HUỲNH NHUẬN
Vào cuối thế kỷ 19, nước ta lâm vào cảnh thiên tai địch họa: đê Hồng hà bị vỡ, giặc Châu chấu tàn phá mùa màng, quân Cờ Ðen, Cờ Vàng, Cờ Trắng từ Trung quốc tràn qua cướp bóc tài sản và giết chóc nhân dân miền Bắc, nhứt là quân Pháp mưu toan xâm lược nước ta dưới chiêu bài mở mang và truyền đạo. Triều đình thì lại bị thao túng bởi bọn hủ nho lạc hậu và cố chấp. Tại Bình định cũng như khắp nơi trong nước, có những anh hùng liệt sĩ xả thân cứu nước bằng cách nầy cách nọ. Riêng Ðặng Ðức Tuấn là một vị đạo trưởng của một "tà đạo", từ trong ngục tù, đã đưa ra những kế hoạch bình Tây, cứu quốc:
- Làm chấn động triều đình
- Thực hiện cuộc đối thoại kỳ thú giữa một tử tù và một đấng Quân vương.
- Ðã giải thoát hàng vạn giáo hữu bị giam cầm.
Ðặng Ðức Tuấn làm được ba điều trên là vì ông đã thành công trong việc đem ba cái Ðức của triết thuyết Á Ðông: Nhân, Trí, Dũng ứng dụng vào nguyên lý Thần học và triết lý Công giáo mà ông đã thu thập từ các giáo sư Âu châu và với các sinh viên Á châu: Tàu, Nhựt, Cao ly, Thái lan v.v... ở đại chủng viện Penang, Mã lai, nơi ông theo học. Là một Nguyễn Trường Tộ thứ hai, Ðặng Ðức Tuấn đã đưa ra những thao lược bình Tây, cứu nước bằng những văn thơ tuyệt diệu. Ông đã minh đạo Công giáo qua những nguyên lý Khổng học vào thời kỳ mà Việt nam coi Hán văn như quốc học. Vậy Ðặng Ðức Tuấn là ai, sự nghiệp thể nào?
A.- THÂN THẾ CỦA LINH MỤC ÐẶNG ÐỨC TUẤN
GIA PHẢ RÚT NGẮN CỦA ÐẶNG ÐỨC TUẤN
Ðặng
Ðức Siêu
(1750-1810)
Lễ Bộ Thượng thơ
+ Phu nhơn Nguyễn thị
Ngữ
ll
Ðặng Ðức Chiêm
Hải dương Tổng đốc
ll
Ðặng Ðức Lành
ll
Ðặng Ðức Hoá
+ Ðặng Ðức Tuấn
(1806-1874) Linh mục
+ Ðặng Ðức Bình
Sách Ðại Nam Nhất Thống Chí ghi về Ðặng Ðức Siêu như sau:
Ðặng Ðức Siêu, người huyện Bồng sơn, thuở nhỏ đậu Hương tiến (cử nhân), được bổ vào Hàn lâm. Lúc đầu thời Trung hưng, ông lẻn vào Gia định, dâng "Bình Tây Sơn phương lược", được lãnh chức Trung dinh Tham mưu, ra vào trong chốn màn trướng, thân cận với chúa Nguyễn. Sau ngày đại định, nghi lễ chiếu biểu của nhà vua phần lớn đều do ông soạn thảo. Ông làm quan đến Thượng thơ bộ Lễ. Sau ông được sung chức phụ đạo cho Hoàng tử, đem đạo thánh dạy dỗ, làm được nhiều điều bổ ích. Lúc chết ông được nhà vua tặng chức Thiếu sư Hiệp biện Ðại học sĩ. Năm Tự Ðức thứ năm (1852), ông được thờ vào miếu Trung Hưng Công thần. Ðức hạnh, tiết tháo của ông đáng là nhân vật đệ nhất của nhà Nguyễn.
