ÐÀO TẤN
VÀ NỀN NGHỆ THUẬT HÁT BỘI

CÙ MINH KHÁNH

 Cho đến nay, nếu ai còn ở trong nước hoặc đang ở nước ngoài hỏi: Tác giả kiêm nghệ sĩ nổi tiếng của nền kịch "Hát Bội" Việt Nam là ai? Xin thưa: ÐÀO TẤN.

Ông ÐÀO TẤN sinh ngày 27 tháng 2 năm Ất Tỵ (1845) tại thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyên Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh. Ông là học trò của cụ Huỳnh phủ-Nguyễn Diêu, tức cụ Tú Nhơn Ân, tác giả các vở tuồng Ngũ Hổ Bình Liêu, Chém Cáo, Liệu Ðố.

Ông Ðào Tấn đỗ cử nhân khoa Ðinh Mão (1867) tại trường thi Bình Ðịnh. Nhưng khác với thông lệ bổ nhiệm lúc bấy giờ, mãi đến bốn năm sau ông mới được gọi ra Huế làm Hiệu Thư. Thời kỳ "bốn tháng ba vua" ông bỏ quan về nhà tu ở chùa Linh Phong (tức chùa ông Núi) thuộc quận Phù Cát, tỉnh Bình Ðịnh. Ông tu được ba năm thì bị gọi ra làm quan.

Vốn sinh trưởng trong một gia đình nông dân bình thường, thân sinh ông Ðào Tấn là ông Ðào Ðức Ngạt ( thầy thuốc Ðông Y, thầy Ðịa Lý, người tá điền) và bà Hà Thị Loan (người Huế, tiểu thương gia). Gia đình ông Ngạt ngụ tại Gò bồi (xã Phước Hòa, quận Tuy Phước ngày nay), sau vì lý hương địa phương kỳ thị dân ngụ cư, nên ở Gò Bồi không sinh sống được phải trở về Vinh Thạnh.

Ông Ðào Tấn hiệu là Mộng Mai và Mai Tăng tự là Chỉ Thúc, thuở nhỏ nổi tiếng thông minh, ham học, thấy việc bất bình hay làm thơ, vè đả kích nay còn lưu lại vài bài như:

Gò Bồi dân chúng đã kêu vang
Hết việc quan gia đến việc làng
Xâu thuế quanh năm lo muốn chết
Mà đêm nằm ngủ vẫn không an

Ngoài thời gian đi học cậu bé họ Ðào rất mê xem "Hát Bội" kết bạn với Ðội Hiệp (vì nhà nghèo nên Ðội Hiệp theo hát bội từ thuở nhỏ, nếu có đám hát nào kêu tờ (ký hợp đồng) thì Ðội Hiệp mách Ðào Tấn cùng đi. Do đó về sau này hai người trở thành tâm giao, tri kỷ. Khi Ðào Tấn làm quan dắt dìu Ðội Hiệp theo tiếp tục nghề Hát Bội. Khi Ðào Tấn tạ thế, Ðội Hiêp bỏ nghề Hát Bội, sống bằng nghề câu cá, chỉ vì thiếu tri kỷ, mà hình như không bao lâu sau Ðội Hiêp cũng qua đời.

Có thể nói Ðội Hiêp nổi tiếng là nghệ sĩ tài năng nhờ có Ðào Tấn và ngược lại Ðào Tấn thông thạo nghệ thuật Hát Bội, trở thành bậc thầy. Cố nhiên công lao rèn luyện của cụ Tú Nhơn Ân đối với Ðào Tấn không nhỏ.

Lúc 19 tuổi Ðào Tấn đã viết tuồng Tân Dã Ðồn miêu tả câu chuyện Từ Thứ qui Tào, nghĩa là lúc ông còn đi học, ham mê Hát Bội, chưa có danh phận gì, làm sao bói trước được mình sẽ làm quan. Và suốt cuộc đời làm quan từ chức Hiệu Thư đến Thượng Thư gắn liền với nghệ thuật Hát Bội. Ðúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông nhận định: "Ông Ðào làm quan là cái xác, làm thơ là cái hồn."

