ANH HÙNG
MAI XUÂN THƯỞNG
BÙI THÚC KHÁN
Anh hùng Mai Xuân Thưởng ứng hùng năm Canh Thân (1860), tuẫn quốc năm Ðinh Hợi (1887). Người thôn Phú Lạc, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Ðịnh. Tư cách khác phàm, văn võ gồm đủ.
Theo tài liệu gần đây thì thân phụ của anh hùng Mai Xuân Thưởng là cụ Mai Xuân Tín, Bố chánh sứ tỉnh Cao Bằng, khi mất được vua Tự Ðức ban sắc truy tặng làm Trung Thuận Ðại phu, Án sát sứ (chánh tứ phẩm) tỉnh Cao Bằng, đặt tên Thụy là Ðoan Cẩn. Cụ Mai Xuân Tín là "nho khoa trạc tú, nghệ phố tiêu anh" (tức xuất thân từ khoa cử, tài đức tốt vời). Cụ mất năm 1866 lúc đang làm Bố chánh Cao Bằng, quan cữu được hộ tống về Bình Ðịnh giao cho vợ con cụ nhận an táng tại nguyên quán (Phú Lạc). Lúc ấy Mai Xuân Thưởng mới 6 tuổi.
Năm Ất Dậu (1885), quân Pháp đánh lấy Huế, vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, xuống chiếu Cần vương. Lúc bấy giờ ở tỉnh Bình Ðịnh đang mở khoa thi Hương cho các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Vừa thi xong trường Ba thì được tin kinh thành thất thủ, nhà vua xuất bôn. Sĩ tử phần đông bỏ thi, vào trường Tư chỉ còn 8 người và đều trúng tuyển Cử nhân, trong số đó có Mai Xuân Thưởng.
Khi ban áo mão cho các vị tân khoa, quan Chánh chủ khảo có tặng một bài thơ:
Sơn hà phong cảnh dị tiền niên
Hoàn giám du khan thử địa huyền
Hận mãn xương môn trần ám ngoại
Lê linh văn viện bút đình biên
Lịch triều giáo dục ân như hải
Bát giải thanh danh phẩm thị tiên
Nhất dự y quan nan tự hủy
Cương thường khán thử cổ anh hiền
Bài thơ có nghĩa:
Non sông xưa đã khác rày
Gương "hoành công khí" nơi này còn treo
Cửa rồng hận ngất trần hiêu
Bút hoa tuôn lệ tiêu điều viện văn
Lịch triều lai láng biển ân
Dự hàng bát tuấn thêm phần thanh cao
Áo xiêm trót đã buộc vào
Cương thường noi dấu anh hào nghìn xưa.
Sau khi xướng danh, quan Chánh chủ khảo mời riêng Mai Xuân Thưởng vào phòng nói chuyện.
Nguyên trước khi khảo lại các quyển thi, quan Chánh chủ khảo nằm mộng thấy một bà lão tặng một nhánh mai chỉ trổ một bông nhụy vàng cánh trắng, mùi hương nhẹ nhàng. Quan vừa đưa tay nâng thì hoa mai liền rụng vào nghiên son và bà lão biến mất. Giật mình tỉnh dậy, băn khoăn không hiểu là điềm chi. Khi thấy trong tám vị cử nhân có họ Mai và xem lại quyển thi thấy văn chương có khí phách, đoán rằng điềm ứng vào Mai công, nên mời vào ủy thác đại sự. Lúc này nước nhà còn mất, phần lớn là do nơi đám sĩ phu, làm việc phải hết sức thận trọng.
Mai Xuân Thưởng lãnh ý, trở về nhà noi dấu anh hào nghìn xưa, dấy nghĩa binh chống Pháp. Kính phục tài năng và đức độ của Mai công, các danh nhân trong tỉnh như Tăng Bạt Hổ ở Hoài Ân, Nguyễn Trọng Trì ở An Nhơn, Nguyễn Hoá ở Bình Khê, Nguyễn Can ở Tuy Phước... đều ra phò tá. Sĩ phu các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận đều hợp tác và chịu quyền chỉ huy. Ðại đa số dân chúng địa phương đều góp sức, góp công tham gia kháng chiến.
