Văn Thơ Nôm |
|
.
Văn tế Phò Mã Chưởng Hậu Quân Võ Tánh
và Lễ Bộ Thượng Thư Ngô Tùng Châu
của ÐẶNG ÐỨC SIÊU
Ðạo thần tử hết lòng phò chúa, gian nan từng trải dạ trung thành;
Ðấng anh hùng vì nước quên mình, điên bát chẳng lay lòng trung nghĩa.
Ngọc dầu tan, vẻ trắng nào phai,
Trúc dẫu cháy, tiết ngay vân đểNhớ hai người xưa,
Thao lược ấy tài
Kinh luân là chí.
Phò vạc Hớn thuở ngôi trời chích lịch, chém gai đuổi lũ hung tàn;
Vết xe Ðường khi thế nước chông chênh, cầm bút ra tay kinh tế.
Mỗi nghĩa sánh duyên gác tía, bước gian truân từng cậy dạ khuông phò;
Màn kinh giúp sức cung xanh, công mông dưỡng đã đành lòng ủy ký.
Hậu quân thuở trao quờn tứ trụ, ân oai trên dưới đều phu;
Lễ Bộ phen giúp việc chính khanh, trung ai sớm khuya chẳng trễ
Ngoài cõi vút nanh ra sức, chí tiêm cừu đành dãi xuống ba quân;
Trong thành lòng dạ chia lo, bể ưu quốc đã thấu lên chín bệ.
Miền biên cổn đôi năm chia sức giặc, vững lòng tôi bao quản thế là nguy;
Cõi Phú Xuân một trận thét oai trời, nặng việc nước phải lấy mình làm nhẹ.
Sửa áo mão lạy về Bắc khuyết, ngọn quang minh hun hút tấm trung cang;
Chỉ non sông, giả với cô thành, chén tân khổ nhắp ngon mùi chánh khí.
Há rằng ngại một phen chỉ thạch , giải trùng vây mà tìm tới quân vương,
Bởi vì thương muôn mạng tì hưu, thà nhứt tử để cho toàn tướng sĩ.
Tiếng hiệu lịnh mơ màng trước gió, ân tín xưa người bộ khúc thương tâm.
Bóng tinh trung thấp thoáng dưới đèn, phong nghi cũ kẻ liêu bằng sái lệ.
Cơ đăng định kíp chầy đành hẹn buổi, xót nỗi tướng doanh sao vắng mặt thân huân;
Phận truy tùy gang tấc cũng đền công, tiếc vì nhung mạc bỗng thiệt tay trung trí.Nay gặp tiết thu, bày tuần quí tẻ
Ðôi chữ cang thường nghĩa nặng, rõ cồn huê cũng thời chốn u minh;
Ngàn thu quang nhạc khí thiêng, sắp mao việt mở nền bình trị.
Có linh xin chứng !
PHỤ CHÚ:
VÕ TÁNH
Một công thần và cũng là danh tướng đời nhà Nguyễn. Tổ tiên trước ở xã Phước An, tổng Thành Tuy Hạ, tỉnh Biên Hòa, sau lại dời về huyện Bình Dương, tỉnh Gia Ðịnh. Vì không chịu thần phục Tây Sơn, ông cùng với người anh là Võ Nhà phất cờ khởi nghĩa tại thôn Vườn Trầu thuộc Gia Ðịnh, rồi kéo quân chiếm giữ cả vùng Gò Công. Nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của Võ Tánh có đến hàng vạn người, chia làm 5 đoàn, được đặt là đạo quân "Kiến Hòa".