Sách Việt nam Danh nhân Từ điển của Nguyễn Huyền Anh ghi về phu nhân như sau:
Ðặng Ðức Siêu có bà vợ chính thất là Nguyễn thị Ngữ, người huyện Hương trà, tỉnh Thừa thiên, là một bậc tiết phụ hiếm có. Khi chồng theo chúa Nguyễn vào Gia định, bà ở nhà thủ tiết nuôi con. Tư đồ Tây Sơn là Vũ Văn Dũng muốn cưới bà làm vợ, nhưng bà nhứt định khước từ. Sau chồng về, bị bệnh chết, bà lo tống táng tận lễ rồi ở vậy cho đến già. Ðời Minh Mạng sắc cho biển Tiết Phụ với bốn chữ "Ðông Quản Phương Tiêu".
Về sự nghiệp văn chương, Ðặng Ðức Siêu là tác giả Văn tế Thượng sư Bá Ða Lộc, Văn tế Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, bài Hồi loan Khải ca nói về chiến công thống nhất đất nước của vua Gia Long. Ngoài ra ông còn soạn một quyển sử gọi là Thiên Nam Ðế Hệ, chép sự việc từ Triệu tổ Nguyễn Kim đến Ðịnh vương Nguyễn Phúc Thuần.
Ðặng Ðức Siêu có người con là Ðặng Ðức Chiêm làm Tổng đốc tỉnh Hải dương. Con của Ðặng Ðức Chiêm là Ðặng Ðức Lành.
BUỔI THIẾU THỜI VÀ THANH NIÊN CỦA ÐẶNG ÐỨC TUẤN
Chúng ta không có sử liệu tương quan huyết thống giữa Ðặng Ðức Tuấn và Ðặng Ðức Siêu, chỉ có tương truyền của người địa phương rằng Ðặng Ðức Siêu là ông cố của Ðặng Ðức Tuấn.
Năm Bính Dần (1806), thời Gia Long, Ðặng Ðức Lành, một ẩn sĩ làm câu họ Gia hựu, thôn Qui thuận, huyện Bồng sơn, Bình định, sinh con trai thứ hai đặt tên là Ðặng Ðức Tuấn. Tuấn có một người anh là Ðặng Ðức Hóa và một người em là Ðặng Ðức Bình. Cả ba anh em đều giữ đạo Công giáo và theo đuổi nho học. Ðặng Ðức Tuấn xuất sắc hơn anh em trong gia đình và các bạn đồng trường. Ông có tư chất thông minh, học đâu hiểu đó, nhờ thế trong các kỳ khảo hạch để tuyển thí sinh, Ðặng Ðức Tuấn đã được các danh sĩ địa phương công nhận là "xác hữu thực học". Khoa thi Hương năm Ất Dậu (1825) tại trường thi Bình định, ngay từ bài kinh nghĩa ở trường nhứt, Ðặng Ðức Tuấn đã đứng nhứt, trên cả ngàn sĩ tử dự thi. Vào đến trường ba, ai ai cũng đinh ninh rằng Tuấn sẽ đậu Tú tài. Nào ngờ vì chép đề thi thiếu mất một chữ mà phải lạc đề. Kinh nghĩa, tứ lục Tuấn đều đứng nhứt. Thi phú ở trường ba là món rất hợp với sở trường, Ðặng Ðức Tuấn không ngờ mình lại vô duyên với trường ốc như thế.
ÐẠO CÔNG GIÁO GẶP KHÓ KHĂN
Năm 1825 là năm có tàu Thétis vào cửa Ðà nẵng. Giáo sĩ Rogerot ở lại, đi giảng đạo các nơi. Vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo và nghiêm lện cho các hải phòng nha phải cẩn thận xét hỏi các tàu bè qua lại. Năm 1835, nhân vụ Lê Văn Khôi khởi loạn ở Nam kỳ, quan quân nhà vua hạ thành Phiên an (Gia định) và bắt được linh mục Marchand (cố Du) ở trong thành. Cố Du bị cáo buộc là đã theo Lê Văn Khôi làm loạn nên vua Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo càng nghiêm.