Nghĩa binh trú đóng những nơi hiểm yếu, đào hào đắp lũy chống giặc xâm lăng. Súng đạn có ít, binh khí phần nhiều là giáo sào, gươm mác, cung tên. Nhờ lòng dũng cảm của tướng sĩ, sự ủng hộ triệt để của đồng bào, nhiều trận đánh xáp lá cà đã làm cho địch quân phải khiếp đảm. Gần ba năm trời nghĩa binh chiến đâu anh dũng. Pháp không thể chiến thắng bằng quân sự bèn dùng tiền của, chức tước, lợi lộc mua chuộc nhưng không kết quả.
Vào khoảng hạ bán niên Bính Tuất (1886), Pháp sai trú sứ Aymonier và Trần Bá Lộc cử đại binh từ Sài Gòn ra Bình Ðịnh quyết tiêu diệt nghĩa binh. Mặc dù nghĩa binh tinh thần chiến đấu ngày thêm cao, nhưng trước một địch thủ đông quân số, thiện chiến và vũ khí tân chế, đạn dược hậu cần đầy đủ, nên nghĩa binh không chống giữ nổi các yếu điểm. Tháng 3 năm Ðinh Hợi (1887), sau trận thư hùng cục kỳ quyết liệt ở Bàu Sấu (An Nhơn), tướng sĩ và ba quân bị thương vong nặng nề, lực lượng tan rã, thất lạc. Mai công bị thương nặng, đơn thương độc mã chạy vào Linh Ðỗng (núi Phú Phong) ẩn náu và tìm phương kế gây lại lực lượng diệt thù. Quân giặc truy tầm nhưng không dò ra tin tức.
Tên ngoại nô Trần Bá Lộc liền hạ độc thủ: sanh cầm Mai thái mẫu, thảm sát lương dân, ngày ngày bắt lý hương hai thôn Phú Lạc và Phú Phong tra khảo. Trước tình thế khó cứu vãn, không muốn kéo dài cuộc chiến vì sợ đồng bào thương vong, khốn khó, Mai công rời Linh Ðỗng đến nạp mình cho giặc tại đình làng Phú Phong, nơi bọn Trần Bá Lộc đóng quân.
Triều đình Huế theo lệnh quân Pháp, khép Mai công vào tội tử hình, đưa đến thành Bình Ðịnh để chém đầu. Mai anh hùng tuẫn quốc ngày Rằm tháng Tư năm Ðinh Hợi (1887), thi thể được thân nhân nhận đưa về chôn cất ở làng cũ là Phú Lạc (Bình Khê) phía bắc ngạn sông Côn. Khi ra pháp trường, Mai công hướng về phía bắc lạy 5 lạy từ giã Vua, hướng về tây lạy 4 lạy từ giã Mẹ rồi ung dung bước lên đoạn đầu đài.
Bản án tử hình của Triều đình Huế dành cho Mai công có hai câu luận tội quan trọng:
Dương vị Hàm Nghi khởi nghĩa
Âm vị Huệ Nhạc báo thù
Có nghĩa là, bề ngoài (mặt nổi) thì anh hùng Mai Xuân Thưởng vì vua Hàm Nghi mà khởi nghĩa, còn thực chất bên trong (mặt chìm) thì để báo thù cho Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc... Mai công là người làng Phú Lạc, nơi sinh trưởng của Ba Vua Tây Sơn, nên triều đình Huế cho Mai công là thân thuộc dòng họ Tây Sơn, vì nhà Tây Sơn mà khởi loạn chống lại triều đình. Kết tội như vậy cho đỡ bẽ mặt chớ chẳng lẽ kết tội Mai công hưởng ứng lệnh Cần vương của vua Hàm Nghi mà khởi binh chống Pháp để cứu dân cứu nước! Người đời thường nhắc lại bài thơ mà Mai nguyên soái đã đọc (khẩu chiếm) trước khi bị đoạn đầu:
Không tính làm chi việc mất còn
Nợ trai lo trả ấy là khôn
Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước
Ðá tạc lòng trung quí mấy hòn
Tái ngắt mặt gian xương tợ giá
Ðỏ loè bia sách máu là son
Rồi đây ngọc luật đưa xuân lại
Một nhánh Mai già nảy rậm non.
Những cứ điểm trú phòng và những trận địa chiến của quân khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Mai nguyên soái đến bây giờ vẫn thường được nhắc nhở:
- Lộc Ðỗng tức Ðồng Hươu thuộc vùng núi Xà Kính ở làng Phú Phong (Bình Khê), trên đường vào Hầm Hô. Cơ quan chỉ huy toàn tỉnh đóng tại đây.