Ở câu đối đề tại quan xá (không rõ quan xá nào) Ðào Tấn viết:

Thiên Tử thể thần lượng sự thụ chức
Tiêu nhân hữu mẫu di dưỡng tựu quan

Nghĩa là: Vua nhắm sức kẻ bầy tôi mà giao việc, còn kẻ tiểu nhân này có mẹ, vì phải nuôi mẹ mà đi làm quan.

Lúc tiễn ông Ngự y Nguyễn Duân (ở Kim Trì cùng huyện) nhân dịp ông Duân về thăm quê, ông Ðào viết:

Hoạn tình tự ngã mưu thăng đẩu
Hướng tứ tùy quân quá Hải Vân

Nghĩa là: Ông cũng như tôi, làm quan chẳng qua vì cơm áo, xin gởi ông qua một chút tình nhớ quê qua đỉnh Hải Vân.

Trong bài ký Chùa Linh Phong ông Ðào viết: "Những năm Kiến Phước, Hàm Nghi, Tấn tôi bỏ quan về Nam gửi dấu ở núi Chùa này." Nhiều tài liệu đã nói cái "tội" bỏ quan của ông Ðào Tấn đã bị triều đình giáng xuống bốn cấp quan. Cũng trong bài ký ông Ðào viết: "Năm Thành Thái thứ bảy, năm Ất Dậu, Tấn tôi bị làm Thượng Thư Bộ Công". Nhiều bài thơ, bài từ của ông thể hiện lên tâm trạng buồn về chuyện làm quan như bài: "Ðêm trừ tịch nhân đọc sách tình cờ viết" chế diễu bọn sâu dân mọt nước trong chốn quan trường:

Dịch:

Năm mới đổi thay, thói chủa thay
Lật từng trang sách giữa đêm nay
Tuổi già ham đọc điều suy gẫm
Cuời chốn quan trường có mọt đây

Bài "Viết tình cờ" ông dặn các con chớ đi theo con đường làm quan của ông:

Dịch:

Các con vốn chửa bận lòng
Công danh đâu phải là dòng văn chương
Bụi lầm sợ đến tê xương
Chớ xen vào chốn hí trường nhố nhăng

Ông nói vậy sợ chưa cảm đuợc các con, nên ông viết tiếp bài: Mạn đề (Viết miên man)

Kỳ hựu thông thông khứ
Kỳ tân đắc đắc lai
Khá liên kỳ lộ thượng
Tương kiến hữu trần ai

Dịch:

Cái cũ vội vội đi
Cái mới xăm xăm tới
Gặp nhau ngã ba đường
Thương thay đều lắm bụi

Bài thơ muốn nói: vì chán chường nên cũ mới đi thật nhanh, vì chưa biết nên mới hăm hở bay tới, nhưng cuối cùng cả hai thấy người mình đầy bẩn thỉu. Tuy tấm thân đang ở chốn quan trường nhưng với con mắt ông nơi đây toàn là sâu bọ, là trò hề, là bụi bặm của đời quan. Trong "Ðược trở về" viết bài này thay lời từ biệt:

Dịch:

Ðã bốn năm non Hồng cách biệt
Thơ "Hoài qui" ngồi viết đêm thu
Tiễn nhau cạn chén tiêu ưu

Ông mơ ước làm sao cho đất nước thanh bình và mang cái mơ ước này "về nơi cửa trúc" ngôi nhà tranh mà ông đặt tên "Hương thảo thất"

Trường an từ giã ra về
Trong mơ dắt nhạc thái hòa cùng đi

Hoặc:

Quyện điểu tà phi phản cố tâm
Mỗ khâu, mỗ thụ, phí tương tầm
Kinh qua bình nhật học ngữ xứ
Vong khước cao tường thiên lý tâm

Dịch:

Chim chiều mỏi cánh trở về rừng
Côi nọ, gò kia, liệng uổng công
Chợt ghé nơi xưa từng "học nói"
Hết rồi cái mộng nhảy bay rong

Tại dinh Tổng đốc An Tĩnh ông nghĩ về bà vợ cả Phạm Thị Trận, ông trách mình và cũng thẹn cho mình trong bài Khiếu ngạo đông hiên (đề ở chái đông nhạo đời):

