Cụ Cử
NGUYỄN TRỌNG TRÌ
VÀ LIỄN ÐIẾU SỐNG
LỘC XUYÊN ÐẶNG QÚY ÐỊCH
Nguyễn Trọng Trì thuở bé tên là Nguyễn Văn Lâm, sau đổi Nguyễn Văn Trì, tự Trọng Trì. Sinh ngày mười ba tháng hai năm Tân Hợi (1851) tại làng Vân sơn, xã Nhơn hậu, huyện An nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Là con của ông Tú Nguyễn Văn Khuê (tự Ðạt), em kề xử sĩ Nguyễn Văn Chỉnh (tức Nguyễn Bá Huân). Trúng cử nhân thứ 8/12 tại trường thi Bình Ðịnh khoa Bính Tí, Tự Ðức thứ 29 (1876). Ðược bổ chức Tư vụ tại triều dưới thời Kiến Phúc. Sau Kiến Phúc băng, ông thấy triều chính càng đổ nát mà giặc Pháp không ngừng dùng binh lực ép triều đình ta thừa nhận hàng ước Quí Mùi (1883), ông bỏ chức rồi trốn về làng liên lạc với các bậc sĩ phu yêu nước mưu đồ việc cứu nước. Kịp đến khi vua Hàm Nghi xuất bôn (1885), hạ chiếu Cần vương thì ông gia nhập nhóm nghĩa sĩ do quan Hường Ðào Doãn Ðịch cầm đầu ứng nghĩa.
Sau trận đánh với quân Pháp tại Trường Úc (Tuy Phước), quan Hường Ðào bị thương, bèn giao binh quyền cho cử nhân Mai Xuân Thưởng. Từ đó ông theo giúp Nguyên soái họ Mai. Ðến khi lực lượng Cần vương của Mai công bị liên quân Pháp - Trần Bá Lộc - Nguyễn Thân đánh tan rã, Mai công phải ra nộp mình cho giặc (tháng tư năm Ðinh Hợi - 1887) để cứu mẹ và dân làng Phú Phong - Phú Lạc, rồi chịu lên đoạn đầu đài vào Rằm tháng tư nhuận Ðinh Hợi, thì ông cũng bị giặc bắt, bị tước mất học vị Cử nhân rồi đuổi về làng giao cho địa phương quản lý. Ðến năm Mậu Thân (1908) Phong trào cự sưu kháng thuế nổi lên, dù ông không trực tiếp chỉ đạo như bạn ông là Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, ông vẫn bị bắt với tội danh Cần vương cựu đảng.
Ông mất ngày mười sáu tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1922) thọ 72 tuổi ta, mộ táng tại thôn Tân Ðức, nay thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn.
Cũng bởi ông bị tước mất học vị Cử nhân nên trên mộ chí thấy ghi hai chữ Tú tài. Tú tài là học vị dưới Cử nhân và cũng có nghĩa là người học trò. Tấm bia đã bị mòn, nhiều chữ khó nhận, nhất là những chữ cuối ở hai hàng chữ nhỏ hai bên. Cũng may là những chữ quan trọng trên bia tôi còn nhận được qua bản sao rập của ông Phan Văn Cảnh (hiện là giảng viên trường Ðại học Sư phạm Qui Nhơn) đã rập cách đây mười năm. Nay xin sao lại phiên âm và dịch nghĩa để giúp cho những ai muốn nghiên cứu thân thế chiến sĩ Cần vương Nguyễn Trọng Trì. Dưới đây là nguyên văn mộ chí, những vòng tròn dưới hai hàng chữ nhỏ thế những chữ có trên bảng rập nhưng lu quá không đọc được.
Phiên âm:
1- Hoàng Triều Cố Tú Tài Nguyên Tư Vụ Nguyễn Phủ Quân Chi Mộ.
2- Sanh ư Tân Hợi niên nhị nguyệt thập tam nhật Tuất khắc ...
3- Tốt ư Nhâm Tuất niên chánh nguyệt thập lục nhật Hợi khắc...Dịch nghĩa:
1- Mộ của Tú tài họ Nguyễn đã qua đời, nguyên làm chức Tư vụ triều nhà Nguyễn.
2- Sanh năm Tân Hợi, tháng hai, ngày mười ba, giờ Tuất (15-3-1851)...
3- Mất năm Nhâm Tuất, tháng giêng, ngày mười sáu, giờ Hợi (12-2-1922)...
