THÀNH CŨ BÌNH ÐỊNH
KIỀU LAM
Ðây là những hình ảnh, cảnh vật và những điều chính tôi được mắt thấy tai nghe lúc thiếu thời. Vì lúc bấy giờ tôi còn nhỏ (6 đến 12 tuổi) nên rất có nhiều hạn chế, lại nữa hơn 50 năm lặng trôi với thời gian chỉ còn mang máng trong ký ức, việc trình bày có thể có nhiều thiếu sót sai lầm. Tâm ý của tôi chỉ muốn ghi lại để con cháu có thể hình dung được phần nào hình dáng một cổ thành nay đã hóa ra bình địa.
Tháng chín năm 1935, tôi được vào học trường tiểu học công lập (Ecole Primaire Complémentaire Officielle) Bình định. Vì nhà tôi gần chợ Gò Chàm cũ, cách thành Bình định hơn một cây số, nên cha tôi gởi tôi vào ở trọ trong nội thành, gần trường tiểu học.
Thành Bình định diện tích vuông vức, mỗi bề dài khoảng năm trăm thước, tọa lạc trên phần đất của làng An ngãi, sau này là thôn Hưng định. Giới ranh tứ cận: phía đông giáp làng An ngãi và làng Liêm trực, tại đây dọc theo quốc lộ 1, nhà cửa dân chúng đông đúc, trù mật bán buôn tấp nập. Ðó là khu phố Bình định. Phía tây giáp làng Kim châu, có nhà ga xe lửa, xa xa tí nữa là nhà thờ Kim châu, cô nhi viện và trường Dòng Giu-se. Phía nam giáp làng Hòa nghi, từ cửa tiền băng qua đường xe lửa, sang sông Hòa nghi, phía bên kia có một khu đất rộng, bằng phẳng gọi là "khu trường thi".
Ðây là trường thi cũ dành riêng cho các thí sinh "Hán học" các tỉnh nam Trung kỳ về dự thi Hương do triều đình tổ chức. Nghe nói việc thi Hương được bãi bỏ từ đời vua Ðồng Khánh. Dấu tích của trường thi, nay chỉ còn lại một nhà "văn miếu" gần đổ nát và vài cây mù u quanh khuôn viên vườn cũ của trường. Phía bắc giáp làng Hoà cư tại đây có một khoảnh đất dài gọi là "Gò Lù", người ta nói bãi đất này xưa kia dành làm chỗ để xe (xe kéo, xe thổ mộ, xe bò, xe ngựa) và là chuồng ngựa cho dân chúng mỗi khi tập trung về Hoàng cung để nghênh đón Ðức vua hoặc tham dự các cuộc vui tổ chức vào dịp lễ, dịp Tết. Sau ngày tỉnh dời về Qui nhơn khu này không còn được xử dụng nữa, toàn bụi cây cỏ rậm. Nhưng khi chợ Gò Chàm dời vào Bình định bãi Gò Lù được chỉnh trang sạch sẽ làm thành khu "chợ súc", chợ mua bán súc vật: heo, chó, trâu, bò.
Thành Bình định được xây rất kiên cố, chung quanh có lũy thành bao bọc. Tường thành phía ngoài xây bằng hai lớp đá ong, vách đứng cao, phía trong đắp đất dày khoảng mười thước, mặt ngoài thẳng đứng, mặt trong xây nhiều bực cấp để lên xuống. Bốn mặt thành nằm đúng bốn hướng đông, tây, nam, bắc, giữa mỗi mặt thành có cửa ra vào (cổng thành). Cửa phía đông gọi là Cửa Ðông, trên ngưỡng cửa có khắc nổi ba chữ "Chánh Ðông Môn" bằng hán tự. Cửa tây "Chánh Tây Môn". Cửa phía nam tức Cửa Nam nhưng được gọi là Cửa Tiền "Chánh Tiền Môn" vì nằm trước tiền diện của Hoàng cung. Cửa bắc "Chánh Bắc Môn" cũng gọi là cửa Hậu, đối với cửa Tiền. Cửa thành mở ban ngày, ban đêm đóng kín. Bên ngoài tường thành có hào sâu và rộng bao quanh. Hào trồng toàn hoa sen, mỗi mùa sen nở, người ta thấy cả một khung nền đỏ vây quanh chân thành. Trước mỗi cửa thành một chiếc cầu xây bằng vôi đá kiên cố bắc ngang qua hào để người và xe cộ có thể vào ra trong thành. Phía bên ngoài hào sen, dọc theo bờ hào, một hương lộ chạy vòng quanh chu vi thành.