Lúc bấy giờ Ðặng Ðức Tuấn cùng với anh mình là Ðặng Ðức Hóa ở quê nhà cày ruộng và dạy học. Ðặng Ðức Hóa đã đậu Tú tài, còn người em út là Ðặng Ðức Bình đã qua đời vì bệnh đậu mùa. Vào thời buổi này Giáo hội Việt nam còn thiếu cơ sở đào luyện linh mục, các chủng sinh phải xuất dương du học tại Ðại chủng viện Phi Năng (Penang), một đảo của Mã lai thuộc Anh quốc. Việc truyền đạo ở Việt nam mà thiếu Hán văn thì khó thu kết quả, cho nên, ngoài những môn học cần thiết, chủng sinh Việt nam còn phải học thêm Hán văn. Học Hán văn thì các chủng sinh Việt nam rất sẵn sàng, ngặt vì học với thầy Tàu, đọc theo giọng Tàu, thì dẫu cố gắng cách mấy cũng không vô. Thật là nan giải.
ÐẶNG ÐỨC TUẤN ÐƯỢC TUYỂN CHỌN LÀM GIÁO SƯ HÁN VĂN TẠI ÐẠI CHỦNG VIỆN PENANG
Cuộc khủng hoảng về giáo sư Hán văn ở chủng viện Penang gây lúng túng cho hàng giáo phẩm Việt nam, vì khó kiếm được một giáo sư Hán văn vừa có khả năng vừa sẵn sàng khứ quốc. Ðức cha Thể (Mgr. Cuénot) dò hỏi các giáo hữu trong địa phận Qui nhơn - Huế, thì có người giới thiệu Ðặng Ðức Tuấn là người thông nho, chưa lập gia đình, có nhiệt tâm với Giáo hội, nếu xuất dương mấy năm đi nữa thì cũng không vướng bận gì. Sau đó, Ðặng Ðức Tuấn được đưa đến yết kiến Ðức cha Thể, và khi được ngài hỏi về nhiệm vụ dạy Hán văn ở hải ngoại, Ðặng Ðức Tuấn hăng hái nhận lời. Liền đó Ðặng Ðức Tuấn được đưa vào Gia định, chờ tàu đi ngoại quốc. Lúc bấy giờ vào khoảng đầu đời Thiệu Trị.
Ðến Phi năng, một trung tâm Giáo hội văn hóa Ðông Tây, ngoài giờ giảng dạy Hán văn, Ðặng Ðức Tuấn chú tâm nghiên cứu ngoại ngữ và học cả tiếng La tinh là ngôn ngữ căn bản của Giáo hội. Vốn tư chất thông minh và bản tính hiếu học, sau ba năm tự học với sự dìu dắt của chủng sinh, trình độ hiểu biết về tiếng La tinh, Anh ngữ, Pháp ngữ của Ðặng Ðức Tuấn đã đạt đến mức khả quan, có thể đọc và hiểu một số sách vở về giáo lý.
ÐẶNG ÐỨC TUẤN DẤN THÂN VÀ ÐƯỢC NHẬN LÀM CHỦNG SINH ÐẠI CHỦNG VIỆN PENANG
Một hôm cha Bề trên Ðại Chủng viện Penang tình cờ gặp ông thầy dạy Hán văn đang nghiên cứu văn phạm La ngữ, do tác động bên trong, ngài hỏi: "Con có muốn học để làm linh mục không?" Ðặng Ðức Tuấn trả lời: "Ðó là ước nguyện bình sinh của con, song chỉ hiềm con đã lớn tuổi." Cha Bề trên hứa can thiệp với Ðức cha Thể để ghi tên Ðặng Ðức Thuấn vào sổ chủng sinh. Sự can thiệp có kết quả mau chóng, và thế là Ðại chủng viện Phi-năng thu nhận một tu sĩ tinh thông văn tự Ðông Tây. Sau bảy năm cố gắng học hành, Ðặng Ðức Tuấn đã thấu triệt các môn thần học, triết lý, giáo luật, giáo sử v.v... và được thụ phong chức Phó tế. Công phu xuất dương trên mười năm thật là hữu ích. Ðặng Ðức Tuấn vừa giảng dạy Hán văn, vừa học hỏi để trở thành người thông thái, đủ năng lực phụ tá Ðức cha Thể, duy trì đạo giáo trong thời thế rất khó khăn.
ÐẶNG ÐỨC TUẤN THỤ PHONG LINH MỤC VÀ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO VIỆT NAM BỊ BÁCH HẠI
Sau khi lãnh chức Phó tế ở Ðại chủng viện Penang, Ðặng Ðức Tuấn trở về cố hương giúp việc Ðức cha Thể và, sau một thời gian phục vụ, được Ðức cha phong chức linh mục tại Toà Giám mục Gò thị, thôn Xuân phương, xã Phước sơn, quận Tuy phước, tỉnh Bình định. Vị tân linh mục do lệnh Ðức cha ra quản nhiệm giáo xứ Châu me, quận Mộ đức và giáo xứ Trung tín, quận Bình sơn, Quảng ngãi được sáu năm. Chiến tranh ở Ðà nẵng rồi Gia định bộc phát dữ dội, triều đình Huế nghi kỵ người công giáo, đề phòng nội ứng bằng cách bắt giam mọi giáo hữu. Nhà thờ bị phá hủy, bổn đạo lớp bị bắt, lớp đi ẩn tránh tan tác. Cha Ðặng Ðức Tuấn phải lánh xa Quảng ngãi, trở về Bình định, rồi lại từ Bình định trở ra Quảng ngãi.
Trên đường bôn tẩu hoạn nạn, nhiều lúc cha Tuấn ghé vào nhà không công giáo mà vẫn được tiếp đãi tử tế, là vì trước kia cha có dạy Hán văn, người được sĩ tử Bình định và Quảng ngãi kính trọng. Và trong thời kỳ này, cha Tuấn đã soạn thảo hai bản Ðiều trần nói về phương lược Bình Tây.
B.- SỰ NGHIỆP CỦA LINH MỤC ÐẶNG ÐỨC TUẤN
Tu đức học định nghĩa: Linh mục là một con người học hành và cầu nguyện "Le prêtre est un homme d'étude et d'oraison." (1) Bản chất của linh mục là như thế khiến cho cha Ðặng Ðức Tuấn phải đau khổ về ba cái tai họa trước mắt: Thiên Chúa bị xúc phạm, nhân dân đồ thán, đất nước trên đường vong bại. Chính bản thân mình cũng bị gông cùm, trăng trói, nhưng cha Tuấn vẫn vươn lên, đem khối óc và bút lông cứu nước, minh đạo, tiến thẳng trên hai con đường song song: Tôn thờ Thiên Chúa, Phụng sự Tổ quốc. "Của César, trả lại cho César; của Thiên Chúa, hoàn về Thiên Chúa." (Mat.22,21). Ðó là những yếu tố làm động cơ thúc đẩy linh mục Ðặng Ðức Tuấn đến sự nghiệp lớn.
TRÊN ÐƯỜNG LÂM NẠN
1. Bị bắt vì đạo
Chỉ dụ cấm đạo Công giáo của triều đình Huế được thi hành nghiêm ngặt. Linh mục Ðặng Ðức Tuấn phải rời nhiệm sở. Trên đường di động để vừa lẩn tránh vừa thăm lom bổn đạo, cha Tuấn tạm trú nhà hương Côn ở Nga mân, tú Quới đến chơi, hai bên hàn huyên tương đắc. Tú Quới ngưỡng mộ cái tài đức và văn học của Ðặng Ðức Tuấn, nhưng đoán biết Tuấn là công giáo, nên sợ quan quyền hay biết, không dám ém nhẹm, mà tự mình bắt thì ngỡ ngàng, thành thử kêu làng xóm tới xét hỏi. Làng đòi đóng gông, nhưng Tú Quới bảo lãnh rước về nhà mình, đãi đằng cơm nước. Sáng hôm sau, làng giải giao Ðặng Ðức Tuấn cùng với ba đệ tử lên huyện Mộ đức.Trong thời gian bôn tẩu, nhìn vào thế cuộc, tâm hồn đau xót vì Giáo hội lâm nạn, Nam kỳ bị Pháp xâm chiếm, linh mục Ðặng Ðức Tuấn soạn thảo hai bản Ðiều trần gồm 6 trang: Bình Tây sách và Minh Ðạo Bình Tây sách, để chờ có dịp dâng lên triều đình.
Trong lúc bị áp giải, Ðặng Ðức Tuấn vẫn giữ hai bản Ðiều trần này trong gói hành lý. Bảo vật tùy thân chỉ có tượng ảnh Ðức Mẹ, nhưng sợ quan quân tịch thu xúc phạm, cha Tuấn đành phải gởi tượng Ðức Mẹ vào bộc cây da bên lề đường. Là bộng cây, nhưng có vẻ tôn nghiêm cao trọng tượng trưng một bàn thờ thần thánh. Cây da sum sê phản ảnh quyền lực toàn năng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sau khi thành tâm khẩn cầu, cha Tuấn được xác tín rằng nhờ Mẹ phù trì, mình sẽ vào chốn cửu trùng dâng sách lược bảo quốc an dân: Nam kỳ phải được thu hồi chủ quyền, giáo hữu được hành đạo. Mong được toại nguyện, mình sẽ noi gương Ðào Uyên Minh ca khúc "qui khứ lai từ", rước tượng Ðức Mẹ từ bộng cây, về vui sống cùng con chiên bổn đạo cũ xưa.
2. Bị điệu dẫn ra trước Huyện đường
Cất giấu tượng ảnh Ðức Mẹ và cầu khẩn xong, linh mục Ðặng Ðức Tuấn được đoàn người áp giải đưa lên huyện Mộ đức. Quan tri huyện lấy khẩu cung. Ðọc hai bản Ðiều trần, thấy bàn nhiều việc lớn an nguy nước nhà, quan huyện nể tác giả, không nạt nộ ban ngày, đợi đến đêm kêu tác giả để điều tra riêng. Biết đích xác tác giả hai bản Ðiều trần là đạo trưởng (2), quan thu thập đủ tài liệu vi bằng trình Tỉnh.
3. Ra trước Tỉnh đường và mang gông sắt
Vào thời đó, ba quan đầu tỉnh Quảng ngãi là: Tuần vũ (tỉnh trưởng) Châu Phúc Hy; Bố chánh (phó tỉnh trưởng) Nguyễn Tăng Tín; Án sát (tư pháp) Nguyễn Hiển. Trước nhứt, Ðặng Ðức Tuấn được giải giao cho quan Án sát. Án sát nhận thấy Tuấn là một trọng tù, truyền đóng gông lá sắt (3), đợi sáng ngày sẽ hội đồng với quan Bố chánh để hỏi cung. Sáng hôm sau, hai quan Bố và Án ra ngồi công đường, truyền đem phạm nhơn vào. Cứ tục lệ thời đó, hễ là công giáo, thì phạm nhân phải đạp Thánh giá là điều trước tiên khi ra trước công đường. Nhưng Ðặng Ðức Tuấn cương quyết và lễ phép từ chối với lý lẽ rất phân minh. Quan Bố chánh là người phục thiện, nên cho miễn xúc phạm Thánh giá.
Ðến lượt quan Án sát hỏi: "Tuấn học đạo với ai? Chịu chức do ai? Ði Tây hồi nào?" Ðặng Ðức Tuấn xin ban giấy bút để cung khai tại chỗ. Quan y cho. Ðặng Ðức Tuấn trả lời bằng tờ Thừa khai tại chỗ bằng bài vè bốn chữ, 88 câu rất khôn khéo, thông minh, tránh né không gây liên lụy đến ai, chỉ khiếu nại oan ức ho mình và cho giáo hữu. Sau khi đệ nạp tờ Thừa khai, thì còn bị hai quan vặn hỏi một vài điều về địa lý thế giới. Tuấn đã trả lời minh bạch, và nhân thể thuyết minh đạo Công giáo là đạo được giảng truyền từ Rôma chớ không từ Pháp. Hai quan Bố, Án tạm xếp, chờ quan Tuần vũ kinh lý về, sẽ mở hội nghị công đồng xét đoán.
4. Bị tra tấn
Sau đó mấy ngày, quan Tuần vũ về, Ðặng Ðức Tuấn bị điệu ra trước ba quan đầu tỉnh, bị tra hỏi ba lần và mỗi lần bị 36 roi, và mỗi roi là một lần nứt da lòi thịt. rồi thì Tuấn được trở về nhà giam, chờ ngày xét xử.
II. PHỤNG CHỈ LAI KINH
Ít hôm sau, có quan Thanh tra từ triều đình vào với nhiệm vụ dò xét tình hình chính trị, quân sự địa phương. Hai quan Bố, Án khoe trình sáu trang điều trần lên quan lớn xem. Ðọc xong, Thanh tra chỉ thị quan tỉnh làm sớ tấu qua Cơ Mật viện dâng lên Hoàng thượng ngự lãm. Quan tỉnh thi hành, truyền mở gông cho Tuấn chép lại Ðiều trần, đệ trình về Kinh.
Một cuộc lai kinh ngộ nghĩnh. Tù mà được đi võng, dân phu và lính tráng phải túc trực đưa đón. Ðưa đón quá đắc lực nên đến Kinh chỉ trong hai ngày. Từ Quảng ngãi ra Huế phải 300 cây số, phương tiện nhanh nhất thời đó là ngựa. Nghe chuyện lạ, thiên hạ rủ nhau đi coi chật đường Huế.
1. Trình diện Binh bộ Thượng thơ
Về đến triều đình, Ðặng Ðức Tuấn trước nhứt đến trình diện quan Thượng thơ bộ Binh Lâm Duy Hiệp. Tuấn giảng minh về tam phụ: Chúa Trời, Vua Quan, Cha Mẹ. Về giáo hội: Giáo hoàng Rôma quản trị Công giáo, không phải Pháp, tiếp đến minh oan cho giáo hữu lâu nay bị triều đình nghi ngờ là ám thông, nội ứng cho giặc. Dẫn chứng vừa rồi tàu Tây đến đánh cửa Hàn (Ðà nẵng), giáo hữu đâu có ùa theo Tây, trái lại vẫn tuân thủ pháp luật của triều đình, đi lính, đóng thuế, làm xâu. Họ trọn vẹn là những lương dân của nhà vua. Giặc Pháp mạo danh "tự do giảng đạo" gây chiến tranh, trục lợi. Trước mặt bá quan, Ðặng Ðức Tuấn trình bày thông suốt, lý lẽ vững chắc. Quan Lâm khen ngợi, các quan khác đều tỏ ý tán thưởng những chánh ngôn, chánh lý. Sau đó thi hành lệnh quan Lâm, Ðặng Ðức Tuấn làm tờ khai, lính Trấn phủ dẫn qua Hình bộ nạp tờ khai, rồi về Trấn phủ đợi lệnh.
2. Trình diện Hình bộ Thượng thơ
Diện trình Thượng thơ bộ Binh xong, Ðặng Ðức Tuấn yết kiến Thượng thơ bộ Hình. Nơi đây, Ðặng Ðức Tuấn được đãi ngộ, được mời cơm nước, quan trên cấp giấy bút để lập thêm hai bản Ðiều trần khác. Hai bản Ðiều trần này được vua ngự lãm, tán thưởng văn tài, xét kỹ nội dung về những ý kiến trị quốc an dân, nên chỉ trong ngày sau là có sắc chỉ miễn tội và ban thưởng cho đạo trưởng Ðặng Ðức Tuấn. Lúc bấy giờ quan, dân ở kinh đô chuyển hướng, từ phỉ báng đến ngợi khen đạo giáo.
Sau đó, Ðậng Ðức Tuần còn soạn thảo thêm hai bản điều trần nữa, tức là bản thứ năm và thứ sáu dâng lên Ngự tiền, nội dung nói lên nỗi oan khiên của người công giáo, khuyên triều đình đừng mắc mưu giặc mà tác hại dân mình. Vua Tự Ðức nghe theo kế sách này, truyền cho quan Cơ Mật ra thông tư nói về chủ trương mới của Triều đình cho các tỉnh. Chính nhờ bốn bản Ðiều trần sau này mà vua Tự Ðức quyết định bãi bỏ biện pháp Phân Sáp, một biện pháp bất nhân do bọn hủ lậu độc ác bày ra.
Sau đó, Ðặng Ðức Tuấn được vua Tự Ðức chỉ định, ngoài việc cố vấn và thông ngôn cho Phái bộ Phan Thanh Giản - Lâm Duy Hiệp nghị hòa với Pháp, còn đặc trách an dân nữa. Do sắc chỉ của Cơ Mật viện theo lệnh vua, Ðặng Ðức Tuấn qua tỉnh nào thì giáo hữu tỉnh đó được giải thoát ngục tù và phân sáp.
III. NAM DU NGHỊ HOÀ
1. Chuẩn bị nghị hòa
Lúc bấy giờ, sứ giả của Soái phủ Pháp từ Sài gòn đáp tàu tại cửa Thuận an, vào Huế hỏi Triều đình muốn nghị hoà hay tiếp tục chiến tranh. Triều đình muốn nghị hoà. Soái phủ yêu cầu Triều đình cử toàn quyền đại thần vào Sai gòn thương nghị. Triều đình chưa biết cử ai. Trong các quan lớn, không ông nào muốn lãnh sứ vụ, vì sợ Soái phủ phản trắc bắt giữ. Ðược quan Lâm Duy Hiệp hỏi ý kiến, Ðặng Ðức Tuấn quả quyết: "Không thể xảy ra vụ Pháp bắt giữ sứ thần của ta. Vậy ông lớn cứ vào thương thuyết, hòa được thì hòa, không hòa được thì về ngay." Ðặng Ðức Tuấn xin tháp tùng để giúp đỡ Phái bộ.
Vua cho vời Ðặng Ðức Tuấn vào Hoàng thành hỏi han các việc. Tuấn xuất nhập có giấy phép hợp lệ, lính Cẩm y thị vệ gặp mặt là phải "Bẩm ngài". (4) Vua Tự Ðức truyền cho Thủy sư Ðề đốc dùng tàu Loan Thoại đưa phái đoàn Phan Thanh Giản - Lâm Duy Hiệp, có Ðặng Ðức Tuần làm tùy viên vào Gia định. Trước khi đi, vua ban yến tiệc tống hành, quan quân đưa đón trọng thể.
2. Nghị hòa
Tàu Loan Thoại ra cửa Thuận an, có tàu Forbin của Pháp đón tiếp, cột dây kéo vào Gia định. Dân chúng Nam kỳ nghe tin có tàu vua mình đến, ra đứng bờ trông đợi, tỏ tình quyến luyến với Phái bộ. Sài gòn bây giờ khác hẳn năm xưa, ngoại kiều đông đảo, phố xá nghênh ngang. Phái bộ Việt nam đến đất cũ của mình mà cảm thấy như mình đang đật chân đến một miền xa lạ.
Hội nghị Giảng hòa khai diễn ngày một tháng năm, năm Nhâm Tuất, tức 6 tháng 6 năm 1862. Sau các nghi lễ tiếp đón, hội khám ủy nhiệm thư, sứ thần ba nước Việt nam, Pháp và Tây Ban Nha bàn vào việc chính.Pháp đòi ta bồi chiến phí năm triệu đồng và cắt giao trọn sáu tỉnh Nam kỳ. Thấy điều kiện giảng hòa quá nặng, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp hỏi ý kiến Ðặng Ðức Tuấn. Tuấn phát biểu ý kiến bảo quốc "chỉ bồi tiền chứ không nhượng đất". Sau mấy ngày thương thuyết, đến ngày chín tháng năm, năm Nhâm Tuất, phái bộ ta chịu nhường cho Pháp ba tỉnh miền Ðông (Biên hòa, Gia định, Ðịnh tường) và bồi chiến phí bốn triệu đồng. Ngày ký Hiệp ước, Pháp làm lễ mừng, cờ treo khắp phố, súng bắn vang trời.
3. Sứ mạng hoàn thành
Ðặng Ðức Tuấn cùng với Phái bộ lên tàu Loan Thoại rời Sài gòn ngày 11 và về đến cửa Thuận an đêm 14. Trấn hải đài bắn súng chào mừng. Ðặng Ðức Tuấn được trở về nhiệm sở cũ ngày 24 tháng 5, nhưng vì các quan có ý lưu lại kinh đô để chờ xem tình hình có diễn biến gì không thành thử lịch trình hồi hương bị chậm.