- Linh Ðỗng nằm trong vùng núi phía tây Lộc Ðỗng, thường gọi là Ðồng Le, tên chữ là Linh Phong Ðộng. Cơ quan bí mật của lực lượng kháng chiến ẩn trú tại đây, do Thống binh Nguyễn Hóa trấn giữ nên dân địa phương thường gọi là hang Thống Nguyễn. Nơi đây có hai hang, một trước một sau đều ăn sâu vào núi. Hang trước không rộng lắm, chưa vài chục người. Phía trước có một ngọn núi đứng dựng như một bức bình phong, phía sau là một dòng suối chảy quanh co. Qua khỏi suối đến Hang sau, rộng gấp 7, 8 lần hang trước. Miệng hang rộng đến vài thước, cao trên ba thước. Lòng hang bồng bềnh. Nắng lọt qua các kẽ đá, toả ánh sáng lờ mờ. Trước cửa, cây cối mọc um tùm che khuất cà miệng hang, không phải người quen đường thuộc lối, không thể nào tìm ra được hang. Vì vậy sau khi nghĩa quân đại bại ở Bàu Sấu (An Nhơn), Mai công vào Linh Ðỗng ẩn náu, quân địch lùng kiếm hết sức nhưng không tìm ra tung tích.
Ở Linh Ðỗng có đường ra Lộc Ðỗng mà cũng có đường sang Ðồng Vụ là nơi tích trữ lương thực gọi là Nam trại (thuộc làng Trinh Tường).
- Ðồng Quan là hậu cứ của nghĩa binh ở thôn Thuận Ninh, phía bắc sông Côn. Những quân lính sau thời gian trực tiếp tác chiến, trở về đây nghỉ ngơi và tăng gia sản xuất lương thực. Bắc trại Ðồng Quan là vùng đất phì nhiêu vì quanh năm có nước suối. Ðường vô ra rất hiểm trở vì chung quanh có núi gò bao vây. Phía nam của Bắc trại có một cái truông gọi là Truông Xe. Những xe cộ chở lương thực vào tích trữ ở Bắc trại cũng như phân phối ra tiền tuyến đều phải dừng nơi truông nên có tên gọi là Truông Xe.
- Bàu Ðồn ở xón Ðồng Tre, thôn Tả Giang (Bình Khê) nằm dưới một dốc cao, nghĩa binh của Mai công lập một cứ điểm quân sự nên gọi là Bàu Ðồn và Dốc ông Mai.
- Hòn Tổng Dinh ở quận Hoài Ân thuộc sơn hệ Kim Sơn. Ðây là một khu thứ hai của nghĩa binh ở phía bắc tỉnh Bình Ðịnh. Lúc đầu nghĩa binh chia làm 2 Trấn hoạt động phía nam và phía bắc tỉnh. Mai Xuân Thưởng đặc trách trấn phía nam. Cụ Tăng Bạt Hổ đặc trách trấn phía bắc, đặt Tổng hành dinh trong vùng núi Kim Sơn và cứ điểm đó được gọi là Hòn Tổng Dinh.
Phía nam hòn Tổng Dinh có hòn Trà Vinh, nghĩa quân cật kho tích trữ lương thảo, nên núi này có tên là núi Kho (hay núi Ðồng Kho). Ðịch quân chưa lần nào tiến đánh Tổng Dinh được vì địa thế hiểm yếu. Sau khi nghĩa binh bị đại bại tại trận Bàu Sấu, anh hùng Mai Xuân Thưởng tuẫn quốc, thì nghĩa binh ở mật khu Tổng Dinh cô thế, phải tan hàng. Cụ Tăng Bạt Hổ xuất ngoại, rồi sau này cùng cụ Phan Sào Nam gây phong trào Ðông Du.
- Thứ Hương Sơn. Hương Sơn tục gọi là núi Thơm ở huyện Bình Khê, nằm tựa sông Côn phía bắc ngạn, giữa những cánh đồng rộng của các thôn Kiên Thạnh, Trường Ðịnh, Vân Tường, Vĩnh Lộc, An Chánh. Nghĩa binh xây dựng cứ điểm quân sự, một dãy đồn lũy được xây đắp nơi một cái Eo ở giữa núi, gọi là Thứ Hương Sơn.
Nguyên soái Mai Xuân Thưởng giao việc trấn thủ Thứ Hương Sơn cho các vị: Tham trấn Võ Phong Mậu, một cử nhân ở thôn Thuận Hạnh (Bình Khê) tục gọi Tham Mậu. Hiệp trấn Nguyễn Trọng Trì, một danh sĩ ở An Nhơn, đậu cử nhân, làm quan ở Huế, không chịu nổi quốc nhục bỏ về vườn. Quản trấn Trần Nhã, một phú hộ ở thôn Trường Ðịnh, tánh hào hiệp, võ tinh luyện.