Ðọ áo cho ta rượu lúc nghèo
Bỏ nhà khi loạn bế con theo
Không màng cảnh sống ngày vinh lạc
So với nàng ta thẹn biết bao

Chuyện mà ông Ðào nghĩ đến bà vợ cả (Phạm Thị Trận) mà thẹn cho mình. Câu chuyện có lẽ như thế này: Khi còn ở quê nhà ông Ðào kết hôn với bà Phạm sinh hạ được một trai là Ðào Bá Quát. Bà đã tận tâm chăm sóc ông Ðào học thành tài. Khi triều đình Huế gọi ông ra làm Hiệu Thư bà Trận không bằng lòng đi theo chồng, bà phân trần: "Tôi là gái quê mùa, lâu nay không hề biết đến cửa quan nữa là đến chốn đế đô, tôi xin được ở nhà chăm lo gia đình." Theo lễ giáo phong kiến thời bấy giờ bà Trận phạm lỗi "bất tòng." Do đó ông Ðào ra Huế cưới bà Diêu Tiên. Người ta gọi bà Trận là bà "vườn," bà Diêu Tiên là bà "Bộ." Ông Ðào thẹn cho mình là đã chạy theo công danh lợi lộc không bằng vợ mình, đã sớm biết lẽ đòi nên không màng cuộc sống ấy.

Tuy sinh trưởng ở Tuy Phước Bình Ðinh, nhưng Ðào Tấn ở Huế đến 18 năm, ở Nghệ An 10 năm và cũng tại nơi đây ông đã thành công trên con đường nghệ thuật của mình, vậy đất Lam Hồng đối với Ðào Tấn là tình yêu tha thiết. Các vở Hộ sinh đàn, Trầm hương các, và những bài thơ có tầm cỡ... ông đều viết trên đất Lam Hồng.

Ông Ðào cảm ơn đất Lam Hồng đã vun đắp cho ông cái hồn thơ:

Ngựa qua bãi cát trăng theo
Triều lên gió lộng, thuyên chèo ngang sông
Mười năm quen lối Lam Hồng
Lòng thơ thanh khoáng như trong cảnh này

Hoặc:

Mới biết đặng một chữ
Chớ vội xưng tài hoa
Mau thu xếp về Nghệ
Cho đỡ khổ lòng Cha
Nước non Lam Hồng ấy
Sớm tối đủ vui mà 

Suốt mười năm, hai lần sống trên đất Lam Hồng, Ðào Tấn đội lốt ông quan cốt làm nghệ sĩ. Ông sử dụng tất cả nhân viên cũng như lính tráng phục vụ cho Tổng đốc để hình thành đoàn hát. Hầu hết những nghệ sĩ tuồng nổi tiếng ở Bình Ðịnh và Nghệ An đều nằm trong hình thức ấy. Từ đó ông mở trường dạy nghề hát tuồng lấy tên là: "Học Bộ Ðình" và xây dựng rạp hát lây tên là: "Như thị quan" nghĩa là hãy xem nó như thế đấy. Dựa vào đoàn và phương tiện, ông đề xướng: phương châm nghệ thuật dưới hình thức câu đối thờ tổ ở "Học Bộ Ðình" và câu đối rạp hát "Như thị quan."

Phuơng châm nghệ thuật của ông "Tùy xứ khôi hài, phùng trường tác hí," nghĩa là tùy chỗ, tùy nơi, tùy nguời mà hài hước châm biếm, chứ không nên hài hước châm biếm lung tung. Tùy cảnh trí sân khấu mà diễu, mà viết. Nói khác đi là ông đề cập đến cái hay, cái đẹp nghệ thuật.

Ông nói: "Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ; sự đô như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân" là trời đất chẳng cho nhàn, thôi thì mời bà con đến chốn "bận" này tìm chút "nhàn." Cái chính của nghệ thuật là giải trí, mọi sự trên đời đều như kịch, chớ cười vì giả ấy là chân. Ngoài ra ông còn nói, nghệ thuật chính là mối quan hệ giữa cái thật của cuộc đời với cái thật của sân khấu.

Công nhận rằng, tác dụng của phương châm nghệ thuật và tuyên ngôn nghệ thuật của ông Ðào đã làm cho đội ngũ nghệ sĩ do ông gầy dựng chóng trưởng thành, và xuất hiện nhiều tài năng xuất sắc.