Trở về cảnh cũ người xưa, Ðặng Ðức Tuấn trong lòng bùi ngùi khôn xiết. Cảnh vật tàn xiêu, trong số người xưa, nhiều kẻ khuất bóng. Vừa người vừa cảnh, mười phần nay chỉ còn ba! Tuy nhiên, thâm tâm vẫn có cái mầm tin tưởng phấn khởi: Tượng ảnh Ðức Mẹ giấu trong bộng cây thuở hoạn nạn nay còn y nguyên. Nhờ Ðức Mẹ, phận mình cũng có góp công vãn hồi hoà bình đất nước và tự do công giáo.
Sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, linh mục Ðặng Ðức Tuấn được toà Giám mục Gò thị chỉ định quản nhiệm giáo xứ Tân lộc, quận Sơn tịnh, Quảng ngãi, rồi đổi về Hoà mục, xã Cát tài, và cuối cùng về Nước Nhĩ, thôn Chánh khoan, xã Mỹ lợi, Phù mỹ, Bình định. Trong thời gian này, cha Ðặng Ðức Tuấn còn hai lần phụng chỉ lai kinh, cố vấn nhà vua một số ý kiến chính trị.
Linh mục Ðặng Ðức Tuấn được giáo hữu và thân hào bắc Bình định gọi là "CHA KHÂM". Mang danh hiệu này, vì người đã khâm mạng vua làm tùy viên trong Phái bộ Nghị hòa và đi ủy lạo giáo hữu bị tù ngục và phân sáp. Và vì kính mến người nên người địa phương còn xưng hô người bằng húy danh "CHA NĂM".
IV TỪ TRẦN
Linh mục Ðặng Ðức Tuấn từ trần thánh thiện tại Nước Nhĩ ngày 11 tháng 6 năm Giáp Tuất, 1874, để lại nơi đây niềm thương tiếc lớn với nhiều kỷ niệm cao quý như: một kho tàng văn hóa, một tư tưởng nhân bản, một tình thương dân tộc và ái quốc, tinh thần tôn sùng Ðức Mẹ. Phần mộ của cha Tuấn hiện nay nằm kề nghĩa trang các đấng tử đạo Nước Nhĩ.
KẾT LUẬN
Linh mục Ðặng Ðức Tuấn là một nhà ái quốc, đồng thời là một chân tu và là một trí thức công giáo. Cha Tuấn là một bậc quân tử, dùng văn chương chuyên chở đạo lý (văn dĩ tải đạo). Cái đặc biệt ở nơi cha Tuấn là một linh mục ở thượng bán thế kỷ 19 mà dùng triết thuyết Khổng giáo để bênh vực đạo công giáo giữa triều đình Huế, một triều đình nhìn nhận Khổng học như Quốc giáo và coi Công giáo là tả đạo cần phải tiêu diệt.
TỪ NGỮ
(1) Rút trong sách "Jésus vivant dans le Prêtre"
(2) Ðạo trưởng: Lúc bấy giờ, linh mục bổn quốc gọi là Ðạo trưởng, linh mục Pháp, Tây Ban Nha thì gọi là Tây dương Ðạo trưởng
(3) Lá sắt: gông thiết diệp, gông sắt dùng để đóng vào những tù quan trọng, nguy hiểm
(4) Ngài: các thị vệ phải trịnh trọng với cha Tuấn. "Bẩm ngài" là lối xưng hô rất phép tắc. Ðối với Phủ Huyện thì gọi là Quan. Với quan tỉnh thì gọi là Quan lớn. Với quan Thượng thơ thì gọi là Ông lớn. Với các quan trong Cơ Mật viện thì phải gọi là Ngài.
(Tài liệu tham khảo: "Tinh Hoa Ái Quốc Công Giáo Việt Nam" của GS. LAM GIANG và LM. VÕ NGỌC NHÃ)
Maryland, tháng 5 năm 1999
HUỲNH NHUẬN
Ðặc san
HOA
TÌNH THƯƠNG sô 2, năm 1999