NHỮNG NHÀ THƠ TIỀN CHIẾN
CỦA BÌNH ÐỊNH - QUI NHƠN
HÀN MẶC TỬ - CHẾ LAN VIÊN -
QUÁCH TẤN -
YẾN LAN - XUÂN DIỆU
NHỮNG SINH HOẠT THI CA LIÊN HỆ
Bùi Thúc Khán
Trưóc 1945 - thời tiền chiến - Bình định, Qui nhơn có những nhà thơ mà tên tuổi được giới văn học cả nước biết đến. Ðó là nhóm nhà thơ Bình định có mặt trong tác phẩm THI NHÂN VIỆT NAM của Hoài Thanh và Hoài Chân, xuất bản năm 1942, một công trình nghiên cứu, phê bình về phong trào Thơ Mới, và là một hợp tuyển thơ Việt nam với những lời giới thiệu và bình thơ thật đặc sắc mà đến ngày nay giá trị vẫn còn được khẳng định.
Nhóm nhà thơ Bình định mà sau này có người gọi là Bàn thành tứ hữu gồm có: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn và Yến Lan. Nhóm nhà thơ này có một sắc thái đặc biệt, và mỗi nhà thơ lại có một cá tính riêng. Nói cách khác thì mỗi người có những sở trường sở đoản khác nhau và tài năng cũng có khoảng cách nhiều hay ít.
Bài viết này giới thiệu đến người đọc, đến các bạn trẻ một cách khái quát về những nhà thơ nêu trên.
HÀN MẶC TỬ
Tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại Lệ mỹ, Ðồng hới, Quảng bình. Năm 1920 di chuyển theo gia đình, ở và học tại Qui nhơn. Năm1932-1933, làm việc ở sở Ðạc điền Qui nhơn. Các năm 1934-1935, vào Sài gòn làm báo với Thúc Tề, Trọng Miên và Hồ Viết Tự (họa sĩ). Sau đó trở về Qui nhơn, bị mắc bệnh phung, vào nhà thương Qui hòa rồi mất ở đó ngày 11 tháng 11 năm 1940.
Làm thơ năm 16 tuổi, lấy hiệu là Phong Trần, rồi Lệ Thanh, năm 1936 đổi thành Hàn Mặc Tử. Những tác phẩm được nhắc đến:
Một người bạn thân thiết khác của Hàn Mặc Tử là nhà thơ Bích Khê, người Quảng ngãi cũng có mặt trong Thi Nhân Việt Nam. Bích Khê có người cháu gái là Mộng Cầm. Từ những năm 1932-1933, Hàn Mặc Tử trao đổi thư từ với Mộng Cầm. Năm 1936, Hàn Mặc Tử cùng Mộng Cầm đi chơi Lầu Ông Hoàng và ghé thăm Bích Khê dạy học ở Hồng Ðức, Phan thiết. Cuối năm Tử thấy mình có bệnh (chưa xác định là phung), chia tay cùng Mộng Cầm, trở về Qui nhơn.
Năm 1937, xác định mình bị phung, Hàn Mặc Tử cắt đứt thư từ với bạn bè. Khi Mai Ðình qua Qui nhơn ghé thăm thì Tử tránh mặt, chỉ gởi tặng Gái Quê và bài Lưu Luyến. Năm 1938, Bích Khê từ Phan Thiết, Mai Ðình từ Sài gòn ra Qui nhơn gặp Tử.
