NGUYỄN TIẾN HỐI
Xưa nay, nhiều người nhìn nhận rằng Người Bình Ðịnh phần đông tính tình chất phác, đôn hậu, chuộng khí tiết, trọng nhân nghĩa. Ngoài xã hội lấy Trung Tín làm gốc. Trong gia đình lấy Hiếu Thuận làm nền...
Hàng sĩ phu lo sửa mình, rèn đức đã đành mà quần chúng bình dân cũng luôn luôn cố gắng ăn lở cho phải đạo, cho được chút nhân nghĩa, dù tự giác hay do sợ làng nước, người trên quở trách. Ðạo lý cổ truyền thấm nhuần khắp các tầng lớp nhân dân, thể hiện một cách tự nhiên nơi ngôn ngữ, nơi hành động và biểu lộ hồn nhiên trong tục ngữ, ca dao:
Dù cho đất đổi trời thay
Trăm năm giữ một lòng ngay với đời!
Lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, sự hoà thuận và tình nghĩa anh em, vợ chồng, bạn bè, người ngoài xã hội, luôn luôn được đề cao, duy trì và bồi đắp. Tình nghĩa của học trò đối với Thầy học rất được chú trọng, luôn giữ cho được sự kính cẩn, lễ nghĩa mực thước và nồng hậu. Thầy đối với trò cũng ân cần, ưu ái.
Người Bình Ðịnh ngày xưa - mà ngày nay cũng vậy - phần đông có bản tính cương trực, chân thành, dũng cảm, kiên quyết, hiếu nghĩa, hiếu khách. Tuy nhiên hầu hết vẫn thích an nhàn, hòa hiếu (dĩ hòa vi quý) ít tham vọng. Nói theo ngôn ngữ Bình Ðịnh, nhìn chung họ đều "THÀNG". Trên Ðặc san Tây Sơn Xuân Kỷ Mão 1999, trong bài "Ngày Xuân Nghĩ về Quê Hương", tác giả Nguyễn Mộng Giác có nhận định về chữ "THÀNG" như sau:
"Thàng" không phải là hiền. "Thàng" là một chữ định hình, chứ không định tính. Người thàng, là người ít nói, tránh né những tranh chấp rắc rối, sẵn sàng chịu phần thua thiệt để giữ hoà khí, cố giữ bề ngoài đơn giản lùi xùi để không bị ai xem là kẻ quan trọng. Người thàng có thể hiền lành vì không dám làm việc dữ. Nhưng người thàng cũng có thể có những phản ứng bất ngờ dữ dội khi đột nhiên không thể chịu đựng được mãi sự thua thiệt. Người ta bảo người thàng hay cộc.
Hiểu và phân tích chữ Thàng như trên thật là sâu sắc. Thất vậy, Thàng là có vẻ hiền lành, thật thà. Mà "có vẻ" thì có nghĩa là "bề ngoài", giả vờ, giả bộ vậy thôi. Nhưng "giả vờ" lâu quá thì đôi lúc cũng hóa thật và phải chịu lép vế mãi mãi. Người Bình Ðịnh giỏi nhẫn nhục nhưng khi quá mức thì phản ứng bất ngờ và phản ứng quyết liệt. Và như vậy thì có cái hay mà cũng có cái dở. Ðiểm son được ghi nhận là người Bình Ðịnh biết trọng nhân nghĩa và chuộng khí tiết.
Nhân nói đại khái về tính tình của người Bình Ðịnh, tôi muốn nhắc lại dưới đây câu chuyện về tình nghĩa Bạn Bè của các vị sĩ phu Bình Ðịnh ngày xưa để... "góp đẹp" cho Ngày Xuân.
Dưới triều Nguyễn, từ vua Gia Long trở về sau cho đến khi nho học suy tàn, tỉnh Bình Ðịnh có hai vị đậu Tán sĩ và Phó Bảng là cụ Hồ Sỹ Tạo (quê Hòa Cư - An Nhơn) và cụ Ðào Phan Duân (quê Biểu Xuyên, Tuy Phước). Hai cụ là bạn đồng song thâm giao. Cụ Ðào Phan Duân đậu Phó Bảng đi làm quan. Cụ Hồ Sỹ Tạo đậu Cử nhân, lấy cớ nhà nghèo không đi thi Hội. Biết bạn mình là người tài ba lỗi lạc, cụ Ðào lấy làm kính yêu, mong bạn đem tài năng ra thi thố với đời, nên khuyên cụ Hồ Sỹ Tạo ra kinh ứng thí. Cụ Hồ Sỹ Tạo thoái thác rằng mình không đủ sức, lại không sẵn tiền, cụ Ðào liền sắm sửa hành trang và cấp tiền lộ phí, ép bạn phải lên đường ứng thí. Không nỡ phụ lòng bạn, cụ Hồ Sỹ Tạo phải vâng theo và thi đậu... Tấn sĩ! Người Bình Ðịnh thường gọi là cụ Tấn sĩ Hóa Cư.