- Bàu Sấu, tên chữ là Ngạc Ðàm, ở dưới chân phía tây núi Kỳ Ðồng, nằm giữa thôn Ðại Bình và Thiết Tràng (An Nhơn). Xưa kia có một con cá sấu ở nơi bàu, sau bị lụt trôi đi mất. Bàu chỉ lớn độ vài ba mẫu, nước sâu không bao giờ cạn, qua lại phải dùng đò. Cuối năm Bình Tuất (1886), nghĩa quân Cần vương bị quân Trần Bá Lộc đánh phá dữ dội, nhiều đạo binh phòng thủ các yếu địa bị tiêu diệt lần. Liệu thế không thể kéo dài cuộc chiến, Mai nguyên soái quyết định cùng địch quân một trận mất còn: dồn đại binh lên núi Kỳ Ðồng, dùng Bàu Sấu lập trận thủy bối (dựa lưng vào nước mà tử chiến). Quân ta và quân địch cự chiến suốt hai ngày đêm. Ðịch tổn thất rất nhiều, nhưng địch có súng trường, trọng pháo, còn nghĩa binh thì vũ khí thô sơ. Sau mấy trận chống chỏi oanh liệt, lớp này chết lớp kia xông ra, nghĩa quân hao mòn, đuối sức bị quân địch tiêu diệt. Mai nguyên soái bị thương nặng, máu ướt cả chiến bào, chết ngất trên mình ngựa. Con Hồng (ngựa) chở chủ vượt qua Bàu Sấu chạy thẳng về nhà ở Phú Lạc. Sau khi được cứu tỉnh, nguyên soái vào mật khu Linh Ðỗng, quyết chỉnh tu binh mã để tiếp tục kháng chiến. Nhưng rồi sau đó, vì độc thủ của Trần Bá Lộc nên Mai công phải nộp mình cho giặc và bị xử chém.
Những trận đánh lớn khác còn được nhắc đến như Thủ Thiện, Ðồng Vụ (Bình Khê); Ðông Viên, Cầm Văn (An Nhơn); cầu Trường Úc (Tuy Phước). Nghĩa binh đã sử dụng võ thuật Bình Ðịnh đánh xáp lá cà gây nhiều tổn thất cho địch quân.
Tướng Ðặng Ðề (người Bình Khê) - một tay võ nghệ nổi tiếng - đã chỉ huy mặt trận Thủ Thiện (nay thuộc xã Bình Nghi) cho quân xung phong cận chiến, có trống trận yểm trợ tinh thần, y như đạo quân Tây Sơn ngày trước. Vị tướng này có viết :
Thủ Thiện thôn trung bề cổ động
Nghĩa binh phấn dũng vũ đao thương.
Việt Thao dịch:
Thủ Thiện trong thôn trống trận rền
Nghĩa binh dũng cảm giáo vung lên
Sau này, Lê Thượng Nghĩa (Sư tổ võ thuật Bình Ðịnh) có bài thơ nhắc đến các trận đánh ở Trường Úc và Cẩm Văn:
Binh nhung hào kiệt vũ ngô câu
Xung đột trùng vi trảm tặc đầu
Trường Úc, Cẩm Văn tề báo tiệp
Nghĩa binh thanh giá chấn toàn châu
Việt Thao dịch:
Diệt thù hào kiệt múa gươm thiêng
Xông phá vòng vây chém giặc liền
Trường UÙc, Cẩm Văn đều thắng lớn
Nghĩa quân lừng lẫy khắp trong miền.
Mai anh hùng bị bọn thực dân và phong kiến kết tội phản loạn (làm giặc) nên không ai dám đến viếng phần mộ của người (mộ đất ở thôn Phú Lạc), ngoại trừ gia đình thân thuộc mỗi năm đến tảo mộ một
lần.
Sau ngày chính quyền Quốc gia tái lập trên đất Bình Ðịnh, nhân dân Bình Khê chung của, góp công xây lăng mộ và lập bia kỷ niệm để tỏ lòng sùng bái anh hùng. Mộ của Mai nguyên soái nằm nơi khuất tịch, giao thông trở ngại, nên sĩ phu và dân chúng thương thảo với Mai tộc, cải táng sang phía nam ngạn sông Côn, bên quốc lộ 19 thuộc xã Bình Tường.