Ðược biết thành Bình định là thủ phủ của tỉnh. Trước kia thủ phủ là thành Ðồ Bàn (Chà Bàn) thủ đô cũ của nước Chiêm thành. Ðồ Bàn nằm phía bắc xã Nhơn hậu, nay chỉ còn vài dấu vết: ụ đất, hang hố, nền nhà v.v... và kế bên là hòn tháp "Cảnh Tiên" (tháp Hời). Dân Bình định có câu ca dao:
Ngó lên hòn tháp Cảnh Tiên
Cảm thương quan Hậu thủ thiềng ba năm
(Quan Hậu là phò mã Võ Tánh, chồng của công chúa Ngọc Du và em rể của Nguyễn Ánh (Gia Long). Ông và Ngô Tùng Châu cố thủ giữ thành Qui nhơn (Ðồ Bàn) suốt 3 năm bị quân nhà Tây Sơn vây hãm. Cuối cùng thành bị thất thủ, Ngô Tùng Châu uống độc dược quyên sinh, Võ Tánh leo lên lầu cửa thành, truyền lính chất củi chung quanh, đổ dầu và châm lửa tự thiêu.)
Phía bên trong nội thành là nơi đặt các cơ quan công quyền của tỉnh, đặc biệt toà "Hoàng cung" và tòa "Ba quan lớn đầu tỉnh".
Hoàng cung là nơi mỗi khi Hoàng thượng về ngự. Toà hoàng cung rất rộng lớn, lối xây cất hao hao điện Thái Hòa ở Huế, tường gạch mái ngói, bốn góc uốn cong hình long vĩ , trên đỉnh mái đúc hai con giao long ở giữa có vừng kim ô, sườn nhà bằng gỗ quí, cột to vừa vòng tay một người ôm, chạm trổ rất công phu, đủ hình long, phụng, hoa, vân đa dạng. Hoàng cung có ba gian: gian giữa là phòng "Hành cung" hay phòng "Long Triều" nơi để cho các quan triều kiến Ðức vua, phòng trống trải, rộng rãi, sáng sủa. Chính giữa gần vách trong là một chiếc "Ngai" sơn son thếp vàng đặt trên bệ cao ba cấp. Mỗi khi Hoàng thượng về đây, Ngài ngự ra ngai để thần dân bái kính. Người ta đồn rằng lúc có thiên chầu trong phòng hành cung chỉ có quan Tây (người Pháp) được đứng ở đấy, tất cả các quan Nam triều đều phải nghiêm chầu ở phía dưới sân. Hai căn phòng nhỏ hai bên, căn phía đông là phòng "hoàng cung". Ðây mới đúng ý nghĩa hoàng cung vì là nơi dành để hoàng đế ngơi nghỉ. Căn bên trái là phòng "Tây cung" dành riêng cho Hoàng hậu nếu có tháp tùng. Bốn con lân đá to bự ngồi chầu phía trước cửa. Bên dưới là sân chầu. Dọc hai bên bờ thành sân chầu có dựng hai hàng bia, ghi thứ tự từ nhất phẩm đến cửu phẩm, lúc triều kiến, các quan Nam tùy theo phẩm ngạch đứng vào hàng, văn bên hữu, võ bên tả. Giữa sân đật một chiếc lư hương bằng vôi rất to. Cuối sân là "Ngọ Môn".