Ngày 20 tháng 9 năm 1940, Hàn Mặc Tử bị đưa vào nhà thương phung Qui hòa (Qui nhơn) mang số 1134, và đã mất tại đây (ngày 11 tháng 11 năm 1940), chôn ở nghĩa địa của nhà thương. Mười chín năm sau, ngày mồng 6 tháng giêng năm Kỷ Hợi (ngày 13 tháng 1 năm 1959), gia đình Hàn Mặc Tử cùng nhà thơ Quách Tấn cải táng mộ Hàn Mặc Tử về Gành Ráng Qui nhơn. Mộ xây theo kiểu thức tân thời: nấm mộ hình chữ nhật nằm trên ba bậc cấp rộng và cao. Trên đầu mộ dựng bia. Trên đầu bia tạc hình Ðức Mẹ Maria đứng nhìn xuống nấm mộ, đưa hai tay ra như đón linh hồn Hàn Mặc Tử. Gần đó là nền cũ toà lâu đài của cựu hoàng Bảo Ðại. Ngoài kia là biển đông, ngày đêm sóng vỗ rập rình.
Về sau này, thơ Hàn Mặc Tử càng được nhiều người tìm đọc và tán thưởng. Người đời mến mộ và cảm thương một nhà thơ tài ba mà phận bạc. Người yêu thương đã đưa Hàn Mặc Tử vào huyền sử, phủ quanh Tử những giai thoại vừa kỳ lạ, ca ngợi Tử bằng nhạc bằng thơ, biến Tử thành nhân vật của tuồng, thoại kịch... Mãi mãi thế nhân còn xúc động khi nghe tiếng kêu thương của thi nhân:
Bây giờ tôi dại tôi điên
Chắp tay tôi lạy khắp miền không gian...!
CHẾ LAN VIÊN
Tên thật là Phan Ngọc Hoan. Sinh năm 1920 tại Ðông Hà Quảng Trị. Lớn lên học hành, làm thơ ở Qui nhơn, Bình định. Thi phẩm nổi tiếng đã tạo danh vọng cho nhà thơ trên thi văn đàn Việt nam là Ðiêu Tàn, xuất bản năm 1937, lúc nhà thơ mới 17 tuổi.
Tác giả Thi Nhân Việt Nam đã viết:"...Bị chinh phục đến tiêu diệt mà cảm được lòng những kẻ đã diệt mình một cách sâu sắc, dễ chỉ có dân tộc Chiêm thành. Những nhạc công của ta luôn ca nỗi oán hờn của họ. Bao nhiêu thi nhân của ta bị ám ảnh vì những nỗi buồn thương của họ. Chúng ta còn dành riêng cho họ môt nhà thơ để vì họ giải giùm những những nỗi uất ức bao nhiêu năm như nghẹn ngào trên núi sông này. Vong linh đau khổ của nòi giống họ đã nhập vào Chế Lan Viên, cho nên dù không phải là người họ Chế, Chế Lan Viên vẫn là một nhà thơ Chiêm thành. Quyển Ðiêu Tàn đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt nam như một niêm kinh dị."
Ðây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn
Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi...
Từ năm 1945, Chế Lan Viên sinh hoạt văn nghệ ở Liên khu 4, rồi hoạt động trong Hội Văn Học Miền Bắc (Hà nội). Sau năm 1975, Chế Lan Viên nghỉ hưu cùng vợ con sống tại quận Tân bình, Sài gòn trong một ngôi nhà có vườn cây mát mẻ, mệnh danh là Viên Tĩnh Viên. Chế Lan Viên bị bệnh phổi, kéo dài nhiều năm và đã mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 tại Sài gòn, hỏa thiêu và tro cốt gởi ở chùa Vĩnh Nghiêm.
Sau năm 1975 vào miền Nam, họ Chế có viếng nhà thơ Quách Tấn, năm 1987 có nói chuyện về nhà thơ Hàn Mặc Tử tại quận Phú nhuận (Sài gòn). Sau đó tuyển tập Hàn Mặc Tử ra đời do Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu, Nhà Xuất bản Văn Học Hà nội xuất bản năm 1987. Ðọc tuyển tập này ai cũng thấy rõ là Chế Lan Viên đã cố gắng che chắn, rào đón xa gần để có thể giới thiệu Hàn Mặc Tử, để tuyển tập Hàn Mặc Tử được ra đời hầu thể hiện tình cảm đối với người bạn thơ tâm đắc đã quá cố. Nhận ra điều đó, có lẽ người đọc thấy đỡ bực mình về sự dài dòng của người viết.
Trong MẶT THẬT, Bùi Tín có nói về Chế Lan Viên như sau:
"Ở trong nước, giới văn học đều biết rõ về nhà thơ mà tài năng xuất hiện từ rất trẻ với tập Ðiêu Tàn đặc sắc. Sau vào chính tri là một Ðại biểu Quốc hội, còn cố "phấn đấu" để có thể vào Trung ương Ðảng. Với mục tiêu ấy, ông đã giở nhiều thủ thuật phê phán, sát phạt nhiều anh chị em đồng nghiệp để ngoi lên.
Ông mất rồi, vợ ông - nhà văn Vũ Thị Thường - công bố mấy bài thơ ở dạng phác thảo ông viết khi nằm trên giường bệnh. Hai bài rất đáng chú ý là Bánh Vẽ và Trừ Ði. Có thể coi đây là lời trăn trối, thanh minh, ân hận của nhà thơ đối với cuộc đời, với bạn đọc. Bài "Bánh Vẽ" có những câu:
Chưa cầm lên nếm anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui...Chúng là những ai? Là ông Trùm và những kẻ a tòng.Bài "Trừ Ði" như một lời sám hối, có những câu:
Sau này anh đọc thơ tôi thì nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi...Cả mười bảy câu thơ toát lên niềm ân hận, xót xa, tự nhận thái độ hèn nhát của mình và cái tàn ác thâm độc của cơ chế.
"Tôi viết bằng xương thôi không có thịt của mình. Bởi vì cơ chế này không cho anh được là anh, nó buộc mọi người mang mặt nạ, nói theo sách của họ, chỉ còn một nửa là mình! Chỉ là một nửa của mình thì còn đâu là mình nữa."
Lời tâm huyết này khi còn sống, nhà thơ này không thổ lộ với ai! Anh chưa dám, còn sợ. Nỗi sợ dai dẳng. Ðể rồi khi khuất mới cất được nên lời. Lỗi ở anh một phần, còn tội, tội rất lớn là ở cái cơ chế, cái học thuyết mà đảng đã du nhập và áp đặt lên toàn xã hội" (Mặt Thật, trang 137).
Tôi không thể không nghĩ đến câu: con chim sắp chết có tiếng kêu thương, con người sắp chết có lời nói phải!
QUÁCH TẤN
Tự Ðăng Ðạo, hiệu Trường Xuyên. Sinh ngày 4-1-1910 tại làng Thuận nghĩa, xã Bình thành, quận Bình khê, tỉnh Bình định. Mất tại Nha trang ngày 21-12-1992 (nhằm ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Thìn).
Thuở nhỏ học chữ Hán, đến 12 tuổi mới học Quốc ngữ và Pháp ngữ. Học trung học ở trường Pháp Việt Qui nhơn, đậu bằng Cao đẳng Tiểu học (Primaire supérieur) năm 1929. Từ 1930 đến 1945, làm Phán sự tại toà Khâm sứ Huế, sau đổi về Tòa Sứ Ðồng nai thượng tại Ðàlạt rồi Tòa Sứ Nha trang. Năm 1946, tản cư về Bình định, có dạy ở các trường trung học trong tỉnh. Năm 1954, hồi cư về Nha trang, làm công chức tại Qui nhơn rồi Nha trang. Ðến 1965 hưu trí, ở tại Nha trang cho đến ngày mất (bị mù từ năm 1990).Quách Tấn là nhà thơ có khuynh hướng cổ điển (làm thơ theo thể Ðường luật) đã nổi tiếng với các thi phẩm:
Tác giả Thi Nhân Việt Nam đã giới thiệu Quách Tấn như một sứ giả đời Ðường, đời Tống, cho rằng mối lương duyên gây nên từ Một Tấm Lòng đến Mùa cổ Ðiển là đằm thắm (đối với thơ Ðường), và Mùa Cổ Ðiển là tập thơ cũ đã khép lại một thời đại trong thi ca Việt nam.
Năm 1965 xuất bản tập thơ Ðọng Bóng Chiều gồm 108 bài thơ bảy chữ, bốn câu (thất ngôn tuyệt cú). Năm 1966, xuất bản tập thơ Mộng Ngân Sơn gồm 135 bài thơ năm chữ, bốn câu (ngũ ngôn tứ tuyệt). Năm 1973, Giọt Trăng, tập thơ tứ tuyệt thứ hai gồm 60 bài được Nhà Xuất bản Rừng Trúc (Paris) xuất bản.
Về văn xuôi (tản văn) có NƯỚC NON BÌNH ÐỊNH (xuất bản 1968), XỨ TRẦM HƯƠNG (xuất bản 1970) là những địa phương chí tỉnh Bình định và tỉnh Khánh hòa. Năm 1988 xuất bản ba tập văn xuôi khác: NHÀ TÂY SƠN, HỌ NGUYỄN THÔN VÂN SƠN và ÐÔI NÉT VỀ HÀN MẶC TỬ. Ngoài ra còn một số công trình biên khảo và các bản dịch thơ cổ (Hán văn) chưa xuất bản.
Thời tiền chiến, suốt thập niên 1930, trong không khí xung đột giữa Thơ Mới và Thơ Cũ, người đọc hưởng ứng Thơ Mới phụ rẫy Thơ Cũ thì Quách Tấn vẫn giữ lòng chung thủy với nguồn cảm hứng và lề lối sáng tác của mình.
Trong "Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê", học giả này có viết: Sự hiểu biết của Quách Tấn về Thơ Luật, về Ðiển tích ở Việt nam có lẽ không ai bằng. Có thể coi Quách Tấn là người cuối cùng có công với Thơ Luật. Người đầu tiên là ông Nguyễn Thuyên, người gây phong trào thơ Nôm đời Trần Nhân Tôn).
Nhiều người nhìn nhận hai cuốn NƯỚC NON BÌNH ÐỊNH và XỨ TRẦM HƯƠNG có giá trị rất lớn, là tài liệu căn bản cho các nhà nghiên cứu về Sử học, Ðịa dư học, Dân tộc học... Những truyền thuyết "khó tin rằng có, khó ngờ rằng không" và những chuyện "nói không có sách nhưng mách có chứng" đã làm say mê người đọc, dẫn dắt người đọc có những cái nhìn, cái nghĩ từ gần đến xa, từ thấp đến cao. Năm 1970, khi Xứ Trầm Hương ra đời, dư luận ngợi khen Quách Tấn chẳng những lỗi lạc về Thơ mà còn có tài về Văn.
Nhà thơ Quách Tấn còn là tác giả các bài văn tế Quang Trung Hoàng Ðế, Trận Ðống Ða, nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng... cũng như bài bi ký khắc ở Ðiện Tây Sơn (Bình thành - Bình khê) trước 1975.
Năm 1980, nhà thơ lão thành này bị bắt bớ vì lý do thời sự. Sau đó có gói tâm sự trong bài thơ "Mái Tóc Già":
Một cơn vạ gió hãi hùng qua
Xơ xác hơi thu mái tóc già
Tằm muốn vương tơ xây tiếp mộng
Bút đâu còn sức nở thêm hoa
Bùi ngùi nắng trải hương sen muộn
Lạnh lẽo quyên kêu bóng nguyệt tà
Thương xót nỗi lòng mong ấp ủ
Mây ngàn đôi cụm nổi xa xa...
Dù tiên sinh ấp ủ không muốn nói ra..., nhưng nỗi lòng của tiên sinh đã được nhiều người chia xẻ, trong đó có những đồng hương Tây Sơn Bình định.
