Ngày xuân 
nghĩ về quê hương

Nguyễn Mộng Giác

Cách đây ít lâu, một chị bạn kể chuyện cô con gái của chị về thăm Việt Nam. Cháu qua Mỹ hồi còn bé, lớn lên, học hành, trưởng thành trong khung cảnh mới nơi xứ người, kỷ niệm về quê hương chỉ là những mảng nhớ mơ hồ. Cháu về thăm quê hương một tháng, trở về Mỹ ngẩn ngơ như người mất hồn suốt hai ba tháng. Cháu cứ hỏi tại sao đồng bào mình sống khổ đến như thế, và ngẩn ngơ tuyệt vọng vì biết chắc còn lâu, lâu lắm, những người thân ở Việt Nam mới thoát được căn bệnh khổ nghèo triền miên kéo dài hằng thế kỷ qua.

Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm đời, cháu cũng nhận ra được thực tế căn bản của đời sống nơi quê nhà: những trù phú sang trọng giả tạo và bấp bênh ở thành thị, những thiếu thốn cơ cực không lối thoát ở nông thôn, sự bất công lộ liễu trong xã hội, chênh lệch khủng khiếp giữa người giàu và người nghèo, nạn tham nhũng tràn lan ở mọi cấp trong cơ quan nhà nước...

Thu hẹp thực trạng quê hương vào một vùng nhỏ, như Qui Nhơn-Bình Ðịnh, càng có nhiều chuyện đáng buồn hơn. Qui Nhơn như một thành phố chết. Hàng quán ế ẩm. Phố xá buồn hiu. Những người trẻ bỏ thành phố tìm đất sống nơi khác, lên cao nguyên hay là xuôi nam, bỏ thành phố thân yêu lại cho người già và những viên chức chính quyền. Cả tỉnh không có lấy một dự án công nghệ nào quan trọng, không có một công ty ngoại quốc nào chịu bỏ vốn đầu tư. Người dân vẫn sống vất vả bằng hoa lợi trên đám ruộng đám vườn của mình như bao nhiêu thế hệ đã qua, ngoài những thiên tai hằng năm còn phải chịu đựng thêm cái nạn "cường hào mới".

Tôi buồn ray rứt khi nghe những chuyện không vui về quê hương mình. Rồi tự hỏi: Vì sao lịch sử thăng trầm biến đổi không biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu chế độ, mà quê hương tôi cứ như một đứa con ngoại hôn của đất nước, hết đời này đến đời khác tiếp tục ở thế yếu về chính trị, đến nỗi câu ca dao "Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Ðịnh hay lo, Thừa Thiên ních hết" trở thành một điều hiển nhiên không có gì phải bàn cãi nữa? Tại sao nhân dáng, phong cách của người Bình Ðịnh luôn luôn có những nét hao hao giống nhau, không giống với người Quảng phía bắc và người Khánh Hòa phía nam?

Tôi không tin những giải thích theo lối phong thủy, căn cứ vào thế sông thế núi để quyết đoán quê hương mình là nơi đắc địa, rồng ẩn hổ ngồi, không trước thì sau thế nào cũng xuất hiện "nhân kiệt". Những lập luận như vậy thoả mãn tự ái của địa phương, trong những lần họp hành chỉ có đồng hương với nhau thì nói để hả hê lòng dạ nhau, chứ đem ra ngoài ranh giới địa phương, không thuyết phục được ai. Người ở địa phương nào cũng giành phần "địa linh" về quê hương mình. Giành xong "địa linh", người địa phương nào cũng lục lọi hết sử sách để tìm cho ra những tai to mặt lớn từng sinh ra, lớn lên, hoặc do công vụ ghé qua chốn địa linh ấy, hào phóng thu nhận hết vào danh sách "nhân kiệt". Kết quả nơi nào cũng là địa linh. Nơi nào cũng đầy nhân kiệt. ít ai đặt ngược câu hỏi: "Sao nhân kiệt địa linh nhiều quá mà nước vẫn nghèo, dân vẫn khổ?"

Tôi không tin một đấng thiêng liêng tối cao nào đó định sẵn chỗ này là đất lành, chỗ kia là đất dữ, người vùng này gặp may, người vùng kia phải gánh hoạn nạn. Trên đất nước Việt Nam chúng ta, tính cách địa phương (như hình dáng, khuôn mặt, tiếng nói, tính tình...) từ vùng này sang vùng khác hiện ra rất rõ. Rõ đến nỗi có thể vạch bản đồ cá tính con người như là vạch bản đồ địa lý. Chẳng hạn cái tính hiếu động, thích tranh luận của người Quảng (Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co) là nguyên nhân phát sinh đa số những nhà hoạt động chính trị văn hóa nổi tiếng gốc Quảng, từ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cho đến Phan Khôi, Nhất Linh, Hoàng Ðạo. Người Quảng ưa lý luận, dùng lý luận tranh cãi để thủ thắng. Người thành công trở thành những danh nhân chính trị. Người thất bại, thì thành nhà thơ. Những nhà thơ gốc Quảng, trong bản chất, là những người toan làm chính trị mà thất bại. Cho nên nhà thơ Quảng nào cũng có dáng dấp của Ðặng Dung. Bài thơ nào cũng phảng phất hình ảnh tráng sĩ mài kiếm chờ thời.

Người Quảng Nam, Quảng Ngãi có thể hãnh diện địa phương mình có nhiều nhân kiệt, và có bị người vùng khác ghen tị chất vấn, họ cũng trả lời dễ dàng. Họ không có mặc cảm gì khi bị gán cho những động từ như "cãi", "co", vì cả hai động từ ấy đều là biểu hiện của một sức sống chủ động, tự tín, lướt tới chiếm lĩnh hay ít ra cũng mạnh mẽ phản ứng để giữ đất của mình.

Người Bình Ðịnh không có cái ưu thế nổi bật như bạn láng giềng xứ Quảng. Ca dao chê "Bình Ðịnh hay lo". Có nhiều cách giải thích về chữ "lo" này. Cách thứ nhất giải nghĩa "lo" là "lo âu", "lo lắng", "lo sợ", nói chung là trạng thái phấp phỏng trước một tương lai bất trắc, lành ít dữ nhiều, trong lúc khả năng tự vệ trước những hiểm nguy tai ương có thể bất ngờ ập đến thì không được bao nhiêu. Cách thứ hai căn cứ vào vế cuối "Thừa Thiên ních hết" của câu ca dao giải thích "lo" là "lo lót", dùng của hối lộ các quan (phần lớn là người kinh đô Huế được bổ nhậm vào) để được sống yên thân. Bằng cách giải thích nào chăng nữa, thân phận, hoàn cảnh của người Bình Ðịnh trong câu ca dao cũng không có gì sáng sủa. Trong khi người Quảng mạnh dạn tranh cãi, đôi co để giành phần thắng, người Bình Ðịnh chỉ biết thụ động ngồi chờ số phận hẩm hiu của mình, hoặc phải bỏ tiền của ra biếu xén hối lộ quan trên để được yên thân. Ðịa phương tính của Bình Ðịnh, nếu có một thứ địa phương tính, là sự nhẫn nhục chịu đựng của kẻ thất thế, là thói quen thu mình co cụm lại để thường xuyên phòng vệ, trước các thế lực lớn mạnh hơn mình.

Người Bình Ðịnh "hay lo" từ lúc nào vậy?

Dĩ nhiên không thể từ thời miền đất này còn mang tên phủ Tuy Viễn với dân số không đầy hai trăm ngàn người gồm một phần không nhỏ dân Chàm, người Thượng và người Việt (mà tổ tiên vốn là dân Nghệ An Thanh Hoá bị lưu đày vào miền đất heo hút này). Lúc đó, dân Tuy Viễn ngửng đầu lên mà đi, thách thức với thú dữ, rừng thiêng nước độc, thách thức với cường quyền. Nhờ thế mới có Tây Sơn. Nhờ thế mới có anh hùng Nguyễn Huệ cho cả nước chiêm ngưỡng cho đến ngày nay. Dân Tây Sơn, dân Tuy Viễn không lo lót cho ai để yên thân, và cũng không chịu ngồi bó tay để hồi hộp đón lấy tai họa.

Phải chờ cho tới lúc Tuy Viễn đổi thành Bình Ðịnh, nghĩa là triều Tây Sơn đã đổ và nhà Nguyễn Gia Miêu lấy lại được giang sơn, bấy giờ dân Bình Ðịnh mới trở thành "ngụy dân", gia đình nào cũng có bà con thân thuộc dính dáng tới "ngụy triều", và bắt đầu hình thành một thứ nhân cách thụ động như ca dao đã nói. Là ngụy dân, tức là không được hưởng cái quyền làm dân bình thường. Muốn sống bình thường, phải che chắn để khỏi có lý lịch xấu theo tiêu chuẩn của tân triều. Phải thu mình lại, không dám khoe tài khoe của, tránh sự chú ý giòm ngó của quan trên, tránh gây óc đố kÿ ganh ghét của hàng xóm láng giềng. Thái độ sống ấy là sự khôn ngoan của người nín thở qua sông. Khổ nỗi triều Nguyễn từ Vua Gia Long trở đi ngày càng trở thành thế lực cai trị chính thống, dân Tuy Viễn không có hy vọng gì lật ngược thế cờ, nên cách ứng xử khôn ngoan tưởng là nhất thời, cuối cùng trở thành một thói quen, rồi thành truyền thống, đời nọ chuyển cho đời kia. Khi những cuốn gia phả còn phải bỏ trống nhiều chi nhánh dính tới "ngụy Tây", hay con cháu nhiều đời sau còn thì thào sợ hãi khi nhắc tới tên một người lớp trước loại "bạn nghịch", thì dân Bình Ðịnh khó lòng dám mạnh miệng "co cãi" như dân Quảng. Họ luôn luôn ở thế thủ. Như ngôn ngữ Bình Ðịnh, họ đều "thàng"."

Thàng" không phải là hiền. "Thàng" là một chữ định hình, chứ không định tính. Người thàng, là người ít nói, tránh né những tranh chấp rắc rối, sẵn sàng chịu phần thua thiệt để giữ hoà khí, cố giữ bề ngoài đơn giản lùi xùi để không bị ai xem là kẻ quan trọng. Người thàng có thể hiền lành vì không dám làm việc dữ. Nhưng người thàng cũng có thể có những phản ứng bất ngờ dữ dội khi đột nhiên không thể chịu đựng được mãi sự thua thiệt. Người ta bảo người thàng hay cộc. Cho nên các quan lại đến cai trị dân Bình Ðịnh, nếu khôn ngoan, cũng phải luôn luôn ở thế phòng thủ. Vì dân Bình Ðịnh "hay lo" nhưng lại không thể quên cái thời bà con mình ngửng cao đầu mà đi, cái thời xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên. Do đó, "lo" xong lại hay kiện tụng, khiến các sử quan nhà Nguyễn khi viết về tính khí dân Bình Ðịnh phải bực bội hạ bút viết những lời ác cảm.

Mang bản lý lịch "ngụy dân" hàng thế kỷ, người Bình Ðịnh đã mất cơ hội thăng tiến trong chính trường đã đành, mà cả trong giáo dục, kinh tế. Cuộc sống không thể cất đầu lên khỏi cái "thường thường bậc trung", và cách ứng xử không ra ngoài chữ "thàng". Trong cuộc cạnh tranh để sinh tồn, cách ứng xử ấy gây ra nhiều bất lợi, cho nên thời nào, dưới chế độ nào, dân Bình Ðịnh cũng ở thế yếu về chính trị. Thời Pháp thuộc, miền Trung trực thuộc Nam triều, dân "ngụy" yếu đã đành. Chín năm kháng chiến thuộc liên khu V do Cộng Sản kiểm soát, vẫn yếu trước dân Quảng mạnh dạn không ngán co cãi. Thời Việt Nam Cộng hoà, dân Bình Ðịnh trở lại bị lý lịch xấu do chín năm kháng chiến, phải "lo" trước các cấp điều khiển từ Bắc di cư vào, từ Huế gửi vô. Sau 1975, Bình Ðịnh bị ép sát nhập với Quảng Ngãi để thành tỉnh Nghĩa Bình, để một lần nữa Bình bị Ngãi ăn hiếp. Bây giờ Nghĩa Bình tách đôi, Ngãi về Ngãi, Bình về Bình, tài nguyên giàu có thì Bình giữ được, nhưng cái thế chính trị thì Ngãi mang đi. Quảng Ngãi mạnh thế đến nỗi buộc các nhà đầu tư ngoại quốc phải bỏ tiền lập nhà máy lọc dầu ở Dung Quất, một bãi cát trắng trơ trọi dưới nắng lửa, trong khi Qui Nhơn có bến tàu, có đường 19 mang hàng lên cao nguyên, có quốc lộ 1 thông thương nam bắc mà phải trở thành "phố cũ đìu hiu".

Ðã dến lúc dân Bình Ðịnh cần phải cầm gương nhìn cho rõ mình, rõ cá tính địa phương của mình, xem chỗ nào tốt cần phát huy, chỗ nào xấu cần sửa chữa. Nhắc hoài đến "địa linh, nhân kiệt" không phải là thứ thuốc an thần hữu hiệu. Mà quê hương chúng ta cũng không cần những thuốc an thần, dù hữu hiệu hay giả mạo.

Nguyễn Mộng Giác
Ngày 1.1.1999.
Ðặc san QUANG TRUNG TÂY SƠN - Xuân Kỷ Mão 1999