(số Ả rập trên đầu ba hàng chữ Hán do tôi ghi để dễ nhận)
Tưởng cũng nên nói luôn là ông không có con trai nối dõi nên việc thờ phượng và trông nom mộ phần ông đều do cháu ngoại đảm trách... Hiện ông được thờ tại nhà bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Tân Ðức, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn. Tại đây còn tôn di ảnh của ông.
Giờ tôi xin nói tới liễn điếu sống.
Số là vào đầu năm Nhâm Tuất (1922), giữa lúc đau nặng gần chết, ông cho mời mấy người bạn thân đến làm liễn điếu đọc trước cho ông nghe, trong Nhân Vật Bình Ðịnh tôi có đưa vào hai câu của ông Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo và Phó bảng Ðào Phan Duân, trích từ sách Danh Nhân Bình Ðịnh của Bùi Văn Lăng. Sau này tôi bắt gặp trong "Chủ Danh Gia Ðối Liên Tập" của Hà Trì Trần Ðình Tân cũng có chép hai câu ấy nhưng ở câu của cụ Tiến sĩ Hoà Cư thì có mấy chữ khác. Tuy chữ có khác nhưng nghĩa cũng đồng với câu trong sách ông Bùi. Cho nên, tuy ở đây tôi sao lại từ sách cụ Hà Trì nhưng vẫn dùng bản dịch của ông Bùi vì tôi có dịch cũng không qua nổi.Câu của Phó bảng Biểu Xuyên Ðào Phan Duân:
Mạt lộ cách hà ngôn? Vân Sơn khâu thọ cựu du, lãng tụng ngư tiều ngô dữ tử;
Trần duyên an túc vấn? Yên Triệu bi ca bản sắc, trầm mai hào kiệt cổ nhi kim!
Bản dịch của ông Bùi Văn Lăng:
Ðường cuối cùng thôi biết nói sao! Thú nhởn nhơ cây mát gò cao, Vân Sơn mấy vận Ngư tiều, đây đó ngâm nga đà lắm lúc;
Việc trần thế ra gì hỏi nữa! lòng trung nghĩa câu cười tiếng khóc, Yên Triệu những chàng hào kiệt, xưa nay chôn lấp biết là bao!
Câu của cụ Tiến sĩ Lam Giang Hồ Sĩ Tạo:
Tử điếu hà như sanh điếu đa? Song tiền tương chước số bôi, bất tận vi ca vi khấp vi bi vi hoan, tất thế hình hài vong cố ngã!
Kim tuế hoặc diên lai tuế giả. Biệt hậu cánh thành thiên cổ, vị tố kỳ đạt kỳ cùng kỳ tài kỳ ngộ, nhất trường khối lỗi khái phù sanh!
Bản dịch của Bùi Văn Lăng:
Thác đi điếu chi bằng sống đến chơi? Trước song đôi chén cùng nhau, cần gì mà vui mà tủi, kẻ khóc người cười, xác thịt một đời rồi bỏ hết!
Năm nay chăng hay đợi năm sau đã? Tử biệt ngàn thu chẳng gặp, nghĩ lại lúc đạt lúc cùng, tài này cảnh ấy, bồ nhìn cả lũ sống mà chi!
Ðọc hai câu liễn của hai bậc đại khoa tỉnh ta, tôi thấy câu nào cũng hay cả, nhưng khiến tôi xúc động thì lại là câu của Tiến sĩ Hoà Cư. Ðiều đó dễ hiểu bởi lẽ lãnh tụ kháng thuế Hồ sĩ Tạo đã từng vào tù ra tội như Cần vương cựu đảng Nguyễn Trọng Trì. Cụ làm liễn điếu sống bạn mà cũng là tự điếu mình. Thảm thiết nhất ở mệnh đề cuối: "nhất trường khối lỗi khái phù sinh" (cảm khái cho kiếp sống tạm mà bọn mình như những phỗng sành tượng đất lăn lóc trên quảng trường). Ông Bùi dịch thoát mà rất hay: "Bồ nhìn cả lũ sống mà chi!" Hàn Dũ bảo "bất bình tắc minh" (bất bình thì ắt kêu lên). Ðọc lại "Nhất trường khối lỗi..." thật không còn tiếng kêu uất ức tủi nhục bi thương nào hơn!
LỘC XUYÊN ÐẶNG QUÍ ÐỊCH
(Trong những bài viết về Nhân Vật Lịch Sử Tác Giả Văn Học Bình Ðịnh, 1955)
Ðặc san QUANG TRUNG & TÂY SƠN Xuân Canh Thìn 2000