Ông tự xưng là Tổng Nhung. Ðương thời, ông cùng với Ðỗ Thành Nhân và Châu Văn Tiếp được mọi người gọi là Gia Ðịnh Tam Hùng. Theo về với Nguyễn Vương từ năm 1788, ông được phong làm Tiên Phong Dinh Khâm Sai Chưởng Cơ. Nguyễn Vương lại gả người em gái tên là Ngọc Du công chúa cho ông. Thuộc tướng của Võ Tánh như Võ Văn Lương, Nguyễn Văn Hiếu, Mạc Văn Tô, Trần Văn Tín đều được phong chức Cai cơ. Từ buổi đầu Võ Tánh đã giúp cho Nguyễn Vương lập nhiều công trận, đuổi được tướng Tây Sơn là Thái Bảo Phạm Văn Tham, khiến Tham phải đầu hàng vào năm 1789. Ông đã cùng với tướng Lê Văn Câu (có bản chép là Lê Văn Quân) đánh bại tướng Tây Sơn là Ðào Văn Hổ đoạt được thành Diên Khánh, vào năm 1790. Năm 1793, khi Nguyễn Vương đem quân đánh Qui Nhơn, Võ Tánh được thăng chức Khâm Sai Quản Suất Hậu Quân Dinh Bình Tây Tham Thăng Tướng Quân Hộ Giá. Ông được cử trấn thủ thành Diên Khánh, Võ Tánh dùng mưu đánh đuổI được quân Tây Sơn đến vây thành, vào năm 1794. Sau đó ông được lệnh trao quyền cho tướng Tôn Thất Hội để đưa quân về Gia Ðịnh và được phong tước Quận Công kiêm lãnh chức Ðại Tướng Quân.
Năm 1797, ông theo Nguyễn Vương ra đánh Quảng Nam. Tại cửa Ðại Chiêm (tục gọi là Cửa Ðại), ông thắng được tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Ngụ, quân Tây Sơn kéo về hàng rất đông. Thừa thắng, ông vượt qua sông Mỹ Khê (Quảng Ngãi) đánh bại Ðô Ðốc Tây Sơn là Nguyễn Văn Giáp. Sau đó ông lại theo Nguyễn Vương về Gia Ðịnh. Năm 1799, ông lại theo Nguyễn Vương ra Qui Nhơn lần nữa. Vào cửa bể Thị Nại, Võ Tánh và Chưởng Hữu Quân Nguyễn Huỳnh Ðức đóng quân ở làng Phú Trung. Thắng quân Tây Sơn tại Thị Giả, rồi tại cầu Tân An, giết được Ðô Ðốc Tây Sơn là Nguyễn Thiệt. Ðô Ðốc Lê Chất xin hàng, làm thuộc tướng của Võ Tánh. Ông chận đánh quân của Thái Phó Tây Sơn là Lê Văn Ưng tại làng Kha Ðạo, bắt được 6000 quân địch và 50 thớt voi. Các tướng Tây Sơn là Lê Văn Thanh và Nguyễn Ðại Phát phải mở cửa thành Qui Nhơn xin hàng. Thành Qui Nhơn được đổi tên là Bình Ðịnh thành.
Khi quân Nguyễn Vương rút về Gia Ðịnh, giao thành cho Hậu Quân Võ Tánh và Lễ Bộ Tham Tri Ngô Tùng Châu ở lại lo việc phòng thủ. Chẳng bao lâu, đại quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy của Thái Phó Trần Quang Diệu và Ðại Tư Ðồ Võ Văn Dũng đến vây thành, Võ Tánh một mặt cố thủ, một mặt sai tướng Lê Chất về Gia Ðịnh cấp báo cho Nguyễn Vương rõ biết tình hình . Nguyễn Vương đưa binh ra giải cứu không nổi, cuộc bao vây mãi kéo dài đến 14 tháng. Trong lúc cầm cự giữ chủ lực của Tây Sơn tại thành Bình Ðịnh, Võ Tánh đã giúp Nguyễn Vương cơ hội đánh lấy thành Phú Xuân rất dễ dàng. Về sau, bị vây hãm quá gắt, trong thành binh sĩ thiếu lương thực rất nguy ngập. Có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây thoát nguy, nhưng ông cương quyết ở lại và tuyên bố: Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy Chúa thượng? Ông liền cho người trao cho tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu một bức thư, đại ý nói: Phận sự làm chủ tướng đành chịu chết dưới cờ không quản ngại, chỉ xin tha chết cho binh sĩ vô tội trong thành . Ông sai thuộc hạ lấy rơm cỏ chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào rồi châm ngòi hỏa thiêu tự tận. Quan Hiệp Trấn là Ngô Tùng Châu đã dùng độc dược quyên sinh trước đó. Võ Tánh tuẫn tiết vào ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức nhằm ngày 7 tháng 7 năm 1801.Khi chiếm được thành, tướng Trần Quang Diệu vô cùng xúc động trước lòng trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, sai người tẫm liệm thi hài tử tế, rồi y theo lời yêu cầu của Võ Tánh, đối với các tướng và binh sĩ của nhà Nguyễn đều không làm tội hay giết hại một ai.
