ làm quan, tuy quan hàm văn giai mà phục vụ trong các tổ chức của quân đội, chắc chắn có quân công chống phỉ và chống Pháp ở Bắc kỳ, và cũng có thể có lúc phục vụ dưới trướng quan Phụ chánh Ðại thần Tôn Thất Thuyết và được quan tin dùng. Cứ xem việc ông được cử giữ chức Kiểm biện quân doanh Long Võ rồi Kỳ Võ thì đủ biết. Doanh (hoặc dinh) là đơn vị lớn nhất trong quân đội thời bấy giờ. Chức Kiểm biện ngoài chức năng kiểm tra đôn đốc tại quân doanh còn là người của ông Thuyết đặt cạnh viên tướng lĩnh chỉ huy quân doanh để giám sát viên này. Cho nên ông được ông Thuyết tin cậy mà cử vào Bình định.
Về điểm thứ hai, câu vè nói: "Tú Ðịch về là Thuyết sai vô". Ðúng là ông nhận lệnh của Tôn Thất Thuyết mà về Bình định, nhưng không về với tay không mà với tờ chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi ban hành tại Quảng trị khoảng tháng 5 năm Ất Dậu (1885) và với sứ mệnh tổ chức kháng Pháp tại đây. Cho nên ông được các quan tỉnh nộp thành mà chịu mệnh điều khiển. Phải chăng vì vậy mà chiến sĩ và đồng bào theo nghĩa Cần vương đã gọi tôn ông là Tổng đốc, mặc dù quan hàm ông lúc bấy giờ còn cách hàm Tổng đốc phẩm Chánh nhị những sáu phẩm vừa chánh vừa tùng? Với sự phát hiện đạo sắc này, tưởng nên gọi ông là cụ Hường Ðào cho được chính danh. Và, với hai tư liệu trên tuy quí (nhất là đạo sắc đáng gọi là bảo vật chẳng những của dòng họ mà còn là của chung của dân tộc) nhưng chưa đủ.
Một nhân vật lịch sử như Ðào Doãn Ðịch, người đầu tiên phất cờ Cần vương kháng Pháp tại tỉnh ta, chẳng những có từ lực hấp dẫn các nhà khoa bảng quan lại lúc bấy giờ có tầm cỡ như quan án Nguyễn Duy Cung (người Quảng ngãi), quan Tư vụ Nguyễn Trọng Trì (người An nhơn - Bình định) v.v... hăng hái theo nghĩa Cần vương và trung thành cho tới chết mà còn có huệ nhãn nhận biết tâm huyết và tài năng ở trang thanh niên anh hùng Mai Xuân Thưởng mà giao binh quyền. Nên nhớ Mai anh hùng lúc bấy giờ mới 25 tuổi, tuy vừa mới đỗ Cử nhân nhưng trong làng Nho chưa có tiếng tăm gì. Có thể nói nếu không có cụ Hường Ðào sáng suốt "thức tướng ư phong trần chi nội" (biết tướng tài giữa lúc trần ai) thì vị tất đã có Nguyên soái họ Mai làm nên những trang sử chống ngoại xâm vẻ vang cho dân tộc.
Cho nên viết lịch sử Phong trào Cần vương tại Bình định người đầu tiên được đề cập tới phải là quan Hường Ðào Doãn Ðịch. Mà lịch sử quan Hường Ðào thì qua hai tư liệu trên sẽ có biết bao vấn đề đặt ra, chẳng hạn như: Tuy Ðào Doãn Ðịch hay tiên thế ông đã từ Tùng giản (Tuy phước) thiên cư lên Phú mỹ (Bình khê cũ) từ bao giờ? Vì sao phải thiên cư và thiên cư như thế có ảnh hưởng gì tới Phong trào Cần vương do ông khởi dấy sau này chăng? Buổi niên thiếu, cuộc đời làm quan, những ngày khởi nghĩa, trận đánh đầu tiên, hành trình bại tẩu từ Cần Úc - Văn chỉ tỉnh - An khê, căn cứ An khê, những ngày cuối đời của cụ Hường v.v... chẳng lẽ không còn ai biết gì thêm ngoài vài câu sơ lược như gia phả chép sao? Muốn vậy phải tìm tận nơi, hỏi tận chỗ may ra sẽ có thu hoạch. Anh bạn trẻ Phan Văn Cảnh và những người tìm hiểu lịch sử hiện nay có nhiều thuận lợi hơn tôi 30 năm trước đây, nhất định sẽ làm được việc. Tôi tin và mong được như thế.
Lộc Xuyên ÐẶNG QUÍ ÐỊCH
Ðặc san TÂY SƠN Xuân Bính Tý 1966