Phía trước tòa Hoàng cung một bãi đất rộng mọc đầy cỏ chạy thẳng sát cửa Tiền. Bãi đất này dành cho các quan viên các Ty, Sở, Phủ, Huyện, Hương lý, Tổng làng, học sinh các trường và dân chúng tập trung để "vạn tuế" Ngài ngự và nghe chiếu dụ. Trên tường thành phía nam một cột cờ cao ước chừng hai mươi thước, đặt giữa một nền vuông xây bằng đá cao một thước. Suốt thời gian tôi học ở đây chưa lần nào thấy trên trụ cờ treo cờ, nhưng người ta cho biết lúc tỉnh còn trú đóng, hàng năm vào dịp tết Nguyên đán, tết Ðoan ngọ, lễ Lập quốc mồng hai tháng năm âm lịch (kỷ niệm ngày Gia Long thống nhất sơn hà năm Nhâm Tuất), tết Tây còn gọi là "lễ Cách tó Duy dê" (14-7, quốc khánh của mẫu quốc Pháp) và những khi có Ngài ngự, trên cột cờ được treo lên hai lá đại kỳ: cờ Ðại Nam (màu vàng có thêu hình con rồng) và cờ Tam Tài (ba màu: xanh, trắng, đỏ, quốc kỳ của nước Pháp).
Nằm phía sau Hoàng cung là ba tòa quan lớn đầu tỉnh, dinh Tổng đốc ở giữa, dinh Bố chính bên trái và dinh Tư sát bên phải. Bình định là tỉnh lớn thứ ba xứ Trung kỳ (sau Thanh hoá và Quảng nam), đứng đầu có quan Tổng đốc cai quản. Tổng đốc Bình định còn quản cai luôn tỉnh Phú yên, nên thường gọi là Tổng đốc Bình Phú. Dưới Tổng đốc có quan bố chính và quan Án sát cọng sự. Tòa Bố chính chuyên trách về "Hộ", người ta gọi là "Ty Thâu" (không biết có phải vì chuyên trách thu thuế má của dân?). Toà quan Án sát chuyên lo về "Hình", gọi là "Ty Niết". Lối kiến trúc của ba dinh thự này đều giống nhau, dĩ nhiên dinh tổng đốc có phần lớn hơn, hình chữ "môn", dãy ngang phía trước làm công đường và phòng khánh tiết, hai dãy dọc phía sau, một bên là cơ ngơi của quan sở nhiệm, bên kia là phòng làm việc của các thầy Phán, thầy Thông trực thuộc. Tất cả viên chức thuộc hạ kể cả người nhà của quan lớn đều phải ra vào bằng cổng sau. Cửa trước dành riêng cho quan, các quan khách và những người có trát lệnh đòi hoặc có công chuyện phải "công đường đáo diện". Mỗi dinh đều có bờ thành bao quanh riêng biệt.
Dinh "quan Phòng thành" nằm kế cận. Quan Phòng thành có trách nhiệm an ninh trật tự trong nội thành, chu vi ngoại thành và khu phố. Ông cai quản một đơn vị "lính khố xanh" (garde indigène). Ðội khố xanh canh gác tại bốn cổng thành, toà Hoàng cung, ba tòa quan tỉnh, nhà Lao và coi giữ tù đi làm tạp dịch, lại có thêm hai toán lưu động, một toán ba người, dân chúng quen gọi là toán "Một cai hai bếp" (một hạ sĩ quan và hai binh nhất) đi bộ tuần tiễu vòng quanh khắp các nẻo đường trong nội thành, toán kia gồm năm kỵ mã tuần thám chu vi ngoại thành và điều hành trật tự tại khu phố.
Hoàng cung và ba tòa quan tỉnh chiếm ngay giữa trung tâm. Ngoài ra nhiều cơ sở khác nằm rải rác vòng quanh. Từ cửa Ðông vào, bên trái là khu "nhà thương thí" Bình định. Ðiều hành nhà thương này, tôi còn nhớ là ông Ðốc Cang, người lớn tuổi, to cao vạm vỡ, tóc bạc hoa râm và mang kính trắng. Bệnh nhân quen gọi là "quan đốc tờ" (docteur en médecine). Thật ra ông chưa phải là bác sĩ, chỉ có bằng y tá, nhưng vì chuyên nghiệp lâu năm, có nhiều kinh nghiệm (có người còn nói ông mát tay chữa bệnh) lại tính tình nghiêm nghị, vị tha, lanh lợi tháo vát, nên được cấp trên tín nhiệm ủy thác công việc điều hành nhà thương. Bệnh nhẹ thông thường được điều trị tại đây, bệnh nặng phải đưa về nhà thương lớn Qui nhơn chữa trị. Hàng tháng có bác sĩ người Pháp ở Qui nhơn về thanh tra bệnh xá, khảo sát bệnh án và hỏi thăm bệnh nhân, đôi khi cũng khám bệnh nữa. (Ðã có một lần tôi vào nằm điều dưỡng tại nhà thương này).
