VÕ PHIẾN
Ðề tựa một cuốn sách của ông Nguyễn Ðình Tư, ông Nguyễn Hiến Lê cho biết đã từng muốn kiếm một khu vườn ở lại vũng Lắm hay Xuân đài.
Vị học giả từ đất Bắc vào toan mua vườn làm nhà ở Phú yên vì ông "thương" cảnh đẹp Phú yên, muốn thưởng ngoạn cho thỏa thích. (Thương là chữ của ông Nguyễn, nhại một tiếng trong ca dao địa phương). Làm dân Bình định, tôi có hơn ông Nguyễn thêm một lý do nữa để lưu luyến Phú yên: ở đây, người ta "thương" trai Bình định. "Người ta" là con gái, thế mới càng thú vị. Thú vị và hiếm có. Bởi vì trong văn chương bình dân của từng địa phương không dễ tìm ra một câu thắm thiết tình tứ của miền này hướng về miền kia như câu hát của gái Phú yên:
Anh về Bình định chi lâu
Chiều chiều em đứng hàng dâu ngó chừng.
Hai hàng nước mắt rưng rưng,
Chàng xa cách thiếp dậm chưn kêu trời.
Tìm đâu cho được những câu như thế? Câu hát về trai Quảng gái Huế chăng?
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.
Thực ra ở đây chỉ có chàng trai xứ Quảng bị "chọc quê", chứ không hề có tình cảm của cô gái Huế.
Còn về cô gái Phú yên thì cái tình cảm của cô không còn có thể ngờ vực gì nữa: câu hát trên đây không phải là ngẫu nhiên, là trường hợp duy nhất. Người ta bắt gặp nhiều câu tương tự: hoặc cô dặn "anh" mua cho cô một chiếc nón lá dày làm quà Bình định, hoặc cô trách "anh" bỏ cô kéo vải hái dâu một mình hơi lâu v.v... Tình cảm quí báu nọ được xác nhận đi xác nhận lại nhiều lần.
Vì gái Phú yên đa tình chăng?
Sự thực gái Phú yên chỉ mới mang tiếng đa tình từ khi bị Tản Ðà xem tướng (1). Nhưng con mắt Phú yên dù có đa tình, mắt ấy cũng chưa từng "ngó chừng" theo ông Tản Ðà. Chỉ có câu chuyện "đứng hàng dâu ngó chừng" theo anh Bình định!
Vì anh Bình định gần gũi, vì lửa gần rơm chăng?
- Không phải thế. Tỉnh Phú yên còn một mặt giáp giới tỉnh Phú bổn, một mặt giáp giới tỉnh Khánh hòa: Những gần gũi ấy chưa lưu một dấu vết tình cảm nào, ít ra là trong văn chương truyền khẩu. Gái Phú yên không tỏ ra đa tình với một ai khác, chỉ đa tình với trai Bình định mà thôi.
Vả lại, Bình định còn một mặt giáp giới Pleiku, một mặt giáp giới Quảng ngãi: Ca dao ở cả Quảng ngãi lẫn Bình định đều không đề cập đến một liên hệ tình cảm nào giữa bên này và bên kia đèo Bình đê. Cái tình của gái Phú yên đã là tình chuyên nhất lại là tình lâu bền, trải qua nhiều thế hệ. Tại Khánh hòa có câu hát:
Anh về Bình định thăm cha,
Phú yên thăm mẹ, Khánh hòa thăm em.
Từ thế hệ trước, cha Bình định đã gặp mẹ Phú yên! Làm sao cắt nghĩa được mối duyên nợ truyền kiếp này?
Cắt nghĩa là chuyện khó. Trong khi chờ đợi, tạm có vài suy đoán vu vơ.
Dân tộc mở rộng bờ cõi về phương Nam làm nhiều đợt, chúng ta dừng lại ở Thanh hóa thật lâu từ đầu Công nguyên; đến thế kỷ thứ VII thứ VIII tiến vào Nghệ an, Hà tĩnh; đến thế kỷ thứ XI, vào Quảng bình, Quảng trị; thế kỷ thứ XV, tiến vào Bình định; thế kỷ thứ XVI, XVII thanh toán đất Chiêm thành; sau cùng, sang thế kỷ XVIII, thì chiếm luôn Chân lạp.
Cứ tiến lên một chặng lại nghỉ ít lâu, rồi tiến chặng nữa. Kể ra là sáu chặng; nhưng sáu chặng ấy có thể phân làm hai thời kỳ khác nhau: Thứ nhất, từ đèo Cù mông trở ra, cuộc chinh phục và mở mang thuộc công lao các triều vua đóng đô ở ngoài Bắc. Thứ nhì, từ đèo Cù mông trở vào, thuộc công lao các vua chúa nhà Nguyễn.
Năm 1470, vua Lê Thánh Tôn đánh chiếm Ðồ bàn, tiến tận đèo Ðại lãnh, nhưng rồi chỉ giữ lại để cai trị phần đất từ đèo Cù mông trở ra. Năm 1611, Nguyễn Hoàng đánh Chiêm thành, lập đất Phú yên. Vào giữa khoảng thời gian hơn trăm năm ấy xảy ra việc Nguyễn Hoàng vào trấn đóng Thuận hóa năm 1558 với ý định chia đôi sơn hà, gián đoạn sự liên lạc Nam Bắc.
Trong thời kỳ Nam tiến thứ nhất, cứ mỗi lần chinh phục được đất mới, thì triều đình ngoài Bắc đưa người từ các tỉnh ngoài đó vào mở mang; cứ thế đến tận thế kỷ XVI. Vì vậy dân Quảng nam, Quảng ngãi, Bình định, trong buổi đầu phần đông có nguồn gốc trực tiếp ở Bắc, hay ở bắc Trung phần. Nhiều nhân vật đã lập nên nghiệp lớn ở Bình định vốn là gốc người đàng ngoài: Ðào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tấn (gốc Thanh hóa), Lê Ðại Cương, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ (gốc Nghệ an) v.v...
Trong thời kỳ thứ hai, vào đến Phú yên, không còn tình trạng ấy nữa. Khi Nguyễn Hoàng lấy được Phú yên thì Nam Bắc đã chia biệt, không còn lấy được người Bắc đưa vào Phú yên. Những đợt di dân đầu, chúa Nguyễn có thể đưa người Thuận Quảng vào; nhưng sau đó, liên tiếp trong mấy trăm năm, hầu hết có lẽ là việc di dân tự động của người Bình định. Nhân vật Phú yên được lưu danh, ngoài vị thành hoàng mở đất (Lương Văn Chánh), không có ai là gốc ở Ðàng Ngoài. Có chăng chỉ những người từ Bình định vào, như Châu Văn Tiếp, như Võ Trứ...
Phải chăng vì vậy mà có cái tình khắng khít giữa Phú yên với Bình định?
Di dân ở thời kỳ trước, từ Thanh Nghệ vào Quảng nam, Quảng ngãi, Bình định, không gây nên cái tình cảm ràng buộc hai miền như di dân ở thời kỳ sau từ Bình định vào Phú yên; nói cách khác, không có ái tình Thanh Quảng hay Nghệ Quảng trong ca dao mà chỉ có ái tình Bình Phú trong ca dao, như thế là vì lối di dân mỗi thời mỗi khác.
Thời trước, từ Bắc vào đất mới quá xa. Dân Thanh Nghệ vào Thăng hoa (Quảng nam ngày nay), Tư nghĩa (Quảng ngãi), Hoài nhơn (Bình định) hoặc tuân theo chiếu vua kêu gọi, hoặc vì mang án lưu hình v.v... đã đi là đi luôn, đi để lập nghiệp ở các miền đất mới, không tính ngày về. Thậm chí đời nhà Hồ, di dân phải thích hai chữ tên châu mình lên cánh tay. Ra đi như thế là từ bỏ một quê hương để nhận lấy cho mình một quê hương mới. Trước chuyến đi là dân Nghệ, dân Thanh; sau chuyến đi tức khắc thành hẳn một thành phần của dân Quảng, dân Bình định.
Trái lại, vào thời sau, trong những cuộc di dân tự động, "anh Bình định" vào Phú yên làm ăn, "thương" cảnh Phú yên, "thương" người Phú yên, ăn ở với em Phú yên nhưng vẫn không rời bỏ quê hương Bình định sát kề. Ngoài đó còn có cha mẹ, có mồ mả tổ tiên, có cả những dính líu về tài sản ruộng đất nữa. Ngày giỗ, ngày kỵ, những dịp chia ruộng bán nhà v.v..., anh không thể vắng mặt. Một bổn hai quê, anh Bình định đi đi về về mãi, khiến em Phú yên phải giậm chân kêu trời. Như thế cho đến một ngày kia, khi anh đã con đàn cháu lũ đùm đề, gánh gia đình cũng như sản nghiệp tạo dựng của anh ở quê vợ đã quá nặng quá lớn, đủ thu hút tất cả thì giờ, tâm trí, cùng sự hoạt động của anh, khi tuổi anh đã cao, sức anh đã suy sút, bấy giờ anh mới đành chịu định cư hẳn ở Phú yên, lấy quê vợ làm quê mình. (Nhưng bây giờ lại đến lượt đứa con trai của anh, theo tiếng gọi phương Nam, nó lên đường vào Khánh hòa làm ăn và lại gặp một em ở trong đó. Cha Bình định, mẹ Phú yên, vợ Khánh hòa: cuộc Nam tiến cứ thế tiếp diễn...)
Thành thử anh Bình định hấp dẫn, đầu đuôi chỉ vì một lối di dân nhì nhằng.
(1) "Ða tình con mắt Phú yên" (Tản Ðà)
VÕ PHIẾN
Giai phẩm TÂY SƠN Xuân Ất Hợi 1955