Lăng xây trên dãy Hoành Sơn, tục gọi Núi Ngang, mặt hướng về đông. Bốn trụ ba biểu to lớn, cao vút đứng sừng sững làm cổng vào Lăng. Lăng bao trùm một ngọn đồi tròn trịa xinh xắn. Qua khỏi bốn trụ ba biểu, bước lên 26 bực cấp vừa cao, vừa rộng thì đến Ðài Kỷ niệm. Ðài dựng giữa một khoảnh sân rộng, mặt trước đắp 4 chữ lớn "TỔ QUỐC GHI CÔNG". Qua khỏi Ðài thí đến Chính tẩm. Ðây là một ngôi nhà điệp ốc, cất theo kiểu xưa, mái ngói âm dương, thềm đá núi, nền lát đá vuông láng. Mộ nằm giữa nhà, hình chữ nhật, phía trước có mộ chí:
Ðây là nơi an nghỉ
Bên lòng người Việt yêu nước
Nhà Anh Hùng
MAI XUÂN THƯỞNG
Ứng hùng năm Canh Thân (1860)
Tuẫn quốc năm Ðinh Hợi (1887)
Dưới chân mộ là tấm bia cao lớn khắc một bài KỶ nêu tiểu sử và công nghiệp của Mai Anh hùng. Lăng xây cất trông đơn giản, nhưng quang cảnh thật trang nghiêm.
Lăng xây vào mùa Xuân năm Tân Sửu (1961), nhưng đến cuối Ðông (ngày 17 tháng chạp tức 22-1-1962) mới cải táng Mai công. Lễ cải táng rất trọng thể. Trước ngày chính lễ, trung cốt được bốc theo cổ tục. Di hài không còn gì, chỉ thu lượm được mấy mảnh xương chân, một hột nút huyền và ít đất đen. Ðồng bào địa phương và các quận hạt lân cận trong tỉnh đến dự lễ rất đông. ai nấy đều lặng lẽ xếp hàng từng đoàn, từng toán dọc hai bên đường để chiêm bái linh cữu đi qua. Từ đó các nhà hữu tâm và khách du lịch phương xa thường đến viếng Lăng. Hằng năm, vào ngày Rằm tháng tư âm lịch, nhân dân Bình Khê cử hành lễ tưởng niệm tại Lăng.
Từ năm 1965 cuộc chiến tranh trở nên khốc liệt, du kích quân thường ẩn núp trong Lăng để bắn tỉa và tấn công xe và binh sĩ VNCH di chuyển trên quốc lộ 19. Súng đạn đã làm cho Lăng bị hư hỏng đổ nát và không có ai dám đến viếng Lăng nữa. Ðến nay Lăng vẫn còn trong tình trạng hư hỏng không được trùng tu.
Bây giờ, Từ đường họ Mai còn toạ lạc tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn (Bình Khê cũ), tỉnh Bình Ðịnh. Vào ngày rằm tháng tư âm lịch hằng năm, lễ giỗ Mai anh hùng được cử hành đơn giản tại đây, trong không khí đầm ấm, cảm động của gia đình họ Mai.
Ngày xưa, trong bài Ai Ðiếu Mai Nguyên Soái, một danh sĩ đương thời là Nguyễn Bá Huân đã hết lòng tán thán, khâm phục:
Ðan tâm chỉ vị cứu lương dân
Hoành sóc ngâm thi hữu kỹ nhân
Nhất phó hung khâm hoành vĩ trụ
Tam niên cầm kiếm định phong trần.
Có người đã dịch:
Lòng son chỉ muốn cứu lương dân
Vung giáo, ngâm thi mấy kẻ bằng
Một tấm lòng trung trùm vũ trụ
Ba năm đàn kiếm sạch phong trần.
Sự nghiệp của anh hùng Mai Xuân Thưởng đã được chép vào Quốc sử, tên tuổi và tài danh của Người mãi mãi rạng rỡ với núi sông và mãi mãi sống trong lòng người Việt Nam. Tình cảm của người dân địa phương đối với Mai Anh hùng vừa bàng bạc, vừa sâu lắng qua câu hát dân gian:
Ngó vô Linh Ðỗng mây mờ
Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây...!
Nam California, tiết Quí Ðông Kỷ Mão
BÙI THÚC KHÁN
Giai Phẩm TÂY SƠN Xuân Canh Thìn 2000