Kế bên nhà thương là "nhà giây thép" (bưu điện). Sau lưng nhà giây thép có một ngôi chùa, trên cổng có treo tấm bảng lớn đề "Linh Quang Tự". Trước chùa có một hàng cây me. Mùa me chín rơi rụng, trẻ nhỏ (trong đó có tôi) tựu đến tha hồ đùa nhặt. Trong sân chùa trồng nhiều cây mai, mỗi lần Tết đến, hoa mai nở vàng thắm cả cây, trông thật đẹp. Ngày rằm, mồng một, và các lễ Phật đản, Vu lan... tín đồ tề tựu về chùa lễ cúng đông đảo.
Sau lưng nhà thương góc đông nam là khu vực "nhà tằm". Ðây là cơ sở nuôi tằm lớn nhất của nhà nước tại tỉnh. Vị cai quản nhà nuôi tằm tên gì, cấp bậc ngạch trật ra sao không mấy ai biết, dân chúng quen gọi là "ông Thông Tằm". Bà vợ trước của ông bị bọn cướp sát hại thảm thương. Người dân Bình Ðịnh ai cũng biết rõ câu chuyện này và người ta có đặt một bài ca dao dài thể văn lục bát, lược thuật ngọn ngành thảm cảnh ấy nữa. Sau này sở nuôi tằm được dời về Phú phong, sát nhập vào hãng dệt "DeLignon".
Góc tây nam nội thành có khu "canh nông" cũng còn gọi là khu "vườn xoài", vì tại đây là cả một rừng "xoài tượng". Tại đây cũng có một "vườn ương" và bên cạnh là khu "chăn nuôi", có mấy trại nuôi bò, heo và cừu. Người ta nói khi xưa đây là "đồn lính khố xanh".
Phía cửa bắc còn dấu tích của "nhà Lao" và góc tây bắc nghe nói là khu "trường bắn" và "sân vận động". Trường bắn cũng là "thao trường" để cho lính khố xanh luyện tập cách diễn hành, cơ bản chào súng, cách xử dụng súng trường loại hỏa mai sào đuổi vịt "ô xết ken" (0715 - người ta bảo vậy), và tập các thế võ bắt trộm cướp, cách mở khóa và hóa giải các thế chống cự của đối phương. Giờ đây chỉ là một vùng cây cối rậm rịt, âm u, như thể một khu rừng, cửa Bắc cũng đã bị bít kín. Sân vận động nằm sát cạnh đường, nơi "hội thi bóng đá" và cũng là địa điểm tổ chức các cuộc vui: kéo dây, đẩy cây, nhảy bao, đập ấm, trèo cột v.v... trong các dịp lễ, dịp Tết. Học sinh trường tiểu học, mỗi buổi chiều đều ra đây "tập thể thao" tập thể (gymnastique) 20 phút trước giờ ra về.
Ngoài những vùng dinh thự, cơ quan, công sở, chung quanh đều là khu dân cư. Dân chúng trong nội thành khá đông, người ta ước lượng gần cả nghìn nóc nhà, đa số nhà tranh vách đất, cũng có nhiều căn gạch ngói, đa phần nằm dọc bên các đường lộ. Vào những đêm tắt trăng, cả nội thành tối đen mù mịt, chỉ leo lét trong nhà dân những đóm đỏ của đèn dầu. Ðặc biệt trong nội thành trồng rất nhiều cây bông gòn. Mùa hè trái gòn khô rơi xuống đất, hoặc nứt vỏ nổ bung, bông gòn bay tung vờn vợn trên không trung như những tia mây trắng xóa, đáp vào đầu, vào mặt khách qua đường, dính trên ngọn cây, đọt cỏ như lớp tuyết rơi đọng tựa mùa đông tại những xứ giá băng. Nhiều người trong thành đi gom góp những trái gòn khô về lấy bông cân bán cho các tiệm may nệm gối.
Bây giờ xin đề cập đến "trường tiểu học công lập", nơi tôi đã được ghi đậm nhiều kỷ niệm tuổi niên thiếu. Trường nằm bên phải đường tỉnh lộ (từ cửa Ðông sang cửa Tây), đối diện phía cổng sau ba tòa quan tỉnh. Khuôn viên trường rất rộng gồm có ba dãy nhà: dãy nằm ngang bên đông là "trường nữ". Hai dãy dọc phía tây là "trường nam". Gọi trường nam nhưng thật ra lúc tôi vào học, cả học sinh nam và nữ đều học chung các lớp bên dãy nhà dài, có lẽ vì số nữ học sinh quá ít. Trường nữ hay trường nữ công dành riêng cho học sinh nữ tập trung mỗi đầu giờ học, trong các giờ nghỉ 15 phút giữa buổi học (récréations) và các buổi học riêng về đức dục (Công, Dung, Ngôn, Hạnh), hay nữ công gia chánh. Vài cô giáo đến dạy riêng tại đó. Giữa hai trường có tường song ngăn cách. Học sinh nam bị cấm nhặt không được vào khu trường nữ. Nghe nói trước lúc tôi vào học đã có một nam học sinh lẻn qua quấy phá bên trường nữ, các cô giáo thưa lên quan Ðốc học (directeur de l'école), cậu ta bị đưa ra Hội đồng kỷ luật và bị đuổi ra khỏi trường. Hai dãy trường nam một bên gồm năm phòng: phòng đầu là văn phòng nhà trường, thường ngày có ba thầy làm việc tại đó. Phòng kế cận là phòng Ðốc học. Ba phòng kế tiếp dành cho các lớp đệ nhất, đệ nhị và lớp nhất. Dãy bên kia chỉ có bốn phòng; ba phòng sau cho các lớp ba, tư và năm; phòng đầu rộng gấp đôi làm "phòng hội". Cứ mỗi cuối tháng, hay khi có việc cần bàn thảo, quan Ðốc học và các giáo sư hội họp tại đây. Phòng hội cũng là nơi để thuyết trình về tổ chức, điều hành, tình hình sinh hoạt, kết quả học vấn... của nhà trường mỗi khi có quan thanh tra về thị sát, hoặc phái đoàn các trường khác đến tham quan. Phòng này cũng dành cho các giáo sư các lớp chờ đợi trước khi vào dạy, và ngồi giải lao trong các giờ nghỉ giữa lớp.
Trường tiểu học có sáu lớp, một Ðốc học (directeur) và năm giáo sư, lúc đó người ta gọi là "trợ giáo". Lớp năm (lớp Ðồng ấu - cours Enfantin) thầy "Trợ Mẫn" đảm trách. Lớp tư (lớp Dự bị - cours Préparatoire) thầy "Trợ Hoàng". Lớp ba (lớp sơ học - cours E¨lémentaire) thầy "Trợ Huyến". Lớp đệ nhất (cours moyen premier) "Ðốc học Bản". Lớp đệ nhị (cours moyen deuxième) thầy "Trợ Phú" và lớp nhất (cours supérieur) thầy "Trợ Huế". Khi tôi lên lớp đệ nhất, đốc học Bản đã được thuyên chuyển, Ðốc Giai (Lê Khắc Giai) về làm directeur và dạy lớp tôi.
Nên biết thêm rằng lúc bấy giờ các lớp sơ học (lớp Năm, Tư, Ba) học chương trình quốc ngữ và từ lớp dự bị đã bắt đầu học tiếng Pháp, nhất là lớp sơ học. Ba lớp trên (đệ nhất, đệ nhị và lớp nhất) theo chương trình Pháp, tiếng Pháp là sinh ngữ chính, quốc ngữ chỉ là sinh ngữ phụ. Ði thi bằng Primaire (Tiểu học), tất cả các môn thi đều bằng Pháp văn, chỉ có một môn autre matière: một bài Version (dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt) hoặc một bài Thème (tiếng Việt dịch ra tiếng Pháp).
Có một điều lúc đó tôi thường thắc mắc là tại sao bên sân trường nữ trồng nhiều cây phượng vĩ, mùa hè hoa nở đỏ rực, bướm ong bay lượn dập dìu, các nàng tiên áo dài đủ màu tha thướt ẩn hiện dưới các tàng hoa đỏ, trong càng thêm lóa mắt, trong khi đó bên sân trường nam, bốn hàng cây vông đồng (bá đậu) khổng lồ tuy tàng lá che mát gần khắp sân trường, nhưng không bao giờ nhìn thấy được hoa, trái vông khô rơi rụng đầy sân, nhiều lúc rơi trúng đầu học sinh đang chơi, phiền hà các bác cai tuyển ngày nào cũng nhọc công quét dọn. Dù vậy trái vông khô, bóc vỏ giống như một bánh xe nhỏ, tạo nên một trò chơi thích thú "trò chọi xe" (mỗi người đứng mỗi bên đối diện, khoảng cách tuỳ nghi, bên này lăn bánh xe qua, bên kia lăn chọi lại, bánh xe nào vỡ trước người đó thua cuộc).
Có trò còn chơi nghịch, thấy nữ sinh đi phía trước, lăn bánh xe vào chân các cô, để các mỹ nhân xô nhau tránh né, la chí choé, tạo nên một dịp cười.
Sau khi đậu bằng Tiểu học ("CEPCI" Certificate d'Etude Primaire Complémentaire Indochinois) tôi vào học trường Séminaire, nên ít dịp vào ra trong nội thành.
Nguyên nhân cửa Bắc (cửa Hậu) bị bít kín, được thân phụ tôi kể lại rằng: Thời gian cụ Nguyễn Thân trấn nhậm tổng đốc Bình Phú, ông người Quảng ngãi, rất được chính quyền Bảo hộ và triều đình Huế tín nhiệm. Ðể tâng công, ông thẳng tay đàn áp tiêu diệt các mầm mống các mạng chống thực dân Pháp. Năm ấy (không rõ năm nào) tổng đốc Nguyễn Thân ra lệnh bắt giam cụ Bá Huệ (Bá hộ Huệ), thân phụ của chú Sáu Khanh. Tôi biết rõ chú Sáu Khanh, chú là thợ chụp hình và chủ tiệm nhiếp ảnh độc nhất ở phố Bình định. Mỗi dịp khai giảng, mãn khóa, phát phần thưởng... trường chúng tôi đều gọi chú đến chụp hình lưu niệm. Cụ Bá Huệ bị bắt, bị cực hình tra tấn dã man, nhưng vẫn kiên trì chịu đựng không hề khai báo một điều gì. Suốt mấy tháng không tìm biết được tung tích gì của nhóm cách mạng, quan Tổng đốc đích thân đến nhà lao khảo vấn.
Tổng đốc hỏi: "Bọn cách mạng chúng mi gồm có những ai?"
Cụ Bá đáp: "Bá hộ Huệ"
- "Còn ai nữa?" Tổng đốc quát: "Quan hỏi ngoài mi ra nữa?"
- "Còn Bá hộ Huệ" cụ Bá trả lời.
Tổng đốc giận truyền lính đánh cụ Bá một trận, rồi nói: "Âm mưu khuynh đảo triều đình tội tử hình và bị tru di tam tộc, mi hiểu chưa? Nếu mi thành khẩn cung khai tất cả, quan lớn sẽ xét tình ân xá cho!"
Cụ Bá lặng thinh không đáp.
Tổng đốc tiếp: "Cứng đầu hỉ, chúng mi âm mưu chống đối Hoàng thượng, tội chém!..."
Cụ Bá ung dung thưa: "Dân không phản vua, dân chúng chỉ chống đối sự đô hộ của thực dân Pháp mà thôi. Thánh thượng vạn tuế!"
Quan Tổng đốc lại hỏi: "Bọn cách mạng thường tụ tập ở mô"
- "Bá hộ Huệ"
- "Lúc mô?"
- "Từ đầu giờ Thân đến mút giờ Dậu."
Nghe câu này quan Tổng đốc giận tái mặt, hò hét lính dùng cực hình rồi bỏ ra về. Cụ Bá Huệ la với theo: "Tôi đã khai từ đầu Thân đến mút Dậu, từ đầu Thân..." Nhưng Tổng đốc lặng lẽ bước đi nhanh. Câu "từ đầu thân đến mút dậu" ý nghĩa quá rõ ràng: "Thân" là tên của quan Tổng đốc, "dậu" là bộ phận sinh dục của con thú đực và của đàn ông dân quê quen dùng. Cụ Bá đã chưởi thẳng vào mặt Tổng đốc: "...đầu thân đến mút dậu". Còn câu nói nào thấm thía nặng nề, sỉ nhục hơn?
Năm ngày sau, tổng đốc Nguyễn Thân ra lệnh đem cụ Bá Huệ ra chém. Vì thành tích hăng say tiêu diệt mầm mống chống Pháp nên Nguyễn Thân được ân ban quyền "tiền trảm hậu tấu" (chém trước, báo cáo sau). Bọn lính ngục lôi cụ Bá Huệ ra sân bắn (góc thành) chặt đầu vào lúc đêm khuya và vùi xác xuống một cái hố đào sẵn tại đấy, lấp đất xong trên mặt khỏa bằng. Từ đó quan Tổng đốc vì không muốn cho gia đình chú Sáu Khanh, nhất là nhóm cách mạng tìm biết xác cụ Bá, nên đã ra lệnh "phế môn" (cấm xử dụng) cửa Bắc và cấm người qua lại tại khu pháp trường. Ít lâu sau Nguyễn Thân được triệu về kinh lãnh chức Thượng thư.
Qua thời gian vùng khu bắc (cửa hậu) trở thành hoang vu tịch mịch, âm uất đến độ huyền bí. Người ta đồn đãi rằng xác cụ Bá bị giết oan, chưa được an phần, nên hồn cụ vẫn lui tới pháp trường để kêu oan, cũng có nhiều vong hồn tử tội khác về đây quanh quẩn nữa. Nghe nói có nhiều người đã trông thấy một con trăn to dài 3 trượng, linh thân của cụ Bá hiện về và dẫn chứng đã có hai em bé vào kiếm củi hay lượm trái gòn khô gần đó bị trăn quấn chết. Tương truyền rằng có một hôm trời mưa giông gió to sấm lớn, cửa Hậu bị sét đánh trúng sập mất tầng lầu, tầng dưới bị rạn nứt. Năm sau lại phải một cơn bão chướng cửa thành sập hẳn và bít luôn. Tỉnh đã cho xây một lớp tường phía bên ngoài cửa bị sập. Vì vậy mà lúc bấy giờ bờ tường thành phía bắc không còn thẳng ngay, người ta thấy có một khoảng nhô ra, đó là dấu tích của cửa Bắc.
Khoảng đầu thập niên 30, cụ Nguyễn Hy, con trai của Nguyễn Thân được bổ nhiệm Tổng đốc Bình Phú. Người ta bảo cụ Hy con người đôn hậu hơn thân phụ ông. Trong thời gian ở đây cụ Hy đã ba lần nằm đêm thấy ác mộng và cả ba lần thấy cùng y một sự việc. Cụ thấy mình vận triều phục đai mão chỉnh tề, ngồi trên một chiếc xe kéo chạy vòng quanh nội thành, khi đến cửa Hậu, bất ngờ có một "bộ lòng" người từ đâu rơi xuống hai chân cụ. Cụ thấy rõ bộ lòng gồm đủ gan, phổi, tim, cật, ruột non, ruột già... bê bết máu, treo đu đưa dưới gầm xe, máu trong tim ục ục sôi (cụ nghe rất rõ) nhủi bọt lên và bắn thẳng vào mặt cụ. Quá khủng khiếp, cụ giật mình tỉnh giấc, mồ hôi ướt đầy trán và cả thân người. Cụ Hy dò hỏi ý nhiều người, nhưng chưa có ai giải nghĩa được điềm mộng kỳ lạ đó. Sau cùng có cụ Nghè Ðào Tuy phước (?) giải thích rằng: Cái xe chữ Hán là XA. Người ngồi trên xe là chữ NHÂN. Bộ lòng là chữ TÂM. Chiếc xe có người ngồi trên, phía dưới có bộ đồ lòng (tòn teng) tức là trên chữ Nhân, giữa chữ Xa, và dưới chữ Tâm, ghép lại viết ra thành chữ HUỆ. Ðây là "mộng báo oan cừu", trước đây phụ thân của quan Tổng đốc đã giết oan cụ Bá Huệ. Tổng đốc Nguyễn Hy nghĩ lại những vụ chém giết ác độc của thân phụ ông trước kia, lại càng hoảng sợ. Từ đó cụ Hy không dám ở lại đêm tại thành Bình định nữa, vừa xế chiều cụ liền lên xe về thẳng Qui nhơn. Nghe nói khoảng một năm sau, toà tỉnh được dời về Qui nhơn, lý do để được gần tòa Công sứ và các cơ quan Bảo hộ cho tiện bề giao dịch.