Sau khi lên ngôi vua, Gia Long nghĩ đến công ơn của Võ Tánh liền cho lập đền thờ ở nền cũ tại lầu Bát Giác, cho người đưa di cốt về chôn tại Phú Nhuận (Gia Ðịnh) và truy tặng hàm Dực Vận Công Thần, Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Trụ Quốc Uy, Gia Tước Quận Công, thụy là Thái Trung Liệt. Ðời vua Minh Mạng lại truy phong tước Hoài Quốc Công . Ðối với cái chết anh dũng của Võ Tánh, nhân dân Bình Ðịnh đã lưu truyền câu hát dưới đây:
Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên
Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm !
ÔNG TÚ GIẢI VỚI BÀI
VĂN TẾ MẸ
Ông Trần Hữu Phùng, tự Trọng Giải, hiệu Hương Tiều, người thôn Cảnh Vân, huyện Tuy Phước. Sinh năm Giáp Thân (1884) đời Tự Ðức. Là con thứ của ông tú Trần Hữu Nham, là học trò mà cũng là rể của ông Ðốc Bả Canh Á nguyên Bùi Tuyển. Ðỗ tú tài khoa Ất Mão (1916) tại trường thi Bình Ðịnh với vị thứ 17. Tuy chân tú tài nhưng đỗ cao nên được bổ Bang tá Pleiku, ông không nhận mà chỉ tiếp tục làm Hương sư tại Cảnh Vân như trước khi thi đỗ, vừa dạy học vừa tiện bề phụng dưỡng mẹ già. Năm Canh Ngọ (1930), làm hội phó Phước An thương hội. Năm Giáp Tuất (1934) làm trưởng ban cứu tế, đem đoàn hát bội lưu diễn khắp tỉnh lấy tiền cứu trợ nạn nhân bị bão lụt ở các tỉnh bắc Trung kỳ. Nhờ công tác này được tỉnh đề nghị thưởng hàm Hàn Lâm Tu Soạn làm tri huyện Tân An nhưng ông từ chối và nhường phẩm hàm cho người phụ tá. Năm Ất Hợi (1935) có vào Sài gòn làm báo Từ Bi Âm với Hoà thượng Bích Liên thấy không hợp nên bỏ về. Năm Bính Tí (1936) được bầu làm hội viên Hội đồng Quản hạt tỉnh Bình định nhưng thấy những kiến nghị của mình nhằm cải thiện dân sinh không được chính quyền nghe theo nên làm được mấy tháng thì từ chức. Cuối năm này ông ra Quảng ngãi xuất gia nơi Hoà thượng Thiên Ấn rồi quay về lập chùa Hương sơn tại núi Thơm, ở đó tu hành đến mãn đời với pháp hiệu Trí Thủy Ðại Sư. Ông mất ngày mùng mười tháng 10 năm Bính Tuất (1963) thọ 63 tuổi.
Ông bình sinh trước tác khá nhiều nhưng tác phẩm bị thiêu hủy trong chiến tranh. Hiện con ông là Trần Bùi Thao mới sưu tập được một số câu đối, thơ văn bằng chữ Hán, thơ chữ Nôm, đặc biệt còn được một bài văn tế hiệp tế bằng chữ Hán và chín bài văn tế bằng chữ Nôm làm cho ông, cho anh em bà con trong họ tế người thân qua đời. Sau đây xin mời bạn đọc một trong chín bài văn tế bằng chữ Nôm còn sót lại của ông.
VĂN TẾ MẸ
Hỡi ôi!
Núi Dĩ (1) trăng chênh,
Nhà huyên (2) bóng xế.
Ngậm ngùi chi xiết tình con,
Thảm thiết no nao dáng mẹ!
Nhớ mẹ xưa:
Ðáng bực trâm thoa (3)
Vốn dòng thế hệ (4)
Theo cha về xứ Cảnh Vân
Quê mẹ vốn làng Luật Lễ.
Nết ăn ở một lòng hòa thuận, trẻ cũng mến già cũng yêu
Ơn sanh thành bảy độ cù lao (5), gái nên hình trai nên thể
Cha sớm chơi miền tiên cảnh, chỉ non thề biển, tình vợ chồng mà nghĩa khắn vợ chồng;
Mẹ nay cầm vững gia cang, kén lứa lựa đôi, con dâu rể mà cháu thêm dâu rể.
Nhỏ con dại con hoang con đãng, ra tuồng bất cú (6) nhiều khi mẹ đánh mẹ la;
Lớn con khôn con học con hành, đặng chữ thành danh, lắm lúc mẹ yêu mẹ nể.
Những tưởng già đương chẵm hẵm, sống dư trăm tuổi vui lên cõi thọ lâu dài;
Nào hay bệnh nhiễm hao mòn, tác ngoại bảy tuần (7) vội tách cung trăng quạnh quẽ.
Ôi thôi thôi!
Tuyết ủ màn hoa,
Sương sa lá hẹ.
Thảm lúc canh gà,
Sầu nghe tiếng dế.
Tiệc hạ thọ (8) con tính làm cho tợ mặt, ngõ kính dâng rượu cúc đào tiên;
Khúc bi thu (9) trời nỡ dục bên tai, xui luống chịu đầu tang tóc chế.
Mấy bữa trước con về hầu chuyện, nào khuyên con nào nhủ cháu, lời dạy răn dưới gối rất đành rành;
Bỗng hôm nay mẹ đã chầu trời, khi ra cữ, lúc dạo vườn, nết đi đứng bên thềm đà vắng vẻ.
Nhớ lời dặn trong cơn bịnh, mẹ cũng muốn sống cùng con;
Vì ngặt mình đương lúc trung thu, bà nỡ vội lìa với trẻ.
Bóng tiếu tượng (10) vẽ in như mẹ, những tay những chân những mày những mặt, hình dung xem hỡi còn đây;
Cảnh gia đình để lại cho con, nào đất nào ruộng nào vườn nào nhà, công đức mẹ nghĩ sao xiết kể.
Lễ bạc tình con gọi chút, kính dâng một nén hương trầm;
Suối vàng hồn mẹ có linh, xin hưởng ba chung rượu lễ.
Bài văn viết xong, trước khi đọc trong lễ thành phục mẹ, ông Tú Giải có trình cho cụ Biểu Xuyên xem. Cụ khen: "Anh Tú Cảnh Vân là người ưa khoái hoạt mà làm văn ai rất hay. Cái hay của anh ít người bì kịp là không cầu kỳ, không chải chuốt, ít dùng điển tích, chỉ bằng lời lẽ bình dị mà diễn tả nhẹ nhàng và trôi chảy, khiến ta mới đọc lên tưởng là tác giả chẳng tốn mấy công phu, nhưng khi so hai vế thì đối chọi rất chỉnh và rất tự nhiên. Có được cái lời tự nhiên là nhờ uẩn súc cái tình rất thật. Cái đẹp ngoài bì khiến ta chú ý, cái lành nội chất làm ta ngẫm nghĩ, càng chú ý càng ngẫm nghĩ nên càng đọc càng thấy hay!"
Lời bình của cụ Biểu Xuyên cũng đúng với tám bài văn tế khác bằng chữ Nôm của ông Tú còn để lại.
CHÚ THÍCH:
(1) Núi Dĩ: Dĩ là từ chỉ hòn núi trọc. Kinh Thi có câu: "Trắc bỉ dĩ hề, chiêm vọng mẫu hề" (Trèo lên núi Dĩ chừ, nhìn ngóng mẹ chừ). Sau Dĩ thành từ trỏ mẹ. Trắc Dĩ nhằm nói thương nhớ mẹ.
(2) Nhà huyên: Huyên còn có tên là Vong Ưu Thảo (cỏ quên sầu), thường trồng chái bắc nhà là nơi ở của bà mẹ. Kinh Thi có câu: "Yên đắc huyên thảo, ngôn thụ chi bắc" (sao được cỏ huyên trồng ở chái nhà phía bắc) vì thế nên gọi mẹ là huyên đường (nhà huyên).
(3) Trâm thoa: Hai vật cài tóc của con gái nhà thế gia ngày xưa.
(4) Thế hệ: Ðời người. Ðây có ý trỏ nhà đời nào cũng có người học hành đỗ đạt làm rạng tiếng nhà.
(5) Bảy độ cù lao: Cù lao chín chữ là trỏ quá trình sinh đẻ và nuôi dạy con cái, ở đây ý nói sinh được bảy người con.
(6) Bất cú: Chẳng thành câu, ý nói chẳng theo nề nếp, chữ dùng ngộ nghĩnh, không theo sách vở nào cả, cốt để đối với chữ thành danh ở vế dưới mà thôi.
(7) Bảy tuần: Từ 61 đến 70 tuổi là thất tuần (tuần thứ bảy). Ngoại bảy tuần tức hơn bảy mươi tuổi.
(8) Tiệc hạ thọ: Tiệc mừng sống lâu (hạ: mừng).
(9) Khúc bi thu: Khúc thu buồn, mượn ý từ bài Thu Thanh Phú của Âu Dương Tu đời Tống.
(10) Tiếu tượng: Tranh vẽ truyền thần.
Giai Phẩm TÂY SƠN Xuân Quí Dậu 1993
VĂN TẾ CON CHUỘT
của Cử nhân HUỲNH BÁ VĂN
Lộc Xuyên ÐẶNG QÚY ÐỊCH sưu tập
Huỳnh Bá Văn (1873-1934) người làng Thạnh Danh, tổng An Ngãi, phủ An Nhơn, nay là thôn Thạnh Danh, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn.Trúng Tú tài khoa Quí Mão (1903); khoa sau, Bính Ngọ (1906) đỗ Cử nhân tại trường thi Bình Ðịnh, vị thứ 2/24, lúc 34 tuổi. Sau đó thi Hội hai khoa, có tam trường phân số. Thi đỗ rồi, triều đình lục dụng, nhưng ông không muốn công danh trói buộc, nên kiếm cớ từ chối quan tước, ở nhà nghiên cứu y học, làm thuốc cứu người. Những lúc rảnh rỗi, ông thường cùng đôi bạn tâm giao, quây quần quanh khay trà, kỷ rượu, đàm luận văn chương đạo lý. Trong làng văn thời bấy giờ, ông cũng là một tay cự phách, đặc biệt về văn tế ông rất sở trường, đương thời ít người sánh kịp. Tôi đã sưu tầm được bảy bài văn tế Nôm của ông, trong số có bài Văn Tế Con Chuột, lời lẽ phúng thích, vừa sâu vừa kín lại vừa khéo, đáng gọi là viên ngọc quý trong kho tàng văn chương của người xưa.
VĂN TẾ CON CHUỘT
Hỡi ơi!
Trời hóa cánh trùng,
Ðất dời ngói Tí.
Những ước lột da mấy lớp, bồ lúa nằm khoanh;
Hiềm vì sai bước một phen, ống tre vắng chạy.
Nhớ lúc xưa!
Mắt đỏ làu làu
Da đen trạng trạng.