Nhờ phương châm của ông Ðào đã làm cho tất cả nghệ sĩ do ông gầy dựng chóng trưởng thành và thật nhiều nghệ sĩ nổi danh. Cuộc đời gắn liền với nghệ thuật nên "tuồng Hát Bội" thời ông Ðào phát triển quá nhanh, so với tuồng của ông Ngụy Khắc Ðản (ông đỗ tiến sĩ, tác giả vở Kiều, người Nghệ An, cùng thời với Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ) và Bùi Hữu Nghĩa, đậu tiến sĩ lớp trước ông. Tuồng của hai ông có những câu những đoạn rất hay: "Nhà dột ba căn trời đẻ trứng, vách xiêu bốn phía nhện ru con" trong tuồng Kiều của Ngụy Khắc Ðản. Hoặc: "Trời xanh nguyệt rạng, gió mát sóng trang, trăng thanh mặt nước rơi vàng, sao tỏ da trời nhận ngọc" trong tuồng "Kim Thạch kỳ duyên" của Bùi Hữu Nghĩa.

Mười năm sống trên đất Lam Hồng, ngoài hoạt động nghệ thuật ông Ðào vô cùng kính phục ông Phan Ðình Phùng, dưới danh nghĩa văn nhân Nghệ Tĩnh (tất nhiên không thể lấy danh nghĩa Tổng đốc để ca ngợi địch thủ của triều đình) ông đã che chở cho Ðề Niên vị tướng cuối cùng của phong trào Phan Ðình Phùng còn sót lại khỏi tội chết. Khi Ðề Niên qua đời, ông viết câu đối:

Loạn hậu tối tri quân, kiến kỳ sự mẫu hiếu, dữ nhân thành cửu hỉ, tư tâm đa ái hộ
Tử tiền do yết ngã, thuyết tân xạ lộc hồi, sất ngưu khứ thúc thiên, nhất mộng cự nhân mang.

(Sau cơn loạn lạc càng hiểu ngài, thấy rằng thảo với mẹ, thật với bạn, lâu lắm lòng riêng hằng yêu mến; trước lúc lìa đời còn gặp tớ, kể chuyện săn con nai, xua con trâu, vậy mà bỗng chốc vội chia phôi.)

Con nguời chính trị: 

Ông Ðào đặc biệt gửi niêm tin vào Phan Bội Châu. Năm 1903 ông Ðào là một trong những người đâu tiên tham gia phong trào Duy Tân của nhóm Nguyễn Hàm ở Quảng Nam, chuẩn bị cho Phan Bội Châu và Cường Ðể sang Nhật (trong Cường Ðể tự thuật).

Ông Ðào còn là bạn vong niên với họa sĩ Lê Văn Miến người họa sĩ đầu tiên vẽ tranh sơn dầu của nước ta và cũng là sĩ phu yêu nước. Ông Ðào tiến cử họa sĩ Lê Văn Miến vào cung, bề ngoài vẽ chân dung cho Thành Thái, nhưng bên trong vẽ các kiểu súng bộ binh cho vua Thành Thái đúc, trang bị cho đội nữ binh của hoàng cung. Có lẽ đây là nguyên nhân chính của việc thực dân Pháp mượn tay Nguyễn Thân gây sự với Ðào Tấn lúc về hưu. Chính vì vậy mà ngày ông Ðào tạ thế, tập thể sĩ phu Nghệ Tĩnh điếu câu đối:

Hiền tướng phong lưu, Hoan quận thập niên do truyền thảo
Danh viên tiêu tức, Lại giang thiên lý ức hàn mai

(ông quan hiền lành và phong lưu, suốt mười năm trên đất châu Hoan còn để lại bao nhiêu tác phẩm; cái tin buồn từ khuôn viên nổi tiếng đưa lại - ý nói Mai viên của Ðào Tấn ở Vinh Thạnh - ôi chạnh nhớ cội mai khí tiết ở sông Lại giang nghìn dặm.)