Cụ Ðào Tấn vốn là bậc khoa bảng đại thần và là Tổ hát bội Bình Ðịnh, cụ có câu đối mừng cụ Hồ Sỹ Tạo đỗ Tiến sĩ vinh qui:
Lục tuần ngã dĩ hưu quan khứ
Tam giáp quân sơ đắc đệ hồi
(Sáu mươi tuổi ta đã là quan về vườn
Giờ đây lần đầu ông đỗ Tiến sĩ cũng lại về)
Ở câu đối này, tác giả dùng chữ "KHỨ" đối với chữ "HỒI" vốn có dụng ý: thời thế chẳng ra gì, cũng nên đi về thôi!
Về sau, năm Mậu Thân (1908), cụ Hồ Sỹ Tạo tham gia phong trào chống chính sách sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp do các cụ Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng từ tỉnh Quảng Nam và lan rộng mạnh mẽ ở các tỉnh Miền Trung. Dưới sự lãnh đạo của cụ Hồ Sỹ Tạo và các sĩ phu, đồng bào Bình Ðịnh đứng lên cắt tóc và kéo nhau đến tỉnh lỵ, huyện lỵ, đòi quan cai trị Pháp, Nam giảm bớt sưu thuế. Bọn cầm quyền nã súng vào đám người tay không. Lớp chết, lớp bị thương nhưng đồng bào vẫn không lùi bước, cùng nhau nằm mẹp nơi thành Bình Ðịnh (An Nhơn) mà kêu than. Và càng bị bắn giết, dân chúng kéo đến càng đông. Trong ba ngày liền, công việc đều nghỉ (bãi công), và chợ quán không nhóm (bãi thị). Không thể dùng quyền lực uy hiếp, bọn cầm quyền phải nhượng bộ, hứa hẹn thỏa mãn yêu sách của dân, nên đồng bào đã giải tán. Nhưng chúng chẳng giữ lời hứa, còn tìm cách bắt giữ những người lãnh đạo phong trào và khủng bố những người còn nuôi hy vọng được bớt sưu thuế.
Tưởng cũng nên nói thêm là trong vụ đấu tranh chống sưu thuế nói trên, danh từ "đồng bào" được dùng đến và nhắc nhở nhiều lần để chỉ cho các tầng lớp già trẻ, trai gái tham gia phong trào, và họ cũng gọi nhau như vậy, nên phong trào này tục gọi là "VỤ ÐỒNG BÀO".
Cụ Hồ Sỹ Tạo bị Pháp truy bắt, bỏ tù trên 10 năm tại phủ lỵ An Nhơn (Bình Ðịnh). Bấy giờ cụ Ðào Phan Duân đang làm Tuần vũ tỉnh Khánh Hoà, vẫn giữ tình xưa, chu cấp cho gia đình cụ Hồ Sỹ Tạo và lui tới thăm viếng. Khi cụ Hồ Sỹ Tạo được trả tự do thì hai ông bạn già lại chung sống với nhau trong cảnh thanh bần lạc đạo.
Người Bình Ðịnh đến nay còn nhắc chuyện cụ Tuần vũ Ðào Phan Duân từ Khánh Hòa đến phủ lỵ An Nhơn (Bình Ðịnh) thăm viếng cụ Hồ Sỹ Tạo đang bị giam giữ tại đây. Tri phủ An Nhơn lúc bấy giờ là cụ Phan Minh Bậc (thân sinh ông Phan Minh Thọ, cựu Tỉnh trưởng Bình Ðịnh). Cụ Phan Minh Bậc cảm phục tài đức của cụ Ðào Phan Duân từ lâu nên nói với cụ Ðào là sẽ cho người xuống nhà lao đưa cụ Tấn sĩ Hoà Cư lê phủ đường để gặp mặt thăm hỏi. Cụ Ðào từ chối: "Tôi đến đây xin quan Phủ cho tôi gặp mặt bạn đồng song của tôi với tư cách là bạn bè, tôi xin gởi lại quan Phủ thẻ bài ngà của tôi và xin quan cho lính lệ dẫn tôi xuống nhà lao để gặp là tốt lắm rồi, xin quan vui lòng thuận cho".
Trên đây là một trong những Tấm Gương Sáng trong cách xử thế của người xưa mà chúng ta cần suy gẫm, nhất là trong dịp xuân về, Tết đến nơi đất khách quê người. Nếu không tạo nên được những gương sáng thì chớ có bao giờ làm phai mờ, hoen ố đạo đức, tâm hồn Dân tộc. Không làm được gì tốt đẹp cho Quê hương Ðất nước thì đã đáng thẹn, còn làm ngược lại thì thật đáng trách, đáng phạt.
San Diego, ngày áp Tết Canh
Thìn 2000
NGUYỄN TIẾN HÔI
Giai phẩm TÂY SƠN Xuân Canh Thìn 2000