Kể từ dạo ấy, toà Hoàng cung, các dinh thự, công sở đều hoang trống, không người vào ra, vắng lạnh, chỉ còn lại nhà giây thép, nhà thương và trường tiểu học. Ðến năm 1939, phủ lỵ An nhơn, trú đóng tại làng An thái được dời về trong thành Bình định và dinh Bố chính được sử dụng làm phủ đường.
Năm 1940, chợ Gò Chàm cũng được đưa vào Bình định, nằm phía đông ngoại thành, sát cạnh khu phố được đổi danh hiệu "chợ Bình định", nhưng dân chúng vẫn theo thói quen lâu nay gọi là "chợ Gò Chàm mới". Gò Chàm là một địa danh, đúng ra phải là "Cầu Chàm", vì trụ băng đặt ngay trước chợ cũ khắc rõ ba chữ: "Lam Kiều Thị" và giấy tờ sổ bộ tại khu vực này, người ta vẫn ghi "Lam Kiều Xứ". Nghe nói sở dĩ gọi là Gò Chàm vì hồi xa xưa đây là vùng đất trồng rất nhiều cây chàm để nhuộm vải.
Năm 1941, tại khoảnh đất chợ cũ Gò Chàm, người Pháp lập ra một nhà máy dệt vải thô: xưởng dệt SITA - SITA là bốn chữ đầu của "Société Industrielle des Tissages d'Annam". Vải do xưởng dệt này sản xuất ra gọi là "vải Sita" và vùng Gò Chàm từ đó cũng mang danh xưng mới: Xóm Sita.
Muà thu 1945, Việt Minh cướp chính quyền. Ngoài Huế vua Bảo Ðại thoái vị. Ở Qui nhơn Tổng đốc Vương Tử Ðại (?) trao quyền lại cho Ngô Ðức Ðệ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tăng Bạt Hổ (Bình định). Tại phủ lỵ An nhơn, dân chúng thị xã và các làng biểu tình, do nhóm cựu học sinh Bình định (Hoàng Thái, Diệp Y, Lâm Sanh, Thái Ðình Mai, Hồ Viết Sinh...) dẫn đầu, xông vào phủ đường, buộc Tri phủ An nhơn thoái nhiệm, quan phủ Hồ Yêm bị điệu về Qui nhơn. Sau này ông gia nhập Việt minh và làm việc tại toà án nhân dân tỉnh.
Ðầu năm 1946, với chính sách "phá cho tan không còn ghi dấu vết cũ của thời nô lệ..." (bài Diệt Phát Xít) chính quyền Việt Minh tổ chức những đoàn công tác phá hoại từ các xã phụ cận kéo về đập phá thành Bình định. Chỉ trong vòng 6 tháng, cổ thành, Hoàng cung, các dinh thự, các công sở, trường tiểu học, nhà thương, kể cả chuà Linh Quang... ngoại trừ nhà dân chúng đều bị đập nát bình địa. Bốn lũy tường thành được san bằng lấp đầy cả hào sen chung quanh.
Một cảnh hoang tàn đổ nát! Cổ thành Bình định lại cũng mang niềm sầu hận của Ðồ Bàn năm xưa:
Những nhà vắng lê mình trong bóng tối
Bao đền xưa đổ nát với thời gian
Khu rừng rậm đêm tàn ma quấy rối
Nhiều tượng thần lở lói rỉ rên than
( mượn ý Chế Lan Viên)
KIỀU LAM
Ðặc san QUANG TRUNG - TÂY SƠN, Xuân Bính Tý 1996