Người dân thuở ấy ít nghĩ Ðào Tấn là ông quan, mặc dù ông đang làm quan lớn, mà yêu Ðào Tấn là văn, nhà thơ và một nghệ sĩ tài danh. Một võ quan Pháp Gosselin (từng tham gia việc bắt vua Hàm Nghi) chú ý nhiều về những việc làm của ông Ðào, sau buổi tiếp xúc với ông Ðào ở dinh Tổng đốc Nghệ An, cũng phải công nhận rằng: "Một đời giữ nhiều chức vụ quan trọng ông Ðào vẫn tay trắng tay bần, bao nhiêu ấy đủ thơm danh hậu thế và làm cho đại nhân vượt lên trên hẳn nhiều đồng liêu khác ít được gương mẫu như đại nhân."

"Dao Tan est resté sans fortune après avoir rempli les fonctions les plus élevées. Ce seul mot suffit à faire son éloge, et à donner une haute idée de la valeur morale de ce personnage, et le distingue dune facon heureuse de certains de ses égaux qui nous offrent souvent, sans aucun scrupule, des exemples contraires." (L' Empire d'Annam trang 468, xuất bản ở Paris năm 1904 do Vương Hồng Sến dịch).

Ðến lúc về hưu, chưa nói đến bao nỗi cơ cực chung quanh chuyện về hưu của ông Ðào, do Nguyễn Thân và Trương Như Cương hành hạ, triều đình Huế cấp cho ông bốn mẫu lộc điền, số ruộng ấy nếu chỉ để dành riêng cho gia đình ông cũng đủ sống ung dung, nhưng ông Ðào khi về hưu đã gánh thêm hơn hai mươi nghệ sĩ "Hát Bội" từ lâu nay vừa là lính vừa là bạn nghệ thuật đã cùng ông lăn lộn suốt chặng đường dài, họ cũng về hưu với hai bàn tay trắng chẳng bổng lộc gì chẳng lẽ bốn mẫu ruộng kia chỉ là của riêng ông. Hơn nữa ông còn phải tiếp tục con đường nghệ thuật, nên ông bèn bán bốn mẫu lộc điền rủ nhiều ông quan hưu cùng quê hùn vốn vỡ hoang vùng đầm nước mặn làng Huỳnh Giản (xã Phước Hòa ngày nay) thành đồng ruộng đặt tên là cánh đồng "qui canh" (đồng ruộng của những ông quan về đi cày). Số lúa thu hoạch được về phần ông, vừa nuôi sống gia đình ông, vừa nuôi nghệ sĩ và cung cấp cho "Học Bộ Ðình" ở Vinh Thạnh, nuôi con em ở quê đến đây học hát. Nhờ vậy mà ông vẫn tiếp tục được sự nghiệp nghệ thuật cho đến lúc tắt thở, như lời ông: "báo đáp cho đời dễ trọn chăng" bằng cách "nực cười giá sống đầy trăm tuổi, chỉ thích hát ngâm khắp đất trời."

Thật đáng biết ơn ông Ðào Tấn, trong bối cảnh như vậy mà ông vẫn dồn hết tâm lực vun vén để lại cho quê hương đất nước hạt giống nghệ thuật tuồng Hát Bội quí báu làm cho sân khấu tuồng nước ta rạng rỡ một thời.

Có người nói "Bình Ðịnh là quê hương của Hát bội" câu nói chưa thật hoàn chỉnh, nhưng thực sự là như vậy.

Có một năm cảnh nhà hơi túng, ông Ðào bèn giỗ cha bằng cách diễn một vở tuồng do ông sáng tác (chưa rõ vở gì) nhưng các vai chính trong tuồng do cha con ông biểu diễn, các nghệ sĩ khác phụ hóa trang, dọn lớp và đóng các vai phụ. Ông Ðào giỗ cha không dùng mâm cao cỗ đầy mà dùng thành quả nghệ thuật của mình. Sống trong xã hội đều cho rằng "xướng ca vô loại" nhưng ông Ðào vẫn xếp mình vào hạng bị khinh rẻ, ông đã đạp trên dư luận, đã đến nơi, đến chốn mới có sự nghiệp để lại như ngày nay chúng ta đều biết.