YẾN LAN
Chính tên là Lâm Thanh Lang. Sinh năm 1918 ở thôn An ngãi, xã Nhơn hưng, quận An nhơn, tỉnh Bình định. Thi Nhân Việt Nam có trích hai bài thơ Bến My Lăng và Nhớ (trong thi tập Bến My Lăng không xuất bản).
Hoài Thanh đã viết về Yến Lan như sau:"Xem thơ Yến Lan, tôi mơ màng như đi trong mây mù, khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở. Chỉ thấy mờ mờ những con đường chảy, êm như những giòng sông, và nhất là cái vầng trăng vẫn thường ám ảnh các nhà thơ Bình định. Ngoài ra chịu không biết sau màn mây mù ấy có gì không."
Ðây là 4 câu đầu của bài thơ Bến My Lăng:
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách
Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách
Oâng lái buồn để gió lén mơn râu
Từ 1945 đến 1954, Yến Lan sống tại quê quán (An nhơn, Bình định) làm công tác thông tin ở thôn xã. Sau hiệp định Genève 1954, tập kết ra Bắc.
Tôi có được đọc bài thơ "Uống rượu với bạn đồng hương" của Yến Lan viết khoảng 1967, lời thơ điêu luyện, ý thơ chân tình, đơn cử:
Thường ngày ít hay rượu
Giờ cầm chén với anh
Khuấy men nồng chuyện cũ
Cho mình lại gặp mình
Một đoạn khác:
Nào rót nữa uống đi
Nguồn say còn lai láng
Chén nhớ đã rót đầy
Chén mừng đừng để cạn
Nhưng rồi nhà thơ không dám đi xa hơn mà vội trở lại với cái không khí, cái khuôn khổ cũ:
Ta uống ngợi con khôn
Ðảng cần đâu chúng tới
Ðứa săn giặc đầu non
Ðứa gây mùa giống mới
Sau 1975, Yến Lan trở về Bình định, có giai đoạn làm chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Nay còn hay đã mất không được biết, nhưng với tuổi 80 ông đã là... bóng lẫn vào đêm: ngồi lặng buồn... để gió lén mơn râu... như ông lái đò trên bến My Lăng ngày xưa cũ!
Những sinh hoạt thi ca liên hệ đáng ghi nhớ của nhóm nhà thơ Bình định:
Hàn Mặc Tử đề bạt thi phẩm "Một Tấm Lòng" của Quách Tấn ngày 25-6-1939. Hàn Mặc Tử giới thiệu thơ Chế Lan Viên trên báo Trường An năm 1939. Chế Lan Viên đề tựa thi phẩm "Mùa Cổ Ðiển" của Quách Tấn xuân 1941. Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên... thành lập Trường Thơ Loạn năm 1939, tuyên ngôn là "Tựa Ðiêu Tàn" và "Thơ Ðiên". Năm 1939 Hàn Mặc Tử đề tựa tập thơ "Tinh Huyết" của Bích Khê. Năm 1988, Quách Tấn xuất bản "Ðôi nét về Hàn Mặc Tử", Chế Lan Viên làm "Tuyển Tập Hàn Mặc Tử" (1987).
Năm 1991, một phóng viên nhà báo hỏi nhà thơ Quách Tấn về "Trường thơ Bình định" thì được trả lời:
Không có Trường Thơ Bình định nào đâu! Gọi Trường Thơ tức trường phái thơ là phải có cương lĩnh, tôn chỉ, tuyên ngôn về thơ... Hồi ấy (1932), Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan lập ra Trường thơ Loạn ở Qui nhơn mà Tựa Hai tập Ðiêu Tàn và Thơ Ðiên có thể xem là tuyên ngôn (lúc đó Quách Tấn ở Nha trang).
Nhà báo lại hỏi nhà thơ lão thành cảm nghĩ thơ ca sẽ đi đến đâu, sẽ tồn tại như thế nào trong thời đại ngày nay và trong tương lai thì được cho biết:
Tôi mù cả hai mắt mấy năm nay, có biết thời đại này đi đâu, về đâu mà dám đoán định thơ ca sẽ đi đâu, về đâu. Một nhà thơ đời Trần có nói: "Cổ lai vô vật bất thành thổ. Tử hậu duy thi khả thắng kim". Nếu thật là thơ thì sẽ còn tồn tại mãi, còn nếu là vận ngữ thì sẽ bị lãng quên.
Nhà báo hỏi thêm, hoạt động văn chương nước ta trong mấy năm gần đây khá sôi động, nhà thơ có theo dõi và có ý kiến chi không, có điều gì nhắn nhủ với lớp trẻ mới vào nghề văn, thì nhận được câu trả lời thật là thấm thía:
Không dám có ý kiến gì. Hồ ao tràn ngập nước, lẫn lộn đục trong, mắt tôi mù sao phân biệt được. Còn nhắn nhủ? Khổng Tử nhắn lại cho hậu sinh mà còn bị người đời phê phán, huống chi tôi!
Lẽ ra, tôi có thể kết thúc bài viết ở đây sau khi đã giới thiệu nhóm nhà thơ Bình định, nhóm Bàn thành tứ hữu. Nhưng tôi thấy vẫn "chưa làm tròn nhiệm vụ" vì Bình định Qui nhơn còn có nhà thơ tài ba, tên tuổi sáng rỡ trên thi đàn Việt nam thời tiền chiến... Tôi xin được nói về nhà thơ Xuân Diệu mà quê mẹ đã để lại trong thi ca, trong tình cảm của ông nhiều dấu ấn sâu sắc:
"...Từ lúc Má tôi đẻ tôi ra ở cái Vạn Gò bồi làm nưóc mắm. Một hạt muối trong tim để mặn với tất cả những gì đằm thắm. Một cành lá trong hồn để biếc cùng muôn làng mạc của Quê hương..."
XUÂN DIỆU
Xuân Diệu họ Ngô, sinh ngày 2-2-1917 tại làng Gò bồi, huyện Tuy phước (Qui nhơn - Bình định). Thân sinh là nhà nho Ngô Xuân Thọ, thường gọi là cụ Tú Thọ, người làng Trảo nha, huyện Cam lộc, tỉnh Hà tĩnh, vào dạy chữ Nho ở trường Trung học Qui nhơn, gặp bà Nguyễn thị Hiệp (quê Gò bồi), sinh ra Xuân Diệu.
Xuân Diệu học ở Qui nhơn, Huế, Hà nội, đậu Tú tài tây, làm Tham tá Thương chánh ở Mỹ tho (Nam phần). Ðã viết các báo Phong hóa, Ngày Nay, Tinh Hoa. Có chân trong Tự Lực Văn Ðoàn. Xuất bản thi phẩm Thơ Thơ (NXB Ðời Nay, 1938)...
Xuân Diệu là nhà thơ mới - hoàn toàn mới về ý tưởng cũng như về cách diễn đạt. Hãy nghe tác giả Thi Nhân Việt Nam viết về Xuân Diệu:
"Bây giờ khó mà nói được cái ngạc nhiên của làng thơ Việt nam hồi Xuân Diệu đến. Người đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy. Nhưng rồi ta cũng quen dần vì ta thấy người cùng ta, tình đồng hương vẫn nặng. Ngày một ngày hai cơ hồ ta không còn để ý đến những lối dùng chữ, đật câu quá Tây của Xuân Diệu. Ta quên cả những ý tứ người đã mượn trong thơ Pháp. Cái dáng dấp yêu kiều, cái cốt cách phong nhã của điệu thơ, một cái gì rất Việt nam đã quyến rũ ta..."
Trước 1945, Xuân Diệu là nhà thơ lãng mạn, là thi sĩ viết thơ tình nhiều nhất và hay nhất Việt nam. Thanh thiếu niên thời ấy rất mê thơ Xuân Diệu và xem đó là nhà thơ của mình, là tiếng nói của Tuổi trẻ, của Yêu đương...
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...
Dù biết rằng "yêu là chết ở trong lòng một ít", Xuân Diệu vẫn Giục giã, Tuổi trẻ sống vội, yêu vội, bởi vì:
Xuân đang tới nghĩa là Xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là Xuân sẽ già...
Từ 1945, Xuân Diệu sống và phục vụ cho chế độ miền Bắc. Sau 1975, Xuân Diệu thỉnh thoảng vào Nam, có ghé về thăm quê mẹ là Gò bồi, Qui nhơn, Bình định... Mất vào tháng 12, 1989 tại Hà nội. Sau này, lúc tuổi đã cao, Xuân Diệu chú tâm nghiên cứu cổ văn, dịch thơ chữ Hán (trong đó có thơ cụ Ðào Tấn, Bình định).
Xuân Diệu rất thương mẹ mình, rất thấm nghĩa ân sinh thành của người mẹ quê Bình định đã có cái hoàn cảnh không bình thường như những bà mẹ khác. Xuân Diệu đã viết: "Thuở ấy Má có con mà phải xa con, có con mà không dám thương con, thăm con mà phải lén lén lút lút thăm, bánh giấu cho con mà phải sợ sệt như làm điều gì tội lỗi. Má có chồng mà phải cảnh không được sống gần chồng. Tôi thương Má bao nhiêu cho vừa. Tôi chỉ trách thầy tôi ăn ở không công bằng để cho Má tôi bơ vơ một mình. Ðêm ấy, tôi ở nhà má lớn, đêm trong nhà sao mà lạnh lùng buồn bã. Tiếng con tắc kè, tắc kè, tắc kè. Từ ấy cha tôi, má lớn tôi bắt tôi xa Má với lời mắng nhiếc độc địa "mày đừng về con đẻ mày nữa, nó sắp có con riêng rồi, có con với người khác rồi."
Thú thật, tôi bùi ngùi khi đọc đoạn viết trên cũng như đọc những tú thơ khác: "Bóng Má vẫn là hình và bóng quê hương... Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong. Ông đồ nho lấy cô làm nước mắm". Hay là "Ôi, bao giờ, bao giờ. Ta tắm vào da thịt, con sông nhỏ Gò bồi Qui nhơn về ngụp biển, muối đọng ở vành tai".
Quả thật, quê Mẹ đã để lại trong Xuân Diệu những dấu ấn sâu sắc, trong đó có cả ngôn từ, chữ dùng, tiếng nói "Làm sao CẮT nghĩa được tình yêu", Xuân Diệu đã viết chữ "Cắt" của Bình định chứ không viết định nghĩa hay giảng, giải nghĩa.
Bây giờ, Xuân Diệu - cũng như Chế Lan Viên - không còn nữa. Từ sau 1945, họ đã viết lách theo một chiều hướng khác. Có gì còn lưu lại trong lòng người đọc?!...
Xuân Diệu tiền chiến có viết:
"Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm"
Họ đã thực sự "huy hoàng" với những Thơ Thơ, Ðiêu Tàn..., những tác phẩm đã chào đời trước 1945. Và bây giờ người đời ngợi khen họ, nhắc nhở họ là ngợi khen, nhắc nhở Xuân Diệu, Chế Lan Viên của ngày đó...
Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn... kẻ trước, người sau đã học ở trường Trung học Qui nhơn trước 1945, đã làm thơ khi còn ở tuổi học trò. Các nhà thơ Nguyễn Vỹ, Thúc Tề cũng có học ở trường Qui nhơn.
Thời tiền chiến, Nguyễn Vỹ đã có thi phẩm "Tập Thơ Ðầu" (xuất bản 1934), đã cổ súy việc sáng tạo những hình thức, những thể thơ mới lạ, câu thơ từ 2 chữ đến 12 chữ (thường gọi là 12 chân). Những bài thơ của ông được nói đến nhiều là "Sương Rơi" (2 chữ) và "Gởi Trương Tửu" (thất ngôn cổ phong viết trong lúc say...)
NGUYỄN VỸ sinh năm 1910, quê làng Tân phong, huyện Ðức phổ, tỉnh Quảng ngãi - học trường Trung học Qui nhơn. Về sau sống ở Sài gòn làm báo (chủ trương tạp chí Phổ Thông), viết văn, làm thơ (lập Trường thơ Bạch nga). Tác phẩm văn xuôi được chú ý là "Tuấn Chàng Trai Nước Việt", xuất bản trong thập niên 1960, bối cảnh tác phẩm là Qui nhơn Bình định. Ông mất khoảng 1965 tại Sài gòn.
THÚC TỀ sinh năm 1916 ở Huế, học ở Qui nhơn và Quốc học Huế, sau sống làm báo ở Sài gòn (bạn thân với Hàn Mặc Tử). Ông là tác giả bài thơ "Trăng Mơ" được nhiều người ưa tthích. Khi nhắc đến sông Hương, ta thường nhớ đến những câu thơ trong Trăng Mơ:
Một đêm mờ lạnh ánh gương phai
Suốt giải sông Hương nước thở dài
Xào xạc sóng buồn khua bãi sậy
Bập bềnh bên mạn chiếc thuyền ai...
Qui nhơn là thành phố biển, tỉnh lỵ của Bình định. Trước 1945, Qui nhơn là thành phố cỡ trung bình, đang trên đà phát triển. Thế mà, từ thập niên 1930, Qui nhơn được xem là một trung tâm văn hóa, giáo dục đáng kể: có trường trung học công lập Collège Võ Tánh, một vài trung học tư thục, có các Câu lạc bộ Thể thao, Văn nghệ... Qui nhơn đã là nơi quy tụ tinh hoa của các tỉnh miền Trung từ Phan thiết đến Quảng nam và các tỉnh Tây nguyên. Qui nhơn có một thế hệ học sinh, thanh niên háo hức học tập, tìm hiểu và đón nhận những đổi thay mới lạ đang xảy ra ở trong và ngoài nước. Các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật đang có dấu hiệu phấn khích. Khi phong trào Thơ Mới ra đời - có người gọi là cuộc cách mạng về thi ca - Qui nhơn cũng trở thành một địa bàn sôi động:
Tháng 6-1934, Lưu Trọng Lư diễn thuyết tại Học hội Qui nhơn để cổ vũ, giành phần thắng cho Thơ Mới. Cuộc diễn thuyết của Lưu Trọng Lư (sau này là một nhà thơ tài ba) từ diễn đàn Qui nhơn đã có tiếng vang khắp nước và gây phản ứng từ phía những người bênh vực Thơ Cũ.Nhưng điều đáng nói hơn hết, thành quả rạng rỡ hơn hết, là Qui nhơn đã đào tạo, đã sản sinh những nhà thơ tài ba, xuất sắc, có địa vị đặc thù trên thi văn đàn Việt nam, tên tuổi đã đi vào Văn học sử!
Từ sau 1945, Qui nhơn không còn, không có được cái không khí, cái môi trường như trước. Nguyên nhân có thể là vì chiến tranh, vì xung đột chính trị, vì sinh kế, vì thiếu nhân tố, nhân tài v.v... Giai đoạn sau này, Bình định Qui nhơn cũng có những nhà văn, nhà thơ sáng giá nhưng "đất đứng" của họ không phải là Qui nhơn Bình định. Ðể có thể tiến xa hơn, họ phải thiên cư đến những trung tâm văn hoá lớn! Ðó có phải là sự thực đáng cho ta suy nghĩ để gởi niềm kỳ vọng vào thế hệ trẻ mai sau sẽ đem lại cho Qui nhơn cái sinh khí cao đẹp đã bị mai một và còn làm cho ngày càng khởi sắc hơn.
California, Mùa Xuân 1998
Bùi Thúc Khán
Giai phẩm Xuân TÂY SƠN Mậu Dần 1998