Lúc ngúc những xù những xạ, duy khác hình hài;
Nhộn nhàng rằng lắc rằng sành, vẫn trong nòi nảy.
Mở mặt cũng râu mày với thế, xoi thềm khoét lẫm lắm lòng tham;
Mập mình nhờ màu mỡ nhà dân, núp kín leo cao nhiều chước quỉ.
Ức chi đó phòng gây sự kiện, lăng nhăng vì hai chữ "vô nha";
Lớn chừng mô mà phải kêu ông, kiêng nể bởi một câu "hữu xỉ".
Thương hại lúc mèo mong cắn cổ, ngồi lôm xôm bao xiết hãi hùng;
Não nồng khi quan sức đạp đuôi, trốn lắm lặc mà còn húc hí.
Những tưởng sa vào chum nếp, no đã nứt niềng;
Nào hay chui xã bẫy chùa, kẹt đã chết giãy.
Ôi! thôi thôi!
Lắm lắc chừng mô,
Rủi ro chứng nấy.
Hay là gái mười ba cưu oán, sắm chà vi rình rập đã lâu ngày;
Hay là nợ chín chục còn nhiều, nạp lông vít đền bồi trong một mãng.
Còn chi nữa trong rương chút chít, buồn là buồn chim quạ nhặt reo;
Còn chi mà dưới ngoé rung rinh, thảm là thảm hình dơi luống thấy.
Ruồi bu kiến đỗ, thương cho mà biết sao cho;
Thỏ chết cáo rầu, thấy vậy thôi cam chịu vậy!
LẠM BÀN:
Ðọc kỹ bài văn tế trên, ta sẽ thấy tác gỉ mượn "con chuột bốn chân" mà nói đến "giống chuột hai chân" đã "mập mình nhờ màu mỡ nhà dân". Giống chuột này ở thời nào cũng có. Bởi chúng "xoi thềm khoét lẫm lắm lòng tham" đến nỗi kẻ tu hành ghét mà đật bẫy. Gái mười ba cũng oán mà sắm chà vi. Nhưng chúng "núp kín leo cao nhiều chước quỉ" nên thời nào cũng diệt mà không hết. Tiếng "ruồi bu kiến đỗ" vì "vô địa khả mai", tác giả làm ngơ "thấy vậy thôi cam chịu vậy". Nhưng trước sự tác hại vô cùng của giống "chuột hai chân", lẽ nào ta cũng "thấy vậy thôi cam chịu
vậy"?
Lộc Xuyên ÐẶNG QUÝ
ÐỊCH
Giai Phẩm TÂY SƠN Xuân Quí Dậu 1993
BÀI HÁT NÓI của cụ Việt Ðiểu NGUYỄN QUỲNH
NGÀY TẾT NHỚ QUÊ
Nguyệt mãn niên chung hốt tư cố quán
Cũng ngày này cùng bè bạn thảy vui chơi
Trước kỷ trà ngồi bộc bạch nói cười
Câu ứng đáp lại qua lời chúc tụng
Hộ ngoại vãng lai xa mã khách
Ðình tiền xuất nhập sĩ hào nhân
Cảnh rộn ràng trong tiếng pháo nổ vang rân
Muôn nét mặt vẻ hân hoan đầy thiện cảm
Tế nhị lắm quê xưa tình sâu đậm!
Ðón xuân sang tình non nước mặn mà
Nên thơ kìa những muôn hoa!
@@@
BIẾT CHƠI MẤY KẺ
Thử hòi ai người kẻ biết chơi?!
Biết nhìn non nước lá hoa rơi
Biết xem lâm tẩu màu xanh biếc
Biết ngắm yên hà sắc bạc phơi
Biết mến rừng sâu ôm suối khóc
Biết thương đất lở hé môi cười
Biết nghe Thục Ðế kêu đêm vắng
Biết nhạc gió reo tiếng gọi đời!
Việt Ðiểu NGUYẼN QUỲNH
Giai Phẩm TÂY SƠN Xuân Ðinh Sửu 1997