Theo tài liệu của văn thi sĩ Quách Tấn: lúc ông Ðào còn làm Phủ doãn Thừa Thiên có chém một tên "bồi Tây" thường gọi là bồi Ba. Tên này cậy thế Khâm sứ Pháp làm nhiều điều tàn ác, dân chúng chung quanh chợ Ðông ba ai ai cũng ghê sợ hắn, chuyện đến tai ông quan họ Ðào, ông cho người theo dõi. Một hôm hắn gây tội ác, bắt được quả tang, ông ra lệnh chém đầu. Khâm sứ Pháp đến tận dinh Phủ doãn can thiệp, ông không nghe. Dân chúng Thừa Thiên và thành Huế được tin tên bồi Ba đã đền tội ai nấy đều hả dạ vì đã thoát khỏi cái nạn "bồi Tây." Chỉ có Khâm sứ Pháp không hài lòng. Nên chúng ta thấy ông Ðào không đơn điệu, không phải ông quan chỉ biết vâng dạ. Ông Ðào đáng cho ta khâm phục.

Ông Ðào Tấn còn là người phụng chỉ Lưỡng cung đến nhà Trấn Vũ (mẹ con Thành Thái bị an trí lâu ngày ở đấy) đọc chiếu rước Thành Thái về nội cung để chuẩn bị lên ngôi (trong Lô giang tiểu sử, trang 61, quyển hạ của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại).Ông Ðào Tấn nguyên là Ðào Ðăng Tấn nhân một hôm có người hỏi: Giòng họ Ðào ta có phải gốc từ Ðào Duy Từ không? Ông Ðào trả lời: Chuyện ấy rất khó nói, tìm trong gia phả họ Ðào không hề thấy chữ nào nói đến việc này. Cụ Ðào Duy Từ là bậc vĩ nhân, ta nhìn nhận như vậy tránh sao "thấy người sang bắt quàng làm họ" mà để tiếng ở đời. Nhiều chuyện gồm lại nên về sau ông Ðào cải là Ðào Tấn (bỏ chữ Ðăng).

Rằm tháng bảy năm Thành Thái thứ 19 (1907) ông Ðào từ giã cuộc đời. Hưởng thọ 63 tuổi. An táng tại núi Huỳnh Mai (mai vàng) cách mai viên của ông chừng vài cây số, nơi đây xưa kia hàng năm cứ đến ngày Tết, dân chúng trong vùng đổ xô lên núi bẻ lộc mai về mừng xuân. Ngôi mộ của ông cũng xây đắp đơn giản như cuộc đời của ông.

Mộng Mai Ðào Tấn sinh ra trên đất Mai, đặt tên hiệu là Mai, tên cái vườn nhà cũng Mai, chết chôn ở Mai...nói một cách khác là ông rất yêu mai, muốn sống cuộc đời như Mai, lúc sinh tiền ông thường tâm sự với núi Mai:

Núi Mai rồi giữ xuơng Mai nhé
Ước mộng hồn ta là đóa Mai

Ngược lại với cái hiên ngang của Cao Bá Quát:

Suốt đời cúi lạy mỗi hoa Mai

Ông Ðào Tấn là một đại danh nhân của đất "thang mộc" này chăng ("Qui Nhơn thang mộc địa", Qui Nhơn là quê hương dấy nghĩa của vua Quang Trung  theo thơ Phan Huy Ích). Ở ông Ðào Tấn có một sự khác thường là trong lúc mọi người đua chen danh lợi thì Ðào Tấn lại giải bày "Ðấng Tiên đế ủy thác cho ta phải làm công việc ngày hôm nay, nhưng kẻ bề tôi cô đơn này lại cứ toan tính trở về non cũ (Tiên đế ủy vi kim nhật dụng, vô thần hoàn tác cố sơn mưu). Ông Ðào không nuôi trí trở thành cột trụ của triều đình mà là từ một ông quan lớn, ông Ðào quyết biến thành nghệ sĩ: "một nghệ sĩ không ngừng đi tìm ý nghĩa của cuộc đời ở ngay trong cuộc đời không có ý nghĩa."   

CÙ MINH KHÁNH
Báo NGUỜI VIET DALLAS số 99 ra ngày 26 tháng 3 năm 1998

----------------------------------

Tài